Chương 22
Tác giả: William Saroyan
Cái ý chính ở đây là thử thăm dò trong một truyện cười ra nước mắt, sự tương hệ giữa tuyên truyền và những biến cố thực. Ngày nay, với những phương tiện và môi trường giao thông hiện đại, chúng ta được sinh hoạt mau lẹ, cái gì đến trước, biến cố hay lịch sử của nó? Khi nào tư tưởng và ý định trở thành hành động, những phóng viên nhặm lẹ và hăng hái của báo chí, truyền thanh, và truyền hình tại chỗ, trong chỗ, ngoài chỗ, qua chỗ, thì sao? chiến tranh. Nếu ta nói chiến tranh, có chiến tranh và tất cả những phương tiện thông tin hoạt động trở lại. Bác phó cạo trong truyện này là bạn tôi, bác không ưa sự cuồng nhiễu. Còn người ngồi ghế cắt tóc, hay đứa trẻ bán báo là ai, tôi xin nhường lại cho bạn đọc.
Vào ngày mùng ba tháng chín năm 1939, một thằng bé tên John chạy xộc vào tiệm hớt tóc ở đại lộ Moraga, nơi tôi đang cắt tóc.
Nó nói, Tuyên chiến ở Âu châu rồi.
Ông Tagalavia tay buông lược, tay buông kéo.
Ông nói, Thằng ranh kia, ra khỏi tiệm ngay. Tao đã bảo mày rồi cơ mà.
Tôi hỏi thằng bé, Tên cậu là gì?
Nó nói, John.
Tôi hỏi, Cậu bao nhiêu tuổi?
Mười một.
Ông Tagalavia nói, Cút khỏi tiệm ngay.
Tôi có cảm tưởng là ông Tagalavia đang nói với thằng John, nhưng rõ ràng là không phải thế. Ông đang nói với tôi, cũng không tự nói với mình.
John đã đi ra khỏi tiệm rồi.
Bác thợ cạo cởi áo choàng ra, và ném qua một bên.
Tôi hỏi, Ai ạ?
Ông Tagalavia nói, Ông đấy.
Sao vậy?
Tôi đang gắng tạo ra một tiệm hớt tóc đàng hoàng.
Tôi cũng là người đàng hoàng đấy chứ?
Bác thợ cạo nói, Ông nói chuyện với thằng nhỏ ngu đó. Tôi không muốn những người như ông vào tiệm tôi.
Tôi nói, Nó đâu có vẻ gì là ngu cho lắm.
Bác thợ cạo nói, Nó là một thằng ranh con, ngu như bò. Tôi không muốn những người ngu vào đây.
Tôi nói, Tôi cũng cho quả là hơi ngu khi đi hỏi tên thằng bé. Tôi xin lỗi vậy. Bác biết cho chứ, vì là một nhà văn nên tôi luôn luôn hỏi han thiên hạ. Tôi xin lỗi, làm ơn cắt tiếp cho tôi đi.
Bác thợ cạo nói, Không, chỉ có thế thôi.
Tôi xuống khỏi ghế và nhìn đầu mình trong gương.
Cắt chưa xong một nửa, hình thù chẳng giống cái gì cả, nhưng thây kệ, lúc nào mà chẳng tìm ra được một thợ cạo bình thường nhờ cắt cho. Tôi thắt lại cà vạt và mặc áo ngoài vào.
Tôi hỏi, Xin lỗi, bao nhiêu tiền vậy?
Bác thợ cạo nói, Không có gì. Tôi không muốn nhận tiền của những người như ông. Dẫu cho cả gia đình tôi có chết đói chăng nữa, không sao, tôi vẫn không lấy tiền của bọn ngu.
Tôi nói, Tôi rất tiếc, nhưng chắc tôi cũng phải trả chút đỉnh chứ. Ba mươi lăm xu nhé?
Bác thợ cạo nói, Một xu cũng không. Làm ơn ra khỏi cho. Tôi sẵn sàng cắt tóc không công cho ông. Tôi cho thiên hạ, tôi không nhận. Tôi là một con người, chứ không là một thằng ngu.
Lẽ ra tôi phải rời tiệm ngay lúc ấy, nhưng tôi lại cảm thấy một cách chắc chắn rằng thật ra là bác muốn trò chuyện.
Tôi có biệt tài về sức thông cảm trên mức bình thường, đôi khi kỳ quặc nữa là khác. Tôi cảm được những sự việc nào đó mà người khác, vì một lý do gì đó, chưa nhận ra ngay. (Đôi khi, cảm giác sai cũng gây rắc rối cho mình không ít, nhưng tôi thường phải tự xoay sở để ra khỏi. Một lời dịu dàng, một ý tình nhã nhặn, một thái độ thân thiện. Anh em cả mà, ai rồi cũng chết, lấy chín bỏ làm mười, thương nhau và đừng nổi đoá tàn sát nhau).
Giờ thì tôi có cảm tưởng bác thợ cạo đang lên cơn bực và tức khí, bác muốn xổ toẹt và cũng muốn nghe, rằng, thật ra bác muốn nhắn nhủ ra toàn thế giới. Có đi cả nghìn dặm bác cũng chẳng tìm được ai sẵn sàng nghe thông điệp của bác hoặc tiếp vận lại cho thế giới tường tận.
Tôi hỏi, hút thuốc nhé?
Bác thợ cạo nói, Tôi không muốn gì hết.
Tôi gấp giúp bác khăn lau nhé?
Ông ra khỏi tiệm tôi ngay.
Đây rõ ràng là một người ngang tàng mà tôi từng gặp. Đôi khi tôi cũng bị chê trách bởi một số đàn bà chịu khó theo dõi những diễn biến của văn chương hiện đại như thể là đầy bí hiểm và khó tiên liệu, nhưng có gì đi nữa, tôi cũng là một nhà văn. Người ta trông đợi một nhà văn phải cảm kích với những dòng văn bí hiểm, vân vân và vân vân, nhưng với anh thợ cạo, người ta chỉ đòi hỏi hoặc là cắt tóc hoặc là cạo râu hoặc cả hai, với một ít lời đàm thoại lễ phép, vậy thôi. Những người đàn bà có thì giờ thường hay tin rằng nhà văn bẩm sinh luôn có những đặc chật nho nhỏ gì đó, nhưng có lẽ người độc nhất trên đời này có thể dành cho thợ cạo những ưu thế tương tự là một nhà văn.
Nhà văn ít tự ái lắm. Họ biết họ là một sinh vật gọi là người, một ngày nào đó họ sẽ bị tiêu tán và bị lãng quên. Thế gian này, chúng ta đến, chúng ta đi, và chúng ta bị quên lãng. Biết vậy, nên nhà văn thì tao nhã dịu dàng, trong khi những người khác thì hà khắc và ác hiểm.
Tôi quyết định trả bác thợ cạo trọn vẹn tiền hớt tóc. Sáu mươi lăm thay vì ba mươi lăm xu. Lúc nào muốn cắt tóc chả được. Có nhiều cái quan trọng hơn là cứ chắc mẩm rằng mình bị bịp.
Tôi nói, Tôi xin lỗi. Tôi nghĩ rằng nếu không trả tiền thì chẳng điệu nghệ chút nào. Quả thật là bác chưa cắt xong cho tôi nhưng không chừng sẽ tiếp tục vào một bữa khác cũng nên. Tôi ở gần đây mà, còn gặp nhau dài dài.
Bác thợ cạo nói, Mời ông ra khỏi tiệm tôi ngay. Tôi không muốn những người như ông đến đây. Đừng bao giờ trở lại nữa, tôi không có thì giờ.
Những người như tôi ư? Bác nói thế, nghĩa là làm sao? Tôi là nhà văn.
Ông Tagalavia nói, Tôi không cần biết ông là gì. Ông lại nói chuyện với thằng nhỏ ngu đó.
Tôi nói, Chỉ vài câu thôi mà. Tôi đâu có dè điều đó làm phật ý bác. Thằng nhỏ có vẻ khích động và tha thiết muốn ai đó chú ý đến nó.
Bác thợ cạo nói, Nó là một thằng ngu, ngu như bò.
Tôi nói, Sao bác lại nói vậy? Nó có vẻ thành thực lắm mà.
Bác thợ cạo nói, Cớ sao tôi nói vậy ư? Vì là nó ngu. Đã sáu bữa nay, ngày nào nó cũng chạy xổ vào tiệm tôi và gào điếc con ráy: Chiến tranh! Chiến tranh! Chiến tranh! Hừ! Chiến tranh con mả mẹ nó.
Tôi nói, Tôi không hiểu.
Bác thợ cạo nói, Không hiểu! Chiến tranh! Tôi không biết ông là ai, nhưng để tôi nói cho ông nghe cái này.
Tôi nói, Tôi tên là Donald Kennebec, chắc bác cũng có nghe đến tên tôi.
Bác nói, Tôi tên là Nick Tagalavia, chưa từng nghe đến tên ông bao giờ.
Im lặng một lúc, rồi bác nhìn vào mắt tôi, nói:
Chiến tranh?
Tôi nói, Vâng.
Bác thợ cạo nói, Ông là một tên ngu. Nghe tôi nói cái này. Không có chiến tranh chiến triếc gì ráo! Tôi là thợ cạo. Tôi chán những thằng ngu. Toàn là bịp bợm. Họ muốn thử xem thiên hạ có thật ngu không. Thiên hạ vẫn ngu mới ác chứ. Ngày nay con người ngu hơn bao giờ hết. Thằng nhỏ chạy xộc vào đây và nói "Tuyên chiến ở Âu Châu", và ông khoái chí với nó. Ông lại khuyến khích nó, riết rồi nó đâm tin tất cả, như ông vậy.
Bác thợ cạo ngưng nói và nhìn tôi thật gần. Tôi bỏ mũ ra để bác ta thấy bác đã cắt tóc tôi tới đâu rồi, nham nhở ra sao, và còn lại bao nhiêu.
Bác hỏi, Chứ ông viết gì vậy?
Tôi đáp, Bút ký.
Bác thợ cạo nói, Ông là một tên đần. Tại sao ông lại khuyến khích thằng nhỏ? rồi nó sẽ rắc rối chán vì chiến tranh. Sao ông lại hỏi "Cậu mấy tuổi rồi?" chi vậy?
Tôi nói, Tôi thấy nó có vẻ sáng sủa. Tôi chỉ muốn cho nó biết rằng tôi biết vậy.
Bác thợ cạo nói, Tôi không muốn những người như ông đến tiệm tôi.
Tôi nói, Những người như tôi ư? Tôi ghét chiến tranh.
Bác thợ cạo nói, Im đi. Thế giới đầy những thằng ngu như ông. Ông ghét chiến tranh, nhưng ở Châu Âu không có chiến tranh sao?
Cái ngụ ý ở đây hơi kỳ lạ quá.
Tôi nói, xin lỗi, tôi đâu có gây ra chiến tranh.
Bác thợ cạo lại nói, Ông ghét chiến tranh. Nhưng nếu họ bảo ông là có chiến tranh ở Âu Châu, thì ông lại tin chắc mẩm là thế.
Tôi nói, Tôi chả có lý do gì để tin rằng Âu Châu hoà bình cả.
Bác thợ cạo nói, Ông ghét chiến tranh. Báo chí ra với cái tựa đề "Chiến tranh". Thằng nhỏ chạy xộc vào tiệm. Chiến tranh. Ông đến để cắt tóc. Chiến tranh. Thế giới đầy những kẻ ngu. À, mà làm sao ông bị rụng tóc vậy?
Tôi nói, Sốt.
Bác thợ cạo nói, Sốt! Ông rụng tóc vì ông là một tên ngu. Tông đơ điện. Lược. Kéo. Ông chẳng có tóc để mà cắt. Toàn bịp bợm. Tôi không muốn một tên ngu nào đến đây làm tôi nổi nóng nữa. Chẳng có chiến tranh gì hết.
Tôi nói, Bác quả là một nhân vật đặc biệt.
Bác thợ cạo hét, Đừng nói nữa! Tôi không phải là thằng nhỏ mười một tuổi ngu xuẩn. Tôi năm mươi chín tuổi. Tôi là một người đặc biệt! Báo chí. Bản đồ. Đầu không có tóc, phải cắt cái gì đây? Thằng nhỏ chạy xộc vào, ông không ngồi yên được. Nó nói "Chiến tranh ở Âu Châu rồi" thì ông nhảy cẫng lên hỏi "Cậu tên gì? bao nhiêu tuổi?" Chuyện gì cơ chứ? Bộ ông điên rồi hả?
Tôi nói, Tôi đâu có ý muốn làm bác khó chịu. Để tôi trả tiền bác vậy.
Bác thợ cạo nói, Không bao giờ. Tôi không muốn gì cả. Đó đâu phải là cắt tóc. Không một xu. Nếu một người đầu có tóc, vào đây và ngồi xuống, tôi sẽ lấy tông đơ điện và cắt tóc cho họ. Tóc rơi rụng, không rắc rối, không khích động, không điên khùng, và người đó đứng dậy khỏi ghế. Đầu tóc gọn ghẽ. Tai tiếc dễ chịu. Sáu mươi lăm xu. Nói, cám ơn, chào bác, thế là đủ. Thằng nhỏ chạy vào, tôi nói, Cút khỏi tiệm tao ngay. Thằng nhỏ biến ngay. Chẳng có gì rắc rối.
Tôi nói, Thợ khác sẽ cắt tóc cho tôi.
Bác thợ cạo nói, Được rồi. Cứ đến thợ khác đi. Làm ơn đến thợ khác giùm. Nhưng nên nhớ lấy một điều không có chiến tranh gì ráo trọi. Đừng có chạy rong mà tuyên truyền láp dáp.
Giờ thì tôi đắc chí vì đã xâm nhập tận cùng cơn giận của bác thợ cạo, lại được thêm tư liệu nóng hổi và kỳ quặc để viết bút ký, nên chẳng nói thêm một lời, tôi ra khỏi tiệm và lững thững xuống phố.
Tôi cảm thấy mình đã sử dụng tài liệu một cách có kiến hiệu, đã kết cấu nó thành một tác phẩm hẳn hoi, phần nào đó sẽ làm tăng tiến thêm cái danh phận đáng kể của tôi.