Chương 23
Tác giả: William Saroyan
Anh bạn Ralph Moradian, ở cách tôi một lối đi, bên kia đại lộ San Benito ở Fresno, kể cho tôi chuyện này, tôi thích quá và, viết ngay thành truyện. xưa nay, những người trung gian bảo hiểm đối với tôi bao giờ cũng đáng chú ý, tôi khoái nghe nhất là những trần thuật của họ về những kỳ vọng trong đời sống.
Arshag Gorobakian là một người nhỏ con, làm trung gian cho một công ty bảo hiểm nhân thọ ở New York để sinh sống. ông được đặc phái làm việc với những người đồng hương thuộc cộng đồng Armenia. Trong hai mươi năm, ông thường nói với những thân chủ mới rằng, Tôi đã bán khoảng ba trăm chứng khoán bảo hiểm, và cho đến nay chỉ có hai trăm thân chủ của tôi đã qua đời. ông không nói lời đó một cách buồn bã và câu đó không nhắm làm một lời luận bàn về nỗi nghiệt ngã của cuộc đời. Trái lại nụ cười của Gorobakian chứng tỏ rằng khi nói hai trăm thân chủ chết, nó ngụ ý rằng đó là những người đánh lừa lấy mất của sự chết cái chiến thắng đáng sợ và đồng thời biến cty Bảo hiểm Nhân thọ New York thành một con khỉ. Họ đều là những người khôn ngoan, ông thường nói thế với những thân chủ mới, loại người như ông, thực tế và thông minh trong mọi vấn đề. Họ tự nhủ, phải, chúng ta sẽ chết, không sao thoát khỏi, và hãy nhìn thẳng vào sự thật đó.
Đến đó, người trung gian bảo hiểm thường móc trong túi ra những đồ thị và thống kê in sẵn, và nói, Đây, những sự thật đây. Ông bốn mươi bảy tuổi, và nhờ ơn trời, vẫn mạnh khoẻ. Theo dự liệu thì năm năm nữa ông sẽ chết.
Ông lại cười dịu dàng, chia sẻ với thân chủ mới niềm khích động về cái hữu hạn, cái chóng vánh của đời người và nhờ đó có được một số tiền kếch xù. Ông lại nói, Trong năm năm ông chỉ trả cho công ty tôi ba trăm mười bảy đô, và khi chết, ông sẽ thu được hai mươi bảy ngàn, hoặc một lợi tức ròng mười chín ngàn sáu trăm mười ba đô.
Ông lại nói, đầu tư gì đi nữa thì đó cũng là một lợi tức khá.
Tuy nhiên, có một lần, ông nói chuyện với một bác nông dân ở Kingsburg, người không tin rằng mình sẽ chết trong vòng năm năm nữa.
Bác nông dân nói, Mười bảy mười tám năm nữa tôi sẽ trở lại.
Người trung gian nói, Nhưng giờ đây bác đã sáu mươi bảy tuổi rồi.
Bác nông dân nói, Biết chớ, nhưng tôi không dễ bị bịp trong những chuyện như vầy. Hai mươi năm nữa tôi vẫn còn sống. Tôi đã trồng ba cây ô liu mới và tôi biết tôi sẽ không chết cho đến khi nó lớn hoàn toàn. Đó là chưa nói tới những cây dâu, cây lựu, những cây bồ đào, cây hạnh. Không, chưa đến lúc để thương lượng một việc như vậy. Tôi chắc chắn là hai mươi năm nữa tôi vẫn còn sống, như đinh đóng cột vậy. Tôi nói cái này được không?
Người trung gian bảo hiểm nói, Vâng.
Tôi sẽ sống ba mươi chứ không phải hai mươi năm đâu. Ông bạn thấy rõ là tôi sẽ bị bịp theo kiểu thương thảo này mà.
Người trung gian bảo hiểm nhỏ thó, nhã nhặn, ăn nói dịu dàng và không bao giờ nổi sùng bất tử.
Ông nói, Tôi thấy chứ, bác là một người có sức mạnh dị thường.
Bác nông dân gầm lên, Sức mạnh dị thường! Tôi nói cái này được chứ?
Người trung gian bảo hiểm gật đầu.
Bác nông dân nói, Điều ông bạn nói là sự thật. Tôi là một người có sức mạnh dị thường. Chết gì mới được chứ? Tại sao tôi phải chết? Vì lý do gì, hỡi ông bạn đồng hương? Tôi không vội vã gì cả. Tiền? Vâng, quý lắm nhưng tôi chưa nghẻo đâu mà vội.
Người trung gian bảo hiểm im lặng rít một hơi xì gà, mặc dù trong lòng dao động lắm, như một sĩ quan Kỵ Binh lúc bị đánh tan hàng ngũ, đang cố gắng một cách tuyệt vọng để tụ tập quân lính của mình lại, sắp xếp một cuộc phản công khác.
Ông sống với bác nông dân, Mong cho bác chết ư? Lạy Chúa, không bao giờ. Cả đời tôi chưa bao giờ mong cho một người nào khác chết cả. Đời sống là cái mà chúng ta hưởng thụ. Cái vị dưa hấu vào một ngày hè oi bức là cái mà chúng ta ấp ủ.
Bác nông dân ngắt lời, Cho phép tôi nói cái này nhé?
Người trung gian bảo hiểm lại gật đầu.
Bác nông dân nói, Ông bạn nói quá đúng. Cái mà chúng ta ấp ủ là hương vị dưa hấu vào mùa hè. Và bánh mì pho mát, cả nho tươi nhâm nhi dưới bóng râm buổi chiều. Ồ, xin ông bạn cứ nói tiếp.
Người trung gian bảo hiểm nói, Tôi không muốn ai ra đi khỏi cái khung cảnh ấm cúng của cuộc đời. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thực chứ.
Ông gõ gõ lên xấp tài liệu đang cầm trên tay.
Ông nói, Thế giơi chúng ta là một nơi điên cuồng. Bác đang là một người khoẻ mạnh, đang lim dim thưởng thức cái vị dưa hấu ngọt lịm, đang thẩn thơ trong một thành phố, rồi bỗng đâu một chiếc xe va phải bác, và bác đâu rồi kìa? Bác chết mất toi.
Bác nông dân nhíu mày.
Bác nói, Ờ nhỉ, đồ xe hơi.
Người trung gian bảo hiểm nói, Trong trường hợp bác chết vì tai nạn, lạy Chúa, bác sẽ được bồi thường gấp đôi.
Bác nông dân nói, Mấy chiếc xe hơi lộn xộn quá. Tôi phải cẩn thận hơn khi ra ngoài đường phố.
Người trung gian bảo hiểm nói, Tất cả chúng ta ai cũng đều cẩn thận, nhưng có ích gì cơ chứ? Mỗi năm số người chết vì tai nạn xe hơi còn nhiều hơn một năm đại chiến.
Bác nông dân nói, Tôi nói cái này nhé?
Bác cứ tự nhiên.
Bác nông dân nói, Tôi nửa muốn được bảo vệ, nửa muốn lấy một chứng khoán bảo hiểm.
Người trung gian bảo hiểm nói, Thật là một tính toán khôn ngoan.
Bác nông dân mua một chứng khoán và bắt đầu đóng tiền. Hai năm sau bác mời người trung gian bảo hiểm đến nhà thờ và quở trách một cách nghiêm ngặt, quở trách trong lễ độ. Bác than phiền rằng mặc dù bác đã tiêu mất vài trăm đô, bác vẫn chưa hề có cái chết gì cả, điều mà bác cho là kỳ lạ.
Bác nói, Tôi không muốn giữ chứng khoán nữa.
Người trung gian bảo hiểm kể một câu chuyện châm biếm về một người nọ cũng bỏ chứng khoán sau hai năm, thì một tuần sau ông ta bị một con bò điên húc chết ngay đơ. Câu chuyện không làm cho bác nông dân nao núng và xúc động.
Bác nói, Cho phép tôi nói cái này nhé?
Xin bác cứ tự nhiên.
Người nông dân nói, Trên thế gian này không có con bò điên nào đủ sức để húc cho tôi ngã cả. Tôi sẽ bẻ cổ nó, không, cám ơn, tôi không muốn bảo hiểm nữa. Tôi đã quyết định rồi, tôi sẽ không chết dù là chết để có lời. Tôi có cả trăm cơ hội để chìa mặt ra trước mũi xe, nhưng luôn luôn lùi lại kịp để nhường cho nó lướt qua.
Câu chuyện trên đã mười bốn năm rồi và bác nông dân Hakimian vẫn còn sống khoẻ.
Tuy nhiên người trung gian bảo hiểm chọn thêm những người sáng suốt hơn bác nông dân. Vì chính ông cũng là một người đã tốt nghiệp đại học. Ông ưa thích những người mà ông có thể hàn huyên cả tiếng đồng hồ về các đề tài khác nhau, để rồi dần dà kéo vào chuyện bảo hiểm. Ông đã từng lái một mạch hai trăm dặm đến San Francisco để nói chuyện với một nha sĩ, khá hiểu biết.
Có một lần ông quyết định lái chiếc Buick qua một vùng quê ở Boston. Đó là cuộc hành trình dài mười ngày. Dọc đường hẳn là có nhiều cái để ngắm nghía, và ở Boston ông sẽ ghé thăm người chị và chồng con của chị.
Ông đến Boston và ghé thăm gia đình người chị, ở đó ông gặp một người buôn thảm, cũng là một người đã tốt nghiệp đại học. Ba lần trong vòng mười ngày, ông ghé thăm người kia tại nhà riêng và trò chuyện rôm rả. Người kia tên là Haroutunian, và cũng có cái thú tán gẫu. Người trung gian bảo hiểm nhận thấy người kia thật là thông thái trong mọi vấn đề, nhưng khi đưa ra chuyện bảo hiểm nhân mạng, ông khám phá ra rằng ông bạn kia chả thích tí nào. Nói thẳng ra là không, ít ra là trong lúc này.
Đã đến lúc người trung gian bảo hiểm phải trở về California. Trước khi lên d , người buôn thảm Haroutunia đem đến một chậu cây nhỏ.
Người buôn thảm nói, Này bạn, tôi có một người em đang sống ở Barkersfield gần chỗ bạn đó. Đến hai mươi năm rồi chúng tôi chưa gặp lại nhau. Ông bạn cho tôi một đặc ân, được không?
Dĩ nhiên, người trung gian bảo hiểm nói.
Người buôn thảm nói, Đem hộ cái này đến cho cậu em tôi với lời chào mừng của chúng tôi.
Rất sẵn lòng, người trung gian bảo hiểm nói, nhưng cây này là cây gì vậy?
Người buôn thảm nói, Tôi cũng không biết, nhưng nó có một mùi thơm rất tuyệt. Ngửi xem.
Người trung gian bảo hiểm ngửi cái cây và rất thất vọng về cái mùi của nó.
Ông nói, Thật là một mùi tuyệt diệu.
Người buôn thảm ghi cho ông trung gian bảo hiểm tên và địa chỉ của người em, đoạn ông nói, Một điều nếu là Nha Canh Nông ở mỗi tiểu bang đòi hỏi rằng một cây mang đi phải được khám nghiệm coi có sâu bọ gì không. Cây này không có đâu, nhưng luật pháp là luật pháp. Ông chịu khó dừng lại một phút ở Nha Canh Nông của mỗi tiểu bang. Thủ tục ấy mà.
Ô, người trung gian bảo hiểm nói.
Tuy nhiên, vì đã hứa rồi, nên ông vất cây lên xe và rời khỏi Boston.
Ông là một người rất tôn trọng luật pháp, và cái cây đã gây cho ông khá nhiều phiền hà. Rất thường, là sau khi kiếm ra được Nha Canh Nông của mỗi tiểu bang thì cái ông thanh tra lại đi khỏi tỉnh và đến mấy bữa mới về…
Kết quả là người trung gian bảo hiểm phải mất đến hai mươi mốt ngày thay vì mười ngày mới về tới nhà. Ông lái thêm một trăm dặm để đến Bakersfield và tìm được nhà của ông em người buôn thảm.
Cái cây vẫn an toàn và đang nở những cụm hoa đỏ, toả ra cái mùi mà đối với người trung gian bảo hiểm thì…không sao chịu nổi.
Người trung gian bảo hiểm nói, Tôi đã mang cái cây tuyệt diệu này suốt ba ngàn bảy trăm sáu mươi tám dặm, từ nhà anh của ông ở Boston đến nhà ông ở Bakersfield. Anh của ông gửi lời chào nồng nhiệt.
Em người buôn thảm còn ít ưa cái cây này hơn cả người trung gian boả hiểm.
Ông ta nói, Tôi không thích cái cây này tí nào.
Người trung gian bảo hiểm là một loại người khó có ai và cái gì có thể khiến cho ông ta phải kinh ngạc. Ông chấp nhận sự lãnh đạm của người em người buôn thảm, và ông vác cái cây kia về nhà.
Ông trồng nó ở chỗ tốt nhất sau vườn, bón phân cho nó, tưới nước và chăm sóc rất cẩn thận.
Ông tâm sự với người hàng xóm, Đây không phải là cái cây. Nó làm tôi lộn mửa. Nhưng không chừng, một ngày nào đó tôi sẽ trở lại Boston thăm bà chị, và khi gặp lại người buôn thảm, ông ta sẽ hỏi về cái cây ấy và tôi sẽ rất sung sướng cho ông ta biết rằng nó vẫn đang nảy nở tốt tươi. Tôi cảm thấy mình sẽ có một dịp may rất tốt, như bất cứ ai, để bán cho ông ta một chứng khoán bảo hiểm nhân thọ.