watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Những Mảnh Đời Rách Nát-Chương 48 - tác giả Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển

Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển

Chương 48

Tác giả: Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển

Đổ bộ bằng trực thăng vận là chiến thuật mà các tướng lãnh Hoa Kỳ gọi là chiến thuật "mưa chớp đầy trời". Trước khi đổ bộ, máy bay oanh tạc, trọng pháo ầm ầm nả xuống, trực thăng "rắn hổ mang" Cobra bay lượn chung quanh địa điểm đổ quân bắn rốckét và đại liên như mưa vào những bụi rậm, ụ đất tình nghi có quân địch nấp rồi mới đổ bộ. Chiến thuật này không thể thất bại, khu vực đổ quân phải được dọn sạch trước khi nhảy xuống. Nếu không có những tên phản bội làm nội gián báo trước cho địch quân thời gian và địa điểm đổ quân để ẩn trốn trước thì chúng tôi không bị hao tổn nhân mạng như lần này.
Tiểu đội vừa nhảy hết xuống, đội hình chưa kịp dàn ra thì súng đại liên và CKC của địch từ ba hướng thi nhau khạc đạn, những tràng lửa đỏ bắn xối xả vào đội hình phe ta. Thêm vào đó là đạn cối của đối phương từ xa dội tới ầm ầm trên đầu chúng tôi. Chúng tôi bị lọt vào ổ phục kích, địa điểm đổ quân bị lộ, địch quân đã biết trước. Một chiếc trực thăng bị trúng đạn cối nổ tan tành. Những chiếc Cobra tiếp tục bay lượn khạc đạn giải vây. Tiếng ầm ầm vang dội khắp nơi, khỏi lửa bốc lên mịt mù, đất bụi văng tứ tung. Đội hình chúng tôi rối loạn, từng người, từng người một lần lượt ngả xuống, máu thịt văng vãi tứ tung. Viên trung sĩ Mỹ, tiểu đội trưởng của tôi, ngả gục đầu tiên, kế là anh giữ máy truyền tin. Một viên cố vấn Mỹ, cấp bậc trung úy, từ phía sau bò lên chụp máy gọi về hậu cứ tiếp viện giữa tiếng súng đạn. Mùi thuốc súng trộn lẫn mùi thịt khét và máu tanh tạo mùi tử khí ghê rợn. Tôi nằm úp mặt sát đất, nghe ngóng tình hình và tìm chỗ núp nhưng... không kịp. Một tiếng "ầm" khô khan vang lên bên cạnh, tôi chỉ kịp thấy đất bụi văng lên. Thân tôi hình như bị hất lên khỏi mặt đất rồi... không còn biết gì nữa.
Không biết thời gian trôi qua bao lâu, tôi mơ màng nghe có tiếng rên siết từ xa vọng lại. Tôi có cảm giác như đang hít thở một không khí mát mẽ pha lẫn mùi ê te. Thân thể tôi đau đớn nặng nề, tứ chi không cực cựa nổi. Tiếng rên siết, kêu la càng lúc càng rõ bên tai làm tôi dần dần hồi tỉnh và mở mắt ra. Khung cảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là bốn bức tường sơn trắng và những bóng đèn màu xanh phát ra một thứ ánh sáng mờ ảo, ảm đạm. Tôi thắc mắc không biết mình đang ở nơi đâu.
Liếc nhìn xuống thì thấy hai tay tôi bị băng bó, những dây ống nhựa chằng chịt quanh người. Tôi thử nhúc nhích mấy ngón tay thì thấy chúng cực cựa khó khăn. Nhúc nhích mấy ngón chân, tôi không cảm thấy gì. Ngạc nhiên, tôi nhìn xuống dưới thân thì, hỡi ơi, chỉ còn hai khúc băng trắng xóa dính máu đỏ ở mỗi đầu. Tim tôi co thắt lại. Thôi rồi, tôi bị người ta cưa mất hai khúc chân. Tôi thử cử động lần nữa hai chân để xem có đúng sự thật hay không thì quả như vậy, tôi bị cưa mất hai chân rồi. Hai khúc chân cụt ngủn, nằm trong cuốn băng trước mắt.
Suốt ba tháng trời trăn trở với cơn đau trong quân y viện dã chiến của Mỹ, tôi được trả về đơn vị chủ quản tại quận Hoài Nhơn. Nằm được năm hôm, viên đại úy chỉ huy đơn vị kêu tài vụ trả cho tôi 12 tháng lương rồi cho về nhà. Thật là giản dị, mất sức chiến đấu thì cho về vườn. Tôi không được cấp một mảnh giấy nào khác để xác nhận bị thương.
Làm gì với tấm thân tàn này? Buồn và nhục thay cho kiếp phế binh. Phép mầu khiến tôi tồn tại cho đến ngày hôm nay là nhờ vào tấm lòng chung thủy sắt son của vợ tôi, một người đàn bà suốt đời chỉ biết tảo tần, chạy vại thương chồng, nuôi con, không hề than thở một lời. Vợ tôi chỉ biết khóc thương cho thân tôi, rồi ân cần chăm sóc tôi tới ngày vết thương lành hẳn.
Chiến tranh ngày càng khốc liệt, chết chóc, tang thương bao trùm đất nước. Gia đình nào cũng có con đi lính, trai tráng trong làng không theo phe này cũng theo phe kia. Vùng quê tôi đã nghèo nay càng xác xơ. Nông dân mất đất trồng cây, vườn tược, ruộng nương đều là bãi chiến trường, không nơi nào còn được an toàn.
Vợ tôi làm lụng ngày một cực khổ hơn, tôi chỉ biết đau xót thương yêu và buồn tủi cho số phận. Đến năm 1973, không kham nổi cảnh khổ tại quê nhà, tôi cùng vợ và hai con thơ ngậm ngùi rời miền quê cha đất tổ, bồng bế nhau cùng với số đông bà con hàng xóm vào Nam lập nghiệp.
Chúng tôi đi theo chương trình khẩn hoang lập ấp, người cày có ruộng của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Đây là một chương trình mới ký sau Hiệp định Paris trong mục đích giành dân giữ đất. Chính phủ cung cấp cho mỗi gia đình một căn nhà gỗ xây tạm bợ trên một mảnh đất cùng một số tiền, rồi mỗi gia đình tự túc khai thác sinh nhai. Gia đình chúng tôi được đưa đến Ấp Tân Khai 1, tỉnh Bà Rịa, lập nghiệp. Các loại ấp tân khai trong giai đoạn này vừa là nơi sinh sống vừa là công sự phòng chống quân cộng.
Đất khách quê người, chúng tôi lạ người, lạ cảnh, lạ cả phong tục và thủy thổ. Thêm vào đó là ngôn ngữ bất đồng, người ta cứ chọc ghẹo nhại cách phát âm của chúng tôi, nhưng chúng tôi chỉ biết im lặng và chịu đựng. Vợ tôi một lần nữa ra tay khai phá rừng chồi, cuốc đất trồng khoai cho chồng con có cái ăn, cái mặc. Tôi chỉ có thể phụ giúp những việc vặt vãnh như nhổ cỏ, lên liếp trồng mì, khoai lang, dựng dàn bầu mướp, nuôi gà , đan lát tre mây và canh chừng trẻ nhỏ.
"Đất cũ đãi người mới", cuộc sống đi dần vào ổn định. Gia đình chúng tôi là những người may mắn vì sống được nơi vùng đất xa lạ này, nhiều gia đình khác kém may mắn hơn. Có người đã bỏ thây trong chốn núi rừng vì không chịu nổi sơm lam chướng khí và bệnh tật, nhiều người đỏ bỏ về quê hoặc đi nơi khác. Ấp tôi qui tụ rất đông bà con di dân từ quận Hoài Nhơn vào Nam lập nghiệp. Chúng tôi sống quay quần bên nhau, giúp đỡ và canh chừng lẫn nhau nên cuộc sống cũng bớt phần hiu quạnh. Những buổi chiều chúng tôi hẹn nhau ra bãi cỏ ngồi tán ngẫu, nhắc lại những kỷ niệm xưa hay chỉ vẻ cho nhau những kỹ thuật trồng trọt khoai sắn, bắp rẫy, v.v...
Hai con tôi, một trai một gái, lần lượt lớn lên. Đứa con gái giống tính mẹ nó, cần cù, đảm đang và chịu đựng; thằng con trai thì hăng say lao động, thay mẹ làm việc nặng nhọc, nhờ đó vợ tôi bớt phần cực nhọc. Hai trẻ rất là ngoan hiền, đó là niềm an ủi lớn cho cả gia đình. "Tích cốc phòng cơ, dưỡng nhi đãi lão", trong thời buổi khó khăn này gia đình nào có con đông tuy phải mệt nhọc lúc chúng còn nhỏ dại nhưng là một bảo đảm khi chúng lớn lên. Năm 1975, chiến tranh kết thúc, con trai của tôi cũng vừa tới tuổi trưởng thành, chúng tôi mừng rỡ vì nó không phải đi lính, như vậy cũng bớt lo cho mạng sống của nó. Kể ra chúng tôi thật là may mắn, nhiều gia đình hàng xóm có con tới tuổi đi quân dịch nhiều đứa đã không trở về.
Sau ngày 30-4-1975, đường lối chính sách của nhà cầm quyền mới hoàn toàn thay đổi, cuộc sống trở nên khó khăn. Gia đình tôi thường xuyên ăn độn ngô khoai cho đỡ đói và cứ sống như vậy cho tới ngày hôm nay. Tại nơi tôi ở, nhiều gia đình khác từ các thành phố lớn lên đây lập nghiệp, nhiều vùng kinh tế mới được thành lập chung quanh để đón nhận số người này. Thật là tội nghiệp, tôi đã chứng kiến những thanh niên thiếu nữ chưa bao giờ biết cầm rựa đốn cây, cầm mai cuốc đất, sống vất vã trong chốn rừng sâu. Nhiều người đã đến nhà tôi để học nghề làm rẫy, trong số này có nhiều gia đình phế binh. Dần dần các anh em phế binh tại đây kết hợp lại, thành lập một chi bộ đế sinh hoạt và đùm bọc lẫn nhau. Những tin tức liên quan đến hoàn cảnh các anh em phế binh từ các thành phố lớn lan về đây nhanh chóng.
Nghe đồn các anh em phế binh ở thành phố Sài Gòn được các hội đoàn, ân nhân, mạnh thường quân ở nước ngoài gửi tiền quà về giúp đỡ, cuộc sống của họ đỡ phần cơ cực. Một vài anh phế binh tốt bụng từ thành phố về chơi, thấy hoàn cảnh thương tật của chúng tôi, chỉ cho anh em chúng tôi phương cách xin trợ giúp. Nghe nhiều anh em phế binh kể lại, anh Nguyễn Văn Tân một phế binh ở làng dưới có viết thư liên lạc với một số hội đoàn và ân nhân tại hải ngoại. Theo lời kể lại, muốn được giúp đỡ, chúng tôi phải gởi ra hải ngoại các giấy tờ chứng thương để làm bằng chứng.
Vết thương thì tôi có nhưng giấy tờ thì không vì tôi là biệt kích Mỹ, không có số quân cũng không có sổ quân bạ. Khi bị cưa chân, người ta đã trả cho tôi 12 tháng lương rồi cho giải ngũ, sau đó là hết. Kể cũng buồn, nhưng đó là chuyện đã qua. Tôi không được cấp sổ trợ cấp phế binh và cũng không được hưởng những tiêu chuẩn ưu đãi dành cho thương phế binh miền Nam cũ. Bây giờ tìm đâu ra giấy tờ chứng thương để xin đồng bào hải ngoại trợ giúp, như vậy là tôi không hội đủ tiêu chuẩn để xin. Qua bao đêm trăn trở, hơn nữa lúc này kinh tế gia đình tôi quá khốn khó, tôi đánh bạo lặn lội hỏi thăm và tìm đến nhà anh Tân xin được hướng dẫn.
Vào được nhà anh Tân tôi đâm thất vọng. Tôi cứ hình dung anh Tân là người có nhiều quan hệ với cộng đồng người Việt hải ngoại thì gia đình anh chắc sẽ khá lắm. Nào ngờ nhà anh không khác gì nhà tôi, gia đình anh Tân đông con cái chen chúc ở trong một căn nhà lá rách nát, từ nhà trong ra đến nhà ngoài không nơi nào không lỗ chỗ ánh nắng từ mái nhà dọi xuống. Trong nhà không có một món chi đáng giá, thậm chí không có cả bàn ghế để tiếp khách. Anh viết lách, tiếp khách ngay trên bộ ngựa. Tôi thầm nghĩ gia cảnh anh như vậy, lo còn không nổi thì còn giúp gì được ai. Nhưng khi tiếp xúc với tôi, nghe anh hỏi thăm cặn kẽ từng chi tiết, từ quê hương xứ sở đến cuộc đời binh nghiệp, đơn vị và những người đã từng chỉ huy tôi trước kia, bị thương tật trong hoàn cảnh nào, được điều trị ở đâu và giải ngũ ra sao. Có những việc tôi quên, anh nhắc nhở gợi lại cho tôi từng chi tiết nhỏ, đúng là tư cách của một cựu sĩ quan.
Sau lần trao đổi đó, tôi rất hy vọng vì nhận ra anh Tân là người biết nhiều và cẩn thận. Người mà anh giới thiệu cho tôi là ông bác sĩ Phan Minh Hiển, Hội Médecins du Vietnam tại Pháp. Vì theo anh, ông bác sĩ Hiển là một con người nhơn hậu đã từng giúp đỡ rất nhiều anh em phế binh tại quê nhà và rất được anh và anh em phế binh tại quê nhà kính trọng. Chính anh Tân cũng được ông bác sĩ Hiển tặng cho một chiếc xe lắc tay. Anh vừa nói vừa chỉ cho tôi thấy chiếc xe dựng trong một góc nhà. Điều mà tôi tin tưởng và cảm động là anh nhiệt tình viết đơn cho tôi mà không nhận một đồng bạc nào, đến điếu thuốc của tôi mời anh cũng không hút. Tôi ra về với niềm hy vọng tràn trề.
Đơn xin trợ cấp của tôi vừa được gởi đi thì hơn 20 ngày sau tôi nhận được thư báo ông bác sĩ Hiển sẽ cho tôi 270 F. Tôi mừng run lên và bối rối vì không biết làm cách nào để nhận số tiền đó. Nhận ở đâu, trị giá của 270 F được bao nhiêu tiền Việt Nam? Những câu hỏi đó làm tôi hồi hộp và lúng túng. Đến khi nhận được giấy bão lãnh tiền, 270 F trị giá hơn sáu trăm ngàn (600.000) đồng, cả nhà chúng tôi hân hoan vô tả. Nhất là vợ tôi, một người đàn bà quanh năm, suốt tháng chỉ biết làm lụng vất vã, chắt chiu từng đồng xu, cắc bạc, nay đột nhiên có một số tiền quá lớn trong tay giữa lúc gia đình đang lâm cảnh túng thiếu, đúng là một phép lạ, không có lời nào tả xiết. Chúng tôi chỉ biết tạ ơn Trời Phật đã tìm người nhơn đức giúp đỡ gia đình.
Việc đầu tiên gia đình tôi nghĩ đến là gia đình anh Tân, chúng tôi tìm cách đền ơn đáp nghĩa một người cũng lâm vào cảnh khốn khó như mọi người khác nhưng đã tận tình giúp đỡ đồng đội vượt qua cơn khó. Anh Tân nghe tôi kể được ông bác sĩ Hiển trợ giúp, anh mừng lắm. Đến khi nghe tôi đề cập đến tiền trà nước, anh thẳng thắn trách tôi: "Chúng mình đều là nạn nhân của cuộc chiến, giúp đỡ nhau là bổn phận. Mình là chiến hữu đồng cam cộng khổ, đừng để chuyện trà nước xen vào tình anh em, nó làm mất đi nghĩa tình cao đẹp. Chỉ mong anh ráng sử dụng đồng tiền đó cho hợp lý để khỏi phụ lòng những vị ân nhân đã tận tình giúp đỡ mình". Tôi cúi đầu bẽn lẽn xin anh Tân tha lỗi.
Sau đó tôi nhờ anh thảo thư cảm ơn ông bác sĩ Hiển cùng vị ân nhân là bà Trương Quế Vinh ở Mỹ. Từ đó tôi thường tới lui thăm viếng anh và được anh Tân giúp đỡ thêm bằng viết thư đến các hội đoàn và các ân nhân khác xin trợ giúp. Tôi lần lượt được các ông bà Như Ngọc, Lê Đình Vọng, Hải Lăng ở Mỹ, v.v... cho tiền cứu trợ. Thật là vui sướng. Tôi cảm thấy chân trời rực sáng, gia đình tôi đã được cứu rỗi. Thêm vào đó, ông bác sĩ Hiển còn vận động kêu gọi các vị ân nhân khác trợ giúp cho cháu nội tôi (8 tuổi) học đến hết đại học, ôi còn diễm phúc nào bằng. Trước mặt tôi bóng đêm mờ xóa, bình minh đang ló dạng đón chào ánh sáng tình người. Tôi đã sử dụng đồng tiền trợ giúp của ân nhân vào việc canh tác trồng trọt, chăn nuôi. Vợ cũng bớt vất vã, con cháu hăng say học tập, không khí gia đình vui tươi đầm ấm. Quí vị ân nhân đã kéo bức màn đen tối phủ kín cuộc đời chúng tôi, kể từ đây chúng tôi dám sống trong hy vọng, tin tưởng ngày mai sán lạng. Nhìn đàn con cháu lớn lên trong sự vô tư, lòng tôi vô cùng vui sướng, nỗi buồn số kiếp phế binh mờ dần trong tâm tưởng, nhân phẩm đã tìm lại được. Vạn tạ ơn Trời Phật.
Tôi muốn hét lên thật to: "Chân thành cảm tạ ân sâu nghĩa nặng của ông bác sĩ Hiển, của quí vị ân nhân ở hải ngoại. Quí vị đã đem đến cho gia đình tôi luồng sinh khí mới, quí vị đã thương yêu và đùm bọc gia đình chúng tôi. Tôi chỉ biết nói hai chữ cảm ơn vì không tìm được chữ nào cao quí ngang tầm ân đức của quí vị. Cầu chúc gia quyến quí vị ân nhân gặp vạn sự lành, sức khỏe quí vị ân nhân luôn khang kiện, hoàn thành mỹ mãn công đức từ thiện giúp đời, cứu người".
Những Mảnh Đời Rách Nát
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Chương 33
Chương 34
Chưong 35
Chương 36
Chương 37
Chương 38
Chương 39
Chương 40
Chương 41
Chương 42
Chương 43
Chương 44
Chương 45
Chương 46
Chương 47
Chương 48
Chương 49
Chương 50
Chương 51
Chương 52
Chương 53
Chương 54
Chương 55
Chương 56
Chương 57
Chương 58
Chương 59
Chương Kết