Chương 37
Tác giả: Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển
Gặp lại mẹ chồng, tôi vô cùng vui sướng. Bà già yếu hẳn đi nhưng nét mặt thanh bình. Bà buồn vì mất con trai nhưng với đàn cháu ngoại năm đứa nên cũng nguôi ngoa phần nào. Nhưng bà rất ngạc nhiên khi thấy tôi vẫn ở vậy với gia đình, bà nói phần lớn phụ nữ hoàn cảnh như tôi đều đã tái giá. Tôi chỉ cười giã lã cho qua chuyện, tái giá gì nữa khi gánh gia đình còn nặng trên vai? Chồng chị dâu tôi nói nếu cần anh tìm người cho, tôi từ chối. Mặc dù vậy anh sốt sắn dẫn tôi đi dạo khắp thành phố Vĩnh Long.
Cuộc sống ở đồng bằng sông Cửu Long thật bình dị. Đời sống tuy có khó khăn nhưng không ai để lộ ra ngoài, nơi đây chính quyền địa phương cũng dễ dãi nên thỉnh thoảng chồng chị dâu tôi. Mặc dầu là "ngụy quân ngụy quyền" đi học tập về, đêm đêm chồng chị dâu thường đi uống rượu với công an phường khóm. Nơi tôi ở, công an phường khóm luôn luôn rình mò làm khó dễ bà con. Người miền Nam có khác, lúc chiến tranh thì thù địch nhau, hết chiến tranh thì cùng nhau đi ăn nhậu. Ở đây lâu lâu mới có một vài tên "cường hào ác bá" hà hiếp dân lành nhưng chúng cũng sớm bị loại vì bà con lối xóm tố cáo ăn hối lộ và tham nhũng.
Tôi thuật lại cho gia đình bên chồng ý định buôn gạo của tôi, mọi người đều vui vẻ chỉ dẫn. Gạo miền Tây có đủ loại. Chưa bao giờ tôi thấy những hạt gạo vừa thơm vừa trắng tinh đến như vậy. Mãi mê những hạt gạo tốt, tôi mua mỗi thứ một tạ đem về bán thử. Chuyến buôn gạo này không được như ý vì lần đầu tiên mua bán gạo tôi chưa có kinh nghiệm nên bị lỗ vốn. Gạo trắng thơm dễ bán ở Sài Gòn nhưng không bán được ở Hố Nai. Không phải dân chúng không biết ăn gạo ngon nhưng vì nghèo quá nên không dám mua. Giá mười lít (mỗi lít bằng 1/2 ký) gạo trắng thơm bằng giá mười sáu lít gạo thường. Ngâm hàng lâu quá tôi gần như phải bán huề vốn và lỗ tiền xe, các anh phế binh cũng không dám nhận mang gạo đi Phan Thiết vì ở đây dân chúng còn nghèo hơn. Dân thành thị dám ăn gạo ngon nhưng dân thôn quê chỉ ăn gạo thường, đôi khi ăn cả gạo mục.
Nhờ có gia đình bên chồng ở Vĩnh Long, tôi vào Chợ Lớn mua hàng vải và đồ nhựa mang về bán và mua gạo trắng thường bán lại ở Hố Nai và Phan Thiết. Công việc mua bán cũng tiến bộ dần, tiền lời đủ ăn uống và còn dư để sắm sửa thêm trong nhà. Các em gái tôi cũng tự đảm đương việc mua bán ở chợ Thống Nhất và mỗi đứa đều để dành một chút vốn riêng. Những đứa con trai thì cũng chạy manh chạy mối kiếm đủ ăn qua ngày, chúng không nghiện ngập rượu chè và ma túy là tôi mừng rồi. Đứa em út học hành rất khá.
Vào cuối năm 1986 cha tôi được thả về. Ông rất mừng vì thấy gia đình còn đông đủ nhưng một thời gian ngắn sau ông tỏ ra chán đời và chỉ đi lang thang nhìn cảnh vật suốt ngày. Ông ít nói nhưng quan sát rất kỹ mọi sinh hoạt chung quanh. Ông quá chán ngán lòng người thay trắng đổi đen, nhất là khi ở trong tù, có nhiều công chức và quân nhân cũ thiếu bản lãnh làm nhiều người rất buồn phiền. Để thay đổi không khí buồn tẻ trong nhà, tôi mang cha mẹ về Vĩnh Long ở chơi với gia đình bên chồng một tháng, nhờ vậy cha tôi mới tìm lại niềm sống bình thường. Cha tôi muốn ở luôn tại Vĩnh Long vì đời sống ở đây dễ chịu, tôi phải bán một số vật dụng trong nhà để mua một căn nhà nhỏ gần chợ Vĩnh Long cho gia đình buôn bán. Một thời gian sau mẹ tôi cũng về hẳn nơi đây cùng với hai đứa em út. Tôi thì đi đi về về hai nơi, tuy có cực nhọc nhưng tâm thần cũng được bình yên.
Mọi người bàn với tôi về chuyện gia đạo, kể cả mẹ chồng, nhưng tôi chỉ biết lắc đầu. Qua lại thường xuyên bến phà Mỹ Thuận, tôi có dịp nói chuyện với anh Trần Văn Xích, tên người "phế binh ca sĩ" với giọng ca vừa bi thương vừa hùng tráng. Anh Xích cho biết anh là lính thủy quân lục chiến, bị cụt hai chân trong trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị năm 1972. Đạn pháo của địch quân rơi trúng chỗ tiểu đội anh đang nằm. Các đồng đội anh đều chết, riêng anh thì bị thương nặng và bị cưa hai chân. Trước kia anh ở làng phế binh Định Tường, sau bị đuổi ra khỏi làng anh phải lang thang hát dạo kiếm tiền. Anh cùng ba người bạn lập thành ban tam ca, có một anh qua đời vì bệnh nặng, người bạn kia bỏ về Nha Trang mất tích, chỉ còn mỗi mình anh trên bến phà Mỹ Thuận. Thương cảm hoàn cảnh anh Xích, mỗi lần qua đò, tôi mời anh ăn cơm ở một quán bên đường và cho anh ít tiền. Điều làm tôi ngạc nhiên là anh Xích không những không nhận tiền mà còn trách móc tôi khi dễ anh. Tôi phải giải thích dài dòng, kể lại cuộc đời của tôi, góa phụ năm 24 tuổi, một mình gánh vác cả gia đình sau 1975 nay đi buôn gạo anh mới thông cảm. Từ đó Xích và tôi trở thành đôi bạn thân tình, nhưng tình cảm của chúng tôi dừng lại ở đó.
Hình ảnh hào hùng chàng "nhạc sĩ lang thang" làm tôi nhớ lại anh Tân. Vào lứa tuổi 25 anh Tân cũng hào hùng không kém, anh đã chinh phục trái tim của tôi khi đơn vị của anh về đóng quân tại quận Trảng Bom. Năm 1973 tôi đi trong phái đoàn nữ sinh Biên Hòa ủy lạo chiến sĩ Sư Đoàn 18 bộ binh. Thiếu úy Phạm Văn Tân trong bộ quân phục chỉnh tề hướng dẫn phái đoàn đi thăm các thương bệnh binh nằm trong bệnh viện dã chiến của sư đoàn. Vào lúc giữa trưa, sau khi trình diễn xong phần văn nghệ, anh Tân mang đến cho tôi một lon nước ngọt và mời tôi ăn cơm. Bữa ăn hôm ấy toàn là đồ hộp và cơm sấy nhưng thật là ngon. Từ đó tôi yêu anh Tân và chúng tôi đã cưới nhau theo nghi lễ công giáo mặc dù gia đình anh Tân theo đạo Phật. Chúng tôi sống trong hạnh phúc. Chưa được tám tháng anh đã lìa đời.
Không hiểu sao sống trong một đất nước bạc bẽo như vậy mà lòng yêu nước của tôi vẫn còn nồng nàn đến thế. Tổ quốc này có bù đắp cho tôi cái gì đâu mà tôi phải yêu quí nó? Tôi chưa có dịp làm quen với những người giàu có nên không hiểu tâm tư của họ như thế nào đối với đất nước. Nhưng có một điều tôi chắc chắn là những thành phần giàu có mới, những kẻ chiến thắng đang cầm quyền ngày hôm nay không có lòng yêu nước này. Vì nếu yêu nước và có đầy đủ quyền lực trong tay người ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước cảnh đời nghiệt ngã của những người thua thiệt. Riêng tôi, tôi yêu những mảnh đời đau khổ, yêu những xóm làng xác xơ, thương những con người nghèo khó. Tôi thương miền đất này vì chính tôi đã chôn cất người mà tôi thương yêu nhất và chia sẻ nỗi khổ nhọc của người cùng khốn.
Tại Vĩnh Long, ngay những thương phế binh trẻ từ Kampuchia trở về cũng bị bạc đãi, họ hoặc bị đưa vào sống trong một trại cấm hoặc bị trả về gia đình tự túc tìm kế sinh nhai. Tiền cấp dưỡng của họ mỗi tháng không đáng kể, do đó một số gia nhập vào đời sống cái bang. Phản ứng của những phế binh trẻ từ Kampuchia trở về rất dữ dội, họ không kiêng nễ bất cứ một ai, kể cả công an và bộ đội. Mỗi lần họ gây rối là tập thể các anh em phế binh cũ bị chính quyền cộng sản trả đủa, họ không dám trừng phạt phề binh từ Kampuchia trở về mà hành hạ phế binh miền Nam cũ như cấm đi ăn xin, hát dạo, bán vé số hay bán nhang.
Những cụ phế binh cộng sản thời Pháp thuộc và trong cuộc chiến với miền Nam được chế độ chú ý hơn nhưng so với những gì họ đã gánh chịu và phần thưởng nhận lãnh được thật là tủi nhục. Nhiều cụ già lớn tuổi đứng trước các ty thương binh xã hội lớn tiếng chửi bới "cách mạng" bạc đãi họ. Những người đại diện chế độ là ai, tất cả đều là con cháu họ nhưng không có quyền giải quyết hơn những gì được cấp trên cho phép. Đất nước này phải thay đổi, phải để những người có tài đức hơn ra lãnh đạo xã hội. Lúc đó mới có thể nói là xứng đáng hay không xứng đáng, còn bây giờ chỉ là láo khoét.
Đời quả phụ của tôi đến đây xin tạm chấm dứt.