watch sexy videos at nza-vids!
Truyện UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ-HỒI THỨ HAI MƯƠI BA - tác giả Nhị Nguyệt Hà Nhị Nguyệt Hà

Nhị Nguyệt Hà

HỒI THỨ HAI MƯƠI BA

Tác giả: Nhị Nguyệt Hà

M ồng sáu tháng Mười, hoàng đế Khang Hy đại giá từ Đông Trực môn đi ra khỏi thành. Vì lần thị sát này là khánh thành Ly cung Thừa Đức, lần đầu tiên triệu tập các nhà quí tộc, các bậc quân tử Mông Cổ từ đông sang tây bái yết đại lễ, di vật văn hóa lời lẽ tuyên bố cần phải đủ để "chiêu đức", vì thế tổ chức vô cùng long trọng. Bát a-ca Dận Tự vừa phụ trách bộ Hình, vừa kiêm phụ trách việc này. Mấy hôm sắp sửa chuẩn bị, ông thực là vất vả bận rộn suốt ngày đêm, mời thêm Đại a-ca đến giúp đỡ, họp cùng các quan chức bộ Lễ, Lí Phiên viện lập kế hoạch chỉ huy. Cho mãi đến lúc trống canh năm sáng sớm ngày hôm đó, tiếng chuông Cảnh Dương vang lên mới coi là xong xuôi. Các tế dân Bắc Kinh ngay từ hai ngày trước đã nhận hiến dụ của phủ Thuận Thiên, trời còn chưa sáng đã nhà nào nhà nấy hương hoa rực rỡ, trên hương án khói tỏa nghi ngút, cây bông pháo đốt âm vang khắp thành. Tuy nói là kinh thành sống cùng với thiên tử, song có dịp tận mắt chiêm ngưỡng "thánh nhan" cũng rất ít, cho nên dọc đường từ vùng miếu Quan Đế Chính Dương môn đến Đông Trực môn từ sớm đã đông nghịt, toàn là những người tới xem cảnh náo nhiệt.


Mãi đến giờ Thìn, thì nghe chuông trống cùng vang lên trên lầu canh hai phía đông tây, tiếng nhạc rộn ràng ở Thiên An môn. Mọi người mở to mắt để nhìn, Thiên An môn bên cờ quạt lọng vàng rợp trời vòng vo đi qua. Đầu tiên là năm mươi bốn chiếc hoa cái ( 30 ) , bốn chiếc cán cong chín rồng vàng tươi đi đầu Tiếp đến là hai chiếc tử chi hoa xanh, hai mươi bốn chiếc cán thẳng chín rồng, nào là thuần tím, thuần vàng đi theo sau, rầm rầm rộ rộ như con rồng vàng áp sát đất tuôn ra mãi không hết. Những người trẻ một chút thấy cảnh tượng này giương cặp mắt bâng khuâng cứ ngây ra nhìn. Những người già đã từng thấy Khang Hy ngự giá thân chinh đều quỳ dưới đất chỉ trỏ nói khẽ: Đây là quạt chữ thọ, đây là quạt đôi rồng vàng, đây là quạt đôi rồng đỏ. Kia là mười sáu tín phướn... giữ được lông, cán đầu rồng đuôi báo. Rất nhiều lá cờ rồng sinh động phấp phới trong gió nhẹ. Có lá viết giáo hiếu biểu tiết, có lá viết sáng hình giúp dạy, nào là làm phúc ban ơn, nghĩ xa ngợi công, chấn võ hưng văn, hiến ngôn nạp thiện... không sao kể hết. Dẫn dắt đi qua là hai mươi tư lá cờ Mãn, mười sáu đại kỳ Vũ Trượng đều dùng xe chở, xe chạy rầm rầm ngựa hí vang. Sát theo sau lại là bốn mươi lá cờ lớn thêu bằng vàng, trên cờ thêu các loại cầm thú tốt lành, như các loại nghi phượng, tường loan, hạc tiên, công, trĩ, kỳ lân, gấu, thiên nga vân vân. Tới đây mới nhìn thấy xe vàng hoàng đế, xe bạc thái tử đi theo mà ra. Hoàng Trưởng tử Dận Thì, hoàng Bát tử Dận Tự, hoàng Cửu tử Dận Đường, hoàng Thập tử Dận Ngã, bốn người cưỡi ngự mã tua lưới, mặc long bào áo ngắn lồng ngoài, tay ấn vào gươm ở phía trước dẫn đường. Các thị vệ mang gươm, ở bên cạnh vua: Ngạc Luân Đại, Đức Lăng Thái, Lưu Thiết Thành, Tố Luân dẫn theo bốn mươi thị vệ hạng hai hộ vệ hai bên, quây quanh xa giá từ từ mà đi. Phía sau là lính ngự lâm nhìn hút mắt không hết, tay cầm cờ ngự giá, cờ ngũ sắc, giáo mác, cung tên, gươm đao v.v... lấp lánh, óng ánh hết sức rực rỡ huy hoàng. Dân chúng đến tiễn vua lúc này phấn khởi náo nhiệt, dọc đường phố hai hàng trai gái già trẻ đều quỳ phủ phục, hô vang inh ỏi:


- Hoàng đế vạn tuế, vạn vạn tuế!


Dận Chỉ và Dận Chân hai người cùng ngồi một xe đi sau lính ngự lâm. Cả hai cùng không nói gì, chỉ nhìn ra bên ngoài qua rèm cửa sổ thấy dòng người như say như mê. Cho mãi đến khi ra khỏi Đông Trực môn, qua Tiếp Quan đình, Dận Chân mới thở một hơi dài, tựa vào sau xe, nói:


- Khó cho Bát đệ, bận cả đôi đường, lại làm được chu đáo vậy.


Dận Chỉ cười khẩy nói:


- Đây là xử sự của Đại a-ca. Đệ chớ thấy hai người cưỡi ngựa hàng ngang, mặt cười tươi như hoa, kỳ thực trong lòng đều đang tức tối. Ngay vì có chút "công lao" xếp đặt xe giá này, Đại a-ca đến chỗ huynh kể bao điều tủi thân, Bát đệ cũng nói Đại a-ca ghen với mình. Hai người đều đã đủ thấy rồi, đều là tay và chân, ý nghĩa gì đâu.


Dận Chân cảnh giác liếc Dận Chỉ một cái, không đáp lời, nhìn chằm chằm con đường cái đất vàng trước xe, im lặng không nói. Suy nghĩ của ông hướng vào Ô Tư Đạo. Nửa tháng trước ông có lệnh cho người đưa Ô đến Thừa Đức, bố trí ở trong ngôi nhà của Sư Tử viên, không biết đã đến chưa? Thị vệ của thái tử đều đã đổi, nghe nói hoàng đế tới Thừa Đức các thị vệ cạnh mình cũng phải đổi. Rõ ràng là không tín nhiệm đối với thái tử và Đại a- ca. Lúc này bao nhiêu là việc, bên mình ông không thể thiếu Ô Tư Đạo tiên sinh nhiều mưu trí. Dận Chỉ trái lại có sẵn chủ kiến muốn ở trên xe bàn bạc nghiêm túc với Dận Chân. Thấy Dận Chân lạnh nhạt như vậy, trong chốc lát cũng chưa tìm ra được điều nên nói, rất lâu mới đánh liều cười nói:


- Ngày nay tình đời thật khiến người ta than thở. Kẻ dốc sức không nịnh nọt, kẻ nịnh nọt không dốc sức, thật sự mang thực lực làm việc cho triều đình đã ai người có kết cục tốt đẹp? Khi Thi Thế Luân đi, huynh đã đưa chút ít lễ mọn, ai hay đã thành nhiều chuyện nói ra nói vào. Nực cười thay, một vị quan thanh liêm như thế, chả lẽ để ông ta cưỡi lừa đi nhậm chức ư?


Dận Chân tâm tưởng trở lại, cũng thấy trong xe không khí quá buồn tẻ, lắc mình một cái nói:


- Chà! Nói ra nói vào? Đó đều là hiểu biết của kẻ tiểu nhân. Đệ cũng đưa lộ phí!


Dận Chỉ cười nói:


- Đệ cho rằng mình tránh mặt ba nhà thì tránh khỏi xích mích? Thật không biết việc thiên hạ khó lường tính rất là nhiều. Lần trước Thập đệ tới chỗ huynh mượn cuốn "Hoàng nghiệt sư tập", đệ có biết đấy là sách cấm, bên trong đều là suy đoán triều đại xuất hiện thay thế? Huynh sợ kẻ dưới biết thì không tốt, đích thân đi đòi. Thập đệ nhoẻn miệng cười huynh:


- Lối sống hẹp hòi như Tứ ca, nghiệt ngã đến họ hàng chẳng nhận! Một cuốn sách đen có gì mà vội sợ?.


Huynh khuyên Thập đệ:


- Không nên gây căng thẳng với Tứ đệ, đệ không biết cái khó của Tứ đệ. Anh em trong nhà không thông cảm, còn ai thông cảm?


Thập đệ nói:


- Tứ ca coi là hiếu đễ trung tín ư? Hạng quân tử giả!


Nói đoạn, im miệng như là cụt hứng.


Dận Chân kinh ngạc nhìn Dận Chỉ một cái, suy đoán ý nghĩa những lời nói này, rồi hỏi:


- Huynh không hỏi Thập đệ, vì sao thấy được đệ là hạng người ấy?


Dận Chỉ cười nói:


- Kể ra vẫn là chuyện cũ. Ngày đó sơn trang nghỉ mát xây dựng xong, hoàng thượng xem tấu trình nói: "Mùa đông không rét, mùa hè không nóng, tốt, thật là thắng cảnh nghỉ mát". Thập đệ nói lúc ấy Tứ đệ cãi lại bảo: "Sơn trang Hoàng đế thật mát mẻ, dân chúng vẫn đang trong nước lụt", làm cho Đức vạn tuế không thể nhịn nhục được, đó mà là kẻ hiếu tử ư?


Việc ấy Dận Chân không chối, song lời lẽ lúc ấy uyển chuyển nhiều, không ngờ hành động nói thẳng quang minh chính đại như vậy cũng trở thành bất hiếu. Ông hừ một tiếng, răng cắn môi rồi nói:


- Đệ quả thật có làm việc ấy. Hoàng thượng lúc bấy giờ không thích, mấy hôm không thèm ngó ngàng đến đệ. Đệ cũng không buồn chán. Đệ vốn tính quái gở, có sao nói vậy. Sau này hoàng thượng còn rộng bụng, sai Trương Đình Ngọc tới chỗ đệ tuyên đọc chỉ dụ, nói đây là "trực tiếp phê bình lỗi lầm của quả nhân, được thưởng lớn", đã ban thưởng cho đệ một cái "như ý". Thập đệ tung chuyện thối này, chỉ tỏ ra mình là người vô dụng.


Dận Chỉ ngập ngừng nói:


- Thập đệ là cỗ pháo của Bát đệ, chú ấy nạp đạn là Thập đệ bắn. Lúc ấy huynh đã bác lại Thập đệ: Văn phong của đại vương và văn phong của dân gian khác nhau, đệ đã đọc "văn phú" của Tống Ngọc chưa? Tiến dâng can gián thì là bất hiếu ư? Đệ sao ngu dốt nông cạn vậy?


Dận Chân cười nói:


- Thập đệ không phải là không hiểu lẽ phải, với con mắt của Thập đệ ngoài Bát đệ ra đều là người xấu. Con người mà, đáng sợ nhất là "khẩu phật tâm xà".


Vì gió lạnh thổi vào trong khe hở của xe, Dận Chỉ khép áo khoác da báo lại cười nói:


- Tâm không sáng không ngay ngắn thì con mắt sẽ hoa vậy. Dận Ngã quả thực là như vậy. Lúc ấy Dận Ngã đã nói: "Dâng tiến lời can gián vốn là việc tốt, Tỉ Cán có một cách dâng tiến, Nguy Chinh có một cách dâng tiến, Đông Phương Sóc có một cách dâng tiến, .Lý Tiết lại có một cách dâng tiến, không từ tốn được, uyển chuyển được một chút sao? Đâu có như Tứ ca, bạ mồm bạ miệng, bất chấp người nghe có chịu nổi không? Đệ nghe xem, Thập đệ tuy thô lỗ song không hồ đồ đâu!


Dận Chân liếc nhìn Dận Chỉ một cái, ông biết vị Thành quận vương này xưa nay nói năng thận trọng, tư tưởng rất sâu kín, hôm nay những lời này có ý nghĩa gì? Liền nảy sinh tâm trạng trêu chọc thăm dò, do vậy nói:


- Đệ lại chưa phòng bị những điều đó, nghĩ đều là con của phụ hoàng, gà nhà đánh nhau chạy vòng quanh, gà rừng đánh nhau bay khắp trời, còn có thể ghê gớm hơn sao? Gần đây xem ra thì chưa chắc! Nếu như có tâm tư hèn mạt nào khác, việc nhà việc nước trộn vào nhau, thì thật là ghê gớm quá. Đến nay nghĩ lại sự việc ngày 15 tháng Tám, đệ vẫn hãi hùng khiếp đảm, nếu không có ai hậu thuẫn cho Thập đệ, thì Thập đệ dám làm thế ư...


Dận Chỉ thấy Dận Chân hỏi lại mình thì chẳng vội trả lời, trầm ngâm hồi lâu mới cười gằn nói:


- Đúng thế, ai không sợ nào? Hoàng thượng sợ là học Tề Hoàn Công, một đời anh hùng không kết cục. Còn huynh ư? Huynh chỉ nghĩ chúng ta là người Hồ ( 31 ) không nên học "ngũ Hồ loạn Hoa" xuất hiện chốc lát, không nên học người Mông Cổ, chín mươi mấy năm là hết. Chu Nguyên Chương nói số phận người Hồ không tới trăm năm, lời cảnh tỉnh thật là khủng khiếp, nước Đại Thanh đã mở hơn 60 năm rồi!


Dận Chân rùng mình, chẳng nói chẳng rằng, chỉ nghe tiếng vó ngựa gõ xuống đường đơn điệu, nhìn qua cửa sổ cỏ úa vàng khô bên đường, đất trắng chua mặn thẳng tít tận chân trời, từng đàn quạ đen khi lên khi xuống nhởn nhơ bay lượn trên bãi cỏ. Rất lâu mới thở dài một tiếng, nói:


- Lời nói của Tam ca thật khiếp vía, chúng ta chẳng may là người Hồ, tiên nghiệm không đủ. Song theo đệ nghĩ, triều đại của ta tệ nạn tuy nhiều, cảnh tượng mở nước vẫn còn, chỉ cần dốc sức vì nước, đâu đến nỗi một thời là loạn rồi? Sự việc sau này thuộc về số trời, huynh đệ hai ta chỉ làm tròn nhân sự trước mắt thôi.


Dận Chỉ nhìn chằm chằm vào Dận Chân hình như là không hiểu, cười khì nói:


- Nhân sự? Tứ đệ thường ngày lanh lợi, hôm nay đã sinh hồ đồ hay là ăn nói quanh co với huynh? Mắt thấy chuyến đi này thay đổi lớn sắp đến, đệ thực sự là không nhận ra chút gì sao?


Lúc ấy bánh xe bị đá chèn, người Dận Chân bị lắc lư rồi ngồi vững lại, mặt mũi hết sức xanh xao.


- Tam ca, có tin tức gì, huynh chớ dấu đệ?


Dận Chỉ buồn rầu nói:


- Chuyến đi này không lợi cho thái tử, Đại ca, Bát đệ từ lâu đã chuẩn bị rồi, tháng trước các vị ấy đã đưa bộ tham mưu trong nha phủ tới Thừa Đức để làm cố vấn, Vương Hồng Tự, A Linh A cũng đều nhận công việc đã đi Nhiệt Hà trước đó, riêng có đệ còn trùm trong trống, thái tử cũng chỉ cảm thấy bực dọc, thân phận thái tử như vậy ai dám nói thực với người? Nếu huynh là thái tử, huynh sẽ không để các vị ấy giữ Vương Diệm ở lại kinh đô được! Nông nổi đến thế!


- Sao, muốn... phế truất Nhị ca?


Dận Chỉ từ từ nói:


- Điều đó nói còn chưa chắc chắn, vua Nghiêu phế truất thái tử Đan Chu, tìm cho một nơi chốn yên tĩnh, hầu hạ dưỡng lão hẳn hoi, đó là một cách. Vua Thang đày Thái Giáp, hối cải để làm người mới sau ba năm phục chức, lại là một cách. Lý Thế Dân trừng phạt thái tử quá tàn nhẫn, hoàng thượng là người muốn tiếng tăm, chưa hẳn dùng hạ sách này.


Dận Chân trong lòng trống trải, tâm tư lại càng không đâu vào đâu, ngay cả Dận Chỉ nói những gì cũng nghe không rõ, thẫn thờ suy nghĩ hồi lâu, rồi hỏi:


- Việc lớn đến thế, thế nào cũng phải có tội danh chứ? Hôm trước đệ còn thấy thái tử cười cười nói nói vui vẻ, trong lòng không chút băn khoăn, Đức vạn tuế cũng không tỏ thái độ gì. Tam ca, lời nói của huynh truyền ra ngoài thì nguy hiểm đó?


Dận Chỉ cười nói:


- Đệ hiểu ra rồi chứ! Không thấy Đại a-ca, Bát a-ca, Cửu a-ca, Thập a-ca rời Đức vạn tuế nửa bước? Có thị vệ đi theo còn chưa đủ sao? Hơn nữa hộ giá vì sao bỏ lại hai ta? Trong con mắt các vị ấy, hai chúng ta là phe thái tử? Thái tử trông coi triều chính bao năm, không có công tích gì, lại trị hư hỏng, ngân khố rỗng tuếch, chẳng phải là tội sao? Đệ chớ coi thường điều này, đây là cái gốc, cơ nghiệp này Đức vạn tuế sáng lập, Người chịu đựng không nổi! Hai tháng nay nhiều lần Đức vạn tuế nhắc tới sự việc Sách Ngạch Đồ mưu phản. Người nói: "Sách Ngạch Đồ là tội nhân thứ nhất của triều đình ta". Ông ta có tội gì? Chẳng phải là lập thái tử, giữ thái tử đó sao?


Dận Chân nghiền ngẫm những lời đó, tuy thấy sợ hãi, song ít nhiều thấy có đôi chỗ nói quá sự thực. Công việc chính trị không yên ổn, không phải là công việc của một ngày, cũng không phải là trách nhiệm của một người. Ngay cả Ô Tư Đạo và Văn Giác cũng nói đây là "Điều không thể khác", chủ trương trước mắt giữ được bộ mặt "phe thái tử" xem xét chờ đợi thời cơ. Đang suy nghĩ, Dận Chỉ lại nói:


- Đệ chắc vẫn không biết chuyện, thái tử mang thuốc bên người, bị Lý Đức Toàn và Hình Niên khi dọn dẹp soát lại thấy?


Dận Chân rùng mình hoảng sợ, hơi nói lắp hỏi:


- Thuốc gì? Là... ma túy ư?


Dận Chỉ cười nhạt nói:


- Lúc đầu Đức vạn tuế cũng nghĩ thế. Kết quả được Thái Y viện Vương Bách Linh xét nghiệm thì ra là thuốc kích dâm. Lúc đó huynh cũng ở điện Dưỡng Tâm, đệ không nhìn thấy vẻ mặt khó coi của Đức vạn tuế lúc ấy! Huynh mà không can ngăn, e rằng người khó mà giữ được bình tĩnh.


Dận Chân nắm chặt hai tay toàn là mồ hôi lạnh, bỗng nghĩ tới Chu Thiên Bảo có một lần buồn rầu nói: "Tứ da khuyên thái tử da một chút, chớ có thường xuyên lui tới Tây lục cung. Tuy nói đều là trong một nhà, rốt cuộc đều còn trẻ, có sự khác biệt nam nữ, danh phận. Trồng mận ruộng dưa, để người ta nói ra nói vào, các hạ quan trách nhiệm việc nhỏ. thái tử da bị mang tiếng tăm sao đây?" Nhị a-ca Dận Nhưng này giữa ban ngày ban mặt giấu thuốc hồi xuân trong áo, còn bị hoàng đế phát giác, thật cũng sơ suất quá đáng. Nếu như dùng cho vợ chồng trong cung của mình, chẳng qua bị làm trò cười, còn nếu thực sự có chuyện uế loạn hậu cung thì... ông không dám nghĩ tiếp, lặng lẽ hồi lâu nói:


- Thảo nào những ngày này Đại ca đi đường xông xáo. Chắc sẵn sàng thế chỗ Nhị ca ở Thanh cung!


Dận Chỉ trên xe tốn bao tâm trí, nói quanh co mãi mới chờ được Dận Chân thổ lộ câu nói này, do vậy vui cười nói:


- Với câu nói của đệ, A-di-đà Phật, cũng coi là đã hiểu ra chút ít. Trong lòng Đại ca thì tính toán như vậy! Cũng chưa kiểm tra sổ âm đức của bản thân xem, có được phúc phận này không? Từ cổ xưa lập thái tử, ngoài lập đích tông, lập trưởng nam ra, còn có lập hiền tài kia!


Tới đây Dận Chỉ đã tỏ rõ thái độ cuối cùng:


- Thái tử không được, Đại a-ca cũng không được, Dận Tự là kẻ thù chính trị, Tứ đệ dự định thế nào? Mưa không đội nón thì ướt át liệu có thể giữ được ba vị chứ?


Dận Chân híp mắt lại, trong lòng đã sáng lên nhưng giả làm chưa tỏ, cười nói:


- Đạo trời mênh mông, số lớn khó biết! Với thái tử quân, thần một cảnh, nếu thật có chuyện, đệ vẫn phải bảo vệ thái tử. Loại việc này thì đệ vừa không dám nghĩ vừa không dám nói. Song thực sự bảo vệ không nổi thì đương nhiên đệ theo Tam ca mà làm. Thế nhưng Đại a-ca chí đang muốn điều lớn, Bát đệ mắt long sòng sọc, huynh cũng phải trong lòng có sẵn kế hoạch chủ trương. Loại việc này mà ngã nhào thì mấy đời con cháu cũng không trở dậy được!


Trong lòng ông đang nghĩ đến Dận Tự, cần lập hiền tài thì trước mắt Bát đệ là người đứng mũi chịu sào, song tâm trạng nóng bỏng này của Dận Chỉ, giống như than cháy đang hồng thì sao dễ dội gáo nước lạnh đây? Dận Chỉ được mấy câu nói của Dận Chân, bỗng cảm thấy yên tâm, ngả người về phía sau nói:


- Chẳng qua chuyện gẫu mà thôi, huynh và đệ còn không phải là cùng một tâm trạng sao? ngoài người kém năng lực ra, ai chịu nhảy vào trong giường sưởi ( 32 ) giành chỗ ngồi bỏng mông ấy, huynh chưa điên rồ đâu! Thôi kệ nó... buồn ngủ rồi, nhắm mắt một lúc đi...


Thời tiết xấu, xa giá đi qua Mật Vân thì trời đổ mưa và tuyết. Mấy ngàn người mang theo đồ quân nhu, đồ nghi lễ trên đường cổ Yên Sơn lầy lội lạnh giá vất vả suốt bảy ngày, cuối cùng thì cũng đã đến Thừa Đức. Mười hôm trước vương gia các bộ nội ngoại Mông Cổ đã gấp rút đến. Họ đều trú ở trong hành cung của mình đợi đại giá thiên tử. Tòa sơn trang nghỉ mát này, vào năm Khang Hy thứ 22 mới đến đây thăm dò địa hình, địa chất, Đến năm Khang Hy thứ 43 mới coi là có quy mô đại khái, nay đã to đẹp hùng vĩ... Ở trong xây dựng mười hai hành cung. Tây bắc núi Kim, đông bắc núi Hắc là bình phong của sơn trang. Chính nam xây ba cửa Trung Lệ, Đức Hội, Phong Môn. Bên trong đó là cấm uyển. Vì đã hạ chiếu chỉ, sơn trang nơi này là đất ngoại di thường triều, các quý tộc công tử Mông Cổ nam bắc sa mạc, các lạt ma giáo chủ đỏ, vàng và các sứ giả Triều Tiên hầu như cùng lúc với xây dựng hành cung, ai nấy đều đã chọn đất tốt xây lên không sao đếm xuể những nhà trạm cùng những biệt thự để nghênh đón xe giá bái yết hoàng thượng. Những thương gia tháo vát đã xem đúng vùng đất phong thủy quý báu này, bèn xây dựng nhà cửa hàng quán nhiều như mạng nhện xung quanh sơn trang. Khoảng hơn chục năm, bên bờ Nhiệt Hà ngày xưa toàn là cỏ dại hoang vu, nghiễm nhiên đã trở thành phố xá đô thị. Xa giá đêm đó tới, các vương công quý tộc đều đợi ở trước nhà quỳ đón nghênh tiếp, khắp phố treo đèn kết hoa, trên bàn rượu hương hoa thờ cúng, cây bông rực rỡ, pháo đốt vang trời, một cảnh tượng tưng bừng náo nhiệt. Chỉ khổ cho lính ngư lâm đi theo giá, một phút cũng không được nghỉ, xếp đặt ổn cho Khang Hy ngủ trên nhà lầu cao thoáng mát nhất, tiếp đó là bố trí canh phòng. Trương Đình Ngọc và Mã Tề đi theo giá lại kiêm đại thần thị vệ nội, khắp trong ngoài lo liệu, còn phải xử trí tấu trình do Đồng Quốc Duy từ Bắc Kinh chuyển đến, rồi còn hầu hạ hoàng đế hầu hạ thái tử, lại phải chăm lo người theo giá chỗ ăn ngủ cho các vương gia, a-ca cùng đi. May mà cả hai người tinh thần mạnh mẽ, cũng đã thấm mệt rồi.


Thế nhưng Khang Hy lại rất phấn khởi, ngay hôm sau đã hạ chỉ các vương Mông Cổ bái yết, buổi chiều ban tiệc, cùng thái tử thay phiên mời rượu, cho mãi đến giờ Tuất rồi xem tóm lược tấu chương cho đến đúng nửa đêm mới đi nghỉ. Sáng sớm hoàng đế lại trở dậy, truyền lệnh thái tử dẫn các a-ca đến hội kiến ở sơn quán Thanh Thư, rồi cùng đi thăm cảnh đẹp của sơn trang, xem suốt một ngày, buổi tối trở về ngôi điện lầu cao liền có ý chỉ: Ngày mai tới vi trường ( 33 ) xung quanh săn bắn.


Vi trường ở Nhiệt Hà đặt tại Phủ Điền, sát liền với vườn Vạn Thụ, ở phía đông bắc sơn trang, phía nam núi Hắc, phía bắc hồ Tái. Nơi này rừng rậm cỏ dày, núi cao hồ rộng chăn nuôi đủ loại hươu, nai, hoẵng, gấu, hổ, báo, sư tử, chó sói... nhiều không sao đếm xuể. Chẳng rõ vị tao nhân, mặc khách nào đã đặt cho nó cái tên "Tùng Việt". Khang Hy theo lệnh trời đi tuần thú phía đông từng đến đây săn bắn. Trương Đình Ngọc đặt tên cho nơi đây là Phủ Điền, ý nói là điền thổ săn bắn của thiên tử. Do vậy trở thành vùng đất cấm của hoàng gia.


Giờ Tị hôm sau, Khang Hy lên kiệu đi tới Phủ Điền. Hơn trăm viên Mông Cổ khan ( 34 ) , thân vương, quận vương, bối tử, bối lặc từ sớm chờ đợi ở trên thành lầu quan sát, ai nấy tinh thần phấn chấn, ai nấy ra sức chuẩn bị hôm nay phải trổ tài trước ngự giá. Không ngờ sau khi mọi người vấn an xong, Khang Hy cười nói với mấy vị lão vương gia Mông Cổ:


- Mấy lần các khanh bảo trẫm săn bắn, trẫm đã học được tài năng của các khanh. Lần này phải ngồi hưởng kết quả. Chúng ta uống rượu ngồi trên lầu nhìn, xem mấy đứa con trai của trẫm năng lực ra sao. Các vương thế tử nếu muốn xuống thử chơi đương nhiên cũng tùy ý.


Những vương gia này nghe hoàng đế muốn thử tài a-ca, nên đều góp vui, ai nấy đều bắt buộc con em mình không được khoe tài, chỉ theo Khang Hy cùng ngồi trên thành lầu. Tiếp đó Khang Hy nói với các a-ca:


- Các vương Mông Cổ đều có mặt, chớ để trẫm xấu mặt với họ! Trong vườn rừng sơn bãi này đều là thú chưa thuần hóa, một là phải cẩn thận hai là phải thi đua.


Nói xong hoàng đế cười cởi mở, chỉ vào Lý Đức Toàn đang bưng chiếc "Như ý" bằng ngọc vàng đá quý chạm hoa, nói:


- Bất luận trưởng, út cao, thấp, hãy dùng mọi cách thức, ai săn được nhiều thì trẫm ban thưởng cho chiếc "Như ý" này.


Mọi người lập tức phấn khởi rạo rực. Vì sắc màu gần như vàng óng, xưa nay là vật quý trấn giữ điện cung Càn Thanh. Thái Hành hoàng đế thưởng cho Khang Hy, giờ đây Khang Hy lại thưởng cho người khác! Dận Nhưng ngồi cạnh Khang Hy, bất giác rùng mình, vẻ mặt có chút lo lắng. Dận Ngã đôi mắt nhìn chòng chọc vào chiếc "Như ý", ngầm kéo vạt áo Dận Đường. Dận Đường cắn răng thầm cười. Dận Tường lấy khuỷu tay đụng vào Dận Chân rồi nói khẽ:


- Huynh coi đức tính ấy của Đại ca, nước rãi sắp chảy ra rồi! Tam ca cũng giả vờ, giống như người chẳng hề quan tâm, tay cũng ra mồ hôi rồi. Lần này chúng ta phải giành lấy sĩ diện cho thái tử da!


Dận Chân lại như không nghe thấy gì, liếc nhìn Dận Tự điềm tĩnh như thường, quỳ lên trước một bước, khấu đầu lạy tạ nói:


- Phụ hoàng, vật này e rằng không ai có thể nhận được. Cầu xin phụ hoàng chọn một vật khác để các nhi thần cố gắng ganh đua.


Khang Hy tựa hồ chưa nghĩ tới điều này, hơi ngần ngừ cười nói:


- Sao? Hoàng gia chúng ta có lắm thứ kiêng kị thế ư? Cuối cùng không thành học nhà thường dân đánh bài đánh bạc? Thế này vậy, thái tử không đua ganh với các nhi thần; quân thần phân chia ranh giới rõ ràng thì cũng không còn trở ngại gì.


Nói xong liền truyền chỉ mở tiệc, ra lệnh cho các a-ca xuống sân bãi che vây đua bắt thú rừng. Ngay tức thì, bốn bề tiếng kèn tiến quân hưởng ứng, mấy ngàn quân sĩ thiện chiến chia ra xanh, đỏ đen, trắng bốn loại cờ từ bốn phía đốt pháo đánh trống, phất cờ reo hò. Các loại cầm thú mạnh yếu trong rừng rậm cỏ dầy đang nằm phủ phục bỗng nhiên sợ hãi, ngay lập tức rối loạn hết cả, bay chạy ngang ngửa tứ tung. Khang Hy bưng chén rượu lạnh lùng liếc nhìn Dận Nhưng vẻ mặt đầy tức tối, thở dài khe khẽ cười nói với Khơn-chin vương:


- Quân tử không gần bếp núc, sợ nghe tiếng kêu gào đau xót, đợi lúc ăn thịt lại coi trọng lễ nghĩa thái không vuông không ăn. Đây là nhân nghĩa! Giống người quả là loài vật vô tình bậc nhất thế gian.


Giữa lúc trò chuyện, đã thấy phía đông mấy chục kỵ mã, phía bắc hơn trăm kỵ mã xông xáo đi tới. Những con ngựa cuồng nhiệt thúc đạp bừa bãi giữa cỏ thu sâu nửa người, làm tung lên những cỏ khô lá úa xoay tròn giữa không trung. Khang Hy để ý nhìn ra phía đông là Dận Tường, phía bắc là Dận Thì. Dận Thì mang theo hoàng tôn, môn khách, thân binh, người nào người nấy giương cung nạp tên, vung đao giơ thương chém giết máu me khắp người. Thú vật ở giữa bãi cỏ bị tai họa lớn bất ngờ này sợ choáng váng chui rúc loạn xạ khắp nơi. Có con bị chặt máu thịt be bét, có con giãy giụa trong cỏ kêu thảm thiết. Phía đông bắc thì là Dận Đường, Dận Ngã hai người; Dận Ngã như điên như rồ đi đằng trước gấp rút chém giết, Dận Đường ở phía sau chặn và thu nhận thú vật săn bắn được, cắt lấy tai dã thú treo ở đuôi ngựa. Những con thú Dận Thì, Dận Tường chém ngã dưới đất nhiều con cũng trở thành thú vật trong túi những người anh em. Khang Hy bất giác cười thầm: "Hai đứa nhóc này hóa ra cừ thật!". Chỉ ở phía tây Dận Chân, Dận Chỉ là không hề động tĩnh. Dận Chỉ thì lưới mở một mặt, mặc cho thú rừng cao chạy xa bay. Tứ a-ca Dận Chân tín ngưỡng đạo Phật, giữ đúng tôn chỉ không giết loài vật đang sống, chỉ mang theo ba thế tử Hoằng Thời, Hoằng Trú, Hoằng Lịch và Cẩu Nhi, Khảm Nhi ai nấy đứng đợi giữ chặt phía tây bắc, tất thảy dã cầm sống xông vào vòng vây, những con chạy thoát thì tùy số trời, tuyệt đối không được bắn.


Một cuộc săn bắt thú rừng như gió cuốn mây tàn, đến giờ Mùi thì biết kết quả. Tính tất cả thì Dận Đường, Dận Ngã thứ nhất; Dận Tự thứ nhì; Dận Thì, Dận Tường săn bắn mệt lử, đem chia đều cho hai người cả hai đều đứng thứ ba; Dận Chân được ít nhất lại đều là thú vật sống, buộc thành xâu dâng lên; duy chỉ có Dận Chỉ không bắt được con nào.


Khang Hy cười ha hả nhấc tay gọi Dận Ngã:


- Trẫm đã nói, người săn được thú nhiều nhất được phần thưởng này. Không ngờ Thập nhi đã trổ tài năng, chiếc "như ý" này trẫm thưởng cho ngươi!


Rồi tần ngần một lát, quay mặt hỏi Dận Chỉ:


- Ngươi sao không săn được con nào?


Dận Chỉ gượng cười nói:


- Bẩm hoàng thượng! Vua Nghiêu săn bắt mở lưới để quây lại mở một con đường sống cho sinh linh. Nhi thần muốn phụ hoàng làm vua như Nghiêu Thuấn, không làm cái việc tát cạn ao hồ để bắt cá. Vì một chiếc "Như ý" anh em tranh giành nhau, nhi thần không thích như vậy.


Khang Hy nghe xong mỉm cười, Dận Ngã lại nói:


- Đệ không có tấm lòng tốt ấy, chỉ biết ai được nhiều thì phần thưởng thuộc về người ấy. May nhờ được Cửu ca cho mười con hươu bào... Phần thưởng này của phụ hoàng, nhi thần cung kính cảm tạ không từ chối!


Dận Ngã nhếch mép cười, liền muốn tiếp nhận chiếc "Như ý" đó.


Đột nhiên Dận Tường ngăn Dận Ngã lại:


- Thập ca, hãy khoan chớ vội. Đây là việc đúng lương tâm chứ, huynh dám nói to lên: "Ta thứ nhất", đệ sẽ nhường cho huynh!


Dận Ngã cau lông mày, hét thật to "Ta thứ nhất. Thế nào? Đệ lại muốn ăn hiếp huynh? Lại muốn lên mặt Đại tổng quản? Đây không phải là bộ Hộ!".


Nói xong, nhổ đánh "toẹt" một cái. Dận Tự vội vàng dàn xếp:


- Hà tất vì việc nhỏ nhặt này mà làm tổn thương hòa khí! Thập đệ có chứng cứ, Thập tam đệ cũng đừng tranh nữa!


Khang Hy cười nói:


- Dận Tường thế mà lắm mồm, đã đọc bao nhiêu là binh thư. Săn bắn cũng giống như đánh trận, phải chuyên tâm!


Dận Tường nuốt miếng nước bọt cũng không để ý đến Dận Chỉ đã đưa mắt ngầm báo sự nguy hiểm, cứ nghển cổ cãi lại:


- Sớm biết đua săn bắn với anh em cũng phải dùng bụng dạ, sớm biết ai ăn trộm nhiều người ấy được thưởng, thì nhi tử thà học tập Bát ca, nghỉ cho khỏe!


Khang Hy cười khẩy nói:


- Đây là ngươi đang nói với trẫm?


Bất thình lình Khang Hy thay đổi sắc mặt:


- Quỳ xuống, tự vả vào miệng!


Dận Tường mặt trắng bệch, tức giận toàn thân run rẩy, quỳ đánh "uỵch" một cái, nước mắt chảy đầm đìa, nghĩ tới những ngày chịu uất ức này, càng cảm thấy buồn không thiết sống, do vậy nghẹn ngào nói:


- Dẫu sao ở đây nhi tử cũng là con người thừa, sống chỉ thêm vô ích, tại đây xin vĩnh biệt, phụ hoàng hãy giữ gìn sức khỏe!


Nói đoạn rút gươm kề ngang sát cổ, làm bọn thị vệ Lưu Thiết Thành, Đức Lăng Thái khiếp sợ cùng chen nhau lên, đoạt lấy thanh gươm báu trong tay Dận Tường.


"Chát" một tiếng, Khang Hy đập tan nát chiếc "Như ý" vào tường đá trên thành lầu.





--------------


(30) Tán che phủ hình ô dù trên xe của đế vương (N.D)


(31) Thời xưa chỉ các dân tộc phía bắc, phía tây Trung Quốc (N.D)


(32) Giường đất ở miền Bắc Trung Quốc, dưới đốt lửa để sưởi ấm (ND)


(33) vi trường: một bãi rộng có che vây chung quanh.


(34) Danh hiệu của vua Trung Á thời xưa.
UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ
GIỚI THIỆU NỘI DUNG
HỒI THỨ NHẤT
HỒI THỨ HAI
HỒI THỨ BA
HỒI THỨ BỐN
HỒI THỨ NĂM
HỒI THỨ SÁU
HỒI THỨ BẨY
HỒI THỨ TÁM
HỒI THỨ CHÍN
HỒI THỨ MƯỜI
HỒI THỨ MƯỜI MỘT
HỒI THỨ MƯỜI HAI
HỒI THỨ MƯỜI BA
HỒI THỨ MƯỜI BỐN
HỒI THỨ MƯỜI LĂM
HỒI THỨ MƯỜI SÁU
HỒI THỨ MƯỜI BẢY
HỒI THỨ MƯỜI TÁM
HỒI THỨ MUỜI CHÍN
HỒI THỨ HAI MƯƠI
HỒI THỨ HAI MƯƠI MỐT
HỒI THỨ HAI MƯƠI HAI
HỒI THỨ HAI MƯƠI BA
HỒI THỨ HAI MƯƠI BỐN
HỒI THỨ HAI MƯƠI NHĂM
HỒI THỨ HAI MƯƠI SÁU
HỒI THỨ HAI MƯƠI BẨY
HỒI THỨ HAI MƯƠI TÁM
HỒI THỨ HAI MƯƠI CHÍN
HỒI THỨ BA MƯƠI
HỒI THỨ BA MƯƠI MỐT
HỒI THỨ BA MƯƠI HAI
HỒI THỨ BA MƯƠI BA
HỒI THỨ BA MƯƠI TƯ
HỒI THỨ BA MƯƠI NĂM