Chương 31
Tác giả: NQS
BỊ LÊN ÁN LẦN THỨ BA:
Chính trong bối cảnh vừa kể trên ông Giản lại bị kết tội lần thứ 3 và lần nầy không phải do Tự Đức hay do triều đình Huế kết tội mà "người ta đồn rằng" nhân dân kết tội hai ông Giản và Hiệp bán nước. Việc kết tội lần nầy do Trương Định chủ xướng khi trên lá cờ hiệu khởi nghĩa của ông ta có dòng chữ Phan, Lâm mãi quốc; triều đình khi dân.
Sau khi đi sứ thắng lợi từ Pháp trở về, ông Giản lại được Tự Đức giao nhiệm vụ thương thảo với Aubaret ký kết một hòa ước mới để thay thế hòa ước Nhâm Tuất 1862. Ông Giản đã kỳ kèo với Aubaret theo đúng chỉ thị của Tự Đức và triều đình Huế và kết quả là hòa ước Aubaret được hình thành. Tuy nhiên, Tự Đức và triều đình Huế lại vẫn chưa hài lòng về việc ông Phan Thanh Giản ký kết hòa ước mới Aubaret 1864. Và lại cũng chính ông Giản cùng với các viên khác có nhiệm vụ do Tự Đức và triều đình Huế giao phó để thương lượng với Aubaret và ký kết hòa ước mới lại phải tự ý làm đơn xin Tự Đức trách phạt và lần nầy thì triều đình Huế đề nghị thẩm xét từng trường hợp và vai trò của mỗi cá nhân tội phạm rồi đề nghị án phạt đại hình nịch chức (không làm tròn nhiệm vụ được giao phó).(ĐNTLCB đã dẫn; trang 96)
Rồi hòa ước Aubaret không được hoàng đế Pháp và chính phủ Pháp chuẩn nhận, họ quyết định phải chấp hành hòa ước Nhâm Tuất 1862, phái Aubaret ra Thuận An yêu cầu Tự Đức và triều đình Huế phải thì hành các điều ước kết trong hòa ước Nhâm Tuất một cách nghiêm chỉnh, đúng thời hạn ấn định nhất là phải ra lệnh cho các nhóm kháng chiến chống Pháp ngưng hoạt động phá rối trị an tại các vùng đất do Pháp sở hữu hoặc kiểm soát. Sách ĐNTLCB ghi chép việc nầy như sau:
Bọn Phan Thanh Giản đem việc tâu lên. Vua giao cho phủ Tôn nhân và đình thần bàn định, đều nói: vua tôi nước ấy, đã không chịu cho chuộc lại 3 tỉnh; (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa), nếu lại viết quốc thư để hỏi thì họ lại cố chấp lời nói trước, sợ có tổn đến quốc thể chăng? Xin sai quan Thương bạc viết thư gởi cho đại học sĩ nước ấy là Anh Đê Luy và chủ súy nước Phú ở Gia Định, thông tin phân trần cặn kẽ, họa có chút động lòng nghe chăng, sau sẽ dần mưu tính. Vua nói: bọn khanh liệu thế nào, chả nhẽ theo ước cũ mà nỡ bỏ đất cát 3 tỉnh ấy ư? Nên tính cho kỹ.
Các đại thần lại nói: nghị lớn về hòa ước, từ trước đến nay vẫn giữ bí mật, chưa có công bố cho mọi người nghe biết, sinh ra ngờ vực. Xin do tỉnh thần 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, đem sao lục 12 điều ước cũ, đưa đi treo dán, để hiểu bảo cho sĩ dân đều biết, khiến đều yên ở làm ăn. Đến như việc thu xếp sau nầy được thỏa thiện, nên xin thông thả sẽ bàn định. Vua y cho. Nhân bảo bọn Thanh Giản rằng: ý người Phú như thế, là muốn dân ta dứt tình với ta, cho nên không nhịn được sự tức giận nhỏ ấy. Ta đã nhiều lần phái người mật đi hiểu bảo, nhưng có 1, 2 kẻ hiếu sự không chịu nghe, đã để cho họ sinh ngờ, lại làm nhiễu hại dân ta. Vả lại họ đang cố chấp lời ước, để gây hiềm khích, 3 tỉnh bị trơ trọi thì tất đến nguy. Nay dứt tình đi thì sợ lòng dân ngày thêm lìa tan, nếu không dứt tình tuyệt đi, thì việc chưa nên, mà lúc cấp khó cứu, nên bất đắc dĩ phải dứt tình đi, để cho dân 3 tỉnh ấy không còn trông nhờ vào đâu để bạo động nữa. Đó là đoạn tuyệt để mà bảo vệ, để làm kế sau nầy nảy nở sẽ mưu toan dần dần. Bèn xuống dụ cho tỉnh thần 3 tỉnh sức khắp cho các hạt biết, có ai mượn tiếng là mộ nghĩa, thì không được vào trong địa giới, mà các quan phủ, huyện một khi trông thấy tức thời bắt ngay đem giải; nhà dân có ai chứa chấp, cũng bắt tội như kẻ phạm. (ĐTLCB; sách đã dẫn; trang 162, 163)
* - nghị lớn về hòa ước, từ trước đến nay vẫn giữ bí mật, chưa có công bố cho mọi người nghe biết, sinh ra ngờ vực. Như vậy có nghĩa là nhân dân - ở đây phải chăng triều đình có ý nói là các nhóm dân quân kháng chiến? - đã không hay biết gì về hòa ước Nhâm Tuất 1862 và hòa ước Aubaret ? Tại sao Tự Đức và triều đình lại phải giữ bí mật không công bố cho mọi người nghe biết? Bởi vì Tự Đức đang xử dụng âm mưu tiếp tục lợi dụng, khích động, bao che các nhóm dân quân kháng chiến để vừa đánh vừa kéo dài hòa đàm, làm cho quân Pháp bị dao động, mệt mỏi và nản chí để rồi tự động rút đi hoặc chấp nhận những điều kiện hòa đàm do Tự Đức và triều đình Huế đưa ra và do đó nếu quân kháng chiến đã biết có hòa ước rồi thì có thể họ sẽ không còn hăng sai kháng chiến chống Pháp nữa. Vậy thì nghị lớn về hòa ước phải giữ bí mật hay nói khác đi Tự Đức và triều đình Huế đã qua mặt các nhóm dân quân kháng chiến, xem họ chỉ là một phương tiện lót đường cho để Tự Đức thực hiện mục tiêu lấy lại những vùng đất mà Tự Đức coi là vùng đất thiên liêng của tổ tiên dòng họ nhà Nguyễn Phúc.
♠ -Xin sai quan Thương bạc viết thư gởi cho đại học sĩ nước ấy là Anh Đê Luy và chủ súy nước Phú ở Gia Định, thông tin phân trần cặn kẽ, họa có chút động lòng nghe chăng: đây là hình ảnh và thái độ run sợ, tuân phục của một kẻ chiến bại trước những điều kiện đòi hỏi của kẻ thắng trận áp đặt ra. Xin sai quan thương bạc viết thư gửi cho học sĩ nước ấy . . ." Vậy quan thương bạc lúc đó là ai, và lá thư của quan thương bạc gởi cho chính quyền Pháp như thế nào ?
Trong một quyển sách có tựa đề Les Débuts de L'installation du Système Colonial Français au Viet Nam (1858-1897) bản dịch ra tiếng Việt năm 1994 (Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp ở Việt Nam 1858-1897), nơi trang 117 và trang 118, tác giả sách nầy có đăng tải một lá thư của bộ ngoại giao trả lời cho La Grandière sau khi viên soái phủ nầy gởi văn thư chính thức thông báo cho triều đình Huế biết là chính phủ Pháp không thừa nhận hoà ước Aubaret. Tác giả gọi là thượng thơ bộ Ngoại giao Việt Nam và người đứng đầu bộ ngoại giao lúc đó là Phan Huy Vịnh. Lá thư nầy được tác giả cho biết xuất xứ của nó nơi chú thích số (17) ở trang 121 như sau: . . . . .(17) Hồi ký và tư liệu châu Á-Quyển 29-tr. 46-48,106,105 & 112. 135-138. 270-272 (tư liệu chưa xuất bản) và 273-274.
*Cần lưu ý: kiểu trích dẫn của tác giả sách "Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp ở Việt Nam 1858-1897", không thể giúp ích gì thêm cho người đọc đồng thời còn tạo ra cái cảm giác như là tác giả muốn giữ làm của riêng mình những tài liệu và tư liệu mà tác giả đã có dịp nhìn thấy hay đọc được. Lá thư viết bằng chữ Hán ? Chữ nôm? Chữ quốc ngữ theo mẫu tự a, b, c ...? hay bằng chữ Pháp? hay đã được dịch sang tiếng Pháp từ nguyên thủy và nay lại được tác giả dịch sang tiếng Việt một lần nữa?
Đây cũng là cung cách trích dẫn lơ lửng, ỡm ờ của những người tự coi mình là sử gia khoa bảng từ trước đến nay, trong nước cũng như ngoài nước, vì họ biết rằng người đọc ít có cơ may như họ để có thể với tới các tài liệu hoặc tư liệu hiếm hoi khó thể truy tìm: cho nên họ chỉ cần trích dẫn lơ mơ mịt mù như thế để chứng tỏ những gì họ viết ra là có căn cứ trên giấy trắng mực đen dù trên thực tế họ đã viết sai, đã cắt bớt hay đã luồn lách để tạo thành một tài liệu giả dối, để chứng minh cho một quan điểm hay một biến cố lịch sử bịa đặt. Đọc giả có thể đọc lại sách của tác giả sách "Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp ở Việt Nam 1858-1897" nơi trang 123 và trang 124 nơi tác giả trích dịch một đoạn văn của Francis Garnier viết trong bài tham luận La COCHINCHINE FRANÇAISE en 1864: đây là một kiểu trích dẫn cắt xén, lắp ráp và rất nhiều .... mà nếu người đọc có nguyên bản tài liệu của Francis Garnier thì cũng khó có thể so chiếu để biết được tác giả đã trích dẫn từ chỗ nào trong bản tham luận đó.
Việc lưu ý đọc giả về những điều vừa kể trên không nhằm mục đích chứng minh là lá thư của ông thượng thơ bộ ngoại giao Việt Nam do Phan Huy Vịnh viết và được trích đăng lại là một tài liệu bịa đặt do tác giả "Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp ở Việt Nam 1858-1897" tạo ra. Sự truy cứu của tác giả là một khám phá hiếm hoi và mới mẻ rất giá trị, nhưng nó sẽ có giá trị thuyết phục cao hơn nếu tác giả dùng mọi khả năng sẵn có của mình chẳng hạn như sao chép lại nguyên văn, chụp hình . . .để cho thấy được "hình hài thực sự" của tài liệu mà tác giả đã đưa ra chứ không nên viết theo kiểu: "tài liệu nầy lưu giữ trong một cánh rừng rậm ở Phi Châu, ai muốn tham khảo thì cứ qua bên đó mà lục lạo để tham khảo!"
Sau đây xin chép lại đầy đủ nguyên văn lá thư của thượng thơ bộ Ngoại giao Việt Nam Phan Huy Vịnh được trích dẫn nơi trang 117,118 trong sách "Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp ở Việt Nam 1858-1897":
Sau khi nhắc lại những điều kiện trong đó Aubaret đã được phái sang Việt Nam và quyết định của chính phủ Pháp không phê chuẩn hiệp ước vừa ký kết tại Huế, Phan Huy Vịnh viết:
". . .Khi hai nước đã thề giảng hòa với nhau, chúng ta không thể không nói đến vấn đề chuộc lại ba tỉnh Nam Kỳ, vì lòng dân oán hận chuyện mất nước ...Vì vậy, chúng tôi phải cởi mở tấm lòng ra với Hoàng đế nước Pháp, để Người đoái thương với chúng tôi, nếu không được về mọi mặt, ít nhất về một vài điều. Cũng như những điều thay đổi hoặc sửa lại trong văn bản hiệp ước là nằm (nhằm) đáp ứng những yêu cầu phong tục tập quán và ngôn ngữ nước chúng tôi, sao cho bản hiệp ước trở nên dễ hiểu đối với mọi người và không bị ai lý giải ngược lại.
"Còn về vấn đề giảm xuống 40 năm số cống nạp hằng năm và liên tục, thì chính là chúng tôi yêu cầu như vậy bởi tài nguyên của cải đất nước tôi dường như không thể hứa hẹn nhiều hơn vậy được. Làm như vậy, chúng tôi muốn một lần nữa tạo cho Hoàng đế Pháp một cơ hội mới để bộc lộ tấm lòng đại lượng bất tận của mình, nhưng chúng tôi không hề có ý định thay đổi, hoặc xóa bỏ những điều đã thỏa thuận lúc đầu, giữa hai bên. Ông đại diện toàn quyền Aubaret đã hiểu điều nầy, cũng như hai vị quan chức cùng đi với ông ta (18); cả ba người không hề tỏ ra bất bình; chúng tôi không muốn áp đặt ý muốn của chúng tôi cho họ, dù rằng bằng cách nào.
"Giờ đây, mọi sự vẫn y nguyên. Nếu các Ngài đồng ý trả lại nguyên vẹn, hay một phần đất đai ba tỉnh, thì chúng tôi xin hết lòng cảm tạ. Nếu các Ngài không thể trả và nếu để tiếp tục có những quan hệ hòa bình, chúng tôi phải trở lại với hiệp ước 5/6/1862, thì chúng tôi vẫn biết ơn các Ngài, và sẽ vui lòng làm như vậỵ
"Chính phủ chúng tôi rất chân thực và thủy chung với những cam kết của mình: không gì có thể làm cho quan hệ giữa chúng ta bị đoạn tuyệt ....." (19)
*
Nếu để ý một chút thì người đọc có thể thấy được lối hành văn của nhà nho thượng thơ bộ ngoại giao Việt Nam Phan Huy Vịnh có vẻ quá Tây chăng? Không lý ông Phan Huy Vịnh viết thẳng lá thư nầy bằng tiếng Tây? Đây là một thắc mắc cần được tác giả của sách "Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp ở Việt Nam 1858-1897" làm sáng tỏ.
Dù sao thì lá thư kể trên cũng góp phần cho thấy sự yếu kém, bất lực và thái độ nhát sợ của vua quan triều đình Huế trước sự xâm lăng ồ ạt của đoàn quân "bỏ túi" Tây phương. Ví bằng lá thư nầy do người Pháp ngụy tạo ra thì nó vẫn có hiệu quả để cho hậu thế hiểu được rằng người Pháp đã thấy rõ được thực trạng tồi tệ của vua quan triều đình nhà Nguyễn dưới thời Tự Đức để rồi kể từ lúc đó họ có thể tự tin về sức mạnh xâm lược của mình, để lên giọng cao ngạo, tự do thao túng, bắt chẹt, thực hiện ý đồ bành trướng lãnh thổ thuộc địa của họ.
♠ -Xin do tỉnh thần 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, đem sao lục 12 điều ước cũ, đưa đi treo dán, để hiểu bảo cho sĩ dân đều biết, khiến đều yên ở làm ăn . . . . . . . . . . . . .Bèn xuống dụ cho tỉnh thần 3 tỉnh sức khắp cho các hạt biết, có ai mượn tiếng là mộ nghĩa, thì không được vào trong địa giới, mà các quan phủ, huyện một khi trông thấy tức thời bắt ngay đem giải; nhà dân có ai chứa chấp, cũng bắt tội như kẻ phạm:
Đây chính là thời điểm khởi đầu để "nhân dân của quản Định" tức giận với vua quan triều đình nhà Nguyễn khi họ biết là mình bị lừa dối lợi dụng và nay bị bỏ rơi. Phản ứng của họ là gì? Là tự tiện tôn phò quản Định lên làm đầu lĩnh để tiếp tục những hoạt động phá rối trật tự trị an trong các vùng do Pháp chiếm đóng và luôn cả trong các vùng đất Nam Kỳ còn dưới quyền kiểm soát của triều đình Huế. "Nhân dân" giờ đây đã trở thành thù địch không những đối với người Pháp mà luôn cả với quan binh của triều đình Huế nữa. Trong một tình trạng câm giận sôi sục như vậy- câm giận sôi sụt vì bị lừa đảo, bị qua mặt, bị lợi dụng, bị mất quyền tước, bị mất chu cấp lén lút từ phía triều đình thì không có gì đáng phải ngạc nhiên khi nhân dân lên án là triều đình khi dân vì sự lên án nầy là hữu lý và tất nhiên không cần phải có tiếng đồn hay sách vỡ ghi chép lại sự lên án đó, mà cũng không cần phải cho hàng chữ triều đình khi dân dính lên lá cờ khởi nghĩa "tưởng tượng" của ông Trương Định.
Riêng đối với ông Phan Thanh Giản thì "nhân dân'' có thái độ như thế nào? Ông quản Định tự xem mình như là thay mặt nhân dân để lên án ông Giản và ông Hiệp bằng cách dán bản án Phan, Lâm mãi quốc lên trên lá cờ khởi nghĩa tưởng tượng mà người đời sau đã thêu may cho ông.
Hiện tượng người đời sau thêu may cờ Chính nghĩa cho các nhân vật lịch sử nổi tiếng không phải chỉ mới xảy ra từ thời ông Định mà nó đã từng xảy ra trong mọi thời kỳ người dân Việt Nam chống ngoại xâm nhằm khích động lòng yêu nước của khối quần chúng. Tuy nhiên, sử sách, cũng như qua các di vật lịch sử được khai quật từ xưa tới nay, người ta chưa bao giờ nhìn thấy được hình trạng thực sự của một lá cờ như thế. Có được thấy chăng những kiểu cờ tưởng tượng như thế thì hiện nay người ta có thể thấy trong những dịp lễ hội đình đám kỷ niệm hoặc trong những tuồng tích giải trí biểu diễn trên sân khấu mà thôi.
Thực tế nếu ông Quản Định có nổi giận và thù ghét ông Phan Thanh Giản thì cũng là một điều hữu lý và tất nhiên vì trước hết ông Giản và ông Hiệp là thành viên trong tập đoàn cai trị của một triều đình lừa dối, lợi dụng, bội bạc, dứt tình. Kế đến, ông Giản lại là một một nhân vật chính yếu đã từng được Tự Đức và triều đình Huế đặc phái đi kêu gọi Trương Định phải ngưng việc chiến tranh nhưng Trương Định "cứng đầu" bất tuân lệnh vua. Ông Định càng tức giận hơn khi ông bị lấy lại tước quân hàm Lãnh binh mà trước đây Tự Đức đã bí mật phong cho ông để mua lòng.
*Có một chi tiết tuy rất nhỏ nhưng lại có thể dùng để cho hậu thế thấy được ông Giản không có bán đứng những người được sử sách cũ, mới gọi là quân nghĩa dũng kháng chiến chống Pháp dưới quyền tổng lãnh của Trương Định:
Phan Thanh Giảng, qui était revenu de Huế avec les légations, avait repris son poste à Vĩnh Long, dès le 15 Avril (1862), en attendant qu'on lui remit la citadelle; il fit tout ses efforts - au moins en apparence - pour ramener la tranquilité, mais le quản Định plus actif, plus redouté des populations que jamais, se jouait de lui et de ses conseils. Suivant une tactique inspirée sans nul doute par la cour elle- même, ce chef de bande sépara sa cause de celle des mandarins; il pouvait ainsi sans danger être désavoué par eux, et Phan Thanh Giảng put écrire à l'amiral que ce Định n' etait qu'un imposteur qu'il fallait mettre à mort, oubliant d'indiquer l'essentiel: le moyen de le prendre. (A. Schreiner; sách đã dẫn; trang 250-251)
Tạm dịch:
Từ Huế, Phan Thanh Giản(g) đã trở về nhiệm sở Vĩnh Long từ ngày 15 tháng 4 dl (1862) để đợi được giao trả tỉnh thành ; ông đã cố gắng bằng mọi các - ít ra là tỏ ra cho thấy - để phục hồì yên ổ, nhưng quản Định lúc nầy là kẻ năng động, đáng ngại hơn bao giờ hết trong dân chúng đã khinh nhờn và tỏ ra thách đố với những lời khuyến dụ của ông Giản. Theo một chiến thuật chắc chắn là triều đình chủ trương, viên đầu đảng nầy phải tách rời mục tiêu hoạt động của hắn khác biệt với mục tiêu hoạt động của các quan binh triều đình; nhờ vậy mà hắn sẽ không hề hấn gì khi bị các quan binh triều đình chối bỏ lên án, và do đó Phan Thanh Giản(g) có thể tư văn cho đề đốc để tố cáo rằng Định là một tên lừa bịp đáng chết, nhưng ông ông Giản(g) lại quên nói cho biết một điều thiết yếu là làm sao bắt được tên bịp bợm đó.
Đây nhất định không phải là một lời khen tụng của người Pháp dành cho ông Giản nhưng phải nói là người Pháp đã tỏ ra cay cú bực bội vì thái độ khai báo lương lẹo bao che của ông Giản không chịu điềm chỉ nơi ẩn náo của các đầu lĩnh quân nghĩa dũng kháng chiến. Ngược lại, đối với thái độ cứng đầu của ông Định, ông Giản chỉ báo cáo sự việc lại cho vua Tự Đức và Triều đình Huế để tìm biện pháp giải quyết. Nói khác đi, hàng chữ Phan Lâm mãi quốc trên lá cờ khởi nghĩa của ông Định chỉ có tính cách tương truyền, không có căn bản khoa học, không có xuất xứ, nguồn gốc và tính xác thực hàng chữ đó rất đáng dị nghị.
Nay thì việc đã rõ ràng: vua và triều đình đã dứt tình bỏ thí dân quân kháng chiến, mặc cho quân xâm lược càn quét truy kích. Không những thế còn "tiếp tay" cho giặc Pháp bằng cách ra lệnh cho các quan phủ, huyện một khi trông thấy tức thời bắt ngay đem giải; nhà dân có ai chứa chấp, cũng bắt tội như kẻ phạm.
Như vậy, việc ông Trương Định lên án triều đình Huế, lên án ông Giản và ông Hiệp tất nhiên là phải có nhưng đây chỉ là việc riêng ông Định và nhóm dân quân kháng chiến của ông lên án chứ không phải toàn dân, toàn quân lên án như nhiều dư luận lạm dụng tên tuổi ông Định đã nêu lên.
Điều cần lưu ý là khi nhóm kháng chiến của ông Định tách rời và lên án triều đình thì chính nghĩa của ông Định đã thay đổi: ngày trước ông chen vai sát cánh với triều đình nhà Nguyễn để chiến đấu chống quân ngoại xâm Tây phương nhưng bây giờ thì ông Định và nhóm kháng chiến của ông trở thành một nhóm giặc chòm, giặc xóm giống như mấy đám giặc thổ phỉ người Trung Quốc Cờ Đen, Cờ Vàng đang tung hoành làm chủ hầu hết các vùng lãnh thổ ở Bắc Kỳ. Cứ thử tưởng tượng nếu ông Định và thủ hạ của ông đánh đuổi được hết quân Pháp và chiếm lĩnh các vùng đất Nam Kỳ Hạ thuộc Pháp thì tình thế sẽ ra sao? Ông Định sẽ quỳ gối xuống để dâng trả lại đất cát cho Tự Đức chăng?
Và như trên đã xét qua, ông Giản với ông Hiệp làm gì có thành quách, đất cát để mà bán cho quân xâm lược Pháp: họ chiếm đất, chiếm thành của nước Đại Nam như đi chơi vào chỗ hoang địa để rồi ông Giảng và ông Hiệp phải thay mặt Tự Đức và tập đoàn quan lại nhút nhát của triều đình Huế chạy đến cầu xin kẻ xâm lược cho chuộc lại những vùng đất thiêng liêng riêng tư của ông hoàng đế Tự Đức vô cùng hiếu đạo thuộc dòng dõi nhà Nguyễn Phúc.