Thiên Long bát bộ và luật tục thảo nguyên
Tác giả: VŨ ĐỨC SAO BIỂN
T hiên Long bát bộ là bộ phim nhiều tập hiện đang nổi tiếng, được nhiều người say mê, được chuyển thể từ tác phẩm tiểu thuyết của Kim Dung. Trong tiểu thuyết, Thiên Long bát bộ còn có tên là Lục mạch thần kiếm truyện. Bộ tiểu thuyết đồ sộ gồm 16 cuốn này được đặt trong bối cảnh lịch sử Trung Hoa từ thời Tống Anh Tôn (1063 - 1065) đến hết thời Tống Triết Tôn (1085 - 1099), liên quan đến những diễn biến lịch sử của bốn nước gồm Tống, Đại Lý, Tây Hạ và Khất Đan. Trong phạm vi của bài nghiên cứu này, tôi xin giới thiệu với các bạn về đế quốc Khất Đan và những luật tục trên thảo nguyên do đế quốc Khất Đan quy định được Kim Dung phản ánh qua Thiên Long bát bộ.
Năm 936, Thạch Kính Đường, người bộ tộc Sa Đà (Chata), phò mã của nhà Hậu Đường làm trấn thủ Hà Đông, chiếm đất nhà Hậu Đường lên ngôi, mở ra nhà Hậu Tấn. Thạch Kính Đường thờ Khất Đan như cha, cắt 16 châu thuộc đất Yên Vân (Sơn Tây và Hà Nam bây giờ, trong đó có cả thành Bắc Kinh) dâng cho Khất Đan. Khất Đan trở thành một đế quốc hùng mạnh ở Đông Bắc Trung Quốc, bao gồm cả vùng Mãn Châu (phía Bắc) và lưu vực sông Hoàng Hà (phía Nam), vùng Nhiệt Hà (phía Tây), kéo dài đến biên giới Triều Tiên (phía Đông). Kinh đô Khất Đan là Thượng Kinh; gọi Bắc Kinh ngày nay là Nam Kinh hay Yên Kinh (kinh đô cũ nước Yên) hay U Đô (kinh đô châu U). Vua Khất Đan tự gọi đất nước mình là Liêu Quốc, quy tập các bộ lạc Ô Ngổi, Ba Đức, Bắc Khắc, Nam Khắc, Thất Vị, Mai Cổ Tất, Ngũ Quốc và Ô Cổ Lạc. Thuộc quốc của đế quốc Khất Đan gồm 59 nước, trong đó có các nước lớn là Triều Tiên, Thổ Cốt Hồn, Thổ Phồn, Đột Quyết, Đảng Hạng, Sa Đà, Ba Tư, Đại Thực, Tân Giới, Hồi Cốt, Cao Xương, Tây Hạ, Vu Điền, Đôn Hoàng... Mười sáu châu Yên Vân của Trung Quốc "trả nợ" cho Khất Đan bao gồm các châu lớn như A, Thuận, Đàn, Trác, Dịch, Kế, Bình, Thước, Doãn, U... Liên tiếp ba triều đại Trung Quốc gồm Tấn, Tống, Chu nhiều phen chinh phạt nhưng không lấy lại được đất Yên Vân.
Người Khất Đan sống du mục, có chữ viết và tiếng nói riêng. Khi sát nhập Yên Vân vào đế quốc, người Khất Đan cũng viết chữ Hán và nói tiếng Hoa (tiếng Bắc Kinh - tức Quan thoại). Cho đến khi nhà Bắc Tống (960 - 1126) lên cai trị Trung Hoa, giữa biên giới Tống - Liêu chỉ có một con đường qua lại. Đó là Nhạn Môn Quan. Nhạn môn quan là một sơn đạo hiểm trở thuộc phủ Đại Đồng (Sơn Tây), được phía Trung Hoa xây làm cửa ải, chỉ có bầy chim nhạn tránh tuyết hàng năm mới bay qua được, Nhạn môn quan đã để lại cho văn học Đường-Tống hàng ngàn bài thơ của các nhà thơ cảm xúc về chinh chiến, quan ải, nỗi khổ của những mối chia ly vì chinh chiến, góp phần tạo nên trường phái Biên tái trong lịch sử Trung Quốc.
Thiên Long bát bộ của Kim Dung tập trung phản ánh về vấn đề dân tộc và những xung đột chiến tranh giữa hai nước Tống-Liêu mà cái trục chính vẫn là nhân vật Tiêu Phong. Tiêu Phong nguyên là người Khất Đan, bị đưa về Trung Quốc từ khi còn lọt lòng, lớn lên có cái tên là Kiều Phong, làm đến chức Bang chủ Cái bang, một bang phái lớn nhất của võ lâm Trung Hoa. Nhưng thuộc hạ của ông đã tìm mọi cách công bố cái lý lịch Khất Đan của ông. Ông bỏ ra đi, chỉ muốn về bên kia Nhạn Môn quan làm một người Khất Đan bình thường săn chồn đuổi thỏ trên thảo nghuyên mênh mông. Số phận đau thương đã khiến ông giết lầm người tình yêu dấu là Đoàn A Châu (dân tộc Hán) và phải bảo bọc cho Đoàn A Tử, em ruột A Châu. A Tử bị thương năng, ông phải bồng cô ra Trường Bạch Sơn tìm xương cọp, mật gấu, nhân sâm chữa trị cho cô. Rồi ông kết bạn với Hoàn Nhan A Cốt Đả, người bộ tộc Nữ Chân (Mãn Châu - sau thành hoàng đế của Kim Quốc) và bắt được Gia Luật Hồng Cơ, hoàng đế của Đại Liêu, người đứng đầu các bộ tộc Khất Đan...
Là một nhà tiểu thuyết tốt nghiệp cử nhân luật, Kim Dung đã nghiên cứu và đưa vào Thiên Long bát bộ những luật tục trên thảo nguyên, diễn ra giữa hai đế quốc Tống - LIêu. Kiến thức về luật tục học của ông rất phong phú, điều mà ta khó tìm thất trong tác phẩm văn chương và lịch sử của bất kỳ một tác giả Trung Hoa nào khác.
Đối với người đàn ông Khất Đan, luật tục buộc phải xăm hình con chó sói (lang hình) lên ngực từ thủa sơ sinh. Hình con chó sói chứng tỏ nguồn gốc dân tộc Khất Đan của người mang nó, thay vì giấy thông hành hay sơ yếu lý lịch. Người đàn ông Khất Đan nhận ra nhau khi cởi áo khoe hình con sói xanh. Ngay đến khi bị quân lính nhà Tống giết, họ cũng cởi áo ra, hướng về phương Bắc, hú lên những tiếng như chó sói tru trước khi từ giã cuộc sống. Chính Tiêu Phong cũng có một hình chó sói xanh trước ngực như vậy và đến năm 30 tuổi, ông mới biết mình thuộc dân tộc Khất Đan.
Hai nước giao tranh trên trăm năm, người nước này tỏ ra khinh miệt người nước kia và ngược lại. Người Tống gọi người Khất Đan là bọn chó Liêu (Liêu cẩu); người Khất Đan gọi người Tống là bọn heo Tống (Tống trư). Quân lính hai bên tha hồ thâm nhập biên giới cướp bóc tài vật, gia súc; bắt bớ đàn bà và trẻ con. Những gì cướp được, bắt được với quân Tống thì phải trình lên tướng chỉ huy để được thưởng, với quân Liêu thì được hưởng trọn. Đó là luật tục chiếm hữu, được hai bên gọi bằng một thuật ngữ rất nhẹ nhàng: kiếm lương thảo. Không biết bao nhiêu phụ nữ và trẻ em đã bị chiếm đoạt tình dục, bị buộc làm nô lệ và vùi thây xung quanh Nhạn Môn quan.
Tuy nhiên, không phải ai bị bắt cũng bị giết. Muốn khỏi bị giết, phải có thục kim. Trên thảo nguyên, có luật tục đưa tiền bạc, tài sản chuộc mạng; số tiền bạc tài sản lớn hay nhỏ là do đôi bên trả giá thương lượng với nhau. Người Khất Đan tuân thủ tuyệt đối luật tục này. Thiên Long bát bộ của Kim Dung có đoạn thuật lại truyện Tiêu Phong và A Cốt Đả đi săn, tình cờ bắt được một người Khất Đan mặc áo hồng rất sang trọng. Người ấy thương lượng với Tiêu Phong, xin trả 3 xe vàng, 30 xe bạc, 300 con ngựa quý. Phả Lạp Thục, cha của A Cốt Đả, đề nghị Tiêu Phong đòi gấp 10 lần: 30 xe vàng, 300 xe bạc, 3000 ngưạ quý. Tiêu Phong thương người đàn ông Khất Đan anh hùng, buông tha y mà không đòi một khoản thục kim nào. Một thời gian sau, người ấy đem tặng cho Tiêu Phong 5000 lượng vàng, 50000 lượng bạc, 1000 trâu béo, 5000 cừu, 3000 ngựa quý. Hoá ra, kẻ bị bắt và được Tiêu Phong tha mạng là đưong kim hoàng đế Đại Liêu, tên thật là Gia Luật Hồng Cơ. Hồng Cơ về đến Thượng Kinh rồi, vẫn giữ lời hứa đem thục kim qua bộ lạc Nữ Chân trả cho Tiêu Phong dưới dạng quà tặng.
Như trên đã giới thiệu, Khất Đan có văn tự riêng, lại biết luôn cả tiếng Hoa. Thế nhưng, đối với người Khất Đan, một lời hứa còn nặng hơn cả chục tờ hoà ước được viết bằng văn tự. Luật tục Khất Đan đặt ra khẩu ước (hứa miệng) và triệt để trung thành với lời hứa này. Khi Gia Luật Hồng Cơ lên ngôi hoàng đế Đại Liêu thì Triệu Hú cũng đang ở ngôi hoàng đế Đại Tống (1085 - 2099). Trong Thiên Long bát bộ, Kim Dung thuật truyện Gia Luật Hồng Cơ bị Đoàn Dự (hoàng đế Đại Lý) và Hư Trúc (phò mã Tây Hạ) bắt giữ ngay tại Nhạn Môn quan, trước mặt Tiêu Phong. Thay vì đòi khoản thục kim; Tiêu Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc chỉ mong Gia Luật Hồng Cơ cho một khẩu ước: "Suốt đời, Gia Luật Hồng Cơ sẽ không đem binh mã vượt Nhạn môn quan để lấn áp Tống triều". Gia Luật Hồng Cơ đã bẻ mũi tên chó sói, đọc khẩu ước đó trước sự chứng kiến của quân Liêu, quân Tống, Đoàn Dự, Hư Trúc và Kiều Phong. Và quả nhiên, trong suốt giai đoạn Hồng Cơ trị vì, không mọt người Khất Đan nào vượt qua Nhạn Môn quan để gây chiến với quân nhà Tống.
Còn một luật tục khác xem ra rất dã man. Đó là luật tận sát. Trong Thiên Long bát bộ, Kim Dung thuật lại cuộc binh biến trong nội tình Khất Đan: Gia Luật Trọng Nguyên và con trai là Gia Luật Niết Lỗ Cỗ nổi loạn; chiếm ngôi của Gia Luật Hồng Cơ. Tướng sĩ hai bên đánh nhau, xác nằm chật cả thảo nguyên, trong đó có những người bị thương nằm rên la thảm khốc. Thay vì đem những kẻ bị thương về cứu chữa, mỗi bên lai có một toán quân áo đen cầm vũ khí ra trận để giết hết những thương binh bên mình. Giết xong, hai toán quân áo đen lại đánh nhau thêm trận cuối. Thảo nguyên Khất Đan thật đau thương: chỉ có người chiến thắng lành lặn trở về mới được coi là chiến binh. Kẻ chiên thắng nào bị thương vẫn phải chết, không phải dưới vũ khí của kẻ thù mà là dưới vũ khí của đồng đội mình. Đối với dân tộc Khất Đan, người chiến thắng mới là anh hùng, mới là người có chính nghĩa.
Kim Dung là người Hán tộc. Người Hán tộc vẫn tự cho mình là một chủng tộc cao quý, gọi các dân tộc bốn phương là Tứ di. Họ luôn tỏ ra khinh bỉ các dân tộc lân bang. Nhưng qua Thiên Long bát bộ, Kim Dung nhận ra một điều: quân đội các bộ tộc Khất Đan và Nữ Chân kiêu dũng, thiện chiến và không tàn bạo như quân đội của Tống triều, phẩm chất nhân ái bao dung của "con chó Khất Đan" Tiêu Phong vượt xa những lãnh tụ Trung Hoa cao quý. Rõ ràng, quan điểm dân tộc của ông rất tiến bộ. Tất nhiên, sau này những cộng đồng Khất Đan, Nữ Chân, Thổ Phồn, Đột Quyết... đều sát nhập vào cộng đồng Trung Hoa, không người Hán tộc nào mạt sát họ là man di mọi rợ nữa. Điều này phản ánh từ một quan điểm chính trị hơn là một nhận thức nhân bản xuất phát từ phẩm giá làm người.