Chương 11
Tác giả: Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển
Anh em phế binh, cô nhi, quả phụ và những người lính rã ngũ trong nước không nghe thấy chính phủ Hoa Kỳ và đồng minh nhắc nhở gì đến chúng tôi cả. Không lẽ họ đã quên và không còn trách nhiệm đối với những người bạn chiến đấu năm xưa nữa hay sao? Những con người cùng khốn, đang sống bên lề cuộc sống, nạn nhân của chế độ cộng sản đang trông chờ các bạn. Anh em phế binh luôn hướng về chính phủ Mỹ và các đồng minh cũ bởi vì họ thấy các quốc gia Tây phương đã giúp đỡ người vượt biên, những người sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào đất nước họ. Còn số phận chúng tôi thì sao?
Nhưng đã là chiến binh không nên tuyệt vọng. Chúng tôi chỉ cảm thấy cô đơn vì không hòa nhập được vào với xã hội cộng sản. Ý chí ngoan cường, quật khởi sẵn sàng hưởng ứng các cuộc tranh đấu cho tự do, nhân quyền trên quê hương không mất trong lòng chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy rõ ăm mưu thâm độc của nhà nước cộng sản khi đày đọa chúng tôi, họ muốn chúng tôi chết lần chết mòn... trong quên lãng và nghèo đói. Nhà nước cộng sản muốn xóa đi một trang sử u buồn, những người như chúng tôi không có quyền sống trong nhân phẩm. Để khỏi mang tiếng với các nước bên ngoài, nhà cầm quyền cộng sản không trực tiếp giết chúng tôi bằng vũ khí, súng đạn, mà lùa chúng tôi vào những chốn rừng thiêng nước độc để cho thiên nhiên, dịch bệnh và đói ăn tiêu diệt chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã không chết. Chúng tôi đã sống. Sống để làm nhân chứng cho một thời đại đen tối của đất nước: người cộng sản Việt Nam đang dày vò những người khốn khổ, muốn tiêu diệt những người không còn có lợi ích cho xã hội. Những người vô sản hôm qua đang muốn tiêu diệt những người vô sản hôm nay.
Anh em chúng tôi đồng tâm nguyện với nhau: "Đừng chết! Không được chết! Ngày xưa chúng ta là những chiến binh tử thủ trước chủ nghĩa cộng sản, ngày nay chúng ta tiếp tục tử thủ trước cái chết đang chờ chực chúng ta, từng ngày, từng bữa. Nếu chúng ta không cố gắng kéo dài cuộc sống thì những lớp người kế tiếp, trong đó có con em chúng ta, sẽ bị nhà cầm quyền cộng sản mặc tình nhồi nhét, tuyên truyền những điều sai sự thật về cuộc chiến đã qua và như thế sự thật sẽ mãi mãi bị chôn vùi. Không còn ai biết chính họ đã xâm chiềm miền Nam, đày đọa và bóc lột nhân dân miền Nam. Như vậy rồi con cháu chúng ta sẽ tiếp tục mãi mãi trở thành nô dịch cho chế độ cộng sản. Chúng ta phải sống để làm nhân chứng, nhân chứng của thời đại Việt Nam, nhân chứng của lương tâm nhân loại!".
Từ đó, những người cùng khổ như anh em chúng tôi đã cố gắng sống. Là người ai cũng muốn sống, nhưng sống trong chế độ độc tài cộng sản này không phải dễ. Chỉ những ai không có xương sống, đầu óc ù lì không dám bênh vực lẽ phải mới thoi thóp sống được, những người khác không có chỗ đứng. Biết bao nhiêu bạn bè, thân hữu chúng tôi đã nằm xuống vì dám chống lại những người cầm quyền, nhiều người như chúng tôi, ê chề hơn, ngã gục trước bệnh tật, đói ăn và thiếu áo. Nhiều người đang chết dần chết mòn trong nghèo khổ, nhân phẩm bị chà đạp, nhiều người khác đã tự tử để trút gánh đời. Nhưng chúng tôi phải sống, sống để mọi người thấy sự tàn ác của chế độ này, một chế độ không có chỗ đứng cho những người thua cuộc.
Những khẩu hiệu "xã hội chủ nghĩa đẹp gấp trăm, gấp ngàn lần xã hội tư bản chủ nghĩa" là những ngôn từ rỗng tuếch, tất cả chỉ là sự thay ngôi đổi vị của những thành phần giàu có. Trên đất nước ngày nay, người ta chỉ thấy cán bộ cộng sản sống ung dung, phè phỡn trên sự nghèo khổ của đồng bào. Chúng tôi phải sống, sống để làm nhân chứng. Nếu chúng tôi bị chết hết đi thì sự tàn ác vô nhân của chế độ cộng sản sẽ còn tiếp tục.
Thành phố đang theo đà "mở cửa" của đất nước. Vào những dịp lễ lớn, sinh hoạt mua bán trở nên nhộn nhịp, tấp nập hơn. Lẽ ra thì những người đi xin cũng có nhiều cơ may hơn, anh em phế binh bán nhang được nhiều hơn, nhưng vì "mở cửa" nên trên đường phố có nhiều khách nước ngoài "du lịch" vào Việt Nam, chính quyền cộng sản muốn "triệt tiêu" nghề ăn xin. Những người ăn xin đang ngồi ủ rũ trong những công viên kia buồn lắm. Những anh em phế binh đi bán nhang cũng không vui sướng gì vì cũng đang bị chiến dịch "làm đẹp thành phố" truy lùng.
Sống làm sao đây? Đó là một câu hỏi lớn. Mua bán cần có vốn liếng, đi xin thì bị bắt, họ chỉ còn một cách là kéo dài cuộc sống với chính bản thân kiệt quệ của mình. Những phụ nữ còn chút nhan sắc và trẻ trung thì bán thân thể, còn những người cùng khốn chỉ có thể đi bán... máu của mình mà thôi. Bán máu để nuôi bản thân và nuôi gia đình. Anh em phế binh chúng tôi cũng đi bán máu, bán cho những trung tâm tiếp huyết để có chút tiền làm vốn mua nhang.
Bỗng nhiên bán máu trở thành một phong trào, bán máu là một nguồn lợi. Từ tờ mờ sáng, trước các trung tâm tiếp huyết hàng trăm, hàng ngàn người "tình nguyện" chen chút nhau đứng chờ được lấy máu. Có người đã ngủ đêm tại chỗ để chắc chắn sáng hôm có một chỗ đứng trong hàng để chờ được người ta lấy máu. Khoảng 3 giờ sáng, đoàn người đã đông. Ai đến trễ thì phải chờ ngày hôm sau và gia đình người "tình nguyện" sẽ... đói. Do đó phải có một chỗ đứng.
Trở về trường hợp của tôi. Một lần nữa, đã lâu rồi, cha tôi nằm phòng cấp cứu bệnh viện lao Hồng Bàng, bây giờ mang tên Phạm Ngọc Thạch. Được đưa vào từ chiều tối hôm trước nhưng ông đã nằm chờ mãi trong một ghế bố kê ở hàng hiên, không thấy ai đến hỏi thăm, chẩn bệnh và cấp thuốc men gì. Đến sáng người vào khám bệnh đông thêm, cái ghế bố của cha tôi được đưa ra gần cổng "nhà vĩnh biệt" (nhà xác). Tôi thấy những người nghèo khốn khác bị thương nặng cũng được đưa ra nằm gần đấy, thân nhân của họ phải chườm nước đá trên những vết thương để cầm không cho máu rỉ ra. Nhưng tuyệt nhiên không thấy vị y sĩ nào đến chẩn bệnh.
Ngược lại tôi thấy nhiều bệnh nhân thuộc hạng gia đình khá giả được đưa vào trễ hơn thì được cấp tốc đưa lên phòng dưỡng bệnh. Tại đây họ được chăm sóc kỹ lưỡng, được cấp thuốc men thăm hỏi và được ăn uống no đủ. Có người đã nằm ở đó suốt ba tháng trời, có người sau khi xuất viện đã đến tái khám nhiều lần và mỗi lần được cấp phát thuốc men cho đến khi hết hẳn bệnh. Tôi sốt ruột hỏi thăm "người ta", thân nhân của bệnh nhân, thì họ nói nhỏ:
- Phải biết... sống !.
- Với ai? - tôi hỏi.
"Người ta" làm thinh. Gần trưa hôm sau, một nữ cán bộ tên Hồng đến gần hỏi cha tôi:
- Thân nhân đâu?
Tôi vội vàng trình bày bệnh tình và hoàn cảnh gia đình tôi, bà Hồng hỏi nhỏ:
- Có hai chỉ vàng không? Nếu có thì được đưa lên phòng điều trị, trên đó có đủ thuốc và được chữa trong vòng sáu tháng. "Thủ tục" để tôi hỏi cho.
Tôi ú ớ trong họng. Bà Hồng chợt hiểu, liền thay đổi nét mặt và nhìn tôi dằn mạnh từng chữ:
- Còn nếu không thì về địa phương, mang hộ khẩu ra các trạm y tế xin khám bệnh, tại đó người ta cấp thuốc miễn phí cho.
Tôi dạ dạ vâng vâng, rồi bỏ đi ra ngoài. Sáng sớm hôm sau tôi đi tới thẳng trung tâm tiếp huyết và... chen vào sắp hàng với những người "tình nguyện" hiến máu khác. Tại đây tôi mới biết có những người cũng nghèo khổ như chúng tôi làm nghề "xếp hàng mướn". Họ đã ngủ lại đêm để giữ chỗ cho những người "tình nguyện" đến bán máu "mướn" lại. Giá một chỗ đứng bằng 1/10 sồ tiền người bán máu lãnh được. Những người này thường "quảng cáo" là họ có quen biết lớn trong trung tâm. Những ai không đủ tiêu chuẩn để "hiến" máu thì họ sẽ "nói" với cán bộ "lấy máu giùm" cho, giá của sự "nói giùm" này bằng 2/3 số tiền mà người bán máu sẽ nhận được. Sau khi "hiến" máu mỗi người được "bồi dưỡng" một ổ bánh mì nhỏ, một ly sữa cacao, một miếng thịt bò bí tết bằng ba lóng tay và một cái hột gà ốp la. Những người bán máu "không đủ tiêu chuẩn" thì phải biết điều nhường phần này cho người làm "mai mối" và "nhà bếp". Không đủ tiêu chuẩn là những người quá ốm yếu, bị tình nghi ho lao hoặc bệnh lây lang, hoặc cho quá nhiều lần, máu không đủ hồng huyết cầu.
Tôi lanh lẹ chen lấn nên cũng có một chỗ đứng trong hàng chờ vì những người "tình nguyện" ai cũng sợ, họ không biết tôi là ai, thuộc "phe" nào của trung tâm tiếp huyết. Đúng 8 giờ sáng, các "trật tự" của trung tâm đi nhìn mặt từng người xếp hàng và phân loại, tôi bị vào loại không đủ tiêu chuẩn vì thân thể quá ốm yếu, suy dinh dưỡng. Bực mình trước cảnh bóc lột người cùng khổ, tôi lớn tiếng chửi bới:
- Tại sao những người khác cũng ốm yếu như tôi được cho xếp hàng còn tôi bị loại? Bộ ăn hối lộ hả? Coi chừng nghe, tôi vào trung tâm báo cáo các người ăn tiền hối lộ cho coi...
Chưa kịp nói hết câu thì "uých" một cái, tôi bị cùi chỏ của một tên mặt rô giả bộ đứng trong hàng tống mạnh vào ngực. Đang bàng hoàng định la lên kêu cứu thì tôi bị nhiều tên khác xúm lại lôi cổ ra khỏi hàng. Nhiều người khác chỉ chỏ mắng thêm. Một người đứng xếp hàng chỉ mặt tôi chửi:
- Định phá đám hả mậy? Đ... mẹ xác thân như mày có gì mà cho. Đã không biết thân biết phận còn dám hỗn láo. Đáng kiếp! Đồ phế binh ăn hại.
Thế là tôi bị hất văng ra ngoài hàng, người đứng trước đứng sau làm ngơ như không có chuyện gì xảy ra, chen mất chỗ đứng của tôi. Bực mình và buồn bã, tôi về lại nhà thương thăm cha tôi, bệnh của ông càng lúc càng nặng mà tôi thì không có tiền chữa chạy. Lần này tôi quyết định phải "biết điều" hơn. Sáng hôm sau tôi ra sớm hơn để xếp hàng và hứa cho một tên mặt rô đứng giữ trật tự số tiền nó muốn để được bán... máu.
Từ đó tôi có thêm nghề mới, nghề bán máu. Lân la với chốn này, tôi cũng làm quen được nhiều người khác, vui nhất là được gặp lại những anh em phế binh và các quả phụ đã từng một thời quen biết. Phế binh Cận (cụt một tay) ngồi ở công viên với phế binh Độ (mù một mắt và cụt một chân) và Thành (méo miệng và cụt một tay) chờ chị Loan và bà Nguyệt già tới giới thiệu với người "sắp chỗ" cho đứng xếp hàng.
Bà Nguyệt hồi này tìm được "việc làm" mới ở chợ bán máu nên không phải ra bùng binh chờ... khúc bánh mì nữa. Thật ra thì chẳng có ai mời bà Nguyệt ăn bánh mì cả vì bả quá già, thấy mà ghê. Bả còn có thêm nghề mới là "dẫn mối", nếu "giới thiệu" được nhiều người đến bán máu thì được nhiều ổ bánh mì với hột gà ốp la, ăn không hết thì bán lại nhà bếp. Chị Loan nhờ bà Nguyệt "giới thiệu" nên đã bán được ba lần máu, mà không cần phải đợi từ 3 đến 6 tháng.
Anh Cận dự tính nếu mà mọi chuyện êm xuôi thì anh và anh Độ, có con đang đau nặng nằm ở bệnh viện Nhi Đồng I, sẽ đi đến Thủ Dầu Một bán máu tiếp. Tại đây thủ tục bán máu dễ hơn nhưng không được bồi dưỡng bằng ở Sài Gòn, và họ sẽ tìm đến những nơi bán máu khác để tiếp tục "hiến" máu lấy tiền. Tại những nơi này không ai có thể biết họ vừa mới bán máu xong vì thiếu phương tiện đo lường hồng huyết cầu. Nhờ bán máu nhiều lần, anh Độ chạy đủ tiền lo thuốc cho con, anh còn dự định nó lành bệnh xong anh sẽ đưa hai đứa con nhỏ ra Nha Trang sống một thời gian, không cho chúng đi mót rau nữa.
Anh Thành ngồi buồn buồn nhìn Cận và Độ xếp tiền vào túi áo ở ngực. Anh bị lao nhìn thấy rõ quá và thân thể ghẻ lở tùm lum nên bị từ chối "nhận" máu. Anh Cận rủ anh Độ qua bên kia đường làm một tô hủ tiếu "rửa ruột" cho đã. Nhưng chị Ngọc Trai, vợ anh Độ, từ đâu chạy đến hớt hãibáo tin là con họ đã chết, người ta đưa vào nhà xác rồi. Anh Độ nghe tin ngồi thẩn thờ, không nói được gì cả, chỉ biết văng tục một tiếng "Đ... mẹ nó, cuộc đời này thật là chó đẻ", rồi rủ rục xuống mặt bàn. Tô hủ tiếu anh Độ vừa kêu ra ăn không nổi, anh Thành chạy vô ăn thay nhưng không còn thấy ngon, chỉ thấy mùi vị đăng đắng. Chị Ngọc Trai nức nỡ nói tiếp:
- Người ta nói phải đóng tiền cho bệnh viện mới được đem xác con về. Họ nói là tiền giữ xác trong nhà lạnh, để lâu càng trả thêm tiền. Tiền xương máu của anh vừa bán cho nhà nước xong, không tội gì phải nộp lại cho nhà nước. Đời bây giờ chết là hết. Vô thần mà, không còn tâm linh gì nữa. Thôi để con mình cho người ta đem đi hỏa thiêu, coi như vô thừa nhận.
Anh Độ cầm số tiền vừa lãnh xong, sau khi đã chia cho người "xếp chỗ" và đưa cho vợ, chống gậy đứng lên, đi qua bên kia đường ngồi xuống ghế đá. Miệng anh đắng nghét, môi khô lại, mắt hoa lên rồi nấc lên: "Con ơi!".
Chị Loan dạo này cũng hết đi sang bên kia đường kiếm ổ bánh mì thịt, chị gia nhập lực lượng "tình nguyện" hiến máu. Chị có ý định gom số tiền bán máu được khá nhiều rồi sẽ đi buôn lại như xưa vì nghe nói là bây giờ cộng sản không còn ngăn sông cầm chợ nữa. Hôm nọ, gặp lại chị Mai, hai người mừng quá. Chị Mai cho biết là nhờ cặp bồ với một tài xế xe tải, chị thoát được vài chuyến hàng nên có lại mái nhà. Chị Loan nghĩ nếu mình có vốn sẽ nhờ chị Mai chỉ đường, nhưng trong hoàn cảnh này muốn có vốn chỉ còn cách đi bán... máu. Chị Loan đã đi đến các trung tâm tiếp huyết tại Thủ Dầu Một, Bình Dương, lên tuốt tận Lộc Ninh rồi vòng qua Biên Hòa "bán máu". Nhờ "biết điều" và ăn nói giã lã, chị bán được nhiều lần. Nhưng vì muốn mau thoát kiếp sống hè phố, chị Loan đã quên chính mình. Thân xác của chị ngày càng kiệt quệ, mặt chị ngày càng xanh xao, chân đi không vững, chị cứ bị xây xẫm luôn. Một đêm chị nằm ngủ luôn trên ghế đá một công viên tại Chợ Lớn, xác cứng đơ. Sáng sớm hôm sau người ta đến chở xác chị đi, số tiền chị để dành cũng không cánh mà bay... vào túi những người công an đến khám xét.
Những người sống vất vưỡng trên hè phố, có đó rồi mất đó. Họ sống như những bóng ma, vật vờ bên ngoài cuộc sống, không ai màng đến sự hiện diện của họ. Họ còn sống hay chết đi không thay đổi những sinh hoạt thường ngày. "Không có mợ, chợ vẫn đông".
Thành phố trong những tháng ngày cận Tết, mọi người vật vã đi tìm miếng sống. Nhà nước công sản tiếp tục bận rộn với những kế hoạch 5 năm, 10 năm, những công trình thế kỷ năm 2000, năm 2020... Họ bận tâm xây dựng những tượng đài kỷ niệm nọ kia, làm những báo cáo vượt chỉ tiêu, soạn diễn văn chúc mừng... Các loa đài phát thanh ra rả những bài ca ngợi thành tích, hứa hẹn thiên đàng, hạnh phúc ấm no, những âm thanh chát chúa vang vọng vào đầu người dân. Nhưng người dân Việt Nam đã điếc, họ chỉ thấy trước mắt là địa ngục trần gian. Người dân sợ hãi mỗi khi nhìn thấy lá cờ có hình ngôi sao vàng chìm ngập trong màu máu đỏ.
Không! Không thể kéo dài mãi kiếp sống trâu ngựa này mãi trong chế độ này. Những người nghèo khổ đang bơi trong biển tuyệt vọng. Chế độ cộng sản đang hủy hoại con người, kể cả những người bần cùng nhất trong xã hội. Họ đã xúc phạm đến các thần thánh, đã đày đọa quê hương trong đói khổ và duy trì bất công. Họ không ngần ngại sử dụng những thủ đoạn tàn ác để triệt tiêu những người làm vướng chân họ. Họ sẵn sàng đi ngược đạo lý, sống trái tình người miễn sao được tiếp tục đè đầu người khác. Họ không phải là những con người bình thường, họ là loài thú dữ, những con "chó sói", không biết đạo lý, không biết tình người. Họ quay mặt luôn với những người đã từng ủng hộ họ ngày hôm qua, những "bà mẹ chiến sĩ" bây giờ chỉ biết ngồi than thân trách phận vì đã dại khờ bị cộng sản lường gạt, không những lường gạt cảm tình mà còn lường gạt luôn cả mạng sống con mình và tài sản. Chế độ cộng sản chỉ biết lo củng cố chỗ đứng của họ và chỉ bảo vệ quyền lợi của họ. Không còn gì để nói chuyện "phải trái" với những loại người này nữa.
* * *
Bờ sông Bạch Đằng là chỗ anh em phế binh và những người sống ở hè phố thường ra đó tắm rửa, giặc giũ và nghỉ ngơi. Ngâm mình dưới làn nước mát, chúng tôi tươi tỉnh trở lại, bụi bặm và nỗi nhọc nhằn tan biến hẵn đi. Chúng tôi ngước nhìn tượng Đức Trần Hưng Đạo, tay chỉ xuống dòng sông, mơ tưởng một trận Bạch Đằng Giang. Nhìn dòng nước chảy, chúng tôi mong xảy ra những cơn lốc xoáy cuốn phăng những bất công trong xã hội. Ngước nhìn trời cao, chúng tôi hy vọng có một Thánh Trần ra tay tế nhân độ thế, sớm mang lại cho quê hương tình người. Chúng tôi mong những bàn tay nối dài từ hải ngoại kéo anh em phế binh chúng tôi ra khỏi vùng bóng tối, giúp chúng tôi tạo lại cuộc sống bình thường, tìm lại nhân phẩm đã mất.
Viết lại theo lời kể của Song Nguyên