Chương 4
Tác giả: Nguyễn Vạn Lý
Thuyền dừng lại tại Ich Xương vào lúc mặt trời lặn. Với một nỗi xao xuyến mới lạ trong lòng, Mạnh Giao nói:
- Tối nay hãy ăn mừng.
- Ăn mừng cái gì và ăn mừng thế nào?
Nàng hỏi với đôi mắt mở to dò hỏi.
- Chúng mình lên bờ và ăn tối tại một tửu lầu.
Hai người bước lên cái lối đi lầy lội. Cái bờ nước nơi thuyền bè đậu thì thường là ướt và rất trơn. Mạnh Giao đã cho lính cận vệ nghỉ, bởi vì chàng rất ghét có người đi kèm, và chỉ thích một mình lang thang trong những thị trấn lạ. Hai người bước đi trên những phố xá trải sỏi, và dừng lại rất lâu trong một cửa tiệm, chọn mua một bộ đồ trà bằng đất. Ñch Xương nổi tiếng làm được những bộ đồ trà màu dà dễ thương, bên ngoài bằng đất sét mờ, bên trong là men màu lục sáng bóng.
Tại một tiệm ăn nhỏ, họ gọi món tôm chiên, những con tôm nhỏ nhưng rất ngon của vùng này, và bánh vừng vừa nướng ra khỏi lò, sau đó là một con cá chép ướp tương cay, với sữa đậu nành, nấm và tỏi; Mạnh Giao sai đổ thêm vào một bình rượu Ngũ gia bì cho dậy mùi thơm.
Chỉ có hai người ngồi với nhau. Hai ngọn đèn dầu hắt lên những cái bóng lung linh, và một thứ ánh sáng dịu thắp sáng khuôn mặt họ. Trên một chiếc bàn bên cạnh là một cây nến đỏ cao vài chục phân, cắm vào một cái giá cũng cao như vậy, làm theo hình chữ "thọ". Ánh sáng lờ mờ chiếu vào cái sống mũi rất thẳng trên mặt Mẫu Đơn và đôi mắt màu nâu nhạt rung động của nàng, trong lúc nàng nhìn chàng đăm đăm trong một vẻ rất quyến rũ. Nàng cảm thấy bị du vào một giấc mộng, bỗng được ở một mình với người anh họ mà nàng hằng yêu kính, một cơ hội nàng tưởng không bao giờ có được. Mắt nàng mơ màng trong một cái nhìn như sương mờ khi cuộc đời trở nên nguy hiểm, như một cơn nửa buồn ngủ nửa mơ mộng.
Chàng hỏi, "Muội nghĩ gì vậy?" Nàng liếc nhìn chàng bằng một cái nhìn rung động, và nói, "Em chỉ ngỡ ngàng. Như một cơn mộng. Em chưa bao giờ nghĩ em sẽ được đồng ẩm với huynh, mặt đối mặt, như tối nay. Ôi, thật là thần tiên!" Trong bữa ăn, hai người nói đủ thứ chuyện, về công việc và tác phẩm của chàng, và về nàng. Mạnh Giao là người nói chuyện hấp dẫn, và có cả một kho chuyện mà chàng thu thập được trong các chuyến du lịch.
Chàng là người tầm thước, da ngăm đen, nét đặc biệt ở chàng là đầu tóc bù xù, bắt đầu bạc ở thái dương, và cặp lông mày đen đậm. Mái tóc hói của chàng bộc lộ một cái trán cao, bên trên đôi mắt mạnh mẽ lấp lánh - đặc biệt là khi chàng hơi say rượu. Da quanh mắt chàng mịn và bóng bẩy, nhưng thái dương chàng là những đường gân chằng chịt.
Mẫu Đơn đã đọc nhiều bài của chàng viết về Vạn Lý Trường Thành và Nội Mông. Chàng được công nhận là người có thẩm quyền về bức Trường Thành phân cách Trung Hoa với phương bắc, và chàng có thể nói tiếng Mãn Châu và tiếng Mông Cổ; nhờ đó chàng trở nên rất cần thiết trong triều khi quan thừa tướng cần hiểu tin tức về các vùng miền bắc.
Chàng đã làm một chuyến du lịch một mình bao gồm các điểm chưa rõ ràng và còn gây tranh cãi về Vạn Lý Trường Thành. Chàng đã đi từ Sơn Hải Quan ở phía biển Trung Hoa cho tới Nội Mông ở vùng cực tây bắc.
Những bài viết của chàng bắt gợi được cái hương vị lịch sử cổ xưa giấu kín dưới rêu phong của Vạn Lý Trường Thành. Chỉ cần nhắc lại những cái tên lịch sử và kiến thức quen thuộc về những trận đánh và biến cố, đã làm cho những bài viết này khó hiểu, trí thức và rất đáng thán phục, cho cả những người biết lịch sử và những người không biết. Mạnh Giao rất thích thú khi biết rằng nhiều người không hiểu chàng nói gì. Đó là nét đặc biệt của chàng. Tư tưởng chàng là của riêng chàng. Cái cảm giác cô đơn, phá vở biên giới tư tưởng, đi thẳng vào sự vật, nắm hiểu những vấn đề của triết học và đời sống, biến chàng thành một nhà văn đuy nhất độc đáo của thế hệ chàng; chàng bị phe tân nho sĩ buộc tội là xuất sắc, nhưng lệch lạc hoặc bí ẩn, đã cố tình khác người. Chàng thản nhiên trước những quan niệm như vậy và tiếp tục yêu thích sự cô lập của chàng.
- Có phải huynh đã đi tới tận Ninh Hạ tại biên giới sa mạc Gobi không?
- Phải. Có quá nhiều tài liệu trái ngược nhau về Vạn Lý Trường Thành. Trường Thành khi thì rộng gấp đôi và gấp đôi nữa, hoặc bất thần cắt đứt trên bờ sông Hoàng Hà, cũng như tại Ninh Hạ. Có lần tôi đã phải uống sữa của một con lừa cái từ bầu sữa của nó.
Nàng bật cười thích thú và hỏi, "Làm thế nào mà bú được?" Giọng của chàng bỗng hứng khởi, "Tôi bị lạc đường khi một mình đi một khúc quanh trở lại. Đó là một kinh nghiệm phi thường khi thấy mình hoàn toàn cô đơn trong vũ trụ này, trước mặt và sau lưng chẳng có gì, trừ bãi sa mạc mênh mông vắng lặng. Trong suốt năm ngày tôi bị lạc trong một rặng núi sa mạc - không có gì cả, trừ đá và cát. Bánh mì tôi mang theo đã hết rồi và trước mặt không gì có thể ăn được. Không có làng xóm, không khách thương, tất cả đều không. Tôi đói lắm. Tôi tính sẽ phải đi một ngày một đêm nữa thì mới trở về tới thị trấn. Tại chân Vạn Lý Trường Thành tôi trông thấy một con lừa cái buộc vào một tảng đá. Con lừa chắc là của một tên buôn lậu nào đó. Nhưng làm sao tôi có thể ăn sống một con lừa được. Tôi liền lặng lẽ trèo lên Trường Thành và đập đầu con lừa bằng một tảng đá. Con lừa lảo đảo và quỵ xuống. Rồi tôi bò xuống đất và bú sữa từ bầu sữa của nó. Thế là tôi sống thoát. Tôi lưu lại chỗ ấy. Khi có lừa thì nhất định phải có người chủ. Tôi định nếu gặp chủ con lừa, tôi sẽ đền tiền cho ông ta. Rồi tôi chợt nghĩ đến sự nguy hiểm và bỏ đi thật nhanh." Câu chuyện gợi cho nàng một cảm giác lạ lùng. Nàng nói, "Huynh thật là độc đáo." - Không phải. Tôi chỉ muốn biết rõ cái mà tôi sẽ viết. Nhiều sách vở, đặc biệt là sách địa lý của quá khứ nói về sông núi, chỉ là một bản sao chép lại của sách khác. Tôi phải trông thấy cái nơi tôi muốn viết, và nghiên cứu sâu xa về đề tài. Tôi bao giờ cũng muốn làm cái gì tôi thích làm, đặc biệt là khi chưa có ai làm trước.
- Huynh đã làm như thế đấy. Phần đông người khác không làm những gì họ muốn làm, hoặc không thể.
Hoặc không biết họ muốn gì ở đời này.
- Nếu người ta thực sự ước muốn thì có thể làm được.
- Em cũng nghĩ vậy. Nếu người ta tha thiết ước muốn một cái gì, người ta sẽ làm cái đó, miễn là sẵn sàng trả giá.
Chàng nhìn nàng đăm đăm và nói, "Hãy cho tôi biết về muội. Muội sẽ làm gì?" Nàng biết chàng chống lại việc bắt goá phụ phải ở giá, và nói dễ dàng bằng một sự thành thực dịu dàng, "Em muốn rời bỏ nhà chồng và tái giá. Em biết em là một người vợ xấu của anh ta. Có lẽ anh ta thù ghét em lắm. Chúng em không hiểu nhau, thế thôi. Em không khóc khi anh ta chết. Em không thể khóc và sẽ không khóc. Ngay ở nhà em, em cũng là một đứa con gái tệ. Từ lúc còn bé, em bao giờ cũng làm theo ý mình. Em không giống em gái của em." - Muội có em gái?
- Phải, kém em ba tuổi. Tên nó là Hải Đường. Nó thật dễ thương, lặng lẽ và vâng phục, trong khi em là người nổi loạn trong gia đình. Em đi ra ngoài chơi đùa với con trai khi em mười lăm tuổi, trong khi em gái em không nói chuyện với con trai xa lạ Ở tuổi ấy. Chúng em sinh ra rất khác nhau. Mọi người yêu quí em gái em, và nghĩ em là người điên rồ. Em sinh ra như thế rồi. Em là một đứa con gái bình thường, xấu xí trong mọi khía cạnh của người đời.
- Tôi không tin như thế.
- Đúng thế, em là một đứa con gái tầm thường - cho đến khi huynh đến và gọi em là xuất sắc. Huynh đã thay đổi hẳn cuộc đời em.
- Chừng nào muội rời bỏ gia đình chồng?
- Ngay khi một trăm ngày tang chấm dứt. Em không muốn vùi đời trong một thị trấn nhỏ. Em có bổn phận phải để tang anh ta, nhưng trong lòng, em chẳng buồn tiếc gì.
- Tôi cũng thấy như thế.
Mạnh Giao dừng lại suy nghĩ. Chàng sợ rằng Mẫu Đơn có lẽ lấy những tư tưởng của chàng trong sách và áp dụng y như thế vào đời.
- Dĩ nhiên không ai cưỡng ép được muội. Nhưng như thế thì đau lòng cho gia đình nhà chồng - đau đớn và xấu hổ cho họ.
- Sao thế, huynh không đồng ý à?
- Tôi đồng ý chứ. Tôi chỉ nghĩ họ sẽ không thích thế. Và dĩ nhiên còn rất nhiều chuyện ngồi lê đôi mách của đàn bà nữa.
Nàng trả lời ngay, "Phải, đàn bà ngồi lê đôi mách, đàn ông vênh váo. Đấy là những gì người ta thường làm ở đời này." Trong lúc nàng nói, Mạnh Giao cảm thấy nàng quả thực là một người nổi loạn.
- Có người phải thử chống lại sự buộc tội gay gắt của xã hội, huynh nghĩ thế không? Huynh đã nói, nếu một người ao ước một cái gì thì người ấy có thể có được. Cái gánh nặng của Khổng Giáo thực quá đáng cho đàn bà chúng em. Đàn ông các anh ngồi trên cao, còn đàn bà chúng em ở bên dưới.
Mắt Mạnh Giao thoáng một vẻ ngạc nhiên. Chàng ao ước chàng có đủ can đảm viết ra một câu như thế.
- Muội nói gì thế? Nói lại xem nào.
- Em muốn nói sự thực là Khổng Giáo quá đáng cho đàn bà chúng em. Chúng em không mang nổi đâu.
Các học giả đàn ông thì rất đúng khi nói rằng văn dĩ tải đạo. Nhưng sự thực là quá nặng, đàn bà không tải được.
Mạnh Giao cười rộ lên. Chàng chưa bao giờ nghe hai chữ "tải đạo" được dùng theo nghĩa vật chất, như "vác" hoặc "khiêng" hàng hoá. Chàng nói với một cái nhìn tán đồng.
- Này, nếu tôi là quan Giám Khảo và đàn bà được đi thi, thì tôi sẽ cho muội đậu thật cao.
Với một sự hứng khởi bất thần, nàng nói, "Huynh không nghĩ như thế là đúng hay sao? Em nghe nói huynh ly dị vợ mấy năm rồi. Đinh má cho em biết bà ta là người duy nhất chăm sóc cho huynh những năm vừa qua. Có đúng thế không?" Mạnh Giao nhìn thật lâu vào mắt nàng và nói, "Chuyện đó đã lâu rồi. Tôi kết hôn lúc hai mươi tuổi, lấy một người con gái không có trí óc, một kẻ hợm hĩnh không chịu đựng được, con của một gia đình giầu có nhất tại Ngọc Đào. Lúc đó tôi là một cử nhân. Tôi nghĩ tôi đã hoàn thành tâm nguyện cho cô ta và gia đình cô ta - cũng giống như vàng ngọc của cô ta và ruộng đất của ông bố. Một kẻ hợm mình mà chẳng có gì đáng hợm mình. Đây là một cuộc hôn nhân để lợi dụng. Tôi không thấy tại sao tôi có thể là sự "lợi dụng" cho một số phụ nữ, để họ có thể trình diễn khoe khoang là bà cử nhân. Tôi không bao giờ gặp cô ta và gia đình cô ta nữa." - Và huynh cũng vẫn chưa tái giá?
- Chưa.
- Tại sao?
- Tôi không biết. Có lẽ tôi là một nhà văn và một nhà văn bao giờ cũng là người ích kỷ. Nhà văn trân trọng cái cá tính của mình quá đáng đến nỗi không chia sẻ với ai được. Nhưng có lẽ là vì tôi chưa gặp người con gái đúng ý.
Cái trí óc thực tế của nàng hiện ra. "Em hỏi huynh một câu được không?" - Tôi đang nghe đây.
- Huynh giúp em được không? Khi nào huynh trở về Hàng Châu?
- Tại sao muội hỏi?
- Bởi vì sau một trăm ngày tang, em sẽ trở về nhà thăm mẹ em. Hãy cho em gặp huynh. Huynh có thể chỉ dẫn khuyên em nên thế nào.
Mạnh Giao co ngón tay lại tính toán. Chàng sẽ có mặt tại Hàng Châu một tuần nữa. Rồi chuyến đi Phúc Châu và trở về mất vài tháng. Chàng nghĩ có thể đầu mùa thu, khoảng tháng Chín. Là một nhà học giả bị trưng dụng cho việc nghiên cứu hải quân, nhưng chàng rất thù ghét biển cả; chàng không muốn đi Phúc Châu bằng thuyền dọc theo bờ biển. Chàng nói:
- Tôi ghét những trận bão. Tôi trải qua một trận bão khủng khiếp ở biển Quảng Đông.
Khi hai người rời khỏi nhà hàng, Mạnh Giao cảm thấy nàng là một người đàn bà có tinh thần và cách suy nghĩ rất giống chàng. Hai người bước đi trong những lối đi tối tăm trải sỏi để trở về thuyền, tay nàng khoác lên tay chàng. Nhiều lối đi lầy lội thoải xuống bờ nước. Mẫu Đơn nhất định đòi mang cái hộp bộ đồ trà. Khi họ bước tới những lối đi trơn bùn, nàng một tay cầm cái hộp, một tay nắm chặt cánh tay chàng. Đây là giây phút chàng tìm lại được tuổi trẻ. Đã lâu lắm rồi chàng không hề cảm thấy cảm giác vừa lâng lâng vừa đê mê như thế. Nhưng trong bóng tối việc gì cũng được. Chàng cảm thấy chàng đang đi với một linh hồn xa lạ nhưng quyến rũ, bất thần từ một nơi nào xuống, mạnh mẽ lấy đi của chàng cái tâm trạng cô đơn huy hoàng mà chàng đã sống trong nhiều năm qua. Tình yêu là một sự cướp đoạt, như một người lạ xâm nhập vào bên trong chàng, chiếm giữ cái nơi ở của chính chàng, và tự nhận làm chủ của lòng chàng.
Đêm ấy, khi nằm trên thuyền, chàng cảm thấy một cái gì vĩ đại và quan trọng đã xảy ra cho chàng. Chàng không thể không nghĩ đến nàng. Chàng cảm thấy tất cả những gì về nàng thật là đúng ý; từ đôi mắt đến giọng nói, niềm hân hoan nồng nhiệt và nụ cười uể oải của nàng, sự hiểu biết và tinh thần nàng làm chàng mê say. Không một người đàn bà nào đã làm chàng xúc động đến vô cùng như thế. Chàng ngạc nhiên cho chính mình. Trong suốt cuộc đời, chàng chưa bao giờ cảm thấy lòng chàng hội nhập với một người đàn bà, một người đàn bà sung sướng đáp ứng lý tưởng của chàng đến thế.
Chàng đã trải qua một cuộc tình với một công chúa Mãn Châu, vợ của một thân vương, một cuộc tình đau đớn mà chàng đã biết rứt bỏ kịp thời. Bây giờ Mẫu Đơn dường như đang lảng vảng trong tâm trí chàng, một người rất đẹp, cám dỗ, tự do, thông minh, có cái vẻ nổi loạn, tinh thần độc lập, mơ mộng, vui tươi, và táo bạo lạ thường. Chàng thích nàng và cảm thấy chàng cần nàng mãi mãi - chàng đã có đủ lý do chưa?
Cái mà chàng chưa chịu công nhận là đã bị nàng xáo trộn đến tận cỗi rễ, trong khi chàng tưởng không còn bị đàn bà quyến rũ được nữa. Giống như nghe một biến tấu của một giàn nhạc giao hưởng, khi nốt nhạc trầm nhất bỗng nổi bật lên giận dữ - appassionata. Chàng kinh ngạc khi thấy chỉ một giọng nói, một nụ cười của một người đàn bà có thể xô đổ tất cả những năng lực quan trọng nhất của một người đàn ông thành một sự hỗn độn. Tình yêu chính là một sự rối loạn lớn, một sự bất quân bình của tâm trí, không thuộc vào một sự phân tích hợp lý.
Chàng biết chàng cần nàng mãi mãi.
Hai ngày đầu tại Thái Hồ trời đầy mây, và người ta không nhìn thấy gì cả. Thái Hồ cũng giống như biển cả; phía chân trời, nước nhập nhoà với những khối mây xám mờ. Thuyền chạy sát bờ. Thỉnh thoảng một ngọn đồi hoặc một hòn đảo trong sương mù hiện ra trong cái cảnh mờ mờ hơi nước. Mạnh Giao trông thấy một vẻ sầu buồn trong mắt Mẫu Đơn, và để nàng ngồi một mình trong sự im lặng trầm tư của nàng.
Vào ngày thứ ba, bầu trời quang hẳn. Họ đã tới bờ phía đông của hồ, bên trên là một màu xanh tươi của cây cối, trong những thôn xóm và thị trấn nhộn nhịp. Họ có thể uống trà nấu bằng nước suối Hoa Sơn. Tới gần trưa họ lên bộ thăm Quang Phủ. Những ngôi đền mái đỏ nằm giữa những đỉnh đồi quanh co, trong ánh nắng chói chang.
Nhờ gió đẩy, thuyền cứ thế lướt nhanh về hướng nam, và tới mũi đất của Mộc Đô, bên ngoài Tô Châu, tại đó hoa tử đinh hương và hoa mận trắng bắt đầu nở.
Mẫu Đơn nhớ rằng chỉ còn một ngày nữa hai người sẽ chia tay. Hai người xuống chơi tại Mộc Đô và nghỉ ngơi trong những vọng đình, tại đó trái cây và hoa trải dài hàng dậm.
Nàng khẽ thì thầm, "Đây là một trong những ngày hạnh phúc nhất đời em." Màu lộng lẫy của mặt trời chiều hắt lên từ mặt hồ, như một con suối tuôn đổ một thứ ánh sáng nhẹ và kỳ lạ lên hoa trắng và lá xanh. Cơn gió nhẹ từ mặt hồ đem lại mùi hương của hoa, một vị nồng của biển cả. Hai tay ôm cằm, nàng ngồi bên bàn trà, mơ màng và thốt ra những tiếng thở dài sung sướng. Mạnh Giao ít khi thấy một người đàn bà nhiều xúc động như thế.
- Sống một cách đam mê như ngày hôm nay là điều em muốn. Em nghĩ như thế ngay từ khi em mới lớn.
Huynh không thể tưởng tượng được cuộc đời của em tại Cao Xương, trông coi nhà bếp, chỉ huy đầy tớ, phải nói những lời đúng đắn mà em không định nói, với những người em không cần.
Nàng nhìn đăm đăm vào mắt Mạnh Giao. Trong mắt nàng có một vẻ đam mê, ngọn lửa và sự tinh tế của một con người không hài lòng với với cuộc đời tầm thường. Mạnh Giao cũng cảm thấy chàng chưa được sống một cách đam mê.
Nhưng tâm trí Mạnh Giao đang suy nghĩ. Bỗng nhiên cả hai im lặng. Nàng chấm ngón tay vào nước trà và viết nguệch ngoạc trên bàn trà. Chàng đưa tay nắm lấy tay nàng và giữ chặt. Mắt hai người nhìn nhau, và im lặng. Những lời nói dường như thành hình trên môi chàng rồi bốc hơi đi. Chàng dường như nhảy sâu vào đáy hồn và trồi lên với một cái gì vướng trong cổ họng. Cuối cùng chàng nói, giọng chàng như là một tiếng thì thầm:
- Tam muội, tôi không biết nói thế nào. Trong suốt cuộc đời, tôi chưa bao giờ cảm thấy như thế này.
Hai khuôn mặt ghé lại gần nhau hơn, và nàng lắng nghe, mắt run rẩy, môi mím chặt lại.
- Chuyện này không thể được. Muội là em họ tôi và cũng họ Lương. Tôi là một người già hơn. Tôi không có quyền quấy rầy cuộc đời của muội...
Bàn tay nàng nắm chặt tay chàng, và trả lời, "Anh không già đâu. Anh là một người tuyệt vời." Lời nói của chàng bắt đầu dễ dàng hơn. "Ngày mai em trở lại Cao Xương và chúng ta sẽ chia tay. Anh đã suy nghĩ nhiều trong ba ngày qua, kể từ khi em lên thuyền anh... Anh không có quyền nói câu này, nhưng anh không bao giờ muốn xa em nữa. Em có thể đi Bắc Kinh với anh không?" Nàng cảm thấy tất cả sức mạnh của cái điều chàng vừa cố gắng nói. Nàng đã trở lại bình thường sau sự xúc động, và trả lời:
- Em muốn thế lắm. Em muốn không bao giờ xa anh.
- Anh không có nhiều để dâng hiến em. Tất cả những gì anh biết là anh cần em. Đó là một cái gì bên trong anh. Anh không nghĩ anh sẽ có hạnh phúc nếu không có em. Anh cần em.
- Cần nhiều không?
- Nhiều, nhiều lắm.
- Em cũng nghĩ như thế về anh. Em là Tam muội của anh, và em tôn thờ anh. Trong hai ngày qua em cảm thấy rất buồn. Đối với em, anh còn hơn là một người đã thay đổi cuộc đời em, hơn là một người anh họ, hơn là một người bạn. Anh là một ngọn núi của những thứ tuyệt diệu khác nhau cho em, tất cả đều tuyệt vời, đẹp đẽ. Nhưng cũng quá bất thần. Anh phải cho em thời gian để suy nghĩ.
Khuôn mặt nàng rất là trịnh trọng. Tâm trí nàng chợt nhớ tới Tần Châu và cuộc tình tuyệt vọng không thể giải quyết được. Lúc đó nàng cảm thấy một sự đau đớn vô ngần cho Tần Châu. Tuy thế cái tâm trí đàn bà sắc bén của nàng đã nhìn thấy tất cả trong một chớp nhoáng, rằng Tần Châu không bao giờ có thể lấy nàng được. Nàng rất mau lẹ trong quyết định. Nàng trả lời:
- Em rất muốn đi Bắc Kinh.
- Em sẽ đi?
Nàng im lặng gật đầu.
Đã có một sự thông cảm giữa hai người, hai con người rất cô đơn. Không ai biết bằng cách nào và từ lúc nào hai bàn tay đã nắm chặt lại, và nàng tựa vào cánh tay chàng, nghe một cảm giác và đáp ứng của một sự thúc đẩy mạnh mẽ của lòng gắn bó lẫn nhau. Nàng ngước mắt nhìn chàng và chàng cúi xuống say sưa đắm đuối hôn môi nàng, hôn như thể chàng không bao giờ thỏa mãn được cơn thèm khát. Mẫu Đơn cảm thấy nàng chảy tan ra thành một sự khao khát không nói nên lời. Không người nào nói được một lời. Đó là giây phút của sự thật trần truồng và nỗi ham muốn không ngừng, khi mà những lời nói ra sẽ trở thành một sự xâm phạm không đúng lúc. Nàng vẫn đủ tỉnh táo để ngửi thấy mùi hoa tử đinh hương từ cánh đồng cỏ thoảng vào. Bàn tay chàng vuốt ve tóc nàng. Nàng không muốn một cái gì quấy rầy cái giờ phút thiêng liêng này. Một lúc sau nàng hỏi:
- Anh thích hoa tử đinh hương không?
- Thích. Hoa ấy được tạo ra cho giây phút như thế này.
- Trước kia em thích hoa tím, nhưng bây giờ em sẽ thích hoa tử đinh hương.
Cuối cùng nàng ngồi thẳng lên. Mạnh Giao hỏi:
- Chúng ta sẽ thế nào?
- Chúng sẽ thế nào nếu chúng ta cảm thấy như hiện nay? Suốt đời em, em luôn tìm kiếm cái giờ phút như thế này, một cái gì đáng kể và có ý nghĩa.
- Anh muốn nói chúng ta là anh em cùng một họ. Tuy thế anh biết anh muốn có em. Điều này anh biết...
- Anh chưa bao giờ cảm thấy thế này sao?
- Về thể xác anh đã biết nhiều đàn bà, nhưng chưa bao giờ cảm thấy sự khao khát như thế này, sự cần thiết đến từ trong lòng anh - cái cảm giác có một người nào nhập vào mọi thớ thịt của anh, như em... Anh nghĩ rằng đây là định mệnh, cho anh gặp em trong chuyến đi này. Em có tin định mệnh không?
Câu trả lời của nàng rất mau lẹ và trong trẻo. "Không. Tất cả những gì xảy ra cho chúng ta là do cố gắng của chúng ta. Em không tin rằng có một sức mạnh bên ngoài có thể kiểm soát được những gì xảy ra trong đời chúng ta." - Nhưng chúng ta có thể làm gì?
- Em không biết.
- Em họ Lương và anh cũng họ Lương. Xã hội ngăn cấm hôn nhân của chúng ta. Cái gì xảy ra nếu anh thấy rằng anh không thể sống mà không có em?
- Em không biết. Như thế đủ rồi phải không? Đối với em được biết anh yêu em, dù em sẽ không bao giờ trông thấy anh nữa - sự hiểu biết này cũng đủ rồi. Mặc dù em sống trong nhà tù, trái tim em vẫn tự do.
- Nhưng không thể thế được. Anh không thể xa cách em được. Anh biết anh sẽ chỉ sống một nửa cuộc đời, khi không có em ở bên anh.
- Vậy thì cứ làm theo ý muốn của chúng ta. Em không bận tâm những gì người ta nói.
- Địa vị anh không làm thế được, cùng với sự công khai là bao nhiêu lời đàm tiếu. Em họ Lương và anh họ Lương. Như thế đi ngược lại truyền thống. Và hơn nữa, người chồng cũ của em mới chết chưa được một tháng. Chúng ta sẽ bị xã hội lên án nghiêm khắc.
- Em không cần.
- Và cả dòng họ của chúng ta nữa.
- Em không cần.
Sự bất cần của nàng làm chàng ngạc nhiên. Mạnh Giao hơi choáng váng vì tia sáng từ đôi mắt sâu thăm thẳm của nàng, một đôi mắt dường như nhìn đời bằng sự cao ngạo, và đến từ một hành tinh khác chứ không phải của trái đất này.
Nhưng ngày hôm đó không phải là một ngày yên lành. Thời tiết bất định của mùa này bất thần đưa tới một đám mây đen khổng lồ từ phía đông nam, một cơn gió lạnh thổi khắp khu hoa viên nơi hai người đang ngồi, những cánh hoa trắng bị thổi bay lả tả, báo hiệu một trận mưa lớn. Sấm chớp vần vũ ở đằng xa, trong khi đó mặt hồ vẫn phản chiếu dưới ánh mặt trời như một chiếc ao sơn vàng. Hai người ngồi trong một khu lộ thiên, cách xa chỗ có mái che chừng hai mươi thước. Mạnh Giao lên tiếng:
- Nào chạy đi.
- Sao vậy?
- Ở đây sẽ ướt hết.
- Ướt thì ướt, có sao đâu.
- Em quá lắm.
- Em thích trời mưa.
Trận mưa nặng hạt bắt đầu, rào rào trút xuống mái nhà và cây cối bằng những âm ngắt đoạn. Những làn nước mưa xiên xiên vào bên trong nhà hàng, thỉnh thoảng từng cơn gió giật mạnh. Bàn ghế ướt sũng nước. Mạnh Giao thấy người bạn gái thích thú vô cùng. Nàng cười khúc khích.
- Tạnh ngay bây giờ ấy mà.
Nhưng trận mưa rào trở thành một cơn mưa lũ. Sấm sét hoành hành, tóe ra những tia sáng ghê sợ đầy bầu trời. Mẫu Đơn ngẩng mặt, nhắm mắt và lẩm bẩm:
"Ôi thần tiên quá! Em thích mưa quá!" Mạnh Giao ngắm nàng, lòng rất vui. Trong giọng nói của nàng có một sự khích động như lúc nàng trông thấy chim cốc bắt cá trên hồ, "Ôi mênh mông vô cùng!" Mưa không giảm bớt. Chàng sợ nàng sẽ bị cảm lạnh. Cuối cùng từ đằng xa có người cầm dù tới. Mạnh Giao nhận thấy là một tên lính cận vệ.
- Có người tới rồi.
Nhưng Mẫu Đơn sung sướng man dại, cười sằng sặc khi dù tới. Nàng nói:
- Nào chúng ta đI!
Chàng phải phụ giúp nàng. Chiếc dù bằng giấy dầu không đủ để che kín khi họ băng qua những vũng nước mưa mới tạo ra, và những bãi cỏ sũng nước. Sấm sét vẫn nổ vang khi họ đi được nửa đường tới ngôi đền.
- Thế này còn thích hơn là hoàng hôn.
Nàng nói, giọng nàng chìm trong tiếng mưa rơi trên giấy dầu.
- Em nói gi?
Mẫu Đơn phải hét to để át tiếng mưa rơi. "Em nói mưa thế này thích hơn là hoàng hôn lúc nãy." Mạnh Giao nghĩ nàng quả là một con người lạ lùng, và chàng cảm thấy trẻ trung trở lại khi chàng nhớ lại cái tuổi thơ ấu của chàng, lúc chàng rất thích chơi đùa dưới mưa - còn bây giờ chàng lớn rồi và đã quên cái thú ấy. Nhưng nàng chưa quên. Chàng có thể tìm được ở đâu một người con gái bướng bỉnh tai quái như thế?
Nàng lên tiếng:
- Anh biết không? Mạnh Tử chắc cũng thích mưa lắm đấy.
- Sao em biết?
- Em cảm thấy thế. Ông ta viết vĩ nhân là những con người đơn giản chưa mất đi trái tim của trẻ con.
Thật là khôi hài, trận mưa chấm dứt vài phút sau khi họ tìm được chỗ trú ẩn trong một ngôi đền. Nàng phì cười khi trông thấy cái bề ngoài bèo nhèo vấy bùn của chàng. Lính cận vệ mượn được một chiếc khăn và lo lắng lau chùi những chỗ ướt trên quần áo chàng. Vị sư trụ trì nghe tiếng vị khách quan, vội chạy đến và mời hai người vào nghỉ trong phòng bên trong, và rót trà mời hai người. Chàng than:
- Đinh má sẽ la trách ta như thế nào khi chúng ta trở về thuyền!
- Nhưng đây là một cái thú của du lịch. Bà ta không hiểu thế sao?
- Không, bà ta không hiểu.
- Suốt đời em, em chỉ muốn đi du lịch và thăm viếng thắng cảnh mà em đọc trong sách, được trèo núi cao cho tới lúc lên tới chỗ ở của thần thánh, chỉ cách đầu vài phân, như Lý Bạch nói.
- Thật là lãng mạn! Anh tin rằng em sinh ra với tâm hồn người đàn ông.
- Có lẽ thế. Hoặc có lẽ một người đàn ông trong thân thể người đàn bà. Có sao đâu?
- Nếu là một người đàn ông thì không sao.
Khi hai người về tới thuyền thì đèn lồng đã thắp lên rồi. Bữa tối đã dọn ra chờ họ. Nhưng người nhũ mẫu già đang nằm bẹp dí vì sợ sấm sét. Bà ta nằm chui trong đống mền, và chỉ ngồi dậy sau khi biết chắc rằng trận bão đã qua và khi hai người trở về thuyền. Rồi bà ta quên nỗi hoảng sợ của mình, và mời Mẫu Đơn vào trong khoang để thay quần áo khô.
Mạnh Giao đứng chờ bên ngoài. Mẫu Đơn dường như ở trong rất lâu. Một lát sau tiếng nàng vang lên sau tấm ván gỗ. "Anh có thích Thái Đông Nguyên không?" Mạnh Giao chỉ cười chứ không trả lời. Đinh má vỗ vào tấm gỗ và nói, "Cô đừng để Mạnh Giao chờ lâu.
Mạnh Giao cũng phải thay quần áo đấy." - Một phút nữa thôi.
Một phút sau nàng bước ra, nói mạnh mẽ, "Thái Đông Nguyên là người em rất thích. Em có một cuốn sách của ông ta ở án thư." Chàng cảm thấy chiều hôm ấy chàng đã hành động điên rồ rồi nên trả lời, "Chúng ta sẽ bàn luận chuyện ấy sau khi anh thay quần áo đã." Chàng nhận thấy nàng chưa cài hết khuy áo chẽn. Chàng không thích sự trơ trẽn của nàng, tuy thế chàng khám phá ra một tinh thần khó hiểu duy nhất; nàng không giống bất cứ người nào chàng đã biết. Khi bước vào khoang thuyền, chàng thấy nàng vất quần áo lộn xộn bừa bãi trên sàn để Định má lượm giặt.
Thái Đông Nguyên không phải là một nhà văn cho người bình dân. Ông viết cho giới học giả. Khi hai người ngồi xuống ăn tối, Mẫu Đơn bĩu môi phụng phịu, như một con chó bị chủ mắng. Nàng không nói một lời. Để làm vui lòng nàng, chàng bắt đầu nói, "Như vậy em đã đọc Thái Đông Nguyên. Anh thực là ngạc nhiên." Mặt nàng dịu lại. "Chính anh đã giới thiệu cho em tư tưởng Thái Đông Nguyên mà. Anh nhắc đến ông ta trong một bài luận thuyết của anh tấn công vào gốc rễ của phái Tân Nho sĩ. Em phải mất nhiều thời giờ mới tìm được cuốn sách của ông ta nói về Mạnh Tử. Anh từng viết rằng ông ta sẽ dẫn chúng ta trở về với KhổngGiáo cổ điển, phải không." - Dĩ nhiên ông ta như vậy. Gốc rễ của phái Tân Nho sĩ thời Tống là Phật Giáo - quan điểm của Phật Giáo về sự thèm muốn xác thịt của con người cần phải diệt, hoặc đè nén kiểm soát bằng sự tuân giữ các giới điều.
Hãy tưởng tượng, cái chữ chủ yếu của triết học Đạo Lý là kính, sợ và tôn sùng. Người ta không thể thoát khỏi sự kiện căn bản này. Phe Tân Nho sĩ tranh đấu cho sự sinh tồn của họ chống lại Phật Giáo bằng cách dùng tư tưởng của Phật Giáo, những tư tưởng về tội và sự ham muốn dục tình. Họ Thái nghiên cứu Mạnh Tử và chứng tỏ rằng không có sự mâu thuẫn giữa bản năng và Đạo Lý, rằng con người vốn bản thiện. Đó là căn bản của thuyết tự nhiên của Mạnh Tử.
Chàng nói vấn đề này, và nhiều chuyện khác. Cả hai đều không chú ý đến đồ ăn. Đinh má rất là bực mình và sai đem hâm lại đồ ăn.
- Sao không ăn xong rồi hãy bàn luận, có được không? Đồ ăn nguội cả rồi. Chúng nó lại phải hâm rượu lại.
Tôi nghĩ uống rượu hâm nóng rất tốt sau khi bị trúng mưa như thế.
Sau khi uống rượu, hai người ngồi ở đầu thuyền. Đây là đêm cuối cùng ở bên nhau, vì nếu may mắn thì ngày hôm sau họ sẽ tới Cao Xương. Mặt hồ tắm trong ánh trăng và những bờ chung quanh hiện lên hàng hà sa số những ánh đèn, vì bây giờ họ vào tới cái quận đông dân cư của Tô Châu, gần Vũ Giang. Ngày mai họ sẽ đi vào Đại Hà một lần nữa.
Cách xa vài trăm thước, một chiếc thuyền bồng dùng làm nhà hàng, thắp đèn sáng trưng cùng với tiếng nhạc du dương từ từ trôi ngang qua, làm gợn mặt hồ, cắt mặt nước thành từng hàng đen như mực rất linh hoạt, biến thành nhiều màu óng ánh. Từ đằng xa nghe vọng lại tiếng mái chèo đập nước, tiếng sáo buồn thổn thức và xúc động, nhưng cũng thanh tĩnh như mặt trăng vừa ló ra khỏi đám mây.
Mẫu Đơn ngồi im lặng tại đầu thuyền, đầu nàng hất ngược lên một vẻ trầm tư. Chàng ngắm nàng và nhận thấy mắt nàng ướt nước mắt. Có nhiều lý do cho những giọt lệ ấy - tương lai của nàng, Tần Châu, và có lẽ là vì đêm cuối cùng của hai người trên hồ. Chàng tôn trọng sự riêng tư của tư tưởng nàng và không muốn dò hỏi. Một lát sau chàng lên tiếng:
- Sao em không nói gì cả?
- Không có gì để nói cả. Em chỉ muốn cảm thấy... muốn in cái ký ức của đêm nay vào tâm trí em. Mọi lời nói đều không đủ, phải không anh?
- Em nói đúng. Vậy thì đừng nói gì nữa.
- Nói gì cũng chẳng ích lợi gì.
Nàng chậm rãi phê bình, những âm thanh của cái giọng nói nhỏ, giống như tiếng khánh rơi xuống mặt hồ im lặng, như những viên sỏi ném vào chiếc chén ngọc.
Chàng trông thấy nỗi đam mê ước ao trên mặt nàng. Rồi tâm trạng nàng thay đổi. Nàng muốn thật vui vẻ cái đêm đáng ghi nhớ nhất này. Bắt được một điệu nhạc từ đằng xa, nàng khẽ hát một bài ca, những âm điệu run rẩy trong sự im lặng tràn đầy ánh trăng. Chàng im lặng lắng nghe.
Đêm đó không người nào nói quá vài lời, vì sự yên lặng quanh họ quá hùng biện, trong khi mặt trăng trôi theo đám mây, chiếu xuống những tia sáng từ những đám mây viền bạc, như một cô dâu nửa che giấu và e lệ, bây giờ phải phô cả khuôn mặt tròn trĩnh, tuôn tràn đêm trường bằng sự chói sáng êm dịu run rẩy, khiến những người tình trở nên cuồng si hơn. Mạnh Giao trở vào khoang nhưng Mẫu Đơn vẫn ngồi im lặng ngắm trăng cho tới nửa đêm. Thỉnh thoảng nàng quay nhìn vào trong thuyền, và nhờ ánh sáng lọt qua khe hở, nàng biết chắc chàng vẫn còn thức đọc sách hay viết. Khi nàng đi vào, Đinh má đang ngáy say sưa trong giấc ngủ.
Sáng hôm sau Mẫu Đơn bị nhức đầu khi thức dậy. Nàng trải qua một đêm trằn trọc, biết rằng nàng phải làm một quyết định đau đớn nhưng không tránh được. Tất cả đều bất lợi cho Tần Châu. Trong thư, nàng bảo Tần Châu rằng nàng sẵn sàng chờ đợi hai hoặc ba năm để được làm vợ chàng; nhưng dần dần nàng hiểu rằng không thể bắt chàng bỏ vợ, gia đình và địa vị xã hội. Hai người bí mật gặp nhau trong bốn năm - bốn năm đam mê, ao ước và hối hận mà không đi tới đâu. Ngoài việc ly dị thì không còn một giải pháp nào nữa; một người con gái của một gia đình đàng hoàng không thể chấp nhận cái địa vị làm vợ bé. Mẫu Đơn mong ước có một giải pháp để thoát cảnh tuyệt vọng. Cuối cùng nàng biết nàng phải xa Tần Châu; chắc chắn chàng sẽ đau đớn lắm, và nàng cũng đau đớn không kém. Nhưng nàng không còn tìm ra cách nào khác.
Và bây giờ lại có Mạnh Giao. Mạnh Giao thực là xuất chúng cả về tư cách và tinh thần. Nàng làm sao có thể đòi hỏi hơn thế ở một người đàn ông? Nàng biết nàng yêu Mạnh Giao bằng tất cả sự nông nổi của mối tình mới, nhưng cũng bằng một sự cảm thông bắt nguồn từ những gì nàng biết về chàng trong những năm thơ ấu. Và nàng không thể tự lừa dối:
Bắc Kinh mở ra cho nàng một thế giới mới mẻ, với sự hấp dẫn vô cùng của một nơi xa lạ.
Đây là ngày cuối cùng của chuyến đi. Tâm hồn Mẫu Đơn nặng chĩu với ý nghĩ về cuộc chia ly sắp xảy ra.
Trong khi Đinh má bận rộn sắp xếp hành lý tại cuối thuyền, nàng lợi dụng cơ hội một mình với Mạnh Giao.
Nàng buồn bã nói:
- Hừ, đây là ngày cuối cùng ở bên nhau.
Mạnh Giao thong thả trả lời, "Chúng tôi sẽ gặp lại nhau một ngày gần đây, nếu em không thay đổi lòng. Em đã cân nhắc kỹ lưỡng chưa?" - Em đã nghĩ kỹ rồi. Em muốn đi Bắc Kinh với anh.
- Nhưng em có nghĩ rằng em có thể rời bỏ gia đình chồng ngay được không? Anh sẽ trở lại Hàng Châu vào cuối tháng Tám hoặc đầu tháng Chín. Bây giờ anh có lý do phải trở về sớm.
- Em tin chắc em sẽ rời bỏ nhà chồng sớm. Như một ngạn ngữ nói, người ta không thể giữ một goá phụ bất đắc dĩ. Em sẵn sàng đi theo anh, nếu anh muốn thế.
Mạnh Giao nói bằng một giọng rất vui vẻ. "Em làm anh kinh ngạc. Có phải đó là cái em gọi là sống đam mê không?" - Phải.
- Không được, Mẫu Đơn. Ñt nhất em phải sống qua một trăm ngày tang. Em sẽ gây ra nhiều chuyện đàm tiếu, ngay cả khi em ra đi sau một trăm ngày. Dẫu sao, không có lý do gì em phải ra đi sớm, vì mãi tháng Chín anh mới trở về. Anh khuyên em nên tìm cách cắt đứt với gia đình chồng một cách thân thiện. Em có thể đi Bắc Kinh với anh như là một cô em họ, và không ai sẽ nói gì.
Nàng thò tay nắm chặt tay chàng. Khi nhận thấy Đinh má lại gần, câu chuyện của họ thay đổi ngay. Nàng hỏi:
- Anh sẽ ở đâu tại Hàng Châu?
- Dĩ nhiên ở nhà dì anh.
- Xin lỗi anh, em phải đi sắp xếp hành lý.
Nàng nhìn Mạnh Giao và mắt nàng lấp loáng nước mắt. Người nhũ mẫu già trông thấy tất cả. Sau bữa ăn trưa, nàng cảm thấy mệt mỏi và vào nằm trong khoang riêng của nàng. Mạnh Giao đề nghị:
- Sao không vào khoang của anh mà nghỉ. Em ngủ ở đó tốt hơn mà.
- Anh không ngủ trưa hay sao?
- Không. Anh tiếp tục đi theo con thuyền. Anh có thể ngủ tối nay bao nhiêu cũng được.
Khi nàng vào khoang thuyền nằm nghỉ, Đinh má nói với Mạnh Giao, "Thật là một nàng con gái tội nghiệp, cô ta hoảng sợ khi nghĩ đến gia đình chồng. Tôi nghe thấy cô nàng hỷ mũi suốt đêm." Mạnh Giao có vẻ sầu não. Chàng không muốn nói cho bà ta biết về dự định mới của hai người. Đinh má chắc chắn sẽ sung sướng đưa ra lời khuyên và sự khôn ngoan của một bà già.
- Má nghĩ thế nào về cô ấy?
Đinh má thì thầm, "Má chưa bao giờ trông thấy một goá phụ hành động như vậy. Dù con thích hay không, má sẽ nói má nghĩ gì về cô ấy. Cái cách cô ấy ngồi, cái cách cô ấy đứng! Và cô ấy phải mặc váy cho đúng hình thức, ngay cả khi chúng ta ở trên thuyền. Má chưa bao giờ thấy một người bừa bộn như thế. Má sắp đặt quần áo giặt rồi vào rương của cô ta. Con phải trông thấy mới được - cô ấy tống tất cả vào. Và bàn chải của cô ta nữa. Nó loe ra bằng phẳng. Má thì đã liệng đi bàn chải như thế từ lâu rồi và mua một cái mới." Chàng cảm thấy phải bênh vực Mẫu Đơn. "Con biết má sẽ làm thế, nhưng một cái bàn chải loe ra thì đã sao?" Nheo mắt nhìn Mạnh Giao, bà già nói tiếp, "Mạnh Giao, con không biết đàn bà. Má biết. Đàn ông đánh giá đàn bà bằng cái mặt đẹp. Cô ta thực là đẹp quá, má công nhận thế. Nhưng má tội nghiệp cho người đàn ông nào sẽ làm chồng cô ta." Mạnh Giao chắc lưỡi. "Con nghĩ cô ta rất đẹp và rất thông minh." Mặc dầu không muốn nhưng chàng vẫn phải tiếp tục cuộc bàn luận.
- Má biết con thích cô ta. Con không giấu má được đâu.
- Phải, con thích cô ta. Tại sao con phải giấu má chứ?
- Con thật là bướng bỉnh. Tại sao con không chọn một cô gái tử tế mà lấy làm vợ? Nếu thân mẫu con còn sống, bà ta sẽ tìm vợ cho con từ lâu rồi. Nên nhớ con đã gần bốn mươi mà vẫn chưa có hậu đấy. Nhưng con sẽ không nghe lời má đâu... Nếu con muốn lập gia thất, xin đừng chọn một cô gái như cái cô này. Má không biết tối qua hai người nói chuyện gì trong bữa ăn tối. Nhồi nhét sách vở và tư tưởng vào óc một cô gái không ích gì. Con phải chọn một người vợ có thể săn sóc cho con...
Mạnh Giao vui vẻ nói tiếp, "... và nấu ăn, giặt giũ và khâu vá quần áo. À con quên mất. Tại sao con không lấy một nhà hàng và một tiệm giặt ủi?" - Thôi đủ rồi. Thật là bướng bỉnh, con là như thế đó.
Mạnh Giao đã quen với cách lấn át của bà nhũ mẫu. Chàng ngừng lại một giây và nói bằng một giọng dỗ dành, "Đinh má, má giống như một người mẹ của con. Tối hôm nọ má nói muốn về nghỉ hưu tại Hàng Châu để sống với con cháu. Con không trách má đâu." - Ai mà không muốn về hưu trong tuổi già và sống tại quê quán của mình?
Mạnh Giao nói, "Con cũng đã nghĩ đến việc này. Lần này khi con trở lại, con sẽ thuê một người làm khác và kết hôn với một nhà hàng và một tiệm giặt ủi. Má không còn phải lo cho con nữa. Con sẽ được nuôi ăn và được tắm rửa." - Con thật là biết ơn! Như vậy con không cần má nữa, phải không Mạnh Giao?
- Con nói đứng đắn mà. Con sẽ không bao giờ quên má. Nếu má thực tình muốn, con sẽ biếu má ba trăm quan. Má có thể mua một nông trại và sống no ấm.
Họ đã tới gần Cao Xương, tại đó Đại Hà chạy giữa hai hàng nhà cửa ở hai bên bờ. Khi tới gần giờ chia tay, Mẫu Đơn không kiềm chế được và bật lên khóc nức nở. Khóc như thế thực là tiện lợi, vì gia đình nhà chồng sẽ trông thấy đôi mắt sưng húp vì khóc của người goá phụ xinh đẹp và tận tụy với chồng.
Trên chiếc cầu ván thuyền, nàng quay lại, hai mắt đẫm lệ nhìn Mạnh Giao, và không nói một lời từ biệt, nàng bước lên bờ.
Khi nàng đi rồi, Mạnh Giao bước vào khoang trong để nghỉ. Chàng trông thấy một mẩu giấy đặt dưới cái đồ chặn giấy, ghi địa chỉ của nàng, với một lời nhắn nhủ, vẻn vẹn có ba chữ:
"Viết cho em."