watch sexy videos at nza-vids!
Truyện UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ-HỒI THỨ MƯỜI BỐN - tác giả Nhị Nguyệt Hà Nhị Nguyệt Hà

Nhị Nguyệt Hà

HỒI THỨ MƯỜI BỐN

Tác giả: Nhị Nguyệt Hà

H ai anh em Dận Chân, Dận Tường vừa nói chuyện, vừa đi, đến Tây Hoa môn khẩu mới ghìm cương ngựa. Dận Tường nhìn Dận Chân không khỏi quyến luyến, nói:



- Đệ cứ muốn mời Tứ ca vào phủ của đệ ngồi một lát, nhưng bẩy tám tháng trời không về nhà rồi. Để hôm khác vậy!



Dận Chân cười nói:



- Thôi! Thôi huynh không vào đâu! Lần trước huynh chỉ ghé vào đây có một chút, chỉ nói có một câu: Mạnh Quang Tổ ở phủ Tam da đi Vân Nam mua sắm mấy thứ, thế mà đến hôm sau gặp Tam ca, anh ấy đã giải thích ngay việc đó. Những bọn nô tài chết tiệt ấy, đâu phải là nô tài của đệ? Ai đã đặt chúng ở đây nằm vùng, giám sát mọi việc của đệ?



Dận Tường cười, chắp tay vái chào từ biệt Dận Chân, nói:



- Chẳng ai có thể so với gia pháp nhà Tứ ca được! Đệ chỉ là một tiểu a-ca thì so thế nào được với Đại ca và Tam ca, trong phủ các vị đó toàn là cá rồng lẫn lộn, mọi loại người được các nơi tiến cử đều có đủ. Nói ra thì cũng rất mệt!



Nói rồi chàng đánh ngựa đi.





Dận Chân trên mình ngựa, ông lỏng tay cương đi ngoằn ngoèo một chút thì đến Định An môn. Dận Chân nghĩ đến những sự phiền tạp của vận nước gian nan, hơn nữa công việc lại khó làm, anh em thì chia bè kéo cánh, đấu đá lẫn nhau, đương không biết gỡ rối như thế nào thì bỗng nhiên thấy trên má lành lạnh, tiếp đó lại thấy có mấy giọt nước rơi trên cánh tay. Dận Chân ngẩng đầu nhìn, không biết trời đã u ám từ lúc nào, những giọt nước mưa đã rào rào trút xuống! Các thân binh, qua thập cáp vì không đem theo áo mưa nên họ đương nghĩ cách để che mưa cho ông thì xa xa đã thấy Đới Đạc đang phi ngựa như bay đến. Trong tay cầm áo mưa, Đới thở hổn hển nói:



- Chúng nô tài đi tìm mãi! Chúng nô tài đều nghĩ rằng Tứ da đi đến phủ Thập tam da. Nhưng khi gặp Thập tam da mới biết là ngài đi theo đường này.



- Trong phủ có chuyện gì không? - Dận Chân vừa khoác áo mưa, vừa hỏi: - Thế tử đều có nhà cả chứ?



Đới Đạc vội cười nói:



- Nô tài không thấy Đại thiếu da. Còn Nhị thiếu đa, Tứ thiếu da đương nói chuyện với Ô tiên sinh, Âm đầu đà và Văn Giác hòa thượng ở Di Tĩnh trai. Đại thiên tuế và Tam da vừa đến, các vị đó đợi không thấy ngài về đều muốn đi cả. Bây giờ các vị ấy đi hay chưa, nô tài cũng không biết nữa?



Trong khi Đới Đạc nói thì mưa lại to, tiếng. mưa rơi rào rào trên những lá cây chung quanh. Vì đại ca Dận Thì, Tam ca Dận Chỉ đang ở phủ mình, nên Dận Chân cũng không dám lần lữa ông vội thúc ngựa đi.



Tứ bối lặc phủ của Dận Chân là nơi cũ của Nội quan giám phòng triều Minh, còn gọi là "Niêm can xứ", kỳ thật đó là một ly cung trong Tử Cấm Thành. Sau khi ban cho Dận Chân, người ta chỉ thay ngói xanh bằng ngói vàng nhưng tòa nhà vẫn hết sức lộng lẫy. Ở sân "Ngũ tiến" thì toàn lát bằng gạch vàng do Đốc tạo tư, Nội vụ phủ đưa đến, nó phẳng như mặt kính, rắn như sắt. Khi Khang Hy thưởng cho Dận Chân tòa nhà này, ông vốn không dám nhận, nhưng sau thấy phủ đệ của Dận Thì, Dận Chỉ và Dận Tự so với nơi này còn tráng lệ hơn, đồ sộ hơn nên ông mới nửa muốn, nửa không (175) dọn đến. Dận Chân đội mưa về đến phủ thì thấy Cao Phúc Nhi đưa mấy mươi người trưởng tùy, gia bộc đứng dàn hầu ở trước bậc đá hạ mã (176), người nào người ấy ướt như chuột lột, nhưng họ vẫn đứng nghiêm không dám động cựa. Cao Phúc Nhi cùng một số người đứng dưới mưa đỡ Dận Chân xuống ngựa, vừa thỉnh an, miệng vừa nói:



- Đại thiên tuế và Tam da đang ở Đông thư phòng. Vừa rồi Đại thiếu da và Nhị thiếu da đều nói là sẽ ra đón ngài. Phúc tấn nói phu nhân không tiện ra, nên bảo hai thiếu da đi.



- Ngươi ra bẩm với Đại thiên tuế và Tam da rằng ta đã về!



Dận Chân xuống ngựa, có người đỡ ở bên; ông vừa đừa nói:



- Ta thay quần áo khô rồi sẽ đến! Ngươi nói với Ô tiên sinh rằng ta ra gặp hai vị a-ca sau mới đến đó!



- Xin bẩm với Tứ da - Cao Phúc Nhi nói: - Tam da nói đã từ lâu ngưỡng mộ đại danh của Ô tiên sinh, nên Tam da muốn được gặp. Nô tài đã thỉnh thị phúc tấn. Phúc tấn nói gọi Đại thiếu da, Nhị thiếu da đưa Ô tiên sinh đến gặp Tam da.



Dận Chân bất giác sững người, dừng bước: không biết tại sao các a-ca đó lại biết Ô tiên sinh ở phủ mình? Thông tin nhanh nhậy quá! Dận Chân bèn hỏi:



- Tứ thiếu da đâu?



- Thưa, đã về thư phòng đọc sách rồi!



Dận Chân không nói gì thêm, chậm rãi đi vào Vạn Phúc đường. Phúc tấn Na La thị đang ngồi giở các quân bài trên giường, bên cạnh có một người thiếp là Nữu Hỗ Lộc thị đứng hầu. Em gái Niên Canh Nghiêu là Niên thị đương đứng với một đám đông hầu gái, bà vú, bà già chờ đón Dận Chân. Thấy Dận Chân mặc áo mưa ướt lướt thướt đi vào, Na La thị liền bước xuống, niệm Phật rồi nói:



- Tứ da của tôi, ướt đến thế này cơ à? Mau lấy áo thay! Các ngươi đem bát nước sâm đang hâm cho ta, đưa cho Tứ da dùng trước!



Mọi người cũng đều quỳ xuống đen ngòm cả một khoảng phòng.



Dận Chân trong lòng có điều suy nghĩ, ông bảo mọi người đứng cả dậy, vừa thay áo ông cười nói:



- Ở đây so với An Huy thì là thiên đường rồi. Phu nhân không cần phải rối rít lên thế, làm sao mới ướt một tí mà đã ốm được?



Thấy Niên thị ưỡn cái bụng to đứng một bên, ông nói:



- Người nàng như thế này, từ nay cho đến khi sinh, thì ngay ta ở trước mặt, nàng cũng không cần phải quỳ! Hiền huynh của nàng có lẽ đến Tết mới về được, ông ta khỏe lắm, nàng không phải lo!



Nữu Hỗ Lộc thị có mang lần thứ ba với ông đã bị xẩy thai khi đang hầu ông, nay nghe ông nói vậy thì bất giác tròng mắt đỏ hoe. Na Lạp thị đang định nói thì thấy anh em Hoằng Thời, Hoằng Trú chân mỗi đứa đều đi đôi giầy da hươu bước vào, chúng thỉnh an Dận Chân xong nói:



- Hai bác và Ô Tư Đạo tiên sinh đang nói chuyện bên kia, chúng con sẽ sang bên đó đón phụ thân.



Vì thấy bố không nói gì, nên chúng đều không dám đứng dậy.



- Ta tuy ở tỉnh ngoài, nhưng lòng dạ vẫn ở Bắc Kinh - Dận Chân nói một cách lạnh nhạt. Ta nghe nói hai đứa chơi chọi dế thắng được một con khá với chú Năm có phải không? Như thế thật là giỏi nhỉ!



Nói rồi Dận Chân uống một ngụm nhận sâm, mọi người trong nhà đều sợ hãi, không ai dám thở mạnh. Dận Chân lại nói tiếp:



- Ân trạch của người quân tử năm đời thì hết. Từ Thuận Trị tiên da cho tới c ngươi là được bốn đời rồi, các ngươi không biết thế mà cảnh giới sao? Hoằng Lịch bây giờ nó đã thuộc được mấy trăm bài thơ Đường rồi, các ngươi lớn hơn nó thì thuộc được bao nhiêu? Các ngươi nhìn vào bản thân mình xem, mặc lụa là mà để bùn đất thế kia à? Lại còn đôi giầy kia nữa, cứ giẵm xuống nước mà chơi ư? Các ngươi đã đọc qua "Chu tử trị gia cách ngôn" chưa?



Dận Chân gắt mắng một hồi, nhưng khi uống hết cốc nước sâm thì sắc mặt đã trở lại như cũ, ông nhìn mọi người khắp một lượt, nói:



- Hai đứa về thư phòng, hôm nay học thuộc cho ta thiên "Khuyến học" sau đó lại viết một bài "Quân tử bất tự khí", tối ngày mai đưa ta xem!



Nói rồi ông đứng dậy đi.



- A, Lãnh diện vương tử đã về rồi!



Đại a-ca Dận Thì, Tam a-ca Dận Chỉ và Ô Tư Đạo đương uống trà nói chuyện ở Di Tĩnh trai, khi liếc mắt thấy Dận Chân bước vào thì hai người đều đứng cả dậy. Dận Đề cười cợt:



- Chuyến đi Đồng Thành này thu một triệu bạc, đắc thắng hồi triều! Lại đánh miếng "đà đao" ở bộ Hộ. Còn bọn ta ở đây thì "sống chết mặc bay" xem ngô đệ thi thố hùng tài!



Dận Chân đến trước từng người khom mình thỉnh an, xong thì ông mỉm cười, gật đầu tỏ ý chào hỏi Ô Tư Đạo, khi đó ông ta đang chống nạng đứng bên gh



- Đại ca đừng giễu đệ, hoàng thượng sai đi làm việc, không thể không tận lực một chút! Thôi, thôi, xin mời các vị ngồi cả đi, hôm nay thật là "người không lưu khách, trời lưu khách", đệ xin có mấy đĩa thức ăn, chúng ta vừa uống rượu vừa nói chuyện. Ô tiên sinh, ông chắc còn chưa biết Tam ca tôi, trong số hai mươi anh em chúng tôi thì Tam ca là văn trạng nguyên, còn đại ca tôi thì lại là một vị võ trạng nguyên, hôm nay được cùng các huynh và Ô tiên sinh họp mặt ở đây, thực là một việc khó có!



Những người hầu đứng bên ngoài nghe thấy nói vậy, họ đã vội chạy đi như bay ra, mang ngay về mấy đĩa ăn nguội và một bình rượu Ngọc hồ xuân tửu. Dận Chân giang tay nói:



- Xin ngồi cả xuống! Tôi nghe nói Tam ca và Ô tiên sinh đang bình thưởng văn học, việc này cũng rất thích thú!



Dận Thì cười nói:



- Tứ đệ! Ô tiên sinh đây thật là một người đáng nể! Xưa nay ta chưa hề thấy được địch thủ của Tam đệ. Nay thì đã sáng mắt ra rồi!



Dận Chỉ cũng cười nói:



- Quả nhiên "danh bất hư truyền". Năm đó Tả Ngọc Hưng, Triệu Thái Minh thật là đã bị tiên sinh khuất phục. Nhưng tiên sinh nói thiên hạ không có gì tuyệt đối, thì tôi không tin. Còn nhớ, năm ngoái tôi đi chơi Tây Sơn, có một anh hiếu liêm họ Xa, và một anh tú tài họ Kiều cùng ngồi kiệu đi lên núi. Trần Tỉnh Trai tiên sinh liền ra một câu đối:



Xa, Kiều hai thư sinh, cùng ngồi một cỗ kiệu lên núi. Xin hỏi, tiên sinh có đối được không?



- Năm đó đi Thiểm Châu tôi cũng thấy một việc!



Ô Tư Đạo ngồi ở đầu phía dưới, mỉm cười nói tiếp:



- Hai người thương khách, một người họ Mã, một người họ Lư cùng cưỡi một con lừa qua sông. Như vậy là câu đối của Tam da có thể đối được rồi. Xin đối là: Mã, Lư hai thương khách, cùng dắt một con lừa qua sông!



Mấy người nghe thấy thật là đối nhau chan chát, nên tất cả cùng khen hay rầm lên, nhưng Dận Chỉ lại nói:



- Vậy thì Yên tỏa trì đường liễu? (177) đó là một câu khó đối xưa nay!



Ô Tư Đạo cười nói:



- Có gì là khó đối. Nếu trên ao hồ có khói, nhất định Trấn hồ lâu (178) nếu bị cháy thì sẽ không có nước chữa cháy. Tôi xin đối là Thiêu than Trấn hồ lâu (179) Theo tôi có lẽ đối như vậy là được.



Mọi người đang thưởng thức câu đối đó thì Dận Chỉ ở bên lại lớn tiếng nói:



- Gỗ này là củi - sơn sơn xuất! (



- Nước kia thành dầu - nhật nhật mạo! (181)



Mọi người bất giác vỗ tay cười lớn, Dận Thì cũng thấy hào hứng; ông nâng cốc lên uống, nói:



- Tôi thì không giỏi về mặt này, nhưng tôi nhớ lần trước Niên Canh Nghiêu có đưa ra một câu đối chỉ có hai chữ, không ai đối nổi. Tam đệ và Tư Đạo tiên sinh đều là người trong nghề, vậy tôi xin thỉnh giáo một câu đối chỉ có hai chữ: sắc nan (182) thì đối thế nào?



- Đối thế nào ư? Dễ thôi! (183)



Ô Tư Đạo nâng cốc lên uống một ngụm nhỏ, rồi lặng im. Dận Thì thấy Dận Chỉ bỗng nhiên cúi đầu vẻ động não rất ghê, thì nói:



- Đã nói là dễ thì tại sao không đối đi?



Ô Tư Đạo thấy Dận Chỉ cũng nhìn mình, thì cười nói:



- Tôi đã đối rồi đấy thôi, tức là hai chữ dung dị, lẽ nào hai chữ đó đối không chỉnh sao?



Mọi người lại cười lớn, Dận Chỉ thấy Ô Tư Đạo mẫn tiệp như vậy, bụng nghĩ cần phải "hạ gục" ông ta, bèn chỉ vào bức họa trên tường



- Đây là "Hàm cốc quan" của Cừu thập châu, xin tức cảnh một bài, nếu làm giỏi, tôi sẽ phục tiên sinh là giỏi!



Ô Tư Đạo ngẫm nghĩ một chút rồi ứng khẩu ngâm ngay:



Hùng trấn Cố kim thang,



Địa thốn Bách Việt tận



Trĩ điệp tồn dư liệt,



Thanh ngưu bối thượng khách



Đam đam thị lục vương



Tộ tiễn nhị châu trường



Hoàn nê thiểu dị phương.



Trường tiếu quá Hàm Dương



Tạm dịch:



Hùng trấn Cô Kim thang


Đất nuốt hết Bách Việt



Thành thấp tồn liệt oanh,



Thượng khách cưỡi trâu xanh



Trừng mắt nhìn sáu Đế.



Ngôi dứt hai năm dài.



Miền lạ thiếu chi đất



Cười mãi qua Hàm Dương



Tiếng ngâm chưa dứt, thì Dận Thì đã chỉ bức Chung Quỳ đồ (184) treo trên tường nói gấp gáp:



- Bức tranh này đây, nhưng ông không được nghĩ, ông phải "tức khẩu" ngay một "phá đề", mà cũng không được có những chữ: thiên địa, quân, thân, sư; không được dẫn lời thánh nhân. Xin "tức. khẩu" ngay! Nhanh nhanh cho!



- Phù tiến sĩ, quỷ đã; quỷ dã, tiến sĩ dã! Một mà hai, hai mà một!



Dận Chân bất giác đập bàn lớn tiếng khen hay; Dận Thì, Dận Chỉ cũng xoa tay luôn miệng khen:



- Trong nhà có một vị khách giỏi giang như thế này mà lạ thật, không thấy Tứ a-ca cho mọi người được biết !



Dận Chân quay đầu lại, thấy Cao Phúc Nhi cùng với Cẩu Nhi và Khảm Nhi đang cười cười ở phía ngoài hành lang, biết rằng việc của Cẩu Nhi thế là đã giải quyết xong nên Cẩu đến để thưa lại, ông bèn nói:



- Các ngươi thì hiểu gì? "Khúc khích" như vậy còn ra cái thể thống gì?



Cao Phúc Nhi vội cười nói:



- Chúng nô tài đến được một lúc rồi. Nghe các Vương gia có những câu đối rất hay nên đều mải nghe quên hết mọi việc. Cẩu Nhi cũng đưa ra được mấy chữ, xin "da" cho Khảm Nhi ra đối!



Dận Chân bèn hỏi Cẩu Nhi:



- Mấy chữ của ngươi như thế nào?



- "Khói ấm phòng".



Mấy chữ này khiến mọi người đều thần người suy nghĩ, cả Ô Tư Đạo ngay lúc đó cũng suy nghĩ mà chưa nghĩ được đối thế nào cho chỉnh, nhưng nhìn thấy Khảm Nhi có vẻ ngái ngủ, Ô liền day day mũi Khảm Nhi nói:



- Rắm ấm giường.



Nghe vậy, mọi người cười ầm ĩ, Dận Chỉ cười ngả, cười nghiêng, Dận ười tưởng đứt hơi, ông phải nắm lấy chỗ tựa của ghế rồi cứ xoa bụng hoài, ngay cả Dận Chân thường ngày nét mặt lạnh lùng, nhưng cũng cười phì hết cả ngụm rượu trong miệng ra ngoài.



- Tối nay vui lắm!



Dận Thì cười một trận, sau đó ông vươn vai rồi nói:



- Đã đến giờ Tuất chưa? Tam đệ, cuộc vui này rồi cũng phải tàn, chúng ta về thôi!



Dận Chỉ nắm nắm tay Ô Tư Đạo, đứng dậy nói:



- Thật ra thì phải tiến cử tiên sinh ứng khảo nhưng tiên sinh lại là người tàn tật mất rồi. Thôi! Khi nào rỗi xin mời tiên sinh đến phủ tôi chơi, phủ tôi cũng không ít các nhà nho giỏi, mọi người cùng chuyện trò, trao đổi cho vui!



Nụ cười trên môi Dận Chân thoắt tan biến, nhưng ông thấy Ô Tư Đạo chống nạng đứng lên mỉm cười nói:



- Cám ơn Tam da có lòng yêu. Nhưng gia huynh không được khỏe, Tứ da đã thưởng cho ít ngày nghỉ; hôm sau tôi sẽ trở về Nam. Người tàn tật thường không chịu nổi được những sự sai khiến, mà chỉ có thể gây cười vui mà thôi! Nếu sau này tôi có dịp đến Bắc Kinh, nhất định tôi sẽ đến phủ Tam da để hầu chuyện.



Dận Chân nghe nói những lời thoái từ của Ô rất hợp ý mình, nhưng ông sợ rằng cứ câu nói này, câu nói nọ mãi;



- Hai nhân huynh còn có việc gì khác không?



- Đến thăm đệ thôi chứ không có việc gì lớn.



Dận Chỉ lại nói tiếp:



- Người của tôi là Tiếu Mãn Thành có đưa cái anh chàng quái quỉ của đệ từ Vân Nam về Bắc Kinh rồi, tối qua anh ta còn đến chỗ tôi khóc một trận, năn nỉ xin khoan hạn cho món nợ của anh ta khoảng nửa năm, một năm gì đó, đệ có thể vì tôi mà chiếu cố cho anh ta không?



Dận Chân nhìn Dận Chỉ biết rằng ông ta tất cũng có ý nói về loại chuyện đó, bèn cười nói:



- Hãy cứ để đấy xem sao đã, xem cung cách làm việc của thái tử ra sao đã.



Bất thức Lư sơn chân diện mục (185)



Chỉ duyên thân tại thử sơn trung!



Dận Chỉ nghe nói như vậy thì biết là, cái "then cửa sắt này" không dễ mở, nên cũng không nhắc tới chuyện ấy nữa mà chỉ cười cười thôi. Dận Thì cũng cười nói:



- Biết là đệ sẽ nói như vậy! Chúng ta hãy đợi xem ý của thái tử đã, đệ cứ yên tâm!



Khi ấy hai vị khách đã về, trong nhà chỉ còn lại Dận Chân và Ô Tư Đạo. Bên ngoài mưa vẫn rả rích rơi, tiếng mưa tí tách trên tầu lá chuối. Dận Chân một thở một hơi dài khoan khoái, nói:



- Hôm nay thật vừa khéo; tiên sinh đỡ cho tôi, tôi cũng đỡ cho tiên sinh. Không biết tiên sinh ở đây có dễ chịu không?



- Được ạ!



Ô Tư Đạo thở dài một tiếng, cuộc bình thường văn chương vui vẻ vừa rồi tưởng chừng như câu chuyện xa xưa; Ô trầm ngâm nói:



- Tình cảnh của tôi Tứ da đều đã biết, hoàn cảnh của Tứ da tôi cũng hơi biết được một, hai! Con người ta ở đời chỉ cần có được một tri kỉ mà thôi, huống hồ Tứ da lại đối xử với tôi tận tình như vậy! Chỉ cần Tứ da thấy kẻ tàn tật này có chỗ dùng được, thì vì ngài mà có phải nhẩy vào nước, lửa tôi cũng vui lòng. Từ nay về sau, đối với Tứ da, tôi cũng xin một lòng như Đới Đạc.



- Tiên sinh với Đới Đạc khác nhau.



Mắt Dận Chân đăm đăm nhìn vào ngọn nến, tiếp:



- Tôi xin lấy "sư lễ" đối đãi với tiên sinh!



Ô Tư Đạo giật mình nhìn Dận Chân; liền sau đó ông nhìn xuống nói:



- Tôi quyết không dám nhận cái vinh dự đó. Thật ra tôi vốn là một người áo vải. Tôi đã biết Cố Bát Đại lão tiên sinh vốn là sư phó vỡ lòng cho tiên sinh. Cố Bát Đại tiên sinh với gia nghiêm vốn điên. Tôi là người như thế nào mà dám lạm nhận vinh dự đó? Tứ da, nếu muốn tôi yên tâm sống ở nơi đây, thì chữ "sư" đó, xin được từ chối.



Dận Chân im lặng một chút, rồi ông nói:



- Đã thế, chúng ta coi nhau là bạn vậy. Tiên sinh là một bậc quốc sĩ vô song; tôi tuy chẳng phải là Mạnh Thường Quân nhưng cũng không nên bỏ qua những lễ nghi cần thiết. Tình hình đất nước ta hiện nay ngày một xấu đi; chỉ có sự cường thịnh bên ngoài, chứ những ẩn hoạn thì thật đáng sợ. Tôi hiện phải đảm nhận những nhiệm vụ rất nặng nề, có một số công việc thì "lực bất tòng tâm", cho nên không thể không nhờ cậy vào trí tuệ của tiên sinh.



Ô Tư Đạo nhắp một ngụm trà, khuôn mặt dần dần hồng lên đôi chút; dưới ánh nến, đôi tròng mắt Ô lóe sáng, nhưng chỉ thoáng sau lại ảm đạm, Ô nói:



- Tôi vốn có chí giúp đời, nhưng mệnh trời không tựa nên long đong như thế này, đó cũng là số mệnh, là vận, là thời, là số! Kẻ này vốn đã nản lòng, thoái chí, không muốn làm một thanh khách, miệt phiến (186) "tướng công". Lần đến kinh sư này tôi muốn cùng Phượng Cô tiến hành hôn lễ, rồi cùng nàng về Nam, sau đó làm một Đào Chu Công trong chốn thương trường; không ngờ lại gặp chuyện không may. Nay đến Phủ ta đã được vài tháng, tin tức thông suốt, nay đã biết Tứ da cũng đang gặp khó khăn. Tôi chắc chẳng phải chuyện gì khác ngoài chuyện bộ Hộ, bộ Lại; dùng một câu thánh nhân để nói: Ta sợ rằng đó cũng là cái lo của Quí Tôn (187), lo về những việc trong nội bộ mà thôi!



Nghe vậy người Dận Chân bỗng run lên, chén trà trong tay suýt nữa thì s hết; ông nhìn chằm chằm vào Ô Tư Đạo, mãi sau mới nói:



- Chắc rằng tiên sinh đã nghe ngóng được điều gì chăng?



- Cũng không cần phải nghe ngóng!



Giọng của Ô lạnh như băng:



- Kinh sư nếu là nơi đất lành thì Tứ da và Thập tam da hà tất phải rời bỏ công việc của bộ Hộ mà tránh họa ở An Huy? Nếu thật quả là việc "trị hà" thì vì sao Tứ da lại phải xoay xỏa tiền nong ở An Huy; không chịu xin tiền bộ Hộ?



- Tiên sinh muốn nói...?



- Ngôi vị của thái tử không vững. - Ô Tư Đạo nói: - Vua tôi nghi kị nhau, cha con nghi kị nhau, anh em nghi kị nhau, đó không phải là phúc của đất nước.



Dận Chân kinh ngạc nhìn Ô Tư Đạo, hơi sững người. Những lời này của Ô Tư Đạo; chỗ này, chỗ khác cũng giống như những điều ông với Dận Tường đã cùng nhau bàn bạc, nhưng lại không thấu triệt được như thế này và có ngọn có ngành như thế này. Chỉ bằng mấy lời mà Ô đã trình bầy căn do của nó một cách thật rõ ràng, khúc triết. Mãi sau, Dân Chân mới nói:



- Quả thật hiện nay Kinh sư đang có những lời đồn đại nói hoàng thượng muốn phế thái tử. Tôi từ An Huy trở về bái kiến hoàng thượng, rồi bái kiến thái tử. Với những điều tôi nghe được và suy nghĩ ở An Huy, tôi thấy không giống như những lời đồn đại. Rất có thể có một số tiểu nhân lén lút gây chuyện từ trong, hòng ly gián hoàng đế với thái tử cũng chưa biết chừng



Ô Tư Đạo cười, nói:



- Cái nguy của thái tử, tôi mong rằng nó chỉ như giọt sương ban mai! Khang Hy năm thứ 36, hoàng thượng tây chinh Thanh Hải, thái tử lưu lại Bắc Kinh xử trí mọi chuyện quân quốc trọng sự. Thế rồi, hoàng thượng bị cảm phong hàn, từ vạn dặm xa xôi nhà vua gọi thái tử tới nơi quân tiền, như vậy tức là ngài không yên tâm đối với thái tử! Tiền Thượng thư phòng Sách Ngạch Đồ, năm Khang Hy thứ 42, củ tập những người trung thành với Sách Ngạch Đồ, có liên can với thái tử đảng; họ đã nhân lúc hoàng thượng Nam tuần định đưa thái tử lên ngôi báu; đưa hoàng thượng lên ngôi thái thượng hoàng! Sau khi sự việc bị phát giác, Sách Ngạch Đồ bị bắt giam, còn thái tử thì tuy vẫn giữ được ngôi vị; nhưng thảm biến đó giữa hai cha con, lẽ nào hoàng thượng lại dễ dàng bỏ qua? Chỗ dựa của ta là thái tử; nếu chỗ dựa đó bền vững thì vì sao hôm nay lại phải dựng một nơi trang viên, ngày mai phải xây một tòa trạch viện. Giang sơn vạn dặm rồi sẽ là của thái tử, thì sao lại còn phải xây dựng riêng cơ sở cho mình?



Dận Chân ngẫm nghĩ lời của Ô Tư Đạo, thở dài, nói:



- Thái tử chính là người như thế đấy; ngài đã mấy lần nói với tôi, cuộc đời ngắn ngủi, phải nên kịp thời hưởng thụ. Với một thái tử như vậy thì thật là hết cách.



- Chà, Tứ da thấy như vậy sao?



Ô Tư Đạo đột nhiên cười lớn:



- Tứ da nhầm rồi! - Họ Ô nói tiếp: - Điều mà Tân Khí Tật () nói là: "chỉ chăm chú vào chuyện nhà đất, ruộng nương, ngại ngùng trong truyện thù ứng, đó là kẻ tầm thường"; Lời này chỉ là những sĩ đại phu. Còn thái tử hiện nay, là dùng kế Thao hối (189), hòa quang đồng trần (190) thái độ đó chính là muốn tỏ cho hoàng thượng thấy là mình không hề có dã tâm mà thôi!



Lời gợi mở đó, đối với Dận Chân có công hiệu như đề hồ quán đỉnh (191), toàn thân ông như run lên, ông nói:



- Cha con nghi kị nhau đến mức độ đó, thật khiến người ta rùng mình! Cách làm đó của thái tử, cũng là một sự dụng tâm sâu sắc, nhưng chỉ làm khó cho chúng tôi, những người phải điều hành công việc; nào phải tiến hành "lại trị", nào còn phải giữ gìn uy tín cho thái tử...



Vừa nói, ông vừa lắc đầu.



Ô Tư Đạo nói:



- Nếu là một vị hoàng đế bình thường thì sách lược đó của thái tử dùng được. Nhưng hoàng đế ngày nay là một thánh quân năm trăm năm mới xuất hiện một lần, thượng sách của thái tử sẽ trở thành hạ sách. Nay tuổi của hoàng thượng đã cao, người đã cảm thấy mệt mỏi và đã đem chính sự phó thác cho thái tử, những tưởng thái tử thừa đủ năng lực; nhưng Tứ da thử nghĩ xem: những công việc như đo đạc đất đai trong cả nước, thì vứt đó bỏ mặc; đổi mới mọi chế độ thuế má, cũng vất đó bỏ mặc; tu sửa đường sông, chuyển vận lương thực thì làm không ra làm sao hết; thanh lý về sự thiếu hụt, nợ nần ở bộ Hộ thì thái tử lại là người đầu sỏ trong việc này; những chuyện làm bậy ở trường thi thì thái tử lại giải quyết không đến nơi, đến chốn. Các hoàng a-ca nhìn rõ những sự thất bại trên chính trường của thái tử, mới dám trên đầu Thái Tuế động thổ (192). Tuy thái tử "Hòa quang đồng trần" nhưng mọi người đã nắm được những chỗ thiếu kém đó của ngài, rồi từ "bé xé ra to", khiến cho hoàng thượng càng đánh giá thấp ngài. Ngài càng sợ thì lại càng "hòa quang đồng trần". Cứ cái vòng luẩn quẩn đó thì rồi đây sự việc sẽ xấu đến dâu? Vốn hoàng thượng đã không tín nhiệm nay như thế thì lại là "tuyết phủ thêm sương"? Nghe nói năm nay xa giá sẽ tới Nhiệt Hà và hoàng thượng cũng thay đổi mọi quy định thường lệ mà muốn thái tử phải ở bên người. Thị vệ ở Dục Khánh cung cứ ba tháng thay người một lần, việc này báo trước điều gì?



Dận Chân nghe Ô Tư Đạo nói vậy tim ông cứ đập thình thình, ông chợt nghĩ tới chuyện Long Khoa Đa sắp đảm nhận chức thừa thiên Phủ Doãn. Lại nghĩ tới việc mình và Dận Tường; trước mắt mọi người thì ông và Dận Tường là cánh tay phải và cánh tay trái của thái tử. Thế là trên trán toát dầy mồ hôi hột. Mãi sau, ông mới than thở:



- Đêm nay, thật hơn cả mười năm đọc sách của tôi; nhưng sự việc chưa xẩy ra thì ta vẫn phải tìm cách vãn hồi! Tôi với thái tử tình như chân tay, nghĩa tựa vua tôi, dương lúc này, ta quyết không thể để cho "giậu đổ bìm leo". Con đường này tôi sẽ đi cho đến cùng!



- Con đường này phải đi!



Ô Tư Đạo gật gật đầu nói, tiếp:



- Nhưng không nhất định phải đi tới cùng mà phải vừa đi va nhìn. Ta làm hết khả năng của ta, nhưng vẫn phải nhìn vào thiên mệnh. Nếu thái tử có thể "thay tâm đổi tính", sửa đổi lề lối thì mệnh trời có thể thay đổi; nhưng nếu cứ như thế này mà trong ba năm không xẩy ra việc phế thái tử thì Tứ da cứ khoét mắt tôi đi!



Dận Chân xúc động đứng ngay dậy, bước nhanh mấy bước; nhưng ông bình tĩnh lại rất nhanh, than thở:



- Không ngờ tôi vất vả làm việc mà lại sa vào cái "vòng xoáy nước" này. Hiện nay bộ Hộ thanh lý quốc khố, mà thái tử lại vay ở đó một khoản tiền lớn; bốn mươi nhăm vạn lạng! Thái tử nói là cuối năm sẽ trả, nhưng có thật như vậy không? Đức vạn tuế đã đưa ra hạn định, nhất định trước tháng Mười phải hoàn thành việc thanh lý này, nhưng với món nợ đó của thái tử thì tôi bị khó rồi!



Ô Tư Đạo sững người, hỏi:



- Tứ da có thể khuyên thái tử một chút không? Nhưng cũng xin Tứ da đừng nói một cách bộc trực quá chỉ nên lấy lời của vạn tuế làm áp lực thôi. Tứ da xin thái tử hãy vì đại cục mà thanh toán hết món nợ này!



- Tiên sinh không biết được con người Nhị ca tôi đâu - Dận Chân nói. - ông trông thì có vẻ ôn tồn, nhu nhược; kì thực đó chỉ là giả tạo; lời nói phải, mà nói gay gay một chút là thái tử chịu không nổi; nếu càng nói nhiều thì thái tử lại càng làm ra vẻ một con người hồ đồ; có khi tức chết người nhưng vẫn không lay chuyển được ông ấy.



Ô Tư Đạo trù trừ một chút rồi nhẹ đặt chén trà xuống và đột ngột nói:



- Bốn ơi nhăm vạn lạng... không phải là ít, nhưng cũng không phải một món tiền to ghê gớm gì đâu!



- Tiên sinh nói gì?



- Tôi nói, chúng ta sẽ bỏ tiền ra thay thái tử trả nợ!



- A! - Dận Chân hoảng hốt kêu lên - Tôi làm sao xoay nổi một món tiền lớn như vậy cho thái tử được? Bổng lộc của tôi một năm chỉ có một vạn tám nghìn lạng. Số điền trang của tôi ai cũng biết là ít nhất trong số các a-ca, còn chuyện trao đổi với Bát a-ca thì khác nào chuyện Dữ hổ mưu bì?



Ô Tư Đạo chống nạng đứng dậy, đi đến cửa Ô nhìn vào những giọt mưa bên ngoài, mãi sau mới nói:



- Số tiền này tôi có thể đưa ra ngoài được?



Dận Chân sững người vì kinh ngạc, ông nói lắp bắp:



- Tôi đã sớm biết tiên sinh là con nhà thế gia ở Giang Nam; nhưng thật không ngờ tiên sinh lại giầu đến thế kia ư?



- Không phải!



Ô Tư Đạo cười buồn, lắc lắc đầu, tiếp:



- Gia đình tôi chỉ vào loại trung lưu mà thôi; lột da, róc xương cả nhà cũng chỉ được 2 vạn là cùng. Nhưng lần này vào Kinh, lại có được một khoản bất ngờ...



Nói rồi ông lấy từ trong người vật, đặt lên lòng bàn tay, nói:



- Tứ da, xin nhìn đây!



Dận Chân đến gần, thấy trong lòng bàn tay Ô Tư Đạo có một vật to gần bằng hạt dẻ, xanh biếc sáng lấp lánh, dưới ánh đèn tỏa hào quang ngũ sắc; đúng là một viên bảo thạch! Ông nói:



- Đây là viên Tổ mẫu lục, giá tiền nhiều nhất là năm vạn lạng bạc. Mười viên là năm mươi vạn. - Ô Tư Đạo cười tiếp vào và nói - ...mà cũng chưa nhất định chỉ có mười viên. Theo tôi suy đoán thì còn đến mười tám viên nữa, cộng với những châu báu khác thì tất cả phải đáng giá trên ba trăm vạn lạng, nay ta chỉ cần có bốn mươi nhăm vạn lạng thì không đáng kể. Sau này nếu có cần dùng vào việc gì nữa thì Tứ da cũng còn dư dật...



Dận Chân nghe Ô nói vậy, trong lòng rất ngạc nhiên, hỏi:



- Ở đâu mà tiên sinh có được một khoản châu báu lớn như vậy? Đối với tôi thì: "Không phải ngô đồng thì không đậu, không là nước suối trong thì không uống!"



Ô Tư Đạo tập tễnh quay lại chỗ ghế ngồi, ngồi xuống, nói:



- Những của cải vô chủ trong thiên hạ nhiều không kể xiết. Tôi nay đã đem thân thờ chủ, tất nhiên phải vì chủ mà chia lo...



Dận Chân không đáp lời, chỉ nhìn đăm đăm vào Ô Tư Đạo ra ý hỏi. Ô điềm nhiên nói:



- Những báu vật này đều ở chùa Đại Tuệ, nó đã chìm lấp có ttrăm năm. Tứ da không lấy thì chỉ sớm tối sẽ có ngày bọn "lừa đầu trọc" sẽ vớ bở. Hiện nay việc này chỉ có trời biết, đất biết, Tứ da biết, tôi biết.



- Cả tôi nữa cũng biết!



Từ ngoài cửa vang lên một trận cười; Dận Chân và Ô Tư Đạo đều giật mình. Khi hai người ngẩng đầu lên nhìn thì thấy một lão tăng mặc áo cà sa vàng; râu, lông mày đều trắng toát ung dung đi vào; người theo sau chính là Âm đầu đà. Hai hòa thượng này một văn, một võ, vị lão tăng là Văn Giác; người chuyên môn tháp tùng Dận Chân tiếp đãi các cao tăng trong thiên hạ và giao thiệp với các vị hòa thượng chủ trì trong thiền lâm ở Bắc Kinh; đó là vị hòa thượng đã gửi thân dưới cửa Dận Chân., Âm đầu đà thì ở tại "Bắc niêm can" trong phủ, huấn luyện võ thuật cho các gia đinh hộ vệ và các tử đệ. Thấy hai người đến, Dận Chân cười, nói:



- Ô Tư Đạo vừa rủa những con lừa đầu trọc, thì đến ngay hai vị hòa thượng! Ở xa thế mà sao Âm đầu đà lại nghe được?



Văn Giác hòa thượng chắp tay vái, rồi ngồi xuống. Còn âm đầu đà thì cười nói:



- Tôi có phép truyền âm. Ở thư trai bên đó cách đây chỉ không đầy mấy bước chân; ở đây nói gì tôi nghe rất rõ.



- Tôi rất ham mê sưu tầm các vật lạ kỳ! - Ô Tư Đạo thong thả nói tiếp: - Tôi ở chùa Đại Tuệ một ít ngày, đọc hết các tấm bia trong chùa. Ngôi chùa này là do thái giám Lý Vĩnh Trinh thời Tiền Minh xây. Biết được điều này nên tôi rất lưu tâm, vì tôi có đọc trong "Khiếu phong tạp kí" có chép là: "Lý Vĩnh Trinh, Lý Triệu Lĩnh xây sinh từ cho Ngụy Giác, đắp tượng của Ngụy Trung Hiượng đó: "Đội mũ miện, tay cầm hốt, trông uy nghiêm như đế vương... tượng làm bằng gỗ trầm hương, mắt tai miệng mũi trông sinh động như người thật. Những gan ruột... trong bụng đều làm bằng kim châu bảo ngọc, quần áo thì rực rỡ..."



Ô Tư Đạo nói mà như đọc thuộc lòng rất đĩnh đạc, lưu loát; mọi người nghe đều ngẩn người. Cuối cùng, Ô Tư Đạo chuyển giọng, Ô nói:



- Sau đó, tôi chuyển tới ở trại Thần Khố, thấy hai tượng thần bằng gỗ còn chưa chôn; trông hai bức tượng này giống như những bức tượng đã tả trong sách, nhưng vì niên đại đã quá xa xưa, nét sơn đã loang lở, trông không còn ra hình dạng gì nữa. Nhìn về phía sau Thần tòa thì biết là những tượng này được tạo tác vào năm Thiên Khải thứ năm. Đoán chắc chắn là bức tượng của Ngụy Trung Hiền nên tôi đưa tay vào mắt tượng móc ra được bốn viên Tổ Mẫu Lục. Tôi đã chôn ba viên trong chùa còn mang theo người một viên, đó tức là viên mà Tứ da vừa thấy.



Ba người bất giác nhìn chòng chọc vào chiếc bàn đặt trước Ô Tư Đạo, viên bảo ngọc sáng rực rỡ, rành rành ngay đó! Âm đầu đà thấy vậy nói ngay:



- Sao lại có việc kì diệu đến thế được?



- Đây không phải chỉ có một kho vàng, Tứ da làm mọi việc vì thiên hạ, nên ngài lấy số bảo ngọc này không sợ thương tổn gì đến sự liêm chính hết.



Mắt Ô Tư Đạo lóe sáng, nhưng tiếng nói vẫn bình tĩnh:



- Ngụy Trung Hiền hiệu là Cửu thiên tuế. Theo lí suy đoán thì tất thảy phải có chín pho tượng. Những pho tượng này đã mai một trong bao năm ròng, nay tôi phát hiện được, đó là trời trao cho Tứ da! Dưới thần khố nhất định còn chôn bảy pho tượng nữa. Ta giải quyết việc này không có khó khăn gì hết. Thập tam da sẽ nói là ông đến tĩnh tu ở chùa. Ông sẽ đem theo Âm đầu đà, Cẩu Nhi hoặc Khảm Nhi rồi moi ruột tượng mang báu vật về, như vậy thì thần không biết, quỷ chẳng hay!



Văn Giác bất ngờ cất lời khen:



- Tiên sinh thật là "kì nhân". Nhưng theo tôi nghĩ bảy pho tượng kia chắc không còn nữa. Có điều tôi không thể hiểu được là người tạc tượng khi đó tại sao họ lại không lấy báu vật đi? Trong chùa có biết bao nhiêu hòa thượng, thế mà vì sao trải qua hơn một trăm năm lại không có ai phát hiện ra?



- Ngọc ở Kinh sơn (193), hạt châu của linh sà, không phải ai ai cũng biết được!



Ô Tư Đạo lại nói tiếp:



- Toàn thân tượng gỗ người ta đã trát bằng nước bột gạo nếp, việc này có thể là do người tạc tượng hoặc người thủ từ làm khi đó. Nhưng rồi Ngụy đảng thất thế, triều đình lại lùng bắt rất nghiêm. Những người biết việc này do không đến kịp để lấy thì đã bị hạ độc thủ...



Những lời đó dường như lời trong mộng, lại được Ô Tư Đạo phân tích hợp tình, hợp lí, nên mọi người lắng tai nghe không sót một chữ; phút chốc trong thư phòng lặng ngắt như trong một tòa miếu hoang. Mãi sau, Âm đầu đà giơ tay, giương mày, vui vẻ phấn khởi nói:



- Tứ da, xin cứ tiến hành theo ý của Ô tiên sinh. Trong vòng ba hôm ta sẽ đến lấy đi hết các bảo vật đó!



Dận Chân nhìn Ô Tư Đạo, ông không nói nên lời. Nhưng ông cảm thấy ngũ tạng như sôi lên, khí nóng trong người bốc lên hừng hực. Mãi sau, ông mới gật gật đầu, giọng dường như khản đặc:



- Tiên sinh, tôi không biết nói gì hơn. Tiên sinh có những cử chỉ cao đẹp như vậy đối với tôi, tôi biết lấy gì đền đáp đây?



- Kẻ sĩ chết vì người tri kỉ; người đẹp dâng nhan sắc của mình cho người mình yêu! - Ô Tư Đạo trầm tĩnh đáp - Bối lặc đãi tôi vào bậc quốc sĩ, tôi há đâu lại làm một tên giữ tài vật mà không báo đáp bối lặc sao?



----------------

175) Nửa muốn, nửa không: tức trong bụng muốn, nhưng còn có điều e ngại



(176) Bậc đá hạ mã: tức bậc bằng đá để đặt chân khi xuống ngựa.>



(177) Yên tỏa trì đường liễu: khói che lấp những cây liễu trên ho.



(178) Trấn hồ lâu: Nhà tọa trấn trên hồ



(179) Thiêu than Trấn hồ lâu Lửa cháy lở "Trấn hồ lâu".



(180) Sơn sơn xuất: "sơn" là núi, "xuất" là sản xuất



(181) Nhật nhật mạo: "nhật" là ngày, "mạo" là "đổ ra"



(182) sắc nan: lời Khổng tử. đại ý: trước bố mẹ con luôn có nét mặt tươi vui mới là có hiếu, nhưng giữ được như vậy là khó.



(183) Dễ: từ "dễ" người Trung Quốc nói là: dung dị



(184) Bức tranh vẽ Chung Quỳ. Theo Đường ngoại thư, Chung Quỳ người đời Đường đã đỗ Trạng nguyên, sau khi chết lại hiển linh bắt quỷ cho Đường Minh Hoàng. Người đời trước cho truyện hoang đường đó là có thật nên trong dịp Tết Nguyên Đán hay Tết Đoan Ngọ thường vẽ hình Chung Quỳ để đuổi ma quỷ



(185) Bất thức Lư sơn chân diện mục: bất thức là không biết. Lư sơn chân diện mục: chân tướng (của sự việc)



(186) Miệt phiến tức là "môn khách"



(187) Quý Tôn: một nhà quí tộc ở nước Lỗ.



(188) Tân Khí Tật: người đất Lịch Thành đ̖1;i Tống, tri phủ Lăng Giang. Nổi danh ngang với Tô Đông Pha.



(189) Thao hối: dấu đi không để lộ



(190) Hòa quang đồng trần: chan hòa với mọi người.



(191) Đề hồ quán đỉnh: truyền trí tuệ làm cho con người tỉnh ngộ



(192) Thái tuế động thổ: thái tuế, tên một vì sao (tức là sao Mộc), đây là một hung tinh theo các nhà thuật số thì sao này soi rọi ở phương nào thì đó là hung phương nơi đó không được động thổ xây dựng.



(193) Kinh sơn: ở phía tây nam, huyện Hoài Viễn. tỉnh An Huy, nơi sản xuất ngọc quý.
UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ
GIỚI THIỆU NỘI DUNG
HỒI THỨ NHẤT
HỒI THỨ HAI
HỒI THỨ BA
HỒI THỨ BỐN
HỒI THỨ NĂM
HỒI THỨ SÁU
HỒI THỨ BẨY
HỒI THỨ TÁM
HỒI THỨ CHÍN
HỒI THỨ MƯỜI
HỒI THỨ MƯỜI MỘT
HỒI THỨ MƯỜI HAI
HỒI THỨ MƯỜI BA
HỒI THỨ MƯỜI BỐN
HỒI THỨ MƯỜI LĂM
HỒI THỨ MƯỜI SÁU
HỒI THỨ MƯỜI BẢY
HỒI THỨ MƯỜI TÁM
HỒI THỨ MUỜI CHÍN
HỒI THỨ HAI MƯƠI
HỒI THỨ HAI MƯƠI MỐT
HỒI THỨ HAI MƯƠI HAI
HỒI THỨ HAI MƯƠI BA
HỒI THỨ HAI MƯƠI BỐN
HỒI THỨ HAI MƯƠI NHĂM
HỒI THỨ HAI MƯƠI SÁU
HỒI THỨ HAI MƯƠI BẨY
HỒI THỨ HAI MƯƠI TÁM
HỒI THỨ HAI MƯƠI CHÍN
HỒI THỨ BA MƯƠI
HỒI THỨ BA MƯƠI MỐT
HỒI THỨ BA MƯƠI HAI
HỒI THỨ BA MƯƠI BA
HỒI THỨ BA MƯƠI TƯ
HỒI THỨ BA MƯƠI NĂM