Chương 6
Tác giả: Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển
Từ vùng kinh tế mới trở về, tôi thấy gì kể đó.
Vào thời điểm mà ly cà phê đen trộn bắp giá 150 đồng (năm 1981) thì trên các vỉa hè, góc phố bán đầy rẫy những quán hàng bán phở ruột bò 50 đồng một bát. Cứ mỗi buổi sáng, tại chợ Cầu Ông Lãnh những người lao động nghèo sống bằng đủ thứ nghề vặt vãnh, từ những anh em thương phế binh mua bán nhang đèn rong dạo, những quả phụ mua bán áo quần cũ ở những chợ trời, đến những em cô nhi, những người ăn xin và những người làm nghề khuân vác, đạp xe ba bánh, xích lô cùng những phu phụ hồ, v.v... thường xúm quanh những hàng quán phở ấy. Họ xì xụp ăn húp ngon lành những bát phở ruột bò, có người ăn hai ba bát mà vẫn còn thèm. Cơ khổ mới rõ điềm trời, nhiều người vừa mới ăn xong thì ngay lát sau bụng đã kêu đói lại rồi.
Anh em phế binh chúng tôi chú ý đến các em cô nhi, vì trong lúc mà chúng tôi ăn bát phở giá 50 đồng, có vài lát ruột bò xắt mỏng như giấy, thì các em cô nhi hoặc nhịn đói, hoặc kêu ăn những bát phở giá 30 đồng chỉ có nước lèo mùi ruột bò và bánh phở. Ăn xong, anh em phế binh ngồi trên ghế cóc phì phèo điếu "Hoa Mai" hay "Đà Lạt", thứ thuốc lá đen phế phẩm loại 3, bên ly cà phê đen trộn bắp, định hướng chia nhau khu vực bán nhang. Các em nhỏ cũng ngồi bệt dưới đất chia khu đi... lượm bọc ny lông, ve chai ở các thùng rác chợ và giấy vệ sinh ở những nhà cầu công cộng trên những "ao cá Bác Hồ".
Thời ấy người ta có phong trào lấy tên vị lãnh tụ "vĩ đại" đặt tên cho các công trình công cộng, những ao cá cũng vậy. Vì lúc ấy cái gì cũng có thể bán được cả, từ những bao ny lông tái sinh đen thủi đen thui đến những loại giấy vệ sinh tái sinh đi tái sinh lại đều có thể cân kí lô bán cho vựa ve chai nên các cán bộ có nhiệm vụ quản lý ao cá cũng tranh thủ làm... kinh tế. Vì thấy nguồn giấy "chùi" đáng kể ở các nhà cầu công cộng nên các em thường ngồi chầu chực đợi người ta vừa "vệ sinh" liền tranh nhau vào nhặt. Giấy vệ sinh vừa "dùng" xong liền đem ra sông giặt sạch, phơi khô, cân ký bán lấy tiền ăn cơm trưa. Nhưng nguồn giấy đó cũng là "tài sản của nhà nước", cán bộ giữ ao dọa nạt ngăn cấm các em không được vào nhặt. Một hôm cán bộ giữ ao túm được một em gái đang vào trộm "tài sản nhà nước xã hội chủ nghĩa" quăng xuống ao, trút sạch bao giấy của em vào giỏ đựng của nhà cầu công cộng "của" ông ta. Lúc bò lên bờ, chân nó bị mẻ chai cắt đứt nhiều chỗ, máu chảy đầm đìa. Người đi "vệ sinh" thường quăng mẻ chai xuống chỗ đi cầu dưới ao vì sợ cá tra tranh nhau ăn cứt, quậy nước dơ bắn lên người, do đó dưới ao toàn là mẻ chai.
Chiều hôm ấy các em có vẻ buồn buồn, chúng nó lo âu vì không biết làm sao để có tiền ăn cơm. Nếu đi xin thì dễ bị công an bắt và đưa đi "nuôi" ở mấy "trường cải tạo" giáo dục thiếu nhi, huấn luyện cho chúng biết "lao động là vinh quang". Người ta thường bảo "cái khó nó bó cái khôn" nhưng đối với các em trai thì không vậy, "cái khó nó ló cái khôn". Chúng bàn nhau chung sức để dành tiền rồi góp lại mua sắm những bình điện ắc quy loại 6 vôn. Chúng lượm những cái căm xe đạp rồi mài cho thật nhọn, gắn vào những khúc tre, từng cặp một chúng chờ đêm tối xuống cùng nhau mở những nắp cống thoát nước dọc các vệ đường quanh chợ Bến Thành, Cầu Ông Lãnh, An Đông, Hòa Bình và Bình Tây chui xuống rọi đèn đâm chĩa cá.
Có một thời dân chúng thành phố đổ tội cho những em này ăn cắp những nắp cống bằng gang đem bán. Thật sự thì cũng có chuyện đó, nhưng không phải mấy em này ăn cắp mà là người khác. Vì nắp cống quá nặng các em không khiêng nổi nên chỉ đủ sức nạy lên rồi đẩy qua một bên. Những "bạn hiền" đạp xích lô sáng sớm đi ngang thấy tiện "bợ nhẹ" đi luôn mà không cần biết hậu quả xảy ra cho người đi sau vô ý lọt xuống. Sau khi xảy ra nhiều tai nạn sụp lỗ cống, công an và dân quân canh gác ngày đêm những miệng ống cống, các em buộc phải mở những nắp cống ở xa để tránh dòm ngó, có khi phải khui những miệng cống từ các đường Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ (Phan Thanh Giảng cũ), Hùng Vương, An Bình, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi... Mỗi lần chui xuống, các em cẩn thận đậy nắp miệng cống lại để tránh gây tai nạn. Vào lúc giữa khuya hay tờ mờ sáng, khi muốn lên các em cũng mở he hé miệng cống nhìn dáo dác chung quanh rồi mới vội vàng nhảy lên.
Đường cống dài, luồn lách quanh co và tối om, nhưng nhờ những cái bóng đèn nhỏ gắn ở trên đầu, ở trước trán, chúng lùng sục, săn tìm được cá. Nguồn cá khá nhiều nên các em nhỏ không những có ăn mà còn dư đem ra chợ bán nên chúng có vẻ rủng rỉnh tiền bạc. Kể từ đó, vào mỗi buổi sáng chúng cũng gọi những bát phở loại 50 đồng ăn đàng hoàng, cũng "bắt chước" những nhà "trí thức" phế binh (chúng gọi chúng tôi như vậy, vì hay hóng nghe những chuyện anh em phế binh kể về cuộc đời lính tráng) ngồi uống cà phê và hút thuốc lá cho đỡ lạnh. Nhờ đồng tiền kiếm được, chị và em gái của chúng cũng sắm thêm vài manh áo mới mua ở các chợ trời bán quần áo cũ, mặt mũi trông sạch sẽ hơn.
Thằng Nô (12 tuổi) và Phát (14 tuổi) thì không thấy mua sắm gì, các bạn gọi chúng nó là "trùm sô". Cả hai quê ở Long An, là con của tử sĩ Nguyễn Văn Thuận, cùng mẹ đi vùng kinh tế mới ở Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười, nhưng đời sống quá cực nhọc và không đủ ăn, bà dẫn hai con về Sài Gòn sống lang thang. Một hôm hay tin mẹ mất, bà gởi hai đứa nhỏ cho một gia đình phế binh rồi về quê luôn, bà sống bằng nghề đi mót lúa và ở tạm nhà người bà con. Nô và Phát thường khoe với chúng tôi rằng cha chúng đi lính mặc áo "hoa rừng" (nhảy dù) chết vào mùa mưa năm 1972. Mẹ chúng đã khóc như mưa lúc nhận xác cha nên mỗi khi thành phố vào mùa mưa, chúng cảm thấy buồn buồn. Gần đến ngày giỗ cha rồi chúng cố "làm ăn" cho có nhiều tiền để về Long An thăm mẹ. Trong khi các bạn đồng lứa bắt đủ cá xong trở lên mặt đường ngủ đêm thì chúng tiếp tục lặn lội dưới các ống cống để tìm thêm cá. Có những buổi sáng chúng tôi thấy hai anh em rét run vì ngâm người dưới nước quá lâu.
Vào một đêm nọ, chúng tôi sùắp đi ngủ thì thấy hai anh em thằng Phát lặng lẽ mở nắp cống chui xuống. Khoảng vài ba giờ sau thì sấm chớp ầm ầm, chúng tôi choàng thức dậy tìm chỗ trú mưa. Một trận mưa như vũ bão đổ ào xuống thành phố và kéo dài đến sáng sớm. Các ống cống rút nước không kịp làm nước mưa tràn lên các đường phố, ngập gần đến gối những bạn hàng dọn chợ đêm. "Bình thường hai anh em thằng Phát ở lâu hơn bạn bè cùng lứa dưới cống để đâm thêm cá, nhưng giờ này trời đã gần sáng mà sao lạ chúng vẫn chưa lên?", tôi lo âu tự hỏi. Thôi rồi, tôi hốt hoảng chợt hiểu ra mọi sự. Anh em chúng tôi báo động với nhau, kẻ đi tìm người đi hỏi những đám nhỏ còn ngủ gà ngủ gật cạnh những đống rác "giữ chỗ" trước cho buổi sáng hôm sau, nhưng không ai thấy hai anh em thằng Phát đâu cả. Chúng tôi buồn bã bàn tán với nhau, hình dung cảnh tượng nguồn nước mưa tuôn ồng ọc vào các cống rãnh, hai đứa nhỏ mãi mê bắt cá không biết bên ngoài trời mưa lớn, đến khi thấy nước dâng lên quá nhanh thì đã quá muộn, dòng nước đã bít các lối chui lên và cuốn trôi hai xác thân nhỏ bé. Ôi, cuộc đời thật quá mong manh.
Cho đến một hôm, 33 ngày sau, một em bé trai khác đang lội bì bõm dưới các ống cống gần chợ Cầu Ông Lãnh tìm cá, bất ngờ đụng phải cái gì giống như "trái dừa", nó nhặt lên soi nhìn trước ánh đèn thì liền hét lên bỏ chạy, nó chui đại lên miệng cống ngay gần chợ trước sự kinh ngạc của những bạn hàng, mặt mày tái xanh. Nó vừa lượm một cái đầu lâu. Cả chợ hay tin đó liền kêu đội dân quân gác chợ và ban quản lý cho người mở nắp cống dọi đèn tìm kiếm xác hai đứa nhỏ, nhưng chỉ nhặt được một khúc đùi đã thối rữa và một nửa thân người còn lại. Người ta biết là thân xác còn lại của hai đứa trẻ bất hạnh và bọn trẻ nhận ra cái quần đùi màu đỏ của thằng Phát, bên trong còn ít tiền gài kim băng cẩn thận. Tiền đó thằng Phát để dành về quê giúp mẹ làm đám giỗ cha.
Kể từ đó bọn trẻ ở các chợ Cầu Ông Lãnh, Bến Thành, An Đông, Hòa Bình, Bình Tây và các chợ nhỏ khác không dám chui xuống những đường cống thoát nước của thành phố để kiếm cá nữa, chúng sợ ma. Từ đó biết bao nhiêu chuyện đồn đại về những xác người bị giết và bí mật quăng xuống cống để phi tang. Không còn em nào dám mạo hiểm xuống các cống nước để kiếm cá dù có đói. Thế là bọn trẻ tiếp tục chia nhau đi lượm bọc ny lông, giấy vệ sinh và xin ăn trên hè phố. Không có ánh sáng ở cuối đường hầm cho những cô nhi.