Chương 8
Tác giả: Dương Thùy Trân
Reng… Reng… Reng.
Điện thoại vừa kêu vừa run bần bật trong xắc tay. Tôi cuống quít lục tung cả xắc, cuối cùng thì cũng lôi ra được cái di động nhỏ xíu. Đúng là cú gọi đang chờ đợi. Tôi cố gắng lắng nghe vì lời cậu ta bị ngắt quãng trong khu nhà lớn sân bay do tín hiệu không rõ, nên chỉ nghe được: “ …ga 2..” Tôi chạy ra khỏi tòa nhà lớn mong bắt được tín hiệu rõ hơn.
Ngoài này tiếng máy bay cất cánh hạ cánh ầm ầm và người hối hả kéo hành lý đi lại đông như mắc cửi, xe buýt màu xanh, ô tô đủ các màu, tắc xi màu vàng bận rộn đậu bên vỉa hè đưa và đón người nườm nượp. Sân bay luôn đem lại cho tôi cảm giác vội vàng vì ai cũng mải miết ngược xuôi. Ở ngoài này tín hiệu tốt hơn nhưng tiếng máy bay ầm ầm nhiều lúc át cả tiếng cậu ta trong điện thoại. “Continental? Ga 2. Tớ đậu xe ở ga 1, để tớ đi bộ sang bên ấy. Tớ vừa ở chỗ làm ra, đi giầy cao gót nên không đi nhanh được đâu, chịu khó chờ chút nhé.” Tôi nghe giọng cậu ta cười trong điện thoại.: “Cứ đi từ từ bình tĩnh. Chứ chạy vội ngã lại bắt đền tớ thì phiền.”
Tôi mặc váy màu trắng và áo hoa và đi giầy cao gót, hôm nay lại dành nhiều thời gian chọn quần áo hơn những hôm đi làm khác. Tôi hối hả bước, suýt nữa thì vấp phải bác da đen đang đẩy cả xe hành lý cho hành khách. Tôi cuống quýt xin lỗi, bác ta nhìn tôi cười, phẩy tay nói không có chuyện gì. Năm vừa rồi tôi đi sân bay đưa đón không biết bao nhiêu lần, chưa lần nào tôi tự dưng vội vã hồi hộp như lần này.
Bạn cũ quen tôi 10 năm. Tôi biết bạn cũ 16 năm, bây giờ giật mình nghĩ lại tôi biết cậu ta quá nửa cuộc đời. Chuyện tôi và bạn bắt đầu xa mãi từ cái thời bao cấp, khi mà phần lớn thời gian của cuộc đời được dành cho việc xếp hàng. Mẹ xếp hàng mua gạo. Bố đi từ 3h sáng chiến đấu được mấy chai dầu hỏa, về ngủ bù, chờ mẹ mua được gạo thì ra bê về. Tôi được mẹ sai đi xếp hàng mua rau, là việc dễ nhất vì không phải bê nặng.
Từ việc đi mua rau này mà tôi thân với con bé hàng xóm hay đi xếp hàng cùng. Tình thân hữu của chúng tôi bắt đầu từ những buổi chiều dài ngoẵng ngồi chờ cô mậu dich mở cửa, đứa nào muốn đi vệ sinh thì để cục gạch vào chỗ của mình rồi nhờ đứa kia trông hộ, và chiến đấu với những đứa khác thấy không có người ở đấy định nhẩy vào xí chỗ. Hai đứa đều bé tí teo nên rất dễ bị người lớn lấn chỗ, nhưng hàng tháng chúng tôi vẫn giúp nhau khuân về được mấy mớ rau muống đem luộc vắt chanh hoặc xào tỏi.
Cô bạn xếp hàng có một mối quan tâm đặc biệt là một cậu bé cùng lớp. Không ngày nào đi học về là cô ta không kể về cậu ta. Cô kể rất tỉ mỉ rằng cậu ta thật là kiêu ngạo, phát ngôn quá tự tin, thích đứa con gái nào trong lớp, bài làm hôm nay được mấy điểm, học giỏi toán như thế nào, có cái cặp màu gì, bố đi nước ngoài ra sao, ngày hôm nay nói câu gì với cô , ngày hôm qua xung phong lên phát biểu ở môn học gì, giờ ra chơi chơi với ai, hôm nay có sự kiện gì mà cậu ta tham gia.
Phần lớn những chuyện này được kể với một giọng rất chê bai từ miệng cô bạn tôi. Theo cô, cậu ta mặc dù thông mình học giỏi nhưng mà quá kiêu ngạo, tinh tướng. Hồi đấy tôi không hiểu mấy, nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi thấy có lẽ hồi đó, cô bạn tôi rất thích cậu ta nên mới để ý nhiều chi tiết đến vậy.
Tôi cũng không hiểu sao lại nghe không biết chán những chuyện vớ vẩn miễn là liên quan đến cậu ta. Tôi rất tò mò về cậu bé mà tôi chưa bao giờ gặp mặt nhưng lại biết rất nhiều chuyện về cậu. Trong sự hình dung của tôi, đó là một cậu bé rất đẹp trai, học giỏi, thông minh, nhưng rất sĩ diện, đôi chút kiêu ngạo, phát ngôn ra miệng rất ngông nghênh. Hình ảnh của đó luôn sống trong tôi giống như một huyền thoại nho nhỏ và thú vị khơi gợi trí tò mò và làm sống động hơn những buổi chiều chậm chạp và tẻ nhạt ngồi ngáp ngắn ngáp dài xếp hàng mua rau trước cửa hàng mậu dịch.
Trái đất thật là nhỏ bé, lên đại học, tôi và cậu ta hóa ra học cùng lớp. Lần đầu tiên tôi gặp nhân vật trong chuyện là ở sân trường khi các lớp đứng chờ điểm danh hôm nhập học. Tôi là lớp trưởng, giữ danh sách lớp nên nhìn thấy tên quen thuộc. Cậu ta đứng ở cuối hàng, đứng hơi tách ra cả đám đông gần trăm sinh viên hỗn độn. Không hiểu sao, mặc dù chưa từng gặp mặt, tôi vẫn có cảm giác chắc chắn rằng đó là nhân vật nam trong câu chuyện hàng ngày của cô bạn hàng xóm.
Cậu ta khá sáng sủa, có thể gọi là đẹp trai theo tiêu chuẩn Việt Nam, cao khoảng 1.70m, da trắng, vai rộng, dáng người vuông vắn khỏe mạnh rắn chắc, tay ngắn và chắc, khuôn mặt to và vuông vắn, trông cũng khá có tướng tá, miệng khá đẹp, đầy đặn và có đường nét, chỉ có mắt hơi nhỏ nhưng nhanh nhẹn.
Cậu ta đứng tách ra một chút khỏi đám đông lao xao ngơ ngác của bọn sinh viên năm thứ nhất, luôn đầy tinh thần tự tôn, luôn thể hiện ra ngoài lòng tin tưởng vô bờ bến vào khả năng của mình. Cho đến bây giờ tôi vẫn có ước muốn châm biếm cái thói tự hào tới mức hơi tự tâng bốc bản thân, và cùng lúc vẫn bị hấp dẫn bởi trí thông minh sắc sảo hiếm có của cậu ta. Tôi nghĩ, quan hệ của chúng tôi chắc suốt đời vẫn thế.
Tôi và cậu ta hóa ra còn đi học về chung đường vì nhà ở gần nhau. Tôi không biết từ lúc nào tôi bắt đầu quan tâm đến người bạn học, có lẽ từ rất lâu trước khi gặp, hình ảnh người con trai này đã sống trong tôi. Còn cậu ta có lẽ luôn chỉ coi tôi là bạn, và quan tâm nhiều hơn tới những cô bạn gái xinh đẹp của tôi, và thường hỏi tôi thông tin về họ.
Tôi chưa bao giờ kể cho cậu nghe rằng tôi biết cậu rất lâu trước khi gặp, cũng chưa bao giờ tiết lộ rằng tôi đã tốn không biết bao nhiêu trang nhật ký viết về cậu, cũng tốn không biết bao nhiêu là nước mắt. Thậm chí những truyện ngắn đoản văn của tôi đăng trên báo chí thời ấy đoạn nào cũng thấp thoáng hình bóng của cậu ấy.
Chả hiểu sao cái thái độ khinh khi vênh vang, cái thói tự tin đến đáng ghét của cậu ta lại cuốn hút tôi. Tôi kết luận chắc ngày ấy tôi cũng ở cái tuổi dở hơi. Mà ngày ấy tôi tương tư biết bao nhiêu người, từ anh đoàn trưởng bộ đôị xuất ngũ hay uống rượu, hay cười đỏ mặt, có lúm đồng tiền đến cậu bạn đẹp trai, vui tính, con nhà giàu tán gái dẻo như kẹo kéo.
Chao ôi cái thời ngây thơ nhật ký chép vào hết phượng đỏ lại đến ve kêu, tràn ngập những chuyện tình vớ vẩn ẩm ướt như là nước mắt học trò ngập ngừng rơi. Xem lại nhật ký thấy ghi rõ hôm nay bạn trai nào nhìn mình khác lạ, ai khen mình xinh, ai đạp xe theo mình giờ tan trường, ai cài hoa hồng tặng trên khung cửa sắt trước nhà, bao giờ thì đến mùa hoa sữa. Rồi trốn cả buổi kinh tế chính trị để đọc truyện Chó hoang Dingô.
Trái đất dù vô cùng rộng lớn nhưng vẫn có cách đẩy chúng tôi lại gần nhau. Một thời gian ngắn sau khi tôi đi du học, cậu ta cũng đi tuy rằng ở bang khác. Tôi và cậu ta vẫn giữ liên lạc với những cuộc trò chuyện chủ yếu về những chuyện tình không thành của cậu ta hay là những khó khăn của cuộc sống du học. Cậu ta thường hay đùa cợt, nhưng tôi biết những năm tháng sống một mình đã dậy cho cậu ta thành một con cáo khôn ngoan già dặn. Tôi thử gõ vài lần vẫn không tìm thấy điểm yếu của cậu ta. Tôi nói cái gì cậu ta cũng đối đáp trôi chảy như là đã thông thạo về chủ đề đấy rồi. Cậu ta cứ nhơn nhơn cười như là người tự chủ nhất thế gian.
Chỉ có một lần cậu ta kể là hồi mới sang đi học, thuê phòng riêng nhưng chung toa let với môt người phòng bên cạnh. Luật không thành văn là mỗi người lần lượt để cuộn giấy toa let khi hết. Vì thời khóa biểu khác nhau nên ở cả nửa năm rồi vẫn không bao giờ gặp nhau. Một lần, cậu ta có lần cố tình không để giấy toa lét mấy lần để buộc ông kia phải chờ gặp để nhắc nhở. Vì thế, cậu ta được gặp người hàng xóm. Nghe kể xong, tôi bỗng nhận ra rằng, cậu ta chắc rằng có những thời điểm rất cô đơn.
Những cuộc nói chuyện không đều đặn vẫn giúp chúng tôi giữ liên lạc và phần nào chia sẻ cuộc sống của nhau. Tôi và cậu thậm chí còn cùng về thăm nhà và cùng đi chơi ở Việt Nam. Chúng tôi đi uống cà phê, nhìn khung cảnh xám xịt trời mưa tầm tã trên hồ Tây, ăn chân gà nướng ở Kim Liên, thăm làng hoa hồ Tây và thăm cậu bạn học cũ nhà nghèo đi trông hoa thuê cho người chủ đất. Tôi còn nhớ cậụ ta hái tặng tôi một bông hồng dài đúng bằng người trong một buổi chiều hồ Tây xám xịt.
Và bây giờ, cậu ta đến thăm tôi. Cậu ta thường gọi điện hoặc đến thăm tôi sau mỗi cuộc tình thất bại. Tôi là một người an toàn để chia sẻ vì tôi không quen biết và cũng không liên hệ với các bạn khác của cậu ta nên những gì được kể cho tôi không bao giờ đến tai những người bạn khác.
Trời đã về chiều, mặt trời xuống nhanh. Tôi nhìn thấy bạn cũ đứng chờ tôi với chiếc vali nhỏ và nắng chiều chênh chếch sau lưng. Cậu ấy không thay đổi mấy, có lẽ hơi lên cân một chút, trông khỏe mạnh hơn một chút. Cậu ta nhìn tôi khá ngạc nhiên và đôi chút như là ngưỡng mộ và hài lòng, tôi có lẽ đã thay đổi nhiều, màu tóc tôi khác và cách ăn mặc cũng khác.
Chúng tôi ôm lấy nhau thay cho lời chào hỏi. Tôi đưa cậu ta về chỗ em họ tôi ở tạm. Buổi tối, tôi nấu canh rau cải với cá rán sốt cà chua. Chúng tôi ba người ăn chung bàn trò chuyện như pháo rang. Cậu em tôi có vẻ hợp chuyện với . Cậu ta vỗ vai em tôi bảo: “ Rồi chú cũng phải học lái xe đi chứ nhỉ, để còn lái xe đỡ chị chú chứ. Hồi anh mới sang đây cũng chả biết gì như chú, rồi cũng tự mày mò đi xe bus đi các nơi, và học thi lấy bằng lái.”. Thằng em họ tôi chắc nghe câu được câu chăng, chỉ ngồi hì hục đánh chén, chả mấy khi được bữa cơm Việt ngon. Ăn xong cả ba đứa no kềnh ngồi tán gẫu chuyện bóng đá Việt Nam và xem băng Mỹ Tâm.
Nhìn cậu ta nói chuyện thoải mái với cậu em bướng bỉnh của tôi, hai anh em cười sằng sặc tôi thấy lòng dễ chịu vô cùng, ước gì mọi việc cứ thế này mãi. Tôi có cảm giác thân thuộc và thân thương, không phải cố gắng hòa nhập. Tôi nghĩ giá được thế này cũng tốt, lấy một người chồng Việt Nam giản dị chân thành yêu thích gia đình. Một người sẽ không những làm chồng của tôi mà còn làm anh của em tôi và làm con của bố mẹ tôi.
Tôi sẽ không phải dậy người yêu đếm một,hai, ba bằng tiếng Việt. Bố tôi khi gặp con rể tương lai sẽ không phải cầm theo cuốn từ điển Anh- Việt, phát âm tiếng Anh phì phì cả nước bọt vì già rồi nên uốn lưỡi khó khăn hơn, miệng nói tay nói, hết buổi nói chuyện thì cả hai cùng mỏi hết cả tay. Có lẽ hạnh phúc giản dị thôi, vậy mà tôi vẫn mải chạy theo những ánh cầu vồng rực rỡ vì trí tò mò vô tận và khát vọng không mệt mỏi muốn khám phá những điều mới lạ, muốn thử sức mình ở những chân trời xa lắc.
Nhà chỉ có mỗi một giường, cậu ta hì hục dọn giường ngủ cho tôi khi tôi rửa bát. Cậu ta và em tôi rải đệm nằm đất. Tôi mệt và thiếp đi trong tiếng rì rầm bình luận bóng đá của em tôi và cậu ta.
Tôi tỉnh dậy khi trời hăm hở sáng. Tôi không thấy hai người đâu. Chạy ra ngoài cửa, tôi thấy hai anh em đang ở bên kia đường. Cậu ta vẫy tôi xuống và nói với lên: “ Bên này có người đem đồ đạc cũ ra bán, chọn được khối thứ mà em cậu cần”. Tôi sang đến nơi đã thấy cậu ta đang giúp em tôi mặc cả mua bàn học, bàn ăn, đèn, giá sách, đèn máy tính, tủ đựng quần áo với giá rẻ như đem cho. Ba chúng tôi hì hục khiêng đồ về trang bị phòng cho em tôi. Tôi nhìn cậu ta cảm kích vô cùng. Không có cậu ta nhanh mắt nhìn thấy người ta đem bán đồ cũ từ sáng sớm và giúp mua và khiêng đồ, không biết đến bao giờ chị em tôi mới sắm đủ đồ đạc cho căn phòng mới này.
Tôi chạy đi mua đồ ăn sáng về tới nhà thì cậu ta đã dọn xong giường, xếp gọn gàng mọi thứ. Cậu ta nhận chiếc bánh quệt bơ từ tay tôi, nhìn tôi rất lâu ánh mắt như muốn nói: “Tớ bây giờ mới biết cậu là một người con gái rất ngọt ngào. ”
Tôi cười nhìn cậu ta. Tôi ước gì tôi có thể nói thành lời với cậu ta rằng cậu ta là một người con trai rất thông minh và vững chãi.
Tôi đã lên sẵn kế hoạch đưa cậu ta đi chơi, in địa chỉ và bản đồ. Cậu ta cầm lấy chìa khóa xe từ tay tôi bảo:”Để tớ lái xe cho, còn sớm, cậu mệt thì cứ ngủ đi.”. Tôi thiu thiu ngủ trong tiếng xe chạy rung đều đều, và tiếng gió ngoài cửa kính mở hé, tận hưởng cái cảm giác mới lạ là ngồi ở xe mình mà không phải lái.
Mắt nhắm lại, tôi nghe mơ hồ nghe tiếng hát Mỹ Linh từ đĩa mà cậu ta mang tới: “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa; Cái rét đầu đông khăn em hiu hiu gió lạnh; Hoa sữa thôi rơi em bên tôi một chiều tan lớp; Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về.” Lao xao giữa những lời ca là tiếng thằng em tôi tranh luận với cậu ta về một trò chơi điện tử nào đó.
Tôi nhắm mắt tận hưởng cái cảm giác ngắn ngủi của sự thanh thản tuyệt đối, khi những lo âu căng thẳng bỗng lùi xa ở mãi phía chân trời. Tôi biết rằng cậu ta sẽ lái xe an toàn, đánh thức tôi dậy khi đến nơi, tìm chỗ đậu xe, tìm nhà hàng ăn. Cậu ta sẽ lo lắng chu đáo mọi thứ.
Tôi ngạc nhiên thấy rất vui, thanh thản và yên tâm khi ở bên cậu. Tôi ngạc nhiên hơn nữa khi khám phá ra rằng tôi thích cái cảm giác được dựa dẫm, được lo lắng quan tâm cho trong chốc lát này. Cuộc sống một mình dậy cho tôi biết tự lo lắng mọi thứ. Tôi cứ tưởng tôi tuyệt đối tôn thờ chủ nghĩa tự lập. Bây giờ tôi mới nhận ra rằng tình thân hữu đã mang lại cho tôi cảm giác yên bình và an toàn mà trước kia tôi không hề ngờ tới.
Cảm giác dễ chịu này theo tôi ra tới biển, nơi chúng tôi trải khăn tắm trên cát mịn nằm nhìn trơi cao qua kính râm và nghịch ngợm nhảy xuống nước bơi khi thích.
Tôi nhào đầu xuống làn nước xanh trong vắt. Nước biển mùa hè ấm hơn rất nhiều. Sóng vỗ rất nhẹ, có thể bơi dọc theo bờ. Tôi bơi ngửa, sóng mơn man trên da thịt, ngửa mặt lên thấy trời xanh ngắt, lững lờ trôi đi trên sóng, thấy toàn thân dễ chịu và ngọt ngào, giải thoát. Cậu ta bơi ra xa hơn, tôi chỉ nhìn thấy thấp thoáng mái tóc đen trong nắng chiều.
Bơi lội thỏa thích rồi chúng tôi lên bờ nằm dài trên khăn tắm trải trên cát mịn dưới ánh nắng rực rỡ, nghe gió biển mát vị nước nhẹ nhàng mơn man da thịt, đem đến một cảm giác tươi rói mượt mà như lụa chạm trên bụng.
Ở biển có rất nhiều trò chơi như bơi, lặn tham quan đáy biển, đi thuyền, bay trên những quả cầu trên trời nhìn xuống biển và thành phố. Chúng tôi chọn bơi xuồng trên biển. Đó là những chiếc xuồng nhẹ, dài, hẹp, màu xanh. Chúng tôi mặc áo phao, cầm ghe chèo thuyền, tôi ngồi đằng trước, cậu ta ngồi đằng sau. Cậu ta giúp tôi bôi kem chống nắng và đưa cho tôi cái mũ lưỡi trai.
Chèo xuồng xa bờ, chúng tôi tận hưởng cảm giác mênh mông và thanh bình của biển cả, và cùng nhau khám phá bao điều mới lạ. Cách không xa xuồng có một chú hải cẩu ngó đầu đen ngòm lên khỏi làn nước trong vắt, tò mò nhìn hai đứa, một chú hải âu đậu trên tảng đá nhô lên trên nước ngó nghiêng, những chùm rong biển dài đủ các màu màu sắc rực rỡ lững lờ theo nhịp sóng trong làn nước xanh trong vắt, và những động đá nhỏ nơi nước xoáy đâp vào đá tung bọt trắng xóa như mời gọi và thách thức những tay chèo cứng tay thử đùa với làn nước mạnh.
Có lúc chúng tôi gác tay chèo, để mặc xuồng trôi theo làn nước, thư giãn, nghỉ ngơi, thả ánh mắt xa mãi nói chân trời chạm vào biển. Biển mênh mông tạo cảm giác như cả thế giới chỉ có hai người. Tôi thấy vô cùng thư giãn và thoải mái, cười khanh khách, vang giòn như ánh nắng mùa hè. Cậu ta cũng rất vui, nheo mắt lại, nhìn đường chân trời rực nắng. Cậu ta, ngọn lửa ngày nào như đã hóa thành một cơn gió biển mát trong lành làm dịu mát hồn tôi sau những ngày căng thẳng và giông bão.
Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Kỳ nghỉ ngắn ngủi của hai chúng tôi qua mau. Tôi đưa cậu ta đi chơi vịnh vào ngày cuối, nơi có những con thuyền buồm trắng thanh bình và yêu kiều nằm trong vịnh nước xanh trong vắt, xa xa đậu một chiến hạm chở máy bay chiến đấu đen ngòm. Tôi nói với cậu ta rằng cảnh chiến hạm nằm cạnh thuyền buồm rong chơi màu trắng luôn gây cho tôi cảm giác lẫn lộn, như chiến tranh và hòa bình nằm cạnh nhau dưới ánh mặt trời rực rỡ, như cái này là lý do tồn tại của cái kia. Chúng tôi nói với nhau những điều vớ vẩn, tranh luận những chuyện không đâu để rồi sẽ chia tay nhau không nhớ nhung gì.
Khi tôi tiễn cậu ta ra sân bay, le lói trong tôi một ước muốn mơ hồ, hình như tôi muốn kể cho cậu ta một điều bí mật, một câu chuyện về một cô bé ngày xưa, thích một câu bé ngày xưa, nhưng tôi chỉ ôm chặt lấy cậu ta chào tạm biệt rồi đứng lặng không nói được lời nào nhìn theo cậu ta đi khuất qua cửa.
Chả nhẽ bây giờ lại bảo: “Ngày xưa, có hồi tớ rất thích cậu.” Nói xong rồi biết giấu mặt vào đâu. Nói xong rồi tình bạn của chúng tôi sẽ ra sao. Và tôi giữ mãi trong tim lời tỏ tình của quá khứ, và những ước mơ quá khứ về một cuộc tình không bao giờ bắt đầu.
Tôi ước gì có thể nói cho cậu ta hiểu rằng tôi ngạc nhiên và vui sướng biết bao nhiêu trước sự trưởng thành của cậu ta. Hãy nhìn xem, cậu ta đã tự rèn luyện mình và trở thành một một người đàn ông thông minh, học thức, đàng hoàng, và chững chạc, có vốn hiểu biết rộng rãi cả về những điều trong sách vở và cuộc sống hàng ngày.
Tôi mỉm cười nhưng mắt tôi nhòa đi khi tôi lái xe một mình quay về dọc con đường ven bờ vịnh ở trung tâm thành phố. Tôi tiếp tục lái xe trên đường phố ồn ào đông đúc với tiếng còi ô tô rít, tiếng máy bay, và bờ vịnh bạt ngàn thuyền lướt qua bên cửa kính. Tôi bỗng nhớ những buổi chiều tan học ngày xưa hai chúng tôi lóc cóc đạp xe về nhà trên con đường Hà Nội bụi mù mịt. Có hôm trời mưa hai đứa đều ướt sũng, có lần tôi khóc lẫn với nước mưa vì toàn bộ câu chuyện của cậu ta nói với tôi chỉ để hỏi thăm về người bạn gái xinh đẹp của tôi.
Có tiếng máy bay vọt qua gầm rú ở trên đầu. Có thể đó là máy bay chở bạn tôi. Tiếng rít động cơ kéo tôi khỏi dòng suy nghĩ miên man về quá khứ. Tôi bỗng nhận ra rằng chúng tôi đều đã lớn và đã đổi thay, bạn tôi từ một cậu bé vênh vang hay thể hiện đã trở thành một chàng trai đàng hoàng chững chạc, còn tôi từ một cô bé khóc lóc chiều mưa đã trở thành một người con gái trưởng thành và kiêu hãnh. Xe cộ và người như lướt lòa nhòa hai bên cửa kính, những âm thanh ồn ào của phố cảng cũng trở nên xa xôi, tôi chỉ còn nghe lòng vọng lại một câu thơ ngày cũ: “Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa."…*
* Trích “Bài thơ cuộc đời” – Ônga Bécgôn.