Chương 2
Tác giả: Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển
Riêng về cá nhân tôi, thời trai trẻ đã tham gia nhiều cuộc hành quân diệt giặc. Chẳng may năm 1970, trong một trận đánh tôi đã để lại một khúc chân trên rừng núi Tây Ninh. Trở về đời sống dân sự, cuộc sống của tôi cùng với gia đình cũng tạm yên. Nhưng không ngờ đất nước thân yêu rơi vào tay giặc, cuộc sống bình yên bị cướp, chúng tôi trở nên nghèo khổ. Chúng tôi bị phân biệt đối xử, sống trên quê hương tưởng như sống trong vùng đất lạ, chúng tôi không có quyền gì cả, kể cả quyền ăn xin. Chúng tôi sống trong sự kềm kẹp, trên đe dưới búa, và không còn ai nâng đỡ trong quảng đời tàn phế này. Chúng tôi đã gào thét lên đến trời xanh: "Tại sao cuộc đời anh em chúng con quá vô phước, bất hạnh thế này", mà trời cao nào có thấu cảnh đời đen tối mà anh em chúng tôi đang trải qua, một cuộc sống khổ nhục tuyệt vọng không có ngày mai.
Có lần đi ngang qua cầu Sài Gòn, anh em chúng tôi nắm tay nhau định nhảy xuống sông để tự tử nhưng nghĩ đến mẹ già, vợ dại, đàn con thơ không ai chăm sóc, chúng tôi chỉ biết ôm nhau khóc thương cho số phận. Lúc đó tôi chợt nhớ đến lời người bác tôi nói một câu như thế này: "Con chó nó còn muốn sống để ăn, tại sao tụi mày lại muốn chết? Phải sống đó để nhìn đời. Thà chết trên chiến trường còn hơn chết trên đường người ta đi". Từ đó chúng tôi có lại niềm tin, tin rằng sẽ có một ngày mai tươi sáng, tươi sáng cho chính chúng tôi và tươi sáng cho đất nước này. Chân trời sáng đó đã đến.
Một hôm đang trên đường khất thực, chúng tôi được một người tốt bụng nói rằng ở hải ngoại có nhiều người giàu lòng nhân ái muốn giúp đỡ anh em phế binh đang sống khổ sở tại quê nhà. Hay được tin này, anh em chúng tôi vui mừng quá cỡ, mừng đến rơi nước mắt, thân thể run rẫy. Một trong những người đó là bác sĩ Phan Minh Hiển, với tấm lòng bao dung bác sĩ Hiển đã lao mình xuống hố sâu kéo anh em phế binh chúng tôi lên bờ danh dự.
Bác sĩ Hiển đã tặng cho anh em chúng tôi mỗi người tùy theo thương tật một cặp nạng hay một xe lăn, sau đó tùy hoàn cảnh của mỗi người tặng cho chúng tôi tiền. Ôi, còn gì sung sướng cho bằng, sung sướng không những cho anh em phế binh chúng tôi mà sung sướng cho cả gia đình. Chưa bao giờ chúng tôi được nghe lại những tiếng cười rộn rã của gia đình và vợ con đến như vậy. Trong giờ phút lâm nguy, nghĩa cử cao đẹp đó thật là quí.
Kế là các ký giả Nguyễn văn Huy (báo Ngày Nay và Việt Luận), Yên Mô - Cao Sơn (Thời Báo), Lê Quang Vinh (báo Phổ Thông), Gàn Bát Sách (báo Tiền Phong)... đã liên tục dóng lên những hồi chuông nhân ái, tiếng vang của những bài báo viết từ hải ngoại đã vọng về đến Việt Nam. Nhiều ân nhân và hội đoàn thiện nguyện khác đã tìm cách giúp đỡ anh em phế binh chúng tôi. Ông Lê Đình Vọng, chủ tịch hội Huynh Đệ Chi Binh tại Hoa Kỳ, đã hết lòng cứu giúp anh em phế binh.
Nhờ quí ân nhân giàu lòng nhân ái ở hải ngoại cho chút ít tiền, nhiều người trong chúng tôi đã tìm lại nhân phẩm, không phải ăn xin ở khắp nẽo đường. Những món tiền tuy nhỏ nhưng đượm biết bao tình, lòng chúng tôi được sưởi ấm trở lại. Chúng tôi tin rằng bên cạnh sự ác độc vẫn có tình yêu, một thứ tình người chân thật, chỉ tiếc rằng ngày nay trở nên hiếm thấy.
Anh em chúng tôi thành thật cảm ơn, và không biết nói gì hơn là cầu nguyện Thượng Đế ban phước lành cho quí vị ân nhân phương xa vạn dậm được an lành và thành công trên mọi lãnh vực. Chúc quí ân nhân dồi dào sức khỏe và gia đình hạnh phúc. Nhờ số tiền do quí ân nhân ở hải ngoại giúp đỡ, anh em chúng tôi làm vốn mua nhang đi bán dạo trên khắp nẻo đường Việt Nam, từ Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh, Tây Ninh, Sài Gòn xuống đến Long An, Bến Lức, Mỹ Tho, Bắc Mỹ Thuận, Rạch Giá, Bạc Liêu rồi về tận cùng mũi Cà Mau. Không làng xã, chợ búa ở thôn quê nào chúng tôi không đi qua. Nơi đâu chúng tôi cũng chỉ thấy cảnh người nghèo bị bạc đãi, đất nước điêu tàn và lòng người oán hận.
Những lúc từ thành phố (Sài Gòn) về các địa phương, anh em chúng tôi chứng kiến nhiều cảnh thương tâm: những người bạn phế binh ở những cầu phà, bến xe, chợ búa, tay cầm gậy tay cầm cây đàn dắt nhau vừa xin vừa hát lại những bản nhạc xưa nghe thật nảo lòng. Chúng tôi đã chia sẻ với nhau nỗi bất hạnh và cùng ngậm ngùi cho cảnh ngộ không may.
Có lần tôi nghe một người anh em hát lên bản nhạc mà tôi nhớ không lầm là bản "Anh đi chiến dịch", trong có đoạn như vầy: "Anh đi chiến dịch xa vời, nòng súng nhân đạo cứu người lầm than". Một bản nữa mang tên "Cho người vào cuộc chiến", anh bạn đó hát: "Anh bỏ trường xưa, bỏ áo thư sinh theo tiếng gọi lên đường, anh đi vì đất nước khổ đau, anh đi anh quên thân mình, dù anh trở về trên đôi nạng gỗ, dù anh trở về bằng chiếc xe lăn". Rồi nào là "Năm cụm núi quê hương", trong đó câu: "Chiều nay có người thương binh không về với bàn tay năm ngón, nhưng về với vạn chiến công, anh mất đi bàn tay".
Anh em hát trong nghẹn ngào để được bà con cô bác bố thí ít tiền mua cơm. Mỗi lần nghe là mỗi lần buồn tủi. Nòng súng nhân đạo của chúng tôi đã mòn, cò súng nhân đạo chúng tôi đã sét, chúng tôi không cứu được chính chúng tôi thì làm sao cứu được những người lầm than. Anh em chúng tôi chỉ biết đến với nhau chia sẻ nỗi đau trong nước mắt.
Một hôm đến Bắc Mỹ Thuận, tôi gặp một phế binh cầm chiếc đàn ghi ta cũ nát ngâm bài thơ, nghe thật não lòng. Tôi hỏi xin bài thơ này, anh nói: "Thơ của Khất Vương mà người anh em xin làm gì". Tôi không hiểu, hỏi lại anh: "Khất Vương là gì?". Anh tươi cười trả lời: "Là vua đó, nhưng là vua ăn mày", rồi đưa tay vào bị lôi ra một tờ giấy đưa tôi và nói: "Cho anh bài thơ này đó, về ngâm chơi cho đời bớt khổ".
Xin gởi tặng lại quí ân nhân bài Mùa xuân chết của Khất Vương để làm chút quà tri ơn:
Mùa xuân chết
Hai mươi hai năm khắp nẻo non sông
Tôi là sương gió long đong bể đời
Trăng xuân đưa cảnh tuyệt vời
Gió xuân mang mác vọng lời âm ba
Hai mươi hai năm không cửa không nhà
Bạt màu áo trận nhạt nhòa xác xơ
Ngồi buồn đưa cảnh vào thơ
Gối đầu hiện tại tôi mơ thanh bình
Hai mươi hai năm từ cõi u minh
Nhớ gì tôi viết vào linh cảm này
Hai mươi hai năm dài biết bao nhiêu
Mộng mơ phủ kín sông dài núi cao
Khất Vương
Cuộc chiến đã tàn, anh em phế binh chúng tôi sống trong một xã hội đầy bất công và đen tối, nó kéo dài hơn hai mươi bốn năm nay và nó chỉ mang lại cho anh em chúng tôi nói riêng và cho nhân dân nói chung cuộc sống bầm dập, đầy đói rách và đau khổ. Anh em phế binh chúng tôi tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng. Chúng tôi cầu mong cộng đồng người Việt hải ngoại sớm mang lại bầu trời tươi sáng đó cho Việt Nam, trong đó sẽ không còn ai thấy cảnh bất công đau khổ trong quảng đời tàn phế còn lại của anh em chúng tôi.
Mong rằng quí ân nhân cùng các chiến hữu thân thương nơi hải ngoại nghe và hiểu những lời tâm sự này mà những người bạn phế binh Việt Nam Cộng Hòa đã và đang gánh chịu cảnh sống ngục tù trong tủi nhục và nước mắt.