Chương 3
Tác giả: William Saroyan
Tôi vẫn còn trẻ và khinh suất, hoặc không có thói quen trù liệu sử dụng chí lí thời gian của mình, một nhà văn thường viết vội vã, hoặc bất cứ lúc nào mà không thể viết, như trong việc viết truyện này chẳng hạn. Henry em tôi, kém tôi ba tuổi, một hôm trong cuộc đi dạo chiều chúa nhật ở San Francisco, kể cho tôi nghe chuyện này. Vừa khi về đến nhà, tôi ngồi vào bàn và viết ra ngay, vì tôi chắc rằng, nếu không làm vậy, thì truyện này có thể chẳng bao giờ có được, và như thế không là đáng tiếc lắm sao?
Đôi khi ngay cả bản năng cũng bị cá tính chế phục – tôi muốn nói nơi các sinh vật khác với loài người. Nơi con người ta cho rằng bản năng bị chế ngự, nhưng không biết bản năng có luôn luôn thực sự được chế ngự hay không, việc này tôi xin được dành cho những ai khác. Dù sao đi nữa bản năng chủ yếu của hầu hết – hoặc tất cả - các sinh vật là sống. Mỗi hình thức sống có một kỹ thuật phòng thủ tự nhiên, chống lại các kiểu thức khác, cũng như phòng kháng lại môi trường. Chim ruồi sống như thế nào là một điều mà tôi chưa từng khám phá ra – bằng quan sát thực sự hoặc bằng đọc được. Chúng chết đi, chắc vậy. và chúng được sinh ra bằng cách này hay cách khác, dẫu tôi chưa từng thấy trứng chim ruồi, hoặc một con chim ruồi con đi nữa.
Ngay cả một con chim ruồi lớn cũng nhỏ nhắn đến nỗi cái trứng của nó chắc hẳn phải hay lắm, có lẽ là một trong những sinh vật ngộ nghĩnh nhất thế gian. Còn nếu như chim ruồi ra đời bằng cách nào chứ không phải từ trứng, thì tôi cũng xin bạn đọc lượng thứ cho. Điều độc nhất tôi biết về Agaa Agasig Agassig Agazig (cái nhà vạn vật học người Mỹ vĩ đại ấy) là có lần ông nghiên cứu trứng rùa và, ngõ hầu để đạt được kiến thức mà ông đang cần, đã lặn lội lục lạo tìm cho được các trứng tươi. Việc đó đã đem lại một cuộc phiêu lưu thích thú ở Boston cho một gã thanh niên viết về vấn đề đó, sáu bảy năm gì đó trước khi tôi đọc được, thuở tôi mới mười bốn tuổi. Tôi mười bốn tuổi vào năm 1922, với điều đó các bạn thấy rằng tuổi tác thật chẳng ăn nhằm gì khi mà ta mê thích về bất cứ loại trứng nào. Tôi thèm được như những nhà điểu học, và tôi mong mỏi một ngày nào đó sẽ khám phá ra tất cả những gì thuộc về chim ruồi.
Tôi nghe nói rằng chim ruồi du hành những chặng đường dài, thật khó có thể tin được khi nhìn thấy một sức lực yếu ớt và mỏng manh đến thế. Vậy thì cái gì chở tải nó? Tinh thần ư? Nhưng những điều tôi biết rõ nhất về chim ruồi chính là do những gì tôi quan sát được về chúng: chúng ta chỉ thấy được chim ruồi khi mặt trời thật sự xuất hiện, khi có hoa nở, và khắp nơi đều có hương hoa. Hiếm có khi đi suốt một ngày đẹp trời mà lại không thấy bóng con chim ruồi lờ lững như một phép lạ nhỏ bé trong nắng ấm hoặc trên một đoá hoa lớn hay một chùm bông nhỏ. Hoặc quay tròn như một cơn điên vui hay bắn thẳng lên như một mũi tên không về một nơi nào cả và cũng chẳng bởi một nguồn cơn nào, có thể vì một lý do là nó cần sống. Vậy thì, làm thế nào mà những sinh vật như vậy – quá xinh đẹp, quá dịu dàng và một chút điên dại thơ mộng – có thể có thì giờ để làm cái công việc tầm thường như sinh con đẻ cái, các thứ? Hoặc phải theo luyện cho được cái bản năng tự tồn tại kia chứ? Thế nhưng dù gì đi nữa, cũng cầu trời sao cho một ngày đẹp sẽ đến, và lung linh chim ruồi bay đầy khắp…
Tuy nhiên, đến như tôi cũng phải nói rằng, hình như ngay cả bản năng đôi khi cũng chẳng hiệu quả gì ở một giống loài nào đó. Hoặc cho nhiều giống, hoặc bất cứ nó là chủng loại nào. Dù sao, khi dòng giống của một loại sinh vật đều phải cư trú đến một chốn nào đó, để sinh tồn, để qua cơn giá rét hoặc có thể, để…bất cứ điều gì khác, đôi khi hình như một con trong bọn chúng không chịu bay theo bầy đàn. Căn cứ làm sao mà nó không chịu bay theo thì tôi không sao hiểu nổi. có thể nó hơi lập dị, hoặc có thể có những lý do riêng tư thầm kín nào khác được đề cao – mê đắm đặc biệt chứ không phải là không tưởng một con khác đồng loại – có lẽ toi mạng, hoặc ở một nơi nào khác. Hoặc giả là quá ngu độn hay lì lợm gì đó. Ái dà dà, ai mà biết cho được chứ?
Một lần nọ, có một con chim ruồi vào mùa đông đã không thể bay khỏi khu chúng tôi ở Fresno, California.
Tôi xin kể hầu các bạn chuyện đó.
Lão Dikran ở bên kia đường, lão hầu như mù. Lão đã quá tám mươi và bà vợ cũng sấp xỉ đâu đó. Họ có một gian nhà nho nhỏ, bên ngoài tầm thường luộm thuộm bao nhiêu thì bên trong gọn ghẽ bấy nhiêu – ngoại trừ cái vườn của lão Dikran, thật là một cái vườn đệ nhất thế gian. Cây nhỏ, bụi rậm, cây lớn – tất cả đều tươi tốt, mặt đất đen ẩm dịu dàng mà kẻ chăm bón chính là lão Dikran. Tất cả loài vật trên trời yêu nhất cái chỗ này trong thôn ổ nghèo nàn của chúng tôi, và lão Dikran thì yêu chúng quá thể.
Một chủ nhật lạnh cóng, giữa mùa đông, khi tôi từ lớp học chủ nhật về nhà, tôi thấy lão Dikran đứng giữa đường đang cố nhận xem mình đang cầm giữ cái gì trong tay. Thay vì đi vào nhà đứng bên ngọn lửa như tôi đã định vậy, tôi dừng lại bên hiên ngoài và quan sát ông lão. Lão hết ngước nhìn cây rồi lại cúi nhìn vào tay mình. Lão đứng như thế ít nhất cũng đến hai phút, rồi cuối cùng bước dần đến bên tôi. Lão chìa tay ra và nói bằng tiếng Armenia, Cái gì trong ta thế này, cháu?
Tôi nhìn
Một con chim ruồi, tôi nói nửa bằng tiếng Anh nửa bằng tiếng Armenia. Tôi nói "chim ruồi" bằng tiếng Anh vì không biết tiếng Armenia gọi bằng gì.
Lão Dikran hét lên trong cổ, là cái gì thế?
Tôi nói, Con chim nhỏ, cụ biết chứ? Loại chim cứ mùa hè thì bay đến và lơ lửng trên trời rồi lao vút mất. Loại chim có cánh đập nhanh đến nỗi ta không trông thấy cánh nó đâu cả. Nó đang ở trong tay cụ. Nó sắp chết mất.
Lão nói, Đi với ta, ta chẳng thấy đường, mụ già thì lại ở nhà thờ. Ta còn thấy được tim nó đập. Nó đang nguy đấy à? Nhìn một lần nữa xem.
Tôi nhìn lần nữa. Nhìn cảnh đó buồn nát ruột. Con vật bé nhỏ tuyệt diệu của mùa hè này trong bàn tay to lớn thô kệch của ông già nhà quê. Nó nằm trong cái lạnh của mùa đống, hoàn toàn bất lực và cảm động, không lờ lững trong bóng nắng hè, không là con vật sống động nhất trên trần đời, mà là một sinh linh vô vọng và thảm thiết không sao chịu nổi.
Tôi nói, Nó sắp chết mất.
Ông lão đưa tay lên miệng phà hơi ấm vào con vật nhỏ bé mà lão không sao thấy được. Lão nói bằng tiếng Armenia, Ráng sống đi con, chẳng bao lâu nữa là đến hè rồi. Hãy sống, lanh lợi và dễ thương.
Chúng tôi vào bếp nơi căn nhà nhỏ của lão và trong khi phà hơi ấm vào con chim, lão bảo tôi làm những gì.
Để một thìa mật lên bếp ga, xong rồi đổ vào tay ta, nhưng phải chắc chắn là đừng nóng quá đấy nhé.
Tôi làm xong việc đó.
Sau một lát con chim ruồi tỏ ra dấu hiệu sống lại. Cái ấm áp của căn phòng, hơi mật nóng và chà, ý chí và tình thương của ông lão nữa chứ.
Chả mấy lúc ông lão cảm thấy được sự thay đổi trong tay mình, một lát sau con chim ruồi bắt đầu ăn từng giọt mật.
Ông lão nói, Nó thế nào rồi cũng sống lại. cứ ở đó mà xem.
Sự thay đổi thật là ngoài sức tưởng tượng. Ông lão dịu dàng mở bàn tay, và tôi chờ đợi một con chim bất lực kia bay vọt lên khỏi tay lão, lơ lửng giữa không gian, nó làm cho tôi vừa sợ vừa cảm động đến muốn chết – và đúng là những gì đã xảy ra như vậy. Đời sống mới của chú chim thật tuyệt diệu. Nó bay vòng quanh trong căn bếp nhỏ, sà bên ô cửa, chao nghiêng ngọn lửa, lơ lửng, nó hứng hóng như thể trong trời đang là mùa hè không bằng và cả đời nó như chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc hơn.
Ông lão ngồi xuống chiếc ghế đơn sơ, mắt mù nhưng đầy chú ý. Lão chăm chú lắng nghe và cố nhìn, nhưng dĩ nhiên lão không sao thấy được. Lão vẫn hỏi về con chim, nó như thế nào, nó có tỏ ra yếu lại không, tinh thần nó làm sao, và nó có vẻ gì nôn nao không, và tôi tường thuật chi tiết các pha nhào lộn của con chim cho lão nghe.
Khi con chim tỏ bẻ bồn chồn và muốn thoát ra, ông lão nói, Mở cửa sổ cho nó bay đi.
Tôi hỏi, Liệu nó có sống được không?
Lão nói, giờ thì nó sống rồi và muốn bay đi. Mở cửa sổ ra.
Tôi mở cửa sổ, con chim ruồi bay quanh quẩn, như cảm biết cái giá lạnh bên ngoài, nhấp nhứ và lơ lửng bên trong cửa sổ nhảy nhót lối này lối kia và thoắt cái biến mất tăm.
Lão nói, Đóng cửa sổ lại.
Chúng tôi nói chuyện một vài phút rồi tôi xin phép cáo lui.
Ông lão hô là con chim ruồi sống qua mùa đông đó, nhưng tôi thì không chắc lắm. Khi mùa hè đến tôi lại thấy chim ruồi nhưng tôi không phân biệt được con nào với con nào.
Một hôm vào mùa hè, tôi hỏi ông lão.
Nó còn sống không?
Con chim nhỏ ấy à?
Tôi nói, Vâng, con chim mà mình cho nó ăn mật đó. Cụ nhớ chứ? Con chim nhỏ sắp chết vào mùa đông. Nó có sống nổi không?
Ông lão nói, Thử nhìn quanh chú mày xem. Chú mày có thấy con chim đó không?
Tôi nói, Cháu thấy chim ruồi.
Ông lão nói, Mỗi con chim trong đám chúng đều là con chim của chúng ta. Mỗi con trong đám chúng, bất cứ là con nào trong đám chúng. Lão nói mau và hết sức dịu dàng thân ái.