Chương 6
Tác giả: Kiên Nguyễn
Sài Gòn. Tháng 5-75
Sau khi Sài Gòn mất, mẹ tôi đem hai anh em tôi trở về ngôi nhà thuê gần công viên. Trong suốt bốn ngày đêm kế tiếp, chúng tôi trốn dưới hầm. Sàn nhà rất dơ và vách được làm bằng những bao cát chất chồng lên nhau. Cuối hầm là một phòng tắm nhỏ được thắp sáng bằng một bóng đèn mờ. Từ đó, một sợi giây điện được nối ra giữa phòng để thắp sáng một bóng đèn trần treo lủng lẳng trên nóc. Tuy nhiên vì tình trạng thiếu hụt điện nên chúng tôi thường xuyên phải dùng đèn cầy. Hàng ngày chúng tôi co người trong hầm, lắng nghe tiếng bước chân và tiếng đập cửa dội lại từ các cửa phòng bên cạnh. Chúng tôi trốn như một gia đình chuột trốn mùa mưa như vậy cho đến khi bị kéo ra thảy vào một hệ thống sinh hoạt mới.
Cả nhà chỉ có mỗi một mình vú Loan là dám đi ra ngoài để tìm thức ăn, nghe ngóng tin tức, và làm những việc lặt vặt cho mẹ tôi. Trước khi ra ngoài, chị luôn luôn thay những bộ đồ đen để có thể hòa đồng vào với dân chúng trong thành phố. Mỗi lần chị ra ngoài, chúng tôi ngồi bên chiếc cửa tò vò chỉ cách mặt đất chừng vài tấc nôn nóng mong ngóng cái hình dáng nhỏ nhắn của chị trở về. Chợ búa cũng chẳng bán buôn gì nhiều. Trong lúc chiến tranh lộn xộn, chẳng ai dại gì đem bán thực phẩm đổi lấy tiền, vì sợ thực phẩm sẽ khan hiếm hoặc nạn lạm phát sẽ gia tăng trong tương lai. Trước đây, chợ búa là nơi trao đổi mua bán, nhưng bây giờ thì tràn ngập những người lính cộng sản. Vì sợ bị nhận diện, vú Loan không bao giờ ở lâu ngoài chợ. Mặc dù những số thực phẩm hiếm hoi chị mang về luôn luôn đã hôi mốc, nhưng nhờ những hiểu biết học được từ trường gia chánh, vú Loan đã chế biến thành những đĩa cơm rau, cùng với nước chấm rất ngon miệng. Chị nấu ăn ở tầng trên rồi mang xuống hầm cho chúng tôi.
Những tin tức chị Loan thu nhặt được thường là tin đồn hoặc là những điều phỏng đoán của những người thiếu thông tin và lầm lẫn. Quan sát các hoạt động của người cộng sản là cách tìm ra cách ứng biến để sinh tồn. Điều trước tiên và quan trọng nhất là phải luôn luôn có cái bề ngoài như người cộng sản. Bị quy kết là đi ngược lại sẽ là một tai họa khủng khiếp. Không ai tin ai, ngay cả những người trong gia đình. Sự lo sợ nhắm vào chính quyền và các viên chức chính quyền mới; còn những người lính cộng sản, đại đa số họ có vẻ thân thiện, nhất là đối với trẻ con. Mọi người ý thức rõ ràng là giới nghiêm bắt đầu từ chín giờ tối, và bất cứ ai bị bắt gặp trên đường phố sau giờ đó có thể bị bắn tại chỗ không cần báo trước. Tin tức một số người bị bắn chết sau giờ giới nghiêm làm cho cả thành phố càng thêm lo sợ kinh hoàng. Để tạo ấn tượng là họ hiện diện khắp nơi, bộ đội Việt Cộng được chia thành nhiều toán nhỏ đóng rải rác khắp thành phố. Nhiều gia đình tự nguyện dâng nhà cửa của mình với hy vọng là những tội lỗi trong quá khứ sẽ được miễn trừ. Phần lớn các đơn vị bộ đội đóng trong các căn nhà bỏ trống, khách sạn, trường học, hoặc các ngân hàng dọc theo đường phố.
Trong cái nhà tù mới của chúng tôi, hai anh em tôi trở thành một mối lo âu khủng khiếp của mẹ tôi. Từ trước giờ, bà luôn tìm mọi cách che dấu chúng tôi, tránh không để cho cái bề ngoài "Mỹ con" của chúng tôi gây nhiều tin đồn, suy diễn, phỏng đoán này nọ. Nhưng bây giờ thì cái áp lực đó vượt quá cái mức chịu đựng của bà. Co mình trong một góc tối của căn hầm, hai anh em tôi nhìn mẹ tôi suốt ngày đi tới đi lui như con thú bị nhốt trong chuồng. Và lần đầu tiên trong đời, tôi tự thấy thù ghét sự khác biệt giữa hai anh em tôi với những người chung quanh mà tôi vốn cũng không ưa thích gì mấy. Tôi muốn nhổ hết tóc tôi, lột da tôi, tháo bỏ đôi giày mắc tiền tôi đang mang trong chân. Tôi cầu xin cho một việc gì đó xảy ra, bất cứ việc gì cũng được để đôi mắt mẹ tôi không còn tràn ngập những mặc cảm xấu hổ, tội lỗi. Nhưng tôi chỉ ngôi thừ ra đó, cứng người trong nỗi sợ hãi và thầm cầu mong cho thời gian qua đi thật nhanh.
Vào một buổi chiều sau hai ngày lẫn trốn, mẹ tôi sai Loan ra chợ mua một số thuốc nhuộm màu đen. Không một lời báo trước mẹ tôi chạy đến chỗ chúng tôi đang trốn chụp lấy chúng tôi bằng những chiếc móng tay nhọn hoắc của bà giống như đang chụp bắt những con gà bị nhốt trong chuồng. Không ngó ngàng đến những tiếng kêu khóc đầy hoảng sợ của chúng tôi, bà kéo lê chúng tôi trên nền xi măng lạnh lẽo tiến về phía phòng tắm. Mặc cho chúng tôi vùng vẩy, giãy giụa, mẹ tôi đổ phẩm đen lên đầu lên người chúng tôi và chà bóp liên tục tưởng như không bao giờ dứt. Tôi vẫn còn nhớ rõ cảnh tôi ngồi thu lu bên cạnh đứa em trai trong phòng tắm, hai bàn tay nhỏ xíu cố che lấy chiếc ngực trần. Mẹ tôi chà xát thật mạnh mà không nói một lời càng làm cho chúng tôi thêm hoảng sợ. Chúng tôi la khóc vì thuốc nhuộm làm rát da thịt. Bà chồm tới với đôi mắt ngây dại và những ngón tay nhọn chỉa thẳng vào mặt chúng tôi.
"Ngậm miệng lại! Con trai không được khóc." Bà đổ thêm thuốc nhuộm lên người chúng tôi.
Chúng tôi không cách nào có thể vâng lời bà được nên vẫn khóc. Cuối cùng ông ngoại tôi chạy vào giang tay tát vào mặt mẹ tôi. Chỉ vào bóng hai anh em chúng tôi phản chiếu trong tấm gương, ông ngoại tôi hét lên:
"Ngưng ngay cái hành động khùng điên đó lại. Thử nhìn coi mấy đứa con của mày có ra hình thù gì không? Mà cái việc khùng điên đó có giải quyết được gì không?"
Mẹ tôi nhìn vào gương và đứng sững người. Trong gương là hai khuôn mặt bé thơ lem luốt phẩm đen và những giòng nước mắt chảy dài đang ngó lại bà. Khuôn mặt mẹ tôi đỏ nhừ, hai tay run rẩy, tràn ngập nét oán hờn làm mẹ tôi trông giống như một mụ phù thủy ác độc. Nhìn thấy hình ảnh chúng tôi trong gương, mẹ tôi bưng mặt khóc.
Mẹ tôi quỳ gối xuống dùng mu bàn ta chùi những vết nhuộm trên mặt hai anh em tôi. "Mẹ xin lỗi hai con." Bà nói dịu dàng.
Hình ảnh người đàn bà loạn trí làm chúng tôi thất kinh hồn vía lúc nãy không còn nữa, và tiếng mẹ tôi thì thầm vào tai chúng tôi: "Mẹ không thể thay hình đổi dạng cho các con được. Mẹ không có cách nào. Các con đừng khóc. Lỗi tại mẹ. Mẹ không biết cái gì đám ám mẹ nhưng mẹ hứa là từ nay sẽ không để ai hại các con nữa. Bao lâu mẹ còn sống thì không ai có thể hại các con được."
Cả ba mẹ con ngồi ôm nhau khóc cho đến khi nước mắt cạn đi. Chiều hôm ấy mẹ tôi có một quyết định. Sau khi bảo hai anh em tôi lên lầu, bà tụ họp mọi người trong gia đình lại để bàn chuyện.
Từ trên tầng trên, hai anh em chúng tôi rán lắng tai nghe những lời bàn chuyện của người lớn bên dưới, nhưng chẳng nghe được gì nhiều, ngoại trừ tiếng của ông ngoại tôi vang vang. Tôi chưa bao giờ nghe ngoại tôi giận giữ đến như vậy. "Không được. Ba cấm con không được làm như vậy, nguy hiểm lắm. Con điên rồi sao... "
Mẹ tôi kéo Loan sai chị đi ra ngoài rồi tiếp tục tranh luận với ông tôi chừng một tiếng đồng hồ nữa. Cuối cùng khi mẹ tôi xô mạnh cánh cửa bước ra ngoài, tôi còn nghe tiếng ông ngoại tôi đuổi theo sau:
"Đừng kéo con Loan vào chuyện này. Nó còn nhỏ, chưa quyết định được đâu."
"Ba không thấy là cả hai đứa con không còn con đường nào khác hay sao?" Mẹ tôi đáp trả.
"Nếu vậy thì chờ đến khi chúng ta về nhà rồi tính. Con không nên quyết định hấp tấp lần nữa trong ngày hôm naỵ"
Mẹ tôi bước vào phòng tắm và đóng sầm cửa lại. Lát sau, vú Loan về đắt theo một bà già mà chị bảo là đang đứng chờ ngoài cửa.
Từ tầng trên hai anh em lặng lẽ nhìn bà già đang đứng trước cửa nhà, tay mân mê chiếc bọc mang ngang ngực chờ vú Loan trở ra. Mặt bà đầy những nếp nhăn, lưng khòm xuống thành ra lúc nào cũng như đang nhìn xuống đất. Tóc bà thưa và bạc trắng. Khi biết chúng tôi đang nhìn, bà rán nở một nụ cười làm cái miệng móm không còn chiếc răng nào của bà trông giống như một cái lỗ đỏ lòm. Hai anh em có cảm tưởng như bà là một nhân vật trong truyện cổ tích, sắp sửa ôm cán chổi bay vào trong không gian.
Vú Loan trở ra có mẹ tôi theo sau rồi cả hai dắt bà già xuống hầm.
"Có phải bà là người thứ hai cần tôi giúp, trừ cô gái này?" Bà già hỏi "Bà có chắc là bà chỉ mới có thai ba tháng không. Nhìn bụng bà tôi nghĩ là phải hơn... "
Mẹ tôi quay lại ra dấu cho bà già im lặng. Vẻ mặt hai người không giấu được sự lo lắng. Bà già bước vào phòng đặt chiếc bị trên người xuống đất rồi thở ra nhẹ nhỏm. Trông thấy ông bà ngoại tôi đang đứng nhìn ở cửa hầm, bà ta gật đầu chào.
Vú Loan giới thiệu bà già với chúng tôi:
"Đây là bà Tâm, bà mụ duy nhất dưới phố hiện naỵ Bà được mọi người ngoài chợ tín nhiệm và giới thiệu cho chúng tạ Con có cho bà biết là chúng ta không phải là người ở đây, không quen biết ai nên bà đồng ý giúp."
"Thôi được rồi, đừng có giới thiệu dài giòng nữa. Chúng ta phải làm nhanh lên, tôi còn mấy vụ nữa đang chờ dưới phố. Tôi phải làm cho kịp trước giờ giới nghiêm." Bà nói vội vã. "Sao các người sẳn sàng chưa?" Rồi bà chỉ hai anh em tôi. "Tóc của hai đứa nhỏ này bị gì vậy?"
"Không việc gì đến bà." Mẹ tôi nói với vẻ bồn chồn. "Để tôi đem mấy đứa hỏ này lên lầu cái đã."
"Không cần đâu. Chẳng có gì cho chúng nhìn thấy đâu. Tôi chỉ cho bà một ít thuốc để uống. Sẽ có kết quả trong vòng tám giờ. Và ngày mai thì bà không còn phải lo gì nữa cả."
"Nếu vậy thì đưa thuốc đây."
Bà già lục tìm trong chiếc bao mang theo trao cho mẹ tôi hai hộp gỗ nhỏ, chạm trổ một cách thô sơ hình hai con rồng đang ôm một viên thuốc bọc sáp bên ngoài. Bà già trịnh trọng đặt hai con rồng xuống nền nhà như hai báu vật.
Rồi bà ngườc lên nhìn mẹ tôi với một vẻ mặt đầy ưu tư:
"Tôi biết bà không thích tôi nhắc lại câu hỏi lúc nãy, nhưng tôi không thể không hỏi được. Tôi làm cái nghề này thì phải lo cho thân chủ. Bà có chắc là bà chỉ mới có thai ba tháng? Bởi vì bà trông như đang mang bầu sanh ba, hoặc là cái thai là thai voi. Cô kia... " Bà ta chỉ vào vú Loan. "Cô ta uống thứ thuốc này thì không sao cả. Thấy không, cô ta chưa có bụng có dạ gì cả. Còn bà, tôi không biết được."
Đứng tựa lưng vào cửa hầm, ông ngoại tôi lên tiếng:
"Con gái tôi chửa bốn tháng rồi."
"Tôi biết mà. Tôi phải nói cho bà biết, trường hợp của bà có thể thuốc không có hiệu quả gì." Bà Tâm lắc đầu. "Ngoài ra còn rất nguy hiểm."
Mẹ tôi chận ngang:
"Bà đừng lo cho tôi. Tôi không có cách nào khác, bà thông cảm chọ Tôi không thể có thêm con được nữa. Bà cứ trao viên thuốc chết tiệt đó cho tôi."
"Tùy bà." Bà Tâm rùn vai. "Đây là hai hộp cho hai người. Bên trong là một viên thuốc màu đen. Tối nay, cứ ăn cơm như thường lệ, rồi trước khi đi ngủ thì uống viên thuốc này. Sáng mai thức dậy cái thai sẽ bị trục ra. Dĩ nhiên là có đau đớn và ra máu, đừng lo lắng lắm về chuyện đó. Còn hỏi gì thêm không?"
"Một viên thôi? Bà nghĩ như vậy là đủ cho trường hợp của tôi không? Tôi có nên uống hai viên không?"
"Bà? Tôi cũng nghĩ vậy. Còn cô gái kia một viên là quá đủ."
"Cho tôi thêm hai hộp."
"Như vậy thì nhiều quá đó bà."
"Không sao. Cứ đưa thuốc cho tôi."
"Tốt!" Bà Tâm thở dài. "Tùy ý bà, nhưng dĩ nhiên là sẽ phải thêm tiền."
"Tôi sẽ trả đủ cho bà liền. Nhưng bà cho tôi biết có phản ứng phụ gì không nếu tôi uống thêm liều?"
"Dĩ nhiên rồi." Bà Tâm gật đầu.
"Thì nói ngay đi, cái mụ già này."
"Bà còn hỏi gì nữa. Thêm thuốc thì thêm chất độc, thêm chất độc thì ra máu nhiều hơn, đau đớn hơn. Bà muốn thì tôi bán cho, tuy nhiên bà nên suy nghĩ cho kỹ càng. Tôi không cản bà được mà tôi cũng không bảo đảm là thuốc này sẽ có kết quả cho bà. Trong suốt thời gian tôi làm nghề này, tôi chưa hề bán thuốc cho những người chửa quá ba tháng, vì ai cũng nghe lời của tôi, chỉ trừ có bà. Thành ra đừng có hỏi tôi việc gì sẽ xảy ra cho bà. Việc gì xảy ra cho bà tôi không chịu trách nhiệm đâu. Tôi đã cảnh cáo bà trước mặt già đình bà rồi. Bà uống thì rán mà chịu. Hiểu chưa?"
"Khuôn... " Bà ngoại tôi lên tiếng.
"Không sao đâu má." Mẹ tôi nói. "Con biết con đang làm gì mà."
"Có đúng không con? Có đúng con thực sự biết con đang làm gì không con?" Ông ngoại tôi lên tiếng hỏi với vẻ chán nản.
"Tất cả là bảy chục đồng cho bốn hộp. Tôi bớt mười đồng lấy hên cho bà." Bà già đứng lên ôm chiếc bọc vào ngực.
"Cảm ơn." Mẹ tôi nói trong khi trả tiền cho bà già.
Không ai nói lời nào sau khi bà Tâm đi khỏi. Bốn hộp thuốc vẫn còn nằm trên mặt đất, với hàng chữ lóng lánh vàng nghệch ngoặc: "Ô Kim". Phía dưới một hàng chữ khác nhỏ hơn: "Chỉ dùng cho đàn bà."
"Loan lấy một hộp." Mẹ tôi nói với vẻ quả quyết. "Để ba hộp kia lại cho tôi."
"Dạ, thưa bà ."
"Em có nên suy nghĩ lại không Loan?" Mẹ tôi nói với người tớ gái. "Em có quyền giữ cái thai lại nếu muốn. Em không nhất thiết phải làm những việc giống như tôi. Tôi có lý do riêng phải làm như vậy."
"Thưa bà chủ, em biết. Nhưng em cũng có lý do riêng của em. Em sẽ uống viên thuốc này."
"Vậy thì tùy em. Chúng ta như vậy là đồng hội đồng thuyền. Thôi, lấy hộp thuốc rồi đi lo cơm chiều." Mẹ tôi thở một hơi dài. Vú Loan cầm hộp thuốc đứng dậy đi khuất vào cánh cửa. Ông bà ngoại tôi trở lại chỗ góc hầm như thường lệ không nói thêm lời nào.
"Mẹ!" Tôi gọi mẹ tôi sau khi mọi người đi hết.
Mẹ tôi hơi giật mình, ngước lên nhìn tôi chờ đợi.
"Chuyện gì vậy mẹ? Mấy cái hộp này để làm gì vậy mẹ?"
"Không phải chuyện của con."
Từ một góc hầm, ông ngoại tôi chen vào:
"Tại sao không nói cho nó biết. Đừng có giấu nó. Nó cũng có quyền được biết những việc làm của mẹ nó chứ. Giải thích cách nào cũng được chứ đừng có nạt ngang như vậy. Nó không ngu đâu."
"Ba đừng có chen vô chuyện này." Mẹ tôi nói với ông tôi một cách giận dữ, rồi quay sang tôi: "Không có gì đâu con. Mọi chuyện đều tốt đẹp. Những cái hộp này dành cho người lớn. Mẹ uống thuốc này sẽ làm cho mẹ khỏe hơn và nhỏ lại. Không đau đớn gì cả. Con hiểu không?"
"Nó có làm cho em bé đau không mẹ?"
Mẹ tôi ngồi bệt xuống sàn nhà run lên bần bật như bị một luồng điện cực mạnh chạy xuyên qua người. Rồi bà chồm dậy, chụp lấy vai tôi, đẩy tôi sát vào bức tường bao cát sau lưng. Bà cúi xuống nhìn sát vào mắt tôi, nghiến răng: "Mày biết gì về mấy viên thuốc này hả cái thằng lõi mất dạy? Nghe cho rõ đây. Không có em bé nào trong bụng mẹ cả nghe chưa. Ai cũng tưởng là mẹ có em bé nhưng không phải vậy. Mấy viên thuốc này là thuốc bổ, làm cho tao khỏe ra để có sức mà nuôi cái lũ chúng mày. Mày mà hở ra cho ai biết chuyện này là tao giết mày, nghe rõ chưa? Đi ra ngoài chơi, đừng có hỏi lăng nhăng nữa. Liệu hồn cái miệng mày."
Tôi gật đầu không dám nói gì thêm và cảm thấy những móng tay của mẹ tôi lỏng dần ra trên vai. Những vết bầm do móng tay mẹ tôi gây ra hằn trên da thịt tôi suốt đêm hôm đó.