- 290 - 293 -
Tác giả: Bồ Tùng Linh
Vương Phần Tân nói ở quê ông có người nuôi chim cưỡng, dạy cho nói tiếng người, rất thành thục, đi đâu cũng mang theo, như thế được vài năm. Một hôm tới huyện Giáng Châu (tỉnh Sơn Tây), cách nhà còn xa mà tiền lưng đã cạn, y buồn lo nhưng không biết làm sao. Chim nói "Sao không bán ta đi? Đưa ta tới vương phủ chắc chắn được giá cao, lo gì không có tiền về nhà?". Y nói "Ta đâu nỡ làm thế ". Chim nói "Không sao, chủ nhân được tiền rồi cứ đi thật nhanh, chờ ta ở dưới gốc cây lớn phía tây cách thành hai mươi dặm". Y theo lời, đem chim vào thành, trò chuyện với nó, người xem kéo tới đông nghẹt. Có người quyền quý nhìn thấy, kể cho Tấn vương nghe, vương gọi y vào, tỏ ý muốn mua chim. Y nói "Tiểu nhân dựa vào con chim này sinh sống nên không muốn bán". Vương hỏi chim "Ngươi có muốn ở lại đây không?", chim đáp muốn. Vương mừng rỡ, chim lại nói "Chỉ cần mười đồng vàng thôi, đừng đưa nhiều hơn". Vương càng vui vẻ, lập tức sai đưa ra mười đồng vàng. Người kia làm ra vẻ căm hờn buồn bã bỏ ra.
Vương trò chuyện với chim, thấy đối đáp nhanh nhẩu, gọi lấy thịt cho ăn. Ăn xong, chim nói "Thần muốn tắm". Vương sai lấy chậu vàng múc nước, mở lồng cho nó ra tắm. Tắm xong, chim bay qua bay lại trước thềm, vỗ cánh rỉa lông, vẫn liến láu trò chuyện với vương không ngớt. Giây lát cánh khô hẳn, giương cánh bay lên, nói giọng Tấn (vùng Sơn Tây) rằng "Thần đi đây!", trong chớp mắt đã mất hút. Vương cùng các nội thị ngửa mặt than tiếc, vội tìm người kia thì đã đi xa rồi. Về sau có người tới Tần Trung (vùng Thiểm Tây), thấy y mang chim đi trong thành Tây An (tỉnh thành Thiểm Tây). Tiên sinh Tất Tải Tích* chép lại chuyện này.
*Tất Tải Tích: xem chú thích truyện Chúc ông, quyển II.
291. Thương Tam Quan
(Thương Tam Quan)
Thành Gia Cát cũ có Thương Sĩ Võ là kẻ sĩ nhân. Vì say rượu nói năng xúc phạm người thế hào, bị người ấy sai gia nhân xúm lại đánh tơi bời, cõng về tới nhà thì chết. Thương có hai trai, lớn là Thần, thứ là Lễ và một gái là Tam Quan, mười sáu tuổi, đã hẹn ngày cưới nhưng gặp việc cha chết phải đình lại. Hai anh Tam Quan đưa đơn kiện nhưng cả năm sau cũng chưa được xử nhà thông gia sai người đến gặp mẹ nàng xin cho tòng quyền làm đám cưới. Người mẹ định ưng thuận nhưng cô gái bước lên nói "Xác cha mất còn chưa lạnh mà đòi cưới xin, họ không có cha mẹ à?". Nhà thông gia nghe thế xấu hổ đành thôi. Không bao lâu hai anh đi kiện không được, chịu lép trở về, cả nhà bi phẫn. Hai anh định quàn xác cha để tiếp tục thưa kiện, Tam Quan nói "Người bị giết mà quan không xét, việc đời thế nào đủ biết rồi, chẳng lẽ trời sinh riêng cho hai anh em anh một Bao Công à? Để thi hài cha phơi ra như thế thì nỡ lòng nào!". Hai anh phục lời ấy, bèn lo mai táng cha.
Việc chôn cất vừa xong, Tam Quan ban đêm trốn đi, không biết đi đâu. Người mẹ lấy làm xấu hổ, sợ nhà thông gia biết, không dám nói cho họ hàng hay, chỉ dặn hai con trai ngấm ngầm tìm kiếm, nhưng suốt nửa năm vẫn không thấy tăm hơi. Gặp dịp người thế hào mở lễ mừng thọ, gọi phường trò tới giúp vui. Người phường trò tên Tôn Thuần dẫn theo hai đứa học việc để sai vặt, một người tên Vương Thành, mặt mũi bình thường nhưng tiếng hát trong vắt mọi người đều khen ngợi, một người tên Lý Ngọc, mặt mày xinh đẹp thanh tú như con gái, gọi ra bảo hát thì từ chối là ít luyện tập, ép thì những bài hát ra có một nửa chen cả các điệu hò vè của đàn bà con gái, cả tiệc vỗ tay ầm lên. Tôn thẹn quá, thưa với chủ nhà rằng thằng nhỏ này theo học chưa bao lâu, chỉ mới biết mời rượu, xin đừng trách, rồi sai ra chuốc rượu.
Ngọc lui tới dâng rượu, rất khéo đón ý chủ nhân, người thế hào rất vừa ý. Đến khi tan tiệc, khách khứa ra về, người thế hào giữ Ngọc lại ngủ cùng. Ngọc dọn giường cởi áo cho chủ, hầu hạ rất chu đáo, người thế hào càng thích, cho người hầu ra hết chỉ giữ có Ngọc lại trong phòng. Ngọc đợi đám người hầu ra hết liền đóng của cài then. Đám người hầu sang phòng khác ăn uống, lát sau nghe thấy trong phòng chủ ngủ có tiếng cành cạch, một người bước qua xem, chỉ thấy trong phòng tối đen yên lặng, đang định quay đi chợt nghe tiếng động lớn như vật nặng treo trên cao đứt dây rơi xuống, vội lớn tiếng hỏi nhưng không thấy ai trả lời. Y gọi mọi người phá cửa vào, thấy chủ nhân đã đầu lìa khỏi xác. Ngọc thì treo cổ tự tử, dây đứt xác rơi xuống đất, đầu dây vẫn còn lủng lẳng trên xà nhà. Mọi người hoảng sợ, gọi nhau vào tụ họp trong phòng bàn bạc nhưng không hiểu vì sao.
Đem xác Ngọc ra sân thì thấy trong giày tất trống không như không có bàn chân, cởi ra xem thấy bàn chân bó nhỏ, té ra là con gái. Họ càng hoảng sợ, gọi Tôn Thuần tới căn vặn. Thuần sợ lắm, không biết vì sao, chỉ nói “Tháng trước Ngọc tới xin học nghề, hôm nay xin đi theo tới đám mừng thọ, thật không rõ là từ đâu tới" Thấy Ngọc mặc tang phục bên trong, nhà thế hào ngờ là thích khách của họ Thương, bèn cắt ra hai người canh giữ xác chết. Cô gái mặt đẹp như ngọc, vỗ về thì thấy thân thể tay chân ấm áp mềm mại, hai người bèn bàn nhau lén hành dâm. Một người ôm xác cô gái nắn bóp vần vò, đang định cởi dây lưng thì chợt như bị đập mạnh vào đầu, hộc máu mồm chết ngay tại chỗ. Người kia sợ hãi kể lại, mọi người đều kính cẩn coi cô gái như thần minh. Sáng ra lên báo quan, quan gọi Thần và Lễ lên hỏi, họ đều nói không biết gì, chỉ nói em gái là Tam Quan đã bỏ nhà đi nửa năm rồi, sai tới xem xác chết thì đúng là Tam Quan. Quan cho là vịệc lạ lùng, cho hai người mang xác em gái về chôn cất, lại khuyên gia đình người thế hào không nên thù hằn.
Dị Sử thị nói: Trong nhà có nữ Dự Nhượng* mà không hay, thì hai người anh làm đàn ông ra sao cũng có thể biết rồi. Nhưng làm người như Tam Quan thì ngay cả kẻ qua sông Dịch** cũng còn thẹn là chưa bằng, huống hồ những kẻ tầm thường chìm nổi theo đời sao? Mong sao những đàn bà con gái trong thiên hạ mua chỉ về thêu tranh nàng để thờ, thì phúc đức chẳng kém gì so với việc thờ phụng Quan Đế đâu.
*Dự Nhượng: người thời Xuân thu, hủy hoại thân thể để cải trang báo thù cho chủ, người sau coi là bậc hiệp nghĩa.
** Kẻ qua sông Dịch: tức Kinh Kha, người thời Chiến quốc, kiếm khách của Thái tử Đan nước Yên sai đi hành thích Tần vương (tức Tần Thủy hoàng). Tương truyền khi sang sông Dịch để tiến vào địa giới nước Tần, Kinh Kha ngẩng mặt hát, lời ca rất khảng khái thê thiết.
292. Sư Tây Vực
(Tây Tăng)
Sư Tây Vực từ Tây Vực tới, một người lên núi Ngũ Đài, một người tới núi Thái Sơn, trang phục tướng mạo đều khác hẳn người Trung nguyên. Tự nói rằng đường đi qua Hỏa Diệm Sơn, núi non trơ trọi, hơi nóng xông lên như lò lửa. Phàm đi phải chọn lúc sau cơn mưa, mà phải hết sức cẩn thận, nếu sơ sót đặt chân lên đá núi, đá sụt xuống thì khói lửa sẽ tuôn ra. Lại qua sông Lưu Sa, trong sông có hòn núi pha lê, vách núi cao chạm trời, bốn bề trong veo như không có cách bức gì cả. Lại có ải đủ cho một chiếc xe đi lọt, có hai con rồng nằm đối diện nhau giữ chặt cửa ải, người đi qua phải lạy rồng trước, nếu rồng cho qua thì há miệng ra. Rồng màu trắng, vảy đều sáng lấp loáng như pha lê. Họ nói rằng đi đường trải qua mười tám mùa nóng lạnh, lúc rời Tây Vực có mười hai người, mà tới được Trung Nguyên chỉ còn có hai. Ở Tây Vực đồn rằng Trung nguyên có bốn ngọn danh sơn là Thái Sơn, Hoa Sơn, Ngũ Đài, Lạc Già* mặt đất trên núi đầy vàng ròng, các vị Phật như Quan âm, Văn Thù đều còn sống ở đó, nếu tới được thì mình cũng sẽ được trường sinh bất tử như Phật. Theo như lời họ nói thì vẫn còn có người hâm mộ Tây Vực. Giả như có kẻ Tây du người Đông độ gặp nhau giữa đường, ai cũng kể chuyện xứ mình, thì chắc là sẽ nhìn nhau cười ngất, đôi bên khỏi phải lặn lội khổ cực vậy.
*Thái Sơn, Hoa Sơn, Ngũ Đài, Lạc Già: tức các núi Thái Sơn ở Sơn Đông, Hoa Sơn ở Thiểm Tây, Ngũ Đài ở Sơn Tây, Phổ Đà ở Chiết Giang, ngày trước đều có chùa chiền rất nổi tiếng trong đạo Phật ở Trung Hoa.
293. Tượng Quỷ Bằng Đất
(Nê Quỷ)
Thái sử Đường Tế Vũ người hương ta, lúc lên vài tuổi có người anh họ dắt đi chơi chùa. Thái sử lúc còn nhỏ đã lỗi lạc, rất gan dạ, thấy pho tượng quỷ bằng đất ở hành lang trợn mắt sáng quắc, rất thích thú bèn lén lấy ngón tay móc lấy bỏ túi mang về. Về tới nhà thì người anh họ Thái sử chợt mắc bệnh nặng không nói được, giây lát lại vùng dậy lớn tiếng quát "Tại sao lại móc mắt ta?", rồi cứ la thét không thôi. Mọi người không biết chuyện gì, Thái sử mới nói việc mình đã làm. Người nhà bèn khấn "Trẻ con không biết gì nên nghịch ngợm làm tổn thương mắt quý, xin sẽ đem trả lại". Người anh họ Thái sử lớn tiếng nói "Nếu thế thì ta đi đây!” rồi ngã vật ra đất tắt hơi hồi lâu mới tỉnh. Hỏi lại những lời đã nói thì không nhớ gì, người nhà Thái sử bèn đưa mắt tới lắp trả vào tròng pho tượng.
Dị Sử thị nói: Lên thềm đòi mắt, tượng đất sao mà thiêng thế. Thấy Thái sử móc mắt, mà sao lại báo oán nơi người đi cùng, có lẽ vì Thái sử là người Tôn quý mà tính tình ngay thẳng chăng. Xem việc ông dâng thư lên cửa khuyết, phủi áo về non xưa, thì thần cũng phải sợ, huống chi là quỷ sao?