Chương 4
Tác giả: Colleen Mc Cullough
It nhất sáu lần một ngày y tá Langtry tất tả qua lại khu vực giữa nhà tập thể y tá và khoa điều trị X, hai chuyến cuối cùng bao giờ cũng là lúc màn đêm đã buông. Suốt ban ngày cô chỉ mong có cơ hội ngồi duỗi lưng, thế nhưng đêm xuống cô chưa bao giờ có được cái cảm giác thư thái ấy, ngay từ nhỏ cô đã sợ bóng tối và không chịu nhắm mắt ngủ nếu đèn trong phòng tắt ngóm, tuy nhiên lâu rồi cũng quen, cô tích luỹ đủ nghị lực để có thể đối mặt với mọi việc , giả dụ như đứng trước một anh chàng điên điên khùng khùng, hay những nỗi sợ hãi không đâu vào đâu. Vẫn vậy, mỗi bận phải qua lại giữa các dãy nhà trong màn đêm cô tậndụng thời gian quãng đường để sgn một vài ý tưởng cụ thể nào đó, và soi đường bằng cây đèn pin, mặc kệ bóng tối hữu hình đang nhăm nhe đe doạ.
Vào hôm Michael nhập X, cô rời khoa điều trị khi hội đàn ông đã ngồi ăn tối, quáng quàng đi ăn bữa tối của mình. Lúc này ánh đèn pin dọi xuống con đường mòn trước mặt một chấm sáng rõ mòn một, cô đang quay lại ấy, cô coi đây là quãng thời gian tuyệt vời nhất trong ngày, khoảnh khắc sau khi ăn tối và trước khi tắt đèn trong khoa điều trị. Đêm nay cô đặc biệt mong đợi nó, một bệnh nhân mới luôn tăng thêm những điều thú vị và càng làm cho trí khôn của cô sắc sảo hơn.
Cô miên man nghĩ đến đủ loại đau đớn khác nhau. Dường như đã lâu lắm rồi cô thôi xỉ vả viện tới vì thuyên chuyển cô về khu X, cô đã từng phản ứng quyết liệt với người đàn bà rắn như đá ấy, nào là cô không có kinh nghiệm với những bệnh nhân tâm thần mà quả thực cô thấy mình hoàn toàn đối lập với những con người đó. Hồi ấy, tin này xuất hiện như một sự trừng phạt, một cú sét đánh ngang tai, một sự sỉ nhục ghê gớm từ phía quân đội, sau bao năm lăn lộn trên những trạm thương binh dã chiến để rồi nhận được sự đãi ngộ như thế. Trước đó là một cuộc đời khác hẳn – những lều trại, nền đất, mùa hanh khô bụi tung mù, mùa mưa bùn đất nhầy nhụa, cố giữ sức lực, giữ vững trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân mồi khi thời tiết khắc nghiệt. Nó đã từng làm cô suy sụp, hoang mang, đau đớn cùng quẫn. Nó kéo dài hàng tuần và nguôi dần theo năm tháng. Nhưng nỗi đau ấy giờ đã khác rồi. Cũng thật buồn cười, bạn có thể khóc sướt mướt vì một người đàn ông không có vũ khí, vì cảnh máu me bầy nhầy lan tràn khắp nơi, vì một trái tim bỗng nhiên lạnh và ngưng đập như một cục thịt ướp lạnh trong ngực, nhưng họ là những bệnh nhân có thể chất hoàn toàn bình thường. Chấm hết và tiếp diễn. Con người ta sẽ hàn gắn những cái có thể, khóc than những cái không thể và rồi sẽ quên đi tất cả để tiếp tục tiến lên phía trước.
Trái lại, nỗi đau ở X lại là nỗi thống khổ về tinh thần và trí óc, không được thông cảm, bị nhạo báng, bị bỏ mặc. Cô từng coi việc bị điều tới X là sự sỉ nhục đối với năng lực y tá và bao năm công tác trung thành của mình. Giờ cô đã hiểu, cô hiểu tại sao lúc đó lại có cảm giác bị sỉ nhục đến thế. Đau đớn thể xác, thương tật thể chất trong khi làm nhiệm vụ, có xu thế ngợi ca hết lời những người khổ sở vì nó. Sức khỏe của cô càng suy yếu trong những năm gian khổ trên các trạm thương binh dã chiến, phẩm chất anh hùng, phẩm chất cao thượng càng sát gần cô hơn. Nhưng còn gì là cao quý khi bị suy nhược thần kinh, nó như một vết nhơ, một chứng cớ chứng tỏ tính cách yếu đuối.
Trong cái khuôn khổ tư duy ấy, cô bước chân vào khu X, mím môi ngậm đắng nuốt cay, gần như mong mình có thể căm ghét những bệnh nhân của mình. Chỉ có tấm lòng y đức trọn vẹn và sự tận tuỵ với công việc đã cứu cô khỏi cảnh khóa trái lòng mình chống lại bất cứ thay đổi quan điểm nào. Rốt cuộc bệnh nhân là bệnh nhân, một tư duy bệnh tật thực ra cũng giống một thể xác bệnh tật. Quyết tâm không để ai buộc tội mình sao nhãng nhiệm vụ, cô tự vượt qua chuỗi ngày đầu ở X.
Nhưng điều khiến Honour Langtry vượt lên trên trách nhiệm người làm y tá đơn thuần chính là thực tế ở Cứ 15 không ai quan tâm tới đám đàn ông ở X. Bệnh nhân kiểu như khu X chẳng bao giờ nhiều nhặn ở một bệnh viện như Cứ 15, nơi được khởi dựng quá gần chiến tuyến ác liệt để tự nó gài số troppo. Hầu hết người ở X đều bị chuyển từ khoa khác sang, như Nugget, Matt và Benedict. Các trường hợp nặng như loạn thần kinh đã bị chuyển ngay từ lâu về Úc, những người đến với X thì bệnh nhẹ hơn, họ biết giấu diếm các triệu chứng bệnh hơn. Quân đội cũng có vài ba bác sĩ tâm lý, thế nhưng không ai trong số họ bị đẩy xuống nơi khỉ ho cò gáy như Cứ 15 này, ít nhất trong trí nhớ của y tá Langtry.
Vì quả thật có quá it thậm chí gần như không có công việc y tá gì ra hồn để làm, cô bắt đầu vận dụng trí thông minh trời phú của mình và nguồn năng lượng bất diệt ấy đã biến cô thành một y tá giỏi giang trước vấn đề trầm kha mà cô gọi là nỗi đau X. Cô tự nhủ nhận thức được tâm tư mà những người đàn ông ở X phải chịu đựng như một nỗi đau thực chính là khởi đầu cho toàn bộ kinh nghiệm y tá chuyên khoa mới mẻ này.
Nỗi đau X là sự vật vã tinh thần, tách biệt khỏi não bộ, một nỗi đau vô hình, âm ỉ, mà tác nhân gây ra hết sức trừu tượng. Sng nó không kém gì một thực thể tính năng huỷ diệt tinh thần của nó tàn khốc không kém bất cứ nỗi đau đớn hay sự tàn tật thể xác nào. Nó tai quái, ghê gớm, không đơn giản và trống rỗng, bệnh phát ra là trầm kha, hậu quả dài dẳng hơn nhiều vết thương thể xác. Và con người hiểu biết về nó ít nhất so với các chuyên khoa khác.
Cô khám phá thấy trong chính con người mình có một tình cảm nồng nàn, thiên vị bệnh nhân ở X, tò mò trước sự đa dạng vô cùng của họ, và rồi phát hiện ra cả cái tài của mình trong việc giúp đỡ họ vượt qua những cơn vật vã tồi tệ nhất. tất nhiên cũng từng có thất bại, một y tá giỏi là một y tá biết chấp nhận thất bại vô điều kiện sau khi đã cố hết cách. Dù không được theo trường lớp và mù tịt về chuyên môn nhưng cô biết mình biết ta, và cô cũng biết sự hiện diện của mình ở khoa điều trị X đã làm nên vô số khác biệt theo chiều hướng tốt cho hầu hết các bệnh nhân ở đây.
Cô học được một điều là tiêu hao năng lượng vì sầu não có thể làm con người ta kiệt sức hơn nhiều số năng lượng bị mất đi do phải lao động chân tay, cô học cách bước đi khác người, khai thác nguồn lực dồi dào của người bệnh. Và thông cảm. thậm chí ngay cả khi cô đã vượt qua được thói định kiến của mình để chống lại sự yếu đuối, cô phải đôi mặt với thói tự coi mình là trung tâm vũ trụ của người bệnh. Với những người mà cuộc sống từ khi trưởng thành đến nay luôn cống hiến hết mình cho chủ nghĩa vị tha đầy bận rộn và hanh phúc thật khó nhận ra rằng thói ích kỷ của bệnh nhân chính là bằng chứng của tính thiếu tự chủ. Hầu hết những gì cô tiếp thu được là nhờ kinh nghiệm của bản thân. Cô đâu có được đào tạo chính quy mà chỉ biết sơ qua từ sách vở. Nhưng phải công nhận Honour Langtry sinh ra để làm y tá, cô nỗ lực trau giồi, tiếp thu và miệt mài những niềm đam mê nghề y tá chuyên khoa mới này.
Mất nhiều thời gian hơn hy vọng hay mong đợi, không một chứng cớ hữu hình nào chứng tỏ cô tiếp cận được người bệnh. Luôn là vậy, mỗi khi xâm nhập được họ cô lại băn khoăn không biết mình vừa làm điều gì và liệu nó có giúp gì được cho họ không. Nhưng cô biết cô đã giúp họ. Có đôi lúc cô nghi ngờ phải chăng mình đang sử dụng cách này để thay đổi những ngày tháng qua.
Đó là một cái bẫy, cô nghĩ, và mình bị kẹt ở đó mất rồi. Hơn nữa cô cảm thấy thích bị kẹt lại nơi này mới chết chứ.
Cô tắt đèn pin khi tia sáng của nó dọi lên bậc thang đầu tiên và nhón chân khẽ khàng từng bậc để đôi giày không gây tiếng động trên sàn gỗ.
Văn phòng của cô ở ngay cánh cửa đầu tiên bên trái hành lang. một ô vuông kín đáo mỗi chiều một mét tám, hai bức tường ngoài có ô thoáng đỡ đi cảm giác thâm nghiêm rùng rợn. Một chiếc bàn bé xíu xinh xắn được cô dùng làm bàn làm việc, bên này là ghế của cô còn ghế đối diện dành cho khách, một tổ hợp giá kê hình chữ Leonor có hai ngăn kéo khoá kín mà cô thích gọi là tủ tài liệu. Ngăn trên cùng chứa hồ sơ bệnh án của toàn bộ bệnh nhân ra vào khu X từ những ngày đầu, cũng không nhiều hồ sơ cho lắm, cô lưu giữ bản sao về các bệnh nhân bị đưa vào X. Còn ngăn kéo thứ hai cô đựng một số loại thuốc mà viện trưởng và đại tá Râu Xanh cho là cô luôn phải có như thuốc viên Paraldehyde và thuốc tiêm Parldehyde, Phenobard, Morphine, thuốc bột APC, một lọ Cit, sữa bột Magnesia, mist Creta et opii, một lọ dầu nước, Chloral Hydrate, thuốc sát trùng Placebos và một chai Chateau Tanunda lớn dành cho bệnh viện ba sao.
Y tá Langtry cởi mũ, kéo khoá tháo đôi bốt nhà binh ra, cô xếp gọn chúng ra sau cánh cửa rồi nhấc chiếc giỏ liễu đựng vài ba món đồ dùng cá nhân bên dưới gầm bàn lên và xỏ chân vào đôi giày mềm của mình. Vì Cứ 15 nằm trong vùng bị chính thức mệnh danh là khu vực gây sốt rét, cho nên cứ chạng vạng tối là mỗi người có nhiệm vụ trang bị cho mình kín tới cổ, cả cổ tay cổ chân. Khí hậu oi ả ngột ngạt như thế này càng làm cho cuộc sống khắc nghiệt hơn. Thực tế thì quanh đây đã được phun thuốc DDT nhằm tiêu diệt mối hiểm họa muỗi Anophel nổi loạn, chúng gần như không còn tồn tại nữa, nhưng nội quy vẫn yêu cầu mọi người phải đề phòng. Một số y tá được phép mặc áo khoác quần bò cả ngày lẫn đêm, họ khăng khăng rằng váy vóc không thoải mái bằng. Nhưng những người như Honour Langtry, đã từng lăn lộn tại những trạm thương binh rất nhiều, cái nơi bắt buộc phải mặc quần dài, lại thích nơi chốn tương đối xa hoa như Cứ 15 này để được mặc những bộ đồng phục nữ tính mỗi khi có thể được.
Hơn nữa, y tá Langtry có một học thuyết, ấy là, các bệnh nhân của cô sẽ dễ chịu khi được nhìn phụ nữ trong bộ váy duyên dáng hơn là trong bộ đồng phục na ná họ. Cô còn đề ra nguyên tắc không gây ra tiếng ồn, tự mình bỏ bốt mỗi khi vào khoa ban đêm và ngăn cấm mọi người nện giầy bốt trong khoa.
Trên bức tường phía sau ghế ngồi của khách ghim một bộ sưu tập chân dung vẽ chì, chừng mười lăm bức cả thảy – ký họa của Neil về các nhân vật đã và đang ở trong khu X cùng thời với anh. Mỗi khi ngẩng mặt khỏi bàn làm việc, cô nhìn xoáy vào bức nào sinh động nhất, khi một ai chuyển đi, hình của anh ta bị bóc ra khỏi hàng giữa và treo ra rìa bên ngoài. Lúc này ở hàng giữa có năm khuôn mặt, còn dư chỗ cho bức thứ sáu. Bối rối ở đây là cô không hề lường tới sự xuất hiện của khuôn mặt thứ sáu, đương nhiên không thể vào đúng thời điểm Cứ 15 đang bị thu hẹp với tốc độ chóng mặt, chiến tranh sắp kết thúc, âm thanh súng đạn cũng lắng xuống. Nhưng thế quái nào Michael Wilson lại mọc ra hôm nay cơ chứ, một chủ thể mới tinh cho con mắt nghệ sĩ của Neil. Cô băn khoăn không biết Neil soi thấy điều gì ở Michael, cô thấy mình mong ngóng cái ngày chủ thể mới của ánh mắt ấy sẽ được treo lên trước mặt cô đây.
Cô ngồi xuống ghế của mình, chống cằm ngước nhìn chong chong hàng tranh ở giữa.
Họ là của mình, cô tóm lấy cái ý nghĩ đó đầy tự đắc và thoả mãn rồi lại vội kéo mình thoát xa cái ý tưởng vô cùng nguy hiểm đó. Chính bản thân cô khám phá ra rằng, từ hồi ở X, cô biến thành kẻ chuyên xâm nhập đời tư của người khác, không giúp gì được bệnh nhân. Rốt cuộc nếu cô không phải người nắm trong tay vận mệnh của họ, thì ít ra cô cũng là một điểm tựa vững chãi, bởi lẽ sự cân bằng của khu X rất nhạy cảm và cô là người đứng ở trung điểm mấu chốt, sẵn sàng chỉnh thăng bằng khi cần. Cô luôn cố tôn trọng quyền lực của mình bằng cách không đụng chạm cũng chẳng buồn để tâm đến nó. Chỉ thảng hoặc, như lúc này chẳng hạn, cái ý thức rằng mình sở hữu nó làm cô choáng và soi mói cô. Thế rất nguy hiểm! một y tá giỏi không bao giờ được phép phóng đại ý thức sứ mệnh, không được đánh lừa bản thân rằng mình là nguyên nhân trực tiếp trong sự phục hồi chức năng người bệnh. Bệnh tinh thần hay thể xác, sự phục hồi là ở chính trong người bệnh.
Vào việc thôi. Cô đứng lên, móc chùm chìa khóa trong túi quần và lần từng chìa cho đến khi tìm ra chìa ngăn kéo trên cùng, cô mở khóa rồi lấy ra bộ hồ sơ của Michael.