Chương 18
Tác giả: William Saroyan
Bất cứ ai đã từng sống ở San Francisco đều biết nơi này có thể lạnh tới mức nào, một cái lạnh thấu xương mà hàn thử biểu đôi khi cũng phải chịu thua. Dãy phố 348 đường Carl không có hệ thống sưởi. Và căn phòng nhỏ đằng trước đây là nơi làm việc của tôi, có lúc lạnh đến nỗi tôi thường phải cử động luôn tay để có thể đánh máy được, như truyện sau đây sẽ đề cập đến. Nhưng không phải chỉ có mỗi cái lạnh của cả thế gian mà chính là cái lạnh ngay trong mỗi con người, làm tê cóng tâm can hắn và rất khó mà hoài nghi cái việc hắn muốn làm.
M. Thân mến,
Tôi muốn cho anh biết rằng hôm nay ở San Francisco trời lạnh lắm, và tôi tê cóng thực sự. Trong phòng tôi lạnh đến nỗi mỗi lần bắt đầu viết một truyện ngắn thì cái lạnh ngăn cản tôi và tôi phải đứng dậy làm vài thao tác uốn người. Tôi nghĩ như thế là người ta nên chế tạo một cái gì đó để giúp cho những nhà văn viết truyện ngắn được ấm áp. Đôi khi trời lạnh quá tôi lại có thể viết được tác phẩm xuất sắc, nhưng cũng có khi không nên cơm nên cháo gì cả. gặp lúc thời tiết hết sức tốt đẹp cũng vậy. Tôi ghét nhất là để một ngày trôi qua mà không viết được một truyện ngắn, và vì thế mà tôi viết lá thư này, để anh biết rằng tôi rất bực mình cái thời tiết khỉ gió này. Đừng cười mà nghĩ rằng tôi đang ở trong một căn phòng ấm áp xinh xắn ở California đầy nắng, như người ta thường tả như vậy, và bịa chuyện về cái lạnh. Quả là tôi đang co ro trong một căn phòng lạnh giá, không một ánh mặt trời, và cái độc nhấg đang chiếm lĩnh tôi chính là cái rét cắt da. Tôi bị tê buốt và hai hàm răng đánh lập cập. Tôi muốn biết Đảng Dân Chủ đã làm được gì cho những nhà văn viết truyện ngắn bị chết rét, trong khi những người khác đều có lò sưởi. chúng tôi phải dựa vào mặt trời, đến khi mùa đông lại thì không có mặt trời để mà…dựa. Đó là mối phiền não tôi đang phải; muốn mà không sao viết được, vì tê dại.
Một ngày đông năm ngoái, mặt trời hiện ra và ánh nắng rọi vào, những vệt ấm rơi lên bàn khiến cho chúng tôi, tôi, bàn ghế, tủ giường, căn phòng cảm thấy dễ chịu. Và tôi chỉ cần làm vài cử động uốn người mau lẹ là có thể ngồi xuống viết thẳng mạch một truyện ngắn. Nhưng đó là một ngày đông vì trước khi tôi viết xong đoạn đầu truyện Mặt Trời Đã Rơi Lại Sau Những Đám Mây, và tôi ngồi lặng lại trong buồng, ngồi trong lạnh lẽo, viết một truyện ngắn khác. Đó là một truyện ngắn hay đến nỗi, mặc dù vẫn biết sẽ chẳng bao giờ được in hay đăng báo, tôi vẫn phải tiếp tục viết, và vì thế khi viết xong truyện, tôi bị cứng đơ cả người. Mặt tôi tái bệch, chân tay không sao nhúc nhích nổi, tứ chi hầu như mệt đờ và nhức buốt. Căn phòng thì đầy khói thuốc lá Chesterfield, nhưng mà ngay cả khói thuốc cũng bị đông giá lại. Có những đám mây khói trong phòng, nhưng giá lạnh vẫn hoàn giá lạnh. Một lần, trong khi tôi viết, tôi đã định lấy một cái chậu và đốt lửa trong đó. Điều tôi định làm là đốt cỡ nửa tá sách để sưởi ấm, may ra có thể viết thêm được vài truyện ngắn. Tôi tìm thấy một cái chậu cũ, tôi khênh nó vào phòng, nhưng khi nhìn quanh tìm sách để đốt, tôi chẳng lựa lấy được một cuốn. Tất cả những sách của tôi đều cũ và rẻ tiền. Tôi có khoảng năm trăm cuốn, giá mỗi cuốn trung bình năm xu, nhưng khi nhìn quanh kiếm tựa sách để đốt, tôi thừ mặt ra. Có một cuốn lớn, năng, bằng tiếng Đức về giải phẫu học, đốt lên hẳn sẽ được một ngọn lửa ấm, nhưng khi mở ra và lướt mắt một hàng trên cái ngôn ngữ xinh đẹp đó, sie bestehen aus zwei der eine breitere, vân vân, tôi chùn lại không thể nào đốt được. Thế là đòi hỏi nhiều quá. Tôi không hiểu lấy một chữ của cuốn sách, nhưng dù sao đi nữa nó quá hùng hồn để mà giao gửi cho bà hoả. Cuốn sách tôi mua mất năm xu khoảng hai ba năm trước, và sách cân nặng trên dưới ba ký nên anh thấy đó, dù dùng làm củi đi nữa, nó vẫn rẻ chán và lẽ ra tôi đã có thể xé toang các trang ra và đốt thành ngọn.
Nhưng chịu, tôi không thể làm thế được. Sách dày đến hàng ngàn trang, và cứ đốt mỗi lúc một tờ để nhìn ngọn lửa bốc lên lung linh ấm áp, nhưng chỉ nghĩ tới việc các con chữ bị lửa xóa rụi và cái ngôn ngữ chính xác đó biến mất khỏi tủ sách của tôi, tôi không thể nào làm thế được, và tôi vẫn giữ lại cuốn sách. Khi tôi chán đọc những nhà văn vĩ đại, tôi thường quay sang cuốn sách này và đọc cái ngôn ngữ mà tôi không tài nào hiểu hết, wahrend der Kindheit ist sie von birnformiger Gestalt und liegt vorzugsweise in der Bauchholhle. Nghĩ tới việc thiêu huỷ một ngàn trang thứ ngôn ngữ như vậy thì quá là phạm thượng. Và dĩ nhiên, đó là chưa kể những tranh ảnh tuyệt diệu trong đó.
Tôi lại quay sang tìm trong ngăn để các loại tiểu thuyết rẻ tiền.
Và anh biết đấy, thế giới đầy ứ những thứ như vậy. Trong mười thì hết chín cuốn đã là tiểu thuyết rẻ tiền, vô giá trị, rẻ rúng vô ích. Tôi nghĩ, chà chà, trong tủ sách của mình có khối những loại sách này, tha hồ mà đốt lên cho ấm và viết truyện thả giàn. Thế là tôi chọn ra ngay sáu cuốn, và coi bộ cũng cân nặng bằng cuốn giải phẫu học tiếng Đức kia. Cuốn thứ nhất là Tom Brow ở Oxford: hậu quả của những ngày đi học ở Rugby, một bộ gồm hai cuốn. Cuốn thứ nhất dày 378 trang, cuốn thứ hai 430, và tất cả những trang này khi đốt lên hẳn sẽ có được một ngọn lửa cháy ngon lành. Nhưng khổ thay là tôi chưa đọc chúng và cảm thấy mình không có quyền đốt một cuốn sách khi chưa thưởng thức trọn vẹn. Nhìn qua thì như thể một loại tản văn rẻ tiền, một cuốn đáng để đốt, nhưng tôi không làm được . Tôi thử đọc, gác chuông rung chuyển, theo từng hồi rền vang, khi vui, khi khinh miệt, khi rền rĩ, từ những cửa sổ gác chuông tan loãng vào lòng cơn gió tây nam dịu dàng, vẩn vơ quanh cái tháp xám cũ của nhà thờ Englebourn. Rõ ràng đây không phải là loại tản văn phi thường gì, nhưng cũng không đến nỗi tệ lắm. Thế là tôi mời ngày hồi cư lại kệ sách.
Cuốn sau là Inez:Sự tích đồn Alamo, và chuyện được tặng cho những nhà ái quốc Texas. Cuốn này cũng cùng tác giả với một cuốn khác, có tên Beulah, cùng một cuốn khác nữa là St. Elmo. Điều độc nhất tôi biết về tác giả hoặc tác phẩm của bà là nhờ một hôm, một nữ sinh bị khiển trách nghiêm trọng vì đã đem vào lớp cuốn St. Elmo. Người ta bảo đó là một loại sách sẽ làm đồi bại phẩm hạnh một cô gái. Vâng, tôi cũng mở ra đọc chút chơi, Tôi đang hấp hối, và, cảm thấy như mình chỉ còn vài giờ, tôi sẽ không ngần ngại mà nói một cách tự do và ngay thật.Ccó thể có người nghĩ rằng tôi đã đánh lệch mất cái dịu dàng của nữ tính, nhưng, trong cảnh ngộ này, tôi thấy mình không phải vậy. Em vẫn còn yêu anh lâu rồi, và biết rằng tình mình đã được hồi đáp, thật là một nguồn hạnh phúc vô bờ và làm sao em nói lên cho hết được…Đây là cái thứ văn dở tệ, tệ đến nỗi biến thành hay, và tôi quyết định hễ có dịp là đọc trọn cuốn sách liền. Một nhà văn trẻ có nhiều cái để học hỏi nơi những nhà văn xoàng xĩnh nhất. Đốt sách dở cũng thật là có hại, đôi khi còn có hại hơn cả đốt sách hay nữa.
Cuốn tiếp theo là Mười Đêm Trong Một Quán Rượu, và Tôi Thấy gì ở Đàng Kia, của T.S. Arthur. Ối dà dà, ngay cả cuốn này cũng quá hay để mà đốt đi. Ba cuốn khác là của Hall Caine, Brander Matthews, và Upton Sinclair. Tôi chỉ mới đọc có cuốn của ông Sinclair, và khi tôi không thích coi nó như một văn phẩm tí nào, tôi cũng không đốt được vì sách in quá đẹp và đóng kỹ càng. Trên phương diện hoạt bản, nó là một trong những cuốn cừ nhất của tôi.
Dù sao, tôi cũng không hề đốt bỏ một trang sách nào, và tôi vẫn tiếp tục lạnh cóng và viết. Thỉnh thoảng đánh một que diêm chỉ để nhắc nhở mình về một ngọn lửa, nó như thế nào, và để theo sát với ý tưởng về sự ấm cúng. Khi tôi muốn châm một điếu thuốc khác và thay vì thổi tắt ngọn lửa ngay, tôi lại để nó cháy lan đến tận ngón tay.
Chỉ giản dị vậy đấy: rằng nếu anh có chút ý tưởng kính trọng sách vở, nó tiêu biểu cho những gì cao cả trong đời sống, nếu như anh tin nơi giấy trắng mực in, anh không tài nào đốt được dù một trang của bất cứ cuốn sách nào. Dù anh có lạnh đến chết cóng, dù anh đang viết những gì quan trọng, anh cũng không thể làm thế được. Thế là đòi hỏi quá nhiều…
Hôm nay, trong phòng tôi trời cũng lạnh như cái hôm tôi muốn đốt lửa bằng sách. Tôi đang ngồi trong giá rét, hút thuốc và cố diễn tả cái lạnh này lên giấy, để khi trời San Francisco ấm lại, tôi sẽ không quên cảm giác của những ngày giá lạnh buốt xương buốt tuỷ nó như thế nào.
Tôi có cái máy hát nhỏ trong phòng, và tôi mở máy khi muốn vận động để giữ ấm. Ái chà, khi trời trở lạnh quá độ, máy hát cũng nằm ì ra. Có cái gì hóc hỏng bên trong, dầu mỡ đông cứng lại và bánh xe mắc kẹt, tôi đành không có nhạc khi cúi xuống và vung tay. Cử động mà không có nhạc thì buồn chết được, với nhạc Jazz thì thích nhất, nhưng một khi cái lạnh len đến tận máy móc để phá hoại thì thật là khó nghĩ quá. Suốt từ tám giờ sáng đến giờ này là năm giờ kém mười lăm, tôi phải chôn thân trong cái phòng lạnh giá, thật muốn điên lên mất. Tôi ghét phải để một ngày trôi qua mà không làm được gì, không nói năng chuyện trò, lại phải ngồi suốt ngày với những cuốn sách chưa từng đọc, cố bắt đầu vẫn chưa tới đâu cả. Tôi đi lại trong phòng cho hết thời gian (hai bước và bất cứ phương hướng nào cũng chạm phải bức tường) vung vẩy tay. Tôi thực sự chỉ có làm vậy. cố mở máy hát năm bảy lần để xem nhiệt độ có lên chút đỉnh không, nhưng nhiệt độ chẳng động tĩnh và máy hát thì vẫn trơ lì ra đó.
Tôi nghĩ, cần phải cho anh biết điều này. Cũng chẳng có gì hệ trọng lắm đâu, nói nhiều một chút về trời lạnh kể có hơi dớ dẩn, nhưng hôm nay quả nhiên cái lạnh là một sự kiện, và hiện giờ nó là mất việc quan trọng và tôi đang nói về nó. Điều làm tôi kinh ngạc và thú vị trước tiên chính là cái máy chữ, nó không hề bị thời tiết quấy rầy. Nhớ cái hồi Giáng Sinh đến với trời trở lạnh, máy luôn luôn kẹt tắc, và khi càng cho dầu vào máy càng hư bạo, tôi chẳng biết làm sao nữa. Lý do là vì tôi cho nhầm dầu. Nhưng suốt thời gian khi tôi viết về cái lạnh thì máy chữ lại làm việc đắc lực, hỏi anh chứ tôi không ngạc nhiên và thích thú sao được. Nghĩ rằng bất chấp trời lạnh, chiếc máy vẫn đánh được cái ngữ nghĩa của tôi thì quả là tuyệt thú. Nó khuyến khích tôi bám trụ, dù có gì xảy ra. Tôi tự nhủ, nếu máy còn tốt thì ta phải gò lưng làm việc cho xứng với nó. Rốt cùng, là như thế đó, nếu anh không viết được một truyện ngắn kha khá về cái lạnh, thì hãy viết một cái gì khác. Viết bất cứ gì. Viết một lá thư dài cho ai đó, nói cho họ biết anh đang bị lạnh đến cỡ nào. Lúc người ta nhận được thư, mặt trời sẽ hiện ra và anh lại được ấm áp, nhưng lá thư vẫn còn dó, nó nhắc nhỏ về một cái lạnh ghê người. Nếu trời lạnh đến nỗi khiến anh không viết được chút tản văn tầm thường, tại sao, về cái gì, nói những gì xảy đến, chỉ vì đó là sự thật. Nói về những ngón chân đang tê cứng khốn khổ, về cái lúc mình thực sự muốn đốt sách để giữ hơi ấm nhưng không sao làm được, về máy hát chẳng hạn. Nói về những gì nhỏ nhặt trong một ngày lạnh, khi tâm trí mình tê dại và tay chân thì cứng đờ. Đề cập đến những gì mình muốn viết mà không viết được. đây là những cái mà tôi đang nhủ thầm.
Sau khi uống cà phê sáng nay, tôi đến đây để viết một truyện ngắn quan trọng. Cà phê giúp tôi ấm và tôi không nhận thức được sự thật trời lạnh đến thế nào. Tôi lấy giấy ra và bắt đầu sắp xếp ý tưởng, cấu trúc cho cái truyên quan trọng này – mà mãi mãi sẽ không bao giờ được viết ra, vì lạnh giá ngấm vào xương da não tuỷ, làm đông đặc và tê dại mọi thứ, và thế là hết, vì với tôi một khi đã mất một cái gì là sẽ mất nó vĩnh viễn, và tôi chỉ còn biết nhảy ra khỏi ghế để nhún nhảy cho ấm người. À, tôi có thể nói và cho anh một vài ý kiến về cái truyện đã vuột khỏi tôi nó như thế nào. Tôi chỉ biết có thế, nhưng tôi không viết và truyện thì đã mất đi. Chính nó sẽ gợi cho anh một vài nhận xét nào đó về văn cách của tôi.
Cũng xin bộc bạch với anh một đôi điều mà chính tôi đã tự nói với mình trong sáng nay khi sắp đặt cái truyện trong đầu.
Nghĩ về Hoa Kỳ, tôi tự nhủ thế. Tất cả các đô thị, các nhà cửa, tất cả những người người ngợm ngợm, sự đến lẫn sự đi, trẻ con sinh ra chưa kịp nhìn ngó gì cả đã phải nhắm mắt lìa đời, những chuyển động phi lý của đời sống cơ khí rộn rịp, sự hùng biện lẫn niềm đau khổ trên đất Mỹ, sự sợ hãi và nỗi khao khát thầm kín của muôn ngàn sinh linh trên chốn phồn hoa. Nhớ những máy móc vĩ đại, những bánh quay, những cột khói, nhớ những cảnh tượng hỗn độn của bao con người suốt ngày quần thảo trong những hầm mỏ. Nhớ đến báo chí và những rạp hát cùng tất cả những thứ nhốn nháo trong xứ cờ hoa này. Và đặt cái mục đích tối thượng lên hàng đầu: gợi ra cái kỳ vĩ của cuộc sống, dẫu trong một cơ cảnh nào chăng nữa.
Đoạn quay về với những riêng biệt. đến với một con người đơn độc nào đó và ở lại với hắn ta, trong hắn, một cách thương mến, tìm hiểu cái nhiệm màu và phát lộ ra cái chân lý rực rỡ của đời sống hắn bằng một thứ tản văn vĩ đại, viết một cách dung dị lột tả rằng hắn là của thời gian, của máy móc nhiêu khê, của khói của lửa, của vòng vây báo chí và tiếng ồn động inh ỏi. Đi với hắn vào những bí ẩn riêng tư, với một văn thể dịu dàng, múc cạn cho hết những ẩn mật của kiếp người. Đừng lừa mị. Đừng bày chuyện chỉ vì muốn được vui lòng bất cứ trời ai. Không cần có cảnh một người bị giết ghê rợn trong truyện của anh. Chỉ kể lại những gì là biến cố lớn lao trong lịch sử, tất cả mọi thời, cái chân lý tầm thường và phi nghệ thuật của hiện hữu. chẳng có đề tài nào ghê gớm hơn, không ai cần phải hung bạo để giúp anh làm nghệ thuật của anh. Đã có thừa hung bạo. Dĩ nhiên chỉ đề cập đến chiến tranh, đến tất cả những cái xấu xa lẫn sự tàn tạ. Làm việc với một lòng thương yêu vô cầu, miễn sao có thể nhấn mạnh cho được cái chân lý rực rỡ của cuộc sống. Đó là điểm chính của đề tài, không nhất thiết phải tạo ra một cực điểm để đắc thắng. Nhân vật mà anh viết đến không cần phải là một vị anh hùng hay dị thường nào cả để khả dĩ làm cho văn chương của mình to tát hay lẫm liệt hơn lên. Hãy để cho hắn làm những việc thường nhật, từ sáng đến tối, nối dài cuộc sống từng ngày. Hãy để hắn đi đứng, nói năng, nghĩ ngợi, ngủ ngáy và mơ mộng cũng như thức tỉnh và lặp đi lặp lại những động tác cũ mèm, và sống. Thế cũng đủ để viết cho cả một đời văn. Ít khi thấy một truyện ngắn rập khuôn ở trong đời, cũng như những biến cố trong đời cũng ít khi ăn khớp với truyện ngắn hay hình thức khác là của những bài thơ, hoặc những cách thái khác của nghệ thuật. Ý thức của anh là cái hình thức độc nhất anh cần. Sự hiểu biết của anh cũng vậy. Nói về nhân vật này và thừa nhận sự hiện hữu của hắn, tức là nói về nhân vật muôn thuở: con người.
Chà, đây chỉ là một ý tưởng xoàng về thể truyện ngắn phải như thế nào. Tôi được sưởi ấm chút ít nhờ cà phê khi đang tự nhủ phải viết gì và bằng cách nào, nhưng giờ thì tôi đang bị tê cóng, và đây là đề tài gần nhất về những gì đang nhảy múa trong tâm trí. Nó hẳn đã là một cái gì hay ho, nhưng câu chuyện giờ chỉ còn trong tôi như một ký ức mơ hồ. Tôi chỉ có thể ghi lại ký ức này. Ngày mai viết một truyện ngắn khác. Tôi sẽ ngoái nhìn lại với một quan điểm khác. Tôi nào biết chắc gì được, nhưng có thể tôi sẽ cảm thấy tự phụ và nổi cơn chế giễu cái xứ sở cùng con người và đời sống ở đây. Có thể lắm chứ. Trước đây tôi đã từng nổi sùng với các đảng chính trị cùng với sự nhũng lạm của họ. Tôi ngồi xuống và bày trò chế giễu cái xứ sở kềnh càng này. Tôi đâm ra đê tiện, tôi biến con người thành một thứ vừa thối vừa nát, vô giá trị và bẩn thỉu. Con người, không hoàn toàn là như vậy, nhưng tôi dìm nó xuống thế đấy. Nó là một cái gì khác, một cái gì hiển nhiên hơn, N để mà giễu cợt thì con người được coi là ngon cơm hơn cả. Công việc của tôi là thấu đáo sự thật. Chả ai nói đến sự thật, tại sao tôi phải nói nhỉ? Ai cũng ba hoa xạo ke loè loẹt, viết những truyện và tiểu thuyết ly kỳ hấp dẫn, tại sao tôi phải bận tâm đến sự thật cơ chứ? Chả có sự thật. Chỉ có văn phạm chấm câu và tất cả những gì nhảm nhí khác. Nhưng tôi biết mình hơn, tôi có thể nổi cơn khùng và chế nhạo mọi chuyện. Chế nhạo hết cỡ, dẫn đến sự thể khá buồn rầu và cảm động.
Suốt ngày tôi ở trong cái phòng giá lạnh này, muốn nói một cái gì xác thực và sạch sẽ về tất cả những gì chúng ta đang sống. Nhưng trời lạnh quá, không sao nói được. Tôi chỉ biết vung tay, hút thuốc lá và cảm thấy ươn mình ra.
Sáng hôm nay khi tôi ấm lên nhờ cà phê, tôi nghĩ đến cái truyện vĩ đại này, sẵn sàng để cho in, nhưng nó vượt thoát như con thuồng luồng mất rồi.
Giờ đây tôi chỉ có thể kể nhiều nhất là ở San Francisco trời thì lạnh cắt da, và tôi đang bị tê cóng.