Chương 26
Tác giả: William Saroyan
Về những thổ dân da đỏ, tôi quả là ít có dịp để biết rõ về họ, chắc hẳn một lẽ là vì không ở trong thế giới của họ nhiều, mặc dù khi còn ở Paris hay ở trong Quân Y viện, tôi có biết một người trong bọn họ và không sao quên được, một nét riêng chẳng mấy ai để ý đến lại in đậm trong lòng tôi, chính là cái cười âm thầm nhưng không sao ngăn được của anh – đúng ra là nước mắt, nước mắt cho cả một dòng giống, không phải riêng cho người da đỏ, mà cho cả những thân bằng chết thảm thương trong chiến tranh. Phần anh chỉ bị thương và cũng sắp được xuất viện để về lại với quê nhà.
Những năm 1947 và 1948, tôi ưa la cà lui tới tiệm mậu dịch Da Đỏ ở đại lộ số 3, New York, nơi họ thường đem các món thủ công đến gửi bán, và có lẽ nhờ những cuộc nấn ná lần khân như thế mà tôi có được cái ý để viết truyện ngắn này, truyện viết vào ngày thứ ba sau Giáng Sinh 1948.
Donald Efau, sáu tuổi ba tháng, đang đứng ở góc đại lộ số 3 và đường 37, nơi mà ông bố Harry cáu kỉnh của nó, khoảng một tiếng đồng hồ trước đây, đã bảo nó đứng đợi dăm ba phút để ông vào tiệm mua chút ít gì đó cho bé Alice đang ốm liệt giường vừa ho vừa khóc ở nhà. Alice lên ba và nó làm cho cả nhà phải canh thức suốt đêm. Ông bố Harry cáu kỉnh của Donald chẳng ưa gì cái tiếng lè nhè nhão nhượt đó chút nào, và ông đổ lỗi cho má chúng nó. Má chúng nó tên là Mabelle. "Mabelle, Louisa Fernandez trước khi tôi lấy harry Efau", có lần thằng bé nghe mẹ nó nói với người thợ đến sửa cái cửa sổ bị gãy dưới nhà bếp. "Nhà tôi lai Da Đỏ phía bên mẹ, tôi thì lai phía bên cha, Fernandez có vẻ Tây Ban Nha hoặc Mễ Tây Cơ gì đó hơn là Da Đỏ, nhưng dù sao thì bố tôi cũng lai Da Đỏ. Dẫu vậy, chúng tôi cũng ít sống chung với họ, như một số người Da Đỏ khác, chúng tôi hầu như chỉ sống ở thành phố".
Thằng bé mặc chiếc áo phong phanh và một áo khoác ca rô mà bố nó đã thải ra và có thể trở thành áo choàng cho nó nếu như không quá rộng thùng thình thế kia. Tay áo đã được cắt bớt để ngắn vừa với thằng bé, nhưng cũng chỉ vậy thôi. Túi áo thì quá tầm với, nên thằng bé phải xoa tay cho ấm. Lúc ấy đã mười một giờ trưa.
Bố Donald đã vào tiệm, rồi chẳng mấy chốc ông sẽ trở ra và hai bố con thả bộ về nhà. Má sè cho Alice uống chút đỉnh, sữa và thuốc, rồi em bé sẽ thôi khóc và ho, má và bố cũng thôi chì chiết chửi bới nhau.
Đó là tiệm Haggerty. Tiệm có một lối vào ở góc đường và một lối đi tắt bên hông. Harry Efau đã đi ra lối phía đường 37 sau năm phút vào tiệm. ông nào có quên thằng con ở ngoài đường, ông chỉ muốn thoát khỏi nó một lát, và thoát khỏi tất cả. Ông uống một ly uýt ky nhỏ với giá cắt cổ hết cỡ. Ông nốc ực một hơi rồi bước vội ra khỏi tiệm và biến mất, định vài phút sẽ trở lại đón thằng bé rồi mua thức ăn và uống, xong về nhà xem có giúp được gì cho con bé bớt ốm không, nhưng chẳng hiểu sao ông cứ đi, đi mãi.
Cuối cùng rồi Donald cũng bước liều vào tiệm và thấy ở đây chả giống bất cứ một cửa tiệm nào cả. Cái ông mặc áo choàng trắng nhìn nó đăm đăm và nói "Mày đâu có được vào đây, nhỏ. Cút mau".
"Bố cháu đâu?"
ông kia ngoái cổ vào trong, hét tướng lên "Ai bố thằng nhỏ này, có đây không?" và tất cả mọi người trong tiệm, cả thảy bảy người, đồng loạt nhìn ra Donald. Họ chỉ nhìn thoáng rồi lại tiếp tục uống và chuyện vãn các thứ.
Ông kia nói "Bố mày là ai thì cũng không có ở đây".
Donald nói "Harry, Harry Efau".
"Tao chẳng biết ai tên là Harry Efau cả. Thôi, về đi con".
"Bố cháu bảo đợi ở ngoài một lát".
"Có, tao biết mà. Hừ, cả đống người vào đây uống một ly rồi dông tuốt. Tao chắc bố mày cũng cá mè một lứa như vậy. Nếu bố mày bảo đợi ở ngoài, mày nên ra đợi thì hơn. Mày đâu có quyền ở trong này, nhóc".
"Ở ngoài lạnh khiếp quá".
Người bồi rượu nói "Tao biết ở ngoài lạnh thật, nhưng mày cũng đâu ở trong này được. Cứ đợi ở ngoài kia như bố mày dặn, không thì cút về nhà đi".
Thằng bé nói "Cháu không biết đường mà!".
"Thế mày có biết địa chỉ không?"
Rõ ràng là thằng bé không hiểu nghĩa câu hỏi, nên người bồi rượu đổi cách nói khác.
"Chứ mày có biết số nhà và tên đường không?"
"Không. Bố con tôi đi bộ, bố con tôi đi mua thuốc cho Alice mà".
Người bồi rượu kiên nhẫn hơn "Biết rồi! Và tao cũng biết ngoài kia trời lạnh lắm, nhưng dù gì đi nữa mày cũng cứ phải ra khỏi đây con ạ. Tao không được phép cho trẻ con vào tiệm rượu, xin ông oắt hiểu cho."
Một ông vào khoảng sáu mươi, xanh mướt, dở say dở chết đứng dậy khỏi bàn, đi về phía người bồi rượu.
"Tôi bằng lòng đưa thằng bé này về nhà nếu nó chỉ đường cho tôi".
Người bồi rượu nói "Ngồi xuống giùm con đi bố, thằng nhỏ có biết đường biết sá gì đâu".
Ông kia nói "Không chừng nó biết. Tôi cũng có thằng con như vậy, và đường phố đâu phải chỗ cho trẻ con kia chứ. Tôi sẵn sàng đưa nó về với má".
Người bồi hơi đổ quạu "Biết rồi, khổ quá, nhưng mà ngồi xuống giùm con đi bố".
Ông già vẫn nhây "Này con, ta sẽ đưa con về".
"Ngồi xuống!" Người bồi rượu gần như hét lên.
Ông già quay lại, quá đỗi ngạc nhiên.
Ông xuống giọng "Này, bác coi tôi là cái thá gì vậy? Thằng nhỏ lạnh, sợ hãi và cần má nó".
Người bồi rượu nài nỉ "Ông làm ơn ngồi xuống. Tôi biết tất cả về thằng nhỏ rồi, và ông cũng lg là người đưa được nó về nhà với má nó đâu".
"Phải có người đưa nó về với má" ông già nhỏ nhẹ, rồi ợ lên từng búng hơi. Ông già ăn mặc quần áo cũ nhàu, nhăn nhúm, và người bồi rượu thừa biết là do một hội từ thiện nào đó phát chẩn cho. Ông ta còn ba hay bốn mươi xu để uống bia thôi.
Ông già nói tiếp "Hôm nay là ngày thứ ba sau Giáng sinh. Không đến nỗi xa Giáng sinh gì mấy để bất cứ ai trong chúng ta có quyền lãng quên không giúp đỡ thằng bé về với má".
"Á à, cái gì vậy?" Một ông khách khác gạn hỏi.
Người bồi rượu phân trần "Có gì đâu. Bố thằng nhỏ này bảo nó đợi ngoài kia, vậy thôi". Đoạn ông quay về phía Donald Efau "Nếu mày không biết lối về nhà, thì cứ đợi ngoài kia như bố mày dặn, chả mấy lúc bố mày trở lại và đưa mày về nhà. Thôi đi, ra khỏi đây lẹ lên".
Thằng bé lủi thủi bước ra và đứng lại chỗ cũ hơn một tiếng đồng hồ. Ông già lẽo đẽo đi theo thằng nhỏ. Người bồi rượu nhoài qua quầy, nắm lấy vai ông già cạnh cánh cửa xoay, quay người ông lại và ấn ông xuống ghế, nói nhỏ nhẹ "Ngồi xuống coi. Việc của ông không phải là lo cho thằng nhỏ, hãy lo cho cái thân già đi đã. Để tôi canh chừng thằng nhỏ cho, không sao đâu".
Ông già bực dọc "Này, ông coi tôi là cái thá gì chứ?"
Đứng cạnh cánh cửa xoay, nhìn suốt con đường, người bồi rượu gốc Ái Nhĩ Lan, thấp, nặng nề, khoảng ngoài năm mươi, quay lại nói "Này, hỏi thực nhé, chứ gần đây ông có hay soi gương không? Ông sẽ không được đến góc đường kia để cầm tay thằng bé đâu".
"Sao lại không?"
"Vì trông tướng tá của ông chả giống một ông bố hay bạn bè gì của bố hay là cái thớ gì của bất cứ một thằng bé nào cả".
Ông già đáp yếu ớt "Tôi cũng có con vậy mà".
Người bồi rượu nói "Biết chứ. Nhưng cứ ngồi im cho con nhờ. Có người được phép tử tế với trẻ con và có người không. Vậy đó".
Ông lấy một chai bia đến bàn ông già và đặt xuống cạnh cái ly không của ông già.
Ông nói "Đây là chai bia của tôi. Thỉnh thoảng tôi cũng được phép tử tế với người già như ông, và thỉnh thoảng ông cũng được phép tử tế với những người bồi rượu như tôi, nhưng chắc chắn là ông không được phép tử tế với một thằng nhỏ mà bố nó đang lảng vảng đâu đây. Cứ ngồi im mà uống đi".
Ông già phát cáu "Tôi không thèm uống cái thứ bia bẩn này. Và ông không có quyền cầm tù tôi trong cái quán dơ dáng này đâu".
"Ngồi yên giùm cho đến khi bố thằng nhỏ đến đón nó về nhà, rồi thì ông có thể ra khỏi đây mau chóng như ông muốn".
Ông già nóng nảy "Tôi muốn ra khỏi đây ngay bây giờ. Tôi không bước gì phải nghe bất cứ ai trên đời này sỉ vả tôi cả. Nếu tôi chỉ nói sơ sơ cho ông biết tôi là ai, chắc chắn ông sẽ không ăn nói với tôi cái kiểu cha nội trời đánh đó đâu".
Người bồi rượu nói "Được rồi". Ông muốn phủi tay cho xong, không muốn cãi vã om xòm, và ông thấy nên lấy lòng ông già để ông ta quên đi cái ý định giúp đỡ thằng nhỏ "Ừ, nói cho tôi biết qua loa ông là ai di và tôi sẽ không cư xử với ông thế nữa".
Ông già nói "Tôi chắc là ông sẽ không chịu tin đâu".
Người bồi rượu rất mừng khi nhận thấy ông già bắt đầu rót bia vào ly. Ông nhìn ông già đẩy một hơi hết một phần ba ly, rồi ông già nói "Tôi tên là Algayler, chỉ có thế".
Ông già uống thêm bia nữa và người bồi rượu đợi ông nói tiếp. Bây giờ thì ông đứng ở cuối quầy, để có thể trông chừng thằng nhỏ ở ngoài đường. Thằng nhỏ vẫn đang xoa tay vào nhau, nhưng cũng ổn cả. Nó là một thằng nhỏ già đặn và đầy lao khổ, và cái việc đứng ngoài đường đợi bố thế này cũng chẳng đến nỗi nào quá lắm.
"Algayler", ông già lặp lại, và ông lí nhí trong cổ họng. Giờ thì người bồi rượu chẳng còn nghe được ông già muốn nói gì, nhưng điều đó cũng chẳng sao, vì ông biết rằng từ giờ trở đi thì ông già đã đâu vào đấy cả rồi.
một bà, cả tuần nay ngày nào cũng đến quán vào giữa trưa, dắt theo một con chó phốc, bà nói "Có thằng nhỏ đứng phía trước cửa lạnh lẽo quá. Này, chứ con cái nhà ai vậy?"
bà ta vừa nghiến chặt hàm răng giả vừa nhìn mấy người khách, còn con chó nhỏ thì nhảy tâng tâng dưới chân bà và bắt đầu làm quen với hơi ấm dễ chịu trong quán.
Người bồi rượu nói "Nó không sao đâu, bố nó đi chút việc. ông ta trở lại ngay ấy mà".
Bà kia nói "Hừ, ông ta nên trở lại ngay thì hơn. Nếu như có một điều tôi không sao chịu nổi đó là làm bố mà lại bỏ con đứng thất thểu ngoài đường."
"Algayler" ông già quay lại và nói bằng một giọng khó nghe.
Bà kia nói "Ông nói gì vậy đồ say chết bầm?" con chó bất thần nhào bổ về phía ông già, sợi giây thắt chặt lại, rồi sủa inh lên vài tiếng.
Người bồi rượu lễ phép nói "Có gì đâu, ông ta chỉ sống tên mình thôi mà".
"Hừ, hắn ta không nói năng nhăng nhít gì khác thì thật là hay đấy" bà vừa nói vừa nghiến hàm răng giả.
Con chó cũng hoà hưỡn đôi chút, nhưng vẫn phải nhảy tâng tâng vì cái ấm áp dễ chịu. Nó mặc cái áo mà bà ta luôn đắp lên nó vào mùa lạnh, nhưng chẳng ăn thua gì tới chân với cẳng cả, và chính nơi đó là nó cảm thấy lạnh nhất.
Người bồi rót rượu vào ly cho bà kia và đứng lại nơi quầy, bà ta bắt đầu nhấm nháp, sau rồi bà cũng leo lên một chiếc ghế cho dễ xoay xở, và con chó cũng thôi nhảy nhót, nó nhìn dáo dác đó đây.
Người bồi rượu lại đem cho Algayler một chai bia nữa và chẳng nói lấy nửa lời, cũng chẳng buồn nhìn, họ đồng ý rằng có thể thoả thuận trên nền tảng này.
Một người vào khoảng ba mươi lăm mà khuôn mặt và bộ ria tỉa gọn ghẽ, trông quen quen, vào tiệm từ phía đường 37, gọi một ly Bourbon, và sau khi rót xong rượu, người bồi rượu nói thật khẽ để khỏi ai nghe "Chắc không phải là con ông đang đứng ngoài kia chứ, phải không?"
Ông kia vừa nâng cái ly nhỏ lên môi, nhìn vào ly rượu, nhưng khi nghe câu hỏi, ông quay mắt khỏi ly rượu, nhìn sững người bồi, hớp thật nhanh, rồi chẳng nói gì cả, đi về phía cửa trước để nhìn thằng nhỏ. Cuối cùng ông này quay về và lắc đầu. Ông gọi một ly nữa và uống, rồi bước ra và đi qua trước mắt thằng nhỏ, chẳng buồn để ý đến nó.
Sau khi uống xong chai bia miễn phí thứ nhì, Algayler ngủ khì trên ghế và cái bà đi với con chó phốc bắt đầu nói với người bồi về con chó của mình.
Bà nói "Tôi nuôi Tippy suốt đời, lúc nào chúng tôi cũng có bên nhau. Từng giây từng phút".
Một chàng dưới ba mươi, ăn mặc bảnh choẹ bước vào tiệm lúc mười hai giờ mười lăm, gọi một ly Johny Walker nhãn đen thật lạnh, với ly nước giã rượu, nhưng lại đổi lấy nhãn đỏ ngay, và sau khi uống, liền hỏi "Ti vi ở đâu?"
"Chúng tôi không có ti vi".
"Không có ti vi?" chàng ta nói một cách vui vẻ. "Này, thế quán này là quán kiểu gì vậy? Tôi chưa thấy một quán nào ở New York mà lại không có ti vi bao giờ. Thế thì ở đây thiên hạ coi cái gì?"
"Chúng tôi chỉ có máy hát thôi".
Chàng kia nói "Ờ, thì cũng được. Nếu ông chỉ có thế. Ông muốn nghe cái gì nào?"
"Xin cứ tự nhiên".
Chàng kia chăm chú xem tên các đĩa hát, rồi nói, "Nghe Benny Goodman chơi Jingle Bells nhé?"
Người bồi rượu nói "Tuỳ ông".
"Được" chàng kia vừa nói vừa bỏ một đồng xu vào máy. "Jingle Bells đây".
máy bắt đầu hát trong khi chàng kia lại nơi quầy và người bồi rót thêm một ly nhãn đỏ lạnh nữa. Nhạc dạo đầu và sau khi nghe một lát, chàng kia nói "Đây là cái gì đấy chứ đâu phải Jingle Bells?"
"Ông ấn sai số rồi".
Chàng kia nói một cách thích thú "Ờ, không sao. Không sao cả. Vả lại cũng không phải là bài dở".
Thằng nhỏ lại vào nữa nhưng máy hát ồn quá, người bồi không thể bảo nó đi ra mà không phải la lên, nên ông lò dò lại phía thằng nhỏ và dẫn nó ra chỗ đợi ngoài đường.
Donald Efau nói "Bố cháu đâu?"
"Bố mày trở lại ngay mà. Cứ đứng ngoài này đi".
thằng nhỏ đứng cho đến hai giờ rưỡi, đến khi tuyết bắt đầu rơi. Người bồi chọn đúng lúc thích hợp để ra đem thằng nhỏ vào. Ông bắt đầu đi đi lại lại xuống bếp kiếm cho thằng nhỏ cái gì để ăn. Thằng nhỏ ngồi chồm hổm trên một cái hộp, sau quầy, không ai thấy và ăn đồ ăn trên một cái hộp khác.
Ăn xong, thằng nhỏ thiu thiu ngủ, nên người bồi rượu dọn cho nó một chỗ để nằm dài trên vài thùng bia không, dùng áo khoác của ông để làm nệm và ba cái yếm cũ trong xắc đựng đồ giặt ủi và cái áo đi phố để đắp.
Ông và thằng nhỏ chẳng nói lấy một lời từ lúc ông đem nó vào, và bây giờ nằm dài ra, sắp sửa ngủ thiếp đi, thằng nhỏ hầu như vừa cười vừa mếu.
Những khách uống buổi sáng đều về hết, kể cả Algayler và cái bà răng giả dắt theo con chó phốc, và cuộc buôn bán lại một lần thay đổi phiên trực trong khi thằng nhỏ đang đuổi theo những giấc mơ.
Khi thằng nhỏ thức dậy thì đã năm giờ kém mười lăm. Lát sau nó sực nhớ ra người bồi, nhưng lại cũng không nói gì. Nó nhổm dậy, như thể đang ở trên giường nhà nó vậy, và rồi sau khi tan mộng với đôi mắt mở lớn trong mười phút, nó bước xuống.
Bấy giờ bên ngoài trời tối đen và tuyết rơi như một cơn bão. Thằng bé ngắm tuyết đã đời rồi quay lại nhìn lên người bồi.
Nó nói "Bố cháu có trở lại không?"
Người bồi rượu nói "Chưa".
Ông quỳ xuống để nói với thằng nhỏ.
"Năm phút nữa là tao xong việc nếu mày có thể chỉ được nhà mày tkhi mày thấy, tao sẽ cố đưa mày về nhà".
"Bố cháu không trở lại thật sao?"
"Không. Có lẽ bố mày quên béng là để mày ở đâu rồi".
"Bố cháu để cháu ở đây" thằng nhỏ nói như thể đây là điều không thể nào quên được. "Ngay đằng trước".
"Tao biết".
Người bồi rượu phiên tối mặc áo choàng trắng vào, từ trong bếp đi ra và để ý thấy thằng nhỏ ngay.
"Đứa nhỏ nào đây John? Con của anh đấy hả?"
"Ừ" Người bồi rượu ừ hử cho qua chuyện vì ông không muốn người kia biết chuyện gì đã xảy ra.
"Nó lấy cái áo đâu ra vậy?"
Thằng nhỏ nhăn mặt nhìn xuống sàn.
Người bồi rượu nói "Một trong mấy cái áo cũ của tôi ấy mà. Dĩ nhiên nó có áo của nó, nhưng đây là cái nó thích mặc nhất".
Thằng nhỏ bỗng nhiên ngước nhìn người bồi rượu, kinh ngạc.
Người bồi rượu phiên tối nói "Ừ, con nít nó vậy đấy, John. Ưa làm người lớn như bố".
Người kia phụ hoạ "Đúng vậy".
Ông cởi áo trắng ra rồi mặc áo đi phố, áo choàng vào và nắm lấy tay thằng nhỏ.
Ông nói "Về nhé". Người bồi rượu phiên tối đáp lời ông và nhìn theo hai chiếc bóng bước lần ra đường phố.
Họ đi với nhau trong im lặng qua ba ngã tư rồi bước vào tiệm kem, ngồi ở quầy.
"Sô cô la hay va ni?"
"Cháu không biết".
"Một sô cô la, một kem sô đa va ni".
Người bồi rượu nói với người bán, và khi thức uống được đặt trên quầy, người bồi rượu ăn cái va ni. Thằng nhỏ ăn sô cô la, rồi cả hai lại bước ra ngoài mưa tuyết.
"Nào, bây giờ thử nhớ xem mày ở lối nào. Nhớ được không?"
"Cháu không biết lối nào cả".
Người bồi rượu đứng dưới tuyết, cố nghĩ xem phải làm gì nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu cả.
Cuối cùng ông nói "Này, cháu nghĩ cháu có thể ngủ đêm nay ở nhà bác với mấy đứa nhỏ được không? Bác có hai thằng và một con gái nhỏ. Bác sẽ sắp chỗ cho cháu ngủ, mai bố cháu sẽ đến đón cháu".
"Bố cháu có chắc sẽ đến không?"
"Chắc chắn đến chứ?"
họ đi dưới tuyết, lặng lẽ, rồi ông nghe thằng nhỏ khóc rấm rứt. Ông không cố an ủi vì ông biết chẳng thể nào giúp nó hơn. Tuy nhiên thằng nhỏ không đến nỗi mất bình tĩnh, nó chỉ khóc nho nhỏ và đi bên người bạn già. Nó có nghe nói về những kẻ lạ, về kẻ thù hung dữ và nó tin rằng họ là một thứ với nhau, nhưng đây là một người nó chưa từng gặp và cũng không thể nghi ngại là kẻ thù. Dù sao đi nữa, thiếu vắng ông bố cáu kỉnh của nó thì quả là cô đơn dễ sợ.
họ bắt đầu bước lên một vài bậc thềm phủ đầy tuyết và ông bạn thằng nhỏ nói "Bác ở đây này. Chúng mình sẽ ăn một chút gì nong nóng rồi cháu có thể đi ngủ đến sáng mai, cho đến khi bố cháu đến đón cháu".
Thằng nhỏ hỏi "Khi nào bố cháu đến?"
Ông bạn già đáp "Sáng mai".
Khi họ bước vào, ánh đèn của căn nhà phủ chụp xuống, người bồi rượu thấy thằng nhỏ hết khóc, và có lẽ sẽ thôi khóc cho đến hết quãng đời còn lại của nó.