Chương 28
Tác giả: William Saroyan
Có một nơi khá nổi tiếng, đó là tiệm Izzy, thuộc đường Pacific trên đại lộ Grant ở San Francisco, nơi tôi vẫn thường đến uống bia và nhấm nháp vài thứ, vào những năm 1930, với các bạn nhà văn, các thi sĩ, hoạ sĩ, điêu khắc..thỉnh thoảng có gã chủ quán Izzy to kềnh, dân lai, từ thời đội mũ, ghé vào tán phét tầm phào dăm ba câu nhạt thếch, lấy lệ. Khi Robert Mc Almon, một trong những nhân vật trong "Thế Hệ Lạc Lõng" của GerTrude stein ở Paris giữa những năm hai mươi, anh đến số 348 đường Carl bằng tắc xi, khoảng năm 1935, để kể cho tôi nghe những chuyện về chính anh, về các tác phẩm và tạp chí của các anh xuất bản bên đó, về những hoang đường và danh tiếng của nhiều bằng hữu…Tôi đưa anh đến tiệm Izzy, vì tôi cảm biết anh hẳn sẽ tìm thấy một cái gì từa tựa như bầu khí náo nhiệt của các hội quán ở Paris. Hát hò, ngâm nga, bịa đặt bêu riếu, háo danh, hiềm oán, tiêu diệt và chen chúc nhau từng khe hở ngột ngạt trên văn đàn, rống tướng lên những chính kiến hẹp hòi thô lậu. Đêm nào ở Izzy cũng nhộn nhịp, nhưng đêm đó là vui hơn cả, thỉnh thoảng tôi thấy Mc Almon có vẻ ngơ ngáo và cô đơn, mãi đến gần hai giờ sáng thì anh chuồn đâu mất. Chẳng bao giờ được gặp lại, nhưng tôi nhớ hầu hết những gì anh kể cho nghe về đời sống giữa những kiều dân Mỹ, nhất là những nghệ sĩ tha hương ở Paris, nhiều chuyện thú vị lạ lùng.
Truyện nhỏ này là một trong vài truyện về tiệm Izzy, tôi chẳng bao giờ quên tiệm đó. Izzy đã chết, và tiệm cũng không còn, nhưng mọi người đều nhớ tới anh và nhất là cái không khí ở tiệm vì nó có một cái gì liên hệ với tuổi trẻ của họ. Mà có ai trong những thiên tài thường đến tiệm Izzy thực sự hiểu? Theo tôi, thì chẳng mấy ai, trừ những người sau đây là thực sự hiểu: Benjamino Bufano, một trong những điêu khắc gia vĩ đại thật sự của thế giới, Mathew Barnes, hoạ sĩ, và Herb Cân, thi sĩ.
Một đêm nọ ở Izzy, một thiên tài trẻ tuổi mặc quần nhung tiến lại gần tôi, và nói, Nghe nói ông là một nhà văn? Tôi có một chuyện có thể quay thành phim vĩ đại, có điều là tôi cần một người có kinh nghiệm văn chương viết hộ cho. Tôi muốn tự viết lắm, nhưng trước mắt phải đi làm để sinh nhai chớ, vả lại khi xong việc thì tôi mệt bở hơi tai rồi, không tài nào viết cho được.
Tôi đã ngà ngà say, nhưng không bao giờ quá chén và bận bịu đến nỗi không thể nghe một ông bạn đang sục sôi máu nghệ sĩ, nên tôi sốt sắng nói, Được rồi, kể tôi nghe xem nào. Nếu truyện hay tôi sẽ viết liền, và tụi mình sẽ cho Metro – Goldwyn – Mayer quay thành phim. Nào, chuyện nó ra làm sao?
Nếu bạn đã từng đăng truyện trên một tạp chí phổ biến toàn quốc, và có đi quanh quẩn la cà đây đó, hẳn bạn vẫn thường gặp nhiều hạng người với những chuyện có thể quay thành phim tầm cỡ. Thế giới đầy những con người với những truyện xi nê kỳ tình, tất cả hầu như không được viết ra, nhưng khổ hơn nữa là những nhà sản xuất phim ảnh lại không bao giờ được gặp những nhân vật này, thảng hoặc có gặp đi nữa thì cũng chả bao giờ chịu nghe họ kể, vì thế cho nên chỉ sản xuất được những loại phim cỡ trung bình hoặc hạng bét, dù có bôi trét tô màu "technicolor", hoặc giao cho những danh tài như Clark Gable, John Barrymore, Norma Shearer hay bất cứ ai tài giỏi thủ diễn đi nữa cũng không ra gì. Có phải là vì những nhà sản xuất không mấy bận tâm đến việc sáng tạo những tuyệt phẩm?
Ở Izzy, trong một đêm, người ta có thể nghe kể đến tám mươi truyện phim hay, nhưng chẳng bao giờ có một truyện nào được quay thành tác phẩm điện ảnh cả.
Tôi bảo người trẻ tuổi hãy cứ kể cho tôi nghe câu chuyện đi.
Cậu ta nói, Tôi phải nhập đề ngay từ đầu không?
Tôi nói, Chắng cần. Bắt đầu từ chỗ nào cũng được. Bắt đầu từ cuối rồi kể ngược lại cũng không sao. Nào, à nếu cậu muốn thì cậu ngồi xuống để kể cũng được.
Cậu ta nói, Cám ơn, tôi thích đứng hơn.
Tôi nói, Cứ chậm rãi mà kể.
Cậu ta nói, Chả có nhiều nhặn gì lắm. Ý chính là vầy đây. Hắn tiếp, Tôi sẽ phải làm một cái gì. Tôi nhất định không bó thân làm một tên thư ký suốt đời. A lê hấp, xuống tàu đi Thượng Hải ngay.
Tôi hỏi, Ai vậy?
Người trẻ tuổi nói, Gã đó chứ còn ai, Clark Gable.
Tôi nói, Ồ, Clark Gable, tôi hiểu rồi. Hắn nói hắn sẽ làm một cái gì. Nhưng là cái gì cơ chứ?
Lên boong, y đâm sầm vào một cô gái.
Tôi trợn mắt ngạc nhiên, Một cô gái ư? Khiếp quá nhỉ?
Chính là Joan Crawford.
Tôi lấy lại bình tĩnh, À, Joan. Thế rồi sao nữa?
Họ phải lòng nhau.
Vì thế mà gã kia phải làm một cái gì?
Không vội làm ngay đâu. Từ từ, đó sẽ là hồi kết cuộc.
Tỏ ra thông suốt, tôi nói, Biết mà. Nhưng có gì đặc biệt không?
Gã kia cưới cô gái.
Tôi dặm thêm chút bận tâm, nói, Còn vấn đề tiền nong thì sao? Ai chi?
Nàng chứ ai. Rắc rối là chỗ đấy đấy.
Tôi đồng tình nói, Điên đầu. Điên cái đầu, thiệt là rắc rối hết cỡ.
Đúng, gã trai không phải là tên ma cô ma cạo gì, nên gã không chịu lấy cô gái khi khám phá ra cô nàng giàu sụ.
Tôi hỏi, Sao cắc cớ vậy cà?
Gã cho là gã không thể lấy một cô gái giàu có, cho dù gã yêu mê nàng ghê lắm, và họ cãi nhau chí choé.
Tôi hoà hưỡn nói, Dĩ nhiên chỉ để cười vui thôi, chả có gì quan trọng.
Quan trọng lắm chứ. Cô gái giàu cần phải lấy một người trước khi tàu cập bến Thượng Hải, nếu không, nàng sẽ không được thừa hưởng mười tám triệu Mỹ kim.
Tôi hỏi, Bao nhiêu triệu?
Mười tám.
Tôi thắc mắc, Cậu cho con số đó có đủ nhiều hay không? Cho những mục đích thực tế chứ?
Thế cũng là một món tiền khấm khớ đấy.
Tôi nói, Cũng khớ. Thế rồi ngã ngũ ra sao?
Vì thực ra, cái người mà hứa hôn với cô gái là một chủ ngân hàng đứng tuổi. Lão không đẹp trai gì mấy. Nàng không muốn lấy lão, đó chính là dịp để nàng đóng trò.
Tôi thích chí kêu lên, Úi chu choa!
Sau khi gã con trai và cô gái ì xèo cãi nhau, cô gái tuyên bố sẽ lấy lão chủ ngân hàng cốt là để điểm ngay cái yếu huyệt ghen tuông của chàng si, khiến điên tiết lên mới hả.
Tôi gục gặc nói, Lại thêm một cảnh diễn có thắt gút cụp lạc dữ ta.
Đúng, vì thế ông thuyền trưởng phải cho sửa sọan một tiệc cưới trên tàu. Đây chính là chỗ giật gân, náo nhiệt. Nhiều chuyện dồn dập tiếp diễn đột ngột. Một nhóm hải tặc người Tàu bất thần xuất hiện, rồi tấn công, chiếm thuyền, và một gã Tàu đòi lấy nàng ngang xương, dĩ nhiên chả có nghi thức cưới hỏi gì ráo. Lão chủ ngân hàng cóc cần, vì lão vốn chết khiếp, nhưng chàng trai thì căm hận tên Tàu phỉ. Tên Tàu này là một thanh niên có học thức hẳn hoi, và nói thứ tiếng Anh hay hơn bất cứ ai trên tàu.
Tôi tỏ vẻ sốt ruột, Rồi sao nữa?
Tên Tàu phỉ bắt cô gái vào phòng riêng, hai người đuổi chộp nhau vòng vòng.
Tôi nói, Tệ thật.
Tên Tàu đang hung hăng rượt đuổi cô gái chạy quanh thì gã trai phá cửa xông vào. Hai trường phái võ thuật được dịp phô diễn và nện nhau ra trò. Tên Tàu đè gã trai trẻ xuống, rút dao găm ra và sắp sửa đâm đối thủ.
Tôi hỏi, Vào đâu?
Ngay tim.
Ối chao!
Nhưng cô gái khện ngay một cái ghế lên đầu tên Tàu tặc.
Tôi thở phào, Cậu cho thế là tình yêu đấy à?
Cùng lúc ấy, thuyền trưởng nhận được điện tín, yêu cầu còng tay ngay lão chủ ngân hàng lại vì tội trộm lớn và lấy hai vợ.
Tôi thắc mắc, Chỉ hai tội vặt ấy thôi à?
Và nghi ngờ sát nhân nữa. Phim kết thúc bằng cảnh chàng trai ôm hôn cô gái.
Tôi thở phào, nói, Ồ, một kết thúc mới tuyệt làm sao!
Cậu ta hỏi, Ông thấy truyện thế nào?
Tôi đáp, Hay.
Có giựt gân lắm không?
Tôi nói, Nghẹt thở. Nhất là chỗ tên Tàu rượt đuổi cô gái.
Cậu ta nói, Biết ngay là ông sẽ thích mà. Tôi thấy trước tiên ông nên viết thành sách, sau đó bán cho hãng phim.
Tôi nói, Trời, cái việc mọn đó thì có gì đâu, có điều kẹt là tôi mới…bỏ viết từ hôm kia rồi.
Cậu ta hỏi, Để làm gì cơ chứ?
Tôi nói, Tôi chán ngấy. Lúc nào cũng có bấy nhiêu thôi, chán tận óc rồi.
Cậu ta nói, Chuyện này khác. Hãy nghĩ đến tên Tàu. Đông Tây chống nhau mới hấp dẫn chứ.
Tôi nói, Dẫu vậy đi nữa, tôi cũng đã bỏ viết từ hôm kia rồi. Cậu cứ viết đi.
Cậu ta nói, Ông nghĩ liệu người ta có chịu in thành sách không?
Tôi nói, Hoạ có ngu mới không in.
Cậu ấy hỏi, Tôi phải dùng thể văn nào đây?
Tôi nói, Ối dào, đừng bận tâm về văn thể. Sau khi nghĩ kỹ rồi thì hứng thế nào cứ viết thế ấy, và đó sẽ là văn thể.
Cậu ta nói, Văn của tôi không bốc lửa cho lắm.
Tôi nói, Thì của tôi cũng vậy. Cậu chẳng nên bận tâm về việc đó. Cái đó một phần ở văn thể, một phần ở cái đặc sáng riêng biệt của cậu. Trừ phi tôi lầm lẫn chứ cậu là một thiên tài đấy.
Cậu ta hơi bẽn lẽn, nói, Dạ đâu có, tôi chỉ có những ý tưởng để viết thành sách và quay thành phim, vậy thôi. Tôi quên tuốt tuột bao nhiêu là ý tưởng để viết mấy chục cuốn sách và quay thành hàng tá phim.
Tôi nói, Viết ngay đi, đừng để chúng bay mất. Cậu đang đánh mất tiền bạc từng giây từng phút đấy.
Cậu ta hỏi, Ông có bút chì không?
Tôi nói, Chắc là không, tôi bỏ viết từ hôm kia rồi.
Cậu ta nói, Để làm gì cơ chứ?
Tôi nói, Truyện của tôi không quay thành phim được. Thỉnh thoảng tôi bán một truyện giá rẻ rề. Tôi chẳng có những ý tưởng có thể quay thành phim. Tôi nghĩ, biết đâu sau một thời gian may ra có được, nhưng đành chịu, nên tôi bỏ viết luôn.
Cậu ta nói, Tàn nhẫn quá. Tôi có khối ý tưởng để quay vô số phim.
Tôi nói, Biết chứ. Cậu chỉ có mỗi một việc là phải viết nó ra, rồi chẳng bao lâu nữa cậu sẽ nổi tiếng và giàu có.
Cậu ta hứng chí nói, Tôi kể thêm cho ông một ý nữa để quay thành phim.
Tôi gọi, Joe.
Và bồi Joe đến bàn tôi.
Tôi nói, Này Joe, một xu đây. Đi mua ngay cho tôi cây bút chì.
Joe đi tới chỗ Izzy, và Izzy nhìn quanh rồi tìm được bút chì. Một cây bút chì bé tí xíu. Joe đem đến và tôi chuyển lại cho cậu trai.
Tôi nói, Nghe đây George, cậu không được để mất thời giờ. Đây là bút chì, gọt ghiếc cẩn thận rồi đấy nhé. Cậu cầm lấy và về nhà, ghi lại ngay những ý tưởng kia ra giấy. Bất cứ giấy gì cũng được, đừng nề hà. Cậu còn nhớ không, Lincoln viết những bài diễn văn nổi tiếng của ông chỉ trên bìa một phong bì.
Cậu ta cầm bút chì, nhưng chẳng chịu đi.
Cậu nói, Có lẽ đêm nay tôi nên từ từ mà tính, rồi mai sẽ bắt đầu viết.
Tôi la hoảng lên, Không, như thế không được chút nào. cậu hãy về ngay nhà và lập tức viết khi những ý tưởng còn nóng hổi trong tâm trí cậu.
Cậu ta nói, Cũng được. Đoạn bỏ bút chì vào túi áo trong, kéo mũ sập xuống tận mắt, lầm lầm lì lì trầm trọng bước xuống cầu thang.
Tôi gọi, Ê Joe, cho ba ly bia.