Phần VII - Chương 1
Tác giả: Colleen Mc Cullough
Khi Honour Langtry xuống tàu chẳng ai tới ga Yass đón cô, mà điều này chẳng làm cho cô tủi, cô đâu báo tin mình về nhà cho gia đình. Nhớ nhung là một chuyện, gặp mặt nhau là chuyện khác, và cô thích gặp riêng từng người hơn. Cô như đang trở về thời thơ ấu, dường như nó quá xa xăm. Mọi người sẽ đón cô ra sao? Họ nghĩ thế nào? Vậy nên cô cố tránh khoảnh khắc đoàn viên. Cha cô có một cửa hiệu không xa thị trấn, sẽ có người ở đó đưa cô về.
Có người đưa về, nhưng cô chẳng biết ai vào ai, nghĩa là chỉ việc ngồi sau xe mà tận hưởng chăng đường mười lăm dặm trong yên tĩnh. Dĩ nhiên khi đặt chân tới nơi thì cả nhà đều hay tin cô về từ trước rồi, ông chủ hiệu nồng nhiệt giang tay đón cô, nâng bổng cô lên rồi gọi điện báo tin cô đang trên đường về là điều không phải nghi ngờ.
Cả nhà xúm lại ngoài hiên cửa ngóng đợi, cha dạo này phệ hơn và hói hơn, mẹ trông y hệt ngày xưa, cậu em Ian đúng là phiên bản của bố thời trai trẻ lúc còn mảnh dẻ, rồi những cái ôm xiết, những nụ hôn, rồi ngả người ra ngắm mãi không thôi, trầm trồ, bình luận tưởng như không bao giờ dứt vì chưa xong người này đã có người khác xen vào.
Chỉ khi đánh chén xong bữa tối với món bê béo ngậy thì cái không khí hao hao bình thường mới trở lại. Ông Charlie Langtry và cậu con trai đi ngủ vì ngày mới của họ bắt đầu ngay từ rạng sáng, còn bà Faith Langtry theo con gái về phòng riêng, ngồi ngắm con dỡ hành lý. Và tâm sự.
Phòng của Honour bắt mắt và gọn gàng. Tuy nhiên quá rộng và chắc từng rót nhiều tiền của vào đó. Dù tốn kém song không màu mè, rườm rà chút nào, chiếc giường rộng thênh thang tạo cảm giác thoải mái, cả chiếc ghế bành bọc đệm mà bà Faith Langtry đang ngồi cũng thế. Có một chiếc bàn cổ bóng lộn với một chiếc gỗ chạm khắc dùng để làm việc, một tủ quần áo to có gương kín một bên cánh, một bàn trang điểm nhỏ và một ghế nệm không thành.
Khi Honour quay ngang quay ngửa giữa tủ quần áo, các ngăn bàn phấn và những chiếc va ly trên giường, đó là lúc bà mẹ có dịp ngồi ngắm dung mạo con gái. Tất nhiên trong thời gian quân ngũ nó cũng về phép, song lần nào nó cũng nhấp nhổm, vội vàng không đủ thời gian tạo ra những ấn tượng thực sự và lâu dài. Lần này khác, Faith Langtry có thể nhìn con no mắt mà không mảy may bận tâm đến chuyện làm sao cả nhà có đủ nghị lực vượt qua ngày mai hay tương lai sắp tới khi mà Honour lại lao vào chốn nguy nan, Ian đã không thể gia nhập quân đội, nhà cửa đất đai cần đến nó. Còn đứa con gái, Faith Langtry thầm nghĩ, khi sinh ra nó bà chưa bao giờ nghĩ mình lại tống nó vào cuộc chiến. Cô con gái đầu lòng của bà. Giờ đây giới tính không còn khác biệt và quan trọng như ngày xưa.
Mỗi lần nó về nhà họ lại nhận ra những thay đổi, từ nước da vàng nhợt tới vẻ thất thần và những thói quen thể hiện một phụ nữ trưởng thành thực thụ. Sáu năm. Chúa mới biết đích xác sáu năm đó chứa đựng những gì vì Honour chưa bao giờ thích nói về chiến tranh mỗi khi về phép, và nếu ai có hỏi thì nhẹ nhàng né tránh các câu hỏi đó. Nhưng cho dù nó chứa đựng gì thì giờ đây khi Faith Langtry nhìn Honour bà hiểu ra con gái bà đã đi mỗi lúc một xa, vời vợi hơn cả mặt trăng, khỏi cái nơi đã từng là nhà của nó.
Nó gầy quá, điều đó là tất nhiên. Những nếp nhăn hằn trên mặt, song chưa có dấu hiệu bạc tóc. Ơn Chúa. Nó nghiêm nghị mà không hề khắc nghiệt, vô cùng quyết đoán trong đường đi nước bước, mềm mỏng mà gãy gọn. Và cho dù không bao giờ trở thành người xa lạ nhưng nó đã thành người hoàn toàn khác.
Họ đã vui biết bao khi nó chọn nghề y tá chứ không phải là bác sĩ! Chiều con gái, thôi thì cũng đành chấp nhận thế. Nhưng nếu làm bác sĩ thì nó đã ở nhà rồi. Nhìn Honour lúc này, Faith tự hỏi liệu thời gian có thể giúp nguôi ngoai hay không.
Những huân chương vì sự nghiệp, những danh hiệu cao quý – thật kinh ngạc khi có đứa con gái là Hiệp sĩ Đế chế Anh. Charlie và Ian cũng tự hào biết bao!
- Con chưa bao giờ kể cho mẹ nghe về tước hiệu Hiệp sĩ Đế chế Anh của con đấy – Faith hơi trách móc.
- Chưa á? – Honour ngước nhìn ngạc nhiên – Con quên mất đấy. Mọi thứ cứ rối tinh lên. Suốt ngày bù đầu với giấy tờ. Mà cũng chỉ vừa được xác nhận ấy mà.
- Con có bức ảnh nào không?
- Con để đâu không biết – Honour bới trong va ly và lôi ra hai phong bì, một chiếc to hơn hẳn chiếc kia – Đây rồi – cô đi thẳng tới ghế thứ hai ngồi xuống, với thuốc lá.
- Đây là Sally, bên cạnh là Teddy, rồi đến Willa, rồi đến con.. đó là sếp ở Lae…Con ở Darwin này, lúc đó chuẩn bị lên đường nên con không nhớ rõ đâu..Moresby này..Nhân viên y tế ở Morotai…Phía ngoài khu X này…
- Phải nói rằng con rất tuyệt khi đội cái mũ mềm này.
- Nó tiện hơn mũ mạng, có lẽ bởi bước chân vào nhà là lột được nó ra ngay.
- Còn những gì trong phong bì kia? Ảnh nữa à?
Honour khua khua bàn tay như thể phân vân có nên cất cả hai phong bì đi không, và không muốn mở cái kia, cái phong bì to hơn, sau một thoáng ngần ngừ, cô mở ra.
- Không, không phải ảnh…Mấy bức ký hoạ các bệnh nhân của con ở khu X…nhiệm vụ cuối cùng của con đấy, giá mà được như thế.
- Chúng rất ấn tượng – Faith vừa nói vừa ngắm sát từng bức một, còn Honour xem thanh thản, lướt qua khuôn mặt Michael như thể anh ta chẳng có ý nghĩa gì đối với cô hơn những người kia. không biết anh ta sẽ ra sao? Và thật lạ, cô chỉ mong mẹ thấy được những gì cô đã thấy trong lần gặp đầu tiên ở hành lang khu X.
- Ai vẽ đấy? – Faith đặt tranh xuống hỏi.
- Cậu này – Honour đáp, bới tìm ảnh Neil đặt lên trên cùng – Neil Parkinson. Không đẹp lắm. Anh ta thất bại kinh khủng khi vẽ chân dung chính mình.
- Cũng khá đấy chứ. Khuôn mặt cậu ta hao hao ai đó, hoặc có thể mẹ từng gặp khuônó mặt này đâu đó. Anh ta người vùng nào?
- Melbourne. Con nghe nói cha cậu ta từng có tên tuổi.
- Longland Parkinson! – Faith reo đắc thắng – Mẹ đã gặp tay này hồi trước. Cúp Melbourne 1939. Cậu chàng đi cùng bố mẹ, mặc đồng phục. Mẹ đã gặp Frances, mẹ cậu ta vài bận ở Melbourne.
Michael đã nói gì nhỉ? Rằng trong thế giới của cô, cô phải gặp những người như Neil, không phải những người như anh. Khờ thật! Quả tình quãng đời cô có thể quan hệ với Neil lắm chứ. Giá như không có chiến tranh.
Faith lại bới đống tranh, tìm một bức ký hoạ đặt chồng lên bức của Neil.
– Ai đây Honour? Ôi khuôn mặt kia. Kìa đôi mắt ấn tượng! – bà thốt lên say sưa – Mẹ không biết con có ưa cậu ta không nhưng thật là một khuôn mặt lanh lợi.
– Trung sĩ Lucius Daggett. Luce đấy. Anh ta đã bị…đã tự sát không lâu trước khi giải tán Cứ 15 – Lạy Chúa, suýt nữa thì cô nói anh bị ám sát.
– Tội nghiệp chàng trai. Không biết ma xui quỷ khiến gì mà cậu ta phải làm thế? Trông nó…hừm, cứ ngời ngời – Faith trả lại cho cô các bức hoạ - Phải nói mẹ thích xem tranh hơn ảnh chụp. Tay chân người ngợm không thể hiện được con người bằng khuôn mặt, và mẹ luôn phải nheo hết cả mắt lại mà soi những khuôn mặt trên ảnh chụp vì những gì mẹ tìm kiếm phải là những điểm chấm phá. Con quý ai nhất trong bọn họ?
Nỗi khát khao quá lớn không cưỡng nổi, Honour tìm ảnh Michael và giơ bức hoạ cho mẹ xem – Đó. Trung sĩ Michael Wilson.
- Vậy ư? – Faith hỏi và nhìn con gái ngờ vực – Hừm, dĩ nhiên con hiểu họ đến chân tơ kẽ tóc. Đẹp trai đấy, mẹ có thể thấy..Anh ta có vẻ là một tay chững chạc.
Hoan hô Michael! Honour nghĩ. Thế mới gọi là lời nói của một bậc mệnh phụ, người đã từng gặp Neil Parkinson trong các cuộc đua và biết mình biết ta trong xã hội, biết đối tốt với ai đáng được đối xử tốt mà không trưởng giả. Bởi vì mẹ không phải là loại trưởng giả.
- Anh ấy là chủ trại bò sữa – cô đáp.
- Thảo nào toát lên vẻ ruộng vườn – Faith thở dài, vươn vai – Con mệt không?
- Không mẹ ạ, không hề - Hounour để các bức hoạ xuống sàn nhà dưới chân ghế và châm thuốc lá.
- Vẫn không định lấy chồng đi à? – Faith hỏi.
- Không ạ - Honour mỉm cười đáp.
- Phải đấy, thà ở vậy còn hơn cưới vì lý do không chính đáng – Câu này thốt ra với vẻ bất đồng, kiểu nói một đàng ngụ ý một nẻo khiến cô con gái phải bật cười.
- Con hoàn toàn đồng ý với mẹ.
- Mẹ cho rằng con có ý quay lại nghề y tá?
- Vâng.
- Lại về bệnh viện Thái tử Alfred ư? – Faith rõ hơn ai hết câu trả lời khi hỏi liệu con gái có quyết định ở lại mảnh đất Yass nhỏi nhoi này không. Honour luôn thích những nơi làm việc có quyền lực cao.
- Không ạ - Honour ngập ngừng, không có ý định nói tiếp.
- Hả? Thế con đi đâu?
- Con sẽ tới một nơi, một vùng Moriset, để học làm y tá tâm thần.
- Con cứ đùa – Faith Langtry nói gấp.
- Con không đùa.
- Nhưng…thật nực cười! Con là y tá chuyên nghiệp cơ mà. Con có thể tới bất cứ đâu sau ngần ấy kinh nghiệm .Y tá tâm thần ư? Chúa lòng lành. Honour, có khi con còn dám đâm đơn làm nữ quản lý trại giam nữa. Lương cao lắm mà.
Honour mím môi, bà mẹ chợt đối mặt chính diện với một cá tính mạnh mẽ, quyết đoán, chính xác như những nhận định về con gái luôn đeo đẳng bà.
- Đó là một trogn những lý do con sẽ làm y tá tâm thần – cô đáp – trong một năm rưỡi qua con đã chăm sóc nhiều người bị chấn động tình cảm, con nhận ra mình thích công việc đó hơn hết thảy những nhiệm vụ khác thuộc nghề y tá. Rât cần đến những người như con, bởi những người như mẹ nghĩ đến chuyện đó là phát hoảng rồi, mà còn những lý dó khác nữa. Y tá tâm thần gần như không bị gì chi phối, làm nghề đó gần như phải biết nhẫn nhục, thế nên nếu những người như con không tham gia công việc này thì sẽ chẳng bao giờ chuyển biến được tình hình. Khi con gọi điện cho Bộ y tế để lấy thông tin về việc đào tạo y tá tâm thần, cho họ biết mình là ai, đã từng làm gì, họ tưởng con dở hơi. Phải đi hai chuyến gặp trực tiếp thuyết phục họ rằng, con, một y tá lão luyện thực lòng muốn trở thành y tá tâm thần. ngay cả Bộ y tế, cơ quan chủ quản tất cả các bệnh viện tâm thần còn nghĩ nghề đó là canh giữ bọn điên nữa là.
- Chính xác công việc đó là như thế đấy.
- Khi một bệnh nhân bước vào một bệnh viện tâm thần, anh ta đã bước vào một thế giới mà có lẽ chẳng bao giờ rời bỏ anh ta – Honour cố giải thích, giọng cô đầy tình cảm – Những người con từng chăm sóc không điên đến mức ấy, thế nhưng có những mối tương quan trực tiếp khiến con thấy người như con cần phải làm việc đó.
- Honour, con nói như thể đang rửa tội hoặc thuyết giáo cho một đạo giáo nào đấy. chắc là dù xảy đến với con trong chiến tranh cũng không thể bóp méo những phán quyết của con đến mức ấy.
- Con thì cho rằng nói ra điều ấy có vẻ như đã bị nung trong ý thức trách nhiệm – Honour trầm tư, châm một điếu thuốc nữa – Nhưng không phải vậy. Cũng chẳng phải con đang hành xác. Nhưng con sẽ không đầu hàng ham muốn mãnh liệt là được đóng góp sức lực nhỏ bé của mình làm dịu đi những số phận mắc bệnh tâm thần, về phần con đó chính là một triệu chứng tâm thần bât ổn.
- Thôi được, thôi được con ạ - Faith nhún vai – Mẹ sai lầm khi đề nghị như thế. Nào, đừng nóng gáy để nghe mẹ hỏi, có phải con muốn đạt được một cái gì đó cụ thể ngoài việc đó, như một chứng chỉ nữa chẳng hạn?
Honour cười thành tiếng, vẻ tự cao biến mất.
- Con rất sợ mình không đạt được gì khác ngoài những cái đó ra, mẹ ạ. Không cần xác nhận, không cần chứng chỉ, chẳng gì cả. Ngay cả khi hoàn thành khóa huấn luyện, con cũng chưa thành y tá biên chế của bệnh nhân tâm thần đâu. Con vẫn sẽ chỉ là y tá Langtry bình thường. Tuy nhiên, khi được giao phụ trách khoa con hiểu chức danh của con là y tá trưởng Langtry, nói ngắn gọn là y tá trưởng.
- Làm thế nào mà con lần mò ra tất cả chuyện này?
- Con đã tới gặp quản lý Callan Park. Đó là khởi nguồn ý tưởng lên đường của con, nhưng sau khi chuyện trò với nhau, bà ấy tha thiết mời con tới Morisset. Những lời giảng giải rất chính đáng, có vẻ thế, và không khí làm việc tốt đẹp hơn.
- Morisset ư? Gần Newcastle phải không? – Faith đứng dậy bắt đầu đi đi lại lại.
- Vâng. Bên phía Sydney của Newcastle. Cách Sydney khoảng sáu mươi dặm, nghĩa là co nct thoắt sang Sydney khi nào cần đổi gió, và con nghĩ mình sẽ cần thay đổi không khí mọi lúc có thể. Mẹ thấy đấy, con không nhìn nhận việc này qua lăng kính màu hồng. Cuộc sống sẽ rất nhọc nhằn, nhất là trong thời kỳ thực tập. Nhưng mẹ biết không, con thà làm một người học việc để học hỏi được cái mới hơn là gặm nhấm cái bằng PA của y tá chuyên nghiệp, cúi đầu và tuân lệnh cả một lũ người từ quản trị viên doanh trại tới sĩ quan quân y cao cấp tới chỉ huy, rồi phải lẩn những quy định, điều lệ vớ vẩn, cứ năm phút lại bị rối lên một lần. Đơn giản là con không thể làm bộ thản nhiên và lảm nhảm về kiểu sống đã trải qua trong quân ngũ.
Faith vươn tay với hộp thuốc lá của Honour, rút ra một điếu châm lửa.
- Mẹ này, Mẹ đang hút thuốc đấy – Honour nhắc, có vẻ sốc.
- Dào ôi – Faith cười ra nước mắt – Thật là được an ủi khi biết con vẫn còn chút định kiến. Mẹ bắt đầu nghĩ con đang sản sinh ra một loại Sylvia Pankhust đời mới đấy. Con thì hút như ống khói, còn mẹ không được hút ư?
Honour đứng dậy đi tới ôm bà.
- Mẹ rất đúng. Nhưng hãy ngồi xuống đây, hãy thoải mái với chuyện này nhé. Dẫu cho con người ta có nghĩ gì, làm gì, cha mẹ vẫn luôn như thánh sống. Không có những vấp ngã của người đời, không ham muốn tầm thường. Con xin lỗi.
- Đồng ý. Charlie hút thuốc. Ian hút thuốc. Con hút thuốc. Mẹ vừa đi đến quyết định mình đang bị gạt ra ngoài trong giá lạnh. Mẹ cũng vừa làm một ly. Mẹ uống chung với Charlie một ly whisky mỗi tối trước bữa ăn, như thế rất khoẻ.
- Văn minh nữa – Honour mỉm cười.
- Này, mẹ hy vọng tất cả sẽ diễn ra như con mong muốn , con yêu ạ - Faith vừa nói vừa gỡ tay – Mặc dù phải thú nhận mẹ mong sao con sẽ không bao giờ được tiếp nhận ở trại điên nào.
Honour trầm tư trước khi lên tiếng, cô muốn sao những lời của mình thật đáng nói.
- Mẹ ạ, kể cả với mẹ, con thấy không thể nói hết những điều đã diễn ta với con trong thời gian chăm sóc những người bệnh troppo, và con cho rằng sẽ không bao giờ có thể nói hết về họ. Không phải lỗi ở mẹ, lỗi ở con. Nhưng có gì đó quá sâu sắc. Quá đau đớn. Con không muốn khơi lên. Thật vậy. Chỉ có điều không ai có thể hiểu trừ phi đã biết ở khu X là ở thế giới nào. Và để cố giải thích tất cả mọi chi tiết cho mẹ hiểu thì…con không đủ sức. Điều đó giết chết con mất. Thế nhưng nói ra thế với mẹ cũng là được quá nhiều rồi. Con không biết tại sao con nghĩ vậy, nhưng con biết chắc con không dậm chân một chỗ tại khu X. Còn nhiều lối phía trước để đi tiếp. Và nếu con làm y tá tâm thần, con sẽ được trang bị tốt hơn để đối chọi với những chuyện sẽ tái diễn.
- Những chuyện gì có thể sẽ tái diễn?
- Chẳng biết nữa. Có lẽ con có ý niệm trong đầu chứ không có thực tế chứng minh.
Faith dập điếu thuốc, đứng lên, hôn con gái dịu dàng.
- Mẹ phải để con ngủ thôi, con yêu. Thật tuyệt khi có con ở nhà. Chúng ta lo ngay ngáy khi không được biết chính xác con ở đâu, gần chiến tuyến đến mức nào. So với những nỗi lo đó, nghề y tá tâm thần kia chỉ là chuyện vặt.
Bà rời phòng ngủ của Honour về phòng mình, lần tay bật đèn ngủ làm ánh sáng dọi thẳng vào khuôn mặt ngái ngủ của chồng. Ông chớp mắt. ậm ừ trong cổ họng, quay đầu tránh chói. Để đèn sáng, bà trèo vào giường, gục xuống vai Charlie, một tay ấp má ông, một tay lay người ông.
- Charlie, ông mà không dậy tôi sẽ giết ông mất.
Ông hé mắt nhỏm đầu dậy, lùa các ngón tay vào mớ tóc gần như trụi, càu nhàu:
- Chuyện gì vậy? – ông quá hiểu vợ nên không khó chịu. Faith không bao giờ dựng ai dậy chỉ để vui.
- Honour ấy mà – khuôn mặt bà rúm lại – Charlie à. đến giờ tôi mới nhận ra, mãi đến cuộc nói chuyện trong phòng con vừa rồi tôi mới nhận ra…
- Nhận ra cái gì? – giọng ông tỉnh hẳn ngủ.
Nhưng bà không thể kể cho ông ngay được vì nỗi đau khổ và sợ hãi đang xâm chiếm, bà chỉ biết thút thít, cay đắng mãi không thôi.
- Nó đi rồi, không bao giờ có thể trở lại nữa – Mãi sau bà mới nói được như thế.
- Nó đi rồi ư? Đi đâu? – ông ngồi phắt dậy.
- Không phải thể xác. Nó vẫn ở trong phòng nó. Tôi xin lỗi. Tôi không định làm ông hoảng. Ấy là tôi nói về tâm hồn nó, những cái khiến nó cứ đi mãi. Ôi Chúa, Charlie, chúng ta chỉ như trẻ sơ sinh so với nó. Còn tệ hơn chuyện có đứa con gái là nữ tu, ít ra nếu con gái ông làm nữ tu ông còn được biết nó an toàn, thế giới này không động chạm đến nó. Còn Honour có dấu chân của thế giới khắp người nó. Và thế là nó còn to lớn hơn thế giới ở điểm nào đó. Tôi không biết mình đang nói gì nữa, không phải như thế, ông phải nói chuyện với con, đích thân phải gặp nó để hiểu điều tôi muốn nói. Tôi đã sa vào hút thuốc, uống rượu, nhưng tôi nghĩ con Honour sa vào tất cả các mối bận tâm của thế giới này. Thật không chịu đựng nổi. Ông không muốn con cái ông phải chịu đựng như thế phải không?
- Chiến tranh mà – Charlie Langtry an ủi – Chúng ta không được để nó đi.
- Nó có bao giờ hỏi xin phép chúng ta đâu hả ông Charlie? Sao nó lại thế? Nó nhập ngũ khi hai mươi nhăm tuổi. Một phụ nữ trưởng thành. Rồi tôi tưởng đủ già dặn để qua được chuyện đó. Phải, chiến tranh mà.