watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tuyệt Tình Ca-Chương 19 - tác giả Nguyễn Vạn Lý Nguyễn Vạn Lý

Nguyễn Vạn Lý

Chương 19

Tác giả: Nguyễn Vạn Lý

Mẫu Đơn không dám cho Bạch Huệ hoặc cha mẹ biết chuyện đã xảy ra. Một buổi chiều, nàng trông thấy những cánh cửa của phòng Tần Châu đóng lại. Nàng chờ đợi trong sợ hãi, và trái tim chìm xuống. Nàng tưởng thời gian dài như một đời người đã đi qua, trước khi người y tá bước ra và báo cho nàng biết Tần Châu đã chết rồi. Môi Mẫu Đơn bỗng khô đi, và mặt nàng không còn huyết sắc nữa. Nàng không khóc. Cô Mao trông thấy một hình dáng tái mét bước đi như người máy, dọc theo bờ sông về hướng thành phố.
Sáng hôm sau một nhà sư tìm thấy nàng sau một ngôi đền cách bệnh viện ba dặm. Nhà sư thấy nàng ngủ trong một bụi cây gần một tảng đá lớn, và tưởng nàng bị ai bắt cóc tới đây và bị bỏ lại; tuy vậy tóc nàng vẫn không bù rối, chiếc áo chẽn độn bông vẫn gài khuy cẩn thận; không có dấu hiệu kháng cự. Điều lạ là nàng phải lội qua hai con suối cạn trong đêm, bởi vì không có một lối đi trực tiếp từ Lục Hoà Tự tới ngôi đền này.
Hoặc nếu nàng đi theo con đường bên bờ hồ, thì nàng phải lần mò sáu dặm trong một đêm không có trăng, trong một trạng thái ngơ ngẩn.
Mẫu Đơn không biết nàng tỉnh hay mơ khi thấy có ai lay nàng. Nàng mở mắt. Cái khe núi trong buổi sáng sớm hôm ấy nằm trong bóng dâm của đỉnh núi Thiên Trụ. Giải ánh sáng bên trên đỉnh núi phơi bầy một khu rừng nguyên thủy gồm những cây thông khổng lồ, rất im lìm ngoại trừ tiếng hót của chim chóc, nhưng rất xa, không trông thấy.
Trong lúc nàng ngồi đó với đôi mắt ngỡ ngàng, nhà sư lo lắng hỏi:
- Cô là ai? Tại sao cô lại ở chỗ hoang vắng này?
Trong trạng thái mê muội, nàng trông thấy nhà sư trẻ cao lêu nghêu, trong bộ áo cà sa màu tro đứng cao ngất bên trên nàng. Ở giữa cái đầu cạo trọc là chín vết chân hương, gồm ba hàng ngay ngắn.
Bối rối trước cái nhìn của nhà sư, nàng cố đứng dậy, nhưng bỗng rên rỉ, khi cơn đau nhói truyền qua bàn chân nàng. Nhà sư đỡ nàng đứng dậy, và nàng tựa cả sức nặng vào vai nhà sư. Nhà sư rất đỗi sững sờ khi nàng mỉm cười với một vẻ thỏa mãn vô biên.
Nhà sư còn ngạc nhiên hơn nữa khi nghe thấy nàng nói, "Thật là tuyệt vời. Chàng đã tha thứ cho tôi rồi.
Chúng tôi đã làm hoà với nhau rồi. Thực là một cảm giác tuyệt diệu và hạnh phúc." Nàng nói một nửa với chính nàng, hơi lắc đầu. Rồi nàng nhìn nhà sư. "Sư phụ có yêu không? Đó là một điều tuyệt diệu." Sương lấp lánh trên các cây sung và cây hồng, khi mặt trời buổi sáng nhô lên trên đỉnh núi, và rọi ánh sáng chan hoà xuống cái thung lũng hoang vắng và biệt lập. Sương mù buổi sáng lờ mờ hơi nước vẫn còn che phủ những hốc sâu của khe núi. Chỗ ấy thực là lạ lùng, người đàn ông bên cạnh nàng cũng là một người lạ. Như thể nàng đã bước vào một đời sống tiền sử và chỉ còn có hai người trên đời này.
Lo lắng tìm cách giải thoát cái gánh nặng xác thịt này, nhà sư đưa nàng tới một tảng đá bằng phẳng để nàng ngồi xuống. Nhà sư hỏi:
- Và bây giờ hãy cho tôi biết cô là ai và cái gì đưa cô tới đây?
- Tôi không biết.
- Hãy cố nhớ lại đi - cô tới đây bằng cách nào?
- Đừng bận tâm tôi là ai. Tôi sung sướng lắm. Chàng là của tôi, hoàn toàn, và bây giờ chàng không thể tránh tôi được nữa. Vĩnh viễn như vậy.
Bây giờ nhà sư tin chắc nàng đã mất trí, một chuyện kinh khủng nào đã xảy ra cho nàng.
- "Chàng" là ai?
- Dĩ nhiên là Tần Châu rồi. Dĩ nhiên tôi biết sư phụ không phải là Tần Châu. Tôi biết thế. Sư phụ cao hơn, và không có đôi mắt tinh anh và hai bàn tay đẹp mềm mại của chàng. Sự phụ biết không, chúng tôi làm lành rồi. Chúng tôi quyết định tha thứ cho nhau rồi. Và bây giờ chúng tôi không thể cãi nhau nữa, bởi vì chàng đã hoàn toàn ở trong tôi rồi.
Mắt nàng chăm chú xa xôi. Rồi ngay lập tức nàng nhắm mắt và lại rơi vào giấc ngủ. Người nàng lắc lư nên nhà sư phải giữ lấy nàng. Khi người nàng bỗng lảo đảo sang một bên, nhà sư phải ôm lấy nàng trước khi đầu nàng va vào tảng đá.
Nhà sư khẽ đặt nàng nằm xuống, và trong một cơn hoang mang, ông bỏ chạy vào ngôi đền cách khoảng mười thước, vấp té và ngạc nhiên nhìn lại, như thể đang chạy trốn một hồn ma quỷ đàn bà.
Vài phút sau, nhà sư xuất hiện cùng với một nhà sư già và bước lại chỗ người đàn bà nằm phủ phục. Nhà sư già cầm tay nàng và lắc, nhưng nàng vẫn ngủ say sưa.
Nhà sư già hỏi, "Chúng ta phải làm gì? Ta chưa từng thấy một việc kỳ lạ thế này trong đời ta. Chúng ta không thể bỏ mặc cô ta ở đây được, và chúng ta cũng không nên đưa cô ta vào đền. Chúng ta sẽ bị buộc tội giấu một người đàn bà cho mục đích vô luân lý." - ít nhất chúng ta cũng phải đưa cô ta vào trong. Lúc nãy cô ta nói chuyện với con một cách rất khích động.
Cô ta chắc đi trong giấc ngủ tới đây. Cô ta nói về người yêu của mình. Người yêu của cô ta chắc sẽ lại đây tìm kiếm cô ta.
Hai nhà sư cố gắng khiêng nàng lên. Nhà sư trẻ mang cái gánh nặng đáng yêu vào ngôi đền, rồi đặt nàng nằm lên một tấm chiếu trên sàn nhà.
Nhà sư già nói, "Để đó. Cô ta chắc còn ngủ một lúc nữa. Chúng ta canh chừng cho tới lúc cô ta tỉnh dậy, và cho chúng ta biết về cô ta." Nhà sư già sờ thử tay vào trán nàng, và nói nàng không bị nóng sốt, rồi vén tay áo nàng và trông thấy một chiếc vòng ngọc rất đẹp. Ông nói, "Cô này chắc thuộc một gia đình giầu có." Ông tìm giấy tờ hoặc manh mối về danh tính nàng, nhưng chỉ tìm thấy trong túi nàng một chiếc khăn tay và vài quan tiền. Hai tay nàng có vết trầy sướt, và giầy của nàng dính đầy bùn. Thực là một bí mật hoàn toàn. Ông gọi nhà bếp lấy một chiếc gối, rồi nới khuy áo cổ nàng, và kê đầu nàng lên chiếc gối.
Một người làm trong đền và một chú tiểu đứng quanh, coi chừng người đàn bà đang ngủ. Nhà sư già ra lệnh phải có người canh chừng, và nấu sẵn trà pha gừng đặc để chờ nàng tỉnh dậy.
Cuối cùng Mẫu Đơn tỉnh dậy vào lúc hoàng hôn, và kinh ngạc thấy mình nằm trong một ngôi đền. Nàng đăm đăm nhìn nhà sư, và không tin khi nhà sư nói ông ta thấy nàng nằm trên bãi cỏ sáng hôm đó, và nhắc lại vài lời nàng đã nói. Nàng trông vẫn còn ngơ ngác.
Trong vài giây nàng lấy lại được phương hướng, và sau đó nhớ lại cô Mao. Nàng kinh hoàng nhớ lại cái chết của Tần Châu, một sự thực chắc chắn không đảo ngược lại được nữa; lòng nàng chỉ là một ý tưởng mất mát và thất bại hoàn toàn. Giấc mộng của nàng đã chấm dứt. Đầu nàng nghiêng một bên, và run lên với một sự co thắt không kiềm chế được; nàng bắt đầu khóc, toàn thân rung lên, những tiếng nức nở đè nén mỗi lúc một to không kiềm chế được, làm ướt cả cái gối. Nhà sư trẻ mời nàng uống nước trà pha gừng, nhưng nàng không để ý, và cuộn người lại thành một đống buồn đau khốn khổ, tay đấm chiếc gối liên hồi.
Nhà sư có ý hỏi cái gì đã xảy ra, thì nàng trả lời, "Tần Châu chết rồi. Tần Châu của tôi chết rồi," rồi nàng lại khóc với những tiếng nức nở nghẹn ngào xé lòng.
Nhà sư kéo nàng ngồi dậy, và bắt nàng uống một tách trà pha gừng. Nước trà đã giúp nàng bình tĩnh lại và tỉnh hẳn.
- Bây giờ là mấy giờ, và tôi ở đâu đây?
Nhà sư cho nàng biết, và nàng hỏi thêm:
- Chỗ này cách thành phố bao xa?
- Ba hoặc bốn dặm.
- Sao tôi tới đây được?
- Chúng tôi không biết nếu cô cũng không biết.
Nàng im lặng, thẫn thờ nhìn vào quãng xa. Trong giây phút ấy nàng nhận thức được những gì đã xảy ra, nhưng vẫn còn hơi khó hiểu. Những sự bóp méo của giấc mộng và sự thực tràn đầy tâm trí nàng, giống như những hình ảnh xen kẽ nhau của hạnh phúc tuyệt đối nhất và nỗi tuyệt vọng cùng cực nhất. Bỗng nàng nhớ ra chưa về nhà, và cha mẹ chắc lo lắng cho nàng nhiều lắm.
Sau bữa ăn tối khá lâu Mẫu Đơn mới về đến nhà trong một chiếc kiệu. Ông bà Lương đã kinh hoàng khi nàng không trở về nhà đêm hôm trước. Cha nàng đã xin nghỉ một buổi sáng để vào bệnh viện tìm kiếm nàng. Cô Mao rất hoảng hốt khi biết Mẫu Đơn không về nhà. Cha nàng được biết Tần Châu đã chết rồi, và vợ Tần Châu hiện ở đây, đang khóc lóc trong phòng. Cô Mao bảo ông ta phải im lặng, sợ người vợ nghe thấy nói về Mẫu Đơn. Theo người y tá kể thì Mẫu Đơn nhận được tin Tần Châu chết một cách im lặng, và rồi bỏ đi về phía thành phố.
Sự kiên nhẫn của ông bố đã tới giới hạn. Khi Mẫu Đơn trở về đêm đó, ông ta đã sẵn sàng kiểm điểm những gì nàng đã làm trong mấy năm qua. Ông ta trông thấy hai mắt sưng vù của nàng, khuôn mặt không còn khí sắc khi nàng bước xuống chiếc kiệu. Như vậy là cái đứa con gái điên rồ này đã về nhà. Ông ta muốn nổ bùng cơn giận dữ và quát mắng ngay, nếu bà vợ không kéo tay áo ông và nói, "Nó đã về rồi," ngầm ý rằng không cần phải nói gì thêm nữa.
Vì nàng đã về nhà rồi, nỗi hồi hộp lo lắng của bà mẹ chấm dứt. Sự an toàn của Mẫu Đơn là điều quan trọng duy nhất. Mặc dù được mẹ thúc giục ăn uống, nhưng Mẫu Đơn nói nàng không muốn ăn. Bà mẹ đem cho nàng một chén cháo, nhưng nàng không sờ tới và bỏ vào phòng ngủ.
Sáng hôm sau, Mẫu Đơn tỉnh giấc, vẫn còn ngơ ngác, rối loạn và không thể thoát ra khỏi những mơ mộng của nàng về một sự kết hợp cuối cùng với người yêu, và sự thực không thể chối cãi về cái chết của chàng.
Ông bố ăn sáng xong và đi ra ngoài. Trước khi đi, ông nói với vợ:
- Tôi không thể hiễu được con tôi. May mắn là nó còn có một gia đình để quay về. Trước hết là dứt bỏ khỏi gia đình chồng. Rồi đi Bắc Kinh với người anh họ. Rồi đổi ý trở về. Và bây giờ...
Bà mẹ vội vàng bênh vực con, "Nó còn trẻ. Ai cũng có một lần còn trẻ." - Điều ấy không có nghĩa là nó phải điên cuồng vì đàn ông.
Dần dần ông ta biết sự dan díu với Tần Châu, một người đã có vợ - người yêu đầu tiên của nàng, và ông hiểu. Ông cực lực phản đối việc vào bệnh viện thăm Tần Châu hàng ngày trong nhiều tuần lễ. Thực là một việc tai tiếng xấu xa nếu vợ Tần Châu biết được! Nhưng mỗi lần ông muốn than phiền với nàng, Mẫu Đơn lập tức cãi lại ông, cho rằng nàng đã lớn rồi và đã là một góa phụ, rằng nàng hiểu rõ việc nàng đang làm.
Mẫu Đơn thiếu hẳn khả năng cũng như tinh thần tự bảo vệ. Ông tự an ủi với ý nghĩ rằng cuối cùng mối tình bất chính của con gái đã chết.
Thấy Mẫu Đơn nằm trong giường, mắt nhìn trừng trừng lên trần nhà, bà mẹ mang cho nàng một ít thịt băm và chén cháo mà nàng không hề rờ tới đêm hôm trước. Bà ngồi xuống cạnh giường và nói:
- Bây giờ ăn đi.
Mẫu Đơn cầm lấy khay đồ ăn. Nàng vươn tay, khẽ sờ vào tay mẹ. Nàng nói:
- Mẹ, mẹ là một người tuyệt vời nhất trên đời này.
- Con của mẹ, hôm qua con làm ba mẹ sợ hãi quá. Bây giờ ăn đi và con sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Nhưng nàng ôm mẹ, và rồi lại khóc; bà mẹ vỗ về nàng như một đứa trẻ.
Ngày hôm đó nàng nằm trong giường, và ngày hôm sau vẫn còn uể oải cực độ, giống như trở về sau một chuyến đi lâu ngày. Thỉnh thoảng, nàng đi quanh trong nhà, rồi lại trở về giường, khép cửa lại. Nàng thèm khát sự cô đơn và chỉ thích ở một mình, suy nghĩ, đọc sách lung tung chỗ này chỗ kia, và chẳng làm gì cả.
Như vậy nàng có thể nằm trong giường hàng giờ, sống với ý tưởng riêng, kỷ niệm riêng và giấc mơ riêng.
Và nàng đầu hàng trước cơn mơ mộng không tưởng và không lời, nhưng rất thực với nàng, thay thế sự hiện diện bằng thân xác của Tần Châu. Đôi khi dường như Tần Châu rất gần nàng, dù bây giờ chàng đã chết. Nàng không thể nhớ lại được cái cảnh trong cơn mê sảng mà nàng rất cố gắng nhớ lại, nhưng nàng vẫn cảm thấy rõ ràng cái âm điệu riêng biệt của quang cảnh ấy. Dường như Tần Châu và nàng cùng bay trong một thế giới của mây và hơi nước, cô đơn, hạnh phúc và hai người là một, tự do, không trọng lượng trong một thế giới của ánh trăng, và nói với nhau, "Bây giờ sự rắc rối của chúng ta hết rồi." Cái cảm giác mơ hồ ngọt ngào say sưa của sự tự do bao la vô giới hạn để yêu nhau, mãi mãi là một tiếng vang trong tâm trí nàng.
Cái chết của Tần Châu là một khúc quanh quan trọng nhất trong đời nàng. Thế là chấm hết và không thay đổi được. Nàng cảm thấy được giải phóng. Nàng phải bắt đầu một cuộc đời mới. Nhiều vết thương trong linh hồn nàng chờ đợi để lành lại. Nàng hầu như cực kỳ nhạy cảm với tiếng động nhỏ nhất, sự đụng chạm những vật mềm và ấm. Nàng đang trải qua một giai đoạn phục hồi, y như nàng đang hồi phục sau một cơn bệnh lâu dài.
Nàng nằm trong giường hàng giờ, chỉ suy nghĩ. Tần Châu nếu còn sống sẽ vẫn có nhiều mâu thuẫn:
nôn nóng và dịu dàng, tàn bạo và thân ái, làm đau lòng và làm ấm lòng, và chàng sẽ già đi và thay đổi. Nhưng Tần Châu khi chết rồi sẽ giữ mãi cái hình ảnh của một mối tình bất tử. Chàng được ấp ủ như một người tử đạo trẻ, vượt ra ngoài ảnh hưởng của thời gian, ra ngoài sự thay đổi và ra ngoài cả sự chết nữa. Lúc nàng cảm thấy dễ chịu hơn, nàng cắt dán những lá thư và thơ của chàng, kể cả những phong bì mà nàng đã giữ được, và đóng thành một tập sách dầy đẹp đẽ bọc lụa thêu. Nàng cũng làm một tập nữa của những lời ghi chú, thơ chép tay của nàng. Nàng viết thêm vào những lời ghi chú, những ý tưởng lan man và những hình ảnh kỳ lạ hiện ra trong trí nàng, những ý tưởng và hình ảnh bao giờ cũng quá phóng đại và tô mầu bằng sức mạnh của xúc cảm - những câu như "giấc ngủ gục lâng lâng đẹp đẽ trên ngực chàng" và "cái ánh sáng ngọt ngào của những ngón tay chàng trong một đêm đầy sao." Những ý tưởng ấy là cuộc đời nàng, những cảm nghĩ sâu kín nhất của nàng.
Nàng đọc to những ý tưởng ấy, khi nàng nói chuyện với thư của chàng như thể là chàng hiện diện trong phòng vậy. Đôi khi bà mẹ ngửi thấy mùi giấy bị đốt trong phòng nàng. Nàng đã viết rất nhiều những mảnh giấy tâm sự như thế, rồi đưa vào ngọn nến đốt đi, để gửi cho linh hồn chàng. Việc ấy làm nàng thoa? mãn lạ lùng. Những ký ức ấp ủ là cuộc đời chàng; nàng bắt đầu yêu thích sự cô đơn trong phòng riêng, và cảm thấy sự hiện diện của chàng bao quanh nàng. Linh hồn nàng đã tìm được an bình.
Cha Mẫu Đơn rất hài lòng vì nàng sẽ không còn chạy lang thang khắp thành phố như một con chó cái thèm đực. Một hôm vào lúc ăn tối, ông hỏi nàng:
- Bây giờ con tính làm gì?
- Con không biết.
Chính vào lúc này cha mẹ Mẫu Đơn nhận được thư của Hải Đường xin được làm con nuôi chính thức của ông bà Tô, một sự đòi hỏi lạ lùng, không giải thích được, trừ một lý do. Chính Mạnh Giao đã viết thư cho người chú. Cùng với sự trở về của người con gái lớn, việc này thực là rõ ràng. Cha mẹ nàng cố tránh không hỏi nàng về chuyện này trong những ngày đầu của cơn khủng hoảng, sợ sẽ làm nàng xúc động.
Nhưng một hôm nàng đủ tỉnh táo để hỏi thăm về em gái, người thường xuyên viết thư thăm cha mẹ.
Mẹ nàng kể cho nàng nghe và kết luận, "Bây giờ nếu Hải Đường không kết hôn với Đại Ca của con thì sẽ ra sao? Không phải là vì tài sản của Tô thúc thúc. Và nếu Tô thúc thúc muốn nuôi một người thừa kế thì lời yêu cầu phải do chính ông ta đưa ra chứ." Mẫu Đơn kinh ngạc, rất ngỡ ngàng.
- Con nghĩ thế nào? Con không bao giờ cho cha mẹ biết cái gì đã xảy ra giữa hai chị em con và anh họ con.
Mặt Mẫu Đơn đỏ bừng khi nàng lắp bắp, "À, Hải Đường!.... Phải, con biết nó kín đáo yêu anh ấy. Chuyện này chắc xảy ra sau khi con đi rồi." Nàng không nói gì thêm nữa và bỏ vào phòng riêng. Đối với nàng cũng như gia đình, đây là một biến chuyển không ngờ. Đáng lẽ chính nàng phải lấy chàng, chắc chắn phải như vậy, nếu họ có thể nghĩ ra một cách để thực hiện. Nàng không biết nghĩ gì. Nàng cảm thấy một cơn ghen khó chịu, nhưng nàng không thể tìm ra lý do để trách Hải Đường. Đây là ý kiến của ai, của Hải Đường hay của chính chàng? Nếu Hải Đường nghĩ ra giải pháp này thì tại sao nó không nói ra khi nàng đang yêu Mạnh Giao tha thiết? Bây giờ Đại Ca sẽ trở thành em rể của nàng; đáng lẽ chàng phải là chồng nàng.
Nhưng rõ ràng là Mạnh Giao vẫn còn yêu nàng. Nàng biết thế từ chính kinh nghiệm của nàng. Nếu tình yêu của nàng đối với Tần Châu không thể chết, thì Mạnh Giao nhất định vẫn còn yêu nàng. Tình yêu là một chất lỏng tự hiến vĩnh cửu, chảy bên trong lòng, ao ước được đáp ứng - nhưng dù được đáp ứng hay không, tình yêu vẫn còn đó. Tần Châu đã ruồng bỏ nàng một cách tàn nhẫn, giống như lúc nàng bỏ Mạnh Giao.
Bây giờ nàng thấy rằng điều ấy không thay đổi được gì; nàng tin chắc Mạnh Giao sẽ tha thứ cho nàng nếu chàng thực tình yêu nàng, cũng như nàng đã tha thứ cho sự tàn nhẫn không hối tiếc của Tần Châu. Nàng nhớ lại lời nói cuối cùng của Mạnh Giao tối hôm ấy:
"Dù em làm gì, em vẫn là phần trong sạch nhất và tuyệt diệu nhất trong người anh." Đúng vậy, nàng tin chắc điều ấy. Nếu nàng không lấy chồng nữa thì có vẻ nên thơ và kỳ diệu, hoặc nếu chàng không bao giờ nghe nói về nàng nữa, và có thể giữ gìn được cái hình ảnh thánh hoá của nàng trong tâm trí chàng, như nàng đối với Tần Châu.
Nàng đã có một ý định muốn biến mất - nàng phải biến khỏi cuộc đời chàng, đúng như nàng đã viết trong lá thư vĩnh biệt - không những vì quyền lợi của Hải Đường, mà còn vì chính nàng nữa.
Vào ngày hai mươi sáu tháng Mười Một, nhà họ Tần tại Hàng Châu tổ chức tang lễ cho Tần Châu. Giấy báo tang gửi đi in rất đẹp theo lối chữ thảo đời Tống, tóm lược một sự nghiệp xuất sắc của chàng thanh niên, còn để lại một người vợ, một con trai và hai con gái, đứa nhỏ nhất mới được vài tuần. Điểm nhấn mạnh là chàng là một người con hiếu thảo tại gia, cũng như sự xuất chúng của chàng và có hạnh phúc trong đời sống vợ chồng. Trên cổng treo một tràng hoa cúc trắng trên những lá xanh. Phòng khách rộng lớn sắp đầy những bàn gỗ hình vuông. Khách tới, nói chuyện ồn ào trong nhà, thêm vào những tiếng than khóc từng lúc của gia đình, cùng với tiếng kèn trống.
Họ Tần là một gia đình lâu đời tại Hàng Châu. Người chết lại là một ông cử nhân thuộc giai cấp sĩ phu học giả phục vụ cho triều đình; họ là những người đã thi đậu các kỳ thi của nhà vua, và tất cả liên kết với nhau thành giới quan lại. Còn có những bạn bè lâu đời của gia đình - những chủ ngân hàng, các thương gia giầu có, chủ nhân các hãng lớn - xe ngựa của họ đậu đầy mấy dẫy phố. Một ban nhạc kèn trống thỉnh thoảng lại tấu nhạc, xen kẽ với những tiếng than khóc rền rĩ của đàn bà. Những quyến thuộc đàn ông đi lại đầu quấn khăn tang trắng, tiếp chuyện khách. Có tiếng leng keng của ngọc và vàng tại một góc, tại đó đàn bà tụ lại với nhau, thì thầm nói chuyện.
Mẫu Đơn đã trông thấy cáo phó trong một tờ báo địa phương, và một bản tiểu sử rất dài tại nhà một người bạn. Họ Tần muốn tạo một cơ hội giao tế trong tang lễ, và trong hai ngày liền, tờ báo đăng bản báo tang có trả tiền. Thường thì một tang lễ chính thức phải sửa soạn vài tháng; nhưng họ Tần đã có nghĩa trang riêng tại Phượng Sơn. Lễ tưởng niệm sẽ tiếp tục hai ngày, hai mươi sáu và hai mươi bảy tháng Mười Một, để bạn bè có thể tham dự, và ngày hai mươi tám sẽ đưa linh cữu ra huyệt mộ.
Mẫu Đơn đã mong đợi dịp này cả tuần rồi. Nàng phải tham dự. Nàng không thể vắng mặt trong những nghi lễ cuối cùng cho người tình của nàng. Nàng có thể đi vào nhà họ Tần dễ dàng mà chẳng ai để ý.
Khi bước vào, nàng thấy chỗ ấy đầy khách. Nàng trông thấy quan tài và phía sau là một tấm hình của người quá cố. Tim nàng đập hỗn loạn. Nàng tiến lên và đứng trong một phút sau khi vái ba lậy, giống như một người đang mê muội. Bất chợt nàng rút khăn tay ra cố nén cơn thổn thức. Nhưng nàng càng cố gắng bao nhiêu thì tiếng sụt sịt của nàng to bấy nhiêu. Đầu gối nàng run lảo đảo và quỵ xuống bên quan tài, một tay ôm lấy quan tài và than khóc. Nàng không còn tự kiềm chế được nữa, và trong cơn đau đớn nàng không cần gì cả. Tiếng nức nở không kiềm chế được của nàng vang lên, trước khi mọi người hiểu được cái gì đang xảy ra.
Mọi người bỗng im lặng. Đây không phải là tiếng than khóc theo đúng nghi lễ; nàng cứ gào khóc cho hả lòng, không kiềm giữ và không để ý đến chung quanh. Nàng cứ đập đầu vào quan tài, bật ra những lời than không liên tục bị cắt quãng vì nước mắt, khiến không ai nghe rõ được.
Mọi người hỏi nhau, "Người này là ai?" Không ai biết cả.
Người vợ đứng khựng lại, như một pho tượng bị đóng băng. Thoạt đầu bà ta lấy làm lạ và khó hiểu, rồi chuyển sang nghi ngờ, mắt bà ta nhìn trừng trừng người thiếu phụ trẻ đẹp mà bà ta chưa bao giờ trông thấy, và chưa nghe chồng nhắc đến. Bà ta phỏng đoán là con điếm tại Thượng Hải mà chồng bà đang sống chung. Bà ta hỏi dò vài người. Không ai biết gì, vì mặt Mẫu Đơn gần như che kín. Con tình nhân này dám trường mặt ra trước công chúng, và khóc trước quan tài của chồng bà! Bà bừng bừng nổi giận.
Mắt toé lửa, bà ta bước lại gần người thiếu phụ đang gào khóc vẫn còn ngồi dưới đất, ôm lấy chiếc quan tài. Bà ta hỏi:
- Cô là ai?
Mẫu Đơn ngẩng lên. Nàng không biết trả lời thế nào. Qua đôi mắt mờ lệ, nàng trông thấy một khuôn mặt trắng bôi phấn đang hét to, cúi xuống nhìn nàng. Trước khi nàng kịp trả lời, một cái tát thẳng cánh vào mặt nàng, khiến nàng bừng tỉnh. Mẫu Đơn giơ tay gạt một cái tát nữa.
Người vợ hét lên, "Sao mày dám làm vậy! Bước ra khỏi đây ngay!" Mọi người túm lại gần, kinh ngạc trước sự việc xảy ra. Mẫu Đơn đứng dậy và định chạy đi, nhưng người vợ đã nắm được cổ áo nàng; cơn giận của bản năng đã chế nhạo cái bề ngoài thanh nhã của một người vợ. Một người đàn ông trong họ cố gỡ hai người ra, bắt buộc bà vợ phải buông tay. Vẫn còn quát mắng và thở hổn hển, bà ta ném ra một tràng thổ ngữ Tô Châu tục tằn:
"Quân khốn nạn! Mày là con đượi lộn giống! Con đĩ ăn cắp tim người đáng sa xuống mười tám tầng địa ngục! Coi chừng quỷ sứ sẽ rạch bụng mày ra làm hai..." Những tiếng chửi tục vốn là đặc điểm của thổ ngữ Tô Châu. Bà ta có lẽ sẽ xõa tóc ra nếu một người đàn ông không vội vàng dẫn Mẫu Đơn ra ngoài. Người vợ dậm chân và nhổ nước miếng xuống chỗ Mẫu Đơn vừa quỳ, và chỗ quan tài chồng nơi bàn tay của Mẫu Đơn vừa ôm. Mẫu Đơn hai tay ôm đầu, vội vàng chạy ra ngoài đường.
Tang lễ bị gián đoạn mất hai mươi phút. Người vợ không chịu nghe lời khuyên phải tiếp tục nghi lễ, và một người khác phải thế chỗ bà ta tại đầu quan tài. Người ta xác nhận rằng bà vợ Tần Châu không còn khóc lóc chồng nữa, kể từ giây phút ấy; buổi chiều bà ta không xuất hiện trong tang lễ.
Tuyệt Tình Ca
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32