Chương 17
Tác giả: William Saroyan
Chính ở số 348 đường Carl, San Francisco vào tháng giêng năm 1934, nơi tôi viết mỗi ngày một truyện ngắn, viết ròng rã một tháng trời cho tờ báo chuyên về truyện ngắn Story, sau khi họ đã có thư cho tôi biết rằng họ rất thích cách viết của "Chàng Tuổi Trẻ Gan Dạ Trên Chiếc Đu Bay", và họ đã ứng trước cho tôi một ngân phiếu đáng kể vào thời bấy giờ. Và đây là một trong những truyện ngắn đó. Ở con đường này có khá nhiều trẻ con, và vì phòng làm việc của tôi nhìn ngay xuống đường, nên tôi thường xem bọn trẻ chơi đùa, và tôi thấy chuyện này xảy ra.
Karl năm tuổi, một người Đức hùng vĩ với lối đi theo kiểu nhà binh, bước trên lề đường trước cửa nhà nó, có một cách ăn nói đầy phép tắc tự nhiên, vừa đáng phục vừa tươi tắn, làm như thể thằng bé hiểu cái phẩm hạnh thiết yếu của sự khúc chiết quan trọng, và không thể chịu đựng được sự sử dụng lầm lạc cái thiện năng đó, thỉnh thoảng lắm nó mới mở miệng và chỉ để thốt ra một câu không quá bốn chữ, ngay vấn đề và xác đáng một cách lạ thường. Nó ở căn nhà bên kia đường và là niềm hãnh diện của ông nó, một người luôn đứng thẳng với bộ ria Đức khá đẹp, đã có lần được đăng hình trên báo vài năm trước đây nhân một cuộc vận động chính trị. Ông này bắt đầu dạy Karl bước đi, ngay khi thằng bé vừa biết đứng, và người ta có thể thấy ông với thằng bé tóc vàng mặc áo blouse xanh nước biển, đi đi lại lại nửa khu phố trên lề đường, nắm tay thằng bé và dạy nó bước tới một cách thận trọng, hơi một chút cách điệu, theo cái kiểu vương giả Đức, đầu gối thẳng, mỗi bước đều đá ra một góc chính xác.
Trong nhiều tháng, mỗi buổi sáng ông già và thằng bé đều đặn tập đi, lập thành một thói quen hay hay. Karl tiến bộ nhanh nhưng không phải hấp tấp, và hình như nó hiểu được cái nghiêm nghị trầm lặng của ông nó, nên nó cố học cho được cái cách đi thật quan trọng của người ông. Thật ra thì giữa thằng bé và ông già có nhiều điểm tương đồng, có khác nhau chăng là ở tuổi tác và kinh nghiệm, và Karl chẳng tỏ dấu hiệu gì muốn chống đối lại cái khuôn phép mà người ông đặt ra cho nó.
Sau một thời gian, người ta thấy thằng bé đi lại trên quãng lề đường trước nhà nó một cách chững chạc, không cần đến sự giúp đỡ. Ông già ngồi trên những bậc thang, lặng lẽ quan sát, ông vừa hút píp vừa nhìn thằng bé với một vẻ nghiêm nghị mà lòng tràn hãnh diện, và thằng bé đá chân ra phía trước đặc chất nhà binh rất dễ thương. Dĩ nhiên cái lối đi ấy hơi cổ điển và phi dân chủ, nhưng tất cả mọi người trong khu này thích Karl và xem nó như một cậu nhỏ rất tế nhị. Một thằng bé con bước đi như thế có một cái gì đó dễ làm người ta mến chuộng. Những người Đức chính thống tán thưởng sự quan trọng các động tác tương đối tự động như đi, nói và thở. Đối với họ, rõ ràng là đi, thở và nói liên quan mật thiết với đời sống nói chung, và do đó những kiểu cách, những động tác này không có gì là lố bịch cả.
Những người thuộc khu phố này đã sinh đẻ một cách tốt đẹp sáu bảy năm qua, nên chúng tôi có một số trẻ con khá hùng hậu, tất cả bọn chúng đều khoẻ mạnh và dễ thương, đối với tôi, chúng còn dễ thương gấp bội. Karl chỉ là một đứa trong bọn, nhưng nó được nhắc đến drt có lẽ vì nó là đứa độc nhất đã được dạy cho một kỹ thuật sống có ý thức chủng tộc. Những đứa kia thuộc nhiều chủng tộc khác, và trong khi nét cơ bản của chủng tộc bỉêu lộ rõ rệt nơi mỗi đứa, các nét này không được nhấn mạnh và tăng cường như đã được nhấn mạnh và tăng cường nơi Karl. Nói khác đi, mỗi đứa trẻ nếu có hiển lộ được cái đặc chất chủng tộc của nó cũng chỉ trên phương diện tự nhiên và bản năng di truyền, và có lẽ, nếu không có sự uốn nắn của người ông, chính Karl giờ đây hẳn đã giống những trẻ con khác , ít kiểu cách và phóng khoáng hơn. Nó hẳn không có lối đi kiểu nhà binh, điểm dị biệt giữa nó và những trẻ con khác, cái cung cách đôi khi làm cho thằng bé người Nam Tư, Josef, ở dãy nhà dưới, lấy làm khó chịu.
Josef lớn hơn Karl gần một tuổi, tư chất linh hoạt, và tất cả những hành động của nó đều khiến người ta cười thầm. Nó có khuôn mặt sáng sủa và tinh khôn của người bố hành nghề nướng bánh, nó thuộc loại trẻ con nói nhiều và thường hay để ý đến tất cả mọi việc và mọi người chung quanh, luôn luôn thắc mắc và cật vấn cho ra lẽ. câu mà nó quen miệng nhất là Ông mới đi đâu về vậy? Nó hỏi với hy vọng rằng người ta vừa mới ở một nơi tuyệt diệu và xa lạ nào về tới, một nơi chưa từng thấy và chưa có trên thế gian, và chính tôi thường bị nó gây cho lúng túng không ít vì thường trở về từ những thành phố không có gì tuyệt diệu và cũng tầm thường như nó hằng thấy đến nhàm mắt.
Karl hiếm khi chạy nhảy trong khi Josef hiếm khi đi đứng khoan thai, nó hầu như luôn chạy tung tăng hay nhảy nhót không ngừng, đối với nó đi từ nơi này đến nơi kia không có nghĩa như là rời nơi này đến nơi khác, đi như là một động tác khiến nó thích thú hơn là mục đích. Josef mải mê chơi đùa trong khi Karl cắm cúi với các việc. đối với một thằng nhỏ dòng giống Slav thì nó là trước tiên, sau đó mới đến chủng tộc, trong khi một thằng người Đức thì ngược lại, chủng tộc là tiên khởi và cá nhân là sau cùng.
Tôi có dịp quan sát bọn nhỏ ở khu phố này nhiều năm rồi, và tôi hy vọng đừng có ai ngờ rằng tôi cố bịa ra những chuyện về chúng, ngõ hầu để có thể viết nên một truyện ngắn nho nhỏ, thật ra tôi không có năng khiếu bịa đặt. Cái chuyện nhỏ xảy ra chiều hôm qua hẳn sẽ tầm thường nhạt nhẽo vô cùng nếu tôi không có dịp quan sát cuộc sinh hoạt thường ngày của chúng, và tôi chỉ tiếc một điều là không biết được nhiều về Irving, cái thằng nhỏ người Do Thái khóc dữ dội trong khi Karl và Josef quần thảo nhau.
Irving theo bố mẹ, dọn đến khu phố này cách đây không đầy bốn tháng, đâu khoảng tháng mười một thì phải, nhưng mãi đến cả tháng sau tôi mới thấy nó xuất hiện cùng bọn nhỏ ngoài đường. Nó cỡ tuổi với Josef, nhưng trông bao giờ cũng nhuốm một vẻ buồn buồn, cái tạng loại mà người ta thường mô tả là hướng nội, chỉ cảm thấy an toàn với chính mình thôi. Chẳng hiểu vì sao tôi vẫn nghì rằng bố mẹ nó nên cho nó học nhac, ở nó luôn toát ra nét phong vận tao nhã để có thể trở thành một vĩ cầm hay dương cầm thủ có hạng, cái đầu lớn nghiêm nghị, thân hình mảnh khảnh, và một hệ thần kinh nhạy bén.
Một buổi chiều, trên đường đến tiệm tạp hoá, tôi trông thấy Irving ngồi trên bậc thềm nhà nó, rõ ràng là nó đang mơ một giấc mơ tuyệt đẹp, giấc mơ của một đứa trẻ còn đang hoang mang và bỡ ngỡ trước cuộc sống hết sức kỳ vĩ và đầy hương sắc. Tôi chỉ mong sao được nói chuyện với nó một cách thân ái và dịu dàng, và nếu có thể được, khám phá xem nó đang nghĩ ngợi cùng mơ mộng những gì, nhưng khi tôi đang tiến lại thì nó đã vội đứng dậy chạy lên những bậc thềm và vào nhà như bay biến, trông nó có vẻ sợ hãi và dễ vỡ làm sao ấy. Tôi sẵn sàng đánh đổi cái máy hát để được biết chiều hôm đó Irving đang mơ mộng những gì, vì tôi vẫn tin rằng chính điều đó sẽ giúp tôi hiểu cạn hết lý lẽ tại sao nó khóc một cách dữ dội và thống thiết tối hôm qua.
Karl thì vững chắc và rất tự tin trong thế đứng uy nghi, trong khuôn phép và cách nghĩ ngợi tập trung, nhưng Josef cũng không kém hào khí, tuy không vững chắc bằng bởi hiếu kỳ và sống động, lúc nào cũng lăng xăng và hành xử thiếu suy nghĩ. Sự hiện diện của Irving trên con phố này cũng vững vàng như ai, nhưng nó pha trộn một cái gì đó giữa vui lẫn buồn, một cái gì mà chính nó cũng không sao hình dung ra cho được, tựa như ở một nơi nào khác. Irving chẳng tự tin tí nào. Nó không gò bó khuôn mẫu mà cũng không buông tuồng khinh xuất, nó chỉ buồn buồn. Tôi thầm nghĩ rồi ra nó sẽ thấu hiểu trọn vẹn hết mọi việc, về bản thân nó cũng như những hệ luỵ với cuộc đời, nhưng giờ thì nó hoang mang quá, không thể đặt để một quan điểm hay nhận định gì về ngoại giới cả.
Cách đây không lâu, có bạo động ở Paris, và ngay sau đó nội chiến bùng nổ ở Áo. Và ai cũng biết rằng Nga đang sửa soạn chống trả lại Nhật, và ai cũng biết cả Âu châu đang bồn chồn vì cái chương trình Quốc Gia Chủ Nghĩa của nhà độc tài Đức hiện tại.
Tôi nói đến những sự kiện này bởi vì có liên hệ đến câu chuyện mà tôi đang kể, như Joyce vẫn nói, thế giới đầy những trẻ con ở khắp mọi nơi, và cái câu chuyện nho nhỏ đêm qua cũng quan trọng đối với tôi như các câu chuyện chiến sự lớn ở Âu châu, câu chuyện quan trọng đối với những người đã lớn và hết cơ hội để thành trẻ con được nữa.
Hôm qua, ngày bắt đầu với sương mù dày đặc, tiếp theo là một cơn mưa rào ngắn. Ba giờ trưa mặt trời trong suốt chiếu qua vài đám mây và bầu trời xanh thẳm, một khoảnh khắc tươi sáng, một không khí thanh sạch…rõ là thời tiết đang kỳ tốt đẹp. Ở San Francisco thời tiết thay đổi như vậy đó, tảng sáng đầy vẻ đông giá, nhưng đến trưa có thể là đang xuân hay bất cứ một mùa nào khác, không chừng.
Tôi rời phòng vào buổi sáng, không thấy một đứa trẻ con nào của dãy phố ra đường cả, nhưng khi về lại vào buổi chiều, tôi thấy Josef và Irving đứng nói chuyện với nhau phía lề tôi đi, trước cửa nhà Irving. Karl bên kia đường, trước nhà nó, đang bước oai vệ theo cái kiểu nhà binh, nhìn kiểu cách đến hay và có vẻ tự phục mình lắm. Xa hơn, ở phía dưới đường là năm đứa bé gái đang chơi nhảy lò cò, chị lớn của Josef, hai chị em bé gái Ái Nhĩ Lan, hai chị em bé gái Ý Đại Lợi.
Sau cơn mưa, không khí như sáng thơm hơn, và ra ngoài đường đi tha thẩn là một cái thú lớn, bọn trẻ nô giỡn dưới làn nắng ấm. Thật là những giây phút quá tươi đẹp để sống, để yêu thương tha nhân và những người cùng thời với ta, tôi nhấn mạnh đến điểm này để chứng tỏ rằng cái xấu thỉnh thoảng vướng lại trong lòng con người không cứ phải là hậu quả hay sự rơi rớt của một thiên nhiên chưa được tươi đẹp. và chúng ta biết rằng, Âu châu có những miền quê xinh xắn nhất cũng chả ảnh hưởng gì đến sự tiến triển và lan rộng một cách tàn khốc của cuộc chiến vừa qua, và cái tiến độ giết chóc cũng ngày một cao y như vào lúc thời tiết xấu. Và việc độc nhất có thể xảy ra, có thể lưu dấu của một thời tiết đẹp là đôi ba bài thơ cảm động của những người lính trẻ đang thiếu vắng hình ảnh người vợ, hình ảnh gia đình, và họ không muốn bị giết chết, bị hy sinh một cách vô cớ.
Đi ngang Josef và Irving, tôi nghe Josef nói về Karl: Nhìn nó coi, cái lối đi gai mắt quá. Mà tại sao nó cứ phải đi như vậy kia chứ?
Tôi đã biết từ lâu rằng Josef rất khó chịu cái vẻ quả quyết kiểu cách và dáng đi của Karl, vì thế lời phê phán của nó không làm tôi ngạc nhiên. Ngoài ra, tính nó rất hiếu kỳ và hay tra gạn mọi chuyện cho tới nơi tới chốn. Tôi có cảm tưởng nó chú ý đến lối đi của thằng Karl phần lớn vì lý do thẩm mỹ, và cũng không có ác ý gì trong lời bình vừa rồi. Tôi không nghe Irving trả lời, và tôi đi thẳng về phòng mình để viết ngay một lá thư cần kíp. Khi viết xong, tôi ra đứng hóng gió ngoài cửa sổ và nhìn lung xuống con đường. Mấy đứa bé gái đã về cả, nhưng Karl vẫn còn bên kia đường, còn Josef và Irving vẫn đứng với nhau. Trời bắt đầu tối dần, và con đường trở lại yên tĩnh.
Không hiểu chuyện xảy ra thế nào nhưng khi Josef và Irving bắt đầu băng qua đường, tôi thấy như cả một quốc gia đang di chuỷên phòng tuyến quân đội của mình đến biên giới một xứ sở lạy Chúa, nhưng những thằng bé thì hồn nhiên và dễ thương quá, và các quốc gia sao mà giống tụi nhỏ này quá chừng, ý nghĩ này khiến tôi không thể không bật cười thầm cho được. Tôi kêu nho nhỏ, ái chà, lại sắp bùng nổ chiến tranh mất thôi, và bọn trẻ con chắc sẽ làm om sòm cả thế giới cho coi. Tôi chắc rằng cả Josef lẫn Karl sẽ bày tỏ lòng căm ghét nhau, cái ân oán thâm thù ngu xuẩn và vô ích, là kết quả của sự non kém và tăm tối, dẫn đến chỗ phải choảng nhau trí mạng, như hết thảy các quốc gia các giống nòi trên mặt đất bị quỷ ám bởi lòng thù hận, ghen ghét và vô minh, nhân danh những điều tốt đẹp để tìm cách thống trị và tiêu diệt nhau, không thương xót.
Chuyện xảy ra bên kia đường, hai thằng nhỏ đánh nhau, một thằng thứ ba đứng khóc sướt mướt, khóc tức tưởi vì việc đó, khóc cho các ý thức dị biệt gây nên chiến tranh khốc liệt trên trần thế.
Tôi không nghe chúng đã nói gì với nhau, cả hai, Karl và Josef đằng đằng sát khí tiến đến gần nhau, và tôi cũng không nhớ chắc cuộc chiến đó đã được tiến hành như thế nào, nhưng tôi cứ nghĩ là nó đã xảy ra lâu lắm rồi, cái mầm mống tiềm ẩn trước khi lâm chiến, một năm hai năm, hoặc nói khác đi, hằng bao thế kỷ trước.
Tôi thấy Josef chạm vào Karl, và rồi Karl hích đẩy Josef, hai thằng đứa nào cũng dễ thương quá, và nước thứ ba nhỏ bé là thằng Do Thái nem nép nhìn chúng sợ hãi như là kinh hoảng tột độ. Khi thằng bé người Đức và thằng bé Slav bắt đầu đánh nhau thực sự, thằng bé Do Thái tấm tức khóc. Thật là dễ thương và bi tráng vô kể, không phải ở cuộc giao chiến dữ dội, mà ở nơi cái khóc hận của thằng bé Do Thái. Cả cuộc chiến chỉ kéo dài trong mấy phút nhưng cái ý nghĩa thì trọn vẹn, và cái phần bền vững cùng tươi mát nhất của nó còn lưu lại chính là tiếng khóc trầm thiết mãi vẳng lại bên tai. Tại sao nó khóc? Nó đâu có liên hệ gì, nó chỉ là một nhân chứng, một nhân chứng cũng như tôi. Nhưng sao nó lại khóc, khóc bi ai?
Tôi cứ ước được biết nhiều hơn về thằng bé Do Thái này. Tôi chỉ có thể nghĩ rằng nó khóc vì sự hiện hữu tai ác của thù hận và sự xấu xa trong lòng người lại là một sự thật, sự thật lộ liễu đến đau lòng. Và tôi cũng chỉ nghĩ đến như vậy là cùng.