- 199 - 200 -
Tác giả: Bồ Tùng Linh
Vương Mộng Trinh ở huyện Mông Âm (tỉnh Sơn Đông) là con nhà thế gia, tình cờ đi chơi Chiết Giang thấy một bà già ngồi khóc trên đường. Hỏi han, bà đáp "Chồng ta đã chết chỉ để lại có một đứa con trai, nay nó phạm tội tử hình, ai mà cứu được?" Vương vốn khẳng khái bèn ghi nhớ họ tên rồi bỏ tiền túi lo lót, kế được tha tội. Người kia ra khỏi ngục nghe nói là Vương cứu mình, ngỡ ngàng không hiểu vì sao, tìm tới nhà trọ khóc lạy tạ rồi hỏi. Vương đáp "Không có gì khác, chỉ là vì ta thương mẹ ngươi già cả mà thôi". Người kia cả sợ, nói mẹ mình đã chết lâu rồi, Vương cũng lấy làm lạ. Đến tối bà già tới tạ ơn, Vương trách là lừa dối, bà nói "Nói thật ta là con hồ già ở Đông Sơn, hai mươi năm trước có gặp gỡ cha thằng bé một đêm, nên không nỡ để người đã chết đau khổ". Vương rợn người đứng lên tỏ vẻ kính trọng, định hỏi thêm cho rõ thì bà già biến mất.
Trước đó vợ Vương vốn hiền thục, mộ đạo Phật, không uống rượu. Trong nhà dành riêng ra một gian phòng sạch sẽ treo hình Quan âm để cầu con trai nối dõi, hàng ngày thắp hương khấn khứa. Mà Thần Phật lại rất linh thiêng, thường báo mộng dạy những điều cần tránh, nhờ vậy mọi việc trong nhà đều theo dó mà làm. Sau vợ Vương mắc bệnh nặng bèn sai dời giường vào gian thờ, lại đặt riêng một chiếc nệm gấm trong phòng mà thường đóng kín cửa như giấu diếm điều gì. Vương cho là tin nhảm nhưng lại nghĩ rằng vợ bệnh nặng mê sảng nên không nỡ trái ý. Vợ Vương mắc bệnh hai năm, rất ghét tiếng ồn, thường che màn nằm một mình, lắng nghe thì như đang nói chuyện với người nào nhưng mở cửa nhìn thì không có ai. Lúc nằm bệnh không lo lắng điều gì, duy có đứa con gái mười bốn tuổi, chỉ ngày ngày lo sửa soạn quần áo cưới bảo lấy chồng. Con gái lấy chồng rồi, nàng gọi Vương tới cạnh giường cầm tay nói "Nay xin vĩnh biệt. Khi thiếp vừa mắc bệnh, Bồ Tát đã báo mộng nói không còn sống lâu được, nhưng niệm tình còn có chuyện chưa làm xong nên ban cho ít thuốc kéo dài hơi tàn đợi đến lúc gả chồng cho con. Năm ngoái Bồ Tát trở về Nam Hải, lưu lại thị nữ Tiểu Mai săn sóc cho thiếp. Nay sắp chết, người bạc phận không sinh nở được, thiếp rất thương Bảo Nhi, sợ chàng lấy phải vợ ghen thì mẹ con mất nơi nương tựa. Tiểu Mai xinh đẹp lại hiền thục, chàng nên cưới làm vợ kế".
Vương vốn có người thiếp sinh được một trai đặt tên là Bảo Nhi, lúc ấy cho lời vợ là hoang đường, bèn hỏi "Nàng vẫn thờ kính Thần Phật, nay nói những lời như thế, chẳng cũng bất kính ư?". Vợ đáp “Tiểu Mai săn sóc thiếp hơn một năm nay không nề vất vả, thiếp đã nài nỉ khẩn cầu rồi". Hỏi Tiểu Mai đâu, vợ nói "Không có trong phòng sao?", Vương định hỏi nữa thì nàng nhắm mắt tắt thở. Đêm ấy Vương thức giữ linh cữu, nghe trong phòng có tiếng nức nở, cả sợ ngờ là ma, gọi đám tớ gái mở khóa vào xem thì thấy là một cô gái xinh đẹp khoảng mười sáu tuổi mặc áo tang. Mọi người cho là thần cùng cúi lạy, cô gái lau nước mắt đỡ dậy. Vương chăm chú nhìn, nàng chỉ cúi đầu. Vương nói “Nếu lời trối của người đã khuất là đúng thì mời nàng lên nhà trên cho con trẻ, đầy tớ trong nhà lạy chào, nếu không thì ta cũng không dám vọng tưởng để mắc phải tội lỗi". Nàng đỏ mặt bước ra, cùng lên nhà trên, Vương sai tớ gái trải chiếu rồi bước vào lạy trước, cô gái cũng lạy trả, kế tới mọi người trong nhà theo thứ tự lớn nhỏ ra vái lạy. Nàng nghiêm trang ngồi nhận lễ, duy đến lượt người thiếp thì đứng lên đỡ dậy.
Từ khi vợ Vương mắc bệnh nằm liệt giường kẻ ăn người làm sinh thói lười biếng ăn cắp, việc nhà đã lâu không có ai coi sóc. Mọi người làm lễ ra mắt xong, xếp hàng đứng hầu, cô gái nói "Ta cảm lòng thành của phu nhân nên lưu lại trần gian, lại được ủy thác cho việc lớn. Các ngươi đều nên tự mình sửa đổi, gắng sức cho chủ, những lỗi lầm trước đây ta không hỏi tới, nếu không thì đừng nói trong nhà không có người". Mọi người cùng nhìn lên thấy nàng giống hệt bức tranh Quan âm lay động lúc có làn gió thổi qua, nghe thế run sợ đều dạ ran. Nàng cắt đặt mọi người lo việc tang đâu vào đấy, từ đó lớn nhỏ trong nhà không ai dám trễ nải. Cô gái cả ngày lo toan công việc trong ngoài, Vương định làm gì cũng hỏi qua nàng mới làm. Tuy một ngày gặp nhau mấy lần, nhưng không nói một câu riêng tư. Sau tang lễ Vương muốn nhắc lời vợ dặn nhưng không dám nói thẳng bèn nhờ người thiếp ngỏ ý. Cô gái nói "Ta đã nhận lời phu nhân dặn dò cặn kẽ, không thể từ chối, nhưng hôn phối là việc lớn, không thể quấy quá. Hoàng tiên sinh là vai bác, ngôi cao đức lớn, xin mời ông làm chủ hôn thì ta xin vâng mệnh".
Lúc bấy giờ quan Thái bộc họ Hoàng ở huyện Nghi Thủy (tỉnh Sơn Đông) đã về trí sĩ, là bạn của cha Vương, vẫn đi lại thân thiết với nhau. Vương lập tức tới thăm kể rõ mọi việc, Hoàng lấy làm lạ bèn cùng tới nhà Vương, cô gái nghe báo liền ra lạy chào. Hoàng vừa trông thấy, kinh ngạc cho là người tiên, không dám nhận lễ, kế tặng quà rất hậu, làm đám cưới xong rồi về. Cô gái đưa tặng gối êm giày ấm, chu đáo như thờ cha mẹ chồng, từ đó hai nhà càng thêm thân thiết. Sau lễ hơp cẩn, Vương vẫn coi nàng là thần nên trong lúc yêu đương vẫn có phần cung kính, thỉnh thoảng lại dò hỏi về việc Bồ Tát ăn ở ra sao. Cô gái cười nói "Chàng thật ngốc quá, làm gì có chuyện thần thánh nào lấy người trần thế?”. Vương lại căn vặn nàng từ đâu tới, nàng đáp “Không cần phải hỏi kỹ, nếu cho là thần thì cứ sớm tối thờ phụng, sẽ không mắc tội”. Cô gái với người dưới thường khoan dung, lúc nào nói cũng cười nhưng đám tớ gái đang đùa giỡn với nhau vừa thấy bóng nàng là im bặt. Nàng cười bảo "Chẳng lẽ các ngươi còn cho ta là thần sao? Ta mà là thần thánh gì, thật ra là em phu nhân, nhưng ít khi đi lại, chị ta ốm nhớ em nên ngầm nhờ bà Vương ở thôn nam gọi ta tới, ở đây sợ ngày đêm gần gũi anh rể có điều không tiện nên nói thác là thần, ở kín trong phòng chứ thật ra có phải là thần thánh gì đâu!”. Mọi người vẫn chưa tin lắm nhưng hàng ngày hầu hạ bên cạnh thấy nàng chẳng khác gì người thường nên những lời bàn tán cũng hết dần.
Nhưng với đám tôi tớ ngu si bướng bỉnh mà Vương đánh mắng vẫn không dạy dỗ được, nàng chỉ nói một câu là ai cũng ngoan ngoãn vâng lời, đều nói “Không rõ vì sao, chứ thật ra không sợ hãi gì nhưng cứ thấy mặt nàng là mềm lòng, không nỡ làm điều gì trái ý". Từ đó mọi việc trong nhà đều tốt đẹp lên, trong vài năm mà ruộng tốt liền bờ, kho thóc đầy ắp. Vài năm sau người thiếp sinh một gái, nàng cũng sinh một trai, đứa nhỏ mới sinh ra đã có một nốt ruồi son trên cánh tay phải, nhân đặt tên là Tiểu Hồng. Lúc đầy tháng, cô gái bảo Vương làm tiệc lớn mời Hoàng, Hoàng gởi quà mừng rất hậu nhưng từ tạ không tới vì già yếu không đi xa được, nàng sai hai bà già qua nài nĩ Hoàng mới tới. Nàng bế đứa nhỏ ra vạch tay trái để giải thích tên con, lại hỏi đi hỏi lại rằng nốt ruồi ấy là tốt hay xấu. Hoàng cười đáp "Đo như thế là tốt, nên thêm một chữ vào tên, gọi là Hỷ Hồng". Nàng mừng lắm bước ra lạy tạ.
Hôm ấy đàn sáo vang nhà, thân thích tới mừng đông nghẹt, Hoàng ở chơi ba ngày mới về. Chợt ngoài cổng có xe ngựa tới đón cô gái về thăm nhà, mọi người vì suốt mười năm không hề thấy nàng có họ hàng gì lui tới nên đều xôn xao bàn tán. Nhưng cô gái làm như không nghe thấy, cứ sửa soạn hành trang bế con đi, bảo Vương theo tiễn. Vương đi theo, được khoảng hai ba mươi dặm tới một chỗ vắng, cô gái dừng xe gọi Vương xương ngựa lên buông rèm trò chuyện, nói “Vương lang, Vương lang! Sum họp ngắn ngủi, chia ly lâu dài, chàng có đau lòng không?” Vương hoảng sợ hỏi nguyên do, nàng nói "Chàng biết thiếp là ai không?”. Vương đáp không biết, nàng hỏi “Trước đây chàng có cứu một người bị tội chết ở Giang Nam, đúng không?”, Vương đáp có. Cô gái nói "Bà già khóc trên đường ấy là mẹ thiếp, vì cảm nghĩa của chàng nên nghĩ cách báo đáp, mới nhân việc phu nhân mộ đạo Phật bảo thiếp giả làm thần, thật ra là để đem thiếp báo ơn chàng. Nay may mắn sinh được đứa con này, thế là toại nguyện. Thiếp thấy chàng sắp đến vận xấu, nếu để đứa nhỏ này ở nhà e không nuôi được, nên phải mang theo để tránh tai ách cho con. Chàng nhớ là lúc nào trong nhà có ai chết thì cứ lúc gà gáy canh đầu phải tới rặng liễu trên bờ đê Tây Hà, chờ người cầm đèn lồng hoa quỳ tới đón đường cầu khẩn mới có thể thoát nạn". Vương hứa sẽ nhớ, lại hỏi ngày trở lại, nàng đáp "Không thể tính trước, nhưng chỉ cần chàng nhớ kỹ lời thiếp thì ngày tái ngộ cũng không xa lắm đâu”. Lúc lên đường cầm tay Vương khóc ròng, kế lên xe đi nhanh như bay, Vương nhìn theo đến khi khuất bóng mới quay về.
Sáu bảy năm sau Tiểu Mai vẫn bặt tăm, chợt bệch dịch lan tràn khắp nơi, người chết như rạ. Một người tớ gái trong nhà bị bệnh ba ngày rồi chết, Vương vẫn nhớ lời cô gái dặn nhưng hôm ấy có khách, uống rượu say ngủ quên, tỉnh dậy nghe tiếng gà gáy vội tìm ra rặng liễu trên đê, thấy có ánh đèn le lói song đã xa rồi, vội đuổi theo nhưng đi được một bước thì thấy xa thêm trăm bước, càng duổi theo thì ánh đèn càng xa, dần dần không thấy đâu nữa. Vương buồn rầu trở về, vài hôm sau mắc bệnh nặng rồi chết. Họ hàng Vương có nhiều kẻ vô lại, thấy thế cùng ức hiếp con côi vợ góa, lúa ruộng trái vườn công nhiên gặt hái, nhà cửa ngày càng sa sút. Qua năm sau Bảo Nhi lại chết, trong nhà không có ai là chủ, bọn chúng càng ngang ngược, chiếm hết ruộng vườn, bắt hết trâu ngựa. Lại muốn chia nhau cả nhà cửa, vì người thiếp của Vương còn ở đó bèn dắt mấy người tới bắt ép đem bán. Người thiếp thương đứa con gái nhỏ, mẹ con bịn rịn khóc lóc, láng giềng đều thương xót.
Đang lúc nguy cấp chợt nghe ngoài cổng có tiếng xe ngựa đỗ lại, mọi người nhìn ra thì Tiểu Mai dắt con trai bước xuống. Nàng nhìn quanh thấy mọi người đang nhao nhao như cái chợ, bèn hỏi đó là ai, người thiếp khóc lóc kể lại. Cô gái biến sắc mặt, lập tức sai người theo hầu đóng cổng khóa lại. Bọn kia toan chống cự nhưng tay chân tự nhiên nhũn ra, cô gái ra lệnh trói tất cả lại vào cột nhà, mỗi ngày cho ăn ba bát cháo loãng, sai một lão bộc tới báo ngay cho ông Hoàng, kế vào nhà khóc lóc thảm thiết rồi nói với người thiếp rằng "Đó là số trời, ta đã định về từ tháng trước lại vì mẹ ta ốm nặng nên chần chừ đến nay, không ngờ trong chớp mắt chàng đã thành người thiên cổ!". Lại hỏi tới các tôi tớ cũ thì đều bị người trong họ cướp đi, càng thêm thương cảm.
Hôm sau tôi tớ nghe tin nàng tới đều trốn về, gặp lại nhau đều sa nước mắt. Bọn người trong họ bị trói cùng kêu rằng đứa nhỏ kia không phải là con Mộ Trinh, cô gái cũng không thèm tranh cãi. Kế ông Hoàng tới, nàng dẫn con ra đón, Hoàng cầm tay đứa nhỏ kéo tay áo bên trái lên thì nốt ruồi son vẫn còn đó, bèn chỉ cho mọi người thấy chứng cứ đích xác. Liền hỏi kỹ về những vật đã mất, những người đã lấy, biên hết vào sổ báo lên quan huyện. Quan bắt tất cả bọn vô lại lên đánh mỗi tên bốn chục roi giam lại rồi lục soát nhà cửa, ruộng đất trâu ngựa đều trở về chủ cũ. Hoàng sắp về cô gái dắt con ra khóc lạy rồi nói "Thiếp không phải là người trần, chú đã biết rổi. Nay xin đem đứa con côi này gởi gắm cho chú”. Hoàng đáp "Lão phu còn một hơi thở cũng cố lo lắng cho nó”. Hoàng về rồi, cô gái xếp đặt việc nhà xong, gởi con cho người thiếp rồi mang lễ vật ra mộ cúng chồng, nửa ngày không về, ra xem thấy mâm bàn rượu thịt vẫn còn đó mà người đã biến mất.
Dị Sử thị nói: Không để người phải tuyệt tự thì người cũng không để mình phải tuyệt tự, đó là việc người nhưng thật ra cũng là đạo trời. Còn tới như trên tiệc có bạn hiền, áo cừu xe nhẹ có thể cùng hưởng mà lúc nấm mồ xanh cỏ, vợ con sa sút thì người trong xe thản nhiên nhìn qua rồi đi thôi. Bạn chết không nỡ quên, cảm ơn nghĩa thì nghĩ cách báo đáp, có phải chỉ riêng con người đâu. Hồ ơi, nếu ngươi có nhiều tiền bạc thì ta sẽ làm quản gia cho ngươi!
200. Cô Gái Đánh Sợi
(Tích Nữ)
Huyện Thiệu Hưng (tỉnh Chiết Giang) có người quả phụ đêm ngồỉ đánh sợi, chọt có một cô gái đẩy cửa bước vào cười nói “Bà không mệt sao?", nhìn ra thấy khoảng mười tám mười chín tuổi dung nhan đẹp đẽ, áo xiêm lộng lẫy. Bà già kinh ngạc hỏi “Cô ở đâu tới đây?”, cô gái đáp "Thương bà ở một mình, nên tới làm bạn”. Bà già ngờ là thê thiếp nhà giàu sang trốn đi, cứ căn vặn mãi. Cô gái nói “Bà đừng sợ, thiếp dù là hồ, cũng giống bà thôi. Thiếp mến bà là người trong sạch nên tới ở chung, cả hai đều đỡ vắng vẻ, thế không tốt sao?". Bà già lại ngờ là hồ, trầm ngâm do dự, cô gái bèn lên giường đánh sợi giúp, nói "Bà đừng lo việc kiếm sống thế này thiếp giỏi bậc nhất, quyết không làm phiền nhau về cái ăn cái uống đâu”. Bà già thấy nàng dịu dàng khả ái nên bằng lòng. Đến khuya nàng nói với bà già "Có gói chăn gốỉ mang theo còn để ngoài cổng, lúc nào nghỉ phiền bà cầm vào giùm”. Bà già ra, quả thấy một gói y phục liền đem vào cô gái mở ra bày trên giường, không biết là loại gấm lụa gì mà thơm phức mịn màng không gì sánh kịp. Bà già cũng trải chăn đệm ra cùng nàng ngủ chung một giường, nàng vừa cởi quần áo ngoài ra thì có mùi hương lạ thơm nức cả phòng.
Lúc đi nằm, bà già thầm nghĩ gặp người đẹp thế này mà tiếc rằng mình không phải là đàn ông, cô gái đang nằm cười nói “Bà đã bảy mươi tuổi mà còn vọng tưởng à?”. Bà già đáp "Đâu có", nàng nói "Đã không vọng tưởng, sao lại muốn làm đàn ông?". Bà già càng biết chắc là hồ, cả sợ, cô gái lại cười nói "Muốn làm đàn ông để làm gì, sao còn sợ ta chứ?”. Bà già càng khiếp sợ, run bần bật lay động cả giường. Cô gái nói "Mật chỉ lớn có bấy nhiêu mà lại muốn làm đàn ông. Nói thật ta chính là người tiên nhưng không phải là loại gái gây tai họa đâu, chỉ cần bà kín miệng thì tự nhiên đủ cái ăn cái mặc". Sáng ra bà già dậy sớm sụp lạy bên giường, cô gái kéo đứng lên, tay mịn như mỡ đông, tỏa mùi hương ấm, da thịt chạm tới là thấy rạo rực. Bà già động tâm lại suy nghĩ vẩn vơ, cô gái mỉm cười nói “Bà già vừa mới run bần bật đây mà lại nghĩ ngợi gì thế? Nếu bà là đàn ông, chắc sẽ chết vì tình". Bà già nói "Nếu ta là đàn ông thì đêm qua làm sao sống được?".
Từ đó hai người hòa hơp, hàng ngày cùng làm việc, nhìn thấy sợi cô gái đánh ra mịn đều óng ánh, đem dệt thành vải thì sáng ngời như gấm, bán được giá gấp ba. Bà già đi đâu thì đóng cửa, có ai tới thăm thì bà tiếp đãi ở phòng khác, cô gái ở đó nửa năm mà không ai biết. Về sau bà già dần dần nói lộ ra cho láng giềng biết, đám chị em quen biết kéo nhau tới nhờ nói giùm xin cho được gặp cô gái. Nàng trách móc, nói "Bà không giữ gìn lời nói, thì ta không ở đây lâu được đâu”. Bà già hối hận vì đã lỡ lời, vô cùng ăn năn, nhưng những kẻ xin cho được gặp cô gái ngày càng đông, có người còn toan lấy quyền thế ép buộc. Bà già khóc lóc bày tỏ, cô gái nói "Nếu là chị em bạn gái thì gặp mặt cũng không hại gì, sợ đám đàn ông khinh bạc tới gặp rồi giở trò suồng sã". Bà già lại năn nỉ, nàng mới ưng thuận.
Hôm sau đám đàn bà già trẻ cầm hương đèn chen nhau đầy cổng, cô gái ghét phiền rộn nên bất kể là sang hèn đều không trò chuyện, chỉ im lặng ngồi thẳng nghe họ chào hỏi mà thôi. Bọn thiếu niên trong làng nghe đồn nàng đẹp, thần hồn điên đảo nhưng bà già đều cự tuyệt không cho gặp. Có Phí sinh là danh sĩ trong huyện, dốc hết gia sản đem món tiền lớn tới mua chuộc bà già, bà nhận lời xin cho. Cô gái đã biết trước, trách "Bà bán ta à?", bà già quỳ rạp xuống đất tự thú. Cô gái nói “Bà thì tham tiền đút lót, ta thì cảm mối si tình, có thể cho gặp một lần, nhưng thế là hết duyên phận rồi đấy”. Bà già lại dập đầu năn nỉ, nàng bèn hẹn hôm sau.
Sinh nghe tin mừng rỡ, sắm đủ hương đèn tới, vào cửa chắp tay vái dài. Cô gái ngồi trong rèm tiếp chuyện, hỏi "Chàng phá tán gia sản để gặp nhau, có điều gì dạy bảo thiếp?". Sinh đáp "Thật không dám có ý gì khác, chỉ là nghe tiếng Mao Tường, Tây Tử* mà thôi. Nếu không chê là ngu tối ngang bướng, cho được mở rộng tầm mắt một lần thì kẻ hèn này đã thỏa nguyện rồi. Còn chuyện lành dữ đã có số trời, không cần nói tới". Chợt thấy sau tấm rèm vải dung nhan tỏa sáng chiếu ra, mày biếc môi son đều nhìn thấy rõ tựa hồ không bị rèm màn ngăn cách. Sinh ý động thần dao, bất giác lạy sụp xuống. Lạy xong đứng lên thì tấm rèm như dày nặng hơn, chỉ nghe tiếng mà không thấy gì nữa. Đang ngậm ngùi trộm tiếc chưa nhìn thấy được phần dưới bỗng dưới tấm rèm nhô ra hai chiếc hài thêu cong mũi xinh xắn không dài hơn ngón tay. Sinh lại cúi lạy, cô gái trong rèm nói vọng ra "Thôi chàng về nghỉ, thiếp cũng mệt rồi".
* Mao Tường, Tây Tử tức Mao Tường và Tây Thi, người nước Việt thời Chiến quốc, nổi tiếng là giai nhân trong lịch sử Trung Hoa.
Bà già mời sinh qua phòng khác pha trà tiếp đãi, Sinh đề lên vách một bài từ điệu Nam hương tử như sau:
Ẩn ước họa liêm tiền,
Tam thốn lăng ba ngọc duẫn tiêm.
Điểm địa phân minh, liên biện lạc tiêm tiêm.
Tái trước trùng đài cánh khả liên.
Hoa thấn phượng dầu loan,
Nhập ác ưng tri nhuyễn tự miên.
Đãn nguyện hóa vi hồ điệp khứ lộ biên,
Nhất khứu dư hương tử diệc cam.
(Thấp thoáng trước màn là,
Măng ngọc hài thêu mấy tấc hoa.
Chấm đất rỡ ràng cánh sen rụng la đà,
Đài gương gặp lại nghĩ thương ta.
Có hóa được làm trâm,
Vào trong mới biết tóc mây mềm.
Chỉ mong hoá bướm lượn bên nàng,
Ngửi chút hương thừa, chết cũng cam.)
Đề xong ra về. Cô gái xem bài từ không vui, nói với bà già "Ta nói duyên phận đã hết, nay quả không sai". Bà già quỳ rạp xuống đất chịu tội, nàng nói "Không phải chỉ riêng bà có tội. Ta ngẫu nhiên sa vào nghiệp tình, đem sắc đẹp cho người ta thấy nên mới bị lời bậy bạ làm nhơ nhuốc, đều là tự mình chuốc lấy, còn trách ai được? Nếu không đi mau cho xa, sợ sẽ đắm vào vực tình, kiếp sau cũng khó mà thoát ra khỏi". Rồi xách khăn gói đi ra, bà già đuổi theo giữ lại thì trong chớp mắt đã biến mất.