Phần II - Chương 1
Tác giả: Colleen Mc Cullough
Cuộc kiểm tra tại phòng khám của đại tá Râu Xanh hoàn toàn không mang lại kết quả như y tá Langtry mong đợi. Ngài đại tá chỉ chăm chăm khám thể trạng bên ngoài của Michael, cố tình bỏ qua phần kiểm tra tâm lý và tinh thần của anh. Ông ta nghe bệnh, sờ nắn, bắt mạch, nào là ấn, bóp, véo, vỗ, chích, cù, còn Michael chịu đựng tất cả một cách kiên nhẫn thản nhiên. Theo yêu cầu Michael nhắm mắt và trỏ ngón tay của mình lên đỉnh mũi, để kiểm tra phản xạ mắt, anh chỉ được dùng mắt liếc theo hướng cây bút chì hết bên nọ lại bên kia, hết lên cao lại xuống thấp. Anh phải bước trên một vạch thẳng trong khi mắt nhắm nghiền, nhảy lò cò chân này rồi đến chân kia, đọc to các chữ cái trên bảng kiểm tra thị lực, làm một bài kiểm tra miệng phân loại từ theo các chủ điểm, chơi một trò đố chữ nho nhỏ. thậm chí ngay cả khi đôi mắt gườm gườm của ngài đại tá xuyên vào như muốn ăn tươi nuốt sống, anh vẫn tuyệt nhiên bình thản chịu đựng ánh mắt gay gắt nhất và nặng nề nhất của đại tá, y tá Langtry ngôi ghế chăm chú dõi theo, thấp thoáng niềm vui khi thấy anh chàng này thậm chí chẳng dè dặt với cái hơi thở thơm tâm hồn của ngài đại tá.
Cuối cùng thì Michael cũng được tha ra ngoài ngồi chờ trong khi y tá Langtry ngồi quan sát đại tá đấm đấm nắm tay vào môi ông, điều này luôn gợi cho cô liên tưởng đến chiếc mũi đánh hơi, dù đó chỉ là thói quen để đại tá kích thích dòng suy luận của mình.
- Tôi sẽ chọc tuỷ sống vào đầu giờ chiều nay – cuối cùng ông cũng lên tiếng chậm rãi.
- Để làm cái quái gì? – y tá Langtry bật hỏi trước khi kịp kìm nén.
- Này y tá, cô làm ơn nhắc lại!
- Tôi hỏi, để làm cái quái gì? – bày đặt, việc đã làm thì làm cho đến nơi đến chốn chứ. cô đã khơi mào và cô nợ bệnh nhân của mình một cái kết thúc – Thưa sếp, trung sĩ Wilson tuyệt nhiên không có trục trặc thần kinh và sếp biết rõ điều đó. Tại sao anh chàng tội nghiệp ấy buộc phải nhức óc và nằm bẹp giường trong khi hồng hào trước mọi khí hậu và điều kiện sống.
Mới sáng ngày ra, còn quá sớm để đấu với cô ta. Ông vừa trải qua một đêm hơi vô độ với whisky và y tá Connolly, lý do là vì cuộc cãi vã với Langtry tối qua, và ông đã lập một ý định trả đũa nghiêm chỉnh. Một ngày nào đó cô ta sẽ được nhận một kết cục để đời, ông tự hứa đầy nghiệt ngã, còn hôm nay thì chưa phải là ngày ấy.
- Rất tốt, y tá ạ - ông đai giọng, hạ cây bút máy trên tay xuống và gập phắt hồ sơ của trung sĩ Wilson lại – Thế thì tôi khỏi phải chọc tuỷ chiều nay nữa – Ông đưa cô tờ ghi như thể chúng bị vấy bẩn – chúc cô buổi sáng tốt lành.
- Chúc đại tá buổi sáng tốt lành – cô đứng bật dậy đáp rồi quay gót đi ra.
Michael đang ngồi ngóng bên ngoài, khi cô rảo cẳng thật mau thoát khỏi phòng khám để bước ra bầu không khí bên ngoài trong lành ấm áp thì Michael nhào tới.
- Thế thôi à? – Anh vồn vã hỏi.
- Gần như chắc chắn chỉ có thế! Trừ phi anh không phát tác một căn bệnh cột sống kỳ quái phát âm trẹo họng nào đó thì tôi chắc trăm phần trăm rằng đó là lần cuối cùng anh được gặp đại tá Râu Xanh, tất nhiên trừ các cuộc thanh tra khoa và các cuộc tổng tuần tra hàng tuần của ông ấy.
- Đại tá gì kia?
- Đại tá Râu Xanh – cô cười khúc khích – Luce gắn cái biệt danh ấy cho ông ta, hay và hợp quá đi chứ. Tên thật của ông ta là Donaldson cơ. Tôi hy vọng cái biệt danh chế diễu ấy không theo ông về tận phố Macquarie.
- Tôi phải công nhận rằng nơi đây và con người ở đây chứa nhiều sự ngạc nhiên bất ngờ thật đấy y tá ạ.
- Không hơn cái trại lính và tiểu đoàn của anh đấy chứ?
- Vấn đề khó chịu với trại lính và tiểu đoàn của tôi – Michael nói – là chuyện nhẵn mặt nhau, tôi quen nhiều người trong bọn họ bao năm rồi. không phải tất cả chúng tôi tử trận và thương tật. Phải di chuyển địa bàn hay chuẩn bị dàn quân ra trận, phải vận động hay làm lụng gì đó ta mới không còn thấy đơn điệu buồn tẻ. Còn tôi gần trọn sáu năm cuối trú ở hết trại lính này đến trại lính khác. Những trại lính khi thì trên sa mạc bão cát, khi thì phải dầm mưa gió mùa, thậm chí có khi còn dựng trại ngay giữa chiến trường. Luôn là những nơi nóng bỏng. Tôi cứ nghĩ đến tiền tuyến ở Liên Xô, rồi tự hỏi, ở những khoa lính lạnh buốt thì ra sao nhỉ, và tôi thấy rõ mình mơ ước được như thế. Cũng có gì là kỳ quặc nào khi cuộc sống con người ta bỗng chốc đơn điệu quá thì chỉ ước mơ đến những khoa lính khác chứ không mơ được về nhà hay ở bên người thân của mình? Khoa lính là tất cả những gì tôi biết.
- Vâng, tôi đồng ý với anh, điều khó chịu chính của chiến tranh là sự buồn tẻ. Đó cũng là rắc rối chính của X. Với tôi và với những anh bạn kia. Tôi muốn bận rộn với công việc hàng giờ, và muốn đích thân chăm sóc khu X, vì nếu không thế, tôi cũng đến bị troppo mất. Bởi thể chất của những người đàn ông ấy cực tốt, họ hoàn toàn có khả năng làm những công việc nặng nhọc hàng ngày, nhưng họ lại không thể. Vì chẳng moi đâu được việc cho họ làm. Giá mà được, chắc chắn tinh thần của họ đã phấn chấn hơn – cô mỉm cười – Tuy nhiên, đến giờ phút này thì chuyện đó cũng không kéo dài lâu được. chẳng bao lâu nữa tất cả chúng ta ai về nhà nấy.
Trở về nhà không hấp dẫn họ đâu, Michael biết nhưng anh lặng thinh, chỉ sánh bước cùng cô ngang qua khu đất trống.
Trong cô xuất hiện ý nghĩ: thật sánh đôi. Anh không cúi đầu tỏ ý tôn kính cô như Neil vẫn làm, cũng không làm dáng như Luce, không khép nép như Nugget. Nhìn mà xem, phong thái của anh mới tự nhiên và thân thiện làm sao, gần như những người bình thường với nhau. Nghe có vẻ hơi kỳ, có lẽ vậy, nhưng thực ra có lý.
- Anh có nghề gì ngoài đời không, Michael? – cô hỏi, rẽ về hướng khu X, đi vào con đường mòn chạy giữa hai dãy nhà quạnh quẽ bỏ hoang.
- Có. Nông dân trại bò sữa. Tôi có ba trăm mẫu ở Hunter, gần Mainland. Lâu nay vợ chồng em gái tôi sinh sống ở đó nhưng chúng muốn về Sydney hoa lệ kia, cho nên khi nào trở về tôi sẽ làm chủ trang trại đó. Em rể tôi vốn là dân thành phố nhát gan, nhưng bức thiết quá nó mới quyết định thà về quê chăn đàn bò sữa và nuôi lũ gà trống còn hơn phải miễn cưỡng mặc đồ lính và vác súng giết người – Khuôn mặt Michael thoáng nét khinh thường.
- Khu X lại có thêm một đồng hương! Chúng ta chiếm đa số, Neil, Matt và Nugget cũng là dân thành phố, còn giờ có thêm anh, nhóm đồng hương sẽ là bốn người.
- Chị từ đâu đến?
- Bố tôi có một dinh cơ gần Yass.
- Nhưng chị đã từ bỏ nó để lên Sydney, giống Luce.
- Lên Sydney, vâng. Nhưng không giống Luce.
- Chị tha lỗi cho tôi nhé – Anh nhe răng cười, liếc nhanh sang cô.
- Từ giờ trở đi tốt hơn anh nên làm quen với việc gọi tôi là y tá thôi, như mọi người vẫn gọi ấy. Trước sau gì anh cũng như họ thôi.
- Được thôi, tôi sẽ theo ý y tá.
Họ leo lên những gò đất lổn nhổn, đầy cát, thảm cỏ lá to giăng kín, những thân dừa mọc rải rác, lan tới tận mép bãi biển. đến đó họ dừng lại, khăn choàng của y tá Langtry bay phấp phới theo làn gió thoảng. Michael rút thuốc ra cuộn và ngồi xổm tỳ vào gót chân như đàn ông vẫn thường làm cho nên cô cũng ngồi quỳ gót cạnh anh, cẩn thận không để cát len vào trong giầy.
- Chính khi được ngắm cảnh vật như lúc này đây tôi mới không để tâm quá nhiều tới Islands – anh bộc bạch, tiếp tục vê điếu thuốc – Đáng kinh ngạc đấy chứ? Chỉ khi nghĩ mình không thể sống thêM một ngày nào nữa với rêu phong, bùn lầy, mồ hôi, kiết lỵ, ta mới bừng tỉnh, và đó là ngày hoàn thiện nhất mà Chúa ban cho trái đất, hoặc được nhìn cảnh vật thế này, hoặc gì đó sẽ xảy ra khiến ta hiểu được rằng rốt cuộc đời không đến nỗi quá tệ.
Khung cảnh nên thơ quá, một dải cát muối tiêu sẫm dần trải thẳng tắp đến mép nước, đến đây thì sũng nước vì thuỷ triều đang rút, và tuyệt đối quang quẻ. Dường như đây là một bờ của mũi đất chạy dài, vì bên phải tiếp giáp trời và biển, bên trái là vạt đước bốc mùi nồng nồng. nước trong vắt, phớt màu xanh dương, lặng im như tờ, giống như lớp màu mỏng phết phết lên trên nền trắng. Xa xa một dải đá ngầm nhấp nhô và đường chân trời bẽn lẽn ẩn mình sau hơi thở của những cơn sóng bạc đầu trắng xoá.
- Đây là bãi tắm của bệnh nhân – cô nói, vẫn ngồi tì trên gót chân – hàng sáng bãi biển là khu vực cấm bệnh nhân, đó là lý do giờ không có ai ở đây. Nhưng trong tầm từ một giờ chiều đến năm giờ chiều thì nó là của các anh. Chiều tôi không thể đưa anh tới đây, vì từ một giờ đến năm giờ chiều đàn bà con gái không được bén mảng lại gần bãi tắm. Giá mà quân đội phát đồ tắm cho mọi người. Hộ lý và hạ sĩ quan cũng tắm bãi này, cùng giờ với mọi người. Tôi cho bãi biển này là quà tặng của Chúa. Không có bãi biển làm cho cuộc sống có màu sắc, chắc những chàng trai của tôi không bao giờ khá hơn được.
- Y tá không tắm biển à?
- Mé đàng kia là của chúng tôi, tuy nhiên chúng tôi không có được may mắn như các anh đâu. Bà viện trưởng cứ trần như nhộng mà nhào xuống biển.
- Bà già phá đám.
- Các sĩ quan cũng có bãi tắm riêng, rìa địa phận của chúng ta, nhưng được ngăn cách bằng mũi biển nhỏ kia. Bệnh nhân là sĩ quan được phép bơi cả ở đó lẫn ở đây.
- Hội sĩ quan quân y có mặc đồ tắm không?
- Tôi thực sự chưa tính đến việc điều tra chuyện ấy – cô tủm tỉm. Tình thế của cô không thuận tiện cho lắm, nên cô liếc nhìn đồng hồ như một lời cáo lỗi để đứng dậy – Chúng ta nên về ngay thôi. Sáng nay không phải ngày viện trưởng quanh quẩn kiểm tra, nhưng tôi vẫn chưa chỉ cho anh cách gấp màn muỗi. Chúng ta có chừng một tiếng để thực hành trước khi đến giờ ăn trưa của các anh.
- Không mất đến một tiếng đâu. Tôi học sáng dạ lắm – anh nói, tần ngần chưa muốn đi, chưa sẵn sàng ngưng lại cảm giác thân mật gần gũi của cuộc giao lưu thực sự với phụ nữ.
Nhưng cô lắc đầu mất rồi và quay gót đi khỏi bãi biển, buộc anh phải theo sau.
- Tin tôi đi, học cái đó có khi còn mất hơn một tiếng là đàng khác. Không thể nói mình đã thử mọi thứ nếu chưa gấp màn muỗi theo đúng quy định. Giá mà tôi biết chính xác nó thể hiện điều gì, tôi đã khuyên đại tá Râu Xanh là ông ta nên sử dụng bài gập màn của viện trưởng làm bài kiểm tra khả năng thần kinh.
- Ý cô là sao? – anh bắt kịp cô, phủi cát khỏi quần.
- Chắc chắn bệnh nhân ở X không thể làm được. Benedict là một ví dụ điển hình. Bọn tôi đã ra sức dạy anh ta và anh ấy học rất nhiệt tình và nỗ lực, nhưng không thể gập cũng như treo nó lên được, tuy nhiên anh ta còn khéo chán. Tạo được dáng màn độc đáo và đẹp mắt nhất, khác hoàn toàn với quy chuẩn của viện trưởng, duy kiểu gập của bà ấy thì anh ta không thể.
- Co rất thành thật về mọi người, phải không?
Cô dừng bước nhìn anh nghiêm túc.
- Không thể khác được, Michael à. Dù cho anh có thích điều đó hay không, dù anh nghĩ anh hợp với nơi này hay không, dù anh có thuộc về nơi này hay không, thì từ giờ cho đến khi tất cả chúng ta trở về nhà, anh là thành viên của khu X. Và rồi anh sẽ nhận thấy rằng ở đây, chúng ta không thể tiêu hoá cái món nói bóng nói gió.
Anh gật đầu không nói không rằng, chỉ chăm chú nhìn cô như thể sức mạnh phi thường của cô đang tăng, nhưng rõ là trân trọng hơn những gì thừa nhận về cô ngày hôm qua. Lát sau cô mới cụp mi xuống và tiếp tục bước đi, nhưng tản bộ dọc theo đường mòn chứ không rảo bước thoăn thoắt theo thói quen. Cô thích thú với đoạn nghỉ giữa đường, cô còn thích thái độ miễn cưỡng đi tiếp của anh hơn. Thế là cô không phải lo lắng xem cảm giác của anh chàng này ra sao nữa, cô có thể yên tâm coi anh như một người quen biết ngoài xã hội.
Tuy nhiên, chẳng mấy chốc khu X đã hiện ra từ góc quặt của dãy nhà bỏ hoang. Neil đang đứng ngoài ngóng họ. Cô hơi khó chịu, thái độ của anh ta như một người cha quá nóng ruộg chờ đứa con lần đầu tiên được phép đi một mình từ trường về nhà vậy.