- 94 - 96 -
Tác giả: Bồ Tùng Linh
Họ Từ ở đất Giao Châu (huyện Ngô Châu tỉnh Quảng Tây) vượt biển đi buôn, bị bão thổi bạt thuyền. Mở mắt thấy tới một xứ núi cao rừng rậm, cho rằng có người ở bèn buộc thuyền đem theo lương khô lên bờ. Vừa vào thì thấy hai bên núi đều có cửa hang dày đặc như lỗ tổ ong, phía trong như có tiếng người. Bèn tới ngoài một cửa hang nhìn vào, thấy có hai con dạ xoa răng tua tủa như dao, mắt sáng quắc như đèn đang lấy móng xé một con hươu ăn sống, hồn bay phách lạc vội chạy lui lại thì dạ xoa quay lại nhìn thấy, bỏ ăn quay ra bắt vào. Hai con nói chuyện với nhau, tiếng như chim kêu thú gào, rồi tranh nhau xé nát áo Từ như muốn ăn tươi nuốt sống. Từ cả sợ quá vội lấy lương khô thịt khô trong túi ra đưa, chúng chia nhau ăn có vẻ ngon lành lắm rồi lại lục cái túi. Từ xua tay ra hiệu không còn, dạ xoa tức giận lại túm lấy Từ. Từ năn nỉ “Tha cho ta đi, trong thuyền ta có nồi niêu, có thể nấu nướng được". Dạ xoa không hiểu, vẫn tức giận. Từ dùng tay ra hiệu, chúng có vẻ hơi hiểu bèn theo Từ ra thuyền.
Từ đem nồi vào hang, gom củi nhen lửa nấu chín thịt hươu còn lại đưa cho dạ xoa, hai con vật ăn xong thích lắm. Đêm đến chúng vần khối đá lớn lấp cửa hang như có ý sợ Từ bỏ trốn. Từ nằm co quắp xa xa, chỉ sợ không sao sống được. Trời sáng hai con vật ra, lại lấp chặt cửa hang, lát sau mang về một con hươu đưa cho Từ. Từ lột da, múc nước chảy ở cuối hang luộc thịt làm mấy nồi, giây lát có một bầy mấy con dạ xoa kéo tới ăn ngấu nghiến hết sạch, rồi cùng chỉ vào cái nồi như chê nhỏ. Ba bốn ngày sau, một dạ xoa vác tới một cái nồi lớn như người ta vẫn thường dùng. Từ đó cả bầy cứ đem tới nào nai nào sói cho Từ nấu, thịt chín rồi thì gọi Từ cùng ăn. Được vài ngày, dạ xoa dần dà quen Từ, khi đi không vần đá lấp cửa hang nhốt lại nữa mà đối xử như cùng trong bầy.
Từ dần dần xét tiếng kêu của chúng mà xem ý tứ rồi tập kêu theo, nói tiếng dạ xoa. Dạ xoa càng thích, đưa một dạ xoa cái tới làm vợ Từ. Lúc đầu Từ sợ không dám gần, dạ xoa cái tới ngủ chung, cùng Từ ăn nằm thích lắm, thường đem thịt cho Từ ăn như vợ chồng con người vậy. Một hôm cả bầy dậy sớm, lấy chuỗi hạt minh châu đeo quanh cổ thay phiên nhau ra cửa như chờ khách quý, lại bảo Từ nấu nhiều thịt. Từ hỏi dạ xoa cái, nó đáp đây là tiết Thiên thọ. Dạ xoa cái ra nói với bầy rằng "Từ lang không có vòng đeo cổ". Mỗi con bèn trích trong chuỗi minh châu của mình năm hạt đưa nó, nó cũng rút mười hạt trong chuỗi của mình ra, được tất cả năm mươi hạt rồi lấy dây cỏ xỏ thành một chuỗi đeo vào cổ cho Từ, Từ xem kỹ thấy mỗi hạt đều đáng giá hàng trăm đồng vàng. Lát sau cả bầy đều ra ngoài, Từ nấu thịt xong, dạ xoa cái vào bảo đi, nói là ra đón thiên vương.
Tới một cái hang lớn rộng chừng một mẫu, giữa có tảng đá to bằng phẳng như cái bàn, chung quanh đều có chỗ ngồi bằng đá, một chỗ trên cùng phủ da báo, còn lại đều phủ da hươu, hai ba chục dạ xoa đã ngồi la liệt trong hang. Giây lát gió to tung bụi bay mù mịt, cả bọn vội vàng ra đón, thấy một con vật to lớn hình thù như dạ xoa chạy ào vào hang, nhảy lên ngồi ngất ngưỡng trên bệ, đưa mắt nhìn khắp chung quanh. Bầy dạ xoa theo vào chia ngồi xuống hai bên, đầu ngẩng cao, hai cánh tay chắp thành hình chữ thập trước ngực. Con vật đếm cả bọn rồi hỏi "Bọn Ngọa My Sơn có mặt cả ở đây không?", cả bầy cùng dạ. Nó nhìn Từ hỏi “Từ đâu tới?”, dạ xoa cái thưa là chồng, cả bầy đều ca ngợi Từ biết nấu thịt. Lập tức hai ba dạ xoa chạy đi lấy thịt chín bày lên, con vật bốc ăn no, hết sức khen ngợi, bảo phải cung đốn thường xuyên. Lại quay nhìn Từ hỏi "Vòng hạt sao ngắn thế?", cả bọn thưa “Mới tới nên chưa đủ”. Con vật rút mười hạt trong chuỗi hạt đeo trên cổ đưa cho, hạt nào cũng to như đầu ngón tay, tròn như viên đạn, dạ xoa cái vội đón lấy đeo vào cho Từ, Từ cũng chắp tay nói tiếng dạ xoa tạ ơn.
Kế con vật ra khỏi hang, lướt gió đi nhanh như bay, cả bầy bèn ăn chỗ thịt còn lại rồi tan đi. Được hơn bốn năm, vợ Từ sinh ba, hai trai một gái, đều có hình người chứ không giống mẹ. Bầy dạ xoa đều rất thích ba đứa nhỏ, cùng vỗ về đùa giỡn với chúng. Một hôm cả hang đi vắng, chỉ còn một mình Từ, chợt một dạ xoa cái ở hang khác sang gạ gẫm, Từ không chịu, nó tức giận quật Từ xuống đất. Vợ Từ từ ngoài vào, nổi giận đánh nhau, cắn đứt tai nó. Giây lát con đực chồng nó về, gỡ ra đuổi nó đi, từ đó dạ xoa cái giữ rịt lấy Từ không rời. Lại ba năm sau, ba đứa trẻ biết đi, Từ dạy chúng tiếng người, dần dần biết nói, bập bẹ như người, tuy còn nhỏ nhưng trèo núi như đi trên đất bằng, khắng khít với Từ như cha con loài người.
Một hôm dạ xoa cái và một trai một gái ra ngoài, nửa ngày chưa về mà gió bấc thổi mạnh, Từ chạnh tình quê, dẫn con trai tới bờ biển. Thấy chiếc thuyền cũ vẫn còn, định cùng nhau trở về, đứa con định báo với mẹ, Từ ngăn lại. Hai cha con xuống thuyền, một ngày một đêm về tới Giao Châu, tới nhà thì vợ đã cải giá. Từ bán hai hạt châu được rất nhiều tiền, trong nhà dư dật. Đứa con lấy tên là Bưu, mười bốn mười lăm tuổi đã có thể nhấc nổi vật nặng trăm thạch, tính thô mãng thích đánh nhau. Viên Tổng súy đất Giao gặp lấy làm lạ, trao cho chức Thiên tổng. Gặp lúc có loạn ngoài biên, Bưu lập được công, năm mười tám tuổi được phong Phó tướng.
Lúc ấy có một lái buôn đi biển cũng bị gió bạt tới Ngọa My, vừa lên bờ thì gặp một thiếu niên, lấy làm kinh ngạc. Thiếu niên biết là người Trung Quốc liền tới hỏi han, người lái buôn nói rõ. Thiếu niên dẫn tới hẻm núi vắng, đưa vào một hang đá . nhỏ, bên ngoài toàn là cây cỏ gai góc, dặn chớ ra ngoài. Đi hồi lâu quay về đem thịt hươu cho người lái buôn ăn, nói cha mình cũng là người Giao Châu, người lái buôn hỏi ra thì là Từ, lúc đi buôn có biết nhau bèn nói "Ông ta là bạn ta, nay đứa con trai đang làm Phó tướng". Thiếu niên không hiểu Phó tướng là gì người ấy nói "Đó là chức quan ở Trung Quốc”. Thiếu niên lại hỏi quan là gì, người ấy đáp “Ra đường thì cưỡi ngựa đi xe, vào nhà thì ngồi trên sảnh đường, gọi một tiếng thì trăm người dạ, ai gặp cũng không dám nhìn thẳng, không dám đứng thẳng, như thế gọi là quan". Thiếu niên có vẻ thích lắm, người lái buôn nói "Tôn quân đã ở Giao Châu, sao còn chịu ở đây lâu thế?". Thiếu niên kể lại sự tình.
Người lái buôn khuyên nên về nam, thiếu niên nói "Ta cũng thường có ý ấy, song mẹ ta không phải là người Trung Quốc, vẻ người tiếng nói đều khác, vả lại nếu đồng loại mà biết sẽ làm hại nên còn chần chừ". Rồi đi ra, nói "Đợi gió bắc nổi ta sẽ đưa ông về, phiền ông tới báo cho cha anh ta biết tin". Người lái buôn ẩn trong hang gần nửa năm, có lần nhìn qua đám gai góc thấy dạ xoa qua lại bên ngoài sợ lắm, không dám động đậy. Một hôm gió bắc ù ù nổi, thiếu niên chợt tới, dẫn người lái buôn trốn ra, dặn "Đừng quên điều ta nhờ”, người lái buôn vâng dạ rồi về, tới Giao Châu vào ngay phủ Phó tướng kể lại những điều đã gặp. Bưu nghe chuyện chạnh lòng muốn đi tìm mẹ và em, cha lo biển khơi sóng gió, yêu vật hung dữ, nguy hiểm khó lòng nên hết sức ngăn cản. Bưu đấm ngực kêu khóc, cha phải cho đi.
Bưu tới trình với Tổng súy đất Giao, dẫn hai người lính ra biển. Thuyền bị gió ngược, trôi dạt trên biển nửa tháng, nhìn quanh chỉ thấy mênh mông trời nước không bờ, không phân biệt được phương hướng. Bỗng gặp con sóng to ngất trời, thuyền bị lật úp, Bưu rơi xuống biển bị sóng cuốn hồi lâu thì được một con vật kéo đi. Tới một nơi thấy có nhà cửa, nhìn thấy con vật ấy có hình dáng dạ xoa, bèn nói tiếng dạ xoa. Dạ xoa kinh ngạc hỏi han, Bưu nói rõ là mình định đi đâu, dạ xoa mừng rỡ nói "Ngọa My là quê cũ của ta, đường đột thế này thật có lỗi. Ông đã đi chệch đường tám ngàn dặm, đây là đường tới nước Độc Long, không phải lối đến Ngọa My". Rồi tìm thuyền đưa Bưu xuống, dạ xoa bơi dưới nước đẩy thuyền đi nhanh như tên bắn, chớp mắt đã vượt ngàn dặm, qua một đêm thì tới bờ bắc Ngọa My.
Thấy trên bờ có một thiếu niên quanh quẩn trông ngóng, Bưu biết trên núi không có loài người ở, ngờ đó là em, tới gần hỏi quả đúng. Hai anh em nắm tay nhau khóc, kế Bưu hỏi tin tức mẹ và em gái, em trai nói đều mạnh khỏe bình yên. Bưu muốn tới thăm, em trai ngăn lại, trời tối quay đi. Bưu trở ra cám ơn dạ xoa đưa mình tới thì nó đã đi mất. Không bao lâu mẹ và em gái cùng tới, vừa thấy Bưu đã khóc ròng. Bưu nói ý mình, mẹ dạ xoa buồn rầu bảo "Sợ đến sẽ bị người làm nhục". Bưu nói "Con ở Trung Quốc rất quý hiển, ai dám coi thường". Khi đã quyết ý về Giao Châu thì lại gặp gió ngược không đi được, mẹ con đang lúng túng thì cánh buồm xoay về phía nam kêu phần phật, Bưu mừng nói “Trời giúp ta rồi”. Mẹ con theo nhau lên thuyền, sóng xuôi gió thuận, thuyền đi như tên bắn, ba ngày thì tới Giao Châu, người trên bờ nhìn thấy đều bỏ chạy.
Bưu chia quần áo cho ba người, về tới nhà, mẹ dạ xoa thấy Từ thì giận dữ chửi mắng vì ra đi không bàn với mình, Từ phải xin lỗi mãi. Gia nhân tới chào chủ mẫu, người nào cũng run sợ. Bưu khuyên mẹ học nói tiếng Trung Quốc, cho mặc đẹp ăn ngon, mẹ dạ xoa dần dần vui vẻ yên lòng. Cả mẹ và con gái đều mặc nam trang, được vài tháng mẹ dần biết tiếng người, hai em thì trắng ra. Em trai đặt tên là Báo, em gái đặt tên là Dạ Nhi, đều rất khỏe mạnh. Bưu xấu hổ vì em không biết chữ, cho Báo học hành. Báo rất thông minh, kinh sử chỉ đọc qua là hiểu nhưng không muốn học văn, Bưu bèn cho tập cưỡi ngựa bắn cung, sau đỗ Tiến sĩ võ, lấy con gái viên Du kích họ A.
Dạ Nhi thì vì khác loài không ai lấy, sau có viên Thủ bị họ Viên dưới trướng Bưu góa vợ mới lấy gượng. Dạ Nhi có thể giương được cung cứng trăm thạch, ngoài trăm bước bắn trúng chim nhỏ, không sai một phát. Viên mỗi khi đánh dẹp thường đưa vợ cùng đi, dần làm tới chức Đồng tri tướng quân, một nửa công trạng là do vợ lập. Báo năm ba mươi tư tuổi được đeo ấn Tướng quân, mẹ cũng thường theo đi đánh dẹp phía nam, mỗi khi gặp đám giặc mạnh là mặc giáp cầm gươm tiếp ứng cho con, quân giặc trông thấy là sợ hãi lui chạy. Nhà vua xuống chiếu phong tước nam, Báo thay mẹ dâng sớ từ chối, được phong Phu nhân.
Dị Sử thị nói: Phu nhân dạ xoa là chuyện ngày nay ít nghe, nhưng nghĩ kỹ thì không ít đâu, trong phòng nhà nào cũng thường có dạ xoa đấy thôi.
095. Cướp Già
(Lão Hào)
Hình Đức người Trạch Châu (huyện Tấn Thành tỉnh Sơn Tây) là tay kiệt hiệt trong bọn lục lâm, có thể phát tên liên tiếp nhiều mũi, nổi tiếng là tuyệt kỹ, bình sinh phóng khoáng không để ý tới chuyện kiếm tiền, ra cửa mới nhìn lại túi. Các nhà buôn lớn ở hai kinh* đều thích đi chung với Hình vì dọc đường chắc chắn sẽ được yên ổn. Gặp lúc đầu mùa đông, có hai ba người khách buôn tới vay ít tiền rồi rủ Hình cùng đi, Hình cũng dốc túi góp vốn với họ. Bạn Hình có người bói giỏi, Hình tới hỏi, người bạn gieo quẻ rồi nói "Quẻ này rất xấu, làm gì cũng không những không có lời mà còn cụt vốn". Hình không vui, đã định thôi không đi nữa nhưng mấy người khách cứ ép lên đường ngay.
*Hai kinh: tức Trường An và Lạc Dương, hai trung tâm chính trị và kinh tế ở Trung Quốc thời cổ.
Tới kinh quả nhiên buôn bán thua lỗ, giữa tháng chạp Hình cưỡi ngựa rời kinh, tự nghĩ qua năm mới không có tiền, càng thêm phiền muộn. Lúc ấy là buổi sáng, hơi mù ngập đồng, Hình phóng nhanh tới một quán rượu cạnh đường, cởi hành lý gọi rượu. Thấy một ông già tóc bạc trắng ngồi cùng hai thiếu niên uống rượu chỗ của sổ phía bắc, có một đứa tiểu đồng đứng hầu, tóc xõa rối tung. Hình ngồi bàn phía nam, đối diện với ông già. Đứa tiểu đồng bưng rượu lỡ tay làm đổ mâm vấy cả thức ăn vào áo ông già, một thiếu niên tức giận đứng dậy kéo tai nó rồi lấy khăn lau áo cho ông già. Kế lại thấy trên cổ tay đứa tiểu đồng có đeo một chuỗi đạn sắt dày khoảng nửa tấc, mỗi viên nặng khoảng hơn hai lượng. Ăn uống xong ông già bảo thiếu niên lấy bọc tiền trong túi da đổ ra trên bàn, tính toán trả tiền xong còn đủ uống thêm mấy chén nữa, bèn cất trở vào.
Thiếu niên dắt một con ngựa đen buộc dưới tàu ra, đỡ ông già lên, đứa tiểu đồng cũng nhảy lên ngựa đi theo. Hai thiếu niên thì đều đeo cung tên trên lưng, thúc ngựa cùng ra. Hình nhìn trộm thấy họ có nhiều tiền, lại đang lúc túng quẫn, máu tham nổi lên vội trả tiền đuổi theo, thấy ông già và đứa tiểu đồng đang thủng thỉnh phía trước bèn rẽ xuống đường tắt phóng ngựa vòng lên chặn trước ông già, kéo căng dây cung chĩa thẳng tên trợn mắt hăm dọa. Ông già cúi xuống tháo chiếc giày bên chân trái ra cười khẽ nói "Người không biết lão cướp già này à?". Hình bắn thử một phát, ông già ngã người trên yên ngựa giơ chân lên lấy hai ngón cặp mũi tên rồi cười nói "Tài nghề chỉ có bấy nhiêu thì chưa đáng là địch thủ của cha ngươi đâu”. Hình nổi giận giở tuyệt kỹ ra, mũi trước vừa phát đi, mũi sau lại xé gió bay tới. Ông già vươn tay chụp được mũi trước nhưng dường như không đề phòng tên liên châu nên bị mũi sau bắn trúng miệng ngã lăn xuống ngựa, miệng ngậm tên, mắt trợn ngược, đứa tiểu đồng cũng vội xuống ngựa.
Hình mừng rỡ cho là ông ta đã chết bèn phóng tới gần, ông già phun mũi tên ra nhảy choàng dậy vỗ tay nói "Sao vừa gặp nhau đã giở độc thủ ra thế?”. Hình cả kinh, con ngựa cũng giật mình phóng đi, vì thế biết ông già là người lạ, không dám quay lại nữa. Đi được ba bốn mươi dặm thấy có một bọn gia nhân nhà quan chở đồ đạc về kinh, Hình đánh cướp luôn, tính ra được khoảng hơn ngàn vàng, lại bắt đầu hăng hái. Đang lúc phóng nhanh chợt nghe phía sau có tiếng vó ngựa, ngoảnh nhìn thì thấy đứa tiểu đồng đã thay con ngựa khác đuổi tới như bay, quát lớn "Thằng kia đừng chạy, số hàng vừa cướp được phải chia đôi". Hình hỏi "Ngươi có biết Liên châu tiễn Hình mỗ không?", nó đáp "Ta vừa được lãnh giáo rồi".
Hình nhìn bộ dạng nó không có gì là khỏe mạnh, lại không thấy có cung tên nên xem thường, phát luôn ba mũi tên liên châu nối nhau không dứt như bầy chim ào ạt bay ra. Đứa tiểu đồng không hề hoang mang, giơ tay bắt hai mũi, há miệng cắn một mũi rồi cười nói "Tài nghề như thế thì nhục nhã thật, cha ngươi đi gấp quá không kịp mang cung, vật này vô dụng, xin trả lại ngay", rồi rút chuỗi đạn sắt trên tay xỏ vào mũi tên lấy hết sức phóng trả. Mũi tên rít gió bay tới, Hình vội lấy dây cung gạt ra, vừa chạm vào chuỗi đạn sắt thì phựt một tiếng, dây cung đứt đôi, cánh cung cũng bị sứt một mảnh.
Hình khiếp đảm, chưa kịp bỏ chạy thì mũi kế lại lướt qua mang tai, bất giác ngã ngựa. Đứa tiểu đồng xuống ngựa tới túm lấy, Hình nằm dưới đất lấy cánh cung đánh trả. Đứa tiểu đồng tức giận giật cung bẻ làm đôi, lại chập đôi bẻ làm tư ném đi, rồi một tay nắm hai tay, một chân đạp lên hai đùi Hình, tay nắm chặt như dây trói, chân đạp nặng như đá đè, Hình hết sức vùng vẫy mà không sao nhúc nhích được. Trên lưng Hình có thắt sợi dây lưng dày hai lớp, rộng bằng ba ngón tay, đứa tiểu đồng lấy một tay giật ra, sợi dây theo tay đứt tả tơi như tro. Lấy hết tiền của Hình xong, nó nhảy lên ngựa giơ tay một cái, một tràng vó ngựa vừa vang lên thì người đã mất hút. Hình về tới nhà, sau đó trở nên lương thiện, thường kể lại cho người ta nghe chuyện ấy không hề lấy làm xấu hổ. Chuyện này cũng phảng phất như chuyện Lưu Đông Sơn* .
*Chuyện Lưu Đông Sơn: chưa rõ nội dung, nhưng bản Hương Cảng chú là chép trong Cửu thược tập của Tống ấu Thanh.
096. Cơ Sinh
(Cơ Sinh)
Nhà họ Ngạc ở Nam Dương (tỉnh thành Hà Nam) bị hồ quấy phá, tiền bạc đồ dùng cứ bị lấy trộm, chửi mắng thì càng phá phách thêm. Ngạc có cháu ngoại là Cơ sinh, là kẻ danh sĩ, tính vốn không chịu bị ràng buộc, cứ đốt hương khấn khứa năn nỉ thay Ngạc nhưng hồ không nghe. Lại khấn khứa xin tha cho nhà ông ngoại, bảo cứ về nhà mình mà phá phách, hồ cũng không chịu, người ta đều cười. Sinh nói “Hồ có thể biến hóa thì ắt biết suy nghĩ, nên ta cố dẫn dắt cho vào đường chính", cứ hai ba hôm lại khấn khứa một lần. Tuy vẫn không hiệu nghiệm nhưng cứ sinh tới thì hồ không phá phách gì nữa, vì vậy Ngạc thường giữ sinh ngủ lại.
Sinh đêm đêm cứ nhìn lên trời khấn khứa ngày càng thêm kiên tâm. Một hôm sinh về nhà, đang ngồi một mình trong phòng, chợt cửa phòng từ từ khép lại, sinh đứng lên kính cẩn nói “Hồ huynh tới đấy ư?”, nhưng không có tiếng động nào khác nữa. Một đêm cánh cổng tự mở ra, sinh nói "Nếu đúng là hồ huynh giáng lâm thì đó là vì tiểu sinh khấn khứa nài nỉ, ngại gì mà không cho gặp mặt?”, thì lại yên ắng, nhưng có hai trăm đồng tiền để ở đầu bàn, sáng ra nhìn tới đã mất rồi. Đến đêm sinh lại để thêm vài trăm đồng, giữa khuya nghe ngoài màn có tiếng động, sinh nói "Lại tới đấy ư? Có sẵn vài trăm đồng tiền để đó phòng khi huynh cần dùng, ta tuy không dư dả gì nhưng cũng chẳng phải loại keo kiệt, nếu huynh cần gấp để chi dùng cứ hỏi mà lấy có hề gì, cần chi phải lấy trộm?". Lát sau ra nhìn thấy chuỗi tiền bị rút mất hai trăm đồng, sinh vẫn để yên đó nhưng mấy đêm không bị mất nữa.
Có con gà luộc định đãi khách thì mất, tối đến sinh lại đặt thêm bầu rượu vào đó, nhưng từ đó hồ tuyệt tích luôn. Nhà họ Ngạc thì vẫn bị quấy phá như cũ, sinh qua khấn nói "Ta để tiền mà ông không cầm, để rượu mà ông không uống, còn ông ngoại ta già yếu, sao cứ quấy phá mãi thế? Ta có sắp sẵn vật mọn, đêm nay nhờ ông tới lấy giúp". Rồi lấy mười ngàn đồng tiền và một vò rượu gói lại đặt lên bàn, sinh nằm ngay bên cạnh nhưng cả đêm không thấy một tiếng động, tiền và rượu vẫn còn nguyên chỗ cũ, từ đó hết hẳn nạn hồ. Một hôm chiều tối sinh về nhà, mở cửa phòng sách thấy trên bàn có một bầu rượu, một đĩa thịt gà luộc và bốn trăm đồng tiền xâu bằng dây đỏ, là những món bị mất trước đây, biết là hồ đem tới.
Ngửi bầu rượu thấy thơm phức, rót ra thấy màu xanh biếc, uống vào vô cùng ngon ngọt, uống cạn bầu rượu thì hơi say, chợt nảy ý tham lam muốn đi ăn trộm bèn mở cổng bước ra. Nhớ lại trong thôn có một nhà giàu bèn tới đó nhảy qua tường, tuy tường cao nhưng nhảy lên rồi nhảy xuống nhẹ nhàng như có cánh, vào phòng xách luôn cái áo cừu, bưng cái đỉnh đồng trở ra quay về nhà đặt ở đầu giường rồi mới đi ngủ. Sáng ra cắp vào phòng vợ, vợ ngạc nhiên hỏi, sinh thì thào kể lại, dáng vui vẻ lắm. Vợ lúc đầu còn cho là sinh đùa, khi biết là thật hoảng sợ nói "Chàng vốn ngay thẳng, sao bỗng nhiên lại đi làm chuyện này?". Sinh thản nhiên không hề lấy làm lạ lùng, còn kể chuyện hồ có tình nghĩa. Vợ giật mình hiểu ra ắt là trong bình rượu có thuốc độc của hồ, nhân nghĩ đan sa có thể giải tà độc bèn lấy nghiền ra hòa vào rượu bảo sinh uống.
Giây lát chợt sinh rú lên nói “Tại sao ta lại đi ăn trộm?", vợ giải thích nguyên do, sinh thẫn thờ như mất của. Lại nghe nói nhà giàu bị trộm, cả làng đồn đại, sinh cả ngày bỏ ăn không biết làm sao, vợ bàn nhân đêm tối đem ném trả vào trong tường, sinh nghe theo. Nhà giàu lấy lại được vật bị mất, việc ấy mới lắng xuống. Sinh khảo khóa cuối năm đỗ đầu, lại được cử làm Chư sinh hạng ưu, theo lệ thì được thưởng gấp đôi. Đến ngày phát thưởng chợt trên xà nhà công thự có một tấm thiếp dán vào, trên viết "Cơ sinh là ăn trộm, lấy trộm áo cừu đỉnh đồng của ông Mỗ, sao lại được hạng ưu?". Xà nhà rất cao, không thể nhảy lên mà dán vào được, khảo quan lấy làm ngờ vực, cầm tấm thiếp hỏi sinh. Sinh ngạc nhiên, nghĩ việc này ngoài vợ ra thì không ai biết, huống hồ công thự canh gác nghiêm cẩn thì tấm thiếp từ đâu tới được, chợt sực nghĩ ra nói “Đây chắc là hồ làm ra". Rồi kể lại mọi việc không e ngại gì, khảo quan bèn thưởng thêm cho. Sinh vẫn tự nghĩ không làm gì nên tội với hồ, mấy lần mình sa hầm sẩy hang cũng chỉ là cái nhục của kẻ tiểu nhân, vì mình là kẻ tiểu nhân mà thôi.
Dị Sử thị nói: Cơ sinh muốn dẫn dắt kẻ tà đạo vào đường chính mà lại bị kẻ tà mê hoặc, chưa chắc là hồ đã có ác ý, có lẽ sinh đùa dẫn dắt thì hồ cũng đùa phá quấy thôi. Nhưng nếu thân không có túc căn, nhà không có vợ hiền, thì biết đâu lại chẳng như Nguyên Thiệp vẫn nói “Gia nhân, quả phụ vì trộm cắp nhơ danh rồi làm bậy luôn* ”, sao! Ôi, đáng sợ thay!
*Nguyên Thiệp... làm bậy luôn: Tiền Hán thư, Du hiệp truyện chép Nguyên Thiệp làm Huyện lệnh Cốc Khẩu, tính ưa chiêu hiền đãi sĩ, có người môn khách nghèo bệnh chết, Thiệp tới tận nhà giúp đỡ tiền bạc tống táng chu đáo, lại thường chu cấp cho vợ con người ấy. Có người chê Thiệp bỏ tiền mua cái danh hào hiệp, Thiệp nói người ta ai cũng muốn làm đầy tớ trung thành, góa phụ trinh tiết, nhưng nếu trong nhà thiếu thốn phải trộm cắp nhơ danh thì sẽ làm bậy luôn, nên phải giúp đỡ cho họ giữ được tiếng trong sạch mà giữ lòng trong sạch.