Hàng giả tống Vân Nam
Tác giả: VŨ ĐỨC SAO BIỂN
N hìn trên bản đồ Trung Hoa ngày nay, Vân Nam là một tỉnh phía Tây Trung Quốc, Nam giáp Việt Nam và Lào, Tây giáp Miến Điện (Myanmar). Dưới triều vua Khang Hy nhà Thanh, nhân vật đứng đầu cai trị vùng đất Vân Nam - Tứ Xuyên là Ngô Tam Quế, tước hiệu Bình Tây vương. Nguyên khi mới chiếm được đất nước Trung Quốc rộng lớn, người Mãn Châu gồm tám bộ tộc, mỗi bộ tộc có một màu cờ gọi là Bát kỳ, thống nhất tôn tộc Ái Tân Giác La (Aisin Gioro) làm lãnh tụ. Miền đất khởi nghiệp của họ chỉ gồm ba tỉnh Cát Lâm, Cáp Nhĩ Tân, Liêu Ninh (gọi là Đông tam tỉnh) với vài triệu người thì làm sao có thể cai trị được đất nước Trung Hoa với hàng trăm triệu người Hán tộc. Chính vì vậy mà thời Thuận Trị và sau này là thời Khang Hy, các hoàng đế Mãn Châu tích cực sử dụng những Hán gian, những tay sai đắc lực đã giúp người Mãn Châu tiến công vào Trung Quốc, bổ dụng họ thành những phiên vương (vua nước phên giậu) giúp nhà vua cai trị các vùng đất xa xôi (so với kinh đô Bắc Kinh). Thời Khang Hy có tam phiên: Bình Tây vương Ngô Tam Quế cai trị Vân Nam - Tứ Xuyên; Bình Nam vương Thượng Khả Hỷ cai trị Phúc Kiến; Tĩnh Nam vương Cảnh Tinh Trung cai trị Quảng Đông. Ngô Tam Quế là phiên vương lớn nhất, binh lực gần bằng binh lực hoàng đế. Vua Khang Hy sinh năm 1654, lên ngôi năm 1662 (8 tuổi), thực sự cai trị năm 1667 (13 tuổi). Ông vua con này thực sự là một minh quân, biết nhìn xa trông rộng. Học theo phong cách cai trị của nhà Minh, Khang Hy muốn thực hiện một chế độ quân chủ trung ương tập quyền và muốn như thế thì truyện đầu tiên là phải triệt hạ tam phiên. Trong tam phiên, Khang Hy chỉ e dè có Bình Tây vương Ngô Tam Quế. Đó là những nét cơ bản trong canh bạc chính trị đầu đời Mãn Thanh trên đất Trung Quốc.
Lộc Đỉnh ký của nhà văn Kim Dung được xây dựng trên bối cảnh lịch sử thực tế đó. Khi nhà vua mới 15 tuổi, có một viên thái giám giả mạo đã lọt được vào hoàng cung ở Bắc Kinh, trở thành bạn nhỏ của nhà vua. Anh ta là Vi Tiểu Bảo, 13 tuổi, con một kỹ nữ thành Dương Châu. Vua Khang Hy có một cô em gái (trong truyện xây dựng là kết quả của mối tình thầm lén giữa một thứ phi của Thuận Trị hoàng đế với một nhân vật trong đạo Thần long ở Liêu Đông) tên là Kiến Ninh công chúa. Năm 15 tuổi, Vi Tiểu Bảo biết công chúa Kiến Ninh, bị cô tra tấn, đánh đập, hành hạ rất khổ sở. Kiến Ninh chỉ thua Vi Tiểu Bảo một tuổi nhưng cô rất hung ác, bạo ngược. Để tự cứu mình, Vi Tiểu Bảo đã bẻ trật khớp tay, đánh đập, thậm chí lấy đèn đốt cháy da ngực công chúa. Kim Dung xây dựng nhân vật Kiến Ninh là một người mắc chứng khổ dâm (Masochisme-perversion dans laquelle le sujet recherche le plaisir sexuel dans la douleur: trạng thái bệnh lý mà trong đó chủ thể chỉ tìm thấy được khoái lạc tình dục trong sự đau đớn thân xác). Cho nên khi Vi Tiểu Bảo đốt cháy ngực Kiến Ninh, lấy roi đánh cô thì cô lại: "miệng cười chúm chím" lại còn động viên: "Xin tướng công đánh mạnh vào" miễn là đừng gây thương tích trên mặt cho cô. Và đôi thiếu niên đó đã sớm quan hệ tình dục với nhau ngay trong hoàng cung có tiếng là thâm sâu nghiêm cẩn nhất của các triều đại quân chủ Trung Quốc!
Cô công chúa 14 tuổi sống cạnh gã thái giám giả, không còn là một cô gái trong trắng nữa. Tất nhiên vua Khang Hy không biết được điều đó. Tham vọng của nhà vua là làm sao triệt hạ được tam phiên và đặc biệt đối với Ngô Tam Quế - đại phiên vương, phải được thực hiện cho được một giải pháp chính trị an toàn. Nhà vua đánh một nước cờ theo cách các vua Trung Quốc ngày xưa: dùng nữ sắc. Khang Hy tuyên bố gả ngự muội là Kiến Ninh công chúa cho Ngô Ứng Hùng, con trai của BÌnh Tây vương Ngô Tam Quế để đôi bên kết thông gia cùng chia nhau hưởng phú quý. Nước cờ đó của vua Khang Hy thật cao cường: vừa loại được cô em gái bạo ngược ra khỏi hoàng cung, xoá lấp được điều xấu xa khỏi dư luận cung cấm; vừa đánh lạc hướng Ngô Tam Quế để củng cố binh lực Thanh triều, đủ sức đối phó nếu Ngô Tam Quế làm phản. Vi Tiểu Bảo được nhà vua tin yêu, phong làm Tứ hôn sứ, có nhiệm vụ đưa Kiến Ninh công chúa vượt mấy chục ngàn dặm từ bắc Kinh đến Vân Nam để gả cho Ngô Ứng Hùng.
Theo pháp luật và đạo đức các triều đại quân chủ ở Trung Hoa, trinh tiết của người phụ nữ được coi là tiêu chuẩn hàng đầu, tiêu chuẩn quyết định đời sống lứa đôi. Một cô gái bình thường thất trinh đã là một trọng tội huống chi một cô công chúa vị thành niên là ngọc cành vàng, lại là dâu tương lai của một phiên vương đứng đầu các phiên vương? Vua Khang Hy, Ngô Tam Quế, Ngô Ứng Hùng và nhân dân Trung Hoa thời ấy đâu biết được truyện động trời ấy của Kiến Ninh công chúa. Chỉ có Vi Tiểu Bảo và Kiến Ninh công chúa biết chuyện. Vậy là món hàng giả Kiến Ninh công chúa, cô gái lá ngọc cành vàng được hoàng thượng và thái hậu rất cưng chiều, được tống tiễn về Vân Nam. Đoàn người đưa công chúa đi đều cho Vi Tiểu Bảo là thái giám thứ thiệt. Thế nhưng hắn chưa bao giờ "tĩnh thân" thì làm sao gọi là thái giám. Vi Tiểu Bảo là một thứ thái giám giả mạo. Cả hai thứ hàng giả mạo gặp nhau, cùng đi hết tháng này qua tháng nọ, biến hành cung của công chúa điện hạ thành chỗ ái ân đầm đìa ngay trước mũi của thiên hạ. Nghệ thuật hài hước của Kim Dung trong văn chương đã được phát triển đến tột độ, khó tìm thấy được trong bất kỳ một tác phẩm văn học hài hước nào từ trước đến nay! Tác giả cũng chua chát nhận xét: "Con người thiếu niên vừa biết mùi nam nữ chung chạ mà nàng công chúa kiều mỵ kia lại dùng thiên binh vạn trạng để quấn quít lấy gã thì còn dứt tình sao được". Cho nên, quân sĩ tiền hô hậu ủng đi về Vân Nam thì cứ đi, riêng Đô thống, Tứ hôn sứ suốt ngày cứ nằm lì trong phòng công chúa.
Làm sao để giải quyết hậu quả không lường khi Ngô Tam Quế phát hiện ra sự thật kinh thiên động địa là Kiến Ninh công chúa không còn gái trinh? Phản ứng của chàng phò mã Ngô Ứng Hùng sẽ như thế nào nếu biết được thái giám giả Vi Tiểu Bảo đã biến vợ mình thành hàng giả? Người Trung Quốc đã có những thứ mà Nguyễn Du từng đề cập trong Truyện Kiều: "Nước vỏ lựu, máu mào gà" nhưng cả Vi Tiểu Bảo và Kiến Ninh đều còn trẻ con, không thể biết được hai món chết người đó. Tác giả Kim Dung giải quyết một cách khác, kinh khủng hơn.
Đưa Kiến Ninh tới Vân Nam, Vi Tiểu Bảo bàn với Bình Tây vương Ngô Tam Quế coi ngày tốt, giờ tốt để tổ chức lễ cưới cho vừa long trọng, vừa rạng danh Bình Tây vương lại vừa đẹp lòng Khang Hy, vừa vinh dự cho Ngô Ứng Hùng lại vừa xứng đáng với địa vị cao cả của Kiến Ninh. Vi Tiểu Bảo cứ kéo dài thời giờ ra để còn tiếp tục đêm đêm còn vào phòng Kiến Ninh nữa chứ. Bản thân Kiến Ninh thì chỉ muốn sống với Vi Tiểu Bảo và ra lệnh cho Vi Tiểu Bảo tìm mọi cách để hạ sát gã tiểu tử Ngô Ứng Hùng. Nếu Ngô Ứng Hùng mà cưới cô, cô sẽ khai ra với nhà vua huỵch toẹt mọi chuyện! Mâu thuẫn được đẩy lên đến đỉnh điểm, có nguy cơ làm bùng nổ sớm cuộc tạo phản của Ngô Tam Quế. Thế nhưng... Vi Tiểu Bảo đến thăm Ngô Tam Quế, được họ Ngô tặng cho hai khẩu súng lục của người Nga (Kim Dung gọi là La Sát Hoả khí; người Hán thời ấy gọi là Tây dương hoả khí). Vi Tiểu Bảo đưa tặng Kiến Ninh một cây, dạy cô cách dùng súng. Trong một đêm Ngô Ứng Hùng tuần phòng chữa cháy, Kiến Ninh đã cho gọi Ứng Hùng vào phòng riêng, dùng súng uy hiếp hắn phải đứng yên rồi bắn vào bộ phận sinh dục của hăn. Cô tự xé áo mình để vu cáo cho Ngô Ứng Hùng đã muốn cưỡng bức tình dục đối với cô. Sự kiện động trời đó xảy ra khiến Ngô Tam Quế sợ vỡ mật, vừa đau đớn vì con, vừa sợ mang tiếng với dư luận hai tỉnh Vân Nam - Tứ Xuyên. Lão phải đem bạc đút lót cho bọn thân binh từ Bắc Kinh đưa công chúa tới để mọi người khỏi tâu lên Khang Hy hành vi càn rỡ, đại nghịch khi quân của Ngô Ứng Hùng. Và lão tổ chức gấp đám cưới; pháo nổ khét lẹt cả thành Côn Minh để dàn cảnh cho cuộc "trăm năm hạnh phúc" của lứa đôi Kiến Ninh - Ứng Hùng. Hơn ai hết; Ngô Tam Quế, Ngô Ứng Hùng, Kiến Ninh, Vi Tiểu Bảo đều biết đám cưới kia là hàng giả.
Luật của Trung Quốc buộc cưới xong, đôi vợ chồng mới phải hoàn hôn. Ngô Ứng Hùng và Kiến Ninh phải quay về Bắc Kinh để lạy tạ vua Khang Hy và thái hậu. Đây là một nước cờ khác của Khang Hy nhưng nhà vua không bàn cho Vi Tiểu Bảo biết; ông muốn bắt giữ Ngô Ứng Hùng làm con tin để đủ thời giờ nhờ các tu sĩ dòng Tên phương Tây chế tạo súng đại bác, đối phó với cuộc tạo phản của Ngô Tam Quế. Ngô Ứng Hùng về Bắc Kinh được phong phò mã, được cấp phủ đệ xinh đẹp. Hắn có tất cả, trừ một thứ: được chung chăn gối với Kiến Ninh. Khổ thay, chuyện ấy đã có bá tước Vi Tiểu Bảo làm thay.
Viết bộ Lộc Đỉnh ký, Kim Dung muốn viết về những món hàng giả của Trung Quốc: những con người giả mạo. Vi Tiểu Bảo là thái giám giả, công chúa Kiến Ninh là cô gái lá ngọc cành vàng giả, Ngô Ứng Hùng là phò mã giả mà Ngô Tam Quế cũng là bậc "trung thần" giả. Bản thân hoàng đế Khang Hy cũng là một vị vua nhân từ giả mạo. Mạt cưa, mướp đắng gặp nhau: Lộc Đỉnh ký quả là một siêu phẩm về sự giả mạo. Nhưng nó có một chất rất thật, rất đời mà không một tác phẩm nào có được, kể cả những tác phẩm khác của Kim Dung: mặt sau của tấm huy chương đạo đức Trung Hoa trong thế kỷ 17.
Lịch sử Thanh triều ghi rõ: năm 1677, Ngô Tam Quế nổi loạn ở khu vực Động Đình hồ, chiếm Tứ Xuyên và Vân Nam, xưng là Ngô quốc công. Tay đại Hán gian này dựng cờ, truyền hịch "Hưng Minh thảo Lỗ" (khôi phục lại nhà Minh và bài trừ rợ Mãn Châu). Nhưng chính sách cai trị nhân từ, sáng suốt của Khang Hy đã thu phục được lòng dân Trung Quốc; không có ai ủng hộ Ngô Tam Quế. Ngô Tam Quế lên làm vua ba tháng thì mất; Khang Hy chặt đầu Ứng Hùng, bình định được miền Tứ Xuyên - Vân Nam.Triều Khang Hy được coi là triều đại cực thịnh của nhà Thanh trên đất Trung Quốc.