Chương 15
Tác giả: Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển
Riêng về tập thể thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, sự trả thù của chế độ mới không kém phần ác độc. Tất cả các làng phế binh tại các tỉnh thành đều bị giải tán, gia đình phế binh bị đuổi khẩn cấp ra khỏi nhà, mỗi người chỉ có một bộ đồ che thân, không một vật dụng nào được mang theo dù là một cái chén. Tại Sài Gòn, ban quân quản ra khẩu lệnh cho chính quyền địa phương giải tỏa bốn làng phế binh. Riêng làng phế binh Thủ Đức, lớn nhất, có bốn ngàn gia đình đang sinh sống trong đó có gia đình tôi, tất cả phải dọn đi trong vòng một tháng. Những gia đình nào không chịu đăng ký đi về quê hay vùng kinh tế mới, đám du kích "30" đến làm áp lực buộc phải dọn đi, cuối cùng chỉ còn khoảng một phần mười gia đình ở lại. Đối với những người này, chính quyền địa phương dùng mọi thủ đoạn để xiết bao tử, không cho làm bất cứ điều gì để rồi đói quá cũng phải dọn đi. Chế độ cộng sản muốn tiêu diệt luôn cả những người đã từng đối địch với họ, dù cho thân thể có bị tàn phế.
Lúc bấy giờ tôi chợt nhớ có một người bạn cùng đơn vị tên là Sum Ri, người Thượng, ở gần Tháp Chàm Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Tôi cùng đứa con gái lớn tên Diệu Hiền đón xe lên nhà anh Sum Ri nhờ giúp tìm một miếng đất để trồng khoai bắp sinh sống, tránh cảnh áp bức tại Sài Gòn. Tôi ở nhà anh một đêm, nghe ngóng tình hình. Sáng hôm sau, anh Sum Ri dẫn chúng tôi đến một địa điểm cỏ cây um tùm, anh nói:
- Cách đây không xa có một cái đồn cũ của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đất ở đó tốt lắm.
Tôi cùng con gái đi với anh Sum Ri tới đó. Chúng tôi thấy một cái đồn nhỏ nằm trên ngọn đồi cô quạnh, cỏ hoang mọc lấp cả lối đi. Sau một hồi vạch cỏ tìm đường, cuối cùng anh Sum Ri cũng dìu tôi lên tới đỉnh đồi. Đến nơi mới thấy mái đồn đã bị đổ sụp, tường vách đen ngòm rêu phong bám đầy. Các vách tường lỗ chỗ hghim đầy vết đạn, có lẽ đồn đã bị sụp trong những ngày cuối tháng 4-75. Anh Sum Ri chỉ vào nói:
- Anh chỉ cần vào rừng đốn vài cây tre làm đòn dông thả ngang trên nóc rồi cắt cỏ tranh phơi khô lợp lại mái nhà là ở được rồi đó vì mấy vách tường còn nguyên vẹn.
Tôi mừng quá tiến tới nhìn vào. Thật là khủng khiếp. Một cảnh tượng ghê rợn hiện ra. Tôi thấy trên nền đất rêu đen mấy cái đầu lâu trắng hếu, bên cạnh là những mẫu xương trắng lòi ra dưới lớp áo quần mục nát bị cỏ che khuất nhiều phần. Mùi ẩm mốc bốc lên nồng nặc. Tôi rùn mình lùi lại. Anh Sum Ri im lặng. Con gái tôi mặt trắng bệt, thân hình rung lẩy bẩy. Một hồi sau nó mới nói nên lời.
- Về đi ba, con sợ quá!
Bên ngoài bầu trời nắng ấm, người tôi cứ thấy lạnh. Chim rừng tiếp tục ca hát líu lo, tôi sao chỉ nghe toàn lời ai oán. Hai chúng tôi lịm người đứng im. Một lúc sau định thần trở lại, tôi chắp hai tay cầu nguyện: "Lạy Thượng đế, xin Ngài che chở cho những linh hồn này, những người chiến sĩ vô danh không ai hay biết này". Nhìn anh Sum Ri, tôi chán nản:
- Đời là bễ khổ. Anh thấy không, những chiếc đầu lâu nằm ngổn ngang với lóng xương khô là hồn thiêng sông núi đó. Hận thù này bất diệt, bất khả tiêu. Thôi gặp Sum Ri lần này, tôi về lại Sài Gòn kể như mình vĩnh biệt. Cảm ơn Sum Ri đã tận tình giúp đỡ và hướng dẫn tôi. Sống trong hang cọp, may rủi là định mệnh của con người không ai tránh khỏi, anh hãy cẩn thận.
- Anh về rồi họ đuổi nhà, gia đình anh ở đâu?
- Kể từ nay, đời tôi kể như bèo dạt mây trôi, sống ở đâu cũng được, không có nơi nào nhứt định. Nhưng tôi quyết ở lại Sài Gòn.
Sau hai ngày đi tìm đất sống mới vô vọng, tôi cùng con gái đón xe về lại Sài Gòn. Đường dài và bụi bặm, con gái tôi dựa đầu nằm ngủ trên vai tôi. Nhìn cảnh vật hai bên đường, lòng tôi đau xót. Đất nước thật đẹp mà sao lại đào tạo ra một giống người độc ác, chỉ biết hung hăn giết hại đồng bào. Chúng tôi ngồi kế bên một bà cụ và anh bộ đội, cuộc đối thoại của hai người làm tôi chú ý.
- Ở ngoài Bắc gọi là kiểm kê, tịch thu, còn trong Nam gọi bằng gì hở cụ? - anh bộ đội lễ phép hỏi.
- Ở trong Nam gọi là ăn cướp - bà cụ không ngần ngại trả lời và còn nói tiếp. Tao đã bỏ xứ chạy vào Nam mấy chục năm trời nhưng giờ đây lại gặp chúng mày nữa.
- Không đâu cụ ạ - anh bộ đội thật thà giải thích. Chúng cháu cũng chỉ là nạn nhân của chế độ mà thôi. Chúng cháu mặc bộ đồ này cũng tủi nhục lắm cụ ạ. Trên đường số 1 tiến về Sài Gòn, bộ đội chúng cháu khi lỡ đường khát nước vào nhà dân xin nước uống, họ bảo chúng cháu đứng ngoài sân chờ họ đem nước ra chứ không cho vào nhà. Thưa cụ, chính vì thế chúng cháu mới biết chế độ này không được lòng nhân dân. Rồi khi vào Nam thì sự thực không đúng như người ta đã bảo với chúng cháu. Nơi đây không bị kềm kẹp và cũng không bị thiếu đói. Mọi người còn tỏ ra yêu thích "Mỹ Ngụy" và chê cười chúng cháu là quê mùa.
Tôi đang buồn rã ruột nhưng khi nghe hai người đối thoại cũng phải phì cười. Về đến nhà, vợ con chạy ra mừng đón.
- Thế nào, ở trên đó có thể sống được không? - vợ tôi hỏi.
- Ghê lắm má ơi - con gái tôi vội cướp lời. Bác Sum Ri dẫn ba đến chỗ gì mà con thấy hàng chục cái sọ người nằm ngổn ngang dưới đất. Thà ở lại đây chết sướng hơn. Con không đi nữa đâu.
- Thôi, mình cứ liều mạng ở lại đây - tôi an ủi vợ tôi. Bầu trời đã đen tối, đi đâu cũng chỉ là bóng tối mà thôi. Không làm gì có mặt trời ở giữa đêm. Nếu kẹt quá thì mình về lại nhà cha mẹ ăn nhờ ở đậu.
Sau ba tháng cầm cự với những "hàng xóm" mới, toàn là bộ đội từ miền Bắc vào, gia đình chúng tôi cũng bị "mời" đi nơi khác. Cũng may lần này chúng tôi được mang theo tất cả đồ đạc. Cha mẹ của Hiền cũng tử tế, đã cho chúng tôi sang sẻ căn nhà chật hẹp trong một hẻm nhỏ ở đường Dương Bá Trạc, quận 6. Hiền sáng sớm ra chợ Rạch Ông buôn bán với mẹ già, còn tôi học thêm nghề vá bánh xe đạp và xe gắn máy, con cái chúng tôi cũng được cho ghi tên đi học lại.
Tháng ngày lại lặng lẽ trôi qua. Trên vùng kinh tế mới cuộc sống thiếu thốn trăm bề, dân chúng thiếu ăn, trẻ con không có trường học, bệnh tật không có thuốc chữa, mạng người như cỏ rác. Những người sống sót, không chịu đựng nổi cảnh rừng sâu nước độc và thiếu đói, đã lần lượt mò về thành phố. Mất nhà mất cửa, họ làm những túp liều tranh vách giấy sống tạm trong các nghĩa địa chung quanh thành phố và vùng ngoại ô, đời sống thật là lầm than. Trẻ em chực chờ ở các quán cơm xin thức ăn thừa, chút canh cặn khi khách vừa đi. Nhiều em đã bị "quản lý" chợ đánh đập tàn nhẫn, các em van khóc: "Bác ơi, đừng đánh tụi con nữa. Tụi con đói quá". Cha của các em phần lớn là thương phế binh còn khốn khổ hơn nhiều, thân xác đã mỏi mòn, tinh thần còn bị tủi nhục. Sống kiếp ăn xin, nào ai có hãnh diện gì.
Nhìn hoàn cảnh sinh sống của anh em phế binh tôi như người mất trí, đầu óc rối loạn. Cũng may nhờ có Hiền luôn ở bên cạnh giúp đỡ, an ủi.
- Mỗi ngày ra chợ buôn bán, em thấy đời sống anh em phế binh khổ sở quá. Anh thử nghiên cứu, suy nghĩ tìm ra một giải pháp nào có thể giúp anh em phế binh thoát cảnh sống lầm than, không phải đi ăn xin và sống trong danh dự xem. Em nghĩ nếu mọi người cùng suy nghĩ và tìm ra được giải pháp thì đó cũng là một cách đền bù sự hy sinh không riêng gì cho cá nhân anh mà còn cho cả tập thể phế binh.
- Trời ơi, đầu óc anh đang cơn điên loạn, còn tỉnh táo gì đâu mà nghiên với cứu.
- Thôi, anh đừng quá bi quan, dầu sao thì cũng còn có em đây. Em có sáng kiến này không biết có làm anh vừa lòng và có mang lại kết quả nào không. Em nhận thấy từ ngày thay đổi chế độ, dân chúng trở nên sùng đạo, không nhà nào không dùng nhang đèn cho những nhu cầu thường ngày. Nhiều người quá chán cuộc sống đi chùa, đi miếu và đi tu rất nhiều. Thờ cúng thì phải đốt nhang. Số lượng nhang đèn tiêu thụ rất là lớn, do đó phải có nơi sản xuất. Hiện nay, theo chỗ em biết, chỉ có các chùa mới làm nhang đèn. Vậy anh thử đi dò hỏi xem chùa nào sản xuất nhang, đến thương lượng với các thầy mua lại nhang đèn với giá sỉ rồi đem về đưa anh em phế binh đi bán lại thử xem. Em và mẹ em sẵn sàng xuất vốn trước anh em chỉ cần trả lại vốn, còn tiền lời để họ chi tiêu cho gia đình. Được như vậy, cuộc sống của anh em phế binh chúng ta bớt phần nhục nhã.
Trời ơi! Vợ tôi, cô Nguyễn Thị Hiền này, thật là có lý. Ngày hôm sau, tôi chống nạng lộc cộc tìm đến các chùa sản xuất nhang, mua thử một ít về giao lại cho những anh em phế binh gần nơi cư ngụ mang đi bán. Cũng may số lượng nhang mang đi bán không nặng lắm nên anh em có thể mang đi xa để bán. Kết quả không ngờ, thành công tuyệt đối. Tôi cùng một vài anh em khác đi đến các chùa thương lượng các nhà sư bán nhang thiếu đem về cho anh em phế binh đi bán dạo kiếm sống.
Kể từ đó phong trào phế binh đi bán nhang tại thành phố Sài Gòn trở nên rầm rộ. Tôi rủ một vài anh em đi xuống các tỉnh bán, tại đây chúng tôi gặp một số anh em phế binh cũng đang sống kiếp ăn xin. Chúng tôi họp lại và phổ biến ý kiến đi mua nhang ở các chùa về bán lại, anh em phế binh tại những nơi này hoan nghênh nhiệt liệt. Cũng nhờ đi bán nhang anh em chúng tôi cảm thấy cuộc sống đỡ tủi nhục và tấm lòng của nhân dân. Tưởng đã bị đời từ lâu quên lãng, nhưng không. Bà con cô bác không những mua nhang đèn cho nhu cầu thường ngày mà còn khuyến khích, ủng hộ tinh thần chịu khó của anh em. Sự trao đổi giữa người và người trở nên bình đẳng.