Nghệ thuật tiểu thuyết của Kim Dung
Tác giả: VŨ ĐỨC SAO BIỂN
M ỗi một nhà văn viết tiểu thuyết đều có một nghệ thuật riêng. Nghệ thuật tiểu thuyết của Kim Dung là nghệ thuật tiểu thuyết võ hiệp, viết về bọn hào sĩ giang hồ chuyên sống trên đường đao, mũi kiếm. Nghệ thuật ấy vừa kế thừa thủ pháp truyền thống của các nhà văn tiền bối, vừa cách tân theo phong cách hiện đại. Bàn về tiểu thuyết võ hiệp của ông là bàn về sự kế thừa và sự cách tân.
Trước hết, tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung là tiểu thuyết chương hồi, kế thừa thủ pháp căn bản, truyền thống của tiểu thuyết Minh - Thanh. Ta lấy ví dụ bộ Tiếu ngạo giang hồ dày 1692 trang (chân thư do Minh Hà xã, Hongkong xuất bản lần thứ 18 với chữ dấu mộc thự tên tác giả) gồm 40 chương. Trước mõi chương hồi có một bức vẽ minh hoạ, lấy ý chính của chương hồi làm chú thích.
Trong văn xuôi của tiểu thuyết, tác giả Kim Dung thường đưa vào những đoạn trích dẫn thi ca, từ phú và đôi khi là các văn kiện lịch sử mà ông sưu tầm được. Thơ ca trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung có thể là thơ ca do chính ông sáng tác. Bản thân Kim Dung là một nhà thơ và cái ý vị Đường thi trong thơ mới của ông đậm đà, lãng mạn một cách bát ngát. Thí dụ bàn về hoa trà trong Thiên Long bát bộ, tác giả viết:
Thanh quần ngọc diện như tương thức
Cửu nguyệt hoa trà mãn lộ khai
(Quần xanh mặt ngọc từng quen biết
Tháng chín, hoa trà rợp lối đi)
Hoặc:
Thanh câu thủy động trà hoa bạch
Hạ cốc vân sinh lệ tử hồng
(Dòng xanh nước gợn hoa trà trắng
Non hạ mây vươn trái vải hồng).
Đó cũng có thể là thơ của những nhà thơ tiền bối được Kim Dung trĩch dẫn để làm rõ ý trong những văn cảnh, những tình huống cụ thể. Trong Tiếu ngạo giang hồ, Tổ Thiên Thi giảng giải cho Lệnh Hồ Xung nghe loại rượu nào phải uống với loại chén nào. Nói tới rượu Bồ đào phải uống với chén Dạ quang, Tổ Thiên Thu đọc hai câu trong bài Lương Châu từ của Vương Hàn:
Bồ đào mỹ tửu Dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
(Bồ đào rót chén Dạ quang
Muốn say, trên ngựa tiếng đàn giục đi)
Trong cung cách này, toàn bộ nội dung bộ Hiệp khách hành đều trích dẫn từ 54 câu thơ bài Hiệp khách hành của Lý Bạch; toàn bộ nội dung của bộ Tố tâm kiếm (Liên thành quyết) đều trích dẫn thơ của hàng trăm nhà thơ trong Đường thi tuyển tập.
Đưa thi ca, từ phú vào văn xuôi là chuyện không lạ. Đọc Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký, Hồng lâu mộng, Thủy hử, ta bắt gặp hàng trăm bài thơ. Nhưng thơ trong những tác phẩm ấy đơn thuần chỉ là thơ chứng minh, thơ ca nghĩ ngợi, thơ bày tỏ niềm thán phục của người đời sau. Thơ trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung vượt xa hơn, mang một ý nghĩa, một mục tiêu khác. Trong Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung nhắc đến một chiêu kiếm của phái Hoa Sơn tên là Vô biên lạc mộc. Bốn từ này lấy từ ý bài thơ Đăng cao của Đỗ Phủ:
Vô biên lạc mộc tiêu tiêu há
Bất tận trường giang cổn cổn lai
Nhà nghiên cứu Trần Trọng Kim dịch:
Miên man lá rụng điêu linh
Nước sông cuồn cuộn mông mênh chảy dào
Ngoài trích dẫn thơ, tác giả còn trích dẫn các văn kiện lịch sử, tư liệu lịch sử có thật trong sử Trung Quốc. Trong Thiên Long bát bộ, khi ca ngợi bà thái hậu sáng suốt của triều Tống (bà nội Tống Triết tôn), tác giả đưa luôn nhận xét trong bản tấu chương của nội viện nước Khất Đan khen ngợi tài đức của bà này và lời bàn rằng bà đang buông rèm nhiếp chính, chớ động binh gây hấn với triều Tống. Đoạn tư liệu này chép trong Tống sử.
Viết Lộc Đỉnh ký, khi bàn về quan hệ Trung - Nga, tác giả đưa luôn một đoạn trong bức thư của Sa hoàng gởi cho vua Khang Hy. Những hàng binh Nga trong cuộc chiến trang biên giới được đưa về Bắc Kinh. Vua Khang Hy trọng dụng họ, phiên chế thành một lực lượng quân sự đặc biệt trong Thanh binh, gọi là Nga La Tư tá lĩnh. Khi viết về đoạn này, Kim Dung theo sát tư liệu trong Thanh sử cảo của Lang Viên.
Nhà nghiên cứu Nghiêm Gia Viêm của Đại học Bắc Kinh ca ngợi văn phong của Kim Dung, cho rằng Kim Dung đã nâng văn chương thông tục lên thành thứ văn chương thanh nhã. Tại sao vậy? Kim Dung viết về bọn hào sĩ giang hồ, về những người bình thường Trung Quốc cho nên văn chương luôn luôn có tiếng chửi. Những tiếng "tổ mẹ nó, quân rùa đen đê tiện, phường cho đẻ, con bà ngươi..." luôn luôn hiện diện trong các bộ tiểu thuyết võ hiệp nhưng không làm cho văn chương dơ đi vì nó được đặt vào rất đúng văn cảnh. Văn chương của ông cũng phong phú các thành ngữ, tục ngữ Trung Quốc: "Lá rụng về cội", "Hạ đao đồ tể xuống là thành Phật", "Biển khổ không bờ, quay đầu thấy bến", "Non xanh còn đó, nước biếc vẫn đây, hẹn ngày gặp gỡ"... Những thành ngữ, tục ngữ thông dụng ấy được đặt vào đúng văn cảnh, vào từng tình huống một, tạo ra một giá trị nghệ thuật vừa rộng lại vừa sâu. Người học ít đọc Kim Dung cũng thấy thích mà người học cao đọc Kim Dung cũng thấy thích. Tác phẩm của ông vừa mang tính quần chúng rộng rãi vừa mang tính bác học cao nhã.
Nhưng thủ pháp cao cường nhất của Kim Dung vẫn là kĩ thuật xây dựng cốt truyện. Những bộ tiểu thuyết của ông thường liên quan tới các vấn đề lịch sử, các quốc gia (cũ) trong cộng đồng Trung Quốc, nghĩa là rất rộng lớn nên việc xử lý, kết cấu các tình huống tiểu thuyết phải làm sao cho hợp lý để cuốn hút người đọc ngay từ ban đầu. Ông đã tạo trong tác phẩm những mâu thuẫn chiều dọc giữa nhân vật này và nhân vật khác, giữa tình huống này và tình huống khác. Ông đã tạo trong tác phẩm những mâu thuẫn chiều ngang, hiểu như là sự diễn biến tâm lý phức tạp trong nội tâm từng nhân vật. Ông đã xây dựng những tình huống lạ lùng, tưởng đâu không thể có trong đời, mà rất thật. Tôi xin giới thiệu mấy tình huống để bạn đọc tham cứu.
Một đoạn trong Thiên Long bát bộ gồm các tình huống thế này: Kiều Phong cùng A Châu đến thăm Ôn Khang, được Ôn Khang tiết lộ rằng nhân vật thủ lĩnh đại ca đã đưa người ra Nhạn Môn Quan giết cha mẹ Kiều Phong là Đoàn Chính Thuần. Cả hai quay về vùng Thái Hồ, Giang Nam tìm Đoàn Chính Thuần rửa hận. Khi đến nơi, Kiều Phong chứng kiến cảnh Đoàn Chính Thuần lâm nguy; ông ra tay cứu giúp và ước hẹn cùng Đoàn Chính Thuần canh ba đêm ấy ra chỗ cầu đá để bàn chuyện Nhạn Môn Quan. Đêm ấy, Kiều Phong ngồi cạnh A Châu, hẹn ngày mai trả xong mối thù sẽ cùng nhau về bên kia biên giới, qua thảo nguyên săn chồn đuổi thỏ. Ông ẵm A Châu vào phòng nghỉ trước rồi toạ công và đúng canh ba, ra đi gặp Đoàn Chính Thuần.
Đến nơi hẹn, ông đánh Đoàn Chính Thuần một chưởng và Đoàn Chính Thuần ngã quỵ. Ông lấy làm lạ, nắm Đoàn Chính Thuần đưa lên thì thấy người y nhẹ hều. Hoá ra, đó không phải là Đoàn Chính Thuần; đó chính là A Châu, tình yêu của ông, trái tim của ông. A Châu thuật lại cho ông biết khi mới về Thái Hồ, cô tình cờ hiểu ra Đoàn Chính Thuần là cha ruột của cô nhờ nhìn thấy miếng ngọc bội đeo trên cổ cô em gái là A Tử giống như miếng ngọc bội cô đang có. Nhưng khát vọng trả thù của Kiều Phong cao quá, cô không thể ngăn cản, cũng không thể nói ra sự thật rằng mình là con của Đoàn Chính Thuần. Đêm ấy, cô giả bộ ngủ sớm rồi lén ra đi, gặp Đoàn Chính Thuần huỷ lời ước hẹn. Rồi cô hoá trang - mà kĩ thuật hoá trang của cô rất cao cường - làm Đoàn Chính Thuần, đến cầu đá để chịu một chưởng của Kiều Phong.
Kiều Phong nghe người yêu thuật lại chuyện, đứt từng khúc ruột. Ông bế xác của A Châu kên chạy loạn cả vùng Thái Hồ. Chôn cất A Châu xong, Kiều Phong định tự tử vì không còn muốn sống trên đời nữa. Nhưng chợt nhìn lên bài từ của Đoàn Chính Thuần đề trên lụa treo trên vách, Kiều Phong chợt nhận ra nét chữ của Đoàn Chính Thuần khác hẳn nét chữ của thủ lĩnh đại ca mà ông đã được nhìn thấy. Nghĩa là Đoàn Chính Thuần không phải là thủ lĩnh đại ca. Hoá ra Ôn Khang đã đánh lừa ông; ông đã giết oan A Châu. Nghĩ đến đó, Kiều Phong lại chợt ham sống, sống để tìm ra sự thật, sống để tạ tội giết oan người tình mà ông trọn đời yêu dấu.
Đây là khúc bi ca kinh hoàng nhất, đau thương nhất của Thiên Long bát bộ. Đọc đoạn tiểu thuyết này, người ta có thể đổ nước mắt vì mối thâm tình của A Châu đối với Kiều Phong, vì niềm đau đớn của Kiều Phong không có gì có thể so sánh nổi. Có thể coi Thiên Long bát bộ là một bộ tiểu thuyết tiêu biểu cho phong cách kết cấu câu chuyện của Kim Dung. Những tình huống đan xen, những ngã rẽ bất ngờ dẫn câu chuyện đến những chân trời mới lạ. Đọc hồi này, người ta khó có thể đoán được hồi sau và các hồi kế tiếp.
Kim Dung có khả năng hư cấu tuyệt vời, đẩy những mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khiến người đọc có cảm giác nhân vật khó thoát khỏi tình huống bi kịch nhất. Nhưng rồi ông giải quyết vẫn đề một cách hết sức khoa học, gọn nhẹ, hợp lý. Tình huống kết thúc một cách tốt đẹp, vượt qua khỏi sự tưởng tượng của bao nhiêu bạn đọc. Ta hãy lấy một ví dụ trong Thiên Long bát bộ.
Trên bược đường giang hồ, Đoàn Dự đã gặp và yêu thương Chung Linh là con của A Bảo, Mộc Uyển Thanh là con của Tần Hồng Miên, Vương Ngữ Yên là con của Vương phu nhân. Mà những nhân vật A Bảo, Tần Hồng Miên, Vương phu nhân đều là người tình của Đoàn Chính Thuần (cha Đoàn Dự). Nói cách khác, các cô gái mà Đoàn Dự đem lòng thương yêu đều là em cùng cha khác mẹ của Đoàn Dự; những mối tình của Đoàn Dự với các cô gái là mối tình loạn luân. Làm sao giải quyết được những mâu thuẫn kinh khủng đó để cứu những mối tình trong trắng?
Kim Dung giải quyết khá tài tình. Trong phút cuối của đời mình, khi Đao Bạch Phụng, mẹ của Đoàn Dự sắp qua đời, bà mới tiết lộ một điều kinh khủng: Đoàn Dự không phải là con của Đoàn Chính Thuần mà là con của gã ăn mày Đoàn Diên Khánh. Bởi căm giận thói trăng hoa lơi lả của Đoàn Chính Thuần, Đao Bạch Phụng đã đem tấm thân vương phi cao quý của mình cho gã ăn mày Đoàn Diên Khánh giao hoan. Cuộc giao hợp chớp nhoáng kì lạ đó đã đẻ ra chàng trai Đoàn Dự. Đoàn Chính Thuần không có cái gien sinh con trai; con tư sinh của Đoàn Chính Thuần toàn là con gái. Và chỉ là đồng tông (cùng họ) nên theo luật hôn nhân của nước Đại Lý, Đoàn Dự có thể lấy tất cả các cô Chung Linh, Mộc Uyển Thanh, Vương Ngữ Yên... mà không cần phải thắc mắc về quan hệ huyết thống, dòng tộc, luân lý đạo đức.
Bản chất của tiểu thuyết là hư cấu. Kim Dung dựa trên nền tảng những sự kiện lịch sử có thật của đất nước Trung Hoa, đẩy khả năng hư cấu bay bổng tuyệt vời. Thí dụ trong Ỷ thiên Đồ long ký, ông cắt nghĩa sự ra đời của nhà Minh là cuộc kháng chiến do quần hùng Minh giáo Trung Hoa thực hiện. Thí dụ trong Thiên Long bát bộ, ông giới thiệu sự tương tranh, tương giao của các thế hệ quân chủ nhà Tống, nhà Liêu, nước Đại Lý, nước Thổ Phồn, nước Tây Hạ và tộc Nữ Chân. Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung có một trình độ hư cấu rất cao cường, nối kết hàng trăm nhân vật lại với nhau trong mối tương giao thật lạ lùng nhưng cũng thật hợp logic.
Kế thừa thủ pháp của các bậc tiền bối, tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung vẫn đưa ra những chi tiết có vẻ hoang đường nhưng tính hoang đường ấy được đặt trên nền tảng cái có thật. Ta lấy thí dụ nội công là khả năng có thật của người học võ. Nội công ấy được rèn luyện nhiều năm, trở thành công lực riêng của từng người. Trên cơ sở đó, Kim Dung hư cấu ra tình huống người này có thể dốc hết công lực để dồn vào cho công lực của người khác; người khác có thể sư dụng môn hấp công để thu hút hết công lực của địch thủ... Nếu các nhân vật Tây du ký đánh bằng phép thì nhân vật của Kim Dung đánh bằng công lực. Một phát chưởng đánh ra giữa không gian, phát thành chưởng phong bao lấy địch thủ, khiến địch thủ phải ngã quỵ, phải chịu thua. Đó là khả năng hư cấu trong kiếm hiệp Kim Dung.
Nếu phương Tây lãng mạn trong hành động thì phương Đông lãng mạn trong tư duy. Tư duy trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung quả thật lãng mạn bay bổng: hái một chiếc lá, ném một cành hoa cũng có thể giết chết địch thủ; phóng một ngón tay ra không trung (cách không chỉ pháp) cũng có thể phong toả đúng huyệt đạo của người cần phong toả.
Như tôi đã giới thiệu, tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung được gọi là truyện, ký hoặc lục (Xạ điêu anh hùng truyện, Ỷ thiên Đồ long ký, Thư kiếm ân cừu lục). Văn thể cơ bản của tiểu thuyết Kim Dung là kể chuyện. Thế nhưng, cách kể chuyện của ông cũng rất lạ, rất hấp dẫn bởi trong diễn biến của một câu chuyện đang được ông kể, ông đưa vào đó một nhân vật mới và nhân vật này đã kể lại một câu chuyện đã xảy ra. Câu chuyện ấy áo giá trị như một đoạn phục hiện trong điện ảnh (hay trong kịch nói), nghĩa là nó đi ngược thời gian và thay đổi không gian, hấp dẫn người đọc bước vào một thế giới khác với những tình huống khác mới lạ hơn, lý thú hơn. Thí dụ trong Tiếu ngạo giang hồ, bọn hào sĩ đang bàn về sự giao du giữa Lệnh Hồ Xung đệ tử Hoa Sơn và tên thái hoa dâm tặc Điền Ba Quang. Ai nấy đang tức giận, nguyền rủa hai gã này thì ni cô Nghi Lâm của phái Hằng Sơn xuất hiện. Cô kể lại câu chuyện mình bị Điền Bá Quang bắt cóc định làm nhục, được Lệnh Hồ Xung ra tay cứu viện thế nào; La Nhân Kiệt của phái Thanh Thành nhân cơ hội Lệnh Hồ Xung bị thương nặng đã giết chàng thế nào. Chuyện kể của Nghi Lâm hấp dẫn đến nỗi dù các nhân vật không xuất hiện, người đọc vẫn thấy được đặc điểm, cá tính của từng nhân vật, nhận ra ai là anh hùng, ai là tiểu nhân. Đọc Kim Dung, người ta sảng khoái vì lối hành văn lạ lùng ấy.
Điều lạ là khi cầm đến một tác phẩm của Kim Dung; đọc chương đầu ta không thể bỏ được chương hai, đọc chương hai ta không thể bỏ được chương ba. những tình huống tiểu thuyết của ông uyển chuyển, phản trác, những loại nhân vật của ông không sống theo công thức bình thường của đời người. Tiếu ngạo giang hồ là một tác phẩm tiêu biểu cho nhận định này.
Đọc chương một, chương hai, chương ba của tác phẩm này, ta thương cảm chàng thiếu niên Lâm Bình Chi của Phước Oai tiêu cục lâm vào cảnh nhà tan, cửa nát, cha mẹ bị bắt; phải tìm lên Hành Sơn để cứu song thân, cứu không được cha mẹ, chàng trở thành đệ tử phái Hoa Sơn. Hết quyển thứ nhất, ta vẫn tưởng Lâm Bình Chi là nhân vật trung tâm. Nhưng rồi Lệnh Hồ Xung dần dần hiện ta như một tên lãng tử vô hạnh, một người có tấm lòng nghĩa hiệp cao cả. và người đọc bắt đầu có cảm tình, bắt đầu yêu mến chàng trai đó. Hoá ra đó mới là nhân vật trung tâm của tác phẩm, còn gã Lâm Bình Chi chỉ là một thứ nguỵ quân tử, một anh lại cái. Có thể coi đó là hai khuôn mặt đại biểu cho cách xây dựng nhân vật của Kim Dung.
Trong lối văn chương kể chuyện, thi thoảng Kim Dung cũgn dừng lại tả cảnh, tả tình. Cách tả tình của ông đặc biệt cô đọng, chủ yếu là đưa ra những nét chấm phá để người đọc tự suy luận. Khi yêu Lệnh Hồ Xung, ngày nào Nhạc Linh San cũng giành đem cơm lên núi sám hối cho chàng. Nhưng khi gần gũi Lâm Bình Chi, Nhạc Linh San quên mất đại sư ca, say mê thằng mặt trắng này. Nhạc Linh San là người phương Bắc, Lâm Bình Chi là người phương Nam. Lâm Bình Chi đã dạy cho Nhạc Linh San hát khúc sơn ca Phúc Kiến. Mô tả tâm tình của Lệnh Hồ Xung, Kim Dung viết: "Nhạc Linh San quay mình đi xuống núi, không nói một lời. Bỗng nhiên, giọng sơn ca Phúc Kiến "chị em lên núi hái chè" vang lên. Lệnh Hồ Xung nghe khúc sơn ca mà nát ngọc tan hồn, tưởng bị ai đánh mạnh một chuỳ vào ngực". Tác giả dừng lại ở đó để bạn đọc hiểu thế nào thì hiểu.
Cũng như tả tình, Kim Dung tả cảnh với những nét chấm phá. Thí dụ mùa xuân: "Làn gió mát ru êm cành liễu. Hương hoa thơm say đắm lòng người. Trời đang vào mùa xuân, ánh dương quang chói lọi khắp miền Nam". Đây là cảnh xuân ở thành Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến trong Tiếu ngạo giang hồ. Còn đây là cảnh Cung kiếm hồ ở núi Vô Lượng, Vân Nam: "Bên trái sườn núi là giải thác lớn trắng phau trông như một con rồng treo lơ lửng trên không cuồn cuộn đổ xuống một cái hồ trong vắt, rộng mênh mông không thấy bờ bên kia... Trên mặt hồ, chỉ có chỗ thác đổ vào là nước chảy quanh co, sóng vỗ bì bõm, càn xa hơn từ mười trượng trở đi lại phẳng phiu giống như một tầm gương khổng lồ".
Đọc Kim Dung, ta thấy phong cảnh thiên nhiên, bao la, hùng vĩ, lãng mạn, tươi đẹp hiện ra bốn mùa: tuyết trắng phủ Thiên Sơn, đàn hồng nhạn bay qua Nhạn Môn Quan, sông Tiền Đường sóng vỗ ầm ỳ, chùa Thiếu Lâm ngàn năm nấp sau rừng tung cách sum sê, hoa hồng lăng nở rộ mặt Thái Hồ mùa thu nước biếc... Có lẽ ông đi nhiều, thấy nhiều, biết nhiều nên kiến thức về địa lý học, hoa học, phong tục học rất uyên bác. Ông viết về một thứ văn chương giàu tính nghệ thuật, lôi cuốn, hấp dân khiền người ta đọc mà không thế chán. Các học giả Trung Quốc đã tặng cho Kim Dung một huy chương tinh thần về cách sử dụng kim văn để viết tiểu thuyết.
Sự thành công của Kim Dung chính là sự thành công của văn học Trung Quốc hiện đại.Ông được xếp vào một trong 10 nhà văn lớn của dân tộc Trung Hoa và hai tác phẩm của ông được chọn là hai tác phẩm để đời cho văn học Trung Quốc.
Phải nhìn nhận một điều: tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung là một loại hình tiểu thuyết khác hẳn với những tiểu thuyết viết về anh hùng hào kiệt thời Minh - Thanh, khác hẳn với các loại tiểu thuyết võ hiệp của các tác giả khá cùng thời, lại khác xa với Les trois mousquetaires (Ba chàng Ngự lâm pháo thủ) của Alexandre Dumas (cha); càng khác xa với những kịch bản phim cao bồi của Viễn Tây Hoa Kỳ. Nó là tiểu thuyết võ hiệp kim văn mới lạ. làm say mê hàng tỷ độc giả trên thế giới, trong đó có độc giả Việt Nam. Sự đóng góp của Kim Dung cho văn học Trung Quốc và thế giới như vậy là khá lớn lao. Ông xứng đáng là minh chủ của nền văn học võ hiệp.