Chương 17
Tác giả: Nguyễn Vạn Lý
Một ngày đầu tháng Mười, Mẫu Đơn bước vào nhà tại Hàng Châu, cùng với hành lý sang trọng. Nàng ăn mặc đúng thời trang màu đen, áo chẽn viền sa tanh, ống tay áo rộng theo đúng mốt thời ấy, và một chiếc váy lịch sự màu đen trên màu trắng, mới mua tại Thượng Hải. Mái tóc chải bồng và quăn hai bên thái dương. Trong thời trang kiểu mới nhất, nàng dễ dàng trở thành một hoa khôi của Thượng Hải.
Nàng gõ vào chiếc cổng đen xinh xinh của căn nhà gạch mà nàng rất quen thuộc. Nàng đã trở về mà không báo trước và chờ đợi nhiều câu cật vấn. Nàng sẽ nói với cha mẹ thế nào? Nói rằng nàng đã cắt đứt với người anh họ ư? Hoặc là nàng trở về để gặp Tần Châu, và tiếp tục một cuộc tình vô vọng với một người đã có vợ?
Mẹ nàng mở cửa và nheo mắt một giây trước khi nhận ra ngưòi đàn bà sang trọng trước cổng là con gái bà. Bà dường như già đi rất nhiều, kể từ ngày các con gái đi xa.
Mẫu Đơn bước vào, kéo lê đôi chân mỏi mệt và nói, "Mẹ, con đã về." Rồi rơi phịch xuống một cái ghế và duỗi hai chân ra, hai tay buông thõng hai bên. Người mẹ giật mình bởi cái vẻ nặng nề mệt mỏi của con gái, và cũng không kém ngỡ ngàng trước sự trở về đột ngột.
Bà lo lắng hỏi, "Chuyện gì xảy ra vậy?" Mẫu Đơn vẫn là đứa con gái cưng nhất của bà, vì đã đem lại cho bà rất nhiều lo lắng, và cần đến bà quá nhiều. Trong bốn hay năm năm vừa qua, Mẫu Đơn không cho tâm trí cha mẹ được bình yên; và bây giờ, dường như nàng lại cần đến tình thương của bà mẹ hơn bao giờ hết.
Trong lúc Mẫu Đơn ngơ ngẩn nhìn ra ngoài, bà nhắc lại:
- Chuyện gì đã xảy ra? Em con đâu?
- Nó ở Bắc Kinh. Mẹ, nó vẫn bình thường. Chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Con rời khỏi Bắc Kinh mười ngày trước bằng đường thủy tới Thượng Hải. Mẹ, con quyết định trở về nhà.
Mấy chữ cuối cùng nói bằng một giọng nặng nề, ngầm ám chỉ rằng nàng đã làm một quyết định lớn. Người mẹ đã quen với tính thất thường của con gái. Rồi một giọt lệ từ từ lăn dài trên má Mẫu Đơn.
- Mẹ, xin đừng trách con. Tần Châu bịnh. Con trở về để thăm anh ta. Và con sẽ không trở lại Bắc Kinh nữa.
Bà mẹ không nói gì, mắt bà tối xầm vì kinh hoảng. Nhưng bà chỉ trả lời, "Con không nên cho ba con biết chuyện này." Vẫn dịu dàng như bao giờ, bà kéo đứa con gái đứng dậy, và rồi bước vào bếp để pha thêm trà, trong lúc Mẫu Đơn chỉ cho người khuân đồ biết chỗ để hành lý. Trở lại với một khay trà, bà mẹ ngồi với Mẫu Đơn trên một chiếc ghế đẩu quanh một bàn ăn vuông, và kể cho con gái tin tức của gia đình trong một năm vừa qua.
Mẫu Đơn nắm chặt bàn tay nhăn nheo của bà mẹ trên bàn và nói, "Mẹ là người không bao giờ bỏ con." - Ba con và mẹ già rồi. Mẹ cảm thấy già từ trong xương. Kể từ khi các con ra đi, trong nhà này hiu quạnh lắm.
- Bây giờ con về sống với mẹ. Mẹ có vui không?
Mặt bà mẹ giãn ra vì sự ấm áp đã trở về với căn nhà hoang vắng, và đôi mắt đẹp của bà sáng lên.
Buổi chiều, khi cha nàng về, Mẫu Đơn và bà mẹ đã đồng ý không nói rõ lý do tại sao nàng trở về. Sự vui mừng của ông bố pha lẫn sự bực mình trước thái độ không đoán trước được của đứa con gái. Mẫu Đơn đưa ra một lý do không thỏa mãn tại sao nàng không muốn ở lại Bắc Kinh nữa. Ông bố trách nàng không có khả năng kiên nhẫn đi đến hết những việc nàng bắt đầu. Mẫu Đơn bực mình đứng dậy, bỏ vào phòng riêng.
Mẫu Đơn rất lo lắng và nóng ruột gặp Bạch Huệ ngay để biết bịnh trạng của Tần Châu, và chàng hiện ở đâu. Ngày hôm sau nàng mua một chỗ ngồi trên thuyền tới Phú Xuân Giang. Có khoảng mười lăm hành khách trên chiếc thuyền chật chội. Nàng ngồi một mình, im lặng bó gối, không để ý tới người chung quanh.
Nàng tự hỏi không biết có cơ hội gặp Tần Châu tại nhà Bạch Huệ không - một điều khó có thể xảy ra được, nhưng cái ý nghĩ ấy làm tim nàng dồn dập. Và nếu nàng gặp chàng, nàng sẽ nói gì? Nàng chìm đắm trong cơn mơ mộng đến nỗi không biết rằng thuyền đã tới Đông Lục.
Chuyến đi thực là không may mắn. Nàng bị máy mắt vì hoảng hốt. Bầu trời âm u, và khi nàng lên bờ, một màn sương mù dầy đặc như một chiếc áo choàng trắng bao trùm cái bến sông. Mấy ngày trước trời mưa, và không khí nặng nề sũng hơi nước ẩm ướt. Bàn ghế trong các quán trà phủ một màng hơi ẩm. Những con chó đi lấm lét, đuôi cụp lại và thỉnh thoảng rùng mình vẫy nước trên lưng xuống sàn nhà.
Bóng tối hoàng hôn buông xuống, mặc dù lúc ấy mới năm giờ chiều. Mẫu Đơn khó khăn lắm mới tìm được phu khiêng kiệu chịu đi lên núi; họ nói rằng lúc trở xuống trời sẽ tối và con đường đi nguy hiểm lắm. Ngoài ra nàng đã đánh rơi một bông tai trên thuyền. Nàng cũng sợ một mình đi lên con đường núi vắng vẻ ấy, vì nàng ăn mặc quá sang trọng và không tin tưởng những phu khiêng kiệu xa lạ. Nhưng nàng quá bồn chồn nên đành phải liều mạo hiểm, vì đêm cũng chưa tới. Nàng phải trả một giá cắt cổ để mướn một chiếc kiệu.
Phó mặc tất cả cho Trời, nàng nhắm mắt lại trong khi mấy người khiêng kiệu lập cập đi lên con đường đất đỏ, lầy lội và trơn trượt trong mưa. Những cơn gió hú liên hồi và mưa rào rào vây bọc lấy chiếc kiệu. Sau gần một giờ, bầu trời bắt đầu sáng dần, mặc dù sương mù vẫn quấn quanh chân núi. Gió mạnh hơn và đập mạnh vào tấm vải dầu che mưa của chiếc kiệu; Mẫu Đơn run rẩy một phần vì lạnh và một phần vì lo lắng cho Tần Châu. Khoảng mười phút nữa, nàng trông thấy ánh sáng trong ngôi nhà của bạn.
Tim nàng đập rộn ràng trong lúc bước xuống kiệu. Như Thủy bước ra cửa, và Bạch Huệ cũng vội bước ra theo. Nàng kêu lên:
- Mẫu Đơn! Thực là bất ngờ!
- Chị viết thư cho tôi mà?
- Phải, nhưng tôi không nghĩ chị về mau thế.
- Anh ta ở đâu?
- Trong bệnh viện. Vào đây đã.
Hai người bạn thân mật ôm lấy nhau. Họ quả thực sung sướng gặp lại nhau sau một năm xa cách.
Bên cạnh Bạch Huệ, Mẫu Đơn cảm thấy dễ chịu hơn. Nàng thoải mái nói về Tần Châu và Mạnh Giao. Với Bạch Huệ, nàng không cần phải giải thích hoặc xin lỗi vì những gì nàng làm. Bạch Huệ cũng lãng mạn không thuốc chữa như nàng.
- Anh ta ở trong bệnh viện truyền giáo tại chùa Lục Hoà Tự. Người ta nói bị nhiễm trùng ruột. Anh ta bệnh sáu bảy tuần nay rồi và trông rất hốc hác. Bác sĩ nói không biết có nên giải phẫu hay không. Tôi rất mừng chị có thể về ngay. Làm sao chị có thể bỏ được quan Hàn Lâm?
- Tôi đến với chàng ngay lập tức. Không ai cản được tôi. Bệnh có nặng lắm không?
- Cách đây nửa tháng thì tệ lắm. Tôi nghĩ chị sẽ không tha thứ cho tôi nếu tôi không báo tin cho chị biết.
Anh ta không biết chị về đâu. Đấy là sáng kiến riêng của tôi, và tôi không dám bảo cho anh ta biết, sợ gây ra hy vọng hụt, bởi vì tôi không chắc chị sẽ về.
- Bạch Huệ, cám ơn chị nhiều. Chỉ có chị mới hiểu được cảm nghĩ của tôi. Tôi cắt đứt với ông anh họ của tôi rồi. Tôi sẽ không trở về Bắc Kinh nữa.
Nàng tiếp tục nói chuyện trong lúc cởi chiếc áo chẽn ra. Đầy tớ bưng vào một chậu nước nóng và khăn mặt. Hai người vẫn nói chuyện trong lúc nàng lau rửa và tháo bỏ nữ trang trên bàn. Vừa tháo bông tai Mẫu Đơn vừa nói:
- Tôi sẽ bỏ người anh họ, dù tôi không nghe được tin của Tần Châu. Coi này, tôi mất một bông hoa tai trên thuyền.
Bạch Huệ không quan tâm tới chiếc bông tai mất. Nàng mở to mắt và nhìn Mẫu Đơn một giây. "Cho tôi biết tại sao?" - Giải thích mất nhiều thì giờ lắm. Cuộc tình này không thành được.
- Hai người tình cãi nhau?
- Không phải.
- Anh ta yêu người khác?
- Không.
- Thế thì tại sao?
- Tôi không biết. Tôi chỉ thấy rằng tôi không yêu anh ta, không thực tình yêu.
Hai người bây giờ ngồi quanh một chiếc bàn đá; Bạch Huệ đã đặt sẵn một bình trà nóng.
- Chị muốn nói chị thấy anh ta không phải là ông thần mà chị tưởng và chị vỡ mộng phải không? Không có ai hoàn toàn đâu. Tôi tưởng chị yêu anh ta ghê lắm mà.
Bạch Huệ đã tưởng hai người là một cặp tình nhân lãng mạn nhất. Bây giờ nàng cảm thấy rất buồn, như thể chuyện tan vỡ là của chính nàng vậy. Nàng không bao giờ tin Mạnh Giao có thể kết hôn với Mẫu Đơn - chuyện đó không thể được - nhưng chàng sẽ không bao giờ lấy ai cả. Việc hai người lấy được nhau có quan hệ hay không? Họ sẽ là người tình của nhau suốt đời. Thật là một mối tình đẹp giữa nhà học giả và bạn nàng! Nàng nói với bạn:
- Cho phép tôi có ý kiến. Khi chị và ông Hàn Lâm lên đây và sống qua đêm bên dưới con suối ấy, Như Thủy và tôi bàn luận về cả hai người. Chúng tôi tưởng hai người bắt đầu một chuyện tình giống như Trác Văn Quân, bởi vì Trác Văn Quân cũng là một goá phụ trẻ vừa mất chồng, như chị, và người tình của nàng cũng là một nhà thơ, giống quan Lương Hàn Lâm. Chị đã giết chết giấc mơ của chúng tôi rồi.
Mặt Mẫu Đơn có vẻ nghiêm trọng. Nàng cố diễn tả cảm nghĩ bằng lời, nhưng không được. "Có vài điều tôi sẽ nói cho chị biết sau, bây giờ thì không được." Rồi khuôn mặt nàng dịu lại trong một nụ cười. "Một ưu điểm của chàng là chàng không ghen. Tôi gặp một thanh niên tên là Phùng Nam Đạt. Mạnh Giao biết hết chuyện ấy. Chính tôi bảo cho chàng biết. Chàng nói chàng rất sung sướng được thấy tôi lấy chồng hạnh phúc, nếu tôi có thể tìm được một người đàn ông vừa ý. Nếu chàng nổi giận và hiếp tôi, tôi tin rằng tôi sẽ yêu lại chàng ngay. Chị có thể hiểu được tôi không? Sau khi tôi kể cho chàng nghe chuyện tình ấy, chàng nói chàng hiểu và không bao giờ bắt tôi phải thần phục chàng. Có lẽ tôi thất vọng. Đáng lẽ tôi không nên thế, nhưng tôi đoán là tôi thất vọng. Chàng rất kiên nhẫn và hiểu biết. Điều ấy giết chết tình yêu của tôi với chàng. Nghe có vẻ phi lý, phải không?" Như Thủy mỉm cười. Chàng bỏ tách trà xuống bàn và nói có vẻ chế giễu, "Tôi nghĩ tôi hiểu. Cái mà đàn bà các chị cần là phải tàn bạo. Người chồng càng đánh vợ bao nhiêu, người vợ càng trở thành nô lệ cho chồng bấy nhiêu." Bạch Huệ phản đối, "Đừng nói chuyện ngớ ngẩn. Đàn bà nào muốn làm nô lệ?" - Nhưng quả thực họ muốn thế. Thỉnh thoảng họ thích được đét vào đít mấy cái, để cho họ cảm thấy họ có thể chọc giận người khác và người khác phải ra tay.
Bạch Huệ vội nói, "Đừng nghe anh ấy. Như Thủy nói đùa đấy. Phải có sự thông cảm tinh thần hoàn toàn giữa một người đàn ông và một người đàn bà yêu nhau." Như Thủy trả lời, "Đó có thể là tình bạn, chứ không phải tình yêu. Trong khi làm tình, người đàn bà muốn có một bộ Óc thông minh để làm gì? Người đàn bà chỉ cần một tấm thân ngon lành." Bạch Huệ mắng chồng một cách âu yếm, "Anh đừng quấy phá khi chúng em nói chuyện nữa." Mẫu Đơn lên tiếng bênh vực, "Như Thủy nói đúng đấy. Nhưng có lẽ không cần phải tàn bạo như anh ấy mô tả." Tất cả bỗng im lặng một lúc. Như Thủy bị khựng lại và giữ im lặng. Bạch Huệ bị chạm tự ái; nàng bao giờ cũng muốn có một tình yêu lý tưởng - không phàm trần, thơ mộng và hầu như siêu phàm - một tình yêu như tình yêu của nàng và Như Thủy. Mẫu Đơn đang nghĩ đến "tấm thân ngon lành" của người võ sĩ, và muốn nói cái gì, nhưng nàng ngập ngừng trước mặt Như Thủy. Như Thủy vừa giải thích cho nàng cái mà nàng không thể tự hiểu được; đặc biệt là tại sao nàng muốn ngủ với một người võ sĩ tầm thường hơn là ngủ với một quan hàn lâm. Cuối cùng nàng liếc nhìn Như Thủy và nói:
- Tôi nghĩ Như Thủy nói đúng. Cái mà người đàn bà thực sự muốn là một tên đầy tớ trẻ và đẹp trai, chứ không phải là một nhà thơ.
Bạch Huệ không bằng lòng, "Hai người thực là quá đáng. Mẫu Đơn, chị có loạn óc không?" - Ai cần trí thức trong tình yêu? Người ta chỉ cần dục vọng và bắp thịt - một sự đình chỉ của trí óc...
Bạch Huệ la to phản đối, "Mẫu Đơn!" - Dẫu sao, tôi đã để lại cho người anh họ tôi một lá thư, bảo cho chàng biết tôi không yêu chàng, và sẽ không quay trở lại. Tôi nói tôi sẽ vĩnh viễn biến mất khỏi cuộc đời chàng.
Bạch Huệ trợn mắt với sự ngạc nhiên đau đớn và hỏi, "Sao chị có thể như thế? Anh ta vẫn yêu chị phải không? Tại sao chị phải làm như vậy?" - Tôi không biết.
Nàng dừng lại một lát và nói thêm, "Tôi nghĩ chúng tôi vẫn là bạn tốt. Đêm cuối cùng chúng tôi bên nhau, chàng có vẻ buồn lắm. Tôi hôn chàng, một việc tôi không làm đã mấy tháng rồi. Chàng vẫn yêu tôi. Tôi biết thế từ cách hôn của chàng. Nhưng chàng không sờ đến người tôi. Tôi ước ao chàng làm thế. Tôi muốn nói chàng lúc nào cũng là một người quân tử tao nhã. Điều ấy chứng tỏ chàng không phải là một người tình tốt.
Tôi bảo chàng như thế. Tôi nói tôi vẫn khâm phục chàng là một nhà thơ và là một người đàn ông, nhưng không chịu chàng như một người tình... Tôi quá thẳng thắn." - Chị nói vậy à?
- Đừng có vẻ kinh hoàng như thế.
- Anh ta nói gì?
- Chàng nói rằng nếu phải thế thì đành vậy. Nếu chàng cảm nghĩ gì thì chàng cũng không tỏ lộ ra. Chàng có thể nói gì? Chàng nói chàng không muốn được khâm phục, chàng chỉ muốn tôi và tình yêu của tôi. Vì tôi không yêu chàng nên không còn gì để nói thêm nữa.
- Chị thực sự hành động như thế! Tôi còn nhớ chị nói chị sẽ chết nếu chị sống mà không có anh ấy! Tại sao, trong số những người...
Nàng ngừng lại. Trong tâm trí, nàng trông thấy hình ảnh của một người rút một con dao ra và rạch nát một bức tranh phong cảnh tuyệt tác, hoặc thò một bàn tay thô tục nắm lấy một chiếc chén sứ tuyệt mỹ và đập xuống sàn nhà. Nàng có một vẻ nửa trầm tư nửa trách móc, và nói:
- Tình yêu ấy có thể đẹp đẽ hơn nếu chị và anh ta tìm cách gìn giữ. Tôi nghĩ có lẽ chị vỡ mộng từ tất cả những ảo mộng chị dệt quanh anh ấy. Tuy thế, tôi không nghĩ chị cư xử đúng khi quay lưng lại anh ta bất ngờ như thế.
- Tại sao, Bạch Huệ!
Đây là lần đầu tiên Mẫu Đơn cảm thấy bực mình với bạn, có lẽ vì chính nàng đang đau khổ và hoang mang.
Thấy người bạn thân nhất có vẻ bất mãn, Bạch Huệ vội nói, "Tôi xin lỗi." Cả hai cùng mỉm cười, nhìn vào mắt nhau. Mẫu Đơn khẽ nói, "Đừng là lương tâm của tôi." Câu chuyện đã làm nàng khó chịu. Mẫu Đơn tiếp tục kể cho vợ chồng bạn nghe nhiều thứ từ Bắc Kinh, ngay cả con đường hoa? xa Bắc Kinh-Sơn Hải Quan, và nàng công chúa Mãn Châu cao lênh khênh mà nàng trông thấy trên xe lửa.
- Dĩ nhiên chị đã thăm Vạn Lý Trường Thành rồi.
- Chưa, tôi chưa đi. Hải Đường coi rồi. Nó và Mạnh Giao làm một chuyến đi tới Sơn Hải Quan. Tôi không đi.
- Chắc chị đã coi nhiều họa phẩm.
- Chưa coi một bức nào.
Bạch Huệ rầy Mẫu Đơn như một người bạn thân. "Thế chị làm gì ở Bắc Kinh? Không đi bảo tàng viện, không gì cả?" Mẫu Đơn chỉ lắc đầu.
Đêm nay tất cả đều bất như ý:
mất bông tai trên đường đi, bị máy mắt lúc khởi hành buổi sáng - một điềm sui sẻo. Không ai thân với nàng hơn là Bạch Huệ, thế mà ngay cả Bạch Huệ cũng không đồng ý với nàng tối nay, và có một quan niệm về tình yêu khác với nàng. Như thế đủ để phá vỡ cái tinh thần hoà hợp vẫn có từ trước giữa nàng và người bạn thân nhất.
Đêm đó, nghĩ rằng hai người bạn gái chắc có nhiều điều muốn nói riêng với nhau, Như Thủy đi ngủ phòng khác, nhường chỗ cho Mẫu Đơn. "Tôi ngủ bên ngoài. Tôi chắc hai chị em muốn nói chuyện cả đêm." Bạch Huệ nhìn chồng một cách biết ơn, "Anh thật là chu đáo quá." Hai người bạn gái nói chuyện cho tới gần sáng, như trước kia. Mẫu Đơn yêu thích Bạch Huệ như chưa yêu thích ai như thế, và khóc khi Bạch Huệ Ôm nàng; tình bạn và lòng tin tưởng lẫn nhau đã phục hồi. Nàng hỏi Bạch Huệ:
- Chị có hạnh phúc không?
- Dĩ nhiên.
- Tôi muốn nói sống quá xa thành phố, hoàn toàn cô đơn với một người đàn ông.
- Tình yêu của chúng tôi rất hoàn hảo. Tôi sung sướng và mãn nguyện, được yêu bởi một người mình yêu kính.
- Có bao giờ chị muốn xuống phố, ngồi tại một quán rượu, nhìn người ta, và được người ta nhìn không? Về một phương diện, tôi có hạnh phúc tại Bắc Kinh. Tôi có tự do hoàn toàn. Tôi không phải vâng lời bất cứ ai lần đầu tiên trong đời. Tự do hoàn toàn làm tôi rất thoa? mãn. Tôi chưa kể chị nghe về Phùng Nam Đạt, một võ sĩ. Tôi không muốn kể trước mặt chồng chị. Tôi không biết bây giờ anh ta ra sao. Anh ta bị tống giam vì tội giết vơ.....
Nàng kể cho Bạch Huệ tất cả câu chuyện nàng gặp người võ sĩ trẻ.
- Tôi chưa kể cho chị nghe về người đàn ông tôi gặp trên đường về Thượng Hải. Anh chàng là một sinh viên đại học tình cờ đi cùng chuyến tầu với tôi; anh ta rất lịch sự tử tế - anh ta làm tất cả những gì giúp tôi thoải mái. Anh ta chưa có vợ và chưa có hôn thê, và mặt mũi đẹp đẽ, tôi thích anh ta. Lúc đó tôi chán nản quá, chán tất cả những gì mà tôi không quan tâm. Đêm đầu tiên anh ta muốn làm tình với tôi, nhưng tôi từ chối. Đêm thứ hai, tôi dâng hiến tôi cho anh ta. Tôi bảo chị tôi không cần gì nữa. Tim tôi thuộc về Tần Châu, còn thể xác tôi, tôi không quan tâm. Có một trận gió lớn, và con tầu tròng trành và lắc lư. Nhưng không phải con tầu tròng trành lắc lư đâu, mà chính là anh ta. Không phải là lúc làm tình, mà là một cuộc khiêu vũ man dại... Bây giờ chị nghĩ thế nào về tôi?
- Chị quá lăng...
- Lăng nhăng. Cứ nói thế đi. Tôi cho chị biết tôi không phải như thế. Tôi luôn luôn tìm một lý tưởng, một cái gì có ý nghĩa với tôi.
- Tôi biết chị cứ đuổi theo cái bóng của chính mình, kể từ khi chị mất Tần Châu.