Vi Tiểu Bảo ở đâu?
Tác giả: VŨ ĐỨC SAO BIỂN
“C ắn nhầm lưỡi” là chuyên mục tương đối mới trên tờ Tuổi trẻ Cười. Mấy anh nghịch ngợm trong toà soạn thấy tôi ham giỡn, giao chuyên mục này cho tôi, rồi buộc tôi “cắn” lung tung mặc dù tôi chưa hề được cắn lưỡi ai. Cái đó kêu rằng vì nhân dân mà cắn (?). Nay tôi xin “cắn” anh chàng Vi Tiểu Bảo, một nhân vật hài hước, ngộ nghĩnh, dễ thương trong Lộc Đỉnh ký của Kim Dung. Cái này kêu rằng “cắn” đỡ buồn, mua vui cho bạn đọc, như mình cắn hạt dưa vậỵ
Vi Tiểu Bảo sinh ra trong viện Lệ Xuân, một động điếm ở thành Dương Châu, Trung Hoa, vào cuối đời Thuận Trị, đầu đời Khang Hy nhà Thanh. Mẹ của Vi Tiểu Bảo – Bà Vi Xuân Phương – bang giao rộng rãi trên mức tình cảm với anh em Hán, Mông, Mãn, Tạng, Hồi; chẳng thèm nhớ rõ bố thằng bé là ai, đành lấy họ mẹ làm họ cho con. Vi Tiểu Bảo không học nên không biết chữ. Khả năng văn hoá của ngài là nhận ra chữ nhất (一, 1 nét), chữ nhị (二, 2 nét), chữ tam (三, 3 nét), chữ tứ (四) và chữ thập (十, 1 nét ngang, 1 nét sổ). Ngài có các sở trường: Chửi tục lưu loát, hát thuộc lòng bài Thập bát mô “Một ta sờ… Hai ta sờ … Ba ta sờ … Sờ đúng cái đùi của nàng” và nhớ được một mớ tuồng tích, cố sự trong Anh liệt truyện.
Cuộc sống chộn rộn, ngài theo tráng sĩ Mao Thập Bát trốn lên Bắc Kinh, lọt được vào cung nhà Thanh. Nơi đây, ngài giết thái giám Tiểu Quế Tử, hoá thành tên thái giám giả hiệu. Ngài trốn vào trù phòng ăn vụng, tình cờ làm quen và kết bạn với Khang Hy (hơn ngài 2 tuổi). Lúc lên 15 tuổi, ngài tằng tịu với em gái nhà vua là công chúa Kiến Ninh, dám chửi nàng là "con đượi non”, chửi thái hậu (giả) là “mụ điếm già”. Trên cơ sở những kiến thức lưu manh đắc thủ tại thành Dương Châu cộng với những kiến thức tu nghiệp được về ngành trá học trong hoàng cung, ngài xứng đáng là nhân vật đệ nhất trá nguỵ. Nhờ ném tàn hương, giết được quyền thần Ngao Bái, Ngài được nhà vua phong phó đô thống hoàng kỳ, tước hiệu Ba Đồ Lỗ (Baturu, Dũng sĩ!). Cơ duyên đưa đẩy, ngài may mắn gặp tổng đà chủ Thiên Địa hội Trần Cận Nam, được ông thu nhận làm đệ tử và phong chức hương chủ Thanh Mộc Đường. Đây là một tổ chức chống nhà Thanh, khôi phục nhà Minh. Vi Tiểu Bảo trở thành gián điệp hai mang hết sức suất sắc, phục vụ cho cả Thanh triều và Thiên Địa hội.
Vua Khang Hy đã nhìn thấy chiều sâu văn hoá của Vi Tiểu Bảo: không bao giờ nói đúng bốn chữ Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang; không bao giờ nhớ được câu thành ngữ “thủ khẩu như bình”. Tuy nhiên, vừa ghét bọn quan lại cầu an xôi thịt, vừa mến thằng bé ngộ nghĩnh, miệng trơn như bôi mỡ; nhà vua lần lượt phong cho ngài các chức chánh đô thống hoàng kỳ, tổng quản thái giám, Khâm sai đại thần công cán Vân Nam, Tứ hôn sứ, Phó trụ trì chùa Thiếu Lâm (tỉnh Hồ Nam), Chánh trụ trì chùa Thanh Lương (Ngũ Đài Sơn), Khâm sai xây dựng Trung liệt từ Dương Châu, Tư lệnh mặt trận thủy chiến đánh Thần Long giáo, Lộc Đỉnh công, Tư lệnh mặt trận đánh quân La Sát (người Nga) ở biên giới Trung – Nga, Đại sứ đặc nhiệm toàn quyền đàm phán Trung – Nga. Đảm nhiệm những chức vụ cao cả đó, ngài hoàn thành một số công việc, có khi nghiêm chỉnh, có khi tào lao: ép buộc Ngô Tam Quế tạo phản, cứu mạng được nhiều anh hùng Thiên Địa hội, bắt phò mã Ngô Ứng Hùng, gia nhập Thần Long giáo, ngủ được với bảy phụ nữ Trung Hoa và một phụ nữ Nga, bảo vệ sinh mạng cựu hoàng Thuận Trị, khám phá âm mưu nằm vùng của thái hậu giả thuộc Thần Long giáo, bình trị những âm mưu tạo phản của Mông Cổ và Tây Tạng, bắt được cẩu quan Ngô Chi Vinh, hoà giải mối xung đột Trung – Nga, đánh Trịnh Khắc Sảng – lãnh đạo của thầy mình… Công lao của Vi Tiểu Bảo lớn hơn công lao của bất cứ vị cố mệnh đại thần Mãn Châu.
Nghệ thuật làm quan của Vi Tiểu Bảo rất đơn giản: chửi tục luôn mồm, dùng tiền mua chuộc lòng trung thành của kẻ dưới, tặng quà hậu hỹ cho đồng liêu và sẵn sàng đòi kẻ khác đưa tiền. Qua thăm Ngô Tam Quế, ngài nói một câu kiếm được ba trăm lạng vàng. Trịnh Khắc Sảng dám yêu A Kha của ngài; ngài bắt đánh cho một trận, bắt lấy máu viết lên vải văn tự thiếu một trăm vạn lạng vàng. Ngài là nhân vật đầu tiên dùng nữ vệ sĩ; là nhà sư (giả) làm phó trụ trì một chùa danh tiếng mà dám đánh bạc, chọc gái; là viên tướng duy nhất đi tiểu và bảo quân thụt nước đó vào thành trì của người Nga.
Tuy ngài không biết chữ nhưng vẫn nói khoác đọc được văn tự cổ nòng nọc, ấm ớ một vài từ tiếng Nga như “Tử man cơ” là giết chết đi, “Phục đặc gia tửu” là rượu Vodka, “Hà thư nhi khắc” là món thịt nướng, nhưng vẫn tự hào là mình tinh thông tiếng Nga (?). Khi đại sứ Nga sang Bắc Kinh trình quốc thư, ngài nhận nhiệm vụ phiên dịch. Đại sứ đọc, ngài dịch lưu loát: “Văn thành võ đức, nhân nghĩa anh minh, thương sinh trạch bị, thọ dữ thiên tề…”. Hoá ra đó là những câu nịnh bợ của Thần Long giáo mà ngài lỡ thuộc, không dính dáng gì tới quốc thư của Sa Hoàng. Thế nhưng vua Khang Hy vẫn mặt rồng hớn hở, cười nói mê ly! Bọn quan lại triều Thanh bái phục Vi đại soái không biết đâu mà kể!
Cuối cùng, dù có đùa giỡn đến mấy, Kim Dung cũng phải cho nhân vật Vi Tiểu Bảo của mình trốn ra đi cùng bảy mụ vợ hương trời sắc nước Tô Thuyên, A Kha, Mộc Kiếm Bình, Phương Di, Tăng Nhu, Song Nhi và Kiến Ninh công chúa. Trước đây, họ đã về Dương Châu, bà Vi Xuân Phương nhìn đàn dâu tươi tốt, thầm khen con tinh đời; nếu gã lập nên một viện thì toàn thể các viện ở Dương Châu sẽ sụp tiệm. Nay, chắc Vi Tiểu Bảo không dám về Dương Châu vì sợ vua Khang Hy truy nã. Ngay đến trùm cười Kim Dung cũng chẳng biết nhân vật của mình trốn đi đâu. Viết truyện cười như vậy quả thế gian đệ nhất, bọn hậu sinh ở Tuổi trẻ Cười xin ngả nón kính chào cụ. Ba trăm năm đã trôi qua, tất nhiên cũng chẳng nắm rõ hậu duệ của Vi Tiểu Bảo. Thế nhưng, ở đâu có bia ôm, động điếm; ở đâu có tham nhũng, có dùng tiền để mua chuộc kẻ dưới; ở đâu có chửi tục “con mẹ nó, tổ bà mười tám đời quân rùa đen, phường chó đẻ”; ở đâu có nịnh bợ; ở đâu có kẻ thú nhận “chữ nghĩa biết ta nhưng ta chẳng biết nó” thì ở đó có tinh thần Vi Tiểu Bảo được lưu truyền.