Nhân vật Kim Dung đi tìm công lý
Tác giả: VŨ ĐỨC SAO BIỂN
T hật không thể nói tới hai chữ công lý trong các chế độ quân chủ ở Trung Quốc. Cái đất nước ấy quá rộng lớn, quá nhiều sắc dân, chủng tộc, ngôn ngữ. Ngay trong các thời kỳ được xem là thái bình thịnh trị nhất cỡ như thời Hồng Vũ (Minh), Khang Hy (Thanh)các nhà vua vẫn không thể kiểm soát hết được các hoạt động của quan lại địa phương; một bộ phận dân chúng vẫn sống trong sự áp bức, bóc lột, bách hại của quan lại tham ô và ác bá thổ hào. Những câu mà người ta hay nhắc đến trong sách truyện như “thánh chúa trị vì, muôn dân hát khúc âu ca” gì gì đó toàn là những lời láo toét. Tiểu thuyết hai triều đại Minh – Thanh thường có những lời láo toét đó.
Kim Dung viết khác hơn các bậc tiền bối của ông. Điều may mắn của ông là sinh ra ở thế kỷ XX, khi chế độ quân chủ Trung Hoa đã cáo chung, không phải như các bậc tiền bối phải khép mình trong vương pháp. Điều may mắn thứ hai là ông khai sinh ra một bọn hào sĩ giang hồ ba trợn, đứng trên và đứng ngoài vương pháp. Tuy vương pháp các triều đại có đó, tuy các môn phái và các hào sĩ giang hồ vẫn đóng trên lãnh thổ Trung Quốc nhưng việc hành xử ân oán là quyền riêng của họ, không phải tuân thủ theo một quy phạm nào của pháp luật các triều đại. Bọn hào sĩ giang hồ của Kim Dung đi tìm cho mình một thứ pháp luật riêng cho mình, một thứ công lý riêng cho mình.
Kiều Phong (tức Tiêu Phong), nhân vật lớn trong Thiên Long bát bộ, thuở còn là đứa bé lên mười, đã đột nhập nhà của một tên ác bá cướp đoạt hết số tiền của mẹ mình, giết lão ác bá ấy trong phòng ngủ. Về sau, khi biết mình là người Khất Đan, Kiều Phong đã kể chuyện ấy cho cô bạn gái A Châu nghe và hỏi cô hành vi giết người ấy có phải là tính cách tiêu biểu bảm sinh của dòng máu Khất Đan tàn bạo hay không. Ở một chừng mực nào đó, đứa bé lên mười đã biết đòi công lý theo kiểu của nó: mẹ của nó thì nghèo, lao động vất vả để có một mớ rau, vài con gà đem bán thì gã ác bá không thể cưới hết số tiền nhỏ nhoi đầy mồ hôi, nước mắt của bà được. Công lý được thể hiện nhanh gọn, tàn bạo và lạnh lùng.
Về căn bản, công lý đối với các nhân vật trong tác phẩm Kim Dung chỉ đơn giản là sự trả thù. Bọn người Hán phục kích trên mõm đá ngoài Nhạn Môn Quan chỉ giết được vợ của Tiêu Viễn Sơn (mẹ Tiêu Phong). Tiêu Viễn Sơn ẩn nhẫn sống, học võ công và giết chết Bạch Thế Kính, Huyền Khổ đại sư, Đàm công, Đàm bà, Triệu Tiền Tôn, gia đình Đơn Chính… Vốn là một xã hội hiếu võ, người Trung Quốc coi hành động báo thù huyết hận là sự thể hiện của bản chất anh hùng, hảo hán. Họ phải thực hiện hành động báo thù ấy bởi vương pháp không trả lại được cho họ sự công bằng mà họ hằng mong muốn. Bao Công của đời Tống chỉ là một nhân vật đột xuất. Vả chăng, phạm vi xét xử, điều tra của ông chỉ gói gọn trong khu vực kinh thành Biện Lương. Dẫu có tài giỏi đến đâu đi nữa, ông cũng không thể nghe hết được tiếng kêu trầm thống của những người bị áp bức, bóc lột, chà đạp trên lãnh thổ do Tống triều cai trị.
Bọn hào sĩ giang hồ của Kim Dung coi vương pháp không ra gì, từ đó hình thành não trạng coi thường quan lại, coi thường chính quyền địa phương. Trong Tiếu ngạo giang hồ, có đoạn Lưu Chính Phong định rửa tay gác kiếm để làm một chức quan nhỏ của triều đình. một viên quan địa phương đến tuyên thánh chỉ trong lúc quần hùng tụ họp đông đủ ở Lưu phủ. Mọi người đều tỏ vẻ khinh khi viên quan, khinh khi luôn cả Lưu Chính Phong. Cũng vẫn với não trạng ấy, Lệnh Hồ Xung đã đánh đập, cướp hết tiền bạc, vũ khí, con ngựa và điệp văn bổ dụng của Ngô Thiên Đức, tham tướng phủ Thương Châu để tự mình mạo xưng là Ngô Thiên Đức. Lệnh Hồ Xung còn tổ chức cho bầy nữ ni của phái Hằng Sơn đánh bọn quan quân để cướp ngựa, đánh nhà một gã trọc phú chuyên cho vay nặng lãi để cướp bạc làm lộ phí. Chuyện nữ ni tổ chức ăn cướp có lẽ là chuyện thế gian hãn hữu. Ấy vậy mà các ni cô phái Hằng Sơn làm được và đạt kết quả mỹ mãn mới là hay!
Khi đất nước Trung Quốc bị xâm lược, bọn hào sĩ giang hồ của Kim Dung coi kẻ xâm lược và chính quyền quân chủ trung Quốc (còn trị vì ở một phần lãnh thổ) đều là kẻ thù. Quách Tĩnh đoạt binh phù viên tường cai trị thành Tương Dương, tổ chức nhân dân giữ thành trì, đánh quân Mông Cổ; Trương Vô Kỵ hiệu triệu quần hùng trên chùa Thiếu Lâm, tổ chức cho Minh giáo khởi nghĩa đoạt chính quyền để chống quân Mông Cổ xâm lăng tại Hoài Tứ là những cuộc bạo loạn lớn; được mô tả trong Thần điêu hiệp lữ và Ỷ thiên Đồ long ký. Cái khác biệt của hai cuộc khởi nghĩa này là họ không ủng hộ một ông vua trung Quốc nào cả. Chính quyền ở đây là một dạng chính quyền nhân dân, người chủ xướng là người có bản lĩnh võ công trác việt. Họ không hướng tới mục tiêu xương vương, xưng tướng. Họ chỉ vì dân mà giữ thành, đánh giặc xâm lăng. Vậy thôi! Nhìn dưới nhãn quan chính trị thì đây là những tổ chức ô hợp, vô chính phủ. Nhưng bởi quan quân nhà Tống bất lực nên họ phải nổi dậy cướp chính quyền. Cái cơ bản của họ là cứu dân kịp thời; công hay tội cứ để người đời sau nhận định.
Ai cũng ca ngợi vua Càn Long nhà Thanh, gọi Càn Long là một vị minh quân thánh chúa. Thế nhưng, trong tác phẩm Phi hồ ngoại truyện, ta bắt gặp những thảm kịch của người nông dân bị bọn quan lại tham ô cấu kết với bọn địc chủ, bọn cường hào ác bá bóc lột, chèn ép, cưỡng đoạt tài sản, vu khống, giết hại… Tiểu anh hùng Hồ Phỉ và cô bạn gái là Viên Tử Y giữa đường gặp chuyện bất bằng đã ra tay trừng trị những kẻ ác, cứu người lương thiện. Pháp luật nhà Thanh không trả lại được cho nông dân sự công bằng thì Hồ Phỉ và Viên Tử Y trả lại. Họ đánh phá vào tận công đường, tận tư gia của quan lại và bọn cường hào, bắt chúng phải thú nhận tội lỗi công khai trước dân, lấy lại tài sản mà người dân đã mất trả lại cho dân. Kim Dung gọi hành động đó là duy trì công đạo - một hình thức đi tìm công lý không thông qua pháp luật mà chỉ sử dụng bạo lực và võ công. Cần lưu ý một điều là nếu không có võ công thì không thể hành hiệp cứu đời được. Võ công được coi là phương tiện cần và đủ để thực hiện công lý.
Đọc tác phẩm Kim Dung, người ta cũng có được cái sảng khoái, cái thỏa mãn như xem phim về các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của Bao Công. Điều khác biệt duy nhất là Bao Công dùng pháp luật để trừng trị kẻ gây ra tội ác thì bọn hào sĩ giang hồ của Kim Dung dùng võ công để trừng trị. Việc duy trì công đạo trong tác phẩm Kim Dung hoàn toàn cảm tính. Nó được đặt cơ sở trên lòng khao khát công bằng, tôn trọng sự thật; không liên hệ đến một điều, một khoản nào trong các bộ hình luật của các chế độ quân chủ Trung Quốc. Chính điều này làm cho tác phẩm Kim Dung có chiều sâu, có sức hút đối với bạn đọc. Tự thâm tâm, ai cũng mơ ước sự công bằng. Tự thâm tâm ai cũng căm ghét bọn tham quan, bọn cường hào ác bá. Cho nên, ai cũng cảm thấy vừa ý khi chúng bị trừng trị, và càng bị trừng trị mạnh, càng tốt.
Bởi chán ngán vương pháp nên Kim Dung để cho các nhân vật chủ đạo trong tác phẩm của mình tự do thực hiện quyền kêu đòi công lý, một thứ công lý báo thù. Hành vi báo thù ấy nhiều khi rất bất nhân, khiến người ta không khỏi căm giận. Nhưng biết sao được? Nó vốn là những hiện thực bình thường của xã hội quân chủ ở Trung Quốc ngày xưa. Cái đất nước ấy rất lạ lùng: một ông Lưu Bang được khen là chân mạng đế vương nhân đức dù đã ra lệnh cho thuộc hạ chôn sống hai chục vạn hàng binh nước Sở; một ông Hạng Võ bị coi là nguỵ tặc, tàn bạo nhưng vẫn đứng ra đề nghị kẻ thù tha chết cho mươi người dân Giang Đông còn lại đi theo mình rồi tự hiến đầu mình cho kẻ thù đem về lãnh thưởng. Cái đất nước ấy có một ông Tào Tháo sẵn sàng giết người rồi lại ôm kẻ bị mình giết giết than khóc rùm trời, bày tỏ lòng thường tiếc. Chân và giả, đúng và sai là cái gì hết sức tương đối.