Chương 6
Tác giả: Colleen Mc Cullough
Đại tá Wallace Donaldson nâng cao cây đèn cầy cố dọi sáng lối mòn dẫn xuống dãy nhà cuối cùng phía xa, thấy nặng trĩu cả tay. Mà quả thực nó có nhỏ nhắn gì cho cam! Thời bình rồi mà góc cuối này vẫn tối đen như mựcm đến mức này mà lão giám thị chưa thèm mắc đèn cho ngoài này có đôi chút ánh sáng! Quả thật phần lớn diện tích của bệnh viện đều trong cảnh ngộ này, vả lại những chỗ đó không người qua lại nên cũng chẳng cần lãng phí điện như sự tương phản sáng trưng bên trong kia.
Hơn sáu tháng nay viện quân y của Cứ 15 giảm người đáng kể trong khi diện tích thì không giảm, khác nào anh chàng béo ị đã giảm cân mà vẫn phải mặc bộ quần áo lùng thùng ngày xưa. Người Mỹ đã khởi công xây dựng bệnh viện này cách đây hơn một năm nhưng rồi rời đi ngay, để lại công trình còn dở dang cả về xây dựng kết cấu lẫn hoàn thiện nội thất cho quân úc trên đường di chuyển về hướng Tây.
Thời huy hoàng, bệnh viện đã nhồi nhét hơn năm trăm thương bệnh binh trong khuôn viên này, ba mươi sĩ quan quân y và một trăm năm mươi y tá quay cuồng như con thoi đến nỗi nghỉ phép trở thành một ước mơ xa xôi hão huyền. giờ chỉ còn dăm bảy khoa có người. Và dĩ nhiên còn khu X, nằm sát bìa rừng dừa, nơi từng đem lại gia tài nho nhỏ từ cùi dừa khô cho các chủ nhân Hà Lan. Trong số ba mươi sĩ quan quân y đó chỉ sót lại năm bác sĩ ngoại và năm bác sĩ nội, cả đa khoa và chuyên khoa, cùng một chuyên gia xét nghiệm duy nhất. Gần ba chục y tá ở dàn trải trong khu tập thể rộng thênh thang.
Là chuyên gia thần kinh, đại tá Donaldson được chỉ định tới khu X khi Cứ 15 đã sang tay người Úc, ông thừa kế một lô một lốc các chàng trai bị sang chấn tình cảm, những kẻ có thể trào lên như bia sủi bọt, rồi lập tức lặn mất tăm, và rồi bị dồn vào khu X.
Trước chiến tranh đại tá Donalson bận ngập mình trong phòng khám phố Macquarie, lăn lộn để trở thành một trong những bác sĩ kỳ cựu danh giá nhất mà cũng thất thường nhất của giới y khoa Sydney. Năm 1937 khi cả thế giới đang vươn mình khỏi cuộc khủng hoảng thì vụ đầu cơ chung may mắn đã đem lại cho ông một khoản tiền để mua được nhà trên phố Macquarie, khi bắt đầu có được danh phận đáng kể tại các bệnh viện tầm cỡ trên bước đường sự nghiệp cũng là lúc Hitler mang quân xâm lược Hà Lan. Ở một thời điểm như thế, mọi thứ bỗng chốc thay đổi, thỉnh thoảng ông vẫn lo, không biết mọi việc có thể trở lại như hồi trước năm 1939 hay không. Từ cái địa phủ được gọi là Cứ 15 này, tầng địa ngục cuối cùng sau một chuỗi tầng địa ngục, dường như không gì có thể trở lại nguyên vẹn như xưa. Ngay cả bản thân ông.
Về kiến thức xã hội, ông thuộc loại tuyệt vời, cho dù suốt thời kỳ khủng hoảng toàn bộ số tiền tích luỹ của gia đình đã cạn kiệt đến mức báo động. Cũng may anh trai ông làm nghê môi giới chứng khoán đã gánh vác trách nhiệm năng nề để vực gia đình lên. Giống như Neil Parkinson, ông nói tiếng Anh không một chút âm Úc, ông học ở trường trung học Newington rồi đại học Sydney, nhưng tất cả những tấm bằng nghiên cứu sinh y khoa mà ông đạt được lại ở Anh và Scotland, còn ông tự hào cho mình là người Anh hơn là người Úc. Không phải ông hổ thẹn việc là người Úc, đơn giản là người Anh thì khoái hơn.
Nếu ông ghét một vật nuôi nào đấy thì người phụ nữ mà ông đang trên đường tới gặp chính là vật nuôi đáng ghét đó. Y tá Honour Langtry. Cô ta cũng bình thường thôi, độ tuổi ba mươi, một y tá chuyên nghiệp nhưng lại không qua đào tạo quân y chính quy, ông thừa biết cô nhập ngũ từ năm 1940 kia, cô ta là người khó hiểu, như một dấu hỏi bí ẩn. cô phát âm cực chuẩn, rõ ràng là phải được học hành đến nơi đến chốn, được đào tạo y tá tại PA (bệnh viện của Thái Tử Alfred), đó thực sự là một bệnh viện đào tạo có tiếng. Nhưng cô không chút kiểu cách kênh kiệu, không thất lễ cũng không bận tâm đến địa vị phục dịch của mình. Nếu có thể trung thực với chính mình, ông phải thừa nhận cô làm ông sợ muốn chết. Ông luôn phải dồn hết trí óc lẫn tinh thần vào các cuộc đối đầu vbcô mới gỡ gạc được thế trận. Cô luôn kết thúc cuộc đấu khi đã dày vò ông một cách nhẫn tâm mà cái trạng thái ấy có thể diễn ra hàng giờ trước khi ông tỉnh táo lại.
Đến cái rèm gió được xâu nút chai bia cũng làm ông phát điên lên. Không một nơi nào ngoài khu X được phép duy trì kiểu đó, còn bà viện trưởng, dẫu ghê gớm ác nghiệt đến thế nào đi nữa thì vẫn luôn dè chừng trong khâu hành động với khu X. hồi đầu, có một bệnh nhân nọ quá ức chế khi phải nghe bà ta lải nhải với y tá Langtry đã giải quyết bà ta bằng một đòn đơn giản nhưng hiệu quả: cậu chàng chỉ việc tóm lấy và xé toạc bộ đông phục trên người bà từ cổ đến gấu, kiểu cuồng lên như thỏ rừng vào mùa yêu đương tháng Ba, sau đó cậu chàng phải lên tàu về Úc luôn, kể từ vụ động trời đó, bà viện trưởng không dám gây hấn gì với những cậu chàng ở khu X.
Ánh sáng nơi cầu thang khiến cái bóng của đại tá Wallace Donaldson hắt xuống dài nghêu, cái dáng dấp nhanh nhẹn hoạt bát của một người đàn ông xấp xỉ ngũ tuần, làn da rắn rỏi đỏ au của người đang yêu. Hàng ria mép muối tiêu được xén tỉa công phu như phần lớn lính tráng, nếu trừ phần ria mép thì da mặt ông được cạo nhẵn nhụi. Khi hạ mũ xuống thì mới là lúc mái tóc ông phô ra, một đường ngôi thẳng tắp giữa hai luống tóc đã ngả màu chuốt dầu bóng mượt, lộ một mảng da đầu, cũng bởi mái tóc ông có dầy dặn gì cho cam mà cũng không được mềm mại cho lắm. Đôi mắt xanh nhạt hơi lồi, nhưng ông vẫn giữ được đường nét của chàng trai đẹp mã thưở nào, những ngón tay thon mềm, vai rộng, bụng thon. Trong bộ quần áo "củ" được may hoàn hảo không chê vào đâu được ông đúng là một người đàn ông oai vệ, còn khi trong bộ quân phục cũng may khéo không kém, trông ông còn nguyên soái hơn cả nguyên soái thật.
Y tá Langtry vội tới đón ông, cô ta dẫn ông về thẳng phòng mình, nhìn ông yên vị trong chiếc ghế dành cho khách mà vẫn chưa chịu ngồi –
một trong những mẹo nhỏ của cô ta đây, ông nghĩ mà bực. Đó là cái kế duy nhất mà cô ta có thể chơi cao tay hơn ông.
- Báo cáo, tôi xin lỗi vì buộc sếp phải lặn lội xuống nơi này, nhưng vì cái anh chàng – cô nâng tập hồ sơ đang cầm hờ trên tay – mới đến hôm nay ,và tôi thực sự chưa nhận được lời nào từ ông, tôi đoán ông chưa biết gì về sự xuất hiện của anh ta.
- Y tá, ngồi, ngồi! – ông bảo cô bằng đúng cái giọng sẽ nói với một con
cún không biết vâng lời.
Cô ngồi phịch xuống ghế thản nhiên như không, ra vẻ ngoan ngoãn như một sĩ quan học viên trong bộ áo jacket quần xám. Hiệp một với y tá Langtry, cô ta như trêu người để ông nổi đoá.
Cô khẽ bày giấy tờ ra trước mặt ông.
-Không, tôi chưa muốn nghiên cứu mớ giấy tờ này ngay bây giờ! – ông phản đối. – Chỉ cần báo cáo ngắn gọn cho tôi nghe toàn bộ.
Y tá Langtry nhìn ông chằm chặp nhưng không tức tối. Sau lần gặp gỡ đầu tiên với đại tá, Luc đã gắn cho ông cái tên lóng – đại tá Râu Xanh – và cũng vì nó quá hợp với ông nên mọi người vẫn dùng cái tên ấy để ám chỉ ông ta. Cô tự hỏi chẳng nhẽ ông biết mọi người trong Cứ 15 gọi ông là đại tá Râu Xanh sau lưng mà không ra đòn gì ư. Ông ta không thể làm ngơ trước cái biệt danh xúc phạm ông đến thế.
- Trung sĩ Michael Edward John Wilson – cô nói đều đều – từ giờ trở đi tôi sẽ gọi anh ta là Michael. Hai chín tuổi, nhập ngũ ngay từ những ngày đâu chiến tranh, chiến trường Bắc Phi, Syria, New Guinea, quần đảo Island. Theo hồ sơ, anh ta đã thamg gia nhiều trận những không có chứng cớ cụ thể nào cho thấy thần kinh không ổn định. Thực tế anh ta là một người lính vô cùng dũng cảm, can trường và xuất sắc. Anh ta đã được tặng bằng khen. Ba tháng trước người bạn thân duy nhất của anh ta tử trận trong một trận chiến ác liệt với kẻ thù, và từ sau thảm kịch đó anh ta rất tư lự.
Không nén nổi, đại tá Râu Xanh bật tiếng thở dài:
- Ôi, hãy quen với nó đi , y tá ạ!
Cô trình bày tiếp không chút mủi lòng.
- Michael bị nghi ngờ rối loạn thần kinh sau một vụ bê bối tại trại lính tuần trước đó, đã nổ ra một vụ xô xát giữa anh ta và một hạ sĩ quan, hành vi quá mất bình tĩnh của cả hai. Nếu không có ai ở đó để kéo Michael ra khỏi tay thượng sĩ của trung đoàn thì hẳn giờ này tay đó đã nằm dưới mấy tấc đất rồi, và câu duy nhất của Michael kể từ sau vụ đụng độ đó là anh ta muốn giết hắn và sẽ phải giết chết hắn. Anh ta luôn lải nhải câu đó dù rằng chẳng có thêm hành động nào nữa. Khi chỉ huy truy xét sự việc thì Michael cương quyết không khai. Tuy nhiên, tay thượng sĩ của trung đoàn đã làm om sòm vụ này. Hắn buộc tội Michael có những hành vi đồng tính với hắn, và đòi mở toà án binh. Hoá ra người bạn đã chết của Michael có quan hệ đồng tính, nhưng vấn đề Michael có dính líu tới chuyện đó hay không thì ý kiến tách lam` hai phe đối lập nhau. Cái tay thượng sĩ ở trung đoàn và những kẻ theo đuôi vẫn cho rằng hai người là tình nhân của nhau, trong khi phần lớn bạn cùng đại đội khẳng định thái độ của Michael đối với người bạn đã chết khia chỉ là bảo vệ nhau và là một tình bằng hữu thuần tuý mà thôi.
Chỉ huy tiểu đoàn hiểu rành rọt về cả ba chiến sĩ, vì tất cả đều ở tiểu đoàn lâu năm, Michael và cậu bạn đã chết cùng có mặt ngay từ những ngày đầu, còn tay thượng sĩ trugn đoàn bắt đầu thamg gia từ trận New Guinea. Và theo ý kiến của chỉ huy thì Michael không nên ra toà án binh vì bất cứ lý do nào. Ông muốn tin Michael đã phải chịu một sức ép tâm lý nhất thời, và ông đề nghị Michael chấp hành một cuộc kiểm tra sức khoẻ, thế rồi các kết quả trong đợt kiểm tra cho thấy tình trạng thần kinh bất ổn của anh, bất cứ điều gì cũng có thể như thế - Giọng cô rõ buồn, nghiêm nghị hơn trước – Thế đấy, họ đã lừa anh ta lên máy bay và gửi thẳng về đây. Nhân viên thừa hành đã chuyển anh ta vào X tự động như thế đấy.
Đại tá Râu Xanh mím chặt môi và thận trọng quan sát y tá Langtry. Cô ta lại giở trò đó nữa rồi, lòng trắc ẩn chính là điều đáng tiếc nhất ở cô ta.
- Tôi sẽ gặp trung sĩ Wilson sáng mai tại phòng khám của tôi. Y tá có thể đích thân dẫn anh ta đến – Ông ngước nhìn bóng đèn leo lét bên trong cái chụp giản dị - Được rồi, tôi sẽ nghiên cứu hồ sơ của anh ta. Mà tôi tự hỏi làm sao cô có thể đọc mọi thứ dưới ánh sáng như thế này được nhỉ…tôi thì chắc chắn không thể - Chiêc ghế bành bỗng chốc trở nên quá cứng ngắc và không còn thoải mái, ông nhổm mông, khẽ đằng hắng, nhíu mày bực dọc vô cớ - Tôi rất ghét những trường hợp liên quan tới phạm trù sinh lý! – ông buột miệng thú nhận.
Y tá Langtry đang uể oải cầm cây bút chì, hai bàn tay nắm cây bút vặn xiết.
- Sếp làm trái tim tôi rướm máu đấy – cô không giấu sự mỉa mai – Trung sĩ Wilson không thuộc về X, thực ra anh ấy không thuộc về bất cứ một loại bệnh viện nào – giọng cô run lên, cô lùa bàn tay thiếu kiên nhẫn vào mái tóc và làm những lọn tóc màu nâu loà xoà khỏi nếp.
- Theo tôi, đây là một màn kịch ẩu và những lời buộc tội hấp tấp vô căn cứ ấy có thể phá hỏng cuộc đời một người lính trẻ, tôi khẳng định nó là vô căn cứ vì rằng bạn anh ta đã chết. Tôi cứ nghĩ mãi không biết lúc này đây anh ta cảm thấy ra sao. Như thể anh ta đang dò dẫm trong đám mây mù dày đặc mà không tài nào thoát ra được, tôi tin thế. Tôi đã nói chuyện với anh ta, tôi biết. rồi ông xem, hoàn toàn không có gì trục trặc, về thần kinh lẫn tình ái, hay bất cứ một triệu chứng nào ông quan tâm. Tay bác sĩ nào ra quyết định đẩy Michael về đây ra đối chất trước toà án binh đi! Từ chối cơ hội để Michael minh oan bằng việc đưa anh ta xuống một nơi như khu X này quả là một điều sỉ nhục đối với quân đội.
Lần nào cũng vậy, đại tá thấy mình không thể xử lý những lời lẽ xấc xược ngang nhiên đến vậy, mà nói chung những người có địa vị cao như ông việc gì phải lôi thôi với chuyện này. Đồ chết tiệt, cô ta dám ăn nói như thể bằng vai phải lứa với mình về trình độ và trí tuệ thế đấy! Có lẽ sai lầm khi trao hàm sĩ quan cho các y tá quân y, cấp bậc cao lẫn quyền tự trị cao mà họ được hưởng ở những nơi như Cứ 15 này nữa. Và những cái mũ mạng ngu ngốc chết tiệt của họ cũng chẳng ích gì. chỉ những bà sơ mới phải đeo mạng, và chỉ những bà sơ mới đáng được gọi là y tá (từ Sister trong tiếng Anh nghĩa là Sơ hoặc y tá).
- Được rồi, cô cứ nói tiếp đi! – ông yêu cầu, giữ một thái độ bình thản và cố tỏ ra thông hiểu – Tôi nhất trí ý kiến hoàn cảnh cô hơi bất bình thường, nhưng chiến tranh qua rồi mà. Chàng trai ấy không được ở đây quá vài tuần đâu. Và y tá biết đấy, anh ta có thể bị ở trong những nơi điều trị tồi tệ hơn cả khu X ấy chứ.
Cây bút chì bay vút trong không khí, nảy trên góc bàn và đổ kềnh xuống mặt bàn đánh cách một tiếng ngay bên đại tá, ông tự hỏi liệu ý đồ của cô ta tốt hay xấu. Xét nghiêm túc ra, cô ta đáng bị báo cáo lên viện trưởng, người phụ trách các y tá ở đây, viện trưởng là người duy nhất được quyền kỷ luật nhân viên y tá. Nhưng vấn đề ở chỗ, kể từ vụ xâu xé bộ đồng phục kia, bà viện trưởng luôn dè chừng y tá Langtry. Làm chủ bản thân nào, nếu ông phàn nàn thì sẽ có một vụ lộn xộn lắm đây!
- Khu X là một nhà tù! – Langtry hét lên, chưa bao giờ ông thấy cô giận dữ đến thế. Thói tò mò của ông bắt đầu nổi lên, số phận của tay trung sĩ Michael Wilson chắc tác động cô ta ghê gớm. hẳn sẽ thú vị khi gặp tay này sáng mai đây.
Cô tiếp tục sôi máu tuôn lời:
- Khu X là một nhà tù! Không ai biết phải làm gì với bệnh nhân, họ lần lượt bị quẳng vào khu X và bị quên lãng! Ông là nhà thần kinh học kia mà. Còn tôi chỉ là y tá sơ đẳng. Giữa ông và tôi không tương đồng về kinh nghiệm và trình độ. Liệu sếp có biết phải làm gì cho những người đàn ông đó không? Tôi thì không, thưa sếp! Tôi cố hết mình, nhưng rồi tôi cay đắng nhận ra rằng không nơi nào được gọi là tốt hết. Mỗi sáng khi đi làm tôi đều phải cầu nguyện – cầu sao cho mình có đủ nghị lực để vượt qua một ngày mà không làm tan nát đời một người yếu đuối ở đó. Thưa sếp, những người của tôi trong khu X xứng đáng được ca ngợi hơn ông hay tôi đấy.
- Quá đủ rồi, y tá! – ông quát, một quầng hồng tía lan cuộn dưới làn da ông.
- Chao ơi! Nhưng tôi nào đã nói hết đâu – cô nói, không nao núng cũng không hung hăng – Chúng ta phải giúp trung sĩ Michael Wilson thoát hẳn, làm gương. Thử cùng nhìn năm nhân vật hiện thời của khu X. Matt Sawyer bị chuyển về đây từ khoa thần kinh khi không thể tìm ra nổi một vùng thương tổn hữu cơ gây mù. Chẩn đoán chứng hysteria. Chính tay ông cùng ký xác nhận ca đó. Nugget Jones lại bị tống vào đây từ khoa ruột sau hai cuộc phẫu thuật bụng NAD cùng tiền sử khiến toàn khoa phát điên với những lời than phiền của anh ta. Chẩn đoán chứng bệnh tưởng. Còn Neil, đại uý Parkinson, con người đó chỉ bị suy sụp, mà ta có thể gọi nó đơn giản là nỗi buồn thì đúng hơn. Nhưng cái người chỉ huy của anh ta cho rằng như thế mới là bảo vệ anh, cho nên Neil cứ phải ngồi lì ở đây hết tháng này sang tháng khác. Chẩn đoán mắc bệnh u sầu vô cớ. Benedict Myanard phát điên thật sau khi đại đội anh ta phát hoả thiêu rụi một ngôi làng, ngọn lửa liếm sạch tất cả trong khi chẳng có tên lính Nhật nào ở đó, thay vào đó lại là những người dân bản xứ, đàn bà, trẻ em và người già. Hồi đó anh ta bị thương nhẹ ở da đầu, những triệu chứng thần kinh bắt đầu phát tác, người ta công nhận anh bị thần kinh vì một cơn chấn động và rồi gửi anh ta về đây. Chẩn đoán mất trí. Tôi hoàn toàn đồng tình với chẩn đoán đó, mà thực tế đúng vậy. Nhưng lẽ ra Ben phải được các chuyên gia ở Úc quan tâm và được nhận chính sách chăm sóc thoả đáng mới phải. Còn Luce Dagget, nói chính xác xem tại sao anh ta ở đây? không một chẩn đoán bệnh gì trong bệnh án của anh ta! Nhưng cả ông và tôi đều hiểu nguyên nhân vì sao anh ta lại ở đây. Vì anh ta đang sống cuộc đời của Riley, kẻ khủng bố sĩ quan chỉ huy của mình, bắt ông ta làm đúng những gì mà anh ta muốn. biết thế mà họ không thể đưa ra lời buộc tội nào và họ không biết làm gì hơn nữa ngoài cái giải pháp đưa anh ta vào khu X cho đến khi mọi chuyện lắng xuống.
Đại tá trượt chân, mặt đỏ nhừ vì cơn thịnh nộ vẫn bị nén chặt trong lòng.
- Này, cô đi quá đà rồi đấy!
- Nói thế mà ông đã cho là quá đáng rồi sao? Xin sếp cho cái hẹn – cô vẫn thản nhiên như không, và đó luôn là thế mạnh của cô.
Tay vịn vào cánh cửa, đại tá Râu Xanh chững lại nhìn cô.
- Mười giờ sáng mai tại phòng khám của tôi cho trung sĩ Wilson, đừng quên đích thân cô phải đưa anh ta đến – đôi mắt ông toé lửa, ông cố nặn một lời thâm thuý nào đó để chọc cô, một câu gì đó thật đau để có thể lột phăng vẻ bề ngoài không thể lay chuyển kia – Để tôi xem xét trường hợp đặc biệt của tay trung sĩ Wilson đã, một người lính mẫu mực thì biết rồi, được đánh giá là dũng cảm, can trường, chiến đấu quên mình trong lửa đạn suốt sáu năm mà lại không được thăng cấp cao hơn một trung sĩ quèn sao.
- Nhưng thưa sếp, không thể tất cả chúng ta cùng làm tướng tá trắng sạch được! Phải có ai đó làm công việc bẩn thỉu chứ - y tá Langtry cười mỉa.