watch sexy videos at nza-vids!
Truyện UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ-HỒI THỨ HAI MƯƠI SÁU - tác giả Nhị Nguyệt Hà Nhị Nguyệt Hà

Nhị Nguyệt Hà

HỒI THỨ HAI MƯƠI SÁU

Tác giả: Nhị Nguyệt Hà

K hoảng một khắc sau thì Khang Hy dần dần tỉnh lại; trên mặt nhà vua không còn hồng hào chút nào nữa, mà lộ rõ vẻ tiều tụy, phờ phạc. Mới một chút như vậy mà nhà vua đã già đi đến mười tuổi. Khang Hy liếc nhìn mọi người, thở dài nói:


- Trẫm đã già rồi... già rồi...


Dứt lời Khang Hy đưa tay đỡ chén nước trà Lý Đức Toàn đưa tới nhấp một ngụm, lắc đầu nói:


- Trẫm thấy tim đập nhanh, muốn yên tĩnh một chút, Đình Ngọc ở lại hầu cận, còn các người khác thì cho lui...


- Vạn tuế...


Trương Đình Ngọc trên mặt còn đầy ngấn nước mắt, ông nghĩ lại việc vừa xảy ra, còn thấy như chưa hết sợ! Trương quỳ xuống trước giường Khang Hy sụt sùi nói:


- Xin người, ngàn muôn lần hãy bảo trọng, lúc này ta không nên để xẩy ra bất cứ một sai xót nào! Việc vừa rồi làm cho thần quá khiếp sợ! Nếu vạn nhất mà... thì liệu ai có thể giải quyết ổn được những chuyện phức tạp như hiện nay?...


- Bệnh của trẫm, bản thân trẫm đã nắm được rồi, chết ngay thế nào được... Khang Hy cười gượng rồi nói tiếp:


- Khanh hãy mở chiếc hộp vỏ vàng ở trên bàn trà ra, trong đó có rượu Tô Hợp hương do trẫm tự chế, đổ ra cốc rồi đưa cho trẫm... Trẫm cũng biết chút ít về thuốc. Thứ rượu này, là một phương thuốc chép trong sách "Mộng khê bút đàm". Nghe nói phụ thân khanh cũng có chứng bệnh, tim đập nhanh, đầu óc choáng váng. Từ lâu, trẫm đã định ban tứ thứ rượu này cho khanh nhưng lại quên, ngày mai ta sẽ cho người chép phương thuốc này cho khanh...


Trương Đình Ngọc nén buồn "vâng" một tiếng, sau đó hầu Khang Hy uống thuốc và đỡ nhà vua nằm xuống giường.


Quả nhiên không mấy chốc người Khang Hy đã trở lại như cũ. Cặp mắt sáng quắc của nhà vua ngước lên nhìn những hình vuông trang trí trên nóc điện, dường như nhà vua đang hồi tưởng lại dĩ vãng oanh liệt của mình, lại dường như nhà vua suy nghĩ về cách gỡ rối cho cục thế. Không biết thời gian qua bao lâu, Khang Hy bỗng bật tiếng cười:


- Hoành Thần, trẫm còn nhớ vào dịp tết Nguyên đán năm thứ hai khi khanh mới được vào Thượng thư phòng. Tết đó, sau khi triều hạ, trẫm đã lưu khanh và Đồng Quốc Duy ở lại ăn yến?


- Thưa vâng...


- Khanh không cần phải cung kính, lễ phép như vậy hãy đứng dậy ngồi đi! - Khang Hy nói tiếp: - ... khi đó trẫm đã từng cười Lý Thế Dân, anh hùng một đời, công nghiệp ( 52 ) sáng ngời sử sách, mà không giải quyết tốt việc thái tử; để xẩy ra cốt nhục thảm biến, để lại tiếng cười cho đời sau. Lúc ấy trẫm tự cho rằng mình có thể điều hành đâu ra đấy bất luận kẻ khác nói ra nói vào như thế nào trẫm cũng không thể để thái tử, đứa con mất mẹ, bị thiệt thòi. Sách Ngạch Đồ nói "có kế mẫu, thì sẽ có kế phụ". Trẫm tuy trách y là ngu dốt, ngông cuồng, nói năng hồ đồ nhưng trong lòng vẫn cứ phải cảnh giác, quyết không để cho tên chó má đó nói đúng... vậy mà rút cục vẫn... Trăm đời sau, tất cười trẫm là kẻ tự đại, vô tri...


Trương Đình Ngọc vội khom người đáp:


- Vạn tuế, xin đừng nghĩ mãi chuyện ấy. Việc của thái tử thần đã sớm biết, vạn tuế thật đã có được sự nhân chí, nghĩa tận ( 53 ) . Đối với việc hôm nay, vạn tuế cũng không phải thẹn gì với thiên hạ hậu thế. Thái tử thất đức, tội mình do mình chuốc lấy, trong lòng mọi người ai cũng đều thấy rõ! Nhưng vạn tuế đã nói như vậy, thần cũng xin vì thái tử nói một câu, thái tử cũng có chỗ khó của thái tử... Nô tài trong lòng thật không tin việc điều binh vào hoa viên; thái tử làm gì có cái gan đó! Thái tử cũng không thể có cái tâm cơ đó!... Ta cần phải từ từ tra xét, rồi thong thả xử trí, có bình tĩnh thì mới đến chỗ tốt đẹp được...


Những điều mà Trương Đình Ngọc nghĩ, kì thật không phải chỉ như vậy. Trước nay ông vẫn cho rằng, thái tử không phải là loại người hoàn toàn vô năng, nhưng chế độ của nhà Thanh không giống như của tiền Thanh; hoàng tử vừa ra đời là đã được phân phong thái ấp, những số a-ca này ai ai cũng đều có ban bệ của mình, ai ai trong tay cũng đều nắm quyền lực, can dự triều chính, dúng tay vào chuyện nhân sự, bất cứ chuyện gì cũng gây cản trở làm khó cho thái tử, như vậy thì công việc của thái tử làm sao tiến hành cho thuận tay được? Nhưng điều này có quan hệ tới những chế độ do tổ tiên để lại, đừng nói gì ông là một thần tử người Hán, ngay như Khang Hy với cương vị là một hoàng đế, nhưng là con cháu đời sau của bát kỳ mà nhà vua cũng không dám phản đối tất cả những chế độ đó đồng thời ra tay cải cách. Chỉ với mấy lời đề xuất đó ông liền cảm thấy là mình đã nói quá cả những điều mình đã suy nghĩ trong thâm tâm. Đương lúc thấp thỏm thì Khang Hy gật đầu nói:


- Khanh nói vậy trẫm đã rõ; trẫm cũng biết ở đây có những điều không hợp lý, nhưng chế độ của tiền Thanh cũng chưa chắc đã hay! Trừ thái tử ra, thì các hoàng tử khác, với cách dưỡng dục như vậy thì chỉ làm cho bọn họ ngu độn như những con vật và họ sẽ chỉ biết chơi bời, trai gái, ăn uống thôi! Lý Tự Thành khi đánh phá Lạc Dương, trong kho của Phúc vương chất đống những vàng ngọc, mà ở đấy họ không biết móc hầu bao ra để khích lệ các tướng sĩ giữ thành... như vậy thì làm sao mà thành việc được...


Vua tôi đang tâm sự thì Hình Niên rón rén bước vào khẽ bẩm:


- Hạ Mạnh Phủ ở Thái y viện đến xem mạch cho vạn tuế.


Khang Hy nói:


- Không nên nói rộng ra để toàn thiên hạ đều biết; trẫm làm gì có bệnh?


Trương Đình Ngọc vội đứng dậy đi với Hình Niên ra bên ngoài hành lang rồi bảo y:


- Hình Niên đưa thái y đến đợi ở Đông Phối điện, nếu không có việc gì thì tốt, nếu xẩy ra chuyện gì thì ta sẽ mời vào sau!


Nói rồi, Trương nhìn trời; khi ấy tuyết rơi đã bớt đi chút ít, nhưng trên mặt đất đã dầy lên đến hơn ba tấc, ông nghĩ các a-ca đang quì ở ngoài đó rét thế này thì chịu sao nổi? Ông đang suy nghĩ xem nên vào nói giúp với vạn tuế như thế nào đây cho các vị thiên tuế này, thì thấy các a-ca, Dận Chỉ, Dận Tự, Dận Hựu, Dận Tự, Dận Đường, Dận Ngã, Dận Đề, Dận Lễ, còn Dận Thì dẫn đầu. Tất cả bọn họ đều đang dẫm tuyết rảo bước đi dọc theo đường hành lang, rồng rắn kéo tới. Trương bất giác sững người: Tối nay lại thế này nữa là ra làm sao? Những chuyện rắc rối vẫn chưa hết sao?


Thì ra số a-ca này kéo Đại a-ca của họ đến đây là có việc!


Dận Thì đến sân Giới Đắc cư truyền chỉ, truyền đạt lại lệnh của Khang Hy đối với Dận Nhưng. Rồi về sân Giới Đắc cư; ở đây Dận Thì thấy các a-ca đều cúi đầu ủ rũ, nên cho rằng họ có phần sợ hãi, bèn đến an ủi:


- Các đệ đừng sợ; hoàng thượng đã nói rồi, việc của Dận Nhưng không liên can gì đến ai cả. Ngay cả nhị đệ Dận Nhưng, chỉ cần cung kính giữ đạo thần tử, biết lỗi của mình thì việc cũng không có gì đáng ngại đâu. Mọi việc ta sẽ thu xếp, nhưng chỉ xin các đệ đừng làm những việc gì vô ích.


Dận Đường thấy Dận Thì mặt mũi hồng hào, bộ dạng đắc ý, phởn phơ thì cúi đầu khẽ cười nói:


- Bát ca, Thập đệ; Đại ca hôm nay đã ăn "bã" mật ong, nên xương cốt toàn thân trông cứ phơi phới, trông Đại ca người cứ như bay bổng lên ấy!


Dận Tự cười, ngoảnh mặt ra phía khác làm như không nghe thấy, nhưng Dận Ngã thì bản tính là hay gây chuyện, chàng nghiêng đầu cười mỉa, rồi đứng dậy cúi khom người cợt nhả:


- Đại ca nở nang mày mặt như thế này, xem ra với ngôi vị trữ quân thì chắc có phần rồi; đệ xin chúc mừng huynh đấy! Nếu có xẩy ra chuyện gì với chúng đệ, thì lại cứ là "đừng sợ"!, lại cứ là "không liên can"! Huynh xem, chúng đệ mặt mày ủ ê, rất là rét! May sao ở Giới Đắc cư này lại có mấy tấm da hươu làm đệm, nếu không thì chúng đệ đã chết cóng từ lâu rồi!


Dận Ngã nói xong; nào hà hơi vào tay, nào dậm chân; mấy tiểu a-ca thì cứ kêu khổ luôn miệng!


- Thế nào?- Dận Ngã nheo mày, liếc mắt; cười nói: - Bây giờ thì Đại ca ngồi ghế thượng khách, còn chúng ta đều là bọn tù dưới thềm. Đại ca được ngồi cạnh a-ma sưởi ấm bên lồng ấp, mà còn có thể đi đi lại lại; như thế mà Đại ca nỡ để các đệ của huynh phải quỳ ở đây hưởng gió bấc sao? Đại ca hãy xem như Tam ca, còn biết ra đây quỳ với chúng đệ một lát, xấu tốt gì thì cũng là thông cảm với các đệ! Đệ cũng biết rằng Đại ca không dám chủ động gọi chúng đệ vào tránh tuyết trong nhà, nhưng nếu Đại ca bảo bọn chúng nhóm mấy đống lửa lên để chúng đệ sưởi ấm một chút thì Đại ca mới thật là một đấng nhân quân! Nói thật tình, tích được cái phúc này, thì nhất định Đại ca sẽ sớm trở thành Đông cung đấy!


Dận Thì vốn cũng không phải là người đần, nhưng vì tối nay ông ta hết sức phấn khởi, hết sức vui mừng nên không thấy được ý chế nhạo trong lời nói của Dận Ngã, nên nói ngay:


- Ừ thế mà huynh không nghĩ ra! Việc này huynh làm được. Người đâu! Truyền lời của ta cho "thái giám trực" đốt mấy đống lửa để các a-ca đây sưởi ấm! Nhưng các đệ cũng cần cẩn thận một chút, tối hôm nay long nhan đại nộ, ngay lời của Nhị đệ mà thánh thượng cũng không cho ai được tâu bày thay. Vừa rồi tôi có đi thăm chú ấy, chú ấy có nói với tôi: Phụ hoàng gán cho đệ trăm điều không phải, đệ đều có thể nhận; nhưng nói đệ mưu nghịch thí quân, thì ngay cả nghĩ tới điều đó; đệ cũng không hề dám nghĩ. Chú ấy còn bảo tôi chuyển tấu lời đó, tôi đành nói: Lời đó đệ vừa tâu bày trước a-ma rồi, lúc này tôi tuy thương đệ nhưng tôi cũng đành xin chịu!


Dận Chân quỳ ở bên, ông đã suy nghĩ suốt nửa đêm và đã có được chủ ý. Hiện nay với tình thế trước mắt thì không còn con đường nào khác, nhưng nay nếu cứ im tiếng chịu nhục, thì chẳng bằng cố gắng tiếp tục bảo vệ thái tử; nên ông lạnh lùng nói:


- Đều là anh em một nhà, chớ có "giậu đổ bìm leo"! Như vậy thì tuyệt tình quá. Những lời khác thì dù có đến nghìn câu cũng có thể bỏ qua, nhưng lời này quan hệ rất lớn, xin huynh cố tâu lại với a-ma, được không?


Dận Tường cũng nghển cổ lên nói:


- Đại ca, trên trời có biết bao nhiêu là mây, nhưng biết đám mây nào sẽ thành mưa? Nhị ca nay đã lâm nạn, chúng ta cũng phải có chút tình cảm với nhau chứ!


Dận Thì bấy giờ mới thấy là tâm tư của mọi người và của mình hoàn toàn không giống nhau; rất hối vì mình đã huyênh hoang quá trớn nên ông cười khan một tiếng, nói:


- Các chú sao lại đẩy tôi ra. Không cho tâu bầy thay là chỉ ý của phụ hoàng, ai dám kháng chỉ?


- Thôi đi, Đại ca!


Dận Ngã thẽ thọt cười nói.


- Đại nhân thì phải đại lượng chứ! Phụ hoàng cấm tâu bày thay cho Nhị ca đó là câu nói của phụ hoàng đang lúc tức giận; nhưng nói thật thì huynh cũng "bạc tình" quá lắm! Ai mà không thể có họa phúc trong sớm tối? Khổng tử nói: Tẩu nịch thụ chi dĩ thủ ( 54 ) . Không biết tòng quyền thì là cầm thú, huống hồ Nhị ca đã từng là chủ của chúng ta!


Dận Thì thấy mọi người đều đồng thanh phản bác ý kiến mình thì biết mình trong khi đắc ý đã nói những điều không nên nói nên trong lòng thấy hối, nhưng miệng lại nói:


- Không phải là huynh không muốn. nhưng chính là không dám. Hiện nay thì án này cũng chưa rõ, ngay các đệ cũng phải chịu ảnh hưởng cơ mà! Hà cớ gì mà các đệ còn kéo huynh vào?


- Huynh không tâu, đệ sẽ tâu!


Dận Chân không ngờ nhóm Bát a-ca cũng nói giúp mình, nên càng bạo gan hơn, lấy hai tay chống xuống đất ông đứng dậy, nói tiếp:


- Đại ca, bây giờ đệ là thân vương, lại quản Nội vụ phủ, cũng vào diện được quyền trực tấu, vậy rút cục huynh tấu hay không tấu?


Dận Tự, Dận Đường cũng đều hăng hái đứng lên, mọi người cùng nhất loạt lên tiếng:


- Đi! Chúng ta cùng đi!


Dận Thì vốn tưởng nay Dận Nhưng đã bị hạ bệ, thì ít nhất Tam a-ca và Bát a-ca sẽ nhân dịp này mà lấn lướt thêm, không ngờ họ lại cùng vào hùa với Dận Chân; xem ra thì việc này quả là khó giải quyết! Dận Thì suy nghĩ rất lâu, rồi khảng khái nói:


- Các đệ việc gì phải làm như vậy? Nhị đệ gặp lúc vận đen, mọi người tưởng tôi vui được sao? Lúc còn nhỏ chúng ta cùng ở một nơi nặn người đất, nuôi dế, xem kiến bò lên cây, khi đó các đệ còn chưa ra đời kia! Tôi cứ nghĩ là hãy thong thả một chút, đợi khi vạn tuế nguôi nguôi rồi mới từ từ nói với người, nhưng bây giờ anh em ta đã nói như vậy, thì tôi cũng không thể đứng ngoài...


Nói rồi Dận Thì quay đầu đi ngay. Các a-ca không người nào chịu gạt một việc có tính chất tình nghĩa lớn lao như vậy sang cho Dận Thì, nên họ đưa mắt cho nhau, rồi tất cả cùng kéo đi. Nhưng Dận Chân, người đầu tiên xướng xuất việc trần tình này thì lặng lẽ kéo Dận Tường lại chứ không cùng đi...


Trương Đình Ngọc sững người trong giây lát, nhưng ông không đi vào điện đường mà quay người bước đến chỗ Dận Thì, hỏi:


- Các a-ca làm như vậy là thế nào?


Dận Thì thấy mặt ông biến sắc, vị a-ca này chưa bao giờ thấy Trương Đình Ngọc lại oai nghiêm như vậy, và câu hỏi của ông lại làm Dận Thì hơi hoảng, mãi sau a-ca mới nói:


- Tôi... quay lại để bẩm tấu về việc tuyên cáo chỉ dụ. Các đệ của tôi... chắc là vừa rồi thấy nói mời thái y, nên lo cho sức khỏe của vạn tuế, nay đến để thỉnh an...


- Như vậy thật chẳng ra làm sao cả!


Trương Đình Ngọc trong lòng hiểu rất rõ là số a-ca này ai cũng có sự tính toán của riêng mình, nên lạnh lùng nói:


- Bất luận là tâu trình về việc tuyên chỉ hay thỉnh an đều phải có quy tắc nhất định, nếu vạn tuế gọi các ông thì sẽ có chỉ ý. Không nói gì hoàng gia, mà ngay cả đến các tiểu hộ, tiểu gia nơi sơn dã, hay chốn nông thôn cũng làm gì có lệ nửa đêm lần này, lượt khác kéo đến quấy rầy ông, bà của họ?


Dận Đường thấy ông anh cả bị Trương nói cho cứng họng thì trong lòng chàng cười thầm, liền đến gần Trương nói:


- Chúng tôi bây giờ cũng không dám đến làm kinh động vạn tuế đâu. Nhưng chúng tôi nghe nói là vạn tuế bị mệt nên nôn nóng trong lòng, quỳ cũng không yên dạt. Vậy bây giờ vạn tuế như thế nào rồi? Thôi, ông cứ cho chúng tôi nhìn Người qua khe cửa cũng được... như vậy thì chúng tôi cũng thấy yên tâm...


Không ngờ chính câu nói đó lại làm cho Dận Đường xúc động, trong câu nói đôi lúc chàng lại sụt sùi; vừa nói, vừa gạt nước mắt. Trương Đình Ngọc vừa bực, vừa buồn cười; ông ngẫm nghĩ, rồi nói:


- Lúc này, ngoài tôi ra thì vạn tuế không gặp ai hết. Các ông hãy đứng chờ một chút. Tôi vào xem xem như thế nào!


Nói rồi, Trương cứ kệ mọi người, một mình đi vào trong.


Ai ngờ, Trương vào là mất hút, các a-ca tiến thoái đều khó, cứ dài cổ ra đứng trong hành lang ngóng đợi. Nếu so sánh nơi đây với ngoài sân Giới Đắc cư, thì dù sao ngoài đó cũng có những đống lửa để sưởi. Họ cảm thấy mệt mỏi thật sự. Nếu họ có viện cớ để vào nhà vệ sinh thì ở đó cũng còn có thể xoa tay, giậm chân và nghiêng ngả đôi chút; ở đây tuy không lộ thiên, nhưng loại gió lùa này cứ như dao cắt, gió còn kèm theo những bông tuyết thổi xộc vào những khuôn mặt bị lạnh cứng gió xối vào rét buốt khiến không ai có thể động cựa được. Nhưng rồi, cái đêm bất an này cũng trôi qua trong sự chờ đợi, tuyết lớn mênh mông sớm đã phủ kín cả toàn bộ chốn sơn trang này, thật là một thế giới trắng tinh như bạc, long lanh như pha lê. Họ đã thấy các tiểu thái giám đi tắt lần lượt các cung đăng treo ở hành lang. Mọi người bấy giờ mới sôi nổi lên. Dận Ngã là người đầu tiên chịu không nổi đã phải ra sức giậm chân cho ấm, miệng thốt ra không ngớt những lời rủa độc. Các a-ca khác thấy Dận Ngã như vậy cũng đều động chân, động tay cho người đỡ lạnh.


Khang Hy cuối cùng cũng bị các a-ca làm cho thức tỉnh; nhà vua mở mắt, nhìn khung cửa sổ sáng trắng, trong người vẫn thấy ít nhiều ngái ngủ. Thấy Trương Đình Ngọc vẫn còn ngồi ở cạnh ngủ gà, ngủ gật; Khang Hy nói:


- Thật tội cho khanh quá, thế là khanh đã mất ngủ một đêm! Bên ngoài đã sáng trưng rồi; này, trẫm như thế là đã ngủ được nhiều phải không?


Trương Đình Ngọc nghe hỏi chợt tỉnh ngay, ông vội đỡ lấy cái chăn từ tay Khang Hy, nói:


- Vạn tuế đã ngủ được hai canh giờ rất ngon. Bây giờ hãy còn sớm! Do tuyết xuống nhiều quá nên nó ánh lên cửa sổ khiến Người tưởng là trời đã sáng hẳn rồi. Vạn tuế, Người hãy ngủ thêm một giấc nữa. Lang Đàm đã đến từ giờ Sửu, ông ta tuân chỉ nên không dám vào, chỉ cho người dâng thiếp thỉnh an lên hoàng thượng, kèm theo cả sơ đồ bố phòng. Vạn tuế nghỉ thêm một lúc nữa, nô tài sẽ tháp tùng người về Yên Ba Trí Sảng trai...


Nghe nói tuyết xuống nhiều, mắt Khang Hy lấp lánh một vẻ vui mừng; nhà vua đứng dậy khoác chiếc áo choàng rồi đi giầy, nói:


- Thật ư? Tuyết xuống dầy lắm à? Trẫm muốn dậy xem tuyết! Ai ở bên ngoài đấy, hình như họ đang giậm chân, cái bọn thái giám trông chùa này càng ngày càng không có vương pháp gì hết!


- Thưa đó là mấy a-ca...


Trương Đình Ngọc không làm sao được, nuốt nước bọt; nói tiếp:


- Các a-ca nghe nói vạn tuế không được khỏe nên đến thỉnh an, nô tài đã ngăn lại và còn có mấy lời khuyên bảo các vị đó...


- Khuyên bảo thế là tốt!


Khang Hy vốn rất thích đi dạo trên tuyết ngắm cảnh, nghe Trương nói vậy lập tức hết hứng thú, nhà vua ngồi ngay xuống giường, cười nhạt:


- Bọn đó khi nào lại đến để thỉnh an, đó là chúng muốn làm trẫm phải chết vì tức giận. Bây giờ trẫm ra đặc chỉ cho khanh là: từ nay khi khanh có gặp bọn nghiệt chướng đó, thì không được cúi người chào chúng!


Nói rồi do tức bực quá, nhà vua cứ phì phì thở dốc.


Trương Đình Ngọc cười nói:


- Hoàng thượng, người lại thế rồi! Câu Phi lễ vật hành ( 55 ) là lời dậy của thánh nhân, nô tài không dám phụng chiếu. Thần dám khuyên bảo các a-ca, đó là vì thần lấy danh phận là thái tử thái bảo mà trông nom và răn dậy...


Khang Hy không để ý tới lời của Trương Đình Ngọc, nhà vua xúc miệng rồi đứng dậy đi bách bộ mấy bước, nói:


- Gọi Đại a-ca vào!


Dận Thì giẫm mạnh chân bước vào trong điện, hơi ấm trong phòng tràn ngập toàn thân, một cảm giác dễ chịu lan tỏa khắp người; ông khom người thi lễ trước Khang Hy một cách thành thạo rồi cười nói:


- A-ma ngủ có được ngon không ạ?


Khang Hy cầm chiếc khăn mặt nóng lau mặt, cười nhạt nói:


- Trẫm muốn ngủ một giấc thật ngon. Trẫm muốn nói với con, một a-ca thống lĩnh thị vệ rằng bên ngoài đó, bọn chúng giẫm chân thế nào mà như sấm đánh bên tai thế, như vậy thì trẫm ngủ sao được? Này, buổi đêm con truyền chỉ cho Dận Nhưng, nó nói những gì?


Dận Thì vội nói:


- Dận Nhưng không sao hết. Nhi thần sợ nó làm điều gì quá trớn, có bố trí hai viên thái giám hầu hạ.


Nói rồi, Dận Thì thuật lại lời của Dận Nhưng, nhưng ông không đả động gì đến những lời của Dận Chân và của các a-ca vừa nói trong đêm. Cuối cùng, Dận Thì nói:


- Bên ngoài là bọn các đệ của nhi thần đang đợi để vào thỉnh an a-ma, trời lạnh như thế này, khổ cho các chú ấy phải quỳ suốt đêm; vì tình anh em, nhi thần kính xin hoàng thượng miễn quỳ cho các hoàng đệ, có được không ạ?


Khang Hy gật gật đầu nhưng không tỏ rõ ý kiến, nói:


- Con hồi bẩm như thế là đúng, lời của Dận Nhưng quyết đoán sự sống chết vinh nhục của nó. Trẫm cũng rất nghi hoặc, Dận Nhưng tuy vô đạo, vai không rộng mà gánh cũng nhỏ, vị tất dám có chủ ý đem quân đánh trẫm.


Dận Thì nhìn nhìn khuôn mặt Trương Đình Ngọc, một khuôn mặt lộ vẻ mệt mỏi, nhưng thản nhiên, sau đó ông đến sát gần Khang Hy nói:


- Trương Đình Ngọc là bề tôi thân cận của hoàng thượng; ông không phải là người ngoài, nhi thần có một câu gan ruột, không biết có nên nói hay không?


Khang Hy nói một cách dửng dưng:


- Con hỏi lạ thật? Tình cha con, vua tôi xa lạ gì đâu? Có điều gì con cứ mạnh dạn nói.


Dận Thì trù trừ một chút, dường như ông muốn cân nhắc câu chữ, mãi sau mới chậm rãi nói:


- Hoàng thượng nói rất đúng! Nhi thần tối qua cũng đã suy đi nghĩ lại, trận "phong ba" ở Thừa Đức vừa làm người ta sợ hãi lại vừa lạ kỳ, thật là quá kì quái? Nhị đệ không phải là người bạo gan gì, nhi thần cho rằng chú ấy không dám cho quân đến bức hãm cung điện. Nhưng các a-ca khác thì tâm tính bất nhất, chí lượng lại cao; cho nên nguyên do việc đó thế nào thật rất khó đoán định! Như Tam a-ca, Bát a-ca, Thập tam a-ca, Thập tứ a-ca có tâm địa như thế nào, ta cũng khó nói!


Khang Hy đột nhiên thấy chột dạ, nhà vua ngước mắt nhìn Dận Thì, hỏi:


- Với sự hiểu biết của con, thì nguyên do như thế nào?


- Ở kinh sư đã có lời đồn đại từ mấy năm nay là thái tử bị thất sủng.


Dận Thì cau mày nói tiếp:


- Tuy là lời bịa đặt của bọn tiểu nhân, nhưng các a-ca ở liền ngay hoàng thượng nên cũng có thể có người tâm địa hiểm độc, họ không thể không nảy sinh ý muốn hãm hại thái tử; điều này rất có thể có! Lần xẩy ra việc này, lại xẩy ra ở ngay sát nách ta, chúng tuy tiến hành vội vã nhưng lại cẩn thận như vậy, cũng không phải là không có nguyên nhân.


Khang Hy gật đầu, nói:


- Lời con nói có lý, rất có thể là như vậy. Nhưng có một điều là trước nay trẫm không hề có ý định phế thái tử, đó là do nó vô đạo, nó phải chịu trách nhiệm về việc nó làm; con cần hiểu rõ lòng ta.


Dận Thì được Khang Hy khích lệ, mỉm cười nói:


- Tục ngữ có câu: "Sổng thỏ, vạn người cùng hô hoán đuổi bắt". Ví như ở nơi kia có con thỏ sổng chuồng, tránh sao khỏi mọi người cùng hò nhau đuổi bắt, cho đến khi đã bắt được thỏ rồi thì mọi sự lại trở lại như cũ.


Trương Đình Ngọc nghe Dận Thì đưa ra cái ví dụ hiểm độc ấy, bất giác tim đập thình thịch, ông vội khom người nói:


- Vạn tuế, liệu chừng các bản tấu sớ đã từ Bắc Kinh đưa tới rồi; nô tài xin hãy về Yên Ba Trí Sảng trai trước nắm sơ qua một chút được không ạ?


Khang Hy cười nói:


- Khanh chưa nên đi vội, hãy nghe Đại a-ca trình bầy đã! Khanh nói ta nên giải quyết việc đó như thế nào?


- Cứ tối đến là lòng dạ nhi thần rối bời lên.


Dận Thì nói tiếp:


- Nhi thần muốn chia lo cùng vạn tuế, người quả thật cũng có nhiều cái khó. Đúng như câu: Khánh Phụ bất tử, Lỗ nạn vị dĩ ( 56 ) . Dận Nhưng kết đảng từ lâu năm; các môn khách, thuộc hạ đâu đâu cũng có. Cho nên Dận Nhưng còn tồn tại một ngày thì triều đình không thể nào yên ổn được, nhưng may sao lại được hoàng thượng quyết đoán đồng thời giữa Dận Nhưng và hoàng thượng còn có mối quan hệ tình cảm cha con nên tình thế vẫn chưa đến nỗi nào. Nhi thần nghĩ rằng nhi thần là trưởng tử, không thể thoái thác trách nhiệm của mình nên nhi thần nguyện sẽ vì hoàng thượng chia lo giải hết mọi nỗi u sầu cho phụ hoàng...


Những lời cuối thật khó nói, Dận Thì ngừng lại.


Trương Đình Ngọc càng nghe, càng sợ; ông đứng ngồi không yên và cảm thấy lo lắng, nhưng Khang Hy lại vẫn ra vẻ bình thản, cười hỏi:


- Ý của con là... ?


Dận Thì cười với vẻ thâm hiểm; ông nghiến răng, khẽ nói:


- Nhi thần xin đứng ra xử trí ngay Dận Nhưng, con người ấy trừ được rồi thì hoàng thượng từ nay có thể kê cao gối ngủ kỹ.


Khang Hy dường như có vẻ kinh hoàng, nhà vua nhìn Dận Thì một cách rất lạ lẫm. Mãi sau, Khang Hy mới cười nói:


- Hoành Thần, khanh nghe rõ chưa? Sự hiểu biết của Đại a-ca thật không tầm thường! Thật là: "Kẻ sĩ cách ba ngày không gặp thì ta phải nhìn họ với con mắt khác"! Dận Thì, con nghĩ như vậy, lẽ nào không sợ hậu thế cho con là kẻ tàn nhẫn? Bút sử như sắt, lời người ta thật đáng sợ!


Trương Đình Ngọc cười khan một tiếng, ông chỉ nói một tiếng "vâng" ngoài ra không dám nói thêm một từ nào khác. Dận Thì thấy Khang Hy không hề có sắc giận, liền nói:


- Nhi thần xin hết mình vì đạo hiếu, lời người không đủ sót, mệnh trời không đủ sợ. Vì phụ hoàng, thần nhi dù chết cũng không sợ thì sợ chi những lời xằng bậy của bọn vô tri?


Khang Hy nghe Dận Thì nói vậy im lặng không đáp lời chỉ có ánh mắt lạnh lẽo là đưa đi đưa lại. Nhà vua đứng dậy, chậm rãi bước mấy bước, đột nhiên nói:


- Trương Đình Ngọc, truyền chỉ gọi các a-ca ngoài điện vào hết trong này.


Mấy lời mật tấu vừa nói đó, Dận Thì nói với vẻ ác ý, ông đang nghĩ xem mình nên sắp xếp lời nói thế nào để thu vào lưới giăng của mình tất cả các vây cánh của Dận Chỉ, Dận Chân, Dận Tự; rồi chỉ với một đòn là đủ để đập tan giấc mộng của các chú em mình đang trừng trừng nhìn vào ngôi vị thái tử. Khi đó Dận Thì nghe thấy Khang Hy rành rẽ gọi các chú em mình vào thì bất giác sững người, ông đang đờ đẫn hoảng loạn, giương mắt nhìn Trương Đình Ngọc đi ra và giương mắt nhìn Dận Chỉ, Dận Kỳ, Dận Tự, Dận Cổ nối nhau đi vào; ông muốn nói nhưng nói chẳng nên lời.


- Gọi các ngươi vào vì có hai việc.


Khang Hy hơi cười, nói tiếp:


- Việc thứ nhất, tối qua xẩy ra một vụ án không manh mối. Có kẻ đã bằng một mảnh giấy ban bố một tờ dụ viết tay, lệnh cho Lăng Tấn, Đô thống Nhiệt Hà đem hai nghìn kỵ binh tiến vào Ngự Uyển. Việc này cần phải làm cho rõ, xem kẻ nào dám to gan như vậy? Mảnh giấy đó đây; Đình Ngọc, khanh cầm đưa các a-ca xem, phải chăng đó là thủ tích của thái tử, nếu đúng thì khỏi bàn; nếu không đúng thì phải tìm cho ra xem đó là chữ của kẻ nào.


Trương Đình Ngọc "dạ" một tiếng, cẩn thận đến bàn cầm lấy mảnh giấy, hai tay đưa cho Dận Chỉ. Tờ giấy đó, tuy Dận Chỉ đã xem tới hai lần, nhưng ông vẫn cầm lấy, giả như nhìn ngắm thật kỹ, nhưng trong óc lại suy nghĩ để trả lời những ý của Khang Hy đề xuất. Một lúc sau ông mới chuyển mảnh giấy đó cho Dận Kỳ. Dận Kỳ, về thứ bậc gia đình thì đứng hàng thứ năm, tính tình rất trung hậu, chất phác. Lúc đó tay chàng run run đỡ lấy, tim đập thình thịch như va phải con thú rừng. Chàng hoảng loạn đưa mắt nhìn thì thấy trên tờ giấy chỉ ngắn gọn có vài dòng:


Hoàng thái tử Dận Nhưng dụ: Nay Ngạc Luân Đại thị vệ hầu cận hoàng thượng đã chuyển việc phòng vệ tới đất Phụng Thiên, Trực Lệ; hoàng thái tử lệnh cho Lăng Tấn, đô thống Nhiệt Hà thống lĩnh thân binh hộ vệ tiến đóng sơn trang chờ nghe tiết chấ rồi đóng quân trấn giữ. Nay dụ.


Nét chữ rất tháu, rất giống với nét bút Dận Nhưng viết thường ngày trong các thư thiếp, chỉ có điều là giữa các dáng chữ lại có sự khác biệt nhau, một số nét chấm viết hơi đậm. Dận Kỳ hơi lắc đầu rồi đưa cho Dận Tộ, tiếp đó Dận Hựu, Dận Tự, Dận Đường... lần lượt đưa cho nhau đọc, nhưng không ai nói gì hết, ngay cả Dận Ngã, con người "to mồm" nhất cũng chỉ xoa mắt, xoa mũi; không nói một tiếng.


- Thế nào?


Giọng Khang Hy nặng chình chịch, rất uy nghiêm, nói:


- Trẫm đêm ngủ ở Giới Đắc cư, nhưng không phải vì thế mà không thể rõ nguyên nhân! Các ngươi hãy nói đi, bắt đầu từ Dận Thì, ai cũng phải nói hết!


Dận Thì còn đang nghĩ về phong thái lạ lùng của Khang Hy, lúc này trong lòng ông mới thấy sáng lên một ý: Thì ra phụ hoàng đã.lập tức chấp thuận ngay điều trần của mình là xử trí Dận Nhưng! Do vậy ngay những lời đầu ông đã nói:


- Tờ thủ dụ này, nhi tử đã mấy lần xem xét, tuy có những dấu vết tạo dựng ra, nhưng với đà cổ tay đưa nét bút thành thạo mà xét thì những chữ đó rất giống với những chữ của Dận Nhưng viết. Có một vài chỗ không giống, có lẽ là kẻ đó đã cố ý làm ra như vậy, có lẽ lại là kẻ khác làm vậy để khi ta xem xét thì bị nhầm lẫn, chúng còn có ý viết thêm vài nét!


Nói đến đây, bỗng nhiên Dận Thì nẩy ra một ý mới, ông lại nói thêm:


- Nhưng, có thể do Dận Nhưng đã nhiều năm điều hành chính vụ nên nét bút của Nhị đệ khắp triều đình ai cũng biết, nên rất dễ bị người ta ngụy tạo, cho nên nhi thần cũng không dám đoán bừa!


- Đại ca, huynh sai rồi! - Dận Chỉ lắc đầu nói: - Nếu ta xét kỹ từng nét chấm, nét móc, nét mác sẽ thấy tờ giấy này nhất định không phải Nhị ca viết, mà là do bàn tay kẻ khác viết! Tài bắt trước của kẻ đó rất cao. Nhưng kẻ đó chỉ bắt chước được bút pháp, bút ý thôi, nhưng không bắt chước được cái thần trong nét bút. Mỗi một chữ mà Nhị ca viết xong đều có chút mực đọng ở nét hất; ở điểm này thì kẻ nào đó bắt chước không giống chút nào!


Dận Tự cũng nói lời ngay:


- Nhi thần cũng thấy như vậy, nhìn thoáng vẻ ngoài thì giống nhưng thần khí của nét bút lại không có vẻ thanh thoát như của Nhị ca.


Tiếp đó Dận Kỳ, Dận Tộ, Dận Hựu, Dận Đề đều nói là không phải chữ của Dận Nhưng. Khang Hy vừa nghe, vừa suy nghĩ, trù trừ mãi nhà vua mới nói:


- Vậy vậy thì kẻ nào viết?


Dận Thì cho là mình đã nắm được tâm tư của Khang Hy, nên ông mỉm cười, quả quyết nói:


- Tôi xem ra thì chỉ có thể là Nhị a-ca làm trò đó!


- Không phải!


Dận Ngã đột nhiên phản đối, rồi tiếp:


- Vạn tuế đừng đắn đo, phân vân gì nữa. Ai muốn làm thái tử thì chính là người ấy!


Nói rồi mắt đỏ lên, chàng nhìn trừng trừng vào Dận Thì. Dận Thì nghe thấy thế thì lại cho rằng câu đó không phải nói về mình, mà lại cho là câu nói đó đúng, nên ông nhìn vào Tam a-ca Dận Chỉ, cười nói:


- Thập đệ nói có lý, nhưng muốn bắt chước chữ của người khác thì phải có tài về mặt ấy; có phải không, Tam a-ca?


Dận Chỉ bỗng nhiên đỏ mặt, nếu nói về "tài" bắt chước chữ thì mọi người phải công nhận ông là số một, nhưng lúc đó ông thấy cũng không cần bác lại ý đó vì ngay cả Khang Hy cũng không thể tin vào điều ấy nên Dận Chỉ chỉ nuốt nước miếng mà không nói năng gì. Dận Thì lúc này đã bình tĩnh lại, ông nghĩ cứ cố gán cho Dận Chỉ việc mạo chữ thì chẳng những Khang Hy không tin mà chưa biết chừng còn gây ra công phẫn, "châm lửa tự đốt mình", thật không phải là thượng sách. Dận Thì suy nghĩ, lời nói lại chuyển sang một ý khác:


- Việc này không những phải xét về nét chữ, nhưng ta còn cần nghĩ đến vấn đề tỉ ấn tùy thân của Dận Nhưng. Nếu không phải là người thân cận của Dận Nhưng thì dễ ai mà làm giả được?


Lời nói đó rõ ràng là hợp lý, thẳng thắn. Dận Ngã thấy Dận Chân, Dận Tường đều không đến liền nghiến răng, bất chấp mọi điều, nói luôn:


- Nhi thần xem ra giống... Thập tam đệ !


Mọi người trong điện đều bị lời này làm cho giật nẩy người. Kỳ thực, ngay từ khi có lời đồn về tờ dụ này, mọi người đã thoáng nghĩ tới hai chữ "Dận Tường"; nhưng chỉ vì việc này có tầm quan trọng quá lớn vì Nhất ngôn hưng bang, nhất ngôn táng bang ( 57 ) . Nếu đưa Dận Tường vào chỗ chết thì cũng liên đới cả Dận Chân, ngay Dận Chỉ thường ngày cũng đi lại thân thiết với "ông thần" hào hoa này; như vậy thì còn ai dám mở miệng nói đại nữa? Dận Đề lập tức hưởng ứng:


- Nhi thần cũng nghĩ như vậy.


- Con nhìn cũng thấy giống...


- Ngoài Dận Tường ra thì còn ai dám?


- Dận Tường đã từng đồ chữ ở những bức thiếp của thái tử.


- Nó thường xuyên đến Dục Khánh cung ở đó nếu Thập tam a-ca lấy một tờ có đóng sẵn ấn tỉ thì cũng rất dễ!


Tất cả mọi nỗi tức bực của thời gian thanh lý nợ đọng đều toát lộ ra từ những lời tựa như khẳng định, tựa như nghi ngờ; không căng, không chùng. Dận Chỉ cúi đầu, suy nghĩ rất căng, ông thấy ngay Dận Tự cũng nói:


- Xin vạn tuế có thể hạ chỉ hỏi Dận Tường, xem chú ấy nói thế nào, việc này không thể dễ dàng quyết đoán được.


Nghe vậy, cuối cùng Dận Chỉ cũng nói:


- Phụ hoàng, có một số chỗ dáng chữ cũng thanh thoát lắm, những chữ đó giống như dáng chữ của Thập tam a-ca; xin phụ hoàng thận trọng tra xét.


Dận Thì cũng nói:


- Xin phụ hoàng xét định, thường ngày Thập tam a-ca hay dựa vào Dận Nhưng tác uy, tác phúc, ức hiếp các a-ca khác. Nay thấy vị trí thái tử không ổn nên nghe lời bọn tiểu nhân gây ra việc này, cũng có thể đó là sự thật. Con người này có tính tình của một kẻ vong mạng; y có gan làm việc này lắm!


- Chà!


Những thớ thịt trên má Khang Hy giật giật, nhà vua nói:


- Việc này bàn đến đây thôi, chút nữa trẫm sẽ có ý kiến. Việc thứ hai: vừa rồi Đại a-ca có mật trần rằng: Sợ trẫm không mang nổi tiếng xấu giết con, nên tình nguyện ra tay giết Dận Nhưng, để trừ "Khánh Phụ chi ưu". Các con thấy thế nào?


Như một tiếng mìn nổ, tất cả mọi người đều kinh sợ đờ người, mấy mươi cặp mắt trong điện đều nhìn chằm chằm vào Dận Thì; giống như người ta nhìn một con yêu tinh bỗng nhiên từ dưới đất trồi lên! Dưới những con mắt nhìn trừng trừng của mọi người, Dận Thì quỳ cứng đờ trên đất mặt mũi ông méo xệch; trông không khác gì ma quỷ. Nhìn ông giống như một người đột nhiên bị lột trần truồng trước công chúng mà không biết chui vào lỗ nẻ nào được! Ngay Trương Đình Ngọc cũng há to miệng, không ngờ bỗng nhiên Khang Hy lại đột nhiên chơi trò này với Dận Thì.


- Phụ hoàng...


Không biết thời gian qua đi bao lâu, Dận Thì mới hơi lấy lại được thần trí, ông phục xuống khấu đầu giọng run run nói:


- Lời nhi thần đã nói lúc đó là lời gan ruột... Mạnh tử đã nói: Xã tắc là trọng, vua thì thường thôi... Nếu có lợi cho triều cục của Đại Thanh thì nhi thần xin chịu búa rìu để giành được điều lợi, bỏ được điều hại... mong phụ hoàng thấu hiểu cho tấc lòng trung ái của thần. Đúng thì phụ hoàng thu nạp; sai thì phụ hoàng bỏ đi... nhi thần thật không nghĩ gì đến riêng mình.


- Nói láo!


Khang Hy đập tay xuống bàn đánh "chát" một tiếng, đột nhiên đùng đùng nổi giận:


- Ngươi thật là một con lợn ngu xuẩn, bỗng nhiên lại muốn làm thái tử? Bỗng nhiên lại nhớ tới lời răn dậy của thánh nhân? Nào là "bắt thỏ xổng", nào là "mệnh trời không đủ sợ"? Những lời nói lăng nhăng của Vương An Thạch ( 58 ) ngươi đều lôi ra để


nói cho trẫm nghe! Ngươi là cái thứ gì, mà dám nói những lời vô pháp, vô thiên như vậy?


Tim của mọi người dường như được kéo lên thật cao, rồi vụt cái lại rơi xuống vực sâu khủng khiếp không đáy. Lúc này trong đại điện căng thẳng như ngôi sao hỏa sắp nổ tung ngay trước mắt!


- Xin cho nhi thần được trần tình... nhi thần thật không... không hề có lòng dạ tranh đoạt ngôi thái tử...





-------------------


(51) Phúc cảo: văn đã nghĩ sẵn trong óc nhưng chưa viết ra.


(52) công nghiệp: tức công danh sự nghiệp.


(53) Nhân chí, nghĩa tận: nhân hết mức, nghĩa rất mực.


(54) Tẩu nịch thụ chi dĩ thủ: chị dâu sắp chết đuối phải đưa tay ra cứu.


(55) Phi lễ vật hành: nếu việc gì không đúng lễ thì không làm


(56) Khánh Phụ bất tử, Lỗ nạn vị dĩ: thời Xuân Thu, công tử nước Lễ là Khánh Phụ giết hai vua, gây ra nổi loạn. Nên thời đó có câu "nếu không giết Khánh Phụ thì nước Lễ không hết được tai nạn". Ở đây, Dận Thì muốn giết Dận Nhưng nên nói câu này.


(57) Nhất ngôn hưng bang nhất ngôn táng bang: một lời nói có thể dựng nước, một lời nói cũng có thể mất nước.


(58) Vương An Thạch (1021-1080) Tể tướng triều nhà Tống, chủ trương "tân pháp" cải cách chính trị, nhưng những cải cách này sau đều thất bại.


Dận Thì nói không thành tiếng, khác nào lá cây trước gió thu, toàn thân run lên cầm cập.
UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ
GIỚI THIỆU NỘI DUNG
HỒI THỨ NHẤT
HỒI THỨ HAI
HỒI THỨ BA
HỒI THỨ BỐN
HỒI THỨ NĂM
HỒI THỨ SÁU
HỒI THỨ BẨY
HỒI THỨ TÁM
HỒI THỨ CHÍN
HỒI THỨ MƯỜI
HỒI THỨ MƯỜI MỘT
HỒI THỨ MƯỜI HAI
HỒI THỨ MƯỜI BA
HỒI THỨ MƯỜI BỐN
HỒI THỨ MƯỜI LĂM
HỒI THỨ MƯỜI SÁU
HỒI THỨ MƯỜI BẢY
HỒI THỨ MƯỜI TÁM
HỒI THỨ MUỜI CHÍN
HỒI THỨ HAI MƯƠI
HỒI THỨ HAI MƯƠI MỐT
HỒI THỨ HAI MƯƠI HAI
HỒI THỨ HAI MƯƠI BA
HỒI THỨ HAI MƯƠI BỐN
HỒI THỨ HAI MƯƠI NHĂM
HỒI THỨ HAI MƯƠI SÁU
HỒI THỨ HAI MƯƠI BẨY
HỒI THỨ HAI MƯƠI TÁM
HỒI THỨ HAI MƯƠI CHÍN
HỒI THỨ BA MƯƠI
HỒI THỨ BA MƯƠI MỐT
HỒI THỨ BA MƯƠI HAI
HỒI THỨ BA MƯƠI BA
HỒI THỨ BA MƯƠI TƯ
HỒI THỨ BA MƯƠI NĂM