Bang giao Trung - Nga nhìn qua Lộc Đỉnh ký
Tác giả: VŨ ĐỨC SAO BIỂN
Ở một chừng mực nào đó, ta có thể gọi Lộc Đỉnh ký của Kim Dung là một bộ tiểu thuyết lịch sử. Thật vậy, thông qua bộ tiểu thuyết cuốn này, Kim Dung đã cung cấp cho độc giả những sự kiện lịch sử có thật và khá quan trọng từng xảy ra dưới thời vua Khang Hy, triều Thanh. Một trong những sự kiện quan trọng ấy là mối bang giao Trung - Nga, dẫn đến việc ký kết hoà ước Hắc Long Giang năm 1684.
Ba tỉnh vùng Đông Bắc Trung Quốc ngày nay chính là vùng đất phát tích của bộ tộc Mãn Châu (Manchourie) mà người Trung Quốc ngày xưa từng gọi là dân Kim hay Thát Đát (Tartare). Mồ mả tổ tiên của vua Khang Hy thuộc bộ tộc Ái Tân Giác La (Aisin Gioro) được chôn ở vùng Bắc ngạn sông Amour (tiếng Mãn Châu: A Mộc Nhĩ Hà; tiếng Trung Quốc: Hắc Long Giang) dưới chân núi Lộc Đỉnh. Sông Amour phát xuất từ ngọn núi Tchita thuộc đài nguyên Oulan Oude (tiếng Trung Quốc: Ô Tư Ô Đức) cận hồ Baikal (tiếng Trung Quốc: Bối Gia Nhĩ) vòng lên hướng Bắc, đổ về phương Đông qua thành phố Khabarovsk rồi đổ xuống hướng Nam gặp cảng Vladivostok.
Từ ngàn xưa, các bộ tộc Mãn Châu thường sống du mục theo đôi bờ Hắc Long Giang, có khi vượt qua phía Tây đến biên giới Mông Cổ. Đây là vùng đất gần như băng giá quanh năm. Từ địa đầu biên giới Mông Cổ - Mãn Châu Lý kéo dài lên hướng Bắc hợp lưu với Hắc Long Giang, có thêm một dòng sông nữa, ấy là sông Ngạch Nhĩ Cổ Lạp. Vậy, hai dòng Ngạch Nhĩ Cổ Lạp với Hắc Long Giang tạo nên biên giới thiên nhiên giữa hai nước Trung - Nga bây giờ, một biên giới bền vững, rất dễ phân định. Vâng, đó là chuyện bây giờ, còn chuyện ngày xưa thì sao?
Ngày xa, người Trung Quốc gọi nước Nga là nước La Sát. Trong kinh Phật, La Sát là tên một loài quỷ dữ, nhưng khi gọi nước Nga là La Sát, thực sự người Trung Quốc không có hàm ý khinh thị nước Nga. Trong cuốn thứ 9 bộ Thanh sử cảo, Lang Viên giải thích: "Nga La Tư hay La Sát chỉ là cách đọc phiên âm chậm hay mau mà thôi. Đọc La Sát tương đối giống hơn" (với từ Russe, Русcие).
Bát kỳ Mãn Châu tiến đánh nhà Minh năm 1643 và năm 1644 thì chiếm được Bắc Kinh. Vua Thuận Trị lập ra nhà Thanh trên đất Trung Quốc. Trăm họ người Trung Quốc vẫn tự coi mình là người Hán tộc, gọi nhà Thanh là bọn Di Địch. Thế nhưng bọn "Di Địch" đó đã làm nên một kỳ tích: sửa chữa những sai lầm của tổ tiên, duy trì đế chế phong kiến 268 năm, trong đó có ít nhất 2 đời vua được gọi là minh quân đem lại hoà bình, hạnh phúc cho Trung Quốc, vượt xa các ông vua triều Minh Hán tộc. Một biểu tượng của thái bình thạnh trị là triều Khang Hy (1662 - 1722), đấng minh quân mà cả Hán tộc và Mãn tộc đều tôn kính.
Lộc Đỉnh ký của Kim Dung lấy tên núi Lộc Đỉnh trên biên giới Trung - Nga làm tựa truyện nên đã dựng lại khá rành mạch những quan hệ Trung - Nga dưới triều Thanh, theo sát những diễn tiến lịch sử. Vào năm Thuận Trị thứ 6 (1650), nhà vua đã cho quân đồn trú ở mạn Đông Bắc để ngăn chặn quân của Sa hoàng Nga La Tư, không cho xâm phạm vùng Lộc Đỉnh Sơn và Hắc Long Giang. Năm Thuận Trị thứ 9 (1653), tướng Thanh là Hải Sắc đánh với quân Nga La Tư tại Hắc Long Giang; một tướng Thanh khác là Minh An Đại Lý đánh với quân Nga ở Tùng Hoa Giang (nằm sâu trong tỉnh Cát Lâm ngày nay). Năm Thuận Trị thứ 16 (1660), nhà vua sai hai tướng Nhĩ Hổ Đạt và Ba Hải đồn trú ở Ninh Cổ Tháp để ngăn chặn bước tiến của đoàn kỵ binh Nga La Tư danh tiếng Kha Tát Khắc (Cosaque).
Công chúa Sophia (Софья, tiếng Trung Quốc là Tô Phi Á) lên nắm quyền Nhiếp chính năm 1680. Lộc Đỉnh ký của Kim Dung hư cấu chuyện Vi Tiểu Bảo, bá tước của triều Khang Hy, đi đánh Thần Long giáo, lưu lạc qua Nga giúp công chúa Tô Phi Á kêu gọi binh lính Hoả thương thủ làm binh biến, đưa công chúa lên ngôi Nhiếp chính. Tính ra, đây là năm thứ 18 triều Khang Hy.
Thực ra, việc Vi Tiểu Bảo lưu lạc sang Nga là chuyện cá nhân của gã. Trước đó, vào năm Khang Hy thứ 15 (1677), đại sứ Nga là Tư Ba Tháp Lôi (Spatinary) đã sang Bắc Kinh, dẫn theo nhiều chuyên gia về bảo thạch và dược tài (làm thuốc súng) đến trình uỷ nhiệm thư lên Khang Hy, xin nhà vua trao đổi chuyên gia làm thạch kiều (cầu đá) về giúp Sa hoàng xây dựng Mạc Tư Khoa (Moscow, Москва) và Cơ Phụ (Kiev, Киев). Viên đại sứ này không chịu quỳ trước Khang Hy nên bị nhà vua đuổi về. Sau đó, Sa hoàng ra lệnh cho quân Cosaque đồn trú ở thành Irkoutsk (tiếng Trung Quốc: Ái Nhĩ Tư Khắc) và Novogorod (tiếng Trung Quốc: Ni Bố Sở Thành) để tuần tiễu mạn Bắc bờ sông Amour. Vua Khang Hy cho đây là sự xâm lấn lãnh thổ Đại Thanh nên đã đưa kỵ binh và pháo binh lên Hắc Long Giang đối phó.
Trong Lộc Đỉnh ký, Kim Dung thuật chuyện Vi Tiểu Bảo được Khang Hy phong làm nguyên soái, đệ nhất Lộc Đỉnh công, thừa lệnh nhà vua đem hai vạn quân gồm bộ binh, kỵ binh, pháo binh đi đánh quân Nga. Vi Tiểu Bảo hạ luôn hai thành Ni Bố Sở và Nhã Tác Khắc khiến công tước Phí Diêu Đa La (Pheodor), một trọng thần của Nhiếp chính vương Tô Phi Á phải xin cầu hoà và đề nghị đàm phán ký hiệp ước phân chia cương giới. Bởi vì tước của Vi Tiểu Bảo là Lộc Đỉnh công, mà núi Lộc Đỉnh lại ở phía Bắc bờ Hắc Long Giang nên Vi Tiểu Bảo buộc Phí Diêu Đa La bằng mọi cách phải cắt phần đất đó vào lãnh thổ của Thanh triều. Phí Diêu Đa La không thuận; Vi Tiểu Bảo doạ sẽ liên kết với quân của nước Thuỵ gì đó (Thuỵ Điển nhưng gã nhớ không nổi) để dưới đánh lên, trên đánh xuống, chiếm Mạc Tư Khoa! Gã lại học sách Tam quốc, thực hiện kế "Chu Du hí Tưởng Cán", giả vờ phát lệnh tiễn cho tướng Thanh đi về phía Tây, đi dọc biên giới Mông Cổ tiến về Mạc Tư Khoa khiến Phí Diêu Đa La sợ vỡ mật, phải xin kiềm đính hoà ước!
Những thủ đoạn kỳ kèo trong quá trình đàm phán không phải là không có cơ sở lịch sử. Ta nhớ rằng Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt (cháu nội của Thành Cát Tư Hãn) lên ngôi ở Trung Hoa, mở ra nhà Nguyên, sau đó thân chinh đi đánh nước Nga. Chỉ với 2 vạn binh mã, Hốt Tất Liệt đã đánh cho 18 vạn quân Nga La Tư thua to. Mà trong thời Khang Hy, nước Mông Cổ lại thuộc Trung Hoa nên khi bọn Vi Tiểu Bảo, Sách Ngạch Đồ, Đổng Quốc Cường nói với Phí Diêu Đa La rằng Mạc Tư Khoa từng bị người Trung Hoa đến đánh thì cũng không phải là điều khiên cưỡng. Vả chăng, năm 1238, danh tướng triều Nguyên là Bạt Đô đã đánh chếm được Cơ Phụ và Mạc Tư Khoa, lại còn muốn đánh sang Ba Lan và Hung Gia Lợi (Hunggary), vượt dòng Đa Não Hà (Danube) để tấn công châu Âu! Năm 1240, nhà Nguyên dựng lên toà Kim trướng Hãn Quốc bên thành Tát Lai (Toula) ở cửa sông Phục Nhĩ Gia (Volga). Nhân vật đứng ra cai trị toàn Nga lúc đó được gọi là Khả Hãn. Sách Đại anh bách liệu toàn thư, mục Nga La Tư thuật lại rằng những vương công người Nga phải đến Kim trướng của Khả Hãn tại thành Tát Lai để được phong. Họ đã chịu nhiều điều khổ nhục. Người Mông Cổ đã thống trị đất Nga 240 năm (từ 1240 đến 1480), sau đó mới bị người Nga đánh đuổi.
Hoà ước Hắc Long Giang ký năm 1684 giữa Trung Hoa và Nga La Tư do Sách Ngạch Đồ của Thanh triều và Phí Diêu Đa La của Nga kiềm thự. Hoà ước được viết bằng 3 thứ tiếng Hán văn, Nga văn và Lạp Đinnh văn (Latin). Đây là bản hoà ước đầu tiên Trung Hoa ký với nước ngoài, mang lại cho nhà Thanh một thắng lợi ngoại giao rực rỡ. Trong 6 điều hoà ước, điều nào cũng có lợi cho Trung Hoa: cương giới được quy định tới núi Đại Hưng An phía Bắc; hai tỉnh A Mộc Nhĩ và Tân Hải của Nga thuộc vào lãnh thổ Trung Hoa; phía Đông và Đông Nam kéo dài tới biển; nước Trung Hoa có thêm 80 vạn dặm vuông Anh. Hoà ước giúp Trung Hoa yên ổn đên 150 năm sau. Bia biên giới được viết bằng 5 thứ tiếng: Mãn Châu văn, Hán văn, Nga văn, Latinh văn và Mông Cổ văn. Những đời vua sau của nhà Thanh nhu nhược; địa đồ biên giới có nhiều thay đổi...
Tất nhiên, trong Lộc Đỉnh ký, Kim Dung để cho “nguyên soái” Vi Tiểu Bảo làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền ký hoà ước với Phí Diêu Đa La. Sách Ngạch Đồ chỉ là phó sứ! Vi Tiểu Bảo không biết chữ, nên chỉ ký được chữ Tiểu trong tên của mình. Chữ Tiểu của gã rất cổ quái: ở giữa có một cái gạch, hai bên có hai hột tròn tròn, giống như bộ phận sinh dục nam giới. Các quan coi tới, cười ồ, cho rằng cổ lai hy chưa có ai ký tên như vậy cả!
Trong cuộc chiến tranh ở biên giới Trung - Nga, các tướng lãnh của triều Thanh có đưa một số hàng binh Nga về Bắc Kinh cho vua Khang Hy hỏi chuyện để tìm hiểu lịch sử, địa lý, văn hoá của Nga La Tư. Tiêu Nhất Sơn trong Thanh đại thông sử ghi nhận: "Hàng binh đưa về kinh sư đều được tha hết, cho vào Tá lãnh. Đó là kỳ binh của Nga La Tư. Con cháu họ đến nay hãy còn". Trong sách Quý Ty loại cảo có chương Nga La Tư Tá lãnh khảo xác nhận đội lính Nga La Tư Tá lãnh có khoảng gần 200 người, mặc đồ Thanh binh rất kiêu dũng. Đây là một đòn phép ngoại giao hoà hoãn, khôn khéo của Khang Hy. Những người lính Nga được lấy vợ là người Trung Quốc; những kiến thức về hoả dược, vũ khí của họ giúp ích rất nhiều cho việc kiện toàn vũ khí cho người Trung Hoa.
Công chúa Tô Phi Á (Sophia) là một nhân vật có thật trong lịch sử nước Nga. Bà đã giết hoàng hậu chuyên quyền Na Đạt Lệ Á (Natalia), đưa em mình là Bỉ Đắc (Pierre) hãy còn nhỏ tuổi lên làm Sa hoàng; bà giữ quyền Nhiếp chính. Bà đã từng gửi thư bày tỏ tình hữu nghị với vua Khang Hy. Tô Phi Á và cả triều đình Sa hoàng không ai biết Hán văn. Vua Khang Hy có gửi cho bà một giác thư ngoại giao viết trên vàng lá. Bà trả lời: “Vừa qua, Hoàng đế bệ hạ có tặng cho chúng tôi một lá vàng nhưng chẳng ai biết dùng để làm gì”. Trong Lộc Đỉnh ký, tác giả xây dựng nhân vật Tô Phi Á thành người tình của Trung Quốc tiểu hài đại nhân Vi Tiểu Bảo. Chữ Phi được ông viết với bộ thảo đầu, có nghĩa là phất phơ (phương thảo phi phi - cỏ thơm phất phơ). Cái nghĩa ấy không được chính đáng, nhất là đối với một nữ Nhiếp chính vương. Sau này, khi Vi Tiểu Bảo sai gia sư viết hộ bức thư gửi cho Tô Phi Á, thông qua hai thân binh Hoa Bá Tư Cơ (Vabovski) và Tề Nặc Lạp Phu (Denilov), tay gia sư tự động sửa tên nàng lại là Tô Phi Hà điện hạ. Y viết chữ Phi có nghĩa là bay, chữ Hà có nghĩa là ráng chiều (trong Lạc hà dữ cô vụ tề phi). Vậy tên nàng có nghĩa là ráng chiều bay, vừa thơ mộng, vừa đẹp lại cực kỳ thanh nhã. Tiếc thay đối với Tô Phi Á và Vi Tiểu Bảo, Phi Á hay Phi Hà cũng vậy vì cả hai đều không biết chữ Hán văn! Về sau, Pierre đại đế phế truất Sofia và trở thành một Sa hoàng vĩ đại trong lịch sử nước Nga.