watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Những Mảnh Đời Rách Nát-Chương 22 - tác giả Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển

Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển

Chương 22

Tác giả: Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển

Sau đây tôi xin được bộc bạch về cuộc đời của tôi, cuộc đời trôi giạt lang thang, từ Sài Gòn ra miền Trung, rồi từ miền Trung phiêu bạt về Sài Gòn. Trên những đoạn đường đi qua, những cảnh mắt thấy tai nghe khiến tôi trở thành chứng nhân của thời đại. Những điều nghe thấy đó đã ghi đậm vào tâm trí tôi nên thường toát ra trong mọi diễn giải. Tôi thấy cái chết nhiều hơn sự sống, nỗi khổ nhiều hơn niềm vui, nước mắt nhiều hơn nụ cười và bất công nhiều hơn hạnh phúc. Tôi khổ vì những điều đã nghe và thấy đó.
Khắp nơi trên toàn cõi miền Nam sau ngày 30-4-1975 đều trở thành hỏa ngục. Hỏa ngục cho những người như chúng tôi, những người bại trận. Thật vậy, không có chỗ đứng cho những người thua trậnn. Mọi tội lỗi xấu xa đều trút đổ lên đầu chúng tôi. Những người còn lành lặn thì bị đưa đi "học tập cải tạo", những người tàn phế hay có dính líu đến chế độ cũ thì bị đưa lên "vùng kinh tế mới". Tuy là hai danh xưng nhưng chỉ một mục đích, loại trừ những thành phần "nguy hiểm" và "cặn bã" ra khỏi cuộc sống. Nguy hiểm được gán cho những thành phần quân nhân công chức của chế độ cũ, cặn bã là những thương phế binh, cô nhi quả phụ nghèo khó, vô gia cư và vô nghề nghiệp.
Tôi chẳng may bị xếp vào thành phần cặn bã của xã hội vì là một thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Cuộc sống của chúng tôi không có giá trị, chỉ cần một cái lắc đầu nhẹ của bất cứ người nào trong chính quyền, từ công an khu vực đến anh quản lý chợ, là cuộc đời chúng tôi thay đổi ngay. Không bị đuổi ra khỏi khu vực buôn bán thì cũng bị đẩy lên xe đưa vào "nhà nuôi". Gọi là "nhà nuôi" nhưng chính là "nhà tù" vì trại viên tại đây bị giam giữ và hành hạ như những tội phạm.
May mắn duy nhất trong đời tôi là giữ được mạng sống cho đến ngày nay. Trong suốt thời gian qua, từ lúc thiếu thời cho đến tuổi trung niên, tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu cảnh chết. Cha tôi mất sớm lúc tôi vừa tròn 8 tuổi, tôi đã đứng khóc bên quan tài tài cha tôi hai ngày đêm liền. Mẹ tôi một mình thức khuya dậy sớm nuôi tôi ăn học nên người. Sống tại miền quê Quảng Ngãi, vào tuổi thiếu thời tôi đã thấy gia đình cậu mợ tôi, cô chú tôi khóc cậu, khóc cậu chú tôi bị sát hại dã man. Trong đêm tối, quân du kích cộng sản vào làng bắt cóc cậu chú tôi dẫn vào rừng, sáng hôm sau dân làng thấy xác hai người nằm ở bìa rừng, ngực bị đâm lũng nát, lòi ruột ra ngoài với bản án ghim trên ngực: "thành phần ác ôn gây tội ác với nhân dân".
Cậu chú tôi nào có gây nên tội tình gì, chẳng qua được dân chúng bầu làm ấp trưởng, xã trưởng chuyên lo việc giấy tờ cho dân mà cũng bị sát hại. Căm tức và muốn trả thù cho cậu chú tôi nên vừa tới tuổi trưởng thành, tôi xin phép mẹ tôi đi vào quân đội. Tôi quyết cầm súng bảo vệ quê hương, bảo vệ gia đình vì các em mợ cô tôi còn quá nhỏ để có thể trả thù cho cha.
Trong một trận đánh ngày 20-2-1975 trên quốc lộ 14 gần Buôn Hô, tôi đạp phải mìn bị thương nặng, phải cưa hai chân. Lúc đầu tôi được đưa về quân y viện Nha Trang, sau về Tổng Y Viện Cộng Hòa. Chiều ngày 30-4-1975, bộ đội cộng sản vào quân y viện đuổi hết nhân viên quân sự và dân sự ra khỏi viện. Anh em thương phế binh chúng tôi nhận được lệnh xuất viện ngày hôm sau, 1-5. Vết thương tuy chưa lành hẳn, hai khúc chân còn quấn trong băng, hai tay, đầu và một mắt cũng bị băng, tôi cố chống lết ra được ngoài cổng Tổng Y Viện đón xe cùng với anh lính nuôi tôi và anh Nhơn, người quê Bình Định, bị cụt hai giò như tôi. Chờ từ 7 giờ đến 9 giờ sáng mới đón được một chiếc xe xích lô máy chở chúng tôi về địa chỉ 112/12 Lê Văn Duyệt, Gia Định (nay là Đinh Tiên Hoàng, trên Lăng Ông Lê Văn Duyệt một đoạn), nơi mẹ tôi ở trọ. Trên đường đi là một rừng người tấp nập, hỗn độn, bát nháo.
Về tới nhà nhà mẹ tôi mừng rỡ. Tôi được mẹ già ẵm vào nhà, còn người lính nuôi tôi, tôi để nó phụ giúp anh Nhơn vì anh bị đệ tử ôm tiền trốn biệt mấy ngày trước đó nên rất bơ vơ, đúng là nước có loạn mới biết tôi trung. Ở được mấy hôm, vết thương của tôi và của anh Nhơn làm mủ, mẹ tôi đi tìm y tá về chích thuốc và băng bó vết thương. Đến ngày 6-5 chúng tôi được lệnh gọi ra trình diện xã Bình Hòa, Ấp I. Nơi đây, ban quân quản đề nghị chúng tôi trở về nguyên quán. Quê tôi ở Quảng Ngãi thì phải trở về Quảng Ngãi, anh Nhơn quê ở Bình Định thì phải về Bình Định, thật là giản dị. Tối hôm đó, mẹ tôi đi quyên góp lối xóm được một ít tiền và quần áo chia cho anh Nhơn. Thật là tội nghiệp, anh lính mà tôi nhường để giúp anh Nhơn quê ở Vĩnh Long, không thể theo anh Nhơn về Bình Định được nên chỉ đưa anh ra bến xe mà thôi, vì anh này cũng muốn về lại quê nhà ở xã Tân Long. Cảnh chia tay thật là buồn bã, tôi bắt tay anh Nhơn và anh lính phục dịch nước mắt lưng tròng. Cụt hai chân, vết thương chưa lành đã phải tự túc về quê, tôi chỉ biết thương xót cho anh Nhơn mà không làm gì hơn được. Anh Nhơn đi ngày mùng 6-5, còn tôi và mẹ tôi ngày mùng 7.
Sau một ngày chật vật đón xe trên xa lộ Biên Hòa, hai mẹ con tôi được một chiếc xe tải chở hàng ra miền Trung chịu chở về quê. Mẹ tôi phải nhờ những người hành khách phụ đỡ tôi lên xe, hai bên ván gỗ bít bùng và một tấm bạt che ở phía sau. Trên xe tôi thấy có sẵn một đám người đã ngồi trong đó từ hồi nào, khó khăn lắm hai mẹ con tôi mới tìm được chỗ ngồi trên những gói hàng trên sàn xe. Tôi có cảm tưởng đây là xe áp tải tù nhân vì chật chội, hôi thối và ngộp thở. Nhưng chính vì điều này cũng đỡ đi phần nào, du kích không dám leo vào trong xe xét hỏi giấy tờ. Đến chỗ cầu gãy, xe phải chạy băng qua những khúc sông cạn rồi đi tiếp. Thỉnh thoảng đi ngang qua những dãy nhà cháy, mùi khét bay vào xe nồng nặc. Có lúc ngộp quá, một vài hành khách tháo tấm bạt che phía sau xe để hít không khí, chúng tôi mới nhìn thấy cảnh tang thương đổ nát hai bên đường, nhà cửa loang lỗ đầy những vết đạn. Nhiều đoạn đường bị cấm, xe phải đi lòng vòng qua các ruộng hoang hay các thôn xóm. Tất cả đều hoang vắng đến rợn người, cả tiếng chim kêu cũng không có. Xe càng lúc lắc, vết thương tôi bị động, máu cứ ri rỉ chảy ra, tôi mệt lã người.
Bình thường xe chỉ đi mất hai ngày một đêm, nhưng chuyến đi này mất một tuần lễ. Một tuần lễ mệt nhọc, mẹ tôi phải bồng ẵm, đút cho tôi từng muỗng cháo, muỗng nước, đỡ tôi đi cầu, đi tiểu. Xe tải thì cao mẹ già thì yếu nên có lúc tôi phải nhờ một số khách đồng hành phụ giúp đỡ tôi lên xuống xe. Nhớ mãi là thịnh tình của chị Bùi Thị Cẩm, người đã đắc lực giúp mẹ tôi chăm sóc tôi suốt đoạn đường dài. Lúc này toàn thân tôi hoàn toàn bị băng bó, trông giống như một xác chết đã lịm rồi. Sau chuyến đi này tôi không gặp lại chị Cẩm nữa, không biết bây giờ chị ở đâu. Tôi nguyện nếu ngày nào gặp lại chị Cẩm tôi sẽ làm hết sức để tạ ơn chị những ngày đã qua. Tôi chỉ biết chị quê ở Quảng Ngãi về tìm cha là một quân nhân như tôi.
Vừa đặt chân đến làng quê là bà con lối xóm giúp tôi đi trình diện ủy ban quân quản địa phương ngay. Người ta cho tôi về nhà điều trị vết thương nhưng mỗi sáng thứ bảy phải đến trình diện một lần. Độ hai tuần sau, tôi được lệnh tập trung "học tập cải tạo" tại chỗ trong thời gian 17 ngày. Tội nghiệp cho thân già mẹ tôi, suốt đời tần tảo nuôi con ăn học những mong lớn khôn đặng nhờ tuổi già. Nào ngờ giờ đây bà phải tất bật sớm hôm gánh gồng đôi thúng ra chợ bán buôn nuôi con tật nguyền. Thấm thoát một tháng trôi qua, vết thương tôi cũng khô lành dần. Hai tay tôi lành trước, kế là đầu và mắt, tiếp theo là khúc chân trái và sau cùng khúc chân phải. Quả mìn thật quái ác, nó không sát hại mạng người mà chỉ gây thương tật. Ai may mắn lắm khi đạp phải nó chỉ bị cụt một chân, thường thì cụt cả hai chân. Sức ép của nó không mạnh lắm, chỉ những ai không may bị va vào vách đá hay thân cây thì mới bị chết. Nhiều lúc tôi ước ao có lại đôi chân để ra đồng ngắm nhìn ruộng nương, hoặc dạo mát trên những bờ đê như những ngày thơ ấu. Ước ao này không bao giờ đến.
Bức xúc với hoàn cảnh mới, tôi mở lớp dạy kèm và dạy vẽ chân dung cho trẻ em trong xóm để phụ giúp mẹ tôi. Nhưng dạy kèm trong thời buổi này thật là khó khăn, không phải vì thiếu vắng học trò mà là phải có giấy phép của ty thông tin văn hóa. Tôi bị mời lên, mời xuống nhiều lần về việc này. Cuối cùng tôi phải nghỉ dạy chữ mà chỉ dạy vẽ chân dung và nhận hình họa, cuộc sống cũng tạm ổn định.
Thấy tôi bị thương tật mà vẫn còn minh mẫn, một gia đình hàng xóm có người con gái muốn gả cho tôi. Thế là tôi lập gia đình năm 1977, đó không những là niềm mơ ước của riêng tôi mà còn là ước muốn của mẹ tôi nữa, vì tôi là con trai độc nhất. Quan niệm phong kiến mà. Tôi là con một, nhưng bà lại thích con đàn cháu đống. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ tôi vui sướng như lúc này, điều này càng làm hai vợ chồng tôi thêm hạnh phúc nên sinh cho bà bốn trai, một gái. Nhưng chính con đàn cháu đống này đã làm hại tôi, thân tàn ma dại mà con đông quá chỉ có nghèo nàn và dốt nát. Biết suy nghĩ thì việc đã rồi. Đến năm 1987, vợ tôi phải triệt sản gấp. Cuộc sống trở nên khó khăn, chỗ vợ tôi bán chè bị cấm, mẹ tôi lại đau ốm thường xuyên. Đã thiếu ăn còn lo chạy thuốc, nợ nần mỗi ngày mỗi chồng chất. Thế là cuộc đời đi vào bế tắc.
Năm 1989, vì kế mưu sinh cho gia đình, tôi phải liều mạng đưa cả nhà vào Nam sinh sống. Sài Gòn đúng là miền Đất Hứa. Thuê được nhà xong, vợ và các con tôi đi bán vé số, còn tôi ở nhà lo cơm nước, giặt giũ áo quần. Lạ đất lạ người, vợ và các con bị người ta lừa hết vé số, mất hết vốn. Không đủ tiền trả tiền thuê nhà, tiền điện tiền nước, gia đình tôi đành phải tạm ra sống bụi đời ở bến xe Gia Định (nay là Văn Thánh). Cả nhà che tấm ny lông ra ngủ ban đêm, ban ngày phải cất xuống nếu không thì sẽ bị phạt về tội làm mất mỹ quan thành phố. Tôi tìm được một chỗ che dù bán trà đá, còn vợ và các con vẫn tiếp tục đi bán "may rủi". Con cái đều thất học, chúng không những đói cơm mà còn đói cả chữ. Sống chung với bọn du thủ du thực, cướp bóc tại bến xe lòng tôi không yên chút nào. Nhiều đêm cả nhà phải ngồi bó gối chờ trời dứt cơn mưa, những trận mưa xối xả hất tung cả lều, ướt cả chỗ nằm... Lắm khi sáng ra, quần áo, đồ đạc, nồi niêu bị chúng nó "cuổm" đi mất. Nhiều lúc nghĩ lại giai đoạn ấy thấy kinh hồn khiếp vía.
Thời gian sau tôi lại đi xin được một chỗ ở tạm dưới mái hiên một người mới quen. Người này giới thiệu cho tôi đi dạy kèm. Vợ tôi thì mở quán cốc bán thức ăn bên đường. Dần dà cuộc sống tạm ổn định lại, tôi cho hai đứa nhỏ đi học. Nhưng rồi thành phố phát triển theo nhu cầu đổi mới, chỗ tôi ở bị chủ nhà đòi lại để xây dựng thêm. Thật là gian nan, tôi đâu có tiền để thuê nhà khác. Cả nhà lại rời đi nơi khác, cuộc đời chúng tôi không khác gì dân Do Thái, cứ bị xua đuổi liên miên, không biết đâu là nhà.
Năm 1994, gia đình tôi lại trôi giạt từ Sài Gòn về làng Phước Bình vì có người giới thiệu bán cho một căn nhà lá rẻ tiền trên nghĩa địa, giá 12 chỉ vàng cho trả góp. Vì quá sốt ruột tìm chỗ che mưa trú nắng cho vợ cho con, "một liều ba bảy cũng liều cầm bằng như trẻ chơi diều đứt dây" tôi tự nhủ với lòng mình như vậy, tôi nhắm mắt đưa chân về khu nghĩa địa này. Vợ con tôi không đi bán vé số dạo nữa vì dân cư nơi đây quá nghèo, lại thưa thớt nên bắt đầu làm quen với môi trường sống mới. Hàng ngày cả nhà đi làm mướn, kể cả ở đợ, bưng phở cho quán ăn, tối về nhà ngủ. Tôi cố gắng đi xin việc làm. Thật là đau đớn, nhiều chỗ nói thẳng vào mặt tôi: "Què cụt mà làm được gì?". Tôi cảm thấy tủi thân, mắt lại cay cay, vội quay mặt trốn đi.
Mãi mấy tháng sau tôi được vào làm ở một sở sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, khâu chà nhám và pha màu. Trong thời gian làm việc tôi mắc bệnh trỉ, sa hậu môn nặng, ra máu nhiều nên phải nghỉ làm. Chẳng bao lâu sau, cơ sở này cũng đóng cửa vì không có hợp đồng. Sống ở khu nghĩa địa này, ngoài cái lo đói rét, bệnh tật, còn nỗi kinh hoàng khác là vợ và các con tôi luôn luôn sợ hãi, vì nhìn đâu cũng thấy mồ mả. Đúng là người sống ở chung với người chết. Những đêm mưa sấm lập lòe, những trưa nắng gắt, khu nghĩa địa này bốc lên một mùi hôi thối lợm người. Nếu ở mãi với cảnh này, tâm sinh lý các con tôi sẽ bị khủng hoảng nặng. Biết vậy nhưng biết làm sao hơn, "lực bất tùng tâm" là vậy. Có người hỏi tôi sao giỏi chịu đựng vậy? Phi thường quá, bản lãnh quá. Xin thưa là "quân tử cố cùng".
Rồi tai họa gián xuống cho tôi. Mẹ tôi ngoài quê qua đời. Khi tôi đi, bà chị tôi xin nhận phụng dưỡng mẹ già. Nhận được điện tín mẹ mất mà không có tiền mua vé xe về quê chịu tang mẹ, thật là buồn tủi. Vợ tôi thương tình đã phải chạy vại tìm người quen vay. Năm lần, bảy lượt mới vay được một ít tiền làm lộ phí. Đau khổ làm sao, đường sá xa xôi ba ngày sau tôi mới về tới. Ngoài quê nghèo khó quá nên xác mẹ tôi không để lâu nên tôi không được nhìn mặt mẹ lần cuối cùng. Mẹ tôi đã mất một phần vì sức yếu, bệnh đau không có thuốc, một phần vì đói nghèo và thương con tật nguyền nên đã sớm tắt.
Hình như bất hạnh chưa buông tha tôi. Khu nghĩa địa nơi chúng tôi cư trú được lệnh giải tỏa. Ruột gan tôi rối bời. Buồn quá, biết ở đâu bây giờ, tiền nhà ở đây cũng chưa trả hết. Công ăn việc làm của vợ con ngày càng bấp bênh, ban quản lý chợ và đội truy quét đường phố đuổi chạy suốt ngày, không bị tịch thu bàn ghế, nồi niêu chén bát là may rồi. May thì có may nhưng đói thì vẫn đói. Quán cơm bình dân đó đã nuôi sống gia đình tôi từ bấy lâu nay, bây giờ cứ lo chạy trốn thì cả nhà lấy gì mà ăn. Thêm vào đó, chúng tôi còn phải lo nuôi mẹ vợ hay bị đau ốm và em trai vợ bị bệnh tâm thần. Gánh gia đình đã nặng nay càng nặng thêm. Lúc này tôi khủng hoảng vô cùng. Rồi một phép lạ chợt đến.
Tôi được bạn bè, cũng là thương phế binh cho biết hiện nay ở hải ngoại có nhiều mạnh thường quân đang phát động chương trình cứu trợ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Tôi liền kính thư gởi đi khắp nơi. Thật là may mắn, đúng như lời thánh kinh: tìm thì gặp, xin thì cho, gõ thì mở. Một số mạnh thường quân đã nghe tiếng gõ, mở rộng cửa lòng ban cho chúng tôi quà tiền. Nhờ vậy, tinh thần tôi đỡ căng thẳng, nhất là có người thương tình bán cho một chỗ đất trả góp. Tôi cảm thấy lòng mình thật bình an và tràn đầy hạnh phước. Đến cuối năm 1996, tôi được một số anh em bạn bè cho vay không phải trả lãi nên đã hoàn tất được một căn nhà nhỏ đủ che mưa trú nắng cho cả gia đình gồm 9 người. Tôi đã dọn về đây từ đầu năm 1997.
Mặc dầu nỗi đau vẫn còn đây, gia đình chúng tôi và tập thể anh em thương phế binh thành kính cảm tạ thịnh tình của những hội cứu trợ, hội thiện nguyện, hội nhân đạo, hội cựu quân nhân, những mạnh thường quân, những con người luôn sống theo mệnh lệnh của trái tim tại Pháp, Mỹ, Úc, Canada, Tân Tay Lan, Đức... Để tỏ lòng tri ân đối với những con người có tấm lòng vàng này, tôi xin đại diện tập thể anh em thương phế binh trân trọng cảm ơn những tập thể, những cá nhân, những chiến hữu vô danh (dấu tên) đã hy sinh tiền của, công sức, tâm huyết mình trong thời gian qua, ngay trong hiện tại và cả tương lai nữa cho tập thể thương phế binh ở quê nhà.
Những Mảnh Đời Rách Nát
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Chương 33
Chương 34
Chưong 35
Chương 36
Chương 37
Chương 38
Chương 39
Chương 40
Chương 41
Chương 42
Chương 43
Chương 44
Chương 45
Chương 46
Chương 47
Chương 48
Chương 49
Chương 50
Chương 51
Chương 52
Chương 53
Chương 54
Chương 55
Chương 56
Chương 57
Chương 58
Chương 59
Chương Kết