Hồi thứ ba mươi bảy
Tác giả: Khuyết Danh
Trương Bảo thấy Tiết Cương chạy đến thì rất tức giận, truyền quân sĩ bắt lấy. Tiết Cương cả cười, tay đấm chân đá khiến bọn quân sĩ nhào lăn rồi xông tới đánh túi bụi, chẳng mấy chốc Trương Bảo lăn ra chết, máu miệng máu mũi chảy ra từng vũng.Tiết Cương chẳng sợ hãi, ngồi vào bàn ăn uống tự nhiên, khi no say rồi lăn ra đệm gấm ngủ một giấc.
Trương Quân Tả nghe bọn quân sĩ báo tin con mình bị Tiết Cương đánh chết thì khóc ngất, vội vào triều đầu cáo. Lần này Cao tông không thể bệnh vực được nữa, lập tức sai bọn võ sĩ đến hoa viên. Khi ấy Tiết Cương còn ngủ sai như chết nên bọn võ sĩ chẳng dùng sức chút nào đã bắt trói được ngay. Đường Cao tông thấy sát nhân rõ ràng, bất đắc dĩ phải truyền lệnh giam Tiết Cương vào thiên lao, chờ chờ ngay mai sẽ xử trảm. Các tiểu anh hùng tuy chạy về phủ nhưng vẫn cho người thám thính, nghe tin này thì thất kinh hồn vía, vội chạy đi tìm Trình Giảo Kim cầu cứu.
Trình Giảo Kim càng nghe kể càng tức, chỉ mặt từng người mà mắng:
- Hiện giờ đồng liêu của ta người chết người đi xa. Trương Bảo lại là người Võ hậu yêu thương thì dù ta có tâu xin đến mấy thánh thượng cũng chẳng chịu nghe đâu. Các ngươi tự gây họa thì gánh lấy, đừng làm liên lụy tới ta.
Các tiểu anh hùng xúm vào mỗi người năn nỉ một câu nên cuối cùng Trình Giảo Kim xiêu lòng nói:
- Bây giờ chỉ còn một cách “tẩu vi thượng sách”. Vì thế ngay đêm nay các ngươi thu xếp hành trang đợi ở nam môn. Khi nào cướp tù xong thì trốn qua Tây Liêu mà sinh sống, ta sẽ dùng kế cản trở khiến bọn chúng không đuổi theo được.
Ngũ Hổ nghe vậy cả mừng, bái tạ xong lập tức về nhà sửa soạn theo kế thi hành. Ngày hôm sau, sau khi Cao tông thiết triều thì Trương Quân Tả quỳ xuống nhắc lại việc Tiết Cương đánh chết con mình ngay, bất đắc dĩ Cao tông phải phán:
- Tiết Cương đánh chết người thì phải xử tử đền mạng, tuy nhiên nghĩ công lao của các công thần trẫm không truy cứu các người khác.
Phán xong, Cao tông xuống lệnh cho tả đao đến giờ ngọ sẽ thi hành án tử. Ngũ Hổ biết tin thì giấu khí giới trong người, đến trước Ngọ môn tìm chỗ ẩn mặt. Khi bọn tả đao dẫn Tiết Cương đi ngang, Ngũ Hổ liền xông ra chém giết, đuổi quan quân chạy tán loạn, sau đó cởi trói cho Tiết Cương, cùng nhau chạy trốn.
Trương Quân Tả nghe báo thì thất kinh, lập tức điểm mấy trăm ngự lâm quân đuổi theo. Khi ấy các tiểu anh hùng đã vượt qua cửa thành, chạy được một đoạn thì thấy Trình Giảo Kim ngồi bên vệ đường, tay cầm đèn hương chẳng biết để làm gì. Trình Giảo Kim liền giục:
- Các ngươi thẳng đường mà qua Tây Liêu cho mau, đã có ta ở đây cản trở rồi.
Trong khi Trương Quân Tả dẫn quân đuổi theo thì Cao tông mới biết tin, kinh hãi hét lên một tiếng rồi nhào xuống đất băng hà ngay tức thì. Tính ra Đường Cao tông tại vị được hai mươi bốn năm và vì quá ham mê tửu sắc nên chết bất đắc kỳ tử.
Võ hậu chẳng để ý gì đến cái chết của nhà vua, vội vàng sai Võ Tam Tư dẫn ba ngàn quân đuổi theo bắt cho bằng được Tiết Cương. Võ Tam Tư vâng lệnh, dẫn quân qua khỏi cửa nam thì chợt thấy Trình Giảo Kim ngồi ở đó, vội xuống ngựa hỏi han:
- Lão thiên tuế đi đâu mà có một mình vậy?
Trình Giảo Kim thở dốc đáp:
- Lão phu nghĩ mình chẳng còn sống được bao lâu nữa nên cố đến Nam Hải dâng một lần có chết cũng thỏa lòng.
Võ Tam Tư nhân đấy hỏi xem có thấy Tiết Cương chạy về hướng này hay không. Trình Giảo Kim liền đáp:
- Lão ngồi đây nghỉ mệt đã hơn một giờ, nào có thấy ai đâu. Có lẽ bọn chúng chạy qua hướng tây cũng nên.
Nghe vậy Võ Tam Tư liền dẫn quân vòng qua cửa tây.Trình Giảo Kim chờ Võ Tam Tư đi xong, cười ngất rồi chạy theo các tiểu anh hùng, dặn dò mọi việc.
Võ Tam Tư không bắt được Tiết Cương thì liền dẫn quân trở về, cùng Võ hậu lo tẫn táng cho Cao tông, phò con của Lý Vương lên ngôi lấy hiệu là Đường Trung tông, Võ hậu tự xưng mình là Chiêu Nghi thái hậu. Chỉ năm tháng sau, Võ hậu phế bỏ Trung tông, giáng xuống là Lư Lăng vương và đày ra Hồ Quảng, chiếm lấy ngai vàng.
Võ hậu lên ngôi rồi đổi nhà Đường thành nhà Chu, xưng là đại Chu Tắc Thiên, phong cho Vương Hoài Nghĩa làm Ngự thiền sư, Trương Xương Tông làm phò mã, Trương Quân Tả và Trương Quân Hữu là Tả, Hữu thừa tướng. Tắc Thiên lên ngôi xong, nhớ lãi cái chết của Trương Bảo thì rất tức giận, bàn với Trương Quân Tả tìm cách báo thù. Họ Trương còn căm tức hơn, tâu:
- Bệ hạ nhân dịp mừng tân vương, truyền chỉ gọi Tiết Đinh San và gia quyến về triều. Khi đó tha hồ mà báo thù.
Tắc Thiên y tấu. Khi ấy Tiết Đinh San ở Sơn Tây cũng nghe biết triều đình dung dưỡng gian thần làm loạn, giặc giã vì thế nổi lên khắc nơi nhưng chẳng biết làm sao, đành ngồi mà than thở. Chợt có gia đinh vào báo:
- Chúng tôi vừa nghe tin kinh thành có đại biến. Đầu tiên do Tiết tam gia tự vào hoa viên đánh chết Trương Bảo nên bị xử trảm. Sau đó các tiểu anh hùng Ngũ Hổ cướp phạm nhân bỏ chạy khiến thiên tử kinh hãi mà chết. Nay Võ hậu đã lên ngôi, truyền chỉ cho đòi đại vương về triều chắc là lành ít dữ nhiều.
Tiết Đinh San nghe xong bay hồn mất vía, hét lên một tiếng rồi lăn xuống đất bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, Tiết Đinh San thấy ba vị vương phi vây quanh hỏi han thì ứa nước mắt nói ngay:
- Tên súc sinh Tiết Cương đã gây ra đại họa, làm loạn cả triều chính mất rồi.
Tiết Đinh San nghẹn ngào một lúc mới kể hết đầu đuôi. Phàn Lê Huê nghe xong bình tĩnh nói:
- Chắc chắn Võ hậu đòi tướng công về triều là để báo thù, chẳng nên tuân chỉ.
Kim Định thì nóng nảy hơn, đòi làm phản cho biết mặt nhưng Tiết Đinh San gạt đi, nói:
- Cha con ta một đời trung nghĩa thì không thể chống lại chiếu chỉ, huống gì việc ấy là do đứa ngỗ nghịch gây ra, có phải do mình xúi giục đâu mà trốn tránh.
Phàn Lê Huê đánh tay bói quẻ, biết Tiết Cương là Dương Phàm đầu thai trả thù cả dòng họ Tiết, thêm nữa Trương Quân Tả là cháu của Trương Sĩ Quý thì thù hận chưa nguôi nên chắc chắn sẽ tìm hết cách hãm hại. Tuy nhiên Phàn Lê Huê không dám tiết lộ cơ trời, để mặc cho chồng quyết định.
Bốn vợ chồng còn đang bàn bạc thì sứ giả triều đình đã đến nơi, Tiết Đinh San liền sai quân bày hương án tiếp chỉ, sau đó thu xếp cùng ba vương phi lên đường. Vừa đến Trường An Võ hậu lập tức xuống chỉ truyền Võ Tam Tư bắt giam bốn người, lại cho năm trăm quân ngự lâm đến Sơn Tây bắt cả gia quyến, không để sót người nào. Tuy vậy Trương Quân Tả vẫn chưa hết lo lắng , tâu với Võ hậu:
- Hiện giờ còn Tiết Dũng, Tiết Mãnh và Tiết Cường đều là những danh tướng, nếu bọn chúng làm phản thì nguy lắm. Xin bệ hạ xuống chiếu sai người đi bắt thì mới yên tâm được.
Võ hậu y lời, sai Đinh Điện dẫn quân qua Vân Nam bắt Tiết Mãnh, Trần Tiên dẫn quân qua Hồng La bắt Tiết Dũng và Khương Thông dẫn quân ra Nhạn Môn quan bắt Tiết Cường. Tiết Dũng không hề hay biết việc này nên Trần Tiên bắt được rất dễ dàng. giải về đến ải Lâm Đồng thì dừng binh lại cho nghỉ ngơi.
Từ Hiền là cháu của Từ Mạo Công, trước kia đã từng giữ chức thượng thư bộ hộ nhưng sau thấy triều chính điên đảo thì xin từ quan về ẩn ở Hồng La, nghe tin cả nhà Tiết dũng bị bắt thì bàn với vợ:
- Con của Tiết Dũng là Tiết Giao mới lên ba tuổi, nếu chết hết thì họ Tiết chẳng còn ai nối dõi vì thế tôi muốn đem đứa con riêng là Từ Thanh tráo đổi để họ Tiết khỏi bị tận tuyệt.
Vương thị nghe vậy hết sức phàn nàn nhưng Từ Hiền thuyết phục một hồi thì nghe theo bời vì vợ Tiết Dũng chính là em gái Từ Hiền. Vương thị bế Từ Thanh đến ải Lâm Đồng xin được vào thăm Tiết Dũng rồi thừa cơ tráo lấy Tiết Giao mang về. Trần Tiên không hề hay biết việc này, giải hết gia quyến Tiết Dũng giam chung với gia quyến Tiết Đinh San rồi vào triều phục mệnh. Toàn gia họ Tiết gặp nhau thì đều khóc ròng, kể lể nỗi niềm oan ức. Ngục quan là Dư Hoàn nghe vậy hết sức xúc động, về bàn với với vợ là Đỗ thị:
- Dư Vinh là con chúng ta vừa lên ba tuổi nhưng rất hay bệnh hoạn, chi bằng đem đổi lấy Tiết Giao là dòng dõi công thần, sau này có khi được nhờ cậy hơn.
Đỗ thị bằng lòng ngày, vì thế Dư Hoàn liền vào ngục bàn với Đinh San. Vốn đã biết đứa nhỏ ấy là Tư Thanh, Đinh San nghĩ thầm:
- “Như vậy là số mệnh của Từ Thanh không chết, ta đừng cãi lại số trời làm gì”.
Vì vậy Đinh San nói xuôi theo bằng lòng cho Dư Hoàn đổi Dư Vinh lấy Từ Thanh. Đỗ thị mừng rỡ, bế Từ Thanh dỗ dành, mang ra vườn hoa cho nó khỏi khóc. Chợt khi ấy Vương Ngao lão tổ đằng vân đi qua liền nổi trận gió mang Từ Thanh về núi nuôi dưỡng dạy dỗ. Đỗ thị và Dư Hoàn hết sức buồn bã nhưng việc dĩ lỡ rồi đành ngậm miệng, không dám nói ra việc đổi người.
Trong khi ấy Tiết Mãnh ở Vân Nam, một đêm nằm mơ thấy có điều chẳng lành thì giật mình kinh sợ, vội gọi vợ dậy kể cho nghe. Phu nhân cho đó là mộng mị hoang đường nên chẳng để ý tới. Mấy ngày sau có một tên quân tâm phúc chạy vào báo tin Tiết Cương đánh chết Trương Bảo gây thành họa lớn, triều đình đã phái quan quân đến bắt toàn gia về triều xử tội.
Tiết Mãnh nghe vậy bay hồn mất vía, chân tay bủn rủn, ngã lăn ra bất tỉnh. Phu nhân vội cứu tỉnh chồng dậy, hậm hực bàn việc dấy binh tạo phản nhưng Tiết Mãnh không nghe theo, nghẹn ngào nói:
- Họ Tiết ta đã ba đời nay nổi tiếng trung thần, nếu chỉ vì việc này mà làm phản thì danh tiết bấy lâu nay đều mất hết.
Phu nhân nghe vậy khóc ròng:
- Thiếp không cãi lại ý phu quân nhưng Tiết Đẩu còn nhỏ tuổi có tội gì đâu mà phải chết oan ức. Hay là giao nó cho Tiết Hưng mang đi trốn để giữ lại dòng họ Tiết.
Tiết Mãnh gật đầu nghe theo, giao Tiết Đẩu cho Tiết Hưng, gọi bằng nghĩa phụ. Khi Đinh Điện dẫn quân triều đình tới nơi, Tiết Mãnh không chịu nhục nên tự cứa cổ mà chết, phu nhân khóc than một hồi cũng đập đầu tử tiết chết theo. Đinh Điện đành phải cho quân chôn cất hai người tử tế rồi dẫn quân về triều báo mệnh. Võ hậu biết vậy thì bỏ qua, không nhắc tới nữa.
Về phần Khương Thông đến Nhạn Môn quan thì khi ấy Tiết Cường cùng gia binh đi dâng hương ở núi Thái Thành, nghe tin ấy bèn bỏ trốn luôn. Vì vậy Khương Thông không hoàn thành được mệnh vua, phải trở về chịu tội. Trương Quân Tả thấy việc bắt bớ đã đầy đủ, tâu với Võ hậu:
- Hành hình vào ban ngày thường dễ bị cướp pháp trường, xin bệ hạ xuống chỉ cho xử tử toàn gia họ Tiết vào ban đêm mới xong.
Võ hậu nghe theo, xuống chiếu truyền cho quân đến canh tư thì đem họ Tiết gần ba trăm người ra pháp trường xử trảm. Nghe tin ấy Tiết Dũng thưa với cha:
- Phụ thân cùng ba vị vương phi đề là người thần thông quảng đại, chẳng lẽ thấy chết mà chịu bó tay?
Tiết Đinh San thở dài đáp:
- Cái chết đều có ý nghĩa riêng của nó, nếu chết mà được tiếng trung thần hiếu tử thì còn chống đối làm gì?
Tiết Dũng nghe vậy không dám nói nữa. Đêm hôm ấy đất trời sầu thảm, oán khí ngất trời, ba trăm con người đều quỳ xuống đất một lượt chờ cái chết. Đến lúc đó Phàn Lê Huê mới trổ thần thông, niệm chú cởi dây trói rồi đằng vân bay lên mây, làm cho trời đất tối đen lại, giông bão nổi lên cuồng nộ khiến bao nhiêu đèn đuốc đều tắt hết.
Lê Sơn thánh mẫu ngồi trong động chợt thấy động tâm thì liền đánh tay bói một quẻ, khi Phàn Lê Huê dùng thần thông cãi số trời thì hết sức kinh hãi hóa hào quang bay thẳng đến trách mắng:
- Ngươi vì tình riêng mà dám nghịch mệnh, không sợ trời tru đất diệt hay sao?
Phàn Lê Huê nghe vậy rưng rưng nước mắt, thâu phép lại rồi theo sư phụ về núi. Khi ấy Khư Tỳ tổ sư ở động Liên Hoa núi Minh Phụng biết số Dư Vinh chưa chết nên hóa một trận gió đưa về động nuôi dưỡng dạy dỗ. Thấy gió yên mây tạnh, Trương Quân Tả liền truyền kiểm điểm lại, tuy thiếu mất Tiết Giao (Dư Vinh) và Phàn Lê Huê thì không dám tiết lộ, lập tức xuống lệnh chém đầu bằng hết.
Sau khi hành hình xong, Trương Quân Tả vẫn chưa hài lòng vào tâu với Võ hậu cho yết thị truy nà Tiết Cương và phá bỏ Oai Nhinh hầu phủ làm Thiết Ngưu phần cho cả nhà họ Tiết. Võ hậu y tấu, cho Trương Quân Tả tùy ý thi hành. Họ Trương liền sai quân đập phá san bằng phủ Oai Ninh hầu, bỏ ba trăm xác chết xuống đó, lấy sắt đè lên trên đừng cho ai lấy hài cót, đồng thời sai Đinh Điện và Võ Tam Tư ngày đêm mai phục hai bên, hễ Tiết Cương về cúng tế thì bắt giết luôn không cần trình báo.
Trong khi ấy Tiết Cường đang thẳng đường đến Nhạn Môn quan trốn tránh. Khi đi ngang qua ngọn núi Bác Quán thì gặp một toán lâu la chặn đường đòi tiền mãi lộ. Tiết Cường nổi giận, tả xung hữu đột khiến bọn lâu la chẳng sao chống cự nổi, chạy lên báo cho chủ trại là Châu Lâm biết. Châu Lâm vốn có người con gái tên là Kim Phiến công chúa, được tiên gia truyền thụ nhiều phép thần thông lợi hại. Trước khi xuống núi, sư phụ có cho biết sau này Kim Phiến công chúa sẽ có duyên phận với Tiết Cường nên hằng minh ngóng trong lòng .
Châu Lâm nghe lâu la báo tin, lập tức cầm tiêu đao, cưỡi ngựa phóng thẳng xuống núi đánh với Tiết Cường. Được mấy hiệp Châu Lâm đuối sức, vội vàng quất ngựa chạy về sơn trại. Kim phiến đứng trên nhìn xuống, thấy vậy vội giục ngựa chạy như bay, nói lớn:
- Gia gia đừng sợ, có tiểu nhi đến trợ lực đây.
Châu Lâm cả mừng, quay ngựa lại cùng con đánh với Tiết Cường. Thấy mãi không thắng được địch thủ, Kim Phiến nổi giận lấy một bảo bối gọi là Hồng cẩm sách quăng lên, trói nghiến Tiết Cường mang về sơn trại. Khi hạch hỏi Châu Lâm biết Tiết Cường là tổng binh Nhạn Môn quan thì thất kinh hồn vía, vội vàng bước xuống cởi trói xin tạ tội, mời ngồi ghế trên trà nước. Tiết Cường nhân dịp ấy bày tỏ việc nhà, toan tính qua Tây Liêu tìm cô là Tiết Kim Liên để chiêu mộ quân binh về báo thù.
Châu Lâm nghe xong cả mừng, kể luôn việc con gái mình được tiên gia dặn dò duyên phận, xin được gả Kim Phiến cho Tiết Cường để ngày sau thêm người báo cừu cho cha mẹ. Tiết Cường đang lúc cô thân độc mà vâng lời ngay, thành thân với Kim Phiến.
Trong khi ấy Tiết Cương ẩn mặt ở núi Thiên Hùng, ngày đêm vui chơi với Ngũ Hùng chẳng hề biết tin tức gì. Mãi đến khi Hùng Kỳ nghe tin, vội chạy sang Thiên Hùng thì Tiết Cương mới biết, đau lòng đến chết giấc hồi lâu. Khi tỉnh dậy Tiết Cương nằng nặc đòi đến Thiết Ngưu phần cúng tế tạ tội, mặc cho Ngũ Hùng và Hùng Kỳ khuyên can cũng không chịu nghe theo. Tiết Cương thấy đâu đâu cũng có dán giấy truy nã thì không dám ra mặt, ngày ngủ đêm đi. Khi vào chùa tướng quốc xin ngủ trọ, chợt có một sư ông nhận ra, khẽ nói:
- Tam gia thật to gan, nơi nào cũng có họa hình tam gia dám khắp nơi, không thể vào Trường An được đâu.
Tiết Cương nghe vậy rất sợ hãi, đành phải ẩn mặt trong chùa ít ngày. Khi ấy cựu thừa tướng là Ngụy Húc đến dâng hương, nhân lúc ngồi uống trà với sư ông thì rơi lệ thuật lãi việc toàn gia họ Tiết bị gian thần hãm hại. Sư ông liền cho biết Tiết Cương đang tạm lánh mặt trong chùa, dẫn ra cho Ngụy Húc gặp mặt. Khi nghe Tiết Cương quyết phải đến Thiết Ngưu phần cúng tế một lần tạ lỗi với gia quyến thì Ngụy Húc liền nói:
- Ngươi không thể một thân một mình vào Trường An được đâu, chưa thấy Thiết Ngưu phần là mất mạng rồi cũng nên. Tuy nhiên nếu muốn thì ngồi chung một kiệu với ta, đừng cho quân sĩ thấy mặt là được.
Tiết Cương cả mừng, lên kiệu ngồi quay lưng lại, thiết côn để giấu một vên. Ngụy Húc vẫn chưa yên tâm, dặn dò Tiết Cương cẩn thận:
- Khi lọt vào Trường An rồi ngươi đừng đi vội, sắm sửa lễ vật xong thì chờ đêm xuống, dùng thiết côn mà gánh đến Thiết Ngưu phần. Ngươi chẳng nên khóc lóc, cũng đừng ghé phủ của ta mà thêm liên lụy.