- 300 - 304 -
Tác giả: Bồ Tùng Linh
Hiếu liêm Lý Chất Quân ở huyện Trường Sơn tỉnh Sơn Đông) đi tới phủ Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông), trên đường gặp sáu bảy người nói năng líu nhíu, nhìn kỹ thì hai bên gò má người nào cũng có vết sẹo to như đồng tiền, lấy làm lạ hỏi vì sao mà mang bệnh giống nhau. Họ kể rằng năm trước tới Vân Nam, trời tối lạc đường vào trong núi lớn, non sâu khe thẳm không sao ra được. Trong sơn cốc có một cây đại thụ cành to vài thước, tàn cây rủ xuống che rợp hơn mẫu đất. Họ không biết ngủ ở đâu, bèn cùng xuống ngựa cởi áo nghỉ ngơi dưới gốc cây. Đến khuya tiếng cọp gầm sói hú cú rúc dơi khua nối nhau rộ lên, họ cứ ngồi bó gối nhìn nhau không ai ngủ được. Chợt thấy một người to lớn đi tới, cao hơn một trượng, họ đều co quắp bò rạp xuống không dám thở mạnh. Người to lớn tới nơi, bắt ngựa xé ăn, trong khoảnh khắc ăn sạch sáu bảy con ngựa. Kế bẻ một cành cây dài, bắt họ xỏ qua mang tai như xâu cá mang đi. Được vài bước thì cành cây kêu răng rắc, người to lớn ấy như sợ họ rơi mất, bèn chập hai đầu cành cây lại, lấy một tảng đá lớn dằn lên rồi đi. Họ chờ y đi khuất, rút dao lưng chặt đứt cành cây rồi gượng đau bỏ chạy.
Chưa được bao xa thì người kia lại dắt một người to lớn nữa tới, họ hoảng sợ chui vào núp trong bãi cỏ rậm. Thấy người tới sau còn to lớn hơn, tới dưới gốc cây thì qua lại tìm kiếm như mong mỏi lắm mà không được, cất tiếng gào thét như chim lớn kêu, rồi như giận người kia lừa dối mình, tát luôn vào mặt. Người to lớn cúi đầu nhẫn nhục cam chịu không dám tỏ vẻ gì, kế cùng bỏ đi. Lúc ấy họ mới run sợ chui ra, ba chân bốn cẳng chạy một hồi, nhìn thấy đầu núi có ánh đèn lửa vội kéo nhau chạy tới, gặp một người đàn ông trong thạch thất, bèn cùng vào vái lạy kể lể nỗi khổ. Người đàn ông kéo lên bảo ngồi, nói "Giống vật ấy thật rất đáng căm hận, nhưng ta cũng không kiềm chế nổi, phải chờ xá muội về mới tính được". Không bao lâu, có một cô gái vác hai con cọp từ ngoài vào, hỏ họ làm sao tới được đây. Họ cúi lạy rồi kể lại mọi việc. Cô gái nói "Ta đã biết hai đứa ấy làm ác lâu rồi, nhưng không ngờ lại hung dữ đến thế, phải trừ khử ngay mới xong”. Rồi vào phòng lấy ra một chiếc chùy đổng nặng ba bốn mươi cân, ra cửa đi mau.
Người đàn ông nướng thịt cọp đãi khách, thịt chưa chín cô gái đã trở về, nói "Chúng thấy ta thì chạy trốn, ta đuổi theo vài mươi dặm, chặt được một ngón tay đem về đây. Rồi ném ngón tay xuống đất, to như bắp chân người thường. Họ vô cùng hoảng sợ, hỏi họ tên nhưng hai anh em im lặng không đáp. Giây lát thịt chín, họ đau đớn ăn không được, cô gái lấy thuốc đắp cho, đều lập tức thấy hết đau. Kế cô gái đưa họ tới dưới gốc cây, thấy hành lý vẫn còn ở đó, ai nấy bèn đeo lên. Đi được hơn mười dặm, qua chỗ đánh nhau lúc tối, cô gái chỉ cho nhìn, họ thấy dưới hốc đá vẫn còn đọng lại hơn một chậu máu. Ra tới ngoài núi, cô gái mới chia tay quay về.
301. Tú Tài Họ Liễu
(Liễu Tú Tài)
Cuối thời Minh ở hai phủ Thanh, Duyện có nạn cào cào phá lúa, dần dần tụ họp tới huyện Nghi Thủy (đều thuộc tỉnh Sơn Đông). Quan huyện Nghi Thủy lo lắng, hết ngày làm việc về nằm nghĩ ngợi, chợp mắt mơ thấy một người Tú tài tới yết kiến, đội mũ cao mặc áo xanh, vóc dáng cao lớn hiên ngang, nói là có cách ngăn được nạn cào cào. Quan huyện hỏi, ông ta đáp “Sáng mai trên đường phía tây nam có một người đàn bà cưỡi con lừa cái bụng to, đó là Thần Cào cào đấy, năn nỉ bà ta thì có thể thoát nạn". Quan huyện tỉnh dậy lấy làm lạ, sáng sớm mang đủ lễ vật ra cửa nam huyện thành chờ đợi hồi lâu, quả thấy có người đàn bà búi tóc cao đội khăn xám cưỡi con lừa già khập khiễng đi lên phía bắc. Quan huyện lập tức thắp hương rót rượu đón lạy bên đường, giữ lừa lại không cho đi.
Người đàn bà hỏi quan Đại phu định làm gì, quan huyện năn nỉ cầu khẩn xin tha cho huyện nho khỏi nạn cào cào ăn lúa. Người đàn bà nói "Đáng hận gã Tú tài họ Liễu múa mép làm lộ chuyện bí mật của ta. Thế thì để cho y phải đem thân chịu tội, không làm hại tới lúa má cũng được", kế uống cạn ba chén rượu rồi biến mất. Sau cào cào tới huyện, bay rợp cả mặt trời nhưng không đáp xuống ruộng lúa, chỉ tụ họp trên cây dương liễu, qua khỏi nơi nào thì dương liễu ở đó trụi cả lá. Lúc ấy mới sực hiểu ra Tú tài họ Liễu là thần cây liễu. Có người nói đó là vì quan huyện thương dân nên làm cảm động tới thần, thật đúng vậy.
302. Công Tử Họ Đổng
(Đổng Công Tử)
Nhà Thượng thư Đổng Khả Úy ở phủ Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông) gia pháp rất nghiêm, đàn ông đàn bà trong ngoài không dám nói chuyện với nhau một câu. Một hôm có người tớ gái và người tớ trai đùa giỡn với nhau ngoài cửa giữa, bị công tử nhìn thấy. Công tử giận quát, hai người bỏ chạy. Đến đêm, công tử và đứa hầu nhỏ ngụ trong phòng sách, lúc ấy mùa hè trời nóng, cửa phòng chỉ khép hờ. Đến khuya đứa hầu nhỏ nghe trên giường có tiếng động rất lớn, tỉnh dậy nhìn ra chỗ trăng sáng thì thấy người tớ trai ban ngày cầm một vật đi ra cửa. Nó cho rằng là việc trong nhà nên cũng không lạ lắm, lại ngủ tiếp. Chợt nghe tiếng giày vang lên, một người đàn ông cao lớn mặt đỏ râu dài như Quan Vũ cầm một cái đầu người bước vào. Đứa hầu nhỏ sợ hãi bò vào gầm giường, nghe trên giường có tiếng lách ca lách cách, rồi tiếng giữ áo, tiếng xoa bụng, lát sau thì im, tiếng giày lại vang lên, người kia đi ra. Nó rụt cổ chui ra, thấy ngoài cửa sổ đã rạng sáng, sờ soạng lên giường thì tay áo bị dính ướt, ngửi thấy có mùi máu tanh, vội kêu lớn gọi công tử, công tử mới tỉnh dậy. Nó kể lại rồi thắp đèn lên, thấy máu đầy nệm gối, cả sợ nhưng không hiểu vì sao.
Chợt có người sai dịch của quan gõ cửa. Công tử ra gặp, họ ngạc nhiên, chỉ nói là chuyện lạ! Hỏi thì họ đáp “Vừa rồi trên phố có một người dáng vẻ mê man, la lớn rằng: Ta giết chủ nhân rồi. Mọi người thấy áo y dính máu, bắt đưa lên quan, hỏi ra thì là gia nhân của công tử. Y nói là đã giết công tử, chôn đầu ở cạnh miếu Quan Đế. Tới đó khám xét, thì hố đào còn mới, mà đầu thì không thấy đâu”. Công tử kinh ngạc hoảng sợ, tới chỗ công đường, thì người ấy chính là tên tớ trai đùa giỡn với người tớ gái. Quan cũng rất bàng hoàng ngạc nhiên, trách phạt nặng nề rồi thả y. Công tử không muốn kết oán với kẻ tiểu nhân, đem người tớ gái gả cho y rồi bảo đi nơi khác.
Được vài hôm, đám tuần canh đêm nghe trong nhà y có một tiếng ầm vang dội, vội chạy mau tới gọi cửa không thấy đáp, vạch cửa sổ leo vào xem, thì thấy vợ chồng cùng giường nệm đều bị chặt đứt làm đôi, trên xác và gỗ giường đều còn vết như bị một thanh đao chém vậy. Quan Công hiển linh vốn rất nhiều, nên chuyện này chẳng có gì là lạ.
303. Lãnh Sinh
(Lãnh Sinh)
Lãnh sinh ở huyện Bình Thành (tỉnh Sơn Đông) lúc nhỏ ngu độn, năm hơn hai mươi tuổi cũng chưa thông hiểu được một kinh* . Sau chợt có hồ tới ở chung, thường nghe trò chuyện với nhau suốt đêm. Anh em ruột hỏi thăm, sinh cũng không chịu nói lộ ra một tiếng. Như thế ít lâu, chợt sinh mắc bệnh điên khùng thay đổi cả tính nết. Cứ những khi làm văn, có đề rồi thì đóng cửa ngồi một mình, giây lát cười rộ, người nhà tới nhìn trộm thì thấy sinh cầm bút viết mau không ngừng, thế là được một bài văn, xem tới bản thảo thì văn chương tinh diệu. Năm ấy được vào học ở trường tỉnh, năm sau được ăn lương. Mỗi khi làm bài trong trường thì cười vang cả lớp, vì vậy nổi tiếng là Tiếu sinh (Thư sinh cười), may mà toàn gặp lúc quan Học sứ đã về nghỉ nên không nghe thấy. Sau gặp quan Học sứ nọ dạy học rất nghiêm, suốt ngày ngồi trên lớp, chợt nghe tiếng sinh cười, tức giận bắt lên toan trách phạt thật nặng. Các quan giúp việc bẩm giúp là sinh mắc bệnh điên khùng, Học sứ mới thôi giận tha cho, nhưng truất tên không cho học ở trường nữa. Từ đó sinh gởi gắm ý tình điên khùng nơi thơ rượu, có làm bốn quyển Thơ Điên, văn chương siêu bạt rất đáng đọc.
*Một kinh: tức một trong ngũ kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân thu của Nho gia, người học ngày xưa coi như các giáo trình cơ bản phải biết.
Dị Sử thị nói: Đóng cửa cười một tiếng, có khác gì nhà Phật đốn ngộ* đâu? Cười rộ mà làm văn, cũng là một việc hay, sao lại vì thế mà bị truất, quan Học sứ làm thế là lầm lắm! Học sư Tiên sinh Tôn Cảnh Hạ ngày trước đi thăm bạn, tới ngoài cửa sổ không nghe tiếng chuyện trò mà chỉ nghe tiếng cười trong giây lát vang lên mấy lần, cho rằng bạn đang đùa giỡn với người khác. Bước vào nhìn thì trong phòng chỉ có một mình người bạn, lấy làm lạ. Người bạn lại cười rộ nói “Gặp lúc rảnh rỗi, trò chuyện một mình cho vui thôi".
* Đốn ngô: phái Nam Tông trong Phật giáo đại thừa chủ trương người tu hành có thể tiệm ngộ (dần dần ngộ đạo) nhưng cũng có thể đốn ngộ (bất ngờ ngộ đạo), nghĩa là có những bước nhảy vọt trong nhận thức.
Cung sinh trong huyện có nuôi con lừa tính nết rất ương bướng. Cứ đi đường gặp người quen mà sinh chắp tay xin lỗi rằng “Đang có việc gấp không xuống lừa chào được, xin bỏ qua" thì nó lập tức khuỵu chân nằm xuống, nhiều lần như thế. Cung vừa thẹn vừa tức, bèn bàn với vợ, bảo vợ giả làm người đi đường, còn mình cưỡi lừa đi quanh sân, chắp tay xin lỗi vợ như nói với mọi người, con lừa quả nhiên lại nằm xuống, bèn lấy dùi nhọn đâm bắt nó đứng lên. Vừa có người bạn tới thăm, đang định gõ cửa thì nghe Cung nói với vợ "Không xuống lừa chào được, xin bỏ qua”, giây lát lại nói nữa. Người bạn lấy làm lạ, gõ cửa vào hỏi nguyên do. Vợ chồng Cung kể rõ mọi việc, cùng nhau ôm bụng bò ra cười. Hai truyện trên đây có thể chép phụ vào chuyện Lãnh sinh cười để lưu truyền vậy.
304. Hồ Trị Tội Dâm Tà
(Hồ Trừng Dâm)
Mỗ sinh mua nhà mới ở, thường bị hồ quấy phá, mọi thứ thức ăn vật dụng đều bị hủy hoại, lại có lúc bỏ cả đất cát vào cơm canh. Một hôm có người bạn tới thăm, gặp lúc sinh đi vắng đến tối chưa về, vợ sinh nấu cơm mời khách, kế cùng người tớ gái dọn xuống ăn sau. Sinh vốn không tự kiềm thúc, thích chứa thuốc kích dâm, không biết hồ đem bỏ vào Tô cháo lúc nào. Vợ sinh ăn, thấy có mùi thơm như xạ, hỏi người tớ gái, người tớ gái đáp là không thấy gì. Ăn xong thì thấy lửa dục bốc lên không sao kìm được, càng gắng đè nén càng thấy thèm khát, nghĩ trong nhà không thể tư thông với ai, chỉ có bạn chồng ở đó, bèn tới gõ cửa phòng. Khách hỏi ai, vợ sinh nói thật, khách hỏi có chuyện gì, vợ sinh không đáp, khách từ tạ nói "Ta cùng chồng ngươi lấy đạo nghĩa kết bạn, không dám làm chuyện cầm thú”. Người đàn bà còn nấn ná, khách quát "Văn chương phẩm hạnh của ông anh ta bị ngươi vùi chôn cả rồi?”, rồi đứng trong cửa nhổ toẹt.
Người đàn bà hổ thẹn, lui về tự nghĩ "Tại sao mình lại làm như thế?". Chợt nhớ mùi lạ trong cháo giống như mùi thuốc kích dâm, vội kiểm lại thuốc trong bao, thấy xáo trộn rơi rớt, trong Tô cháo vừa ăn cũng thế. Biết nước lạnh có thể giải trừ, bèn lấy uống vào, giây lát thấy tỉnh táo lại, song thẹn thùng không biết ăn nói với khách thế nào. Trăn trở hồi lâu thì gần sáng, càng sợ sáng ra không mặt mũi nào nhìn người ta, bèn cởi dây lưng tự treo cổ. Người tớ gái hay được cứu xuống thì đã gần tắt thở, cả giờ sau mới khẽ thở lại được. Khách thì đã bỏ đi trong đêm. Sáng ra sinh mới về, vào thấy vợ nằm, hỏi gì cũng không đáp, chỉ ứa nước mắt. Người tớ gái kể lại việc tự tử, sinh cả sợ cứ hỏi riết, vợ sinh bảo người tớ gái ra ngoài rồi thuật lại hết mọi việc. Sinh than rằng “Đó là ta bị báo ứng về tội dâm tà, chứ nàng có tội gì đâu? May mà có được người bạn tốt, nếu không thì còn mặt mũi nào nữa?". Từ đó bỏ hết thói xưa, hồ cũng thôi không quấy phá nữa.
Dị Sử thị nói: Người ta vẫn răn nhau là đừng chứa thuốc độc trong nhà, chứ không ai răn là đừng chứa thuốc kích dâm, đó cũng là vì sợ đao gươm mà coi thường giường nệm vậy. Nào biết rằng thuốc ấy có khi còn độc hại hơn cả thuốc độc đâu, nên chứa để dùng với vợ nhà thôi. Thế mà còn khiến quỷ thần phát ghét tới như thế, huống chi những kẻ thả lòng dâm đãng lắm khi chẳng phải chỉ dùng có thuốc kích dâm mà thôi.
Mỗ sinh đi thi, từ trên quận về thì trời đã tối, có gói hạt sen củ ấu, vào nhà để cả lên ghế. Lại có một cái đằng tân ngụy khí* đem ngâm trong chậu. Mấy người láng giềng thấy sinh vừa về mang rượu qua chơi, sinh vội đẩy cái chậu vào gầm giường ra chào, rồi bảo vợ làm thức ăn để uống rượu với khách. Uống rượu xong khách về, vội trở vào soi đèn xuống gầm giường thì cái chậu đã trống không. Hỏi vợ, vợ nói “Mới rồi đã đem nấu với củ ấu đãi khách, còn tìm cái gì". Sinh nhớ lại trong thức ăn có những cọng màu đen trộn lẫn vào, mọi người đều không biết là gì, bèn cười phá lên nói "Bà vợ ngây này, đó là cái gì mà đem đãi khách chứ", vợ cũng ngờ vực nói "Lúc nãy ta còn trách chàng không nói cách nấu, vật ấy hình thù xấu xí, cũng không biết gọi là gì, chỉ đành thái bừa ra vậy". Sinh bèn nói cho biết, vợ chồng cùng cười ầm lên. Nay Mỗ sinh đã thi đỗ, người ta vẫn kể lại chuyện ấy để trêu chọc.
*Đằng tân ngụy khí: chưa rõ là gì, nhưng theo văn cảnh có lẽ là một đồ vật bằng mây.