Chương 11
Tác giả: NQS
Tháng 11 â.l, Tân Dậu (1861), thủy sư đề đốc Bonard sang thay thế Charner (Charner bàn giao chức vụ cho Bonard ngày 30 tháng 11 d.l năm 1861) và Bonard tuyên bố ngay rằng quân Pháp sẽ tiến chiếm Biên Hòa và nếu cần sẽ tiến thẳng ra kinh đô Huế (đây là lời tuyên bố hiếu chiến và cao ngạo của đô đốc Bonard khi vừa mới đặt chân lên lãnh thổ của nước Đại Nam. Nguyên văn như sau: "Nous allons marcher sur Biên Hoà et, s' il le faut, nous irons à Huế" (tạm dịch: Chúng ta sẽ tiến chiếm Biên Hòa và nếu cần, chúng ta sẽ đi ra Huế) (A.Shreiner; đã dẫn; trang 222), ra lệnh quân binh chuẩn bị chu đáo cho cuộc hành quân.
Trong thời gian chờ đợi sắp xếp chuẩn bị, Bonard ra lệnh cho thuyền trưởng Lespés chỉ huy tuần dương hạm Norzagaray ra chiếm hữu và thiết lập chủ quyền của Pháp trên đảo Côn Sơn.
*Hỏa hồng trên sông Nhật Tảo
Sáng ngày 10 tháng 12 d.l năm 1861, sau khi chiến hạm của Lespés vừa khởi hành đi Côn Sơn thì ở Mỹ Tho quân kháng chiến do Nguyễn Trung Trực chỉ huy đã lập kế giả làm thuyền buôn trên sông Vàm Cỏ, áp sát đến gần tàu chiến L' Espérance đang bỏ neo ở địa phận thôn Nhật Tảo và hơn 150 quân kháng chiến bất ngờ nhảy lên tấn công binh lính Pháp trên tàu. Quân Pháp nhảy xuống sông để trốn và tẩu thoát: 17 lính Pháp bị giết, chỉ có 5 thủy thủ và 3 lính Phi Luật Tân thoát chết. Một số người dân địa phương ở thôn Nhật Tảo bị quân kháng chiến trừng phạt giết chết vì hợp tác với quân Pháp, nhà cửa của những người nầy bị thiêu hủy.
*Đồng loạt khởi dậy
Cuộc tấn kích của Nguyễn Trung Trực trên sông Nhật Tảo là ngọn lửa chăm ngòi cho những cuộc nổi dậy đồng loạt của quân kháng chiến để tấn công đốt phá đồn bót của quân Pháp ở khắp nơi từ ngày 14 đến 30 tháng 12 d.l năm 1861: Tân An, Cần Giuộc, Gò Công ngày 14/12 d.l ; Gia Thạnh ngày 18 ; Cái Bè ngày 20 và 25 ; Rạch Gầm ngày 29 ; Rạch Cả Hòa ngày 30. Quân kháng chiến bị thiệt hại nhiều trong chiến dịch tổng tấn công nầy. Những người địa phương hợp tác với Pháp để làm việc trong tổ chức hành chánh cai trị trong các vùng Pháp chiếm đóng đều bị quân kháng chiến giết chết.
*Quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho đánh chiếm Biên Hòa
Quân Pháp khởi sự tấn công đánh chiếm Biên Hòa. Điểm xuất quân có thể chọn từ 3 nơi:
-1/ từ Thủ Dầu Một,
-2/ từ Sài gòn qua con đường cái quan Sài gòn-Biên Hòa,
-3/ từ Sông Sài Gòn dùng thủy lộ qua con sông Đồng Nai.
Không thể xuất quân từ Thủ Dầu Một vì không có phương tiện để vượt ngang sông Đồng Nai lại thêm có đồn binh Mỹ Hòa của Đại Nam án ngữ do đó Bonard chọn 2 đường tiến quân từ Sài Gòn qua đường cái quan Sài Gòn-Biên Hòa và bằng thủy lộ sông Đồng Nai.
Trước khi ra lệnh tấn công Biên Hoà, Bonard gửi một tối hậu thư đến quân thứ Biên Hòa. Thư trả lời từ quân thứ Biên Hòa không đáp ứng được những đòi hỏi của Bonard và do đó Bonard phát hiệu lệnh tấn công vào ngày 14 tháng 12 d.l năm 1861.
-Cánh quân thứ nhứt theo đường cái quan thẳng tiến đến đồn Mỹ Hoà.
-Cánh quân thứ 2 tiếp nối cánh quân thứ 1 để đến thôn Tân Phú.
- Cánh quân thứ 3 do tàu chiến của Pháp ở sông Sài Gòn ra sông Nhà Bè rồi tiến ngược lên sông Đồng Nai.
-Cánh quân thứ 4 cũng theo thủy lộ để đến thôn Gò Công.
-Các thuyền chiến Renommée, Alarme và Ondine có nhiệm vụ dọn dẹp các chướng ngại vật trong lòng sông Đồng Nai và cá pháo đồn dọc theo 2 bên bờ.
Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau khi sau pháo hiệu tấn công, liên quân Pháp-Y Pha Nho đã chiếm được đồn phòng thủ ở Gò Công.
Bốn pháo đồn trên bờ sông Đồng Nai pháo kích liên hồi lên pháo hạm Alarme. Cánh quân thứ 3 của Pháp do hạm trưởng Lebris chỉ huy dùng ghe đổ bộ quân lên bờ tấn công các pháo đồn nầy, quân đồn thú bỏ pháo đồn chạy thoát thân. Các tàu chiến tiếp tục suốt đêm để khai thông các chướng ngại vật trong lòng sông Đồng Nai và phải mất 2 ngày 2 đêm dọn dẹp lòng sông mới có thể lưu thông an toàn tiến thẳng về hướng Biên Hòa. Chỉ huy cánh quân thứ 1 là Comte bị tử trận khi tiến sát đến cánh trái của điểm kháng cự Mỹ Hòa. Chỉ huy cánh quân thứ 2 từ Gò Công được lệnh tiếp tục tấn công vào cánh phải Mỹ Hòa trong khi pháo binh từ các chiến hạm bắn vào trung tâm điểm của cứ điểm nầy. Quan binh Đại Nam bị tấn công từ 3 phía: vì không thể cầm cự lâu hơn quân binh Đại Nam rối loạn bỏ Mỹ Hòa rút chạy vào thành Biên Hòa. Các cứ điểm tiền đồn phòng thủ thành Biên Hòa bên phía phải lưu ngạn sông Đồng Nai đều bị liên quân Pháp Y Pha Nho chiếm đóng. Bonard liền ra lệnh chuẩn bị thu xếp chuyển quân sang bờ trái sông Đồng Nai để tiến chiếm thành Biên Hòa. Đích thân Bonard xuống pháo thuyền Ondine và cùng với một pháo thuyền khác do thuyền trưởng Jonnart tiến đến trước mặt thành Biên Hòa để quan sát. Đại pháo trong thành bắn ra; pháo thuyền của Jonnart bắn trả vào thành: tiếng súng trong thành chấm dứt và một cụm khói đen trong thành bốc lên cao. Trời về tối, quan Pháp chưa thể đổ bộ lên bờ. Sáng hôm sau, đội quân tiền sát Pháp-Y Pha Nho tiến vào thành Biên Hòa không gặp phải một sức kháng cự nào. Khi quân Pháp tìm thấy hằng trăm tù nhân đạo Gia tô bị thiêu sống trong một trại giam họ mới biết được lý do tại sao có cột khói trong thành bốc lên cao vào đêm hôm qua.
Chiến lợi phẩm quân Pháp tịch thu gồm có 48 khẩu đại pháo, 15 ghe buồm đánh trận, vô số gỗ quý. Trong trận nầy, liên quân xâm lược chỉ có 2 người chết và một số bị thương không đáng kể. Thiếu tá Y Phan Nho Domenech Diégo chỉ huy cánh quân thứ 2 được chỉ định giữ chức tỉnh trưởng Biên Hòa để tiếp tục các chiến dịch bình định trị an. (A.Schreiner; sách đã dẫn; trang từ trang 222 đến trang 229).
*Quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho tiếp tục
tiến chiếm Phước Tuy (Bà Rịa )
Khi thành Biên Hòa bị hải quân Pháp-Y Pha Nho pháo kích và trước khi họ tràn vào chiếm thành, phó đề đốc chưởng vệ Lê Quang Tiến cùng với bộ chỉ huy quân thứ bỏ thành Biên Hòa rút quân về Bà Rịa-Phước Tuy. Các tổ chức kháng chiến chống Pháp không còn thế yểm trợ của quân binh triều đình ở Biên Hòa-Tây Ninh cho nên đa số rút về miền Tây, hợp cùng với các tổ chức kháng chiến ở đây để bao vây đánh phá các đồn bót của Pháp chung quanh các vùng phụ cận của tỉnh Mỹ Tho.
Ngày 4 tháng 1 d.l năm 1862, tất cả đồn bót ở những vùng đất phía Tây thành Mỹ Tho đều bị quân kháng chiến bao vây. Quân kháng chiến của phủ Cậu chuẩn bị đánh Cái Bè nhưng bị quân Pháp bao vây trên tuyến đường tiến quân Cái Bè-Cai Lậy. Ngày 6 tháng 2 d.l năm 1862, phủ Cậu bị bắt giải về Mỹ Tho và bị xử tử treo cổ ngay ngày hôm sau để thị uy các phong trào kháng chiến và làm vững lòng tin những người Đại Nam địa phương đang hợp tác với Pháp. Việc xử tử phủ Cậu không có hiệu lực làm giảm bớt những cuộc nổi dậy của quân kháng chiến nhưng ngược lại, những cuộc đánh phá của quân kháng chiến càng nhiều hơn và táo bạo hơn. Ngày 10 tháng 2 d.l năm 1862, quân kháng chiến đánh phá đồn Gò Công và cô lập đồn Gia Thạnh; ngày 11 đánh phá đồn Rạch Gầm. Ngày 22 tháng 2 d.l 1862 đốt cháy đồn Rạch Cà Hôn rồi lại tấn công đồn Rạch Gầm; ngày 28 các đồn của Pháp ở Cái Bè, Cai Lậy, Thuộc Nhiêu, Rạch Gầm đều bị quân kháng chiến chiếm đóng cùng một lúc và tàu chiến Sham Rock của Pháp cũng bị phóng hỏa. Kết quả của những cuộc nổi dậy khắp nơi của quân kháng chiến ở miền Tây khiến cho quân Pháp phải bỏ các đồn bót để rút về thành Mỹ Tho lo việc phòng thủ cho thành nầy và tăng cường phòng thủ hai đồn quan yếu Cái Bè và Cần Giuộc.
Trong khi các lực lượng kháng chiến đánh phá các nơi ở miền Tây thì tại Biên Hòa; Bonard ra lệnh cho các tàu chiến chuyển vận thủy binh, bộ binh, cùng với quân Y Pha Nho tiến đánh Bà Rịa, dùng ghe nhỏ chuyển quân theo rạch Gành Hào, tạm dừng quân tại một thôn thuộc làng Long Điền vào ngày 7 tháng 1 d.l năm 1862. Một đoàn quân tiền thám với hoả lực mạnh tiến sát đến thành Bà Rịa khoảng 2,000 mét và nổ súng nhưng quân tiền đồn do táng lý quân vụ Văn Đức Đái chỉ huy đã chống cự thật dũng mãnh khiến cho quân Pháp phải tạm thời rút lui quay trở lại Long Điền để chờ qua đêm. Trong đêm, sau khi tàn sát một số phạm nhân đạo Gia tô bị giam nhốt trong thành, phó đề đốc chưởng vệ Lê Quang Tiến bỏ thành Bà Rịa rút quân về hướng Đông và lập phòng tuyến tại làng Phước Thọ cách Bà Rịa khoảng 15 cây số và một tiền đồn ở Long Lập ở khoảng 10 cây số hương Đông Bắc Bà Rịa. Quân Pháp truy kích, quân triều đình tan vỡ, Lê Quang Tiến rút chạy ra làng Phước Bửu rồi theo đường cái quan ra Cù Mỹ giáp ranh tỉnh Bình Thuận. Cả tỉnh Biên Hòa dưới quyền kiểm soát của liên quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho.
Về việc quân xâm lược Pháp đánh chiếm thành Biên Hoà và phủ Phước Tuy (Bà Rịa), sách ĐNTL ghi như sau:
Người Tây dương đánh lui quân thứ Biên Hòa, vào chiếm đóng tỉnh thành. Tự khi Nguyễn Bá Nghi khâm sai thống lãnh quân vụ, đóng ở bên tả tỉnh thành Biên Hòa (xứ Tân Lại) để bảo viện cho tỉnh thành, lấy xứ Thạch Hản thuộc về phận sông Long Đại làm nơi phòng thủ cốt yếu, lấy hạt phủ Phúc Tuy làm đường vận lương, quan báo cho các tỉnh Gia Định, Định Tường cùng làm thanh viện với nhau. Đã đến 7, 8 tháng nay tâu báo hơn 10 lần. Vua đã thăm hỏi các lời bàn của đình thần, nhiều lần huấn dụ rằng: cốt ý lấy sự hòa hiếu làm quyền nghi tạm thời, mà đánh giữ làm thực vu. Thế mà ý riêng của Bá Nghi chủ ở giảng hòa, không sửa sang việc phòng thủ. Kịp khi người Tây dương động quân mới xin đòi gọi binh lính. Đến đây quân Tây dương dùng thuyền quân chặn đóng con đường ở Gia Định, Định Tường đi đến; lại đánh giữ 2 cửa biển Cần Giờ, Phúc Thắng, luôn mấy ngày đánh phá vào xứ Thạch Hãn (các ngày 15, 16) quân lui giữ phủ Phước Tuy. Thuyền quân của Tây dương nhân nước triều thẳng tiến đến tỉnh thành (ngày 17) dùng súng lớn bắn phá vào thành. Tỉnh thần, và bọn Nguyễn Đức Hoan (tuần phủ), Lê Khắc Cẩn (án sát, nguyên tên là Cần) thế không chống nổi cũng lùi đóng ở đồn mới Hố Nhĩ . Quân Tây dương vào chiếm lấy thành, lại tiến sát phủ Phước Tuy đánh bắn. Bá Nghi lại lùi về đóng ở phận rừng Long Kiên, Long Lập, thuộc phủ Phước Tuy. Việc tâu lên, vua nghiêm trách các quan ở quân thứ, và ở tỉnh, rồi gia ơn cho cách lưu, để mưu báo hiệu sau nầy. (ĐTLCB, sách đã dẫn, trang 255, 256).
Sau khi Biên Hòa bị mất vào tay người Pháp. triều đình Huế khai phục chức Binh bộ thượng thư cho Nguyễn Tri Phương sung đổng suất quân vụ Biên Hòa thay thế Nguyễn Bá Nghi, Tôn Thất Cáp (Hiệp) cho khôi phục Binh bộ thị lang phụ tá Biên Hòa quân vụ và Nguyễn Công Nhàn trước kia bỏ thành chạy khi Định Tường thất thủ bị cách chức, nay được khôi phục quản cơ sung đốc binh đi theo phụ tá việc quân cho Nguyễn Tri Phương. Lại cấp thêm 2,000 quân để Nguyễn Tri Phương đưa vào tăng cường cho quân binh ở Cù Mỹ, Bình Thuận.
Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 15, tháng 1 â.l (1862), cho tổng đốc Quảng Nam-Quảng Ngãi là Đào Trí sung chức Kinh lý đại thần, đốc biện những công việc vận tải lương thực khí giới để phòng bị từ Quảng Nam đến Bình Thuận.
Sau khi đánh chiếm Bà Rịa, tàu chiến của Pháp tiếp tục tuần thám vụng biển Phan Rí - Bình Thuận và đánh chìm nhiều ghe thuyền chuyển vận quân lương(1) của triều đình tiếp tế cho quân thứ ở Bình Thuận.
Tháng 2 â.l (1862), giáng Nguyễn Bá Nghi xuống làm tham tri sung chức phụ tá quân vụ hiệp cùng Nguyễn Tri Phương bàn việc quân vụ ở Bình Thuận.
Dụ sai tỉnh thần Gia Định. Định Tường là Đỗ Quang, Đỗ Thúc Tỉnh, phó lãnh binh là Trương Định cùng nhau phối hợp binh triều đình với quân kháng chiến để chống Pháp.
*Liên quân xâm lược Pháp - Y Pha Nho đánh chiếm tỉnh thành Vĩnh Long