Chương 29
Tác giả: William Saroyan
Em tôi, Henry kể cho nghe chuyện này, chính em đã chứng kiến ngay trên đường về sau khi tan sở. Tôi thích lắm, viết một mạch và sau đó thấy đăng trên tờ Story. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe ông chủ nhiệm Whit Bernett bảo rằng, bằng với truyện ngắn này, tôi đã viết một bài trả lời thật tuyệt diệu thẳng vào Ernest Hemingway, nhà văn đã công kích tôi trên tờ Esquire, chẳng qua vì tình cờ tôi viết chạm đến ông trong một truyện có tựa là Bảy mươi ngàn người Assyria. Tôi bảo viết Whit Bernett là tôi không quan tâm, cũng như từ chối đề nghị của chủ nhiệm của tờ Esquire, là đọ bút với Hemingway ngay trên trang báo của ông. Và đây chỉ là một truyện ngắn thuần tuý, giản dị như vậy thôi, chứ không phải là một bài trả lời về một điều gì và cho bất cứ với một ai cả.
Vào những năm hai mươi, khi quản trị một chi nhánh của Ty Bưu Điện, gọi là sở U, ở đường Branman, San Francisco, tôi tuyển mộ một số tuỳ phái người Phi, chẳng qua chỉ vì họ mới làm được công việc khó nhọc ấy thôi, nhờ vậy tôi lại càng hiểu và mến phục họ. Và khi cậu em tôi vừa kể chuyện này ra, tôi cảm biết được giá trị của nó và không sao cưỡng lại được việc chuyển tải thành một truyện ngắn.
Gã to mồm mặc áo lông lạc đà nâu này, thật ra thì không đến nỗi đê tiện lắm đâu, gã say. Không dưng gã cứ thấy thậm ghét cái cậu bé người Phi ăn mặc bảnh choẹ kia, gã gầm rú đuổi cậu bé chạy vòng quanh phòng đợi, bảo cậu ta trở ra, không được chen chúc giữa những người da trắng. Tất cả đang đợi để lên tàu qua vịnh đến Oakland. Nếu như gã không say thì chẳng ai hơi đâu mà để ý tới, nhưng mà thế đấy, gã làm náo động cả phòng đợi, trong khi mọi người đều có vẻ thuận tình với cậu bé người Phi, nhưng cũng không ai muốn dây vào gã say mà ra tay cứu nguy cho cậu bé. Cậu sợ chết khiếp.
Cậu đứng chơ vơ giữa mọi người, gã say được thể xông đến như con bò điên và nói, Tao đã chiến đấu hai mươi bốn tháng ở Pháp. Tao là dân Mỹ chính cống. Tao muốn mày xéo ngay, đi khuất mắt những người da trắng ở đây.
Cậu bé vẫn rụt rè cam chịu và lễ phép nép mình tránh gã say, luồn vội qua đám đông, không nói năng một lời nào và luôn cố tỏ ra hết sức lễ độ. Cậu vẫn tránh né và gã say vẫn lảo đảo theo sau, thời gian thì trôi qua cùng cơn ghét bỏ của gã say mỗi lúc tăng lên theo và gã bắt đầu chửi thề nham nhở. Tụi bay là những thằng ăn mặc đỏm đáng gồ ghề nhất San Francisco, tui bay suốt ngày sấp mặt rửa chén lau bát kiếm tiền, tụi bay không có quyền chưng diện phách lối như vậy.
Gã chửi luôn miệng, tục tĩu đến nỗi nhiều phụ nữ phải giả như điếc để khỏi bị lọt vào tai những gì gã phun ra.
Khi cánh cửa lớn mở, cậu bé người Phi lướt nhanh trong đám đông, tránh khỏi gã say và lên tàu trước hơn ai hết. Cậu chạy trốn vào một góc, ngồi xuống giây lát, đoạn lại đứng lênxem có còn chỗ nào khuất kín hơn không. Phía đàng cuối tàu là gã say. Cậu vẫn còn nghe gã chửi thề ong óng. Cậu lấm lét ngó quanh để tìm một chỗ an toàn, cậu quyết định tạm lánh vào một phòng rửa mặt còn trống. Cậu đóng chặt cửa lại.
Gã say đi xiêu vẹo vào một phòng rửa mặt khác và hỏi mọi người có thấy thằng nhỏ đâu không. Mọi người im lặng. Gã tự khoe mình là một người Mỹ chính hiệu con nai vàng, đã từng chiến đấu và bị thương hai lần trong chiến tranh Âu châu hay nơi gì gì đó.
Trong phòng rửa mặt gã chửi đổng tàn canh gió lạnh, những lời lẽ hôi hám như bùn, như...rồi gã cúi xuống nheo mắt nhìn qua các khe cửa hở những phòng khác. Xin lỗi, gã nói với những người mà gã không muốn tìm, rồi gã đến phòng có cậu bé tội nghiệp đứng chết lặng trong đó, gã chửi toáng lên và đòi cậu kia phải bước ra ngoài.
Gã nói, Mày đừng hòng thoát khỏi tay tao. Mày không có quyền chiếm dụng một chỗ của người da trắng. Ra ngay không ông phá cửa.
Cậu kia nói, Đi đi.
Gã say bắt đầu nện cửa.
Rồi cũng có lúc mày phải ra con ạ. Tao đợi xem mày...
Cậu bé khốn khổ nói, Tôi có làm gì ông đâu.
Cậu thật không hiểu, tại sao chẳng có một ai trong phòng rửa mặt có chút lòng tử tế làm dịu gã say và đem gã đi chỗ khác, và rồi cậu nhận ra mọi người phút chốc đã lánh biến khỏi phòng rửa mặt. Tệ thật.
Cậu nói, Đi đi.
Gã say chửi lại và nện ầm ầm.
Sau cánh cửa, cậu bé từ bi thương đã biến thành giận dữ. Cậu bắt đầu run lên bần bật, không phải vì sợ gã cuồng kia mà là sợ chính cái giận đang sôi lên trong lòng mình. Cậu rút dao trong túi ra, và bật lưỡi sắc loang loáng. Cậu nắm con dao chặt đến nỗi các móng đâm lún sâu vào lòng bàn tay.
Cậu nói chắc nịch, Đi đi, tôi có dao đấy. Tôi hết chịu nổi và không muốn lôi thôi gì nữa.
Gã say nói, Tao là một người Mỹ, hai mươi bốn tháng ngang dọc chinh chiến trên sa trường châu Âu, bị thương hai lần, một ở chân một ở đùi. Tao không việc gì phải đi đâu cả, tao sá gì phải sợ bất cứ một thằng nhãi ranh da vàng nào có dao. Thằng Phi kia, ra đi, tao là...
Cậu kia nói một cách khẩn khoản, Xin ông đừng gây sự.
Cậu còn nghe cả tiếng máy tàu rầm rập, khác nào cơn giận của cậu đang dồn lên. Cái cảm giác bị hạ nhục, bị săn đuổi vòng quanh, ngột ngạt trốn chui trốn nhủi, và giờ đây nó ứ đầy lên cái ước muốn được thông thoáng tự do, cho dù phải giết người đi nữa.
Cậu cửa, cố chạy vượt qua gã say, tay lăm lăm con dao, nhưng gã say chộp được cổ tay và hất cậu té ngược lại. Tay áo cậu rách toạc, cậu liền quay người và ấn dao vào hông gã say, cảm thấy như lưỡi dao đang lạo xạo trúng xương sườn. Gã say kêu thét lên đoạn tóm lấy cổ họng cậu, và cậu bé bắt đầu thọc dao lia lịa vào hông gã, như một võ sĩ quyền anh đấm móc vào bị cát vậy.
Khi gã say không còn sức để nắm cổ nữa, đổ sụp xuống sàn, cậu bé ùa chạy khỏi căn phòng, tay vẫn cầm dao, máu rỏ từng vệt, mũ cậu đâu mất, tóc tai bù xù, tay áo rách bươm.
Mọi người đều biết cậu đã làm gì, nhưng chẳng ai động đậy.
Cậu bé chạy về phía trước tàu, kiếm một lối đi, rồi chạy trở lại một góc, chẳng ai dám nói với cậu, nhưng hết thảy đều biết tỏng tội ác của cậu.
Không một nơi lẩn trốn, và trước khi nhân viên tàu kịp đến, cậu bỗng dừng lại và hét tướng vào đám đông.
Cậu nói, Tôi đâu có muốn đả thương ổng. Tại sao các cô bác không ngăn ổng lại giùm? Rượt đuổi một con người như đuổi chuột không bằng, như thế coi sao được chớ? Cô bác biết là ổng say quá đi mà. Tôi không muốn đả thương ông ấy chút nào, nhưng ổng không để tôi yên, ổng xé áo và định bóp cổ tôi. Tôi đã nói rồi, nếu ổng không tránh ra tôi sẽ giết ngay. Khổ quá, đâu phải lỗi tại tôi. Tôi phải gấp đi Oakland để thăm anh tôi đang bệnh nặng. Đời thuở nào lại đi gây sự khi mà anh mình đang đau chứ? Tại sao các cô bác không ngăn ông ấy lại giùm cho?
Và một niềm im lặng dâng lên, đắng cả lòng.