Hành trình qua thống khổ
Tác giả: VŨ ĐỨC SAO BIỂN
M ỗi người đều có một đời sống riêng, đi trên một con đường. Nếu đời sống là một cuộc hành trình thì mỗi cuộc hành trình đều có bản sắc của nó, không ai giống ai, không kinh nghiệm nào trùng lắp kinh nghiệm nào. Khi xây dựng những nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết của mình, Kim Dung đã khắc hoạ cuộc hành trình riêng của từng nhân vật. Hồ Phỉ (Tuyết Sơn phi hồ), Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ), Dương Qua (Thần điêu hiệp lữ) Trương Vô Kỵ (Ỷ thiên Đồ long ký), Kiều Phong (Thiên Long bát bộ), Thạch Phá Thiên (Hiệp khách hành)… không nhân vật nào giống nhân vật nào. Thế nhưng, qua những kiếp người đặc thù ấy, người đọc lại nhận ra một mẫu số chung: mỗi nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết Kim Dung đều có chỗ giống nhau bởi họ đã hành trình qua thống khổ, đã từng đi qua những con đường đau khổ.
Hồ Phỉ mới được sinh ra 3 ngày thì cha mẹ chết hết, may mắn nhờ một gã tiểu nhị trong quán cơm bồng chạy trốn kẻ muốn giết hại. Chàng trai côi cút lớn lên, học được đường Hồ gia đao pháp của cha truyền lại, cưỡi con ngựa đi từ Sơn Đông vào Trung Nguyên tìm kẻ thù giết cha. Oái oăm làm sao, khi tìm ra kẻ cần tìm thì Hồ Phỉ mới hiểu được người ấy không phải là kẻ đã giết cha mình. Lưỡi đao đưa lên, lấp lánh dưới bóng trăng lạnh nhưng Hồ Phỉ không nỡ xuống tay. Tư tưởng của Hồ Phỉ có sự đấu tranh mãnh liệt; lưỡi đao cứ lơ lửng như vậy. Vì vậy, tác phẩm còn có một cái tên rất ấn tượng: Lãnh nguyệt bảo đao.
Lệnh Hồ Xung lại là một trường hợp khác. Hắn là một cô nhi, được đưa về Hoa Sơn, trở thành đại đệ tử của Nhạc Bất Quần. Hắn tôn Nhạc Bất Quần như cha, Ninh Trung Tắc như mẹ và coi Nhạc Linh San như cô em gái thân yêu. Lớn lên, hắn yêu Nhạc Linh San và càng thêm kinh trọng sư phụ, sư mẫu. Thế nhưng, Nhạc Linh San đã phụ tình hắn, chạy theo gã tốt mã nhà giàu Lâm Bình Chi; sư phụ hắn lại vu cáo hắn ăn cáp Tịch tà kiếm phổ của họ Lâm, đuổi hắn ra khỏi sư môn, lại rao khắp võ lâm nhờ mọi người tru diệt hắn. Trời đất bao la mà hắn không tìm ra một chỗ để nương thân. Nỗi đau thương trong suốt cuộc hành trình làm người của hắn đạt đến độ cùng cực của kiếp người. Nếu không có tình yêu vĩ đại của thánh cô Nhậm Doanh Doanh, chắc hắn đã chết đi tầm thường và bình thường như cây như cỏ. Cuối cùng, hắn rủ bỏ tất cả để được cùng Doanh Doanh song tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ, sống ung dung tự tại để được làm con người tự do.
Trương Vô Kỵ lại đi qua một con đường thống khổ khác. Mới 10 tuổi, hắn đã phải chứng kiến một cảnh cực kỳ đau đớn: cả cha mẹ đều tự tử trên núi Võ Đang. Bản thân hắn bị trúng một chưởng âm hàn, tưởng đã chết nếu không được thần y Hồ Thanh Ngưu chữa trị. Rồi hắn làm một cuộc phiêu lưu vạn dặm lên tận Quang Minh Đính trên dãy Thiên Sơn, trở thành giáo chủ Minh giáo Trung Quốc. Lòng hắn trong sáng như gương; hành vi hắn anh hùng hơn bất cứ một anh hùng nào nhưng hắn vẫn bị đời nguyền rủa là dâm tặc, ác nhân, tà ma ngoại đạo. Hắn dành cả đời mình cho sự nghiệp chống quân Mông Cổ xâm lăng, giành lại đất nước cho Hán tộc. Nhưng rồi hắn đau đớn khám phá ra sự bất trung, bất nghĩa của Chu Nguyên Chương, một thuộc hạ cùng hắn mưu đồ sự nghiệp lớn. Hắn lặng lẽrời hàng ngữ khởi nghĩa, dắt tay Mẫn Mẫn Đặc Mục Nhĩ, cô quận chúa Mông Cổ xinh đẹp, ra đi. Cuối cùng, hắn làm một công việc thú vị và rất đàn ông: kẻ lông mày cho người tình Mẫn Mẫn Đặc Mục Nhĩ.
Nhưng bi kịch nhất trong những số phận bi kịch phải nói đến Kiều Phong (Thiên Long bát bộ). Kiều Phong tên thật là Tiêu Phong, người Khất Đan; cha mẹ bị người Hán giết hại ngoài Nhạn Môn Quan. Ấy vậy mà Kiều Phong được người Hán đưa về nuôi dưỡng, Hán hoá, đổi lại họ Kiều, đưa lên làm Bang chủ Cái bang Trung Quốc, nhận sứ mệnh chiến đấu chống lại người Khất Đan. Niềm đau đờn của Kiều Phong là khi ông bị thuộc hạ tố cáo là quân Khất Đan mọi rợ và nhận ra mình chính là người Khất Đan. Hoá ra, ông đã từng đánh giết và chủ trường đánh giết những người cùng dân tộc với mình. Niềm mđau thứ hai là ông đã xuống tay giết lầm người tình Đoàn A Châu, người đã nguyện cùng công về bên kia Nhạn Môn Quan săn chồn đuổi thỏ.
Cơ duyên lạ lùng đã đưa ông về Khất Đan (Liêu quốc), được phong làm Nam viện đại vương, thống lĩnh binh quyền nước Liêu, đóng tại Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay). Vua Liêu ra lệnh cho ông đánh Trung Quốc; nghĩ đến trăm họ lầm than, triệu dân đau khổ, Tiêu Phong (tức Kiều Phong) đã chống lệnh hành quân. Vua Liêu xem ông là kẻ phản nghịch. Ở Trung Quốc, ông là tên chó Liêu mọi rợ. Về nước Liêu, ông là kẻ phẩn vua, phạm thượng. Hành trình thống khổ của Tiêu Phong đã đạt đến đỉnh điểm, cần đến sự giải thoát phi tự nhiên. Ông phải sử dụng đến cái tự do cuối cùng của kiếp người để tự xử lấy mình trước Nhạn Môn Quan.
Kim Dung đã để cho những nhân vật trung tâm của mình kinh qua những đau đớn về thể chất và tinh thần của kiếp người. Gần như ông muốn chứng minh một định đề cơ bản của Phật giáo: đời là bể khổ. Có những nhân vật kết thúc hành trình thống khổ bằng cách tự xử lấy cuộc đời mình như Kiều Phong, Trương Thúy Sơn. Kim Dung viết đến những đoạn mà các nhân vật của ông tự chọn lấy cái chết khiến người đọc đau đớn, bùi ngùi, khóc ngay trên trang tiểu thuyết.
Tôi cho rằng một thứ văn chương như vậy là sòng phẳng và công bằng. Tiểu thuyết của Kim Dung nói đến cuộc sống, tình yêu, sự thống khổ và cái chết đều đáng để người ta quan tâm đọc và suy ngẫm. Kim Dung đã vượt qua chủ nghĩa công thức sơ lược khi xử lý kết thúc tác phẩm mà hàng trăm nhà văn Minh – Thanh đã thực hiện. Tôi nhận ra ở tiểu thuyết Kim Dung tính chất nhân bản, nhân văn rất gần gũi với cuộc sống của mỗi kiếp người.
Một điều cần nhớ là Kim Dung xuất thân từ một gia đình quan lại ở Hải Ninh, Triết Giang. Tổ phụ ông từng làm quan triều Thanh; họ Tra của ông có nhiều nhân vật được ghi tên trong lịch sử Trung Quốc. Thế nhưng, văn chương của ông dành rất nhiều tình thương cho người nghèo, người cùng khổ; các nhân vật trung tâm thường là trẻ mồ côi, bơ vơ lưu lạc, có kẻ đi ăn xin. Cái đó là gì nếu không phải là tình thương yêu, quý trọng phẩm giá con người? Tôi nói văn chương Kim Dung là thứ văn chương đáng để chúng ta đọc và suy ngẫm là vậy.