Chưong 35
Tác giả: Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển
Nơi làng công giáo này, cuộc sống rất là khó khăn. Nhờ nằm trên quốc lộ 1, trục lộ giao thông chính về Sài Gòn, bà con nơi đây kiếm sống bằng cách bán đồ ăn thức uống cho hành khách trên xe đò ở các trạm kiểm soát. Tôi cùng mẹ ra chợ ngồi bán quần áo và vật dụng cũ, các em tôi đứa nào đi học sáng thì bán mía lau và trà đá ở các trạm kiểm soát buổi trưa, đứa đi học chiều thì bán thuốc lá và xăng lẻ buổi tối ở dọc đường. Nhờ cả nhà buôn bán nên cũng tạm đủ ăn. Nhưng vì quá đông người bán, lợi tức ngày càng giảm, việc ăn uống phải hạn chế lại. Nhiều lúc cực quá, tôi gắt gỏng với các em vì chúng đòi sắm áo quần và sách vở mới. Kể cũng tội nghiệp, bạn bè chúng thuộc những gia đình khá giả ăn mặc tươm tất, còn chúng thì mặc những quần áo cũ, có nhiều dấu vá vì một năm chỉ được một bộ quần áo mới.
Nỗi cực thể xác và vật chất còn chịu đựng được, nhưng sự dằn vặt tinh thần thì không chịu nổi. Mỗi ngày loa phóng thanh ở các chợ và đường phố cứ hô hào dân chúng thi đua lao động, chửi bới ngụy quân ngụy quyền, đề cao chủ nghĩa xã hội (chẳng ai thèm để ý). Thêm vào đó là những buổi họp ở các tổ dân phố, toàn là người quen không mà cứ phải lôi nhau ra phê bình kiểm thảo. Tự nhiên tôi đâm ra lo sợ mọi người, sợ những người quen hôm qua trở mặt đấu tố gia đình tôi hôm nay.
Có lúc tôi so sánh cuộc sống trước kia và cuộc sống hiện tại, đúng là hai thái cực, một bên là Thiên Đàng, một bên là Địa Ngục. Tôi chợt nhớ lại tuổi ấu thơ ngày xưa khi còn là một cô gái nhỏ, chúng tôi thường hay chia phe chơi trò Thiên Đàng - Địa Ngục. "Thiên Đàng Địa Ngục hai bên, ai khôn thì dại, ai dại thì khôn, đêm nằm nhớ Chúa, nhớ Cha, đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn, linh hồn phải giữ linh hồn đến khi gần chết được lên Thiên Đàng". Bài hát này không biết ai đặt ra, chắc chắn phải do một người có ưu tư nhiều về việc giữ đạo nên đã sáng tác để trẻ nhỏ vừa vui chơi vừa giữ đạo, trước mặt Chúa không có kẻ khôn và người dại.
Phong trào đi vùng kinh tế mới được phát động trong các tổ dân phố, loa phóng thanh ngoài chợ hô hào mạnh mẽ. Những gia đình thuộc diện "ngụy quân ngụy quyền" như chúng tôi được "ưu tiên" giải quyết. Một vài nhà đã tình nguyện "đăng ký", chúng tôi cứ chần chừ ở lì, cuối cùng không ai thèm nhắc tới. Gần một năm sau, những gia đình đi vùng kinh tế mới ở Sông Bé trở về lại vì không chịu đựng nổi cảnh núi rừng hiu quạnh. Có gia đình về không đông đủ như lúc ra đi vì đã để lại vài thân xác trong rừng sâu, những gia đình khác thì đông người hơn vì sinh thêm con, tất cả đều ốm yếy, bệnh hoạn, nước da vàng vọt, người đầy ghẻ chóc. Họ không còn nhà cửa nên cất tạm những căn nhà lá trên những mảnh đất hoang cạnh bìa rừng để ở. Con cái thất học là điều dĩ nhiên nhưng được yên tâm vì dầu sao cũng còn được ánh sáng văn minh chiếu tới, mỗi khi bệnh đau còn có nơi mua thuốc chữa trị và việc sinh kế thì cứ ra chợ hay dọc quốc lộ 1 buôn bán. Ngoài ra họ còn canh tác thêm rau đậu ăn thêm, phần còn dư mang ra chợ bán. Cuộc sống nói chung rất khổ nhưng ai nấy đều chấp nhận để tồn tại.
Năm 1979, chiến cuộc tại vùng biên giới Tây Nam đến hồi sôi động. Chính quyền địa phương hô hào thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự. Bốn em trai tôi đã lớn, đứa lớn nhất 19 tuổi, đứa thứ nhì 17. Chúng thuộc diện gia đình "ngụy quân ngụy quyền" nên không được "kết nạp" vào bộ đội, tôi rất mừng. Nhưng nỗi mừng không kéo dài lâu, công an khu vực đến nhà nói Bình và Khánh (hai em trai lớn của tôi) đã tới tuổi trưởng thành phải thi hành nghĩa vụ "lao động quốc tế", tức đi "lao động tại chiến trường Kampuchia". Tôi không muốn các em tôi hy sinh cho cuộc chiến mới này nên tình nguyện đăng ký đi vùng kinh tế mới. Thanh niên thuộc các gia đình "ngụy quân và ngụy quyền" và các gia đình nghèo phải gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, "nghĩa vụ" của họ tại Kampuchia là phá rừng, dựng nhà, làm đường và gỡ mìn bẫy do bọn Khmer đỏ gài thay cho bộ đội.
Trở lại việc đi "xây dựng vùng kinh tế mới", cả gia đình tôi đi hết chỉ để đứa em gái lớn, Xuân Tiên (18 tuổi), ở lại giữ nhà. Nhờ người hàng xóm giới thiệu, mẹ tôi mua lại một miếng đất nhỏ ở vùng kinh tế mới Tân Uyên đã khai hoang sẵn để lập nghiệp. Nơi đây không xa Hố Nai cho lắm nên có thể lui về thường xuyên. Tôi muốn chắc ăn nên giữ hai em lên chốn rừng sâu lánh nạn, mục đích là để chúng không chết thay cho những người đang hành hạ gia đình tôi. Năm 1981, nhiều thanh niên trong xóm bị đưa sang Kampuchia trở về, đứa thì thương tật, đứa thì què cụt. Nhiều đứa bị mất tích, có đứa trốn sang Thái Lan tị nạn. Những thanh niên khác bị giữ lại tiếp tục làm nghĩa vụ "lao động quốc tế". Lao động cái gì? Họ bị đưa sang chiến trường Kampuchia để làm bia đỡ đạn; rất nhiều người đã chết.
Vùng kinh tế mới trong rừng Tân Uyên không phải là nơi dễ sống. Đất đai chưa khai hoang hoàn toàn nên cỏ cây còn mọc um tùm. Nơi đây có nhiều đồng bào Thượng cư ngụ, chỉ một vài gia đình người Thượng khá giả ở lại giữ đất và làm trung gian trao đổi hàng hóa giữa Kinh và Thượng, số còn lại rút về chốn rừng sâu hơn để canh tác, tránh tiếp xúc với người Việt. Quen sống với những tiện nghi ở chốn thành thị, chúng tôi phải cố gắng lắm mới chống chọi với sương gió, khí độc của rừng sâu. Mỗi lần các em trai tôi vào rừng kiếm củi trở về, mẹ tôi phải ngồi hằng giờ kẹp gắp những mũi gai nhọn đâm vào các ngón chân, chúng can đảm không khóc nhưng nước mắt chảy ra ràn rụa. Những ngày mưa gió thật là buồn thảm, nước mưa dột ướt cả nền nhà bằng đất nện, các thau chậu không đủ để hứng, sự đi lại trong nhà trở nên khó khăn và dơ bẩn. Bữa cơm gia đình thật là thiếu thốn, cả nhà phải ăn độn bo bo với khoai lang, lát sắn khô, bắp mọi, rau đắng và muối ớt để dằn bụng. Chất dinh dưỡng duy nhất là cá khô và mắm tôm, họa hoằn lắm các em tôi bẫy được con chim, con nhím hay câu vài con cá nhỏ tăng cường bữa ăn, lâu lâu mới được ăn miếng thịt heo và cá biển. Đường tán là xa xỉ phẩm, lâu lâu mới có dịp nếm một lần. Giếng nước gần nhà khô cạn vào mùa khô, các em trai phải đi gánh nước ở bờ suối cách nhà hơn trăm mét. Nước phải đun kỹ trước khi uống vì sợ mắc các chứng bệnh đường ruột và sốt rét. Đỡ một cái là củi rừng không thiếu nên mẹ tôi sản xuất măng khô hong khói để mỗi tuần tôi mang về Hố Nai bán lại. Măng tre vào mùa mưa mọc rất nhiều nên các em tôi tha hồ cắt về cho mẹ. Cuộc sống cũng tạm ổn định mặc dù còn rất thiếu thốn. Chúng tôi an phận với đời sống ẩn dật này chờ ngày cha tôi trở về.
Với thời gian gia đình tôi thích nghi dần với cuộc sống mới và chia sẻ buồn vui với những người hàng xóm, phần lớn là những gia đình thương binh, tất cả đều dầm mưa dãi nắng phụ giúp gia đình làm việc. Có anh chỉ cụt một tay, có anh mất một khúc chân nhưng ngày ngày chống nạn gieo trồng, chăm sóc thực vật giúp đỡ gia đình. Có anh bị mất cùả hai chân, xe lăn không có, đi lại khó khăn, chỉ biết ngồi ôm tủi nhục nhìn người thân lao động. Con cái họ, những thanh niên thiếu nữ "thành phố" ngày đêm phải cầm xẻng cuốc đất, cầm dao phát cỏ, chặt cây đốn củi, vết chai đá để lại nhiều dấu ấn trên người.
Càng bị bạc đãi bao nhiêu, tinh thần đồng cam cộng khổ phát triển bấy nhiêu. Mọi người vui vẻ chia sẻ với nhau những miếng ăn vật lạ. Nơi đây sự cùng khổ liên kết chúng tôi với nhau. Các em tôi có thêm bạn mới, ngày tháng cũng bớt phần cô liêu. Trường học không có, thầy dạy cũng không, tối đến các em nhỏ đến nhà một anh phế binh, hình như là sĩ quan công binh thì phải, học chữ dưới ánh đèn dầu. Nhà anh chập hẹp, bàn ghế thiếu thốn nên các em nhỏ ngồi dưới đất tập viết, tập làm toán. Tuy vậy không khí rất là đầm ấm, tiếng trẻ thơ tập đọc vang dội cả một góc rừng.
Mẹ tôi cũng quen dần với nếp sống mới, bà có nhiều bà bạn cùng lứa tuổi theo con đi vùng kinh tế mới đến nhà chơi. Bà rất được các bà bạn kính nễ vì có chồng là sĩ quan trung cấp đang đi học tập. Nhiều bà hay tin mẹ tôi sắp đi thăm nuôi chồng đã mang đến muối vừng, khô nai, khô heo rừng thân tặng. Món quà tuy nhỏ nhưng tấm lòng thật lớn. Gia đình tôi cũng vậy, mỗi lần có bà mẹ nào đi thăm con học tập cải tạo cũng mang đến tặng măng khô hong khói và một vài thứ bánh mức khác. Mẹ tôi hay làm bánh khúc nhân chuối để biếu.
Riêng về gia đình tôi, mỗi lần chuẩn bị đi thăm nuôi người cha ở tận miền Bắc, cả nhà đều lo âu. Thăm nuôi ít quá thì sợ ông buồn và uổng công lặn lội đường xa, thăm nuôi nhiều quá thì cả nhà thiếu thốn, thật là nan giải. Đó là chưa kể những thứ lặt vặt khác như bảo các em viết thư, lập danh sách mua đồ, mua vé tàu hỏa, cân và đóng gói.... Mỗi lần như thế tôi phải ở nhà chăm sóc các em, mẹ tôi về Hố Nai mua sắm hàng hóa, đóng gói gọn gàng rồi đón tàu ra miền Bắc.
Em gái thứ tư, XuânTrang, bây giờ đã 16 tuổi được về Hố Nai ở với chị là Xuân Tiên nên nó rất mừng. Được thấy lại cảnh phố phường không gì vui hơn. Cả hai chị em bây giờ đều xinh đẹp, nhiều thanh niên trong xóm thường xuyên đến nhà ngấp nghé. Ghét nhất là những cán bộ xã và đám công an trẻ, cùng là người địa phương với nhau mà bây giờ lại trở mặt, người ta gọi chúng là "thành phần 30". Chúng hay lợi dụng cơ hội mời gọi hai em gái tôi lên đồn hạch sách, dò hỏi tin tức của hai em trai và cha tôi. Mục đích là để chọc ghẹo hơn là tra hỏi, chúng lợi dụng bộ áo công quyền để dọa dân. Chúng tôi rất ghét nhưng đành cam chịu. Những lần mẹ tôi ra Bắc, tôi phải về Hố Nai chờ đợi và cũng nhân dịp giúp hai em gái dọn dẹp nhà cửa, mua sắm thêm đồ đạc cho cả hai nhà.
Từ lâu rồi không còn dịp chăm sóc dung nhan, nhìn lại mình trong gương tôi thấy xấu hổ. Còn đâu là một thiếu nữ từng là hoa khôi của trường Nữ Vương xóm Phát Diệm ngày nào, còn đâu là thiếu phụ duyên dáng trong khu gia binh Xuân Lộc. Gương mặt sạm nắng đen ngòm, hai gò má lồi lõm in đầy vết nhăn khiến tôi già đi, những ngón tay khô cứng đầy vết chai, thân hình gầy còm và giọng nói khô khan. Dạo này tôi la nhiều hơn nói, các em tôi đều phải ngạc nhiên nhưng không dám cãi lại.
Tội nghiệp thân tôi, chồng mất sớm, cha đi học tập, một thân một mình phải cáng đáng cả gánh nặng gia đình. Chúng tôi sống trong cảnh túng quẩn, khổ cực như mọi gia đình khác nhưng ít ra họ còn có người chồng, người cha làm điểm tựa, đằng này chỉ có mình tôi. Mẹ tôi ngày càng già yếu, trí nhớ có phần kém đi, việc gì cũng phải đợi tôi quyết định. Bà luôn sống trong lo âu và sợ hãi, nhất là mỗi khi hàng xóm thuật lại những biện pháp mới đe dọa cuộc sống. Từ lâu rồi bà cũng không còn chăm sóc dung nhan, bà thường mặc những bộ quần áo cũ, chắp vá nhiều nơi đôi khi khiến tôi phải lên tiếng phản đối. Chiếc xe đạp cũ kỹ có lẽ là phương tiện duy nhất của gia đình, các em tôi thay phiên nhau đạp từ vùng kinh tế mới về nhà và ngược lại. Chiếc xe ọp ẹp phải chở nào là củi rừng, măng khô về lại nhà cũ và chở hàng hóa từ nhà cũ về vùng kinh tế mới. Mỗi lần xe bị đứt sên hay bị xì lốp là rất tốn tiền.
Mỗi lần mẹ tôi trở về từ miền Bắc, tôi đưa cả gia đình về Hố Nai chờ đón. Thường phải mất một tuần cả đi và về, nhanh nhất là năm ngày. Ngày hội tụ thật là hạnh phúc, cả nhà được dịp ăn cơm trắng có thịt cá và rau muống xào. Mẹ tôi trông già hẳn đi, nét mặt mệt mỏi nhưng khi về lại nhà nhìn đàn con đông đủ mặt bà cũng tươi lại. Trong bữa cơm bà kể lại đoạn đường đã đi và trại cải tạo nơi cha tôi bị giam giữ. Lúc này ông đã được đưa về trại Ba Sao ở Hà Nam Ninh nên việc thăm nuôi có phần dễ dàng. Có lần ông được đưa vào nhà giam Hỏa Lò, Hà Nội, để "tra khảo", sau đó bị đưa lên Thái Nguyên rồi trở về Hà Nam Ninh. Tóc ông bạc phơ, thân hình gầy ốm, bệnh thấp khớp hành hạ thường xuyên, có điều tinh thần ông rất vững. Ngày trở về không xa vì đã có nhiều người cùng cấp bậc với ông trong quân đội được th%ả về. Ngành cảnh sát phải ở lâu hơn những người khác vì bị liệt vào hạng "nợ máu", dù là cảnh sát tuần lưu.
Từ khi cha tôi được về trại Ba Sao, mẹ tôi thường về thăm quê cũ, huyện Phát Diệm nơi bà đã sinh ra. Bà con gần không còn bao nhiêu vì phần lớn đã lên tàu vào Nam năm 1954 nên chỉ còn lại bà con xa. Cảnh vật tại đây không khác gì trước năm 1954, có điều tan tác và nghèo khó hơn. Dân chúng vẫn lam lũ như ngày nào, các nhà thờ đều hoen ố, nhà cửa mục nát. Gia đình nào cũng than van đời sống khó khăn và bị nhà nước ngược đãi. Một vài cha cố, tuổi đã già, cũng phải đi làm ruộng như bao người khác. Lễ lạc chỉ được tổ chức một lần mỗi sáng chủ nhật, việc học giáo lý bị cấm, các hội đoàn công giáo không được hoạt động. Tuy vậy dân chúng vẫn sinh hoạt chui với nhau, cán bộ nhà nước có biết nhưng cũng làm ngơ miễn các sinh hoạt này không mang tính chính trị. Nhiều gia đình đã vào Nam tìm người quen rồi định cư luôn, mặc dù vậy dân cư vẫn đông đúc vì số người được sinh ra nhanh hơn số người đã chết hoặc đã ra đi.
Tôi nghe một cách hững hờ về vùng quê mẹ, đầu óc lúc này chỉ nghĩ đến những khó khăn trong cuộc sống, ngược lại mẹ tôi thì ứa nước mắt mỗi khi nhắc lại quê cũ. Thật vậy, bà yêu quê hương vì yêu kỷ niệm thời ấu thơ. Cũng như tôi yêu xóm đạo Hố Nai này vì thương nhớ kỷ niệm ấu thơ, cho dù hiện nay tôi có bị khổ sở hay hành hạ, tình yêu tôi dành cho nó vẫn dạt dào như lần đầu tiên được rước mình thánh Chúa. Tình yêu quê hương giống như tình mẹ yêu con, dù con mình có hung hăn hay tàn tật tình thương của mẹ không hề thay đổi, mẹ chỉ buồn khi đứa con bạc tình bạc nghĩa và bất hiếu.
Cho đến năm 1982, cuộc sống của gia đình tôi tiếp diễn như vừa kể. Nhưng lần này tôi quyết định bán miếng đất trên Tân Uyên dẫn cả gia đình về lại Hố Nai và sang một vuông bán vải ngoài chợ làm kế sinh nhai. Cuộc sống trong rừng núi chỉ là tạm thời để hai em trai tôi lánh nạn. Bây giờ mọi việc đã yên, cán bộ nhà nước và công an khu vực chịu ăn hối lộ nên việc gì cũng dễ dàng, cứ đút lót tiền là xong. Chúng tôi chạy tiền để có lại hộ khẩu. Lần này các em tôi đều đã khôn lớn nên tôi cũng nhẹ gánh gia đình. Xuân Tiên sắp sửa lập gia đình với một thanh niên cùng xóm, Xuân Trang đang có bồ. Bình bây giờ to con hẳn, đẹp trai, tướng tá phương phi như cha, bắt đầu vắng nhà nhiều hơn, có khi tối khuya mới về. Còn Khánh thì ghi tên đi học lại, nó vừa đi làm vừa học thêm ở Sài Gòn nên thỉnh thoảng mới về nhà thăm mẹ và gia đình. Các em sau này đều đã lớn, đứa em trai nhỏ nhất cũng đã 15 tuổi, biết phụ giúp chúng tôi làm việc nhà.