Libido
Tác giả: VŨ ĐỨC SAO BIỂN
T ôi không có tham vọng đem khái niệm Libido của triết học Tây phương để mổ xẻ các vấn đề thuộc phạm trù tâm lý, tình cảm trong tác phẩm văn học Đông phương. Tuy nhiên con người khắp nơi trên thế giới đều có những mẫu số chung trong hoạt động tâm lý, tình cảm, bởi họ đều là con người. Và tôi đã thận trọng giới hạn vấn đề mình sắp bàn đến trong hai chữ “thử nhìn”.
Tâm phân học (Psychanalyse) là một trường phái triết học Tây phương mà ông tổ sản sinh ra nó là Sigmund Freud. Tâm phân học đạt được một số thành tựu nhất định trong việc góp phần cắt nghĩa các hoạt động của năng lực tình dục; cắt nghĩa Ngã (Moi), Đại Ngã (Grand Moi) và Siêu Ngã (Sur-Moi); thế giới của ý thức, vô thức và tiềm thức… Tôi nhìn thấy trong các tác phẩm võ hiệp Kim Dung một số vấn đề khá gần gũi với cách cắt nghĩa của tâm phân học.
Khi sáng tạo và giải thích tâm phân học, Sigmund Freud cùng các đồ đệ của ông như Alfred Adler, Karl Gustav Jung có tham vọng phân tích trạng thái tâm lý con người như là 1 thực thể, được chia cắt ra thành nhiều phần khác nhau. Thế giới tâm lý không còn là thế giới trừu tượng nữa; nó có hình thù hẳn hoi: có đáy, có đỉnh, có miền, có khu vực… Libido là 1 thuật ngữ khá đặc biệt của tâm phân học, được hiểu như là năng lực tình dục (énergie de la pulsion sexuelle). Libido được coi như nền tảng của hoạt động tâm lý, giữ vai trò hình nhi hạ trong khi tình yêu giữ vai trò hình nhi thượng. Nếu hoạt động tâm lý được coi như 1 tam giác cân thì Libido là cái đáy mà tình yêu là cái đỉnh. Libido là năng lực bẩm sinh trong từng con người, năng lực ấy được thể hiện một cách khác nhau trong từng thời kỳ trưởng thành của cá nhân. Thí dụ: ở trẻ sơ sinh là thời kỳ bú mút, ở tuổi dậy thì là thời kỳ thủ dâm, và sau đó là thời kỳ tình dục…
Khi Libido được thỏa mãn, cá nhân mới giữ được trạng thái thăng bằng. Nếu Libido bị ngăn trở, cá nhân bị ẩn ức. Ẩn ức là trạng thái các khuynh hướng bị ngăn trở, không thực hiện được, trở thành một thứ xung động nội tâm, được gọi là refoulement. Hãy hình dung ẩn ức như một quả bong bóng bơm căng, không có chỗ để thoát hơi ra, tức là không có chỗ để thỏa mãn được theo sự đòi hỏi của tự nhiên của năng lực tình dục. Trong trường hợp này, cá nhân tự đi tìm một trong hai cách thế để phát tiết. Một - Libido bị sa đọa, cá nhân trở thành đồng tính luyến ái, ghê sợ tình dục, điên loạn, tâm thần phân liệt, trầm cảm… Hai - Libido được thăng hoa trở thành những tình cảm, khát vọng cao thượng: say mê tôn giáo, khoa học, đam mê sáng tạo văn học, nghệ thuật, âm nhạc… Hiểu theo quan điểm của tâm phân học thì những người trong các nhà thương tâm thần là những người bị sa đọa Libido; thành quả âm nhạc rực rỡ của Beethoven, Mozart, Tchaikovsky là sự thăng hoa của Libido.
Tác phẩm võ hiệp của Kim Dung đã chứng minh được một số trường hợp năng lực Libido sa đọa. Tiếu ngạo giang hồ xây dựng nhân vật Đông Phương Bất Bại của Triêu Dương thần giáo ham luyện Quỳ hoa bảo điển, đã tự “phăng teo” cái “xíu xiu” nam giới của mình, trở thành kẻ đồng tính luyến ái. Ấy, bởi vì câu mở đầu của Quỳ hoa bảo điển ghi: “Võ lâm xưng hùng, dẫn đao tự cung”‘ (Muốn xưng hùng võ lâm, phải dùng dao tự thiến). “Tự cung” tức là triệt tiêu hẳn năng lực tình dục. Hắn đâm ra mê lú, “yêu” tên đệ tử to con tốt tướng Dương Liên Đình, đánh nhau với người khác bằng một mũi kim thêu và với tư chức mỹ lệ của một phụ nữ! Tiếu ngạo giang hồ cũng xây dựng 2 trường hợp “tự cung” khác- Nhạc Bất Quần và Lâm Bình Chi. Cả hai đều mất giới tính và sau đó, mất cả nhân tính. Nhạc Bất Quần bức tử vợ là Ninh Trung Tắc; Lâm Bình Chi giết vợ là Nhạc Linh San. Đau đớn thay, khi Nhạc Linh San chết đi, cô hãy còn là trinh nữ.
Hiệp khách hành xây dựng một trường hợp Libido sa đọa khác. Đó là nàng Mai Phương Cô yêu Thạch Thanh mà không được chung sống cùng chàng. Mai Phương Cô đã bắt cóc đứa con nhỏ của vợ chồng Thạch Thanh – Mẫn Nhu đưa về hoang sơn nuôi, gọi tên thằng bé là Cẩu Tạp Chủng (chó lộn giống). Nói theo Alfred Adler, Mai Phương Cô đã làm 1 động tác bù trừ: trả thù tình nhân, tình địch không được, Mai Phương Cô thóa mạ con của tình nhân, tình địch cho bõ ghét. Người phụ nữ ấy sống trong trạng thái trầm cảm, tự rạch bộ mặt mỹ miều của mình cho xấu xí và suốt đời không xuất hiện trước một ai. Khi Thạch Thanh lên núi tìm ra tông tích con trai, Mai Phương Cô tự vẫn.
Trong Thiên Long bát bộ, Mộ Dung Phục là hậu duệ của dòng giống Tiên Ty nước Đại Yên, suốt đời đam mê khát vọng phục quốc. Từ chối mối tình đằm thắm của nàng thiếu nữ xinh đẹp Vương Ngữ Yên, Mộ Dung Phục sang Tây Hạ hy vọng được tuyển làm chồng của công chúa Ngân Xuyên, trở thành phò mã Tây Hạ, đem quân Tây Hạ về đánh Trung Quốc để phục hưng Đại Yên. Nỗi đam mê ấy biến Mộ Dung Phục trở thành kẻ bạc nghĩa, vô tình, giết luôn đám thủ hạ thân tín của mình, sẵn sàng làm con nuôi Đoàn Diên Khánh, nghĩa là từ chối họ Mộ Dung. Cuối cùng Mộ Dung Phục đã phát điên, ngồi trên gò mả, đội mũ lá làm vua, gọi các trẻ em chăn bò đến làm quan và đem kẹo phân phát cho chúng.
Ở trạng thái thứ 2, năng lực Libido được thăng hoa trở thành những khát vọng, tình cảm cao thượng. Kim Dung cũng đã khắc họa cho người đọc một số hình ảnh cụ thể. Đó là Nhất Đăng đại sư, vốn là vua nước Đại Lý, được thuật trong Xạ điêu anh hùng truyện. Nhà vua đặc biệt sủng ái nàng thứ phi Anh Cô. Thế nhưng, Châu Bá Thông của phái Toàn Chân đến chơi Đại Lý, quan hệ tình dục với nàng Anh Cô khiến nàng sinh ra một đứa con không được thừa nhận. Hiểu ra điều ấy, nhà vua đau đớn bỏ hoàng gia đi tu, trở thành một nhà sư Phật lực cao cường, từ bi đạo hạnh. Và trong Thần điêu hiệp lữ thuật lại, đôi bạn Vương Trùng Dương và Lâm Triều Anh yêu thương nhau. Đáng lẽ, họ đã sống đời sống lứa đôi, nhưng tình yêu lại trắc trở. Vương Trùng Dương suốt đời sống trong Trùng Dương cung; Lâm Triều Anh suốt đời sống trong ngôi cổ mộ dưới núi Chung Nam, tự xem mình là một người Sống-đã-chết (Hoạt tử nhân).
Chung Nam sơn hạ
Hữu Hoạt tử nhân
(Dưới Chân núi Chung Nam
Có người sống đã chết).
Họ thăng hoa mối tình tuyệt vọng kia thành niềm say mê sáng tạo và nghiên cứu võ học. Vương Trùng Dương lập nên Toàn Chân phái; Lâm Triều Anh lập ra Cổ Mộ phái, trong đó có môn võ danh tiếng Ngọc Nữ kiếm pháp (kiếm pháp của gái đồng trinh). Khát vọng thăng hoa của Cổ Mộ phái truyền qua những đời sau trở thành một thứ quy luật: chỉ thu nhận gái đồng trinh và chỉ có gái đồng trinh mới làm được chưởng môn Cổ Mộ phái. Làm thế nào xác định được 1 cô gái đồng trinh? Một cách lãng mạn, Kim Dung đã đặt vào trong cánh tay của các nữ nhân vật của mình một dấu đỏ được cấy bằng chu sa, gọi là Thủ cung sa. Khi cô gái mất trinh, dấu Thủ cung sa ấy sẽ biến mất và những đồng môn sẽ xác định được dấu hiệu phạm tội. Những nhân vật kế tục Lâm Triều Anh như Lý Mạc Sầu, Hồng Lăng Ba đều giữ được dấu Thủ cung sa ấy. Họ tự ép mình phải xa lánh tình dục như sư tổ nên tính tình biến đổi, trở thành những kẻ khắc bạc, độc ác. Riêng Tiểu Long Nữ, cô gái trong sáng, dịu dàng nhất của phái Cổ Mộ lại yêu thương người học trò Dương Qua (còn đọc là Quá – lỗi lầm). Thế nhưng, cô không giữ được sự trinh trắng vì bị một đệ tử phái Toàn Chân hiếp dâm. Vết Thủ cung sa mất đi, Dương Qua đau đớn bỏ ra đi, Tiểu Long Nữ cũng một đời đi tìm Dương Qua…
Đạo gia Trung Quốc quan niệm có ba yếu tố cấu tạo thành hồn sống của một đời người: Tinh, Khí, Thần. Khí (hơi thở) có biểu hiện trong hơi nói (trung khí). Thần (sắc diện) có thể biểu hiện nơi khuôn mặt, ánh mắt, các động tác của chân tay. Còn Tinh (trong khái niệm tinh dịch, tinh khí) là cái gì quý giá nhất, tiềm ẩn bên trong con người. Đạo gia đưa ra chủ trương “bế tinh” (không cho xuất tinh) để con người có thể sống thọ. Mà “bế tinh” có nghĩa là kìm hãm sự hoạt động thực tế của năng lực Libido. Người đà ông nào giữ được năng lực tình dục, không giao cấu với phụ nữ được gọi là Thuần dương… Ỷ thiên Đồ long ký, Trương Tam Phong, tổ sư sang lập phái Võ Đang, sống trên trăm tuổi, vẫn chưa gần nữ sắc, có môn Thuần dương vô cực công rất vi diệu. Cũng trong Ỷ thiên Đồ long ký, chàng Vô Kỵ tuổi ngoài 20, có 4 cô bạn gái xinh đẹp nhưng vẫn không gần gũi nữ sắc, vẫn giữ được chất thuần dương. Chất thuần dương ấy là 1 trong nhiều điều kiện đưa Vô Kỵ trở thành người anh hùng vô địch của võ lâm Trung Quốc. Nói cách khác theo Kim Dung, phải kìm hãm năng lực Libido để hướng nó tới mục tiêu đạt tuyệt đỉnh tối cao trong võ học.
Lộc Đỉnh ký xây dựng nhân vật giáo chủ Hồng An Thông. Hồng giáo chủ của Thần Long giáo này có tham vọng “thiên thu trường trị, nhất thống giang hồ”, có 1 cô vợ trẻ măng là Tô Thuyên nhưng không bao giờ chung chăn gối. Lý do: nếu mất tinh khí thì võ công cái thế của Hồng giáo chủ sẽ trôi theo mây nước. Vì vậy Vi Tiểu Bảo đã “cuỗm” Tô Thuyên của Hồng giáo chủ làm người vợ lớn tuổi nhất của hắn. Cuối cùng những tham vọng của Hồng giáo chủ cũng tan thành mây khói, lão bị thuộc hạ giết chết.
Cá biệt có những nhân vật giải phóng hết năng lực tình dục của họ, trở thành những tên giặc dâm chuyên cưỡng gian phụ nữ. Kim dung gọi họ là “Thái hoa dâm tặc”. Thí dụ như Điền Bá Quang trong Tiếu ngạo giang hồ, Âu Dương công tử trong Xạ điêu anh hùng truyện. Những người này hoạt động tình dục đến nỗi khô kiệt cả tinh khí. Kim Dung bàn đế một thủ pháp gọi là Thái âm bổ dương (lấy cái tinh túynhất của phụ nữ để bồi bổ cho người đàn ông). Trong các loại tình dục kinh của Trung quốc cũng có nhắc đến thuật này, tỷ như Tố nữ kinh hay Phòng trung thuật. Cái tinh túy nhất của phụ nữ là gì nếu không là tinh? Còn biện pháp “Thái âm” ấy thế nào thì quả là 1 điều nhiêu khê rắc rối. Nói cách khác, Kim Dung vẫn đồng ý với Đạo gia rằng có thể phục hồi năng lực Libido trong trường hợp năng lực ấy bị sử dụng đến mức gần như cạn kiệt. Việc phục hồi ấy như thế nào không được tác giả bàn tới. Dẫu sao, truyện võ hiệp không phải là sách thuốc mà Kim Dung cũng không phải là nhà nghiên cứu về nghệ thuật phòng the…