- 305 - 312 -
Tác giả: Bồ Tùng Linh
Chợ núi ở Hoán Sơn là một trong tám cảnh đẹp ở huyện, nhưng thường vài năm chưa gặp một lần. Công tử Tôn Võ Niên cùng bạn bè uống rượu trên lầu, chợt thấy có ngọn tháp vọt lên cao tới tận trời, cùng nhìn nhau kinh ngạc, nghĩ rằng quanh đây không có Thiền viện nào như vậy. Không bao lâu nhìn thấy cung điện xuất hiện vài mươi chỗ, ngói biếc cột bay, lơ lửng giữa không trung, mới sực hiểu ra đó là chợ núi. Giây lát thấy tường cao ngút mắt, nhà cửa san sát kéo dài sáu bảy dặm giống hệt thành quách. Bên trong có lầu gác, thềm sảnh, phố xá rõ ràng, tính ra có tới hàng ngàn hàng vạn. Chợt có trận gió lớn nổi lên, cát bụi bay mù mịt, thánh quách vẫn thế. Đến khi gió lặng trời trong, tất cả đều biến mất, chỉ còn có một ngôi lầu cao tới tận trời. Lầu có năm lớp mái, cửa đều hé mở, có năm đốm sáng kéo thành một hàng, phía ngoài là trời. Cứ từng tầng từng tầng mọc lên, càng lên cao đốm sáng càng mờ đi, đến tám tầng thì chỉ còn như ánh sao, lên nữa thì tối đen, không biết là còn bao nhiêu tầng nữa. Trên lầu thấp thoáng có người, kẻ ngồi kẻ đứng không như nhau. Lát sau lầu thấp dần xuống, có thể nhìn thấy nóc, lúc sau chỉ còn như lầu thường, rồi còn như ngôi nhà cao, kế còn bằng nắm tay rồi bằng hạt đậu, sau cùng không thấy đâu nữa. Nghe có người đi sáng sớm nói thấy trên núi cũng có khói bếp chợ búa không khác gì nhân gian, nên còn có tên là chợ ma.
306. Tôn Sinh
(Tôn Sinh)
Tôn sinh người hương ta lấy con gái nhà thế gia cũ họ Tân về nhà chồng thì mặc mấy lớp quần áo, dây lưng ràng rịt, toàn thân quấn vải kín mít, không chịu ngủ chung với chồng. Thường đặt trâm nhọn ở đầu giường để tự vệ, Tôn bị đâm mấy lần nên kê giường ngủ riêng, nhưng ban ngày gặp nhau, cô gái cũng chẳng mấy khi nói cười với chồng. Bè bạn đều biết chuyện, hỏi riêng Tôn rằng "Phu nhân có uống rượu được không?", Tôn đáp cũng uống được đôi chút. Người bạn đùa nói "Ta có cách thu xếp rất hay có thể làm được". Tôn hỏi, người bạn đáp "Cứ lấy thuốc mê bỏ vào rượu lừa cho uống, xong rồi thì tùy ý ông muốn gì cũng được thôi". Tôn cười nhưng trong lòng thầm phục là kế hay, liền tới thầy thuốc mua vị ô đầu pha vào rượu, đem về đặt lên bàn. Tối đến, Tôn lấy rượu khác ra độc ẩm vài chén rồi đi ngủ. Cứ thế ba đêm liền, người vợ vẫn không uống.
Một đêm Tôn vừa đi nằm, thấy vợ còn ngồi trên giường bèn giả ngáy khò khò. Người vợ bèn xuống giường, lấy rượu đặt lên lò hâm. Tôn mừng thầm, kế thấy vợ uống cạn một chén, lại rót chén nữa uống hết một nửa, còn lại đổ trở lại vào bầu rồi dọn giường đi ngủ. Hồi lâu không thấy có tiếng động mà đèn thì mờ mờ chưa tắt, Tôn ngờ là còn thức, bèn gọi lớn là khêu bấc đèn lên. Vợ không đáp, Tôn gọi nữa cũng vẫn không đáp, tới xem thì thấy đã say mềm. Tôn mở chăn cắt dây lưng cởi quần áo ra, người vợ mới tỉnh dậy nhưng không cử động được, cũng không kêu lên được. Đến khi tỉnh hẳn rất căm hờn, treo cổ tự tử. Tôn đang ngủ nghe tiếng thở khò khè, vùng dậy tới cứu, thì lưỡi đã thè ra hai tấc rồi. Tôn hoảng sợ vội cắt dây đỡ xuống giường, hồi lâu mới tỉnh lại.
Tôn từ đó rất căm ghét vợ, vợ chồng cứ tránh mặt nhau, nhìn thấy nhau thì cúi đầu bỏ đi, bốn năm năm liền không nói chuyện với nhau một câu. Có khi người vợ cười nói với người khác trong phòng mà thấy chồng vào lập tức đổi sắc mặt, lạnh lùng như băng tuyết. Tôn thường ngủ ở phòng sách, cả năm không vào ngủ chung phòng với vợ, nếu bị ép thì vào phòng ngoảnh mặt vào vách im lặng rồi ngủ mà thôi, cha mẹ rất lấy làm lo lắng. Một hôm có người người cô tới nhà, nhìn thấy vợ Tôn không ngớt lời khen ngợi, mẹ Tôn cũng không nói gì, chỉ thở dài sườn sượt. Người cô hỏi, mẹ Tôn đem chuyện kể lại, người cô nói "Chuyện đó dễ mà". Mẹ Tôn mừng rỡ nói "Nếu làm cho con dâu ta đổi ý được, xin báo ơn hậu.
Người cô nhìn trong phòng không có ai, bèn rỉ tai mẹ Tôn nói "Xin mua một bức tranh nam nữ hành lạc, ba ngày nữa ta sẽ làm phép cho". Người cô ra về, mẹ Tôn theo lời mua tranh chờ sẵn. Ba ngày sau người cô tới, dặn "Chuyện này phải giữ kín, đừng để vợ chồng họ biết". Rồi cắt lấy hình người trong tranh, lấy ba chiếc tăm cắm vào, bỏ thêm một nhúm ngải, lấy giấy trắng gói lại, vẽ vài dòng loằng ngoằng như giun bên ngoài. Rồi bảo mẹ Tôn lừa con dâu ra khỏi phòng, lấy trộm chiếc gối tháo đường may ra bỏ gói giấy vào, khâu lại đặt vào chỗ cũ, kế chào đi. Đến đêm, mẹ Tôn ép con trai vào ngủ trong phòng vợ, bà vú biết chuyện tới rình nghe trộm. Sắp hết canh hai, nghe vợ Tôn gọi tên Tôn lúc còn nhỏ, Tôn không đáp. Người vợ lại gọi, Tôn căm tức hạ giọng quát nạt. Đến sáng mẹ Tôn tới phòng xem, thấy vợ chồng quay lưng vào nhau, biết rằng phép thuật của người cô không công hiệu, bèn gọi con ra chỗ vắng khuyên nhủ.
Tôn nghe nhắc tới tên vợ càng giận dữ nghiến răng nghiến lợi, mẹ giận dữ chửi mắng, Tôn cũng bất chấp, cứ thế bỏ đi. Hôm sau người cô tới, mẹ Tôn kể lại việc phép thuật không công hiệu. Người cô ngờ vực lắm, bà vú vào kể lại những gì nghe thấy, người cô cười nói "Trước nghe nói là vợ ghét chồng, nên chỉ làm phép với vợ. Nay vợ đã chuyển ý nhưng ý chồng chưa chuyển, xin làm phép với cả hai người, ắt sẽ hiệu nghiệm". Mẹ Tôn nghe theo, lấy gối con trai ra, người cô lại làm phép như lần trước rồi bảo đem đặt lại trong phòng. Đêm ấy hết canh một còn nghe trên hai chiếc giường trong phòng vợ chồng Tôn có tiếng trở mình, tiếng ho hắng, như đều không ngủ được. Hồi lâu nghe hai người thì thào nói chuyện với nhau trên một giường, nhưng không rõ là nói gì. Gần sáng còn nghe tiếng cười đùa, khanh khách mãi không thôi.
Bà vú kể lại, mẹ Tôn mừng rỡ tạ ơn người cô rất hậu. Từ đó vợ chồng Tôn hòa thuận đằm thắm, đến nay người nào cũng trên ba mươi tuổi, sinh được một trai hai gái, hơn mười năm trời không cãi nhau một câu. Bạn bè hỏi riêng, Tôn cười đáp "Trước đó thấy bóng là nổi giận, sau đó lại nghe tiếng thì vui vẻ, thật cũng chẳng biết tâm ý mình ra sao".
Dị Sử thị nói: Đổi ghét làm thương, phép thuật ấy chẳng cũng thần kỳ sao! Nhưng có thể khiến cho người vui mừng thì cũng có thể khiến cho người tức giận, phép thuật thần kỳ cũng là phép thuật đáng sợ đấy. Bậc tiên triết nói "Có sáu hạng đàn bà* không nên cho vào cửa", lời ấy thật là có kiến thức thay.
* Sáu hạng đàn bà: nguyên văn là "lục bà", tức "tam cô lục bà", gồm ni cô (bà vãi), đạo cô (nữ đạo sĩ), quái cô (bà thầy bói), nha bà (đàn bà nhổ răng), môi bà (bà mối), sư bà (bà phù thủy), kiền bà (đàn bà già không chồng), dược bà (đàn bà bán thuốc), ổn bà (bà đỡ). Nhìn chung đây là những người vì địa vị và nghề nghiệp nên có quan hệ xã hội rộng, biết nhiều chuyện riêng của người ta, dễ sinh chuyện rắc rối, ngày xưa lại hay trọng nam khinh nữ nên nói như vậy.
307. Tú Tài Huyện Nghi Thủy
(Nghi Thủy Tú Tài)
Tú tài Mỗ ở huyện Nghi Thủy (tỉnh Sơn Đông) học trong núi, đêm có hai mỹ nhân tới, cười nụ không nói gì, cùng lấy tay áo phủi giường nối nhau ngồi xuống, im lặng không nói tiếng nào. Lát sau một người đứng lên trải chiếc khăn lụa ra bàn, trên có ba bốn hàng chữ thảo, Tú tài cũng chưa nhìn xem là viết những gì. Một người đặt một nén bạc khoảng ba bốn lượng xuống, Tú tài cầm lấy bỏ vào tay áo, người kia cầm chiếc khăn lên nắm tay kéo nhau đi cười nói "Trần tục không sao chịu được” Tú tài mò lại nén bạc thì không còn nữa. Người đẹp ngồi đó trao cho ý tình thì không nhìn ngó tới, mà tiền bạc thì lấy, đúng là tướng ăn mày, làm sao chịu nổi! Hồ kia có thể biết kẻ sang người hèn, phong thái cao nhã ra sao có thể biết vậy.
308. Nhà Sư Chết
(Tử Tăng)
Đạo sĩ nọ đi vân du, chiều tối ghé vào một ngôi chùa vắng. Thấy tăng phòng đóng chặt, bèn trải tấm bồ đoàn ra ngồi dưới hành lang. Đêm khuya chợt nghe tiếng mở cửa, thấy một nhà sư bước ra, toàn thân đẫm máu, nhưng như không nhìn thấy đạo sĩ, đạo sĩ cũng làm như không nhìn thấy. Nhà sư đi thẳng tới Phật điện, lên chỗ tòa sen, ôm đầu tượng Phật mà cười, hồi lâu mới đi. Đến sáng đạo sĩ thấy cửa phòng vẫn đóng chặt như cũ lấy làm lạ, vào trong thôn kể lại việc mình trông thấy. Mọi người tới chùa phá cửa vào xem, thì thấy nhà sư bị giết nằm trên mặt đất, nệm chiếu trong phòng xáo trộn vương vãi, biết là bị kẻ cướp vào giết. Lại ngờ chuyện hồn nhà sư cười là có lý do, bèn cùng nhau tới xem xét đầu tượng Phật, thấy phía sau đầu tượng có vết, cạy ra thấy bên trong giấu hơn ba chục lượng vàng, bèn lấy để chôn nhà sư.
Dị Sử thị nói: Lời ngạn có câu Đồng tiền liền khúc ruột thật không phải sai! Phàm người ta nhịn ăn nhịn mặc mà không biết để lại của cải cho ai, cũng đã là ngây ngốc rồi, huống chi nhà sư còn không có cả kẻ thừa kế của cải sao! Sống không chịu ban phát làm ơn, chết còn nhìn lại mà cười, bọn đầy tớ của tiền bạc đáng than thở tới như thế đấy? Phật nói "Một đồng không chịu bỏ, Chỉ có nghiệp theo mình", chắc là nói nhà sư ấy chăng!
309. Trâu Bay
(Ngưu Phi)
Anh Mỗ người trong huyện mua được một con trâu rất khỏe. Đêm nằm mơ thấy trâu mọc cánh bay mất, cho là điềm không hay, sợ là sẽ bị mất, bèn dắt ra chợ bán lỗ, lấy khăn bọc tiền lại quàng lên vai. Về được nửa đường thấy có con chim ưng đang ăn con thỏ, tới gần cũng rất dạn không bay. Y vồ con ưng, lấy hai đầu khăn buộc chân buộc cánh nó. Con ưng giẫy giụa một lúc mối khăn buộc cánh lỏng ra, nó mang cả khăn vùng bay mất, mang cả tiền đi. Mỗ cứ nói rằng số trời đã định thì không sao tránh khỏi, nhưng nếu không bị giấc mơ làm cho ngờ vực, không tham của rơi trên đường, thì con thú chỉ biết đi làm sao mà bỗng chốc bay được!
310. Bói Gương
(Kính Thính)
Anh em họ Trịnh ở huyện Ích Đô (tỉnh Sơn Đông) đều là kẻ sĩ có tài văn chương. Người anh sớm nổi tiếng, cha mẹ thương yêu quá đáng, vì vậy yêu thương cả con dâu. Người em rủi ro nên cha mẹ không những không thích mà còn ghét bỏ cả con dâu thứ, đối xử tàn tệ, thành ra tình trạng bên thương bên ghét rất rõ ràng trong nhà. Vợ người em cứ nói chồng cũng là đàn ông, sao lại không thể tranh giành cho vợ con, rồi bỏ không chịu ngủ chung nữa. Người em vì thế phẫn chí ra sức học tập, cũng được nổi tiếng, cha mẹ mới dần dần nhìn ngó tới, nhưng rốt lại cũng không được thương yêu như người anh. Người con dâu thứ rất mong mỏi ở chồng, năm ấy gặp kỳ thi hương, đêm trừ tịch lén đi bói gương* . Thấy có hai người đùa giỡn xô đẩy nhau, nói "Ngươi cũng ra cho mát".
*Bói gương: nguyên văn là "kính thính", một hình thức bói toán dân gian ở Trung Quốc, người bói bưng gương đứng trước bàn thờ Táo thần cầu khấn rồi bước ra nghe lời người ta nói để xem điềm may rủi.
Người con dâu thứ về nghĩ mãi không rõ là điều may hay rủi nên cũng để đó. Thi xong hai anh em cùng về, lúc ấy đang là mùa hè rất nóng bức, hai người con dâu lúi húi trong bếp nấu cơm cho thợ cày, nóng nực rất khổ. Chợt có người báo danh tới nhà báo tin người anh thi đỗ. Người mẹ xuống bếp, nói với con dâu lớn "Con trai lớn thi đỗ rồi, con ra ngoài cho mát". Người con dâu thứ vừa giận vừa tủi, chảy nước mắt thổi lửa. Giây lát lại nghe báo người em cũng thi đỗ, người con dâu thứ ném luôn cái que chọc lò xuống đứng lên nói "Ta cũng ra ngoài cho mát.". Lúc ấy trong lòng chất chứa hờn oán nên bất giác buột miệng nói thế, đến khi nghĩ lại mới biết chuyện bói gương đã nghiệm.
Dị Sử thị nói: Nghèo hèn thì cha mẹ không cho là con, việc ấy cũng có. Chốn trường thi thì không phải chỗ phẫn khích là thành công được, nhưng vợ người em phẫn khích khuyên chồng, cũng vì oán vọng không biết dựa vào đâu. Nhưng nếu người em không thi đỗ khoa ấy mà vợ cũng ném cái que chọc lò xuống đứng lên, thì mới thật là chuyện hay ngàn thuở vậy.
311. Dịch Trâu
(Ngưu Hoàng)
Trần Hoa Phong người huyện Mông Sơn (tỉnh Sơn Đông) ngày hè nóng nực ra ngủ dưới gốc cây ngoài đồng. Chợt có một người vội vã đi tới, quấn một cái khăn quanh đầu, đi mau tới dưới bóng cây, ngồi xuống một tảng đá quạt lấy quạt để, mồ hôi chảy ròng ròng. Trần ngồi dậy cười nói “Bỏ cái khăn ra thì không quạt cũng mát”. Khách nói “Bỏ ra thì dễ, nhưng đội lên thì khó”. Trần cùng khách trò chuyện, thấy học hành rất uẩn súc. Kế khách nói “Bây giờ chẳng mong ước điều gì, chỉ cần có rượu ngon ngâm lạnh, uống vào một hơi vừa thơm vừa mát, vào tới ruột gan rồi thì có thể đỡ nóng được một nửa”. Trần cười nói "Chuyện đó dễ lắm, ta xin lo cho ông", rồi nắm tay khách nói "Tệ xá cũng gần đây, xin mời ghé qua chơi", khách cười đi theo.
Vào tới nhà, Trần lấy rượu cất dưới hầm đá ra, lạnh tê cả răng. Khách cả mừng, uống liên tiếp một hơi hơn chục chén. Trời vừa xế chiều chợt mưa xuống, Trần bèn thắp đèn trong phòng lên. Khách cởi khăn ra cùng ngồi, trò chuyện một hồi, Trần thấy phía sau gáy khách lúc lúc lại lóe sáng, lấy làm ngờ vực. Không bao lâu khách say, lăn ra ngủ ở giường, Trần đẩy ngọn đèn tới gần nhìn trộm, thấy sau vành tai khách có một cái lổ sâu hoắm to bằng cái chén, miệng lỗ có mấy mảnh da che khuất như cánh cửa, bên ngoài có lớp da mềm rủ xuống che khuất, trong thì trống rỗng. Trần sợ lắm, lén nhấc búi tóc khách lên, lấy trâm vạch lớp da xem, thấy có một vật như con trâu nhỏ theo chỗ tay khều bay ra, phá tung cửa sổ mà đi. Trần hoảng sợ không dám vạch nữa. Vừa định quay đi, khách đã tỉnh dậy, hoảng sợ nói "Ngươi lén xem chuyện trộm kín của ta, thả con trâu dịch ra, làm sao bây giờ”. Trần lạy hỏi nguyên do, khách đáp “Đã tới nước này thì còn ngại ngùng gì nữa. Nói thật với ngươi, ta là ôn thần lục súc đây, vừa rồi anh thả con trâu dịch ra, chỉ sợ là trong vòng trăm dặm trở lại đây sẽ không còn giống trâu nữa".
Trần vốn làm nghề nuôi trâu, nghe thế cả sợ, lạy xin chỉ cách giải trừ. Khách nói "Ta chắc không tránh được tội rồi, còn cách để giải trừ thì có sâm đắng giã ra là hiệu nghiệm nhất, nhưng phải truyền ra cho nhiều người, không nên giữ riêng thì được rồi". Nói xong chào ra cửa, lại vốc đất vun lên ở chân vách, nói “Mỗi lần dùng một viên cũng công hiệu”, rồi chắp tay chào, chớp mắt không thấy đâu nữa. Không bao lâu sau, trâu bò trong vùng quả nhiên mắc bệnh, bệnh dịch lan ra. Trần muốn thủ lợi, giữ kín bài thuốc không chịu truyền rộng ra, chỉ nói với em. Người em làm thử thì công hiệu như thần, nhưng Trần làm thuốc đổ cho trâu mình uống thì vô hiệu, nuôi hai trăm con đều chết sạch, chỉ còn bốn năm con trâu cái già, cũng nối nhau lăn ra sắp chết. Trần buồn rầu không biết làm sao, chợt nhớ tới vốc đất ở chân vách, cũng nghĩ chưa chắc đã có công hiệu, nhưng cũng lấy cho trâu uống. Qua đêm thì trâu đều đứng dậy cả, mới sực hiểu rằng sở dĩ thuốc không công hiệu là vì thần phạt mình có ý riêng tư. Vài năm sau, trâu cái sinh đẻ, đàn trâu của Trần mới dần dần được như cũ.
312. Chu Tam
(Chu Tam)
Trương Thái Hoa ở châu Thái An (tỉnh Sơn Đông) là một viên lại giàu có. Nhà bị hồ quấy phá không sao chịu nổi, tìm mọi cách giải trừ đều vô hiệu, trình với quan Châu doãn, quan cũng không biết làm sao. Lúc bấy giờ ở phía đông châu cũng có hồ tới ở nhà dân, mọi người đều nhìn thấy, là một ông già tóc bạc, nghe nói trò chuyện cư xử với người trong nhà đều theo lễ của loài người. Ông ta tự xưng là thứ hai, mọi người đều gọi là Hồ Nhị gia. Gặp lúc có người Chư sinh tới yết kiến quan Châu doãn, kể lại chuyện ấy, quan bày kế cho viên lại, bảo tới hỏi ông ta. Lúc ấy trong thôn Đông có người làm lính lệ ở châu, viên lại tới hỏi thăm, quả có chuyện ấy thật, bèn cùng nhau về nhà người lính lệ, bày tiệc mời Hồ. Hồ tới, chào hỏi ăn uống không khác gì người thường, viên lại nhân đó nói điều mình mong muốn.
Hồ nói "Ta vốn biết rõ, nhưng không thể giúp ông được. Người bạn ta là Chu Tam đang ngụ cư ở Nhạc miếu, có thể giúp được, ta xin đi mời giùm ông". Viên lại mừng rỡ cảm tạ. Lúc chia tay Hồ hẹn với viên lại là sáng mai cứ bày tiệc ở phía đông Nhạc miếu chờ. Viên lại theo lời, quả nhiên Hồ dắt Chu tới. Chu râu xoăn mặt đen, mặc quần áo đi ngựa, uống được mấy chén, hỏi viên lại rằng "Vừa rồi Hồ nhị đệ đã nói rõ ý ông, nhưng bọn kia rất đông, không thể dỗ dành được, thể nào cũng phải dụng võ. Xin cho ta được tới ở nhờ nhà ông, thì khó nhọc bao nhiêu cũng không dám từ chối". Viên lại nghe thế, nghĩ thầm bớt được một con hồ thì lại thêm một con hồ, chỉ là lấy tai họa này thay tai họa khác. Còn đang ngần ngừ không dám ưng thuận, Chu đã biết ý, nói “Ông sợ nhau ư? Ta không phải như chúng, mà còn có túc duyên với ông, xin đừng ngờ vực", viên lại bèn ưng thuận.
Chu lại dặn sáng mai bảo người nhà đóng cửa ngồi trong phòng, đừng lên tiếng. Viên lại về nhà làm như lời dặn, quả nghe trong sân có tiếng đâm chém ác đấu kịch liệt, hơn một giờ mới yên. Mở cửa ra nhìn, thấy máu lốm đốm đầy cả bậc thềm, trong sân có mấy cái đầu hồ to bằng cái bát. Lại nhìn qua nhà dưới, thì Chu đã ngất ngưởng ngồi ở trong, chắp tay cười nói "Nhờ ông tin tưởng gởi gắm, nên đã quét sạch bọn yêu nghiệt rồi”. Từ đó Chu ở lại trong nhà, gặp nhau thân mật như chủ khách vậy.