Chương 40
Tác giả: Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển
Kính dâng hương hồn
người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa
trong cơn đại họa đã chiến đấu đến cùng,
và chết gục trên cầu Rạch Chiếc,
để bảo vệ thành phố Sài Gòn thân yêu.
Và, cũng xin dâng tặng
tất cả những bạn bè đã quen,
hay chưa bao giờ quen,
đã nằm xuống vì đất nước.
Trong đời người, không có gì quý bằng tự do và nhân quyền. Sống mà không có được những điều ấy thì con người cũng như một thể xác vô hồn mà thôi.
Vì bảo vệ lý tưởng tự do và nhân quyền cho miền Nam, người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng sáng ngày 30-4-1975. Nhiều anh chết gục ở lùm cây, bụi cỏ bên đường... Thân xác anh đã yên nghỉ dưới lòng đất lạnh, mồ các anh đà trở thành hoang dã trong suốt bao năm qua. Từ nỗi đau mất nước, lá cờ vàng ba sọc đỏ, hồn thiêng sông núi Việt Nam Cộng Hòa, đã biến thành giải khăn tang chung cho quê hương dân tộc Việt Nam. Hơn hai mươi bốn năm qua, cơn đại họa ấy tưởng như đã qua đi trong lòng mọi người nhưng dư âm của những tiếng khóc than và nỗi đau thương thống khổ của dân tộc vẫn còn vang vọng.
Tôi còn nhớ buổi sáng đầu tháng 5 năm ấy, gia đình tôi còn người anh đi lính không quân ở sân bay Tân Sơn Nhứt. Chờ mãi mà không thấy anh về, cha tôi đã khóc và bảo tôi đi vào phi trường để may ra tìm được xác anh mang về chôn cất. Đi dọc theo xa lộ Biên Hòa, tôi để mắt tìm kiếm khắp nơi, mỗi khi nhìn thấy một xác người nằm chết là tôi vội vàng chạy đến coi. Mỗi lần lật xác lên coi là mỗi lần thất sắc. Có người lính trẻ chết nằm ngữa, có người chết úp mặt, có người chết giữa lòng cầu Rạch Chiếc xác nổi lềnh bềnh trên dòng nước cạn, tất cả là lính bộ binh hay địa phương quân. Xa hơn, phía ngã ba Cát Lái, là xác chết của mấy người lính mặc áo hoa dù đã sình trương, bốc mùi khó chịu, ruồi nhặng bu đầy. Vì mãi đi tìm anh, tôi để lại sau lưng hình ảnh những người lính vô danh chết gục hai bên đường. Tôi ứa nước mắt hình dung nỗi mong chờ của thân nhân những người lính đang nằm kia, không biết trong giờ phút lịch sử này có bao nhiêu gia đình đang mong đợi những người con không bao giờ trở lại.
Tôi cứ đi tới. Trong đám cháy đã tàn ở sân bay Tân Sơn Nhứt, tôi vẫn còn ngửi thấy mùi mỡ cháy khét bốc ra từ thi thể đen xì của hai nữ quân nhân. Dân chúng nhớn nhác ngược xuôi đi lại, hoang mang, lo lắng khi nhìn thấy những lá cờ nửa xanh nửa đỏ và một ngôi sao vàng chóe (về sau mới hiểu đó là công cụ xâm lược của quân cộng sản Bắc Việt). Từng đoàn xe Motolova chở đầy bộ đội cộng sản đi vào thành phố Sài Gòn. Tôi thẫn thờ nhìn họ. Cùng là người Việt Nam mà sao cảm giác về họ xa lạ quá, cứ như là một dân tộc nước ngoài nào đó đến xâm lược quê hương tôi. Đau đớn và buồn tủi.
Miền Nam đã bị nhuộm đỏ cả rồi. Chính thể vàng son của Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa. Một chế độ độc tài đảng trị đè nặng lên đời sống người dân. Xã hội cũ nhào đổ khiến đời sống trở nên xô bồ. Ủy ban quân quản thành phố áp đặt lối sống mới, cách làm việc mới rập theo khuôn mẫu nước Trung Hoa cộng sản. Một chủ nghĩa mới làm đảo lộn nề nếp suy tư cũ.
Trên đường phố người dân thường bắt gặp những biểu ngữ hô hào, những cụm từ ca tụng Đảng và Nhà nước. Hàng ngày, trong những sinh hoạt tiếp cận quần chúng, các cán bộ cộng sản nhồi nhét những khẩu hiệu đó vào đầu óc mọi người. Họ khẳng định đó là "chân lý" duy nhất đem lại hạnh phúc, no ấm cho con người và còn quyết xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, tức nhuộm đỏ thêm Việt Nam. Họ đã tìm cách phân tán dân cư, lập nhiều tổ phố nhỏ, đặt công an khu vực đôn đốc, khuyến khích, phê bình và báo cáo lẫn nhau để định xem ai là "người tốt", "có tinh thần cách mạng". Người nào bị tình nghi bất mãn thì bị coi là "kẻ thù của nhân dân, kẻ thù của giai cấp".
Trong cách sống không còn tình người đó, đất nước dường như mất đi linh hồn. Để tránh không bị "nhân dân" coi là "phản động chống phá cách mạng", là "ngụy", người ta hoặc phải khôn khéo gìn giữ lời ăn tiếng nói, phải tự thích nghi với các đại diện "giai cấp", hoặc phải lặng câm. Nhà cầm quyền còn cho người trá hình trà trộn vào đời sống dân gian, giả bộ lập nhiều "tổ chức chống phá cách mạng" để gài rồi bắt trọn ổ "những phần tử phản cách mạng", do đó không ai dám nói chuyện hay liên lạc gì với nhau nữa. Bởi vì không ai còn tin ai, không ai kể cho nhau những suy tư chân thật trong đời sống. Những người còn chút tiền bạc không thể tiếp tục sống trong bức màn sắt, đã tìm cách vượt biên, thoát ly kiếp sống đày đọa mà chính quyền mới áp đặt trên gia đình họ với hy vọng tìm thấy bên kia bến bờ đại dương tự do và hạnh phúc. Nhiều người không may đã để lại xác thân trong lòng biển cả.
Đời sống trong nước nói chung không còn các thần linh. Trong cuộc tranh giành biểu tượng, đâu đâu các cán bộ cộng sản cũng cho dựng tượng, vẽ hình lãnh tụ ****, để dân không còn nhớ gì khác nữa ngoài những điều mà Đảng tuyên truyền. Bức Tượng Thương Tiếc, linh hồn chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, ở Nghĩa Trang Quân Đội Thủ Đức đã bị kéo ngã, mồ mả của chiến sĩ bị đào bới, san bằng để rồi ít lâu sau nhà cầm quyền cộng sản cho xây dựng một nghĩa trang liệt sĩ màu mè và khang trang hơn ở phía đối diện, bên kia bờ xa lộ. Những ngôi chùa tuyên úy của quân đội bị tịch thu và biến thành khu "văn hóa cách mạng". Tượng Đức Phật A Di Đà và Quan Thế Âm Bồ Tát bị xe ủi đổ ngả nghiêng, vỡ nát. Những chú tiểu thì bị buộc phải hoàn tục, ngơ ngác đi vào cuộc sống mới. Nhà nước cộng sản đã biến nơi thờ phượng Thiên Chúa của Nha Tuyên Úy Tin Lành trong khu gia binh gần Trường Bộ Binh Thủ Đức thành kho chứa lương thực mà vẫn chưa vừa lòng, họ còn cho người leo lên gác chuông đập gãy thánh giá.
Người cộng sản có rất nhiều khả năng vì họ dám làm những điều mà người khác không dám làm. Để đề phòng và uốn nắn dân chúng dễ dàng hơn, nhà nước cộng sản ra lệnh tập trung những sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đưa đi "học tập cải tạo" ở những vùng xa xôi. Trong dân chúng, sự đi lại bị hạn chế, từ xã này qua xã kia phải xin giấy chứng nhận đi lại. Chính sách ngăn sông cấm chợ làm cho lương thực dần dần trở nên khan hiếm, thiếu gạo người ta phải ăn độn bo bo và khoai sắn. Để di dời những người dân cũ ra khỏi thành phố, nhà nước phát động phong trào đi "kinh tế mới", đưa dân vào những vùng sâu hoang dại. Những binh lính, hạ sĩ quan muốn yên thân, không bị dòm ngó, đã đem cả gia đình đi theo, đã lao tác đến kiệt lực vì đói, và chết dần vì dịch bệnh sốt rét và kiết lỵ.
Bánh xe lịch sử quay nhanh quá làm người dân chóng mặt. Những thương phế binh sống sót sau cuộc chiến cảm thấy bơ vơ, không con biết xoay sở làm sao để bảo toàn mạng sống. Chúng tôi có cảm tưởng như những đứa trẻ bị tật nguyền vừa mới sinh ra đã mồ côi cha mẹ. Những phế binh Việt Nam Công Hòa, đã hy sinh một phần thân thể bảo vệ quê hương, chỉ biết im lặng chịu đựng trong cuộc sống mới, hoàn cảnh sinh nhai cực kỳ khốn khó. Là những chiến binh được huấn luyện để đối phó với quân thù, chiến thắng hoặc hy sinh, nay phải cúi đầu trước đám thanh niên xấc láo và hổn xược.
Mỗi khi nhớ lại tiếng nói của "chuẩn tướng" tham mưu phó Nguyễn Hữu Hạnh kêu gọi các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa buông súng đầu hàng quân địch, chúng tôi không khỏi kinh hoàng. Nhiều lúc bạch biện để tìm chiếc phao hy vọng, người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi cho đó là một kế dụng binh đánh lạc hướng quân địch để tập trung lực lượng tái phản công chứ không ngờ cấp "chỉ huy" của chúng tôi làm công tác địch vận cho quân cộng sản tiến chiếm thủ đô Sài Gòn. Giờ đây, các cấp chỉ huy của chúng tôi một số hợp tác với quân thù, một số bỏ đi nước ngoài, những người còn lại phải đi "học tập cải tạo" và tập thể anh em phế binh chúng tôi bị bị kết tội là phế binh "ngụy" làm bẩn thành phố.