Chương 26
Tác giả: Nguyễn Vạn Lý
Mạnh Giao và Hải Đường ở trong khách sạn Bồng Lai tại Dương Châu, một khách sạn sang trọng trong một khu hoa viên mênh mông. Trời nóng đến không thể ngủ được, và cũng tại những âm thanh của đàn sáo vang lên từ hoa viên suốt đêm. Lẳng lặng không cho ai biết, hai người đi Cao Vũ bằng thuyền, vì Mạnh Giao đồng ý với vợ rằng đi thuyền thì thoải mái hơn đi bằng kiệu. Hải Đường muốn đi theo để nói chuyện với ông bà Vương và muốn nhìn thấy nơi ở của Mẫu Đơn. Nàng chưa bao giờ ngờ rằng nàng yêu thương người chị đến thế! Tâm trí nàng lúc thì sợ hãi kinh hoàng lúc thì hy vọng rằng khi tới nơi Mẫu Đơn đã an toàn trở về rồi. Mấy lần nàng hỏi Mạnh Giao:
- Nếu chúng ta thấy Mẫu Đơn tại nhà ông bà Vương thì sao?
- Anh cũng muốn thế, nhưng anh không hy vọng như vậy.
- Chúng ta sẽ nói gì nếu chúng ta gặp chị ấy? Chị ấy thực sự tự ý biến mất rồi lại trở về.
- Khó có thể xảy ra lắm. Chúng ta sẽ biết ngay.
Chiếc khoái thuyền mỗi giờ chạy được ba dậm do bốn người lực lưỡng chèo. Mạnh Giao hứa thưởng hậu nếu họ tới nơi trước lúc mặt trời lặn. Chiếc thuyền nhẹ phóng đi, vượt qua hết thuyền này đến thuyền khác, nhiều lúc gần như đâm vào thuyền khác trên con sông đầy thuyền bè. Thân mình bốn người chèo thuyền bóng loáng dưới ánh nắng. Hải Đường hoảng sợ mỗi khi thấy một chiếc thuyền khác xông thẳng vào thuyền của nàng, nhưng mấy người chèo thuyền tài tình tránh được. Nàng kêu lên khi chiếc khoái thuyền suýt đụng vào một thuyền tam bản:
- Cẩn thận!
Một người trẻ nhất lên tiếng, "Xin bà đừng sợ. Bà muốn tới nơi trước lúc mặt trời lặn phải không?" Mạnh Giao có vẻ buồn rầu và mải suy tư. Chàng không nói nhiều trong chuyến đi. Sự có thể gặp lại Mẫu Đơn nhắc nhở chàng sự chia tay của hai người. Tâm trí chàng trở lại với những ngày đầu tiên gặp Mẫu Đơn trên thuyền gần Thái Hồ, khi mà bỗng nhiên tất cả những gì chàng trông thấy đều mang một ý nghĩa mới, và chàng đã dấn vào một cuộc tình thất bại. Tiếng vang của mối tình tan vỡ ấy vẫn còn và cuộc đời không bao giờ như trước nữa. Ngay bây giờ khi chàng nhìn những người chèo thuyền cởi trần, chàng nghĩ tới Phùng Nam Đạt, người võ sĩ, và biết chàng đã từng đắm đuối say mê Mẫu Đơn như thế nào. Hải Đường trông thấy cái nhìn xa xôi trong mắt chàng. Khi nào chàng như thế, nàng để chàng một mình.
Con thuyền dường như bay trên mặt nước, xuyên thẳng vào sóng nước như một mũi tên. Chẳng mấy chốc họ đã bỏ lại Dương Châu ở đằng sau và tới gần Phong Gia Kiều, nơi Đại Hà nhập vào khúc sông lớn. Tại đây quang cảnh nổi bật với sự thay đổi đầy màu sắc của đồi xanh và những hòn đảo um tùm cây cối.
Những cây cầu gỗ nối liền những dòng nước, và chỗ này chỗ kia những lá cờ đỏ thẫm treo cao trên những cây cột, chỉ cho biết vị trí của những quán rượu và khách điếm giữa những thôn xóm xa xa. Đây là một vùng màu sắc phong phú, cống hiến những nơi ẩn náu cho giới buôn lậu, và là con đường lẩn tránh cảnh sát thủy lộ.
Bên trên là một bàu trời màu trắng, biến đổi cái hồ thành một ánh sáng loé màu trắng. Mạnh Giao cầm dù che cho Hải Đường. Hơi nóng giảm đi nhờ hơi gió từ núi tới. Nhịp điệu đều dặn ru Hải Đường vào giấc ngủ.
Đêm trước họ không ngủ được và phải dạy sớm. Vẫn ngồi thẳng, tay để trên lòng, nàng gục cằm vào ngực như một đứa trẻ nhọc mệt. Mạnh Giao vui thích nhìn vẻ thanh thoát và cách xử sự đúng cách của vợ, ngay cả trong giấc ngủ.
Hình dáng nhìn ngiêng của nàng nổi bật trên làn nước bóng loáng, và một lần nữa chàng nhận thấy sự giống nhau của hai chị em - cùng khuôn mặt trái xoan, cùng cái mũi nhọn, cùng đôi môi và cằm khêu gợi, đầu cũng nghiêng về phía trước - ngay cả cái gáy cũng đầy đặn đẹp đẽ giống nhau. Một lần nữa Hải Đường gợi cho chàng cái nét trẻ trung ngọt ngào của Mẫu Đơn, một Mẫu Đơn đã bị tước bỏ đi cái tính khí bốc đồng nổi loạn. Hai người thực là giống nhau nhưng cũng rất khác nhau! Bây giờ, ngay trong giấc ngủ, bàn tay nàng vẫn để trên đùi, chiếc áo chẽn cài nút tới tận cổ, chiếc váy được vén cẩn thận trước khi ngồi xuống. Hải Đường tự coi là một "bà hàn lâm," và muốn cư xử như vậy; nàng không muốn làm chồng bị mất thể diện. Ở nhà, chàng chưa bao giờ trông thấy nàng nằm hớ hênh trên ghế trường kỷ, hoặc dang chân theo kiểu ngồi khêu gợi của Mẫu Đơn. Nàng hiểu biết nhiều và trí óc sáng suốt hơn Mẫu Đơn, và bao giờ cũng dịu dàng khả ái. Nàng không bao giờ ăn nói cẩu thả. Trong ngày cưới, mọi người phải công nhận sự thanh nhã ngọt ngào và nhân cách lặng lẽ của nàng, và không ngạc nhiên khi một người tự nhận độc thân Mạnh Giao đã phải lấy nàng cho bằng được. Ngay bây giờ trong lúc ngủ trưa, nàng trông hoàn toàn là một "bà hàn lâm". Nàng dường như chỉ có một mục đích sống:
làm chàng hạnh phúc và hãnh diện vì nàng.
Sự giống nhau của cái hình dáng nhìn nghiêng quả thực là lạ lùng. Hải Đường đối với chàng chính là Mẫu Đơn, một Mẫu Đơn trung thành và chân thực. Chàng không biết nàng có thực đang ngủ hay không. Chàng khẽ vuốt ve lưng nàng, và nàng mở mắt với một nụ cười, để thấy chàng đang nhìn nàng đăm đắm.
- Anh nghĩ gì thế?
- Chỉ nhìn em thôi, và khi trông nghiêng sao em giống chị em thế.
- Trời ơi, Mẫu Đơn! Anh nghĩ giờ chị ấy ở đâu?
- Anh thực tình không biết, và chỉ khi nào gặp Ngũ Đại ca mới có thể biết được. Cô ấy mất tích đã bốn năm tuần rồi. Anh sẽ ngạc nhiên thấy cô ấy trở về. Nếu cô ấy chưa trở về thì thực là hung hiểm. Vì thế, yếu tố thời gian rất là quan trọng.
Hai người ngạc nhiên khi thuyền tới được Cao Vũ vào lúc xế chiều. Họ bảo chủ thuyền chờ vì họ muốn quay trở lại Dương Châu ngày hôm sau. Họ tìm thấy nhà họ Vương ngay.
Nhà họ Vương là một căn nhà cổ xây rất bền chắc. Căn nhà này đã tồn tại từ nhiều đời rồi. Đằng sau có một hàng rào cây xanh, phân cách cái vườn rau của bà Vương. Những cửa sổ trên lầu nhìn ra cánh đồng lúa vàng. Bà Vương vừa làm xong việc nhà và đang ngồi quạt mát, ngồi tựa vào một chiếc ghế tại ngay cửa bếp để hứng gió mát. Chiếc áo mùa hạ của bà không cài hết khuy áo cho một ngày nóng nực. Thỉnh thoảng bà lau mồ hôi trên mặt. Hai cô con gái lớn của bà đã lấy chồng và bây giờ một mình bà phải quán xuyến mọi việc nhà. Hai đứa con nhỏ, một trai một gái, đang đi học, và đứa con nhỏ nhất tám tuổi ở nhà với bà.
Bỗng thằng A-Bảo chạy vào, la lớn tiếng, "Chị Mẫu Đơn đã về!" Bà Vương nhảy lên và chạy vội ra cổng để thấy một cặp vợ chồng ăn mặc sang trọng đang đứng chờ bà.
Thằng bé cười và gọi, "Chị Mẫu Đơn," và làm như muốn tới nắm lấy tay người đàn bà trẻ.
Hải Đường nói, "Tôi không phải là Mẫu Đơn. Tôi là em chị ấy." Thằng bé buông tay xuống. "Nhưng chị giống chị ấy quá. Em tưởng chị trở về với chồng." Mạnh Giao quan sát người đàn bà trung niên và vội vàng tự giới thiệu. Bà Vương rất đỗi ngạc nhiên và xin lỗi vì bề ngoài của mình. Bà nói, "Xin mời vào. Hôm nay trời nóng quá." Rồi quay lại, bà bảo thằng con trai, "Mau lên, chạy ra trường gọi cha về ngay. Nói có em của Mẫu Đơn và quan Hàn Lâm từ Bắc Kinh tới." Khăn mặt và chậu nước được đưa ra cho khách lau rửa. Họ chưa kịp rửa xong thì nhà giáo họ Vương đã bước vội vàng vào cổng. Ông chào khách một cách cuống quýt và khích động. Khách đứng dậy và hai bên vái chào nhau. Mạnh Giao giải thích:
- Tôi xin lỗi quấy rầy ông bà như thế này. Bởi vì chị của vợ tôi. Ông bà thực là tử tế giúp đỡ cô ấy.
Ông Vương vẫn chưa hoàn hồn. "Tôi chưa bao giờ mơ ước được ngài viếng thăm. Tôi nghe Mẫu Đơn nói rất nhiều về ngài, và rất thích thú được đọc những tác phẩm của ngài." Mọi người ngồi xuống, và Mạnh Giao giải thích chàng tới để xem sự thể xẩy ra như thế nào.
Nhà giáo nói một cách thong thả, với một vẻ rất trang trọng cho hoàn cảnh.
- Chuyện xảy ra ngày hai mươi tám tháng Năm. Cô ấy không về nhà như thường lệ. Chúng tôi chờ đợi suốt buổi tối. Từ trường về nhà chỉ mất mười lăm phút đi bộ, và cô ấy rời khỏi lớp học như thường lệ. Cô ấy không nói sẽ đi đâu cả. Ngày hôm sau có người nói trông thấy cô ấy ở bờ sông. Cô ấy đi từ ngoại ô thành phố ra, tại đó có một vài cửa tiệm nhỏ bên bờ sông. Về sau người ta cho chúng tôi biết có một vụ náo động ngoài đường phố. Một đám đông đứng quanh hai người đang đánh nhau. Có người trong đám đông trông thấy cô ấy bị một người gánh nước đụng phải, ướt hết cả người và ngã nằm gục xuống đường. Một thanh niên bước lại giúp, kéo cô ấy đứng dậy, và dìu cô ấy bước đi. Chúng tôi biết biến cố ấy có thể do người thanh niên dàn dựng ra. Đó là lần cuối cùng người ta trông thấy cô ấy. Chúng tôi báo cáo cho chính quyền địa phương, nhưng họ không thể nào tìm ra được mấu chốt nào. Tới nay đã hơn một tháng rồi. Tôi đã gửi vài lá thư tới Hàng Châu.
Chuyện này gây xúc động cho bà Vương. Bà nói bằng một giọng buồn rầu, "Cô ấy thực là một cô gái xinh đẹp, giống như một đứa con gái tôi. Cô ấy bao giờ cũng về nhà và không bao giờ đi chơi với một thanh niên nào. Cô ấy rất tự nhiên trong nhà chúng tôi, và rồi chuyện này xảy ra. Tôi cảm thấy có trách nhiệm với cha mẹ cô ấy." Hải Đường dịu dàng nói với bà ta, "Bà không có trách nhiệm gì. Cha mẹ tôi viết thư cho biết ông bà quá tử tế với chị ấy. Tôi muốn thay mặt cha mẹ tôi cám ơn bà. Chúng tôi tới đây ngay khi chúng tôi được tin." Mạnh Giao lên tiếng, "Ông bà chắc cũng đã nghe nói về vụ án buôn lậu năm ngoái. Xin cho biết gia đình của ông giám đốc Thuyết còn ở đây không?" - Không. Tất cả nhân viên sở Thuế Muối đều thay đổi. Gia đình ông ta dọn về An Huy ngay sau đó.
- Ông có nghĩ Mẫu Đơn có kẻ thù ở đây không?
- Làm sao cô ấy có kẻ thù được? Cô ấy không đi chơi sau giờ dạy học, và không quen biết ai cả.
- Ông có nghe gì về những người liên hệ tới vụ án không?
- Khá nhiều nhân viên sở Thuế Muối bị bắt và thẩm vấn. Một vài cô ca kỹ nữa. Tôi nghe nói chồng của Mẫu Đơn cũng có liên hệ. Nhưng tôi tin cô ấy không dính dấp vào vụ này. Thực là một bí mật đối với chúng tôi.
- Gần đây có một vụ bắt cóc nào xảy ra không?
- Không. Đã lâu lắm rồi không có một vụ bắt cóc nào.
Hải Đường hỏi thêm một câu, một câu hỏi nàng lo sợ nhất. "Tôi muốn nói tới bắt cóc con gái để đem bán làm điếm." - Không. Tại sao phải như thế? Có rất nhiều con gái do cha mẹ bán trong những năm đói. Chúng được mua rồi nuôi lớn và dạy hát. Lúc nào Dương Châu cũng cần con gái như thế.
Hải Đường thở dài trút gánh nặng, và hai vai nàng hơi gục xuống. Tối hôm đó Mạnh Giao mời ông bà Vương đi ăn tiệm. Sau khi có được tất cả tin tức mà chàng cần, hai người hết lòng cám ơn ông bà Vương, và xin lỗi họ phải trở về Dương Châu ngay sáng hôm sau.
Mạnh Giao càng đoán được người bắt Mẫu Đơn, thì chàng càng lo ngại thêm. Chàng khá bình tĩnh tại Cao Vũ. Nhưng cuộc gặp gỡ Ngũ Đại Ca, người thủ lãnh của Hồng Lục hội, hứa hẹn một sự hé mở. Lần gặp xã giao đầu tiên ở trong hoa viên của họ Ngũ bên ngoài Dương Châu. ít người có cơ hội được gặp mặt con người kỳ bí này. Mạnh Giao nhận thấy họ Ngũ là một người thẳng thắn khoảng sáu mươi tuổi, ngồi bên bàn giấy với một đống hồ sơ giấy tờ, có hai chiếc răng vàng lấp lánh. Lão có vẻ quen thuộc cách giao tế lịch sự.
Văn phòng của lão treo bút thiếp của nhiều danh gia, và trong hoa viên là một bài vị bằng đá trắng, khắc những chữ ca ngợi sự lương thiện và đức tính lịch sự, trong dịp lễ sinh nhật thứ sáu mươi mốt của lão, cùng với một danh sách dài những người nổi tiếng trong giới doanh thương và xã hội tới tỏ lòng tôn kính lão. Điều này rất dễ hiểu vì tên tuổi lão bao giờ cũng đứng hàng đầu trong những cuộc cứu trợ từ thiện và nạn đói. Những người thuộc bang hội Hồng Lục có thể không sống đúng với cái lý tưởng của "Trung Thành và Chính Trực" theo truyện Thủy Hử, những người đứng ngoài luật lệ và kết hợp với nhau để chống lại tham những và bất công của những thời kỳ có những chính quyền tham tàn, nhưng ít nhất họ cũng không quên những nguyên tắc này. Khi dân chúng hiền lành, cô thế phải tuân theo luật pháp của những kẻ bạo quyền, thì những người của sông hồ đứng lên bảo vệ họ. Cái luật lệ danh dự và màng lưới do thám của họ đã khiến chính quyền phải làm việc với họ.
Ngũ Đại ca cũng viếng thăm đáp lễ lại quan Hàn Lâm. Chức hàn lâm có một cái danh dự được mọi người công nhận. Họ Ngũ rất vinh dự được Mạnh Giao tới viếng thăm, và hứa trong vài ngày sẽ có được những tin tức cần thiết. Bây giờ họ Ngũ tới thăm Mạnh Giao, không những chỉ mang theo những tin tức hữu ích, mà còn đề nghị một sự trợ giúp quý báu.
Lão bước vào khách sạn và hỏi về quan Hàn Lâm, trong một phong cách nhã nhặn lịch sự của một người thuộc giai cấp thượng lưu. Hai người cúi gập người vái chào nhau - thực khó mà tin rằng cái ông già khoan thai ấy kiểm soát sự sống và chết của mọi người trong cái tổ chức bao trùm từ Sơn Đông tới Thượng Hải - và mỗi lời nói của lão là luật lệ phải tuân theo không thắc mắc.
Mạnh Giao dẫn lão vào phòng khách và khép cửa lại. Ngồi bên tách trà, lão thủ lãnh bang hội nói bằng một giọng mau mắn, chính xác, và thẳng thắn:
- Tôi đã sai người của tôi điều tra. Tôi được bảo đảm rằng không một người nào của chúng tôi liên can tới sự mất tích của cô em họ ngài. Mặt khác, tôi nhận được báo cáo khiến tôi nghĩ rằng có người muốn bắt cô ấy. Năm ngoái khi Đại Lý Viện phái người xuống điều tra vụ buôn lậu muối, một vài người của chúng tôi tại khách sạn và ca lâu đã giúp đỡ nhiều. Chúng tôi biết rõ vụ này. Tôi hiểu rằng cô em họ ngài là bà Phí Đình Diêm, và ông Thuyết biết rằng khi ông Phí chết, cuốn nhật ký của ông ta rơi vào tay Đại Lý Viện. Chính ông Thuyết gửi cuốn nhật ký ấy cùng với những đồ đạc khác cho bà Phí. Kết luận của việc này thực là rõ ràng.
Lão đưa cho chàng một bản ghi tên những người bị bắt và những người chịu những bản án khác nhau.
Con mắt sắc bén của lão nhìn Mạnh Giao khi chàng cúi xuống đọc tờ giấy. Lão hỏi:
- Tờ giấy này có gợi cho ngài điều gì không?
- Tôi muốn được biết tôn ý.
Chàng trả lời rất khiêm tốn. Lão thủ lãnh dường như đã tận lực điều tra kỹ lưỡng.
- Người của tôi vẫn theo dõi. Tôi cho họ biết chuyện này là mối ưu tư lớn của một người bạn quan trọng nhất của tôi.
Mạnh Giao vội đứng dậy để bày tỏ lòng biết ơn. Họ Ngũ nói tiếp:
- Tôi không biết vì sao cô em họ ngài lại trở về Cao Vũ. Từ lúc cô ấy trở về đây cho tới lúc mất tích, báo cáo cho biết cô ấy không hề giao du với ai một cách không chính đáng. Như tôi đã thưa với ngài, người của tôi vẫn cố tìm xem ai nhúng tay vào vụ này. Tôi loại bỏ gia đình ông giám đốc sở Thuế Muối, vì họ không ở đây. Tôi đặc biệt quan tâm tới vụ này, không những chỉ vì ngài ban danh dự cho tôi khi tới thăm tôi, mà vì đây đúng là một vụ mà các đồng chí "Trung Thành và Chính Trực" của tôi vẫn chống lại, sự lạm dụng quyền thế và tiền tài. Mặt khác, tôi cũng phải rất thành thực với ngài:
tôi ở vào một thế mắc kẹt. Giới buôn lậu muối và người của tôi có một sự hiểu ngầm là không xâm phạm vào lãnh vực riêng của nhau. Chắc ngài cũng biết, chúng tôi hoạt động tại vùng Đại Hà và sông Dương Tử, từ Hán Khẩu trở xuống; còn họ hoạt động tại miền duyên hải. Chúng tôi không xâm phạm lẫn nhau, và cũng không chiến đấu chống nhau. Nếu tôi biết việc này do phe họ làm thì tôi cũng không thể nào trợ giúp ngài một cách tích cực. Tôi mong muốn giữ đúng thoa? hiệp với họ. Tôi chắc ngài có phương tiện khác để tìm lại cô em họ, trong lúc tình báo của chúng tôi có thể giúp ngài những tin tức chúng tôi có.
Họ Ngũ nói một cách rõ ràng và thành khẩn, một cách để lưu lại ấn tượng lão sẽ nhớ từng lời lão nói.
Người ta được biết lời nói của lão cũng có giá trị như hành động. Lời lão nói gây phấn khởi. Mạnh Giao lập tức bày tỏ lòng biết ơn sự trợ giúp của lão. Biết được nơi giấu Mẫu Đơn là điều cần thiết đầu tiên, và sau đó chàng biết phải làm gì.
Họ Ngũ nhìn chàng chăm chú và nói, "Tôi muốn sự giúp đỡ của ngài." Mạnh Giao ngạc nhiên bật cười. "Tại sao ông có thể nói như thế! Ông đang giúp tôi mà." - Tôi biết tôi có thể tin ngài. Nhưng xin ngài đừng thở một lời cho người khác. Tôi sẽ cho ngài biết tại sao, nếu tôi được ngài tin tưởng.
Mạnh Giao trả lời ngắn và nghiêm trọng, "Ông có thể tin tôi." Họ Ngũ nhìn quanh phòng và kéo ghế lại gần, và nói bằng một giọng mỗi lúc một nhỏ hơn:
- Tôi muốn ngài làm điều này. Hãy làm theo lời tôi nói. Hãy tới thăm quan án sát. Hãy phao tin rằng Đại Lý viện sẽ mở lại vụ án buôn lậu muối năm ngoái.
Mạnh Giao nhớ lại viên ngự sử cũng đề nghị cùng một biện pháp. "Tại sao ông muốn tôi làm như vậy?" - Đừng bận tâm. Ngài hãy chuyển ý rằng ngài có quyền làm cho vụ án xử lại. Dĩ nhiên, ngài không cần phải hăm dọa công khai. Cứ nói ngài nghe thấy như thế - và theo ý kiến của ngài thì việc này có thể lắm. Ngài vừa từ Bắc Kinh tới nên sự tiết lộ của ngài hợp lý lắm. Dĩ nhiên ngài chỉ nói một cách bán chính thức thôi.
- Tại sao phải là quan án sát?
- Ông ta là bạn của tên đại thương gia muối Dương Thuận Lý. Ngài còn nhớ hắn thoát chết và chỉ bị phạt thật nặng và nhờ vài tên thư ký trong hãng của hắn chịu hình phạt thế cho hắn. Chắc chắn chỉ khoảng một năm, hắn sẽ hối lộ để mấy người này được tha, hoặc hủy bỏ bản án. Tôi biết họ Dương vẫn ham mê đàn bà và giữ một số phụ nữ xinh đẹp trong những biệt thự của hắn. Chúng tôi không can thiệp bởi vì tổ chức của tôi không chống lại hắn. Nhưng, tôi cho ngài biết đây là một hành vi xã hội không chấp nhận. Trong trường hợp này, tôi có lý do để nghĩ rằng hắn có dính tay vào.
Mạnh Giao vẫn còn thắc mắc. "Mục đích báo cho quan án sát là để làm gì?" - Tôi muốn lời đồn đãi tới tai họ Dương. Hắn rất thân cận giới chức địa phương. Hắn cần phải thế. Có thể quan án sát sẽ báo tin cho hắn như một người bạn. Ngài sẽ trở về Hàng Châu với phu nhân, phải không?
- Phải.
Mạnh Giao ngạc nhiên trước sự chính xác về tin tức của lão.
- Ngài phải hành động thật tự nhiên. Ngài làm như đi ngang qua thành phố này, và ghé thăm quan án sát vì lịch sự. Làm như tình cờ ngài cho biết đang tìm kiếm cô em họ, và xin lời khuyên của ông ta. Cao Vũ nằm trong quyền hạn của ông ta. Ngài tỏ ra biết ơn bất cứ sự trợ giúp nào của ông ta. Tôi đoán ngài sẽ ở lại đây vài ngày.
- Nếu cần thì ở bao lâu cũng được.
- Rồi tình cờ ngài nhắc lại vụ án năm ngoái, và cho biết ngài nghe thấy Đại Lý viện đang định xử lại. Nếu quan án sát không tự mình truyền tin đó cho họ Dương thì có những thư ký trong nha môn báo tin cho hắn.
- Và sau đó thì sao?
- Đấy là tất cả những gì tôi muốn ngài làm. Ngài sẽ thấy họ Dương là một người nhút nhát. Tất cả những kẻ có tiền đều thế cả. Tôi muốn đánh động để xem phản ứng của hắn. Nếu cô em họ của ngài ở trong tay hắn, hắn sẽ phải có hành động. Lúc đó chúng ta sẽ biết. Về mùa hạ, hắn sống trong hoa viên tại Bình Sơn, bên ngoài Nhị Thập Tứ Kiều. Đó là một dinh thự mênh mông. Và bên trong hoa viên, hắn sống bên trong một nội hoa viên khác có tường bao quanh. Không ai có thể vào bên trong được. Đó là lý do tại sao tôi muốn ngài làm hắn hoảng sợ.
- Tôi đã bắt đầu hiểu ý ông.
- Ngài phải chờ tin tức của tôi. Đừng lại tìm gặp tôi. Tôi sẽ gửi cho ngài những gì chúng tôi biết. Việc đầu tiên là phải biết nơi cô em họ ngài bị giam giữ.
Mạnh Giao nhìn thấy khí lực mạnh mẽ, sự can đảm và quyết định mau lẹ trên mặt họ Ngũ. Chàng cảm thấy một sự thán phục quý mến con người này, có một bề ngoài nhã nhặn và lịch thiệp.
Sau khi Mạnh Giao tiễn họ Ngũ ra cửa, và cúi mình chào từ giã, chàng quay vào phòng riêng. Hải Đường đang chờ đợi. Nàng lo lắng hỏi:
- Tin tức thế nào?
Mặt Mạnh Giao đỏ bừng và bối rối.
- Họ Ngũ nghĩ rằng chính tên thương gia muối, cái người gửi đại diện tới gặp anh tại Bắc Kinh - em nhớ không?
- Em nhớ rồi. Mẫu Đơn ở đâu?
Mạnh Giao không nghe thấy câu hỏi của nàng. Nàng phải nhắc lại:
- Mẫu Đơn ở đâu?
- Chúng ta chưa biết. Anh đang chờ tin của ông Ngũ. Ông ta là một người tuyệt vời.
Chàng có một vẻ lo lắng nặng nề khi chàng tưởng tượng Mẫu Đơn bị giam giữ trong nhà tên khốn nạn ấy.
Chàng hy vọng nàng vẫn an toàn và không bị nguy hiểm. Chàng có cảm nghĩ một cái gì sắp xảy ra, và cho vợ biết kế hoạch hành động của họ Ngũ, và chàng phải đến thăm quan án sát.
- Anh nghĩ đó là điều anh phải làm. Một khi biết được nơi Mẫu Đơn bị giam giữ, anh sẽ yêu cầu chính quyền giúp đỡ. Có lẽ anh sẽ phải gặp quan Tổng Đốc Nam Kinh. Trong khi đó chúng ta chỉ biết chờ đợi.
- Thế thì chúng ta sẽ chờ đợi vậy.
Hải Đường nhìn chồng ngồi đó, mải mê suy nghĩ. Nàng lại gần, đứng sau lưng và đặt tay lên vai chàng.
Mạnh Giao nắm chặt tay nàng. Nàng nói an ủi, "Em cũng lo lắng như anh. Chúng ta sẽ biết tin tức ngay.
Bây giờ họ Dương mới là người phải lo lắng. Em tin chắc quan Tổng Đốc sẽ giúp chúng ta." Chàng kéo nàng ngồi lên lòng. "Có lẽ em nói đúng. Trong lúc chúng ta chờ đợi tin tức, anh đề nghị chúng ta đi thăm Nhị Thập Tứ Kiều. Nghe nói cây cầu đẹp lắm - một giải đất dài một dặm có những biệt thự và hoa viên rất đẹp dọc theo con sông uốn cong." Nàng tươi cười bảo chồng, "Chiều nay anh lại thăm quan án sát đi. Ngày mai chúng ta sẽ đi thăm cầu." Chàng nồng nàn hôn vợ. "Hải Đường, em thực là tuyệt diệu. Thôi đứng dậy. Anh có việc phải làm."