HỒI THỨ HAI MƯƠI NHĂM
Tác giả: Nhị Nguyệt Hà
D ận Nhưng trở về Thanh Thư Sơn quán, thì đã như một người tuyết. Đêm đó, dường như ác mộng đến truy đuổi ông, người cứ như ngơ ngẩn, mê mẩn. Đi săn trở về, đến Yên Ba Trí Sảng trai thỉnh an như thế nào, hầu hoàng đế đi ngủ ra làm sao, rồi cùng với Chu Thiên Bảo đánh một ván cờ rồi không biết "quỷ tha ma bắt" thế nào lại đến Lãnh Hương đình ân ái với Trịnh Xuân Hoa... tất cả những điều đó Dận Nhưng thật ra cũng không nhớ lại được rõ ràng lắm. Dận Nhưng cũng không rõ là vì sao Khang Hy đã đi ngủ rồi mà lại đột nhiên, lặng lẽ giá lâm tới Lãnh Hương đình, giết chết viên thái giám canh chừng rồi đi thẳng vào buồng ngủ bắt việc gian dâm ngay tại trận... Tất cả những sự việc đó cứ như thật, mà lại như giả, chỉ có tiếng cười quái ác, ánh mắt độc ác đượm chút khinh miệt của Khang Hy, lúc thì mờ nhạt, lúc thì thoáng qua, nhưng càng lúc càng hiển hiện ra trong tim, trong mắt Dận Nhưng thật rõ ràng cụ thể... cho mãi đến khi tiếng chuông chùa thấu qua màn đêm văng vẳng vọng tới. Cho đến lúc bấy giờ Dận Nhưng mới rõ rằng mình đã đứng ở dưới Thùy Hoa môn trong Thanh Thư Sơn quán. Dận Nhưng trở lại Tẩm cung, nơi thực tế đã phát sinh ra tất cả mọi chuyện, rồi Dận Nhưng tìm đến Tứ a- ca. Nhưng chút cố gắng này cũng là chuyện uổng phí tâm cơ, "xe củi, cốc nước" chẳng qua chỉ là chuyện cố gắng vô ích mà thôi. Tim ông như bị giội một chậu nước lạnh, ông cứ bước những bước chân bất định đi tới; các thái giám vội giũ hết những bông tuyết trên 'người ông, nhưng những động tác đó cũng không làm ông chú ý chút nào; tiếp đó thái giám quản sự là Hà Trụ Nhi tới bên, nói:
- Trung đường Trương Đình Ngọc đã đến được một lát rồi; hiện ông đang đợi thái tử ở thư phòng! Mời ông ta đến Noãn các hay thái tử đến gặp ông ta?
- Hả? Hả? - Dận Nhưng giật mình hoảng sợ, khi ông đã bình tĩnh trở lại thì bước chân ông đã đi tới noãn các mà ông cũng chẳng tự biết, rồi cứ thế ông tới thư phòng. Dưới ánh đèn, Dận Nhưng thấy Trương Đình Ngọc bước ra đón ông, đi cạnh còn có Trần Gia Du và Chu Thiên Bảo. Khi họ cúi chào xong, Dận Nhưng cười, một cái cười mất tự nhiên, ông lớn tiếng hỏi:
- Đình Ngọc, cái chức thái tử thái bảo của ông đã đến tay ông chưa?
Chu Thiên Bảo và Trần Gia Du không biết xẩy ra sự gì, hai người cùng Trương Đình Ngọc ngồi đợi thái tử hơn nửa canh giờ, nhưng họ toàn nói chuyện luật thơ với nhau. Hai người đã mấy lần thăm dò xem Trương đến đây với mục đích gì, nhưng vô ích; vị Thượng thư phòng đại thần thâm trầm này chỉ có cười trừ mà thôi; hai người bỗng thấy lo, mặt vụt trắng như tờ giấy. Họ đang lúc hoảng sợ thì Trương Đình Ngọc mỉm cười đáp:
- Lẽ tất nhiên là chúng tôi có được nó rồi; thái tử là người thông minh, cũng phải tự bảo trọng mới được!
Nói rồi Trương giơ tay ra hiệu, tỏ ý mời Dận Nhưng lại gần rồi ông ngoảnh mặt về hướng nam đứng nghiêm nói thong thả:
- Phụng chỉ, có lời cần hỏi Dận Nhưng!
- Thần, Dận Nhưng...
Dận Nhưng hoảng loạn nhìn Trần Gia Du và Chu Thiên Bảo, hai người khi ấy trông như hai bức tượng nặn bằng đất; hai chân Dận Nhưng vụt mềm nhũn rồi như người bị co gân ông rủn người gục ngay xuống đất, lòng ông rối ren không biết nên tâu bày về chuyện ở Lãnh Hương đình ra sao; mà ông cũng không biết Trần, Chu hai người nghe được sự việc đó thì sẽ có thái độ như thế nào.
Đương lúc kinh hoảng thì Trương Đình Ngọc hỏi:
- Hoàng thượng hỏi thái tử, ngày 16 tháng Chín, thái tử cùng bọn Thác Hợp Tề, Cảnh Ngạch Đồ, Lăng Tấn, Đào Dị, Doãn Tấn, Lao Chi Biện cùng nhau ăn uống ở nơi nào? Các ông bàn những gì?
- Bẩm tâu vạn tuế - Dận Nhưng khấu đầu đáp - Lần ăn uống đó, bọn môn khách của thần như Lăng Tấn, Doãn Tấn, Lao Chi Biện vào Kinh thuật chức. Thác Hợp Tề thiết yến tại phủ của y, nói là xin mời chủ nhân cùng vui một chút, thần liền đi, nhưng cũng không bàn chuyện gì hết.
- Ngươi có hỏi môn khách của Tam a-ca là tên họ Mạnh đi đâu không?
Dận Nhưng nghe, biết là hoàng thượng chỉ truy hỏi về chuyện đó nên ông cảm thấy hơi yên tâm, nên nói:
- Môn khách của Tam a-ca là Mạnh Quang Tổ dời Kinh đi mua sắm các vị thuốc. Theo như lời tổng đốc Vân Quý bẩm lên, thì tên đó ra ngoài kết giao đại thần; y rất không an phận, phạm vào cấm lệ. Nhân có Lao Chi Biện mới từ Quý Châu trở về, thần có hỏi y về Mạnh Quang Tổ thì được biết sự việc quả thật là như vậy; nên thần nói: Loại tiểu nhân đó ở bên ngoài rêu rao lừa bịp, tung ra những tin bí mật ở trong cung, rất bất lợi, cần phải sức cho tuần phủ Quý Châu bắt y ngay tại chỗ rồi áp giải về Kinh. Làm như vậy, không những là thần mà ngay Tam đệ cũng phải thấy là tốt.
Trương Đình Ngọc chỉ phụng chỉ hỏi, chứ không có quyền bắt bẻ, nay ông nghe Dận Nhưng tâu bầy như vậy thì hơi gật đầu; rồi hỏi tiếp:
- Hoàng thượng hỏi thái tử, thái tử có nói câu này không: "Vận mệnh của ta thật chẳng ra gì; thiên hạ cổ kim, không có một ai làm hoàng thái tử suốt trong 40 năm trời!" Ngươi sao lại cuồng vọng, táng tâm làm vậy? Trẫm có điều gì không phải với ngươi không? Ngươi cứ thực tâu bầy!
Mặc dầu Trương Đình Ngọc cố gắng nói cho thật ôn tồn, nhưng những lời hỏi sắc như dao đó làm cho người phải kinh hồn bạt vía biết chừng nào. Nghe được những lời đó, Chu Thiên Bảo còn gắng gượng được, nhưng Trần Gia Du thì lảo đảo, hầu như xỉu đi ngay.
- Bẩm vạn tuế...
Dận Nhưng mặt xạm như tro, run giọng đáp:
- Câu nói đó của nhi thần nguyên văn như thế này: "Thật sự mà nói thì vận mệnh của ta có ra gì đâu, làm thái tử sắp tròn 40 năm mà chẳng làm nên được trò trống gì, thật phụ thánh ân của hoàng thượng. Thiên hạ cổ kim, không ai kém cỏi hơn ta!". Lại xin bẩm với hoàng thượng, đó là lời của kẻ say chứ không phải là lời trong thâm tâm của thần nhưng dù sao cũng làm mất thể thống của ngôi vị thái tử, hoàng thượng trách nhi thần bội nghĩa, thần thật khó chối bỏ được tội này! Xin trung đường thay tôi chuyển tấu!
Nói rồi, Dân Nhưng khấu đầu liền liền. Trương Đình Ngọc liếc nhìn dáng bộ đáng thương của thái tử lòng ông cũng thấy bồi hồi, liền nói:
- Còn có một câu hỏi rất quan trọng nữa, thái tử cần trả lời cho thật, không được tránh né. Đêm nay thái tử có gặp Thập tam a-ca Dận Tường không?
Dận Nhưng ngẩng đầu ngay lên, ngạc nhiên nhìn chằm chằm vào Trương Đình Ngọc: bản thân ông vừa mới từ Sư tử viên trở về, nhìn dáng bộ của Trương Đình Ngọc thì cũng không phải là ông ta mới tới Thanh Thư Sơn quán việc vừa mới xẩy ra đã biết ngay được? Như vậy thì "nhĩ thần" có mật báo cũng không sao nhanh như vậy được! Nghĩ vậy, ông bèn đáp:
- Có gặp, nhưng không phải là vào buổi tối, mà là sau khi tùy giá đi săn về, nhi thần thấy Dận Tường tâm tư chán ngán nên chỉ đến để an ủi mấy câu, ngoài ra không nói gì khác!
- Lăng Tấn dẫn hai ngàn quân tự tiện tiến đến đóng ở hành cung, thái tử có biết không?
Trong thư phòng lập tức lặng lẽ như một tòa miếu hoang! Ngay Dận Nhưng cũng không ngờ được, trong biến lại có biến. Tối nay ngoài cái án "gió trăng" oan nghiệt ở Lãnh Hương đình, nay lại còn nẩy sinh chuyện binh biến do ai đó đã gây ra. Ông hoảng sợ đờ người vì cái tin khủng khiếp này, khắp người ông tê dại như không còn tri giác nữa, mãi sau ông mới nói:
- Có... có chuyện như vậy ư?
- Có!
- Nhi thần không biết!
- Nhưng Lăng Tấn mang theo trong người thủ dụ điều binh có quan phòng ( 43 ) của thái tử!
- Thủ... dụ? Viết những gì?
- Vạn tuế muốn thái tử tự nói ra!
- Trương trung đường!
Dận Nhưng đã hoàn toàn bị dồn vào tuyệt lộ, nhưng ngược lại nỗi sợ hãi của ông lại bay vút lên chín tầng mây. Ông đứng thẳng người cất tiếng nói thật to, đến nỗi ngay bản thân ông cũng thấy sợ nẩy người:
- Xin ông thay tôi nói với vạn tuế một lời: Đó toàn là những việc không có thật! Tôi làm việc bất lực và trong hành xử có những việc làm phụ lòng người; những việc đó đều có thể có; bọn tiểu nhân vu hãm tôi tội danh đại nghịch, đưa tôi vào chỗ bất trung, nói tôi phản vua, gian tà làm ô danh tôi! Nếu như vậy thì Dận Nhưng này tuy chết cũng không nhắm được mắt!
Lời cật vấn đã hết, Trương Đình Ngọc thở một hơi dài, nói:
- Mời thái tử đứng dậy, xin tha cho thần tội bất cung; nhưng đó là do thần phụng chỉ, không phải do bản thân. Thần cũng biết là thái tử ngay từ khi buộc tóc ( 44 ) đã nhận được sự giáo huấn của thánh nhân, dù rằng có thể có những lỗi nhỏ, nhưng quyết không thể có chuyện điều binh hãm cung khuyết. Những việc đó, thái tử gặp vạn tuế xin cố sức từ tốn trần tình. Thái tử yên tâm, vạn tuế là bậc thánh minh, quyết không thể dễ dàng buộc người vào tội; thần nguyện đem hết sức mọn của mình biện bạch cho thái tử trước hoàng thượng.
- Ai cần ông biện bạch!
Dận Nhưng đột nhiên nổi cơn thịnh nộ xua tay nói; đoạn tiếp:
- Bây giờ tôi sẽ đến Yên Ba Trí Sảng trai, đến trước mặt hoàng thượng để nói cho rõ ràng. Dù rằng có nhận cả, thì chẳng qua cũng chỉ một chữ "tùng xẻo: mà thôi, có gì là ghê gớm đâu!
Nói rồi Dận Nhưng quay người đi luôn. Chu Thiên Bảo, giang tay ra, đột nhiên Chu kêu lớn một tiếng:
- Trương Hoành Thần, ông nói rõ ra một chút đi, kẻ tiểu nhân nào giở trò này trước hoàng thượng để li gián cha con, gây chia rẽ, hãm hại trữ quân?
Trương Đình Ngọc ở vào hoàn cảnh đó thật là khó xử, ông chỉ biết gượng cười thở dài, nói:
- Sĩ Minh, xin bình tĩnh, đừng nóng vội! Ông và Trần Gia Du hầu cận Đông cung, sớm tối không rời, mà các ông còn không biết thì tôi làm sao có thể biết được tường tận mọi việc? Thái tử, xin người hãy đợi cho một chút, bên ngoài bây giờ đều là binh sĩ của Thiện Phốc doanh, thái tử không thể đi được đâu. Vạn tuế đã có chỉ, tất cả các hoàng a-ca
đều phải đến Giới Đắc cư chầu hầu, thần đi cùng với thái tử thì sẽ yên ổn hơn. Nhưng tối nay vạn tuế đang trong cơn thịnh nộ, thái tử không nên đến gặp người, thái tử cần nghĩ cho cẩn thận!
Nói rồi, Trương bước ra, đứng dưới hiên gọi:
- Lưu Thiết Thành!
Những binh sĩ hộ vệ đứng canh trong tuyết vội truyền lời đi, phút chốc thấy Lưu Thiết Thành rảo bước tới, hỏi:
- Trung đường, công việc đã xong chưa?
Lưu thấy Dận Nhưng cũng đứng ở cửa, liền bước lên một bước khom người làm lễ nói:
- Nô tài thỉnh an thái tử!
Trương Đình Ngọc bảo:
- Thiết Thành, ngươi hãy ở đây, niêm phong ấn lại, tất cả các văn thư, tấu chương phải đưa hết tới Yên Ba Trí Sảng trai, còn các thái giám, lại viên ở đây thì cũng không cần giam giữ họ, chỉ cần truyền lệnh cho họ không được tùy ý ra khỏi cung là được.
- Rõ !
- Thái tử vẫn là thái tử...
Trương Đình Ngọc cau mày, trầm ngâm nói tiếp:
- Hiện vẫn chưa có chỉ ý xử trí, cho nên các ngươi ngoài việc phải tuân theo chỉ ý mà làm việc; không được vội vàng, đường đột trong mọi sự. Xẩy ra chuyện gì thì phải chịu tội đó!
Nói rồi, Trương đưa tay tỏ ý mời, nói:
- Thái tử, kiệu của thần đã ở bên ngoài, thần và thái tử cùng đi một kiệu.
Dận Nhưng nhìn lên trời, vẫn còn những bông tuyết rơi xuống liên miên không dứt, ông nhìn ngó chung quanh, dường như đều là người lạ mặt, thấy từng tốp, từng tốp binh sĩ từ cửa ngách kéo vào; việc bố phòng canh giữ nghiêm mật như nơi ở của hoàng đế, nếu không thì cũng phải là một nơi cơ mật trọng địa chí cao vô thượng; tất cả thật giống như trong cơn ác mộng vậy. Ông chậm chạp giẫm lên tuyết, đi vài bước, đột nhiên ngẩng mặt lên trời, cười như điên:
- Phế thái tử thì ra là như thế này đây? Ta cũng coi như không uổng cuộc đời này? Ha ha ha ha... đi thôi, ta đi vào đại lao...
Giới Đắc cư nằm ở giữa con đường từ Phổ Điền trở về Yên Ba Trí Sảng trai, nó vốn là nơi để mỗi khi hoàng đế đi săn về mệt mỏi thì tạm thời nghỉ ngơi. Nơi đây hết sức hẻo lánh, trơ trọi, sừng sững đứng giữa nơi đồng không mông quạnh, cuồng phong rít lên những tiếng thê thảm vi vu như kéo theo những dải lụa vừa dài, vừa nhọn; từng mảng tuyết lẫn đất dính bết vào nhau bay dồn dập như muốn vùi lấp tòa cung điện nho nhỏ rồi bốc cả nền móng của nó lên, xé thành những mảnh vụn, ném ra ngoài trời không bờ, không bến kia...
Hoàng đế Khang Hy tay cầm một mảnh giấy nhỏ rộng hơn hai ngón tay, nhà vua ngồi trên chiếc kháng ( 45 ) lớn dưới hun lửa nóng rực. Khang Hy ngồi đó uống những chén trà đặc chát hết chén này đến chén khác, tâm trạng rất phấn khích đôi mắt sáng quắc sinh động dưới ánh lửa lung linh của ngọn nến; không biết nhà vua đang nghĩ gì, nhưng trên mặt không một nét biểu cảm. Bên cạnh Khang Hy là Đại a-ca Dận Thì, nhung trang bội kiếm, nét mặt trang trọng, nghiêm nghị, và Tam a-ca Dận Chỉ mà nét mặt lộ đầy vẻ lo ngại, ông cau đôi mày chữ "bát ngược" đen như sơn, thỉnh thoảng ông lại liếc nhìn Thượng thư phòng đại thần Mã Tề, ông này có sắc mặt vừa nâu, vừa xanh, trông khó coi như mặt người chết. Mã Tề mặc một chiếc bổ phục thạc tiên, bên trong là chiếc áo bào điêu tía do Khang Hy thưởng; tuy trong phòng ấm áp mà ông vẫn co ro vì rét, trong lòng bàn tay toàn là mồ hôi lạnh. Việc xẩy ra ở Lãnh Hương ông không hề biết, nhưng việc Lăng Tấn đem quân vào ngự uyển, chính ông là người xử trí. Khi đó gươm ngựa chúng đã sẵn sàng, mà chúng chỉ căn cứ vào một mảnh giấy của thái tử là xông vào! Nếu không có sự phát hiện của Trương Ngũ Ca, một thị vệ mới được tuyển thì ai có thể đoán chắc là mình lúc này đang ở trong tù hay trên đường trốn chạy! Ông cũng không tin rằng thái tử lại có thể có gan làm một việc đại nghịch bất đạo như vậy, nhưng hàng chữ trên tờ giấy đó rõ ràng có dấu "Dục Khánh chủ nhân" đóng, như thế là thế nào? Vừa rồi mấy người đã cố đoán nét chữ thì ngay cả thái giám tùy thân của thái tử được gọi vào để xem xét đều nói "cũng giông giống", nhưng không một ai dám nói một câu nào chắc nịch cả; chỉ có Mã Tề từ những chữ nhỏ của Chung Vương Thể, người cố ý bắt chước bút tích của thái tử, nói là rất giống thủ bút của Thập tam a-ca Dận Tường; ông đã lĩnh giáo lời của Khang Hy là những thủ đoạn, tâm địa của các đứa con như vậy, không có một đứa nào mà không phải là những kẻ tinh quái. Ai dám bảo đảm đó không phải là "giả trá trong giả trá"? Mã Tề đương suy nghĩ lung tung như vậy, thì nghe thấy tiếng Dận Chỉ khẽ nói:
- Hoàng a-ma...
- Gì vậy?
- Xa giá đến Nhiệt Hà đã năm, sáu ngày...
Dận Chỉ nói rất khéo, lại tiếp:
- Nhi thần ở bên cạnh thấy phụ hoàng tiếp kiến quần thần, hội kiến ngoại phiên, thị sát sơn trang, lại đi săn bắn, rồi còn liệu lí, xử trí những tấu chương từ Bắc Kinh đưa đến, bao nhiêu công việc như vậy nhưng vẫn không nghỉ ngơi dưỡng sức. Từ sáng sớm hôm qua cho đến bây giờ phụ hoàng lại không chợp được mắt. Nhi thần cứ nghĩ là, dù rằng việc có lớn bằng trời đi nữa, thì dù "cá chạch" có vùng vẫy mấy cũng không thể làm nổi sóng lớn được. Chưa nói là mưu gian của bọn xấu đã bị bại lộ, mà ngay sự biến có nổ ra thật sự thì với uy danh thấu tới cửu trùng của vạn tuế, chỉ cần hô to một tiếng là bọn tiểu nhân cũng không thể đắc chí! Nhưng thật ra, việc trước mắt ta có thể ung dung giải quyết nhất là phụ hoàng nay tuổi đã cao, dù sao cũng cần bảo trọng long thể. Hiện nay thái tử vẫn còn chưa tới, xin vạn tuế hãy nằm nghỉ một chút, dù rằng không ngủ được thì dưỡng thần một chút cũng là hay... nhi thần xin đọc Đường thi để phụ hoàng nghe... cho tinh thần thư thái một chút cũng tốt...
Nói đến đấy giọng Dận Chỉ đã nghẹn ngào, khản tiếng. So với Dận Chỉ thì tâm tư của Dận Thì lại khác hẳn, từ ngày rời khỏi Kinh, Dận Thì thấy mọi chuyện có vẻ thuận với mình, ông đã nhận mệnh đứng đầu việc thống lĩnh Thị vệ; một điều làm ông rất mừng vui là với những việc lớn trước mắt, với bước đường gian nan họa phúc bất trác mà hoàng đế vẫn nghĩ tới mình là người đầu tiên! Và vẫn do mình toàn quyền nắm mọi việc quản lý các a-ca và lo liệu cả chỗ nghỉ khi đi đường của hoàng đế cùng các việc cơ mật nữa, những sự việc đó đã nói lên điều gì? Nếu không phải trong trường hợp này thì ông thật muốn mở to miệng hát một bài! Thấy Tam a-ca giở cách nói như vậy, trong lòng Dận Thì không khỏi cười thầm, nhưng ông lại sợ rằng Dận Chỉ tranh thủ hết tình cảm của Khang Hy bằng những lời như vậy, nên ông tiếp lời luôn:
- A-ma, Tam a-ca nói rất đúng! Bây giờ nhi thân và Tam a-ca đều là Trần Quỳnh và Kính Đức ( 46 ) của vạn tuế! Giờ đây xin phụ hoàng chỉ việc kê cao gối nghỉ ngơi, sao cho long thể được vạn an, thì đó chính là phúc phận của chúng nhi thần!
Khang Hy dường như đã phát tiết được những sự tức bực trong lòng càng lúc càng nặng nề, nên nhà vua thở dài, nói:
- Trẫm cũng không phải là nổi giận, mà cũng không phải là sợ hãi. Trẫm tám tuổi lên ngôi, ba lần thân chinh; một mình lăn lộn, đi ra từ trong đống đầu người và bể máu, do vậy ta không thể tin rằng một tên nho nhỏ như Lăng Tấn có thể cử binh tạo phản? Ngay như Lăng Tấn, trẫm xem ra thì tên đó cũng bị lừa bịp, mê hoặc mà thôi. Nhưng trẫm thật không rõ một điều là: Dận Nhưng không phải là một kẻ đần, y đối xử với mọi người xưa nay vẫn rất tốt, rất cơ biến tài trí, mà ngay cả những chuyện thi thư, học vấn y cũng không kém gì các a- ca khác, nhưng không biết sao y lại trở thành như ngày nay? Phải chăng là do cái tính hồ đồ của y, nếu không thì do tà ma quỷ quái ám vào người chăng? Thật không thể tưởng tượng được !.. Nghĩ lại, đã biết bao năm, trẫm đã dốc hết tâm tư vì y, hao tổn biết bao tinh thần vì y. Lúc mới đầu là Minh Châu, không nên chuyện gì, trẫm đã tịch thu gia sản của Minh Châu. Sau đó là Sách Ngạch Đồ, tên này lại đưa y vào con đường tà, trẫm đã giết Sách Ngạch Đồ, nhưng trẫm không động đến một sợi lông chân của y. Sư phó của y, trẫm đã chọn lựa hết người này đến người khác, từ Hùng Tứ Lý, Thang Ban, Cố Bát Đại đến Vương Diệm, có người nào không phải là bậc đại nho, quân tử? Cái bản tính hung hãn, dâm loạn của y không biết sinh ra từ đâu?
Khang Hy đập ngực, cau mày, đầu cứ lắc quầy quậy như người mắc chứng thần kinh; thật là đau khổ quá sức tưởng tượng, rồi nhà vua khóc, nước mắt như mưa:
- ... Y không nên thân người như vậy thì sự nghiệp một đời của trẫm biết giao phó cho ai? Phải phế truất y, rồi đây dưới suối vàng trẫm còn mặt mũi nào trông thấy thái hoàng thái hậu và hoàng hậu? Trẫm đã làm những điều ác gì mà gặp phải sự báo ứng như thế này?...
Mã Tề từ khi được ở bên Khang Hy, chưa bao giờ ông thấy nhà vua thương tâm đến vậy; nghe nhà vua nói rất thảm, ông cũng bất giác rơi lệ! Dận Thì và Dận Chỉ đưa mắt nhìn nhau, mắt sáng lên; họ đều né sang một bên rồi cúi đầu, giả dạng khóc nức nở. Mọi người đang khóc lóc thì thái giám Lý Đức Toàn nghe thấy tiếng Hình Niên nói ở bên ngoài, Lý vội chạy ra ngoài nhìn thì thấy Trương Đình Ngọc đã quay về, Lý vội vén rèm. Trương Đình Ngọc bước vào, thấy quang cảnh trong phòng, Trương hơi hoảng vội nói:
- Bẩm vạn tuế, người bị mệt sao? Sắc mặt rất không tốt?
- Trẫm không sao hết!
Khang Hy cầm lấy chiếc khăn nóng đã vắt khô nước của Lý Đức Toàn đưa lau qua mặt, hỏi:
- Khanh vừa nói những gì?
Trương Đình Ngọc bấy giờ mới yên tâm, ông đem tình hình truyền chỉ ở Thanh Thư Tâm quán tâu bầy, rồi nói:
- Thái tử và nô tài cùng đến đây, nô tài đã để Thái tử ngồi lại tại Tây các - Giới Đắc cư, các a-ca khác đang chờ trầu hầu tại chính điện. Chỉ có điều là ở chính điện không đốt lò sưởi; trời lại quá lạnh! Theo như chủ ý của nô tài, thánh giá hãy trở về Yên Ba Trí Sảng trai, phòng này nhiều khí than quá. Thánh giá hãy nghỉ ngơi tối nay, rồi từ từ làm cho sự việc rõ ràng, như thế mới tốt!
Khang Hy sầm mặt lại, nhưng vẫn rất chú ý lắng nghe. Nhà vua suy nghĩ một chút, cười nhạt một tiếng rồi nói:
- Trẫm sao lại không biết Yên Ba Trí Sảng trai tốt? Nhưng nếu đêm nay trẫm không lánh khỏi đó một đêm thì những nỗi khổ trong đời của trẫm làm sao mà bớt đi được? Khanh nói là ở bên đó lạnh, trẫm xem ra thì khanh, Trương Đình Ngọc vẫn là một người rất trung hậu! Hình Niên hãy đi truyền chỉ, tất cả các a-ca không được ở trong nhà tránh tuyết tất cả phải ra quỳ ở bên ngoài!
Trương Đình Ngọc không ngờ rằng lời nói của mình lại làm cho Khang Hy càng thêm nóng giận, ông vội quỳ sụp xuống, tâu:
- Không làm như thế được! Muôn tâu vạn tuế, các a-ca đều là cành vàng lá ngọc...
- Cứ yên tâm!
Khang Hy cười một cách nanh ác, nhà vua nghiến răng nói:
- Người bọn chúng đều rắn rỏi cả mà! Trong lòng chúng lửa đang cháy rất dữ, dùng nước tuyết rưới vào có lẽ làm chúng sẽ tỉnh táo hơn! Để chúng ít tính toán đến thuật "cưỡi rồng"!
Trương Đình Ngọc nói:
- Không phải ý nô tài như vậy, nô tài chỉ cầu mong nhà vua hãy giữ gìn long thể, bảo trọng long chủng ( 47 ) , đó là phúc lớn của xã tắc!
Tâm trạng của Khang Hy có vẻ như phấn chấn hơn, nhà vua "hừ" một tiếng, cười nói:
- Chắc khanh nghĩ rằng, trong bọn chúng sau này sẽ có một tên là hoàng đế, khanh sợ họ nhớ tới món nợ này chăng? Trẫm nói cho khanh biết, nó không ngồi được vào long kỉ đâu, nó có muốn làm gì đó với khanh, nó cũng không làm được đâu! Nhưng nếu nó ngồi được vào long kỷ, trong lòng nó thích làm như vậy thì cũng không kịp đâu; làm sao mà nó trừng trị được khanh, một lão thần của tiên triều? Thôi hãy đi truyền chỉ ! Bảo cả Dận Nhưng cũng phải đi, trong Noãn các không có chỗ cho nó!
Dận Chỉ im lặng nhìn Hình Niên đi ra, thận trọng bước lên một bước, nói:
- A-ma, các a-ca đều là tình chân tay cốt nhục cả, các anh em nhi thần đều phải quỳ ở bên ngoài, mà nhi thần ở đây chầu hầu thì thấy không yên lòng. Nhi thần xin cũng ra quỳ bên ngoài, chỉ Đại ca ở đây thôi. Nếu vạn tuế có sai nhi thần đi đâu, sẽ truyền chỉ gọi thần trở vào, được không? Muôn tâu!
- Ngươi cứ ở đây, ngươi và Mã Tề, Trương Đình Ngọc cùng ngồi với trẫm, đọc cho trẫm nghe... một cái gì đó... cũng không nhất định phải là Đường Thi...
Khang Hy cảm thấy hơi dễ chịu một chút, nhà vua quay mặt lại nói với Dận Thì:
- Con hiện nay phải gánh vác những nhiệm vụ quan trọng, đối với công việc cần phải làm sao cho năng nổ và thận trọng. Sự an toàn của trẫm, hoàn tòa dựa vào con và Tam a-ca, con không thể hồ đồ trong công việc.
Vừa rồi Dận Thì thấy hối tiếc, những lời "trúng mánh" như vậy lại để chú Tam nói mất! Nghe thấy Khang Hy nói vậy, ông vội tươi cười nói:
- Nhi thần tuy đần, sao dám hồ đồ với những việc đó? Bây giờ nhi thần xin phép ra phía ngoài, tuần tra sự canh phòng ở nơi đây, rồi ra quan sát các hoàng a-ca. Xin vạn tuế cứ nằm nghỉ! Tam đệ, xin chọn trong các thi từ, bài nào có từ khí thanh nhàn thì đọc để vạn tuế nghe, nên đọc khẽ một chút, làm sao để vạn tuế ngủ được một giấc ngon thì tốt.
Nói rồi, Dận Thì rón rén đi ra. Khang Hy thấy Trương Đình Ngọc vẫn quỳ thì xua tay ra ý bảo ông đứng lên. Sau đó nhà vua cứ để nguyên quần áo nằm xuống. Mã Tề và Dận Chỉ thân tự thắp "tức hương", lại tắt ngọn cung đăng, chỉ để lại có hai ngọn nến, rồi bảo nhỏ Hình Niên:
- Nghe nói Hà Trụ Nhi tẩm quất rất tốt, ngươi ra bảo y vào xoa bóp cho vạn tuế.
Khi mọi việc sắp đặt đâu vào đấy thì Hà Trụ Nhi bước vào. Dưới ánh sáng mờ mờ của ngọn nến, y nhẹ nhàng xoa bóp từ chân lên ngực cho Khang Hy. Trong bóng đêm vô tận, với tiếng gào rít của gió tuyết, với bầu không khí thanh bình, yên tĩnh khác thường của nơi cung điện. Dận Chỉ từng bài, từng bài một đọc chậm rãi:
- Em từ trong núi đến, sớm tối ngước nhìn trời, nhà ta phía nam cửa, mọc mấy luống cúc vàng, lá tường vi mới mọc, hương thu lan đương thơm, trở về trong núi biếc, lòng những nhớ rượu nồng... Nhớ mãi Tây hồ, trên mặt hồ, lầu trên, lan nọ bao ngày ngắm; câu cá thuyền kia thuyền nọ qua; đảo nọ thuyền này, nước mùa thu; tiếng địch vẳng đưa từ lau biếc; chim trắng thành đàn sợ vụt bay; biệt ly, nhàn những ngồi câu cá; nghĩ gì lạnh lẽo nước mây kia!... Khói nọ, gió kia thoang thoảng thổi; nào cửa sổ, nào màn gió, cần che chi cho lắm? Mà còn đem bóng núi ngả che sông!... Trông sắc nước đoán chừng thời điểm; chuồn chuồn bay đỗ lại cánh hoa kia; từ tình ấy, từ nước này tít tận chân trời xa !...
Trong tiếng ngân nga nhẹ nhàng, hơi thở của Khang Hy dần dần trở nên đều đặn. Vì chuyện thái tử đi Lãnh Hương đình nên Hà Trụ Nhi, một thái giám do vậy bị mất chức, Hà đang chờ ngày vào nhà ngục thì được sai làm việc xoa bóp này, đó thật là một phúc phận không ngờ. Hà Trụ Nhi người đất Bảo Định, từ tổ tiên truyền lại chỉ là cái nghề đi phục vụ người, lần này được xoa bóp cho Khang Hy, Hà Trụ Nhi rất phấn chấn, y ra sức bóp nặn chỉ trong thời gian chưa đầy ăn xong một bữa cơm thì nhà vua đã thiêm thiếp đi vào giấc ngủ!
Không biết thời gian đã trôi qua bao lâu thì từ bên ngoài điện vẳng tới tiếng người nói, mà tiếng nói lại ngày càng lớn. Lập tức Trương Đình Ngọc mở to mắt, nghe kỹ thì thấy đó là tiếng của thái tử Dận Nhưng:
- Ngươi là cái thá gì mà giám buông lời chối từ khéo léo với ta? Mi đã nói đủ chưa?
Tiếp đó là tiếng viên thị vệ Trương Ngũ Ca:
- Thưa thái tử, xin thái tử bỏ qua cho. Đức vạn tuế vừa mới ngủ được. Trách nhiệm của nô tì, làm sao mà dám để thái tử vào được?
Trương Đình Ngọc hoảng sợ, liếc mắt nhìn thấy Mã Tề vẫn cứ im thin thít. Trương vừa đứng dậy thì nghe thấy một tiếng "bốp" ròn rã vang lên, rồi thấy Dận Nhưng to tiếng nói:
- Tên khốn kiếp! Ngươi chẳng qua chỉ là một tên tử tù, mới leo lên được đây, lại dám cùng với lũ tiểu nhân định chà đạp ta sao?
Tiếp đó là cả một sự yên lặng, rồi Trương nghe như có tiếng van xin khe khẽ của Trương Ngũ Ca:
- Làm người phải hiếu thuận, thái tử da... thái tử cần chú trọng tới sức khỏe của Đức vạn tuế...
- Cho nó vào!
Khang Hy đột nhiên nhổm dậy, nhẩy ngay xuống giường; nhà vua đẩy Hà Trụ Nhi sang một bên, lập cập chỉ bằng đôi chân không giầy rảo bước đi ra cửa điện, "soạt" một tiếng, Khang Hy vén màn gió lên, một làn gió lạnh kèm theo những bông tuyết thổi xộc vào phòng khiến cho Mã Tề và Trương Đình Ngọc rét run lên. Khang Hy thì lại như không biết gì đến rét, sẵng tiếng hỏi:
- Trương Ngũ Ca, kẻ nào làm náo loạn lên thế, còn muốn cho trẫm sống nổi nữa không?
Trương Ngũ Ca nguyên là một tù nhân suýt bị xử chém oan ở pháp trường Tây Thị, y đã được Khang Hy thân tự cứu thoát. Vì Trương có công phu rèn luyện được một bản lĩnh rất khá, nên y được chọn vào Thiện Bốc doanh. Lần này xa giá Bắc Tuần Nhiệt Hà, mà Thiện Bốc doanh lại được quản lĩnh bởi Triệu Phùng Xuân; do y đã chịu thánh ân, nên được đặc biệt tòng giá; giữa đường Trương lại được Khang Hy thân chọn vào hàng ngũ thị vệ! Tuy ngạch bậc của Trương vào hạng cuối, nhưng y lại được Khang Hy sủng ái, luôn được hầu cận nhà vua, mà y cũng đem hết sức mình làm việc. Thấy Khang Hy bị kinh động phải trở dậy, Ngũ ca kinh hoàng, vội vàng quỳ xuống, tâu bày:
- Đó là do nô tài làm việc không tốt... thái tử đã chầu chực ở đây tới một canh giờ rồi, nô tài đã khuyên giải nhưng thái tử không chịu đi...
- Chà chà! - Khang Hy mắt đỏ lên, nói tiếp: - Thế ra là ngươi đấy ư? Nhà ngươi đã dầy vò trẫm chưa đủ sao mà canh ba, nửa đêm còn đến đây làm gì? hay là do binh phù điều quân không được, định đến lấy ngọc tỉ của trẫm chăng?
- Nhi thần...
- Ngươi vào đây!
Khang Hy nói rồi quay người lại, nhà vua ngồi xuống, run rẩy đi giầy, gằn tiếng nói:
- Vào đây!
Dận Nhưng nhẹ nhàng vén rèm bước vào, liếc nhìn Mã Tề và Trương Đình Ngọc đương đờ người như gà gỗ, mặt thái tử bỗng trắng bệch khiến không ai dám nhìn gần.
- Hoàng a-ma!
Dận Nhưng phục xuống đất, khấu đầu nói:
- Nhi tử tự biết có tội; tối nay đến bệ kiến, xin a-ma xử nhi thần tội chết để làm gương cho kẻ khác.
Khang Hy đột nhiên ngẩng đầu cười lớn, tiếng cười vừa sắc, vừa đanh, nói:
- Ngươi có tội ư? Thật là một việc lớn trong thiên hạ, không có gì kỳ lạ bằng! Xem ngươi có được chừng nào sự hiếu thuận? Tối nay trẫm sợ hãi đến nỗi ngay Yên Ba Trí Sảng trai cũng không dám trở về! Nếu ngươi không hiếu thuận, ngươi hãy đem trẫm tới lò thiêu người ở Tả Gia Trang thiêu sống ngay trẫm đi! Ngươi thật quá coi thường trẫm, chỉ với một dúm quân quan ở Thừa Đức mà dám mong làm loạn? Bảo cho ngươi biết, quân của Lang Đàm hiện đóng ở Hắc Sơn, ba vạn quân Thiết kỵ mặc đêm mưa tuyết đang đến để cần vương. Ngươi đã tự chuẩn bị món hùng chưởng (48 ) , ngươi hãy cứ tự ăn đi! Rồng sinh chín loại con, mỗi loại một khác, điều đó trẫm đã biết; nhưng trẫm thật không ngờ rằng lại sinh ra loại mèo đi ăn đêm; lớn lên một chút là mổ ngay mắt mẹ để ăn!
Từ lâu nghe đồn Khang Hy là người nhanh mồm, nhanh mép; giọng điệu của nhà vua lại sắc như đao kiếm; Trương Đình Ngọc được vào làm việc ở Thượng thư phòng đã gần hai mươi năm, nay quả thấy lời đồn không sai chút nào! Mã Tề nghe, người cứ như nổi hết da gà!
- Ở vào tình thế hiện nay, việc con bị hãm hại rất đáng sợ! Dận Nhưng rập đầu liên tục, miệng nói:
- Bây giờ nhi thần có muốn biện bạch cũng không biện bạch nổi, lại không có cửa để cáo tố. Nhi thần chỉ cầu mong hoàng thượng đèn giời soi xét; nghìn tội, vạn tội, tội tại một thần! Xin phụ hoàng từ bi, mở lưới một mặt ( 49 ) , không bắt tội kẻ liên can. Nhi thần có chết cũng nhắm được mắt...
Nói rồi, Dận Nhưng phục xuống đất khóc nức nở. Khang Hy nghe Dận Nhưng nói thì biết rằng, lời mà thái tử nói "kẻ liên quan" là chỉ Dận Chân, Dận Tường; nhà vua liền cười nhạt nói:
- Đến nay mà ngươi còn nói là "hãm hại", trẫm thật không biết trừng trị ngươi thế nào cho phải! Những việc ngươi làm thật là "khinh nhờn thần minh, nhục mạ tổ tông", khó cáo tố với thiên hạ thần dân! Trẫm không trừng phạt ngươi thì trời cũng trừng phạt ngươi! Ngươi là tượng đất qua sông, mà còn chú ý đến phán quan, quỷ sứ trong chùa? Ngươi hãy yên tâm "trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu", ngươi muốn kéo đệm lưng ra, trẫm chỉ sợ không ai cho phép thôi! Thế mà ngươi còn định can trẫm: "Không xét đến sự liên can"?
Khang Hy càng nói càng kịch liệt, nhà vua gấp bước, những bước chân đi đi lại lại nôn nóng bất an, mặt đỏ tưng bừng. Mã Tề thấy sự việc có chiều hướng xấu, ông vội bước đến mời Khang Hy an tọa, nhưng nhà vua gạt đi, nói:
- Đuổi tên nghịch tử này đi ngay đi, trẫm nhìn nó mà phát buồn nôn. Nó định đến nói lếu, nói láo điều gì, thì sẽ nhờ Trương Đình Ngọc nói lại sau!
Dận Thì đã tuần sát trở về từ lâu, nhưng ông vẫn đứng ở ngoài cửa không dám bước vào. Ông chỉ mong sao Khang Hy nói đến những lời đó. Thấy đúng ý mình rồi, Dận Thì vội bước vào làm ra vẻ tươi tỉnh bước đến dìu Dận Nhưng. Lúc này Dận Nhưng không kể gì đến sự sống chết, ông đã không biết sợ là gì nữa, thấy Dận Thì lộ mặt tiểu nhân đắc ý, lại còn giả bộ cúi chào mình, Dận Nhưng liền đứng ngay dậy "bốp" một tiếng cho Dận Thì một cái tát, rồi rập đầu trước Khang Hy, quay người đi ngay.
- Khoan!
Khang Hy đột nhiên gọi giật Dận Nhưng lại:
- Tấm thân vàng ngọc của ngươi, không cần phải quay lại cùng quỳ trên tuyết với các a ca nữa. Hãy đến tiền điện Giới Đắc cư chờ chỉ, để ngươi khỏi giở cái bộ dạng thái tử của ngươi ra mà đánh người. Đợi khi ta về Bắc Kinh sẽ cáo tế trời đất, rồi sẽ ban phát chiếu thư phế truất ngươi! Ngươi cũng không nên có những suy nghĩ tầm thường cho rằng ta sẽ lẫy cái mạng của ngươi. Không! Chỉ có cái chức vị thái tử thì ngươi không thể đương được nữa thôi!
Dận Nhưng uất ức, toàn thân ông run bắn, nói mà đầu ông không quay lại:
- Cái chức vị thái tử; ngay cả sợi tóc, tấm thân của con cũng đều do a ma ban cho; phụ hoàng muốn phế, muốn như thế nào thì xin làm như thế ấy, hà tất phải cáo tế trời đất!
Nói rồi, Dận Nhưng cất bước đi ngay.
- Mấy người các ngươi hãy quỳ xuống, nghe trẫm nói.
Ánh mắt của Khang Hy trở nên âm u đáng sợ:
- Có mấy việc cần phải làm ngay. Dận Thì truyền chỉ cho các a-ca, nếu a-ca nào không phụng chỉ, tự tiện ra khỏi Giới Đắc cư lập tức giết ngay không tha! Dận Nhưng tuy chưa có chỉ, nhưng trẫm đã quyết ý Phế truất, từ nay không coi y là thái tử nữa; lời của nó nói cũng không ai được chuyển tấu!
Dận Thì đi ra, Khang Hy lại quay mặt sang Trương Đình Ngọc nói:
- Ngươi thảo chỉ, sau đây ba ngày ta sẽ trở về Bắc Kinh, việc cảnh giới đọc đường sẽ do Lang Đàm phụ trách, lệnh cho Đồng Quốc Duy chuẩn bị tiếp giá. Mã Tề cho người dùng khoái mã ( 50 ) xem xem quân của Lang Đàm đã tới đâu! Khi Lang Đàm đến đây rồi thì khanh đem tất tả các quân sĩ hộ vệ ở đây về Bắc Kinh trước. Lang Đàm là một lão thị vệ, đến đây không cần phải đến bái yết trẫm, trước tiên hãy đến trấn giữ Bát Đại sơn trang đã!
Nói rồi, Khang Hy cũng không ngồi vào chỗ, nhà vua cứ đứng ngay cạnh bàn.
Trương Đình Ngọc vốn xưa nay nổi tiếng về việc hành văn mẫn tiệp, ông giải quyết mọi việc rất nhanh. Khi Khang Hy đang nói thì ông đã phúc cảo ( 51 ) , lúc này bút đã nhúng mực, văn viết không sửa mà rất chỉnh; những dụ, chỉ hàng trăm chữ chỉ khoảnh khắc là thảo xong. Khang Hy liếc mắt xem qua, đóng ngay ấn tỉ tùy thân vào rồi giao ngay cho Mã Tề đem đến Văn thư phòng ở Yên Ba trí Sảng trai sao chép, rồi chuyển đi.
Mọi việc vừa xong thì đã sang canh bốn, từ xa đã vẳng đến tiếng gà gáy; Khang Hy vừa cười, mới nói được câu:
- Văn kê khởi vũ... thì nhà vua sắc mặt bỗng trắng bệch người run lên, nói:
- Trẫm đau đầu quá...
Nói rồi Khang Hy loạng choạng nặng nề ngã ngay xuống giường; các viên thái giám đứng đó sợ quá kêu lên một tiếng rồi xúm cả lại.
- Hoàng thượng, hoàng thượng!
Trương Đình Ngọc sợ hết hồn mặt mày xám ngắt, vừa lớn tiếng gọi người; vừa luôn miệng truyền lệnh:
- Nhanh, nhanh gọi thái y!
Trương Ngũ Ca đang canh giữ ở bên ngoài vội ba chân, bốn cẳng chạy vào, Trương sững sờ nhìn chằm chằm vào Khang Hy nằm mê man bất tỉnh. Mãi sau, Trương bỗng kêu to một tiếng, phục xuống trên người Khang Hy, lớn tiếng gào khóc:
- Vạn tuế da... người tỉnh lại, tỉnh lại đi! Nô tài là Trương Ngũ Ca, đã được người cứu sống từ pháp trường đây... Người sao thế? Người hãy mở mắt nhìn nô tài... hu hu... trời ơi... Người làm sao thế này...
Trương Đình Ngọc thấy y chỉ biết há to miệng khóc đến mê đi thì cuống lên, nói:
- Ngươi điên à? Việc của ngươi là canh gác bên ngoài kia mà!
Nói rồi đẩy Ngũ Ca ra ngoài, bản thân ông thì như kiến trong nồi nóng, cứ chạy quẩn chạy quanh trong điện; nhưng một chút không lưu ý, trên nền gạch xanh láng bóng đã làm cho vị tể tướng vững vàng, chững chạc trượt ngã ngửa mặt lên trời!
---------------
(42) Hợp nghị: bàn bạc với nhau đi đến quyết định tập thể.
(43) Quan phòng: tức dấu ấn.
(44) Buộc tóc: ý nói là tết đuôi sam. Người Mãn nam giới ai cũng tết đuôi sam.
(45) Kháng: giường xây bằng gạch hoặc đất, ở dưới có thông bếp lửa, có thể sưởi ấm, thường thấy ở miền Bắc Trung Quốc.
(46) Trần Quỳnh và Kính Đức: hai đại thần tài giỏi của Đường Thái Tông
(47) Long chủng: chỉ các a-ca.
(48) Hùng chưởng : tay gấu. Một món ăn quý hiếm. Xưa các vua chúa hay ăn món này. Ý chỉ Dận Nhưng muốn làm vua.
(49) Mở lưới một mặt: nguyên từ thành ngữ: lưới mở ba mặt tức khi giăng lưới bắt chim mở ra 3 phía để chim có đường thoát, biểu thị ý "phóng sinh" sau lại chuyển thành mở lưới một mặt biểu thị ý vì tội phạm mở ra một con đường sống.
(50) Khoái mã: ngựa chạy nhanh.