Chương 5
Tác giả: Nguyễn Vạn Lý
Mạnh Giao trở lại Hàng Châu vào đầu tháng Chín. Chàng đi Phúc Châu bằng thuyền, rồi bằng ngựa, đi qua những ngọn núi đẹp nhất mà lần đầu chàng được thấy. Mãi đến cuối tháng Tám chàng mới làm xong nhiệm vụ tại Viện Hải Quân. Để tới Hàng Châu vào tháng Chín như chàng đã hứa với Mẫu Đơn, chàng phải đi đường biển - mặc dù chàng rất ghét biển cả.
Hôm nay có một sự hồ hởi sôi nổi trong gia đình Mẫu Đơn. Người goá phụ trẻ đã trở lại Hàng Châu một tuần lễ trước cùng với mẹ. Bà mẹ đã đích thân tới nhà chồng đem con gái về, theo lời yêu cầu của Mẫu Đơn. Bà mẹ bao giờ cũng thiên vị Mẫu Đơn. Bà muốn con gái được tự do, thoát khỏi mọi ràng buộc. Bà không muốn con gái chịu đau khổ trong nhà họ Phí. Việc này đã gây nên nhiều ác cảm trong nhà họ Phí; ngay cả ông bố nàng cũng hốt hoảng vì việc này. Nhưng bà mẹ đã tranh đấu và đã thắng, và đã đi đến sự dàn xếp cuối cùng. Tuy Mẫu Đơn đem theo tất cả những vật dụng riêng tư về nhà, nhưng hai nhà đã đồng ý cho người ngoài biết rằng nàng chỉ về thăm nhà trong một thời gian để nghỉ ngơi thôi. Ngày nàng ra đi, không một người nào trong nhà họ Phí tiễn đưa; hành lý của nàng được gia nhân nhà họ Phí mang xuống thuyền.
Quan Hàn Lâm nghỉ tại nhà họ Tô; đêm nay ông bà Tô mở tiệc khoản đãi ăn mừng sự trở về của quan Hàn Lâm. Đây là một cuộc họp mặt gia đình, nên không mời khách khứa. Chính Mạnh Giao muốn tránh những cuộc tiếp tân và những đại tiệc mà chàng rất không thích. Việc làm đầu tiên khi tới nơi là chàng ghé thăm gia đình Mẫu Đơn. Nàng đã báo cho cha mẹ biết Mạnh Giao đề nghị đưa nàng đi Bắc Kinh. Ông bố khá bối rối về tin này, cũng như bực mình khi con gái từ chối không chịu ở lại nhà họ Phí làm một góa phụ, đúng theo truyền thống tốt đẹp nhất. Theo ông thì hành động của con gái không chính đáng, và ông đề nghị rằng nếu Mẫu Đơn đi Bắc Kinh thì Hải Đường cũng phải đi theo. Ông nói dẫu sao quan Hàn Lâm cũng là một người độc thân và không có đàn bà khác trong nhà. Hải Đường vô cùng sung sướng được đi Bắc Kinh. Vì thế trong nhà lúc nào cũng hào hứng khích động và bàn tán nhiều; mọi người nghĩ rằng vấn đề này sẽ được nêu ra trong bữa ăn tối.
Mẫu Đơn rất sung sướng trước một khúc quanh mới trong đời nàng. Tuy Mạnh Giao rất xã giao bề ngoài và không nói nhiều trong lần viếng thăm hôm trước, nhưng nàng cảm thấy bồi hồi khi chàng trở lại vào đúng đầu tháng Chín, như chàng đã hứa. Chàng đã viết cho nàng hai lá thư rất tha thiết từ Phúc Châu, và nàng tin tưởng tình yêu của chàng.
Hải Đường nhắc nhở nàng bằng cái giọng nói êm dịu cố hữu, "Chị phải sửa soạn đi. Chị sung sướng cái gì thế?" Thời tiết mỗi lúc một lạnh hơn, và Mẫu Đơn lê dép lang thang trong nhà, tay cầm chiếc đập ruồi, đi tìm những con ruồi cuối cùng của mùa hạ. Trong cơn ham đuổi một con ruồi khéo lẩn tránh, nàng sảng khoái la lên:
- Bởi vì chị được tự do, tự do, tự do! Em có biết điều ấy có nghĩa là gì với chị không?
Không thèm để ý đến lời nói của chị, Hải Đường hỏi:
- Chị mặc áo nào? Em nghĩ tốt hơn là chị mặc áo trắng, cho phải phép. Chị đang phải để tang và chúng ta không muốn người khác bàn tán.
- Em nghĩ là người ta sẽ dị nghị ư?
- Chúng ta sợ quan Hàn Lâm có thể nghĩ chị không hiểu biết.
Nàng mỉm cười, "Chàng hiểu mà." Ngay lúc nàng sắp tắm rửa và sửa soạn đi ăn tối, thì Bạch Huệ bất thần xuất hiện.
- Bạch Huệ!
Mẫu Đơn sung sướng reo lên một cách hào hứng. Hai người không gặp nhau hơn một năm rồi. Bạch Huệ là người bạn thân nhất của nàng, và từ Đông Lục tới thăm; vợ chồng nàng có một căn nhà trên núi rất nên thơ. Nàng đến đây hôm nay chỉ để thăm Mẫu Đơn.
Mắt hai người bạn gái nhìn nhau, rất chú tâm quan sát nhau. Không bao giờ có hai tính khí giống nhau như thế; giữa hai người không có sự bí mật riêng tư. Mẫu Đơn rất yêu quí bạn - yêu quí tinh thần, sự thông minh mau lẹ và cung cách duyên dáng của bạn. Nàng sung sướng thấy Bạch Huệ có được một người chồng như Như Thủy. Về một khía cạnh thì Bạch Huệ bừa bãi, thơ mộng lãng mạn và bất cần đời hơn Mẫu Đơn. Mẫu Đơn đã từng mơ ước rằng nàng cũng tìm được một người đàn ông hiểu nàng, chấp nhận nàng và tình yêu của nàng, giống như Như Thủy yêu Bạch Huệ.
Bạch Huệ gầy hơn Mẫu Đơn. Nàng thường thay đổi kiểu tóc. Bây giờ nàng theo kiểu tóc chải bồng như những thiếu nữ du học Nhật Bản. Nàng mặc quần bó, một việc cha mẹ Mẫu Đơn cho là gai mắt. Tất cả đàn bà có chồng trong giai cấp của họ đều mặc váy. Nhưng Như Thủy chấp thuận và ưa thích loại quần bó của vợ.
Giọng của Bạch Huệ rất dịu dàng, "Thế là chị tự do rồi! Con quỷ này!" Hải Đường lặng lẽ quan sát hai người. Mẫu Đơn trả lời:
- Phải, tự do rồi. Tôi về thăm mẹ; nhưng sẽ không trở lại nhà chồng nữa. Có một điều chị chưa biết là tôi sẽ đi Bắc Kinh.
Hải Đường nói theo, "Đúng thế, em cũng đi nữa." Bạch Huệ trợn mắt ngạc nhiên. "Khoan đã, tôi không nghe hai người cùng nói một lượt." - Quan Lương Hàn Lâm, anh họ tôi, hiện ở đây. Chị còn nhớ ông ta không? Chúng tôi sẽ đi Bắc Kinh với ông ta.
Bạch Huệ nhìn hai chị em đang hớn hở, và nói, "Tôi thèm được như các bạn. Tôi chắc ông ta sẽ tìm chồng cho hai chị em. Chừng nào đI?" - Chúng tôi cũng chưa biết chắc. Tối nay chúng tôi đi ăn tại nhà Tô thúc thúc. Có lẽ chúng tôi sẽ phải đi ngay.
Bạch Huệ quay lưng ra về, và nói với Mẫu Đơn, "Này, tôi phải nói chuyện với chị vài phút." Hai người bước ra khỏi cổng. Hải Đường không ngạc nhiên. Nàng đoán là có chuyện liên quan tới Tần Châu, nhưng nàng không bao giờ hỏi.
Khi chỉ còn có hai người, Bạch Huệ nắm tay Mẫu Đơn, và hai người lững thững bước xuống lối đi.
- Tần Châu hiện có mặt ở đây. Anh ta muốn tôi cho chị biết. Hai người định làm trò gì nữa đây? Anh ta nói muốn gặp chị ngày mai. Tôi có cảm tưởng anh ta mập mờ cho tôi biết anh ta sẽ xin thuyên chuyển về Hàng Châu và sống tại đây. Chị có gặp anh ta không?
- Dĩ nhiên là có chứ. Chị bảo anh ta tôi sẽ tới. Ngày mai.
Gia đình Mẫu Đơn chưa tới. Nhà họ Tô ở giữa thành phố, cách nhà Mẫu Đơn chừng mười phút đi bộ; bức tường chung quanh nhà cao tới mười thước; đây là hoa? tường, có mục đích ngăn chặn không cho những đám cháy lan ra. Nhiều nhà xây tường cao như thế tại những phố xá đông đúc có mật độ dân chúng quá cao.
Ông Tô đã ngoài sáu mươi tuổi; ông có khuôn mặt dài và bộ râu màu vàng tái. Ông đã về hưu hưởng tuổi già và giao cho con trai điều khiển công việc làm ăn tại Kinh Hạ. Ông cực kỳ hãnh diện vì quan Hàn Lâm, người cháu của vợ. Tuy ông họ Tô, nhưng ông cảm thấy hãnh diện được có liên hệ với Lương Mạnh Giao.
- Cháu phải cho họ hàng cơ hội ăn mừng cháu. Lần trước cháu đi ngang qua Hàng Châu, người ta trách chú không cho họ biết. Dẫu sao cháu cũng ít khi về thăm quê nhà, và họ hàng rất hãnh diện vì cháu.
- Cháu xin chấp nhận nhã ý của họ hàng. Cháu về đây không phải vì công vụ, và cháu không nên dự đại tiệc, và chỉ nên âm thầm trong gia đình thôi. Dĩ nhiên, cũng có Nghi thân vương, quan Tuần vũ ở đây. Ông ta là bạn cũ và ngày mai cháu phải tới thăm ông ta. Còn người trong họ, cháu rất vui lòng gặp.
- Thế thì mừng quá. Họ hàng thực lòng lắm. Cho chú vài ngày sửa soạn. Cháu không phải về Bắc Kinh gấp chứ?
- Dạ không. Công việc của chú thế nào?
- Con trai chú trông nom. Có năm khá có năm không khá. Nhưng chú cũng có đủ để sống rồi.
Ông trả lời xong, hoan hỉ vuốt râu. Đúng lúc đó bà Tô bước vào phòng khách. Bà có vầng trán cao và mắt xanh của nhà họ Lương. Bà đơn sơ nhưng ăn mặc sang trọng trong chiếc áo choàng đen không đeo nữ trang. Bà chống một cây gậy, và thân thể hơi lúc lắc khi bà bước đi với hai bàn chân bó nhỏ xinh sắn.
Bà Tô nhìn đồng hồ và nói, "Khách phải tới rồi mới phải." Bà ngồi xuống ghế ngả lưng vào một cái gối tựa màu lam ngọc. Bà lên tiếng hỏi Mạnh Giao:
- Bao giờ cháu ra thăm mộ mẹ? Dì già quá rồi; nếu không dì sẽ đi với cháu. Đã ba bốn năm dì chưa ra viếng mộ mẹ cháu.
- Cháu định thăm mộ ngay.
- Và cháu nữa. Đạo hiếu không phải chỉ là hy sinh. Nếu cháu yêu mẹ cháu, thì cháu phải có vợ và nàng hầu để tiếp tục hương khói. Dì đã có hai cháu nội rồi, và tương lai của dì được bảo đảm. Cháu phải nghĩ đến việc này một cách nghiêm chỉnh mới được.
Mạnh Giao trả lời một cách vui vẻ, "Cháu biết, cháu biết. Các mệnh phụ tại Bắc Kinh cũng bảo cháu như vậy. Đàn bà chẳng còn việc gì khác ngoài việc này hay sao? Cho tới nay, cháu vẫn thoát được âm mưu của họ." Bà Tô chỉ một ngón tay cảnh cáo, "Đừng có tưởng là khôn. Cháu sẽ hối tiếc đấy. Tại sao cháu sợ hôn nhân thế? Có phải đàn bà đều là ma cà rồng thèm hút máu cháu hay sao?" - Dì đừng nói như thế. Quan Đại học sĩ Trương muốn làm mai cho cháu. Điều không may là mọi người làm mai chỉ muốn cháu lấy con gái quan thừa tướng thôi, hoặc là cái mà họ gọi là thiên kim tiểu thư. Cháu là một hàn lâm, vì thế chỉ có con gái nhà giầu mới môn đăng hộ đối. Luôn luôn họ nhắc tới "môn hộ." Thực tình cháu hoảng sợ. Nếu có một giai cấp con người mà cháu không thể nào chịu đựng được, thì đó là loại hợm hĩnh - những người bất ngờ trở nên giầu có, hoặc cha mẹ giầu, và bản thân họ chẳng làm được gì, nhưng vẫn lên mặt ta đây. Có những người nghèo tồi tệ, nhưng cháu cũng thấy quanh mình nhiều người giầu tồi tệ.
Tiểu Nhã, đứa cháu nội năm tuổi sống với bà Tô, hý hửng chạy vào báo tin khách đã tới. Người ta nghe thấy giọng nói trẻ trung của chị em Mẫu Đơn từ hoa viên ngoài. Thằng bé vội chạy ra nhập bọn với khách.
Ông bà Lương bước vào, theo sau là Mẫu Đơn, Hải Đường và thằng bé. Bà Tô đứng dậy đón khách. Tất cả đều tự nhiên thân mật. Ông Lương bước lại chỗ Mạnh Giao và ông Tô đang nói chuyện. Hải Đường bước vào trong bếp. Hải Đường là cô cháu gái ưa thích nhất của bà Tô, cũng như của cha nàng. Trong mấy năm vừa qua, vì Mẫu Đơn không có nhà, nàng đến thăm bà cô luôn. Bà Tô rất thích sự trầm tĩnh đáng yêu và nhân cách lặng lẽ của nàng. Bà nói đùa rằng bà chỉ có con trai nên coi Hải Đường là con gái. Hải Đường tới nhà bà tự nhiên như là nhà nàng vậy.
Mẫu Đơn ngồi bên bà Tô và mẹ nàng. Nàng hơi căng thẳng và bận tâm đến việc gặp gỡ Tần Châu ngày hôm sau. Rồi Hải Đường từ trong bước ra, bưng một tô lớn có nắp đậy; thằng Tiểu Nhã nhảy nhót theo sau.
Bà Tô nói, "Con hãy để đầy tớ nó bưng cho." Hải Đường thông báo, "Nào, xin mời dùng. Đây là vịt hấp." Bữa ăn rất thân mật. Đầy tớ ra hầu, nhưng Hải Đường tự mình trông coi việc sắp ghế và đặt đũa vào đúng chỗ. Tiểu Nhã lúc nào cũng kè kè bên cạnh nàng, làm nàng vướng víu. Nàng rầy thằng bé:
- Ngồi xuống chỗ kia.
Khi mọi ngưòi yên vị rồi, bà Tô lên tiếng, "Tôi ước gì có được một đứa con gái như Hải Đường." Tiểu Nhã la to, "Bà nội có rồi mà!" Hải Đường lấy tay chặn môi thằng bé và nói, "Im lặng! Đừng nói to quá thế." Hiển nhiên là thằng bé được ông bà nội cưng chiều quá đáng.
Bà Tô chắc lưỡi và nói với mẹ Mẫu Đơn, "Thật là hạnh phúc khi có con cái quanh mình. Chắc chị rất sung sướng đem được Mẫu Đơn về." Hải Đường rất bận rộn coi sóc đồ ăn và rót rượu. Nàng trắng xanh hơn Mẫu Đơn, với đôi mắt nai dịu dàng.
Nàng giống chị Ở cái mũi nhọn, cằm cân đối và khuôn mặt trái soan; nhưng trong khi Hải Đường chỉ xinh sắn thì Mẫu Đơn rất đẹp. Mẫu Đơn có một vẻ mơ màng, và mắt có những tia sáng bất thường khiến nàng đẹp não nùng và không thể quên được.
Mẹ Mẫu Đơn trả lời, "Dĩ nhiên rồi. Tôi rất mừng Mẫu Đơn được trở về nhà. Tôi đã hứa sẽ không cho ai biết nó rời bỏ gia đình chồng vĩnh viễn. Chúng tôi sẽ cho người ta biết dần dần." Cha nàng nói với Mạnh Giao, "Con gái tôi thật là bất thường. Tôi không chấp thuận việc này. Nhưng đàn bà bao giờ cũng thắng. Cháu có nghĩ là hàng xóm và mọi người sẽ nghĩ xấu không? Đáng lẽ nó phải chờ thêm ít nhất một năm nữa." Cha nàng từ nhiều năm vẫn là một viên chức ngân hàng chăm chỉ, tín cẩn và đàng hoàng. Bằng sự cần kiệm, ông đã dành dụm được đủ tiền mua nhà riêng; ông đã hy sinh rất nhiều cho gia đình, và muốn được con cái kính trọng. Nhưng bây giờ, khi con gái lớn khôn, ông chỉ thấy Mẫu Đơn tiếp tục gây khó khăn cho ông.
Vợ Ông đã phải đi đem Mẫu Đơn về nhà, trái với ý muốn của ông. Rồi khi về tới nhà, Mẫu Đơn đã khoái trí la hét, "Ba ơi, con tự do rồi!" và liền sau đó nàng cho biết sẽ đi Bắc Kinh với người anh họ. Từ thuở thơ ấu, Mẫu Đơn luôn luôn quyết định trước làm bất cứ cái gì nàng muốn, dù ông bố thích hay không. Ông rất lo ngại quan Hàn Lâm nghĩ rằng ông không trừng phạt hành động sai trái và sự coi thường tập tục xã hội. Mẫu Đơn nhìn cha rồi nhìn Mạnh Giao. Nàng có thể thấy thái độ của cha nàng rất kính trọng Mạnh Giao; ông sẽ chấp nhận bất cứ điều gì ông hàn lâm nói.
Mạnh Giao nói với ông, "Thưa chú, cháu nghĩ chú rất đúng khi nói rằng hàng xóm có thể nghĩ xấu. Nhưng nếu chú nghĩ con gái chú có hạnh phúc không khi ở lại trong nhà chồng mà cô ấy không yêu thích, thì lại là chuyện khác. Cháu nghĩ hạnh phúc của cô ấy mới là điều quan trọng. Dẫu sao, người ta chỉ có một đời để sống." - Dĩ nhiên tôi nghĩ như thế.
- Hôm qua thím cho cháu biết rằng chú quyết định không cho người ngoài biết chuyện này. Và nếu người ta không biết thì người ta sẽ không nói gì. Vì thế chú không có lý do để lo ngại.
Mẫu Đơn cố nén một nụ cười.
Bà mẹ chắc hồi còn trẻ đẹp lắm. Bà ta nói thêm, "Việc hôn nhân của nó là một sự sai lầm. Mẫu Đơn đau khổ lắm. Bây giờ chồng nó chết rồi, tôi sẽ không hy sinh hạnh phúc của con tôi để giúp nhà họ Phí sung sướng." Bà Tô nhìn cha mẹ Mẫu Đơn và giấu một nụ cười.
Uống rượu một lát rồi, ông Tô đề nghị uống rượu mừng Mạnh Giao. Mọi người cảm thấy hân hoan, rồi câu chuyện chuyển sang vấn đề hai chị em đi Bắc Kinh. Tất cả đều đồng ý rằng nếu Mẫu Đơn nhất định đi, thì cả hai chị em cùng nên đI.
Hải Đường đứng dậy, cầm một tách rượu. Trong cái phong cách lặng lẽ nhưng khoan thai, nàng thong thả nói, "Chúc mừng đại ca! Thật may mắn bất ngờ cho chị em chúng em! Để em đề nghị thế này:
Nếu đại ca không chê chúng em bất xứng, xin đại ca nhận chúng em là môn đệ." Từ đầu Mẫu Đơn vẫn im lặng. Nàng đứng dậy cùng em gái chúc rượu Mạnh Giao. Trong gia đình, Mạnh Giao được gọi là Đại ca. Nàng nói, "Đại ca, hãy nói cho mọi người biết về công việc của đại ca, hoặc nói về Bắc Kinh đI." Tất cả đều có vẻ muốn nghe.
- Tôi không biết bắt đầu ở chỗ nào.
Hải Đường gợi ý, "Hãy nói về triều đình, hoặc Từ Hy Thái Hậu, hoặc bất cứ chuyện gì." Ông Tô nói thêm, "Hãy nói về triều đình." Gân máu nổi lên hai bên thái dương Mạnh Giao, nhưng mặt chàng không đỏ vì rượu. Chàng thong thả mỉm cười và nói:
- Triều đình hả? Thực là bê bối.
Bà Tô hỏi, "Cháu nói thế nghĩa là gì?" - Đó là vấn đề nhân cách. Hãy lấy Viện Hải quân Phúc Châu làm thí dụ. Trong đó đầy những người nhà của ông này ông kia quan trọng tại Bắc Kinh. Và nói chung thì chỗ nào cũng vậy. Cháu nghĩ chúng ta không thể xây dựng được một hải quân tân tiến. Khi chiến tranh xảy ra, hải quân của chúng ta không thể cầm cự được ba mươi phút.
Rồi chàng nói về viên tổng đốc Lưỡng Quảng Diệp Danh Thám đã đưa ra sáu nguyên tắc để chống lại quân Pháp bằng hai câu thơ:
Ta không tấn công, không phòng vệ, không cầu hoà; Không tử chiến, không đầu hàng và không đào tẩu.
Hai câu thơ "sáu không" của ông ta thực là đáng thưởng huy chương. Cả nhà đều phì cười về mẩu chuyện này. Ông Tô hỏi:
- Thế còn Hoàng Đế thì sao?
- Cháu không muốn bất cứ điều gì nói ở đây đi ra ngoài cửa. Hoàng đế thực là anh minh. Đối với chúng ta ngài là Hoàng Đế, nhưng ở trong hoàng cung ngài chỉ là cháu của Thái Hậu. Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bản may mắn hơn. Ông ta không có một bà cô già ngu dốt ngăn cản. Minh Trị và hoàng thân Ito là những người xuất chúng, và hai người đã thành công cải cách được quốc gia.
Bà Tô nói, "Hãy nói về quan Đại học sĩ Trương Chi Đông và Lý Hồng Chương." - Dĩ nhiên cháu sẽ thiên vị cho cấp trên của cháu. Trong triều luôn luôn có sự tranh chấp về nhân sự. Cả hai vị là những vĩ nhân. Nhưng tiếc thay Lý Hồng Chương hiện đang nổi bật. Mọi người chắc nghe nói về những cải cách - hầm mỏ, đường xe lửa vân vân. Họ Lý dính dấp về tài chánh rất nhiều trong tất cả những cải cách này. Công ty Hàng Hải Trung Hoa là một thí dụ xấu xa nhất.
- Còn Trương Đại Học sĩ?
- Ông ta là một vĩ nhân - một người có viễn kiến. Ông nghĩ rằng Trung Hoa phải mau lẹ học hỏi Tây phương nếu không sẽ tàn bại. Ông đang tính khởi sự một phong trào gọi là "Sức Mạnh Qua Sự Học." Những người có thể học hỏi sẽ mạnh mẽ, những kẻ từ chối học hỏi sẽ già cổ và bị đào thải.
Hải Đường hỏi, "Đại ca làm gì cho Trương Đại Học sĩ?" - Là tân khách. Tôi không phải là nhân viên thuộc cấp của ông ta, nhưng tôi được mời đến như một người bạn hoặc một người khách trong tư dinh của ông ta. Chắc cô biết những người cố vấn. Tôi không có giờ trong văn phòng, không có một bổn phận rõ ràng. Chúng tôi bàn thảo các vấn đề, chính sách khi có chuyện xảy ra.
Lương Mạnh Giao một thời làm cố vấn cho một tướng quân tại miền tây bắc. Trương Chi Đông một lần trông thấy bản biểu tấu do chàng soạn thảo cho viên tướng và rất cảm phục bản biểu tấu. Viên tướng bị thất trận liên miên trước quân phiến loạn. Viên tướng viết, "Chúng tôi tiếp tục chiến đấu, và luôn luôn thất trận." Lương Mạnh Giao cầm cây bút và đảo ngược lại như sau:
"Chúng tôi luôn luôn thất trận, nhưng luôn luôn tiếp tục chiến đấu." Trương Chi Đông liền "mượn" họ Lương từ viên tướng và không bao giờ trả lại, và cũng không có ý định như vậy. Đã từng có rất nhiều tân khách cố vấn nổi tiếng. Khi họ làm việc cho một quan tổng đốc, viên tổng đốc thành công; khi họ bỏ đi, viên tổng đốc thất bại. Ngoài việc thảo biểu tấu cho triều đình, họ giúp nghiên cứu những cuộc khủng hoảng và vấn đề khó khăn, và soạn thảo chính sách.
Công việc của họ đòi hỏi phải có sự minh mẫn, phản ứng mau lẹ và mới mẻ, trong khi đám thư lại thì chần chừ lúng túng theo hệ thống quan lại.
Sau bữa ăn tối, mọi người ngồi quanh trong phòng khách. Ông Tô lại đề cập tới vấn đề tiếp đón người trong họ.
- Để cháu coi. Viên chức duy nhất cháu muốn gặp là Nghi thân vương, quan Tuần Vũ tại đây. Cháu quen biết ông ta từ Bắc Kinh. Cháu sẽ đi thăm ông ta ngày mai.
Bà Tô hỏi, "Cháu có chắc y phục của cháu sẵn sàng cho cuộc viếng thăm chưa?" - Chỉ là một cuộc viếng thăm cá nhân thôi mà.
- Tuy thế dì nghĩ cháu phải mặc phẩm phục khi đến thăm ông ta tại nha môn.
- Cháu cũng nghĩ vậy. Không biết quần áo giặt lấy về chưa?
- Dì sợ rằng chưa lấy về đâu. Dì xin lỗi - dì không biết cháu đi thăm ông ta ngày mai. Để dì coi lại xem sao.
- Dì thấy không, thiếu Đinh má thì cháu thực là lôi thôi.
Mẫu Đơn vội hỏi, "Đinh má đâu?" - Bà ta trở về nông trại rồi. Bà ta muốn về hưu, bây giờ bà ta ở Hàng Châu.
- Bà ta không đi Bắc Kinh với chúng ta hay sao?
- Không. Bà ta đã phải săn sóc tôi bao nhiêu năm rồi. Tôi biếu bà ta ba trăm quan.
Bà Tô bỏ đi và Hải Đường đi theo. Một lát hai người trở lại mang theo một chiếc áo choàng và một chiếc áo chẽn. Hải Đường nói:
- Đại ca, mặc thử coi. Mọi người muốn coi đại ca thế nào trong phẩm phục.
Mạnh Giao vui vẻ, "Đấy, mọi người chăm sóc cho tôi chu đáo quá!" Bà Tô coi lại chiếc áo choàng lụa và thấy rằng cần phải ủi. Bà ta nói, "Coi này. Thiếu một cái nút áo dưới nách. Tôi không nghĩ Đinh má là một người nội trợ giỏi." - Không phải lỗi bà ta đâu. Cháu nhớ cháu mất cái nút áo ấy hồi ở Phúc Châu. Nhưng không sao, nếu mặc áo chẽn bên ngoài thì không ai thấy.
Hải Đường phản đối, "Nếu quan Tuần Vũ bảo đại ca tự nhiên như ở nhà, và nếu đại ca cởi áo chẽn ra thì sao? Em có thể đính cái nút áo ấy ngay bây giờ. Một môn đệ thường phải mang quà mừng sư phụ. Để em làm việc này cho đại ca." Nàng đi mượn kim chỉ. Trong lúc mọi người tiếp tục nói chuyện, nàng ngồi ở trong phòng ăn, bên cạnh ngọn đèn và khâu chiếc nút áo. Trước hết nàng làm vải viền và cái nút cài thật là vừa vặn, rồi nàng đem chiếc áo đi ủi. Khoảng hai mươi phút sau, nàng làm xong và bước ra với mọi người.
- Đây, sẵn sàng rồi.
Bà Tô nói với Mạnh Giao, "Mạnh Giao, việc này dạy con một bài học về cái ý nghĩ làm người độc thân và sống không có vợ trong nhà!"