Chương 29
Tác giả: Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển
Muốn được yên thân, chúng tôi phải cúi đầu lẫn tránh những người quyền chức. Thật sự chúng tôi cũng muốn lẫn tránh lắm chớ, nhưng rồi ai cho chúng tôi ăn, ai cho chúng tôi mặc. Chúng tôi cũng là người, không những người như mọi người khác mà chúng tôi đã cống hiến một phần thân thể này cho đất nước được trường tồn. Chẳng may chúng tôi đứng bên này chiến tuyến, bị thua trận nên phải chịu cảnh bất công. Còn những anh em phía bên kia chiến tuyến, gia đình các anh cũng đã chịu nhiều mất mát, thân thể các anh cũng bị thương tật như chúng tôi, chúng ta hơn nhau để rồi được gì. Người Mỹ đã ra đi, chỉ còn lại người Việt Nam với nhau, tại sao các anh lại hà hiếp chúng tôi đến thế? Có lẽ các anh muốn bảo vệ chế độ để hưởng chút quyền lợi nên cứ che mặt hiếp đáp chúng tôi. Làm người ai biết đau, biết đói như nhau và cũng có những ước muốn như nhau. Chúng tôi chỉ ước mong xã hội này tôn trọng nhân cách của mọi người và để chúng tôi được sống bình yên. Vinh dự gì kiếp sống ăn xin, vậy mà cũng chẳng được yên. Nhiều lúc nghĩ đến thân phận làm người, làm người Việt Nam ngày hôm nay thật là bất hạnh. Người ta có thể tàn ác đối với kẻ thù nhưng ở đây người ta tàn ác cả với những người tàn tật. Chỉ tiếc là chúng tôi đã không chết để làm vừa lòng nhiều người, chúng tôi vẫn sống và sự sống của chúng tôi không có lối thoát.
Nhớ lại những năm tháng còn sống với mẹ cha, đời sống thật là bình yên. Chúng tôi gã là những đứa con bình thường như mọi đứa con trong mỗi gia đình. Chúng tôi đã biết thế nào là "tiên học lễ hậu học văn", hoặc là "công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra", thế nào là Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín... Chúng tôi cũng không quên những lần bị roi vọt hay đùa giỡn, giành giật giữa anh chị em trong nhà. Chúng tôi cũng không quên những tiếng mèo nhe: "Mẹ ơi, Ba ơi" hoặc những câu lễ giáo gia phong: "Thưa Ba con đi học, thưa Mẹ con đi học về". Ôi, còn đâu những kỷ niệm êm đềm trong mái ấm hạnh phúc khi thực trạng của ngày hôm nay chỉ là một đống tro tàn xác xơ. Ôi không biết còn bao nhiêu là thảm trạng, sự sống và cái chết không còn làn ranh, những người trong nước đối xử với nhau như những con dã thú. Nói về dã thú, ít ra chúng cũng còn tình đồng loại, không bao giờ cắn xé, giết chóc lẫn nhau khi một con thú chấp nhận thua thiệt. Đằng này những người thắng đang muốn dày xéo cuộc đời chúng tôi dù đang ở dưới lớp bùn. Thật là đau đớn.
Nỗi đau này đã kéo dài gần ba mươi năm qua. Nhớ lại năm 1972, từ Quân Y Viện 3 Dã Chiến (Mỹ Tho), tôi khập khiểng bước đi trên cặp nạng chống, đầu cúi xuống đất. Tôi đau cho thân phận mình. Một tháng trước đây tôi vẫn còn là một người bình thường, giờ thì đã trở thành người tàn phế. Chân trái tôi đã không còn nữa. Nhưng tôi tự an ủi là mình vẫn còn may vì chung quanh những chiến hữu khác ngồi, nằm la liệt, trên cơ thể đầy những vết thương còn kinh khủng hơn tôi. Ôi, sao tôi ghét chiến tranh đến thế, nó không những làm tan nát biết bao gia đình mà còn lấy đi những gì tạo hóa đã cho. Con người thật là tàn ác. Chiến tranh có lẽ là trò chơi ác độc nhất do con người sáng tạo ra, nó là sản phẩm của những con người ích kỷ chỉ lo nghĩ đến chuyện buộc kẻ khác phải tùng phục. Trong thế giới loài vật không bao giờ có chiến tranh, qui luật mạnh được yếu thua chỉ xảy ra cho những loài vật yếu đuối nhưng những loài thú dữ chỉ săn mồi khi đói, ăn đủ rồi thì thôi. Con người không phải thế, cho dù có được ăn mặc đầy đủ cũng vẫn thích hành hạ kẻ khác.
Đi ngang qua những căn phòng nhỏ hẹp, tiếng rên siết của những chiến hữu vọng ra vì sự đau nhức do những vết thương gây nên, lòng tôi càng xót xa. Tôi thương những người bạn chưa quen biết đó, họ còn đau khổ hơn tôi. Tự nhiên tôi căm thù luôn những viên đạn vô tri, những mảnh đạn pháo cùng mảnh vụn của mìn, tôi thương cho những thớ thịt bầy nhầy, lỡ loét trên cơ thể của những chiến binh như tôi đang bị đám ruồi muỗi bu quanh. Đám ruồi muỗi này dường như chỉ thích mùi hôi của máu, mùi tanh của thịt.
Những ngày nằm điều trị trong quân y viện đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng chúng tôi. Đây là nơi không ai muốn hẹn đến, nhưng đến rồi thì không muốn rời đi. Những câu vui đùa, những mẫu chuyện lâm tiếu đã đem đến sự êm ái làm dịu bớt nỗi đau trong tâm hồn và trên thể xác. Vì thiếu vắng tình thương của mẹ hiền, chúng tôi thường vòi vĩnh những "bà mẹ" điều dưỡng lo cho chúng tôi từng chén cơm ly nước. Thật là cảm động khi thấy những "bà mẹ" đổ từng bịch nước tiểu và phân của những anh em bị thương nặng, săn sóc vết thương của những anh em vừa được trực thăng chuyển từ chiến trường về. Có khi chúng tôi reo hò vui vẻ khi có một trong người bạn được gia đình đến thăm nuôi. Thật là cảm động khi nghe những tiếng mời mọc vang lên các phòng sau đó.
- Anh em qua đây ăn với tôi cho vui, một miếng thôi cũng được mà. Còn đây là vợ tôi, đây là em gái tôi.
Những buổi tiệc không được dự trù trước làm ấm bầu không khí huynh đệ chi binh, khó mà quên được. Nhìn những thân thể còn băng bó chia sẻ với nhau những món quà mọn, nhìn những cử chỉ âu yếm của người vợ nhún khăn lau chùi từng giọt mồ hôi cho chồng và nhìn những cánh quạt giấy của những bà mẹ xua đuổi sự nóng bức và ruồi muỗi cho con, tôi thấy tình người thật vĩ đại. Trong sự khốn khổ người ta dễ chia sẻ cho nhau từng nỗi bất hạnh. Ngày mai khi ra khỏi trại, trở về cuộc sống bình thường liệu chúng tôi còn bắt gặp những cử chỉ này không? Không ai dám nghĩ tới, chúng tôi cứ tiếp tục hưởng thụ những giây phút êm đềm trong hoàn cảnh khó khăn này.
Khi thời gian thăm nuôi đã hết, những người thân ra về, anh em chúng tôi chia ra từng tốp ngồi xoay những lá bài tây hay cùng nhau hợp xướng với tiếng khua của chén muỗng, ghế bàn cho qua ngày tháng. Ban giám đốc thường xuống khiển trách anh em chúng tôi làm ồn không cho những anh em bị thương nặng khác được nằm nghỉ, nhưng trong lúc tuyệt vọng chúng tôi vẫn cứ làm ồn. Nghĩ lại thật là xấu hổ. Cuộc sống vô vọng khiến chúng tôi trở nên lì lợm, nhiều buổi hợp ca kéo dài gần tới sáng.
Lúc mới vào trại tôi rất ghét những tiếng ồn ào này, rồi với thời gian tôi không những là thành viên tích cực của các ban hợp xướng mà còn là hoạt náo viên của các chương trình. Tôi huyên thuyên giới thiệu các trò chơi và "ca sĩ" mới. Mỗi khi hát xong là tiếng vỗ tay, tiếng đập bàn vang lên cả trại. Vui nhất là thấy những cặp nạng gỗ đưa lên đưa xuống theo từng nhịp ca như những bức tranh hoạt họa. Những anh em nào còn đứng được thì dìu những bạn khác xoay qua xoay lại giữa phòng như trên sàn nhảy. Sống trong cảnh tuyệt vọng, những giây phút đó đã giúp chúng tôi vơi đi nỗi đau trên cơ thể và làm quên đi nỗi đau tinh thần. Chúng tôi rất sợ tiếp cận với tương lai. Ngày được xuất trại là ám ảnh lớn nhất trong đời phế binh. Chúng tôi rất sợ là vì phải đơn thương độc mã đi vào cuộc sống của những người bình thường với một cơ thể không còn bình thường, sự thua thiệt đã trông thấy rõ.