watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Những Mảnh Đời Rách Nát-Chương 7 - tác giả Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển

Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển

Chương 7

Tác giả: Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển

Trong cuộc sống đầy gian khổ, tạm trú ở đầu đường xó chợ hay trên vỉa hè, những anh em phế binh còn độc thân hiếm khi có ý nghĩ tìm người bạn đường. Phế binh Phan Tiến Dũng, thủy quân lục chiến cụt một chân, cũng vậy. Mặc dù còn trẻ, hiền hậu và đẹp trai nhưng từ sáng đến tối anh vẫn lầm lủi đi đi về về một mình với những bao nhang đèn. Có lẽ vì chọn nơi tạm trú ồn ào bên cạnh chợ An Đông, Tiến Dũng ít khi rãnh rỗi nhìn lên trời cao để biết rằng có một vì sao chiếu mạng. Thật buồn cười, có nhiều người ước ao sống trong hạnh phúc nhưng không bao giờ bắt gặp, nhiều người khác không ao ước gì thì luôn gặp may.
Trong chợ An Đông, có một phụ nữ người Việt gốc Hoa thích nghe chuyện lính. Cô tên Vòng A Muội, nhưng không hiểu tại sao ở chợ người ta thường gọi là "A Chế", còn anh em chúng tôi thì gọi là "A Phụng". A Muội, A Chế hay A Phụng là một thiếu nữ còn trẻ, duyên dáng và thật thà, cô thường hay giúp Tiến Dũng sửa soạn nhang đèn, thích nghe kể chuyện lính tráng, đánh giặc, bị bắt làm tù binh, v.v... Có lẽ A Chế có cha đi lính đánh giặc và chết trận nên mến Tiến Dũng chăng? Mặc kệ, đó là chuyện đã qua, còn bây giờ A Chế đang hiện diện trong tập thể "gia đình" anh em phế binh chợ An Đông. Nhiều lúc tôi thấy A Chế nhìn Tiến Dũng với ánh mắt đăm chiêu, không nói gì. Anh em chúng tôi thường đùa giỡn, mối mai, khuyến khích Tiến Dũng rủ A Chế đi ăn chè. Cô không những không từ chối mà còn giành trả tiền ăn mì, ăn cháo ban đêm rồi bao Tiến Dũng đi coi cải lương và xem xi nê. Tình cảm của hai người từ đó ngày thêm gắn bó, anh em chúng tôi rất mừng.
Tuy vậy cuộc sống trên hè phố chợt thoáng rồi tan. Mới hôm qua còn gặp nhau đó ngày mai thì chia tay vĩnh viễn. Có những cuộc gặp gỡ chỉ được một lần rồi không bao giờ xảy ra nữa. Hiểu được những điều ấy, những người sống lang thang trên vỉa hè như chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng chấp nhận mất mát, rủi ro và bất hạnh. Nhưng chính trong cuộc sống vội vã này nảy sinh biết bao tình cảm chân thật, rụt rè khiến cho anh em xúc động và càng muốn vun đắp cho nhau. Huống chi Tiến Dũng là một người bạn tốt, nghèo nhưng sống có tình có nghĩa, anh thường hay giúp đỡ anh em mỗi khi hoạn nạn nên rất được lòng người.
Anh em để ý thấy Tiến Dũng chăm chỉ đi bán nhanh, lại biết dành dụm tiền bạc. Những buổi trưa, Tiến Dũng chịu khó lê cái chân giả (anh cụt chân trái, xương còn mọc nên hay bị đau, đi lại khó khăn) ra ga xe lửa Sài Gòn. Ơ? đấy, bên góc đường Hàm Nghi - Phạm Ngũ Lão có những người đàn bà gánh cơm bán dạo, những dĩa cơm ấy rẻ vì có độn bobo (lúa mì thô dành cho súc vật), thức ăn là những con cá lòng tong kho mặn hay những con tép, giá 500 đồng một dĩa, trong khi ở cửa hàng quốc doanh một dĩa cơm bình dân giá rẻ nhất cũng phải từ 2.500 đồng đến 3.000 đồng. Tiến Dũng đã ăn những bữa cơm như thế, anh muốn để dành tiền mua tặng A Chế một cái quần tây màu cà phê sửa, kiểu điếu thuốc xì gà, bởi vì qua những mẫu chuyện trao đổi, Tiến Dũng khám phá ước mơ thầm kín của người bạn gái.
Có lần A Chế kể cho Tiến Dũng nghe: "Nhà em ở xóm Gò Vấp gần khu quân sự, những ngày cuối cùng của tháng 4 quân cộng sản pháo kích lung tung, đạn lạc vào nhà dân. Hôm đó, em cùng hai em nhỏ đang ngồi ăn cơm với mẹ thì nghe một tiếng ầm khủng khiếp. Cả xóm kinh hoảng, lao nhao la lên: "Pháo kích, pháo kích, chạy đi bà con ơi!". Em vội thu xếp đồ đạc cùng mẹ dẫn hai em chạy ra ngoài đường theo những người hàng xóm. Chạy ngang nhà con nhỏ bạn định rủ nó cùng chạy giặc như em, nhưng... ôi thật khủng khiếp. Nhà của nó tan hoang, đồ đạc gãy nát, máu thịt văng tứ tung. Đạn pháo kích rớt trúng nhà nó, giết chết cả nhà. Con Hoa nằm ngữa, thân hình phủ đầy bụi đen xì, tóc tai rũ rượi phủ trên gương mặt trắng bệch, trên ngực nó máu me đầm đìa, cơ thịt cánh tay phải của nó còn giựt giựt nhưng bàn tay bay đâu mất rồi. Em nhìn nhỏ bạn nằm im không cục cựa, lòng se thắt lại nhưng cái quần tây màu cà phê sữa của nó vẫn còn "mô đen" quá. Em nghĩ nhỏ Hoa khi chết mà còn mặc cái quần tây như thế chắc cũng được thỏa lòng".
Thạch Chia, phế binh Biệt Động Quân cụt chân phải, mặt đen như cột nhà cháy, nghe Tiến Dũng thuật lại liền nhe hàm răng ngựa cười khà khà:
- Còn chú rể nữa chi, hổng lẽ ngày lễ tuyên bố lại bận xà rong khoe cái giò bằng cây sao?
Bà Hồng già, ho lao gần chết, phê bình A Chế:
- Đi lượm bọc ny lông mà bày đặt mặc áo bà ba - rồi bà lại hứa hẹn. Ê, đám cưới tụi bay tao đi nguyên con "dịt" cổ lùn Sa Đéc đó nghe!
Thạch Chia trề cặp môi dầy thâm xì:
- Ờ, con "dịt" của bà bằng mủ nhựa hùả, ở Chợ Lớn bán thiếu gì. Nếu bà đi con "dịt" thì tui đi con heo Lái Thiêu!
Anh em cười hể hả. Thạch Chia bình thường ít nói, tính tình cộc cằn, nóng nảy, hôm nay hỗng hiểu sao như con nhồng lột lưỡi. Niềm vui nhẹ nhàng lan tỏa trong anh em như áng mây bay làm dịu ánh nắng gay gắt ban trưa, nó như làn sinh khí thoáng lên bộ mặt xám ngoẹt của người hấp hối trước đi từ trần. Đang lúc những người khốn khổ đang quay quần đóng góp mỗi người một câu cho vui câu chuyện, cho đám cưới "tưởng tượng" ấy, chị Liên (quả phụ) bỗng nhiên lạc "tông", không hiểu sao lại tru tréo lên:
- Ôi giời ơi, nếu cộng sản đừng đánh vào miền Nam thì con tôi vẫn còn có cha.
Anh em chúng tôi biết là chị đang nghĩ tới đứa con trai duy nhất 8 tuổi của chị, thằng Đức, đang theo lũ trẻ cùng trang lứa moi móc, lặn lội trong những ống cống ngầm để tìm cá. Bà Hồng nhìn chị:
- Tháng này cũng bớt mưa rồi, không sao đâu mà! - rồi bỗng dưng bà ấy thở dài nhìn các anh em phế binh nói tiếp. Giá mà tôi được sống lại giờ phút lịch sử ấy nhỉ. Tôi sẽ đến cùng anh em chiến sĩ, được chạm tay vào cò súng một lần thôi rồi lỡ có chết cũng cam lòng. Cứ đánh một trận cho tan tành té bẹ đi, ai xui thì chết, ai may thì sống, biết đâu sẽ hưởng được tự do.
Thạch Chia cười:
- Bà già cầm nổi cây M16 không? Nếu nổi thì tui cõng bà nha, nhưng nhớ lỡ quýnh quá đừng có "xả" ướt lưng tui đó nha bà.
Bà Hồng già giả bộ không nghe trầm tư kể tiếp:
- Một hôm tui đang đi ăn xin, gặp trúng ngay nhà cán bộ, cha này người miền Nam tập kết ra Bắc hồi còn nhỏ, năm 1954. Tui lỡ bộ tính nói vài câu rồi rút êm, nhưng "ổng" nhìn tui có vẻ thông cảm. Cha này có vẻ "trí thức" chứ không phải bậm trợn dốt đặc cán mai như mấy thằng "cách mạng ăn theo" (còn gọi là bọn "30", hay "30-4"). Ổng kể: "Khi ấy tôi còn ở Tòa Thánh Cao Đài, chiếm được Tây Ninh và thấy cảnh sinh hoạt của dân chúng tại dưới chế độ mới, tôi hiểu là giải phóng rồi đồng bào miền Nam sẽ khổ như đồng bào miền Bắc nên chúng tôi đâu có muốn giải phóng thành phố Sài Gòn làm chi. Không hiểu sao lính miền Nam lại bỏ chạy, đầu hàng. Chỉ cần giữ vững tinh thần, cầm cự hơn tháng nữa thôi thì tụi nó sẽ kiệt quệ thôi, xe tăng hết nhiên liệu, đạn dược không được tiếp tế, tinh thần xuống thấp và nhất là đói". Rồi ổng kêu "bả" (vợ ổng người miền Bắc, còn trẻ) vô lấy cho tui một kí gạo, dặn tôi nhớ né tránh mấy chỗ gác dân quân. Ổng nói: "Tụi nó còn hăng lắm, tập làm cách mạng, muốn lập công với đảng, chúng không ưa mấy người ăn xin bêu xấu chế độ đâu". Còn bả thì ân cần hỏi thăm tui bịnh lâu chưa, trời mưa có lạnh không, bả cho tui bộ quần áo rồi tâm sự: "Khi miền Nam giải phóng xong, tôi bỏ miền Bắc theo ông ấy vào trong này. Vì sau bao năm chịu đựng với nhà nước này, tôi hiểu ra một điều là đừng chờ đợi pháp luật hoàn tất, bởi vì pháp luật của nhà nước lập ra không phải vì nhân dân (mặc dù họ mượn danh nghĩa nhân dân, mà vì quyền lợi của nhà nước). Khi pháp luật chưa hoàn tất thì những người dân (ở trong Nam) hãy còn "kẽ hở" để mà sống, khi đã hoàn tất (như ngoài Bắc) thì chỉ có chết đói mà thôi". Bả còn nói thêm: "Miền Nam vẫn còn sung sướng hơn miền Bắc đấy chị ạ, cố mà sống và đừng nghe chính sách gì cả nhé bởi vì sẽ cứ thế mãi thôi. Họ lừa hết lớp người này xong lại tiếp tục lừa lớp người kế tiếp, ai cũng sợ hãi nên đành im lặng để mà sống". Nghe xong tui nhìn bả ngỡ ngàng, tuyệt vọng. Một cặp vợ chồng được chế độ này ưu đãi đủ thứ mà còn nói như vậy thì kể gì đời sống của tui. Bả tiễn tui ra về: "Thôi, chị đi đi nhé, nói chuyện nhiều không ích lợi gì". Tui bật ra cơn ho rũ rượi, bả nhìn tui thương hại, bả biết là tui sắp "đi" rồi nên dặn nhỏ: "Xin đừng gọi chúng tôi là cách mạng".
Huệ và Đồng, hai người lính cũ, cùng nói:
- Té ra là người dân miền Bắc đâu có sướng gì. Họ cũng chỉ là nạn nhân của vụ lừa thế kỷ như miền Nam mà thôi. Trong khi chúng ta lấy ngày 30-4 (1975) là ngày quốc tang thì miền Bắc có ngày 10-10 (1954) làm ngày giỗ quê hương của họ.
Thạch Chia, vốn là con sâu rượu đế (anh còn có biệt danh "đại ca tiếu ngạo" vì hay cười cợt đời khi có rượu vô), thêm vào:
- Dzậy là đúng như bà Bình hay nói ở hiệp định Paris: "Bình mới rượu cũ", chẳng có cải cách gì ráo trọi. Ôi, nói ba cái chuyện đó chi nghe bắt mệt. Ê, Lê A, mày tính đi đám cưới tụi nó cái gì đây?
Lê A, phế binh Dù bị cụt cả hai chân phải gắn chân gỗ bước đi trên cặp nạng lều nghều như con cua, đáp:
- Tui chỉ cần đi một vòng chợ Hòa Bình, Nguyễn Tri Phương là đem về một bọc ny lông đầy đầu gà, cánh vịt, phao câu, "pê đan" giò dĩa, lòng mề đủ thứ cho anh "nhậm chẩu" mệt nghỉ.
Lê A triết lý thêm:
- Cái khổ của chúng ta là biết những cái mà chúng ta không giải quyết được. Khi mà mọi sự đã trở thành vô nghĩa, khi mà chúng ta bị hất ra bên lề đời sống và đã trở thành những bóng ma vật vờ trên những đường phố thì chúng ta hãy sống như những bóng ma, sống như kẻ vắng mặt trong cuộc sống hào nhoáng này, cứ để ngày tháng qua đi rồi cái gì phải tới sẽ tới. Thôi đừng mất thì giờ tìm ánh mặt trời vào giữa đêm khuya, không bao giờ có đâu. Đừng có được voi đòi tiên nữa, anh em hãy nhớ lại lúc ở kinh tế mới chúng ta mơ ước gì, chúng ta có khác gì con vật nay đang hưởng ân huệ của cuộc sống đây nè: được uống nước phông ten, được ăn đầu gà cánh vịt, được ăn "pê đan" giò dĩa, được "nhậm chẩu" còn gì sướng hơn. Hãy vui với những gì đang có.
Chị Liên thở dài u uất, tiếp tục lạc "tông":
- Lạy Chúa của con ơi, ngài có nghe không? Người kiên trinh chung thủy sao lại bị bỏ rơi, kẻ man trá phản bội lại cứ được đền bù. Lũ Giuđa thời đại đang đè đầu cổ nhân dân đây này, lạy Chúa của con ơi.
Chị Liên nghĩ về chồng chị. Lần về phép sau cùng, anh biết cuộc chiến sẽ còn khốc liệt hơn nữa nhưng vẫn quyết chí ra đi bảo vệ đất nước. Giờ đây chung quanh chị bao nhiêu kẻ chạy theo cuộc sống mới, có ai cần gì đến lý tưởng. Kìa nhiều người còn chỉ lối, dẫn đường cho chế độ cộng sản khống chế cuộc sống nhân dân miền Nam, họ được đền bù bằng sự no đủ, ăn sung mặc sướng trong khi con chị, "giời ạ, giờ này đang chui đầu dưới ống cống". Chị nhìn bầu trời một hồi rồi mặc cả:
- Lạy giời, xin đừng mưa nữa, nhưng không mưa thì làm sao có cá. Thôi xin mưa nho nhỏ thôi, cho con tôi có được miếng ăn.
Trong lúc những anh em phế binh khốn khổ như Tưởng lù đù, Tài râu, Hùng cụt tay, Long què giò, Bin khờ... cứ chết dần chết mòn vì bệnh hoạn, bị bắt vào "nhà nuôi", thì trên đường phố xuất hiện nhiều gia đình miền Bắc đi ăn xin ở các hàng quán. Họ vào cả cơ quan nhà nước xin tiền tàu, vé xe để về lại quê. Họ không sợ gì cả. Họ đi từng làng, từng xã vào Nam. Họ có lý do để đi vì mất mùa, lũ lụt... Họ là những ngươi đã một thời tuân hành nghiêm chỉnh những chủ trương chính sách nọ kia của nhà nước cộng sản. Bây giờ nhà nước không còn quan tâm đến họ nữa, tất cả chạy theo chỉ tiêu "tưởng tượng", các báo chí, đài cứ lải nhải nói nọ nói kia, ngợi ca những con số, phóng đại những kế hoạch 5 năm, 10 năm, thậm chỉ lập kế hoạch cho nhiều thế hệ đến năm 2020. Nhân dân khốn khổ miền Bắc bị bỏ rơi cho nên bây giờ họ đi xin công khai đấy, nhà nước có giỏi thì cứ bắt đi, họ không đi lẻ tẻ, họ đi từng đoàn, ai mà đụng đến họ thì họ kéo cả bầy tới bao vây làm áp lực. Những cán bộ miền Nam sợ những đám bần này vì hễ gây khó khăn gì thì họ làm đơn khiếu tố, khiếu nại lên các cấp lãnh đạo gốc miền Bắc tại Sài Gòn. Họ dùng luật pháp nhà nước miền Bắc đặt ra để đòi hỏi, yêu sách ngược trở lại nhà nước miền Nam.
Thạch Chia tức lắm, trong khi anh là người "gương mẫu" tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới, thất bại trở về không nhà không cửa, vợ anh bị sốt rét rừng nằm rên ư ử như con chó, con anh 8 tuổi không biết chữ phải đi lượm rác (đi xin sợ bị bắt vào trường "giáo dục thiếu nhi bụi đời"). Anh đã nhìn thấy người ta giựt đứa con nhỏ ra khỏi tay người mẹ đang ngồi xin ăn rồi đưa đi cải tạo lao động, đứa bé 4 tuổi được đưa vào "nhà nuôi", một thời gian sau thì chết vì phổi có nước. Khi cải tạo về, người mẹ đến nhận con mới hay hung tin, từ đó bà trở thành người điên, ăn nói ngớ ngẫn, vô duyên. Biết thưa kiện ai trong xã hội này? Chưa phải hết, Thạch Chia còn buồn phiền cảnh đời thay đổi trắng đen. Có những anh em tàn phế như mình, trong cơn túng quẩn đến van xin anh giúp đỡ, hứa hẹn lung tung, khi được giúp rồi thì ôm tiền trốn luôn. Thật là phiền vì Thạch Chia dẫn những anh em đó đến giới thiệu với "anh Cả", một cựu sĩ quan cụt một chân, để đến chùa lãnh nhang về bán. Bán hết nhang những anh em này lo trả nợ nần riêng rồi đi luôn, ăn luôn cả vốn của mấy ông thầy, rồi ăn luôn cái chân cụt của người giúp đỡ mình. Thạch Chia xấu hổ với người "anh Cả", gầm lên: "Ta là một kẻ cương trường, một lần thất hứa còn gì thanh danh. Thôi lần này ra đi quyết không trở lại". Thế là Thạch Chia bỏ đất Sài Gòn, dẫn đứa con trai 8 tuổi vào Chợ Lớn... ăn xin.
Bà quản lý Chợ Lớn Mới (chợ An Đông) là một phụ nữ mập ú, thân hình tròn như cái lu, trên khuôn mặt bánh bèo lủng lẳng một cặp má heo, nung núc những thịt và mỡ. Bà ngồi chễm chệ giữa chợ, giương cặp mắt cú vọ quan sát khắp nơi qua cặp kiếng trắng gọng vàng. Cặp mắt kiếng không làm tăng thêm vẻ "trí thức" sỏi đời mà chỉ tạo cho bà nét nghiêm khắc, soi mói lỗi lầm của người khác. Một ngày kia nhìn thấy hai cha con Thạch Chia đang ăn xin ở dãy hàng thịt, bà dẫn hai dân quân cầm AK47 tiến đến, bắt quả tang thằng nhỏ đang chìa nón xin tiền một khách hàng. Thế là... "chách" một cái, bà vả vào mặt thằng nhỏ thật mạnh làm nó khóc rống lên. Nghe tiếng con khóc, Thạch Chia đang khất thực bên dãy kia vội vàng chống nạng lò cò (anh không mang chân giả khi đi xin) nhảy đến cạnh bà quản lý chợ, rồi bất thần khom người xuống... "huỵch" một cái, anh thúc cùi chỏ vào mặt bà quản lý làm bà ngã bệt xuống vũng nước hôi hám ở hàng thịt, áo quần bê bết sình đen, cặp mắt kiếng cũng văng sang một bên. Hai dân quân ngơ ngác, người đi chợ đứng nhìn. Vừa lồm cồm ngồi dậy vừa quơ tay tìm cặp mắt kiếng, bà hầm hầm chỉ tay vào mặt Thạch Chia hét lên:
- Bớ người ta! Quân ăn cướp! Trời ơi quân ăn cướp đánh người! Ngụy quân, bà con ơi. Ngụy quân làm loạn. Ăn cướp, ăn cướp, bắt nó lại, bớ người ta!
Thạch Chia quơ nạng trước mặt bà hăm dọa:
- Đ... mẹ, ăn hiếp con nít hả mậy! Đồ heo nái...
Chưa nói kịp hết câu thì... "bộp" một cái, báng súng của một dân quân thúc vào miệng của anh, máu tuôn xối xả. Hàm răng đang còn ê ẩm, chưa kịp phản ứng gì thì "bịch" một cái nữa, lưng anh bị dân quân kia nện cho một cây gậy. Sau đó là những tiếng "thình thịch" vang lên, hai dân quân đấm đá loạn xạ vào người anh như đánh trống cúng đình trong ngày giỗ hội. Thạch Chia chỉ biết khom người ngồi xuống, hai tay che mặt, che đầu. Dân chúng hai bên bất mãn đứng nhìn, một ông già la lên:
- Tụi bây muốn giết người hả? Bộ không thấy nó què giò hay sao mà đánh đập dã man như vậy?
Thạch Chia nằm lăn lộn giữa vũng sình hôi hám, người ngợm đen sì, hai tay ôm đầu tránh né đòn thù. Đánh đá một hồi, bà quản lý giả bộ đứng ra can và phân trần với bà con:
- Thằng này là ngụy quân, nó định giết tôi. Coi nè (bà chỉ vào má bên trái vừa bị Thạch Chia thúc cho một cùi chỏ còn tím bầm), nó tính ám sát tôi đó thấy không.
Bà con trong chợ nhìn bà quản lý một cách khinh bỉ, nhiều chị phụ nữ còn che miệng cười khúc khích. Một dân quân túm áo lôi cổ anh dậy, dân quân kia trói quặt hai tay anh ra phía sau. Thạch Chia gào lên giữa hai hàm răng loan đầy máu đỏ:
- Các người biết sống thì cũng để cho người khác sống với chớ. Tui cũng là con người, tôi cũng muốn sống như mọi người chớ có giựt đồ ai đâu?
Bà quản lý sửa lại cái kính, giả bộ hỏi:
- Nó nói vậy là sao?
Một dân quân nét mặt hầm hầm hô lên:
- Đưa nó về trụ sở, để nó ở đây mất "quan điểm" với nhân dân.
Thằng con anh may mắn trốn thoát chạy về báo động, ai cũng khuyên nó ngồi yên nghe ngóng. Về tới trụ sở, Thạch Chia chửi bới một hồi thì bị một dân quân khác tát vào mặt mấy cái rồi đá một cú giò lái vào bụng, anh ngã quỵ xuống nằm im bất động. Chiều hôm đó, người ta lôi anh ra xích vào một cây cột giữa trời trong nghĩa địa Triều Châu, nay là Khu Du Lịch Đầm Sen. Cũng may là cây cột bị mục. Trời mát dần, Thạch Chia hồi tỉnh lại, anh đứng một chân chịu đựng từ buổi chiều đến tối. Vào lúc giữa khuya, bọn dân quân ngủ gà ngủ gật, anh lấy tay lay cho cây cột mục ngả xuống rồi từ từ rút tay bị xiềng ra khỏi thân cột. Anh vác sợi dây xích nặng 12 kí lô lên vai, nhảy lo cò ra ngoài lộ đón xe xích lô về gặp lại anh em. Vợ anh sụt sùi khóc và xoa muối ở các chỗ đau bị bầm tím trên thân mình anh. Chưa hả giận, Thạch Chia nói với vợ:
- Mài cho tui cái rựa, tui không sợ thằng nào hết, phải ăn thua đủ với tụi nó thôi. Ai cũng một lần chết, tui phải chết anh hùng, không chịu nhục được nữa. Tui có trời độ mà đừng lo.
Mọi người khuyên can mãi Thạch Chia mới nguôi. Rồi những khó khăn thường nhật trong cảnh sống bần cùng cứ bẻ gãy dần ý chí "đứng thẳng người" của anh em phế binh. Làm sao đứng thẳng được khi chỉ còn một chân, một tay chống nạng tay kia phải chìa ra xin tiền bố thí. Làm sao đứng thẳng khi đàn con nheo nhóc kêu khóc vì thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu học. Thạch Chia nhìn thẳng vào cuộc đời trước mắt, chịu đựng và nhịn nhục. Ai sống thì cứ sống, ai chết thì cứ chết. Thạch Chia bất lực và tuyệt vọng.
Bà Hồng già chết rồi. Bà chết khi đang đi xin ở chợ Nguyễn Tri Phương. Bà được một bạn hàng cho một trứng hột vịt lộn, khi đang ăn thì máu từ miệng ộc ra, bà mắc nghẹn ngộp thở chết. Những anh em khác khôn ngoan hơn tìm đường ăn xin ở những vùng xa. Vào những dịp lễ lớn như Tết Nguyên Đán, họ xin ăn ở Thánh Thất Cao Đài Tây Ninh. Công an và cán bộ có trách nhiệm thu gom không bắt họ ngay mà chờ cho họ xin năm ba ngày, khoảng mùng 6 hay 7 gì đó rồi mới ào tới bắt và tiền xin được bị tịch thu sung vào "công quỹ" riêng. Anh em nào có kinh nghiệm, chỉ xin ăn một hai ngày rồi chuồn đi thì thoát nạn, hoặc là ra mấy tiệm vàng ở chợ Long Hoa mua vài ba phân vàng cất vào túi, lỡ khi bị bắt trong các chiến dịch thu gom thì dúi cho nhân viên thi hành số vàng đó để họ ngó lơ rồi trà trộn vào nhà dân tẩu thoát. Nhưng cũng phải cẩn thận vì nhiều khi "tiền mất tật mang", cán bộ thu gom ác ôn vừa lấy tiền vừa bắt giam người.
Những loại tin như vậy càng làm anh em mệt mỏi và nản lòng vì khi ấy chưa có các hội đoàn nhân đạo và ân nhân tại hải ngoại biết đến hoàn cảnh của anh em phế binh trong nước để mà giúp đỡ. Cuộc sống của người nghèo khổ rất là khắc nghiệt, mọi người cảm thấy như nghẹt thở trong nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa này. Những khẩu hiệu, bích chương, biểu ngữ loại "đánh cho Mỹ cút, đánh Ngụy nhào", không còn gây chú ý cho bất cứ ai trong thành phố. Riêng anh em phế binh, cô nhi, quả phụ chúng tôi thì thấm thía câu "đình đám người, mẹ con ta" vào những ngày lễ mừng "quốc khánh" như ngày 2-9 này. Trong lòng chúng tôi tuy không dám nói ra vì sợ trả thù, khủng bố, tù đày nhưng lúc nào cũng ngầm ngầm "nỗi hờn vong quốc" và những cảm xúc giận hờn không biết phải trút vào đâu.
Những Mảnh Đời Rách Nát
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Chương 33
Chương 34
Chưong 35
Chương 36
Chương 37
Chương 38
Chương 39
Chương 40
Chương 41
Chương 42
Chương 43
Chương 44
Chương 45
Chương 46
Chương 47
Chương 48
Chương 49
Chương 50
Chương 51
Chương 52
Chương 53
Chương 54
Chương 55
Chương 56
Chương 57
Chương 58
Chương 59
Chương Kết